[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


19 tháng 11 2011

Bối cảnh lịch sử thời Tổ khai cơ

Phần lai lịch dòng họ, Gia phả (bản phiên âm) dòng họ tôi có chép: “Nguyên tiền công quán tại Tiên Lãng huyện, Đăng Lai xã[1] (kim cải Phương Lai) sinh nhất nam, nhất nữ. Sở ngộ gia bần niên cơ, thuỷ tương tử nữ vãng An Lão huyện, Phương Lạp[2] xã trú cư toạ độ hoạt y…”. Tôi cố gắng lần tìm cái thủa “gia bần niên cơ” ấy ra sao hầu đoán định được Thượng tổ tôi sang mở đất ở nơi mà sau này thành quê quán của chúng tôi từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào?. Muốn tính ra được thời điểm đó, việc đầu tiên là cần tìm hiểu về bối cảnh vùng này cách đây 250-300 năm (12 đời).
Ngược dòng lịch sử cho thấy thời kỳ nửa cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX  thời kỳ mà nạn đói, dịch bệnh và phong trào nổi dậy của nông dân ở khắp nơi. Đây là thời vua Lê chúa Trịnh, hay thời Lê mạt, trong 2 đời vua Lê là Lê Ý Tông (黎懿宗, 1719 – 1759) và Lê Hiển Tông (显宗, 1717 – 1786), 3 đời chúa Trịnh là Trịnh Giang (鄭杠, 1711 – 1762), Trịnh Doanh (鄭楹, 1720 – 1767)và Trịnh Sâm (鄭森,1739 – 1782.
1. Chính sự suy vi, chiến tranh kéo dài
Từ khi tạm ngưng chiến tranh với họ Nguyễn và dứt được việc cát cứ ở Cao Bằng của họ Mạc (thời Mạc Kính Vũ 莫敬宇) vào năm 1667, các chúa Trịnh là Tây Định vương Trịnh Tạc (鄭柞, 1606 – 1682) và Định Nam vương Trịnh Căn (鄭根, 1633 – 1709) ra sức củng cố thế lực ở Đàng Ngoài dẫn đến tình trạng Trịnh Nguyễn phân tranh 鄭阮紛爭 kéo dài gần 200 năm (1627-1774).
Năm 1729, An Đô vương Trịnh Cương (鄭棡, 1686 – 1729, chắt Trinh Căn 鄭根, 1633 – 1709) mất, con là Trịnh Giang lên thay, tức là Uy Nam vương . Từ khi Trịnh Giang cầm quyền, chính sự Bắc Hà bắt đầu suy. Giang giáng vua Lê Duy Phường (黎维祊, 1709 – 1735) làm Hôn Đức công năm 1732 rồi giết, đưa anh Duy Phường lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông (黎純宗, 1699 – 1735). Không chỉ vua Lê, các đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn vốn có uy tín với đời trước cũng bị giết hại tình hình trở nên rối ren, chính quyền ra công chống đỡ nhưng ít hiệu quả. Tuy chăm lo đến chính sự hơn anh nhưng Trịnh Doanh (鄭楹, 1740-1767) lại quá tả khi cho đốt hết sách vở, thu nhặt hết chuông khánh ở các chùa chiền để đúc binh khí dẹp loạn. Điều đó đã góp phần không lấy lại được lòng dân, mặc dù trước đó quần thần và dân chúng đã ủng hộ nhiều chính sách của Chúa. Sau khi Trịnh Doanh mất, do loạn cung đình thời Trịnh Sâm (鄭森), 1767-1782), Trịnh Cán (鄭檊, 1777 – 1782, ở ngôi 2 tháng) mà đất nước càng rối ren dẫn đến việc Trịnh Khải (鄭楷, 1763 - 1786) bị Tây Sơn bắt, phải tự tử. Từ đó thế lực Lê-Trịnh dần suy tàn, dẫn đến tận diệt. Về đời sống tâm linh, bên cạnh đạo Phật, đạo Nho vốn được truyền sang từ lâu đời, bắt đầu từ 1533 đời Lê Trang Tông (黎莊宗, ở ngôi: 1533-1548) đạo Thiên chúa giáo đã được truyền tới vùng này. Các đời Chúa Trịnh luôn cấm đoán gắt gao việc này, điển hình là Trịnh Tạc (1663), Trịnh Căn (1696), Trịnh Doanh (1754)…Do đó mâu thuẫn lương-giáo ở nhiều vùng rất căng thẳng.
2. Thuế khóa nặng nề, đói dịch liên miên, xóm làng xơ xác
Chúa tiêu dùng xa xỉ, buộc phải tăng thuế, sưu dịch. Phép “Quân điền” thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn. Nhưng từ 1699 đặt phép “Bình lệ”, đánh thuế theo xuất đinh suốt cả đời lại thêm sự chiếm đoạt ruộng đất của địa chủ; chế độ tô thuế (điền thổ, thuế thân, thuế tuần ti, thuế muối, thuế thổ sản, thuế chợ...). Rồi lại đặt ra lệ “Thông kinh”, ai cần thi chỉ nộp 3 quan không qua khảo hạch nên trường thi biến thành chợ thi. Sưu dịch nặng nề, quan lại tham nhũng và thiên tai liên miên và do hậu quả chiến tranh nên đời sống người dân rất thấp.
Nông dân luôn bị thiếu đói, cực khổ, phải “tha phương cầu thực”, bỏ làng xã ra đi tìm nơi đất hoang, vắng chủ khai phá, gieo trồng. Lịch sử từng ghi nhận: Từ cuối niên hiệu Vĩnh Hựu đời Lê Hiến Tông (1735-1740), trộm giặc các nơi nổi dậy, vùng Hải Dương càng nhiều hơn, dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trữ ở làng xóm hầu như hết sạch; chỉ có vùng Sơn Nam còn hơi khá một chút. Dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no, dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nổi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau; số dân còn lại mười phần không được một. Những làng vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ. Lúc ấy, làng xóm tiêu điều tan tác, tính theo số xã thì nhân dân phiêu tán nhiều nhất có đến 1.730 làng, phiêu tán vừa có đến 1.961 làng. Tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 2 (Tân Dậu 1741) đời Lê Hiển Tông (黎顯宗, 1717 – 1786), dân Hải Dương bị đói, triều đình bèn hạ lệnh lấy thóc trong kho chia ra phát chẩn cho dân phiêu tán ở tứ trấn; trong kinh kỳ cũng cứ 10 ngày phát chẩn một lần.
Nghiêm trọng nhất trong giai đoạn này là nạn đói năm 1681. Nạn đói bắt đầu ở trấn Hải Dương sau lan dần ra khắp Đàng ngoài. Sử cũ chép: “Dân bỏ cả cày cấy, thóc lúa dành dụm trong xóm làng đều hết sạch, duy có Sơn Nam còn khá hơn. Dân lưu vong bồng bế nhau, dắt nhau đi kiếm ăn đầy đường… Dân phần nhiều sống nhờ vào rau, quả, đến nỗi ăn cả chuột, rắn”. Riêng ở vùng Hải Dương, “Ruộng, vườn đã biến thành rừng rậm, những giống gấu chó, lợn lòi…sinh tụ ra đồng. Những người dân sống sót phải bóc vỏ cây để đun, bắt chuột đồng để ăn”. Theo lá thư của Lefro gửi cho Bandin thì “… mùa này tháng Mười (Âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa]…”.
Nạn đói kéo dài, khủng khiếp ấy đã làm nhiều người chết, người sống sót, phần bị bắt lính, phần không còn kế sinh nhai phải bỏ xóm làng, đồng ruộng đi kiếm ăn khắp nơi, cố gắng dùng sức lao động còn lại, hợp quần khai phá đất hoang, ruộng bỏ hóa ở các làng, xã cửa biển, ven sông trồng khoai, cấy lúa cứu đói.
3. Lòng người ly tán, loạn lạc khắp nơi
Đồng thời do “bần cùng sinh đạo tặc”, trộm cướp nổi khắp nơi, lòng dân ly tán và do “tức nước vỡ bờ” người nông dân đã đã nổi dậy khởi nghĩa, chống lại triều đình.
Trong đó đáng kể và liên quan đến xứ Đông là anh em Nguyễn Tuyển 阮選, Nguyễn Cừ 阮蘧 (là hậu duệ của họ Mạc, đã chuyển họ) phối hợp với Vũ Trác Oánh 武卓瑩 nổi dậy ở Ninh Xá (1739-1741). Đặc biệt lớn mạnh nhất là khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (阮有求, 1741-1751), tục gọi Quận He đã từng chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn, Trà Cổ, làm chủ cả vùng ven biển Đông Bắc, tự xưng Đông đạo Thống quốc Bảo dân Đại tướng quân. Triều đình phái Hoàng Ngũ Phúc (黃五福, 1713–1776), Phạm Đình Trọng (范廷重, 1714 - 1754)[3] đàn áp mãi mới yên.
Song khắp nước vẫn luôn trong cảnh binh đao: họ Trịnh mất nghiệp Chúa (1786), nhà Hậu Lê 黎後 bị diệt (1788), triều Tây Sơn 阮西山 được 4 năm (1788-1802) thì thuộc về nhà Nguyễn (阮氏, 1802-1945). Tuy đất nước đã quy về một mối nhưng các mặt nông, công, thương,... đều suy đốn và đình trệ, làm cho các tầng lớp nhân dân mà đại bộ phận là dân lao động nghèo lâm vào cảnh sống ngày càng cơ cực, tình hình ngày càng thêm rối ren. Nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ, nạn những nhiễu của giới quan lại, chế độ thu tô thuế và lao dịch khắc nghiệt, thêm vào đó là nạn thiên tai và ôn dịch xảy ra luôn...đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, càng làm bùng lên làn sóng đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp nhân dân nghèo đói ở khắp mọi miền chống lại chế độ cai trị của nhà Nguyễn. Trong đó vùng ven biển Bắc Bộ có khởi nghĩa của Phan Bá Vành (bắt đầu: 1821?, kết thúc: 1827), Lê Duy Lương (khởi phát: 1832, kết thúc: 1837 hoặc 1838)...liên quan nhiều đến các bậc tiên liệt Lương tộc Chiến Thắng.
4. Trong cảnh khó, kiên gan tìm đất mới
Sau thế kỷ XVII chiến tranh Lê - Mạc (南北朝, 1533-1592) đã qua, nhưng cuộc tranh chấp Trịnh – Nguyễn (鄭阮紛爭, 1627-1774) còn gay gắt. Chế độ hà khắc, thuế khóa nặng nề, sưu dịch phiền nhiễu, lòng dân ly tán và loạn đảng khắp nơi, chiến tranh liên miên, triều đình không rảnh tay lo mở mang, kiến thiết lại thiên tai liên tiếp (các trận bão, lụt giữa thế kỷ XVIII) đã đẩy dân nghèo (trong đó có Thượng tổ họ Lương Cao Mật) càng cơ cực phải phiêu cư bạt tán kiếm kế sinh nhai, trốn tránh giặc giã và quan lại cường hào.
Trong khi đó, vào khoảng thế kỷ XV, XVI vùng đất mà ngày nay là xã Chiến Thắng bên tả ngạn Văn Úc, do cách không xa cửa biển là mấy nên là bãi bồi, đầy vũng trũng, sú vẹt. Khi nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) lập kinh đô ở Nghi Dương (宜阳, nay là quận Kinh Dương) đưa tre từ Thanh Hóa 清化 ra, qua cửa Đại Bàng vào, tập hợp dân đóng kè, quai đê lấn biển, lấp vũng lầy, lập nên làng ấp, trong đó có các làng vùng Cao Mật. Lâu dần, dân bồi đắp, khai phá, thau chua rửa mặn thành đồng lúa, làng xóm. Nhưng vẫn còn hoang thưa lắm. Trong và ngoài đê còn nhiều chỗ trũng phù sa chưa bồi lấp đầy, nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt chưa được cải tạo thành ruộng[4].
 Như thế, bối cảnh đất nước loạn lạc, người dân cơ cực từ thời Lê Thuần Tông (黎純宗, 16991735) qua thời Tây Sơn (西山朝,1778 - 1802)đến thời Nguyễn Gia Long (阮嘉隆, 1802-1820) là nguyên do chính dẫn đến việc Phạm Đình Khanh 范廷牼 từ Ân Thi[5] rời bản quán tìm nơi khởi nghiệp, lập ra dòng họ Phạm 范族 của mẹ tôi, Lương Công Trạch 梁公宅 từ Tiên Minh vượt Văn Úc sang nơi còn lắm đất hoang lại cận sông, gần đường cái quan sinh cơ lập nghiệp,  lập ra dòng họ Lương 梁族 nơi đây[6].
Tổ tiên, lớp con cháu sau này, khi đến đất mới đã không coi mình là dân ngụ cư 寓居 mà sớm hoà đồng cùng với dân cũ họ Nguyễn 阮族, họ Mai  chung sức thau chua rửa mặn biến vũng lầy, bãi sú thành ruộng, thành vườn; vượt đất, trồng tre lập làng, lập xóm xây dựng nên khu vực xã Chiến Thắng ngày nay.
-Lương Đức Mến-

[1] Vùng Đăng Lai 登來 (sau cải là Phương Lai 芳來), huyện Tiên Minh 先明, trấn Hải Dương 海洋  nay thuộc xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
[2] Chứng tỏ cuốn Gia phả đó được viết sau 1880 bởi trước đó thông tôi là xã Hương Lạp 芗粒, tổng Cao Mật, huyện An Lão chứ chưa mang tên Phương Lạp. Tuy đều có nghĩa là “thơm” nhưng “Phương” là mùi thơm của “cỏ chi”, chứ không phải mùi thơm của hoa, lúa gạo nói chung như “Hương” .
[3] Nếu Phạm Đình Trọng này là con cháu cụ Phạm Công Quý   và là cùng đời với cụ Tổ bên mẹ tôi là Phạm Đình Khanh thì Thượng Ngoại tổ của tôi là Lương Công Cảnh 梁公景 đã đầu quân dưới trướng Phạm Đình Trọng. Vì để đánh Nguyễn Hữu Cầu, lịch sử ghi rõ: Phạm Đình Trọng đã mộ quân ở Thanh Hòa, Tứ Kì, Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo nay), Thượng Hồng đặt làm 4 cơ.
[4] Địa danh Cao Mật (高密= Bãi đất cao, rậm rạp, liền kín) và tên dòng sông (文郁 = sông quanh co ven bờ cây cối sum sê, um tùm, rậm rạp) đã chỉ rõ điều đó.
[5] Huyện Ân Thi 恩施 thuộc tỉnh Hưng Yên 興安, trước vốn có tên là Đường Hào 唐豪 là quê hương của tướng quân Phạm Ngũ Lão 范五老 (1255 - 1320).
[6] Cũng chính bởi vậy mà các bậc Tổ Chi không mấy đỗ đạt và việc định cư nơi đất mới được truyền lại không rõ ràng chắc do Gia phả thất lạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!