Đang nằm viện vì "cơn đau quặn thận" lúc nửa đêm thì được vợ báo: “Bố chồng chị Lương Thị Thọ mất và gia đình có ý cho 2 cháu làm thủ tục cưới chạy tang” tôi liền bật dậy: “Không, không thể ở đây được”!
Không phải tôi không đồng ý cảnh “Cháu ông lấy cháu bà” mà lúc này với hai cháu chưa hội tụ đủ điều kiện để “cưới chạy tang”, nếu tiến hành sẽ "Lợi bất cập hại"!.
1. Thế nào và vì sao lại có “cưới chạy tang”?
Có thể hiểu “cưới chạy tang” là việc tổ chức Hôn lễ trong tình trạng gấp gáp khi trong gia đình có người thân sắp mất hay vừa mất. Lại có cách hiểu đó là đám cưới gấp để hóa giải “hình”, “khắc”, “xung” của đôi trẻ.
Thực chất “chạy tang” là dịch nghĩa của “奔喪”, trong đó “奔” âm Hán Việt đọc là “bôn” trong tiếng Hán có nghĩa là: “Chạy vội, là Cưới xin không đủ lễ” còn “喪” âm Hán Việt đọc là “tang” có nghĩa là: “Việc tang”. Như vậy “Bôn tang”, tức “cưới chạy tang” là . Đây là trường hợp các cụ xưa bảo là “Ưu hỷ trùng phùng” 憂喜重逢, tức vui và buồn dồn vào một lúc.
Có việc này là bởi theo “Thọ Mai gia Lễ” thì trong Ngũ phục 五 服 nếu có “Đại tang” 大喪 con cái phải “tử sự phụ mẫu” 子事父母, để tang thờ 3 năm, đời sau giảm bớt còn 2 năm 3 tháng (sau lễ giỗ đại tường 2 năm, thêm 3 tháng). Gặp Đại tang con cái mặc áo không có gấu gọi là “trảm thôi” 斬衰 nếu Cha mất và áo có gấu gọi là “tư thôi” 齊衰 nếu mẹ mất. Đồng thời trong thời gian đó con cái không được tiến hành “Hỷ sự” 喜事.
Như vậy con cái phải chờ lâu, đặc biệt những trường hợp “ăn cơm trước kẻng” hoặc với những gia đình bố mẹ đều yếu, ông bà lại già dễ có nguy cơ chưa hết tang ông đã lại tang bà, hết bên nhà trai lại bên nhà gái có khi kéo dài mấy năm. Lúc đó việc chờ “đoạn tang” là bất khả kháng. Do vậy với những đôi sắp tổ chức đám cưới gặp trường hợp có “tứ thân phụ mẫu” ốm nặng, hấp hối hay vừa tắt thở thường tranh thủ đám cưới để khỏi chờ đợi. Việc này cũng nuôi hy vọng từ hỷ sự mà người bệnh vui lòng, đỡ bệnh hoặc nếu có chết cũng mãn nguyện vì thấy con cháu có gia đình, bản thân đã hoàn thành nhiệm vụ với đời.
Người mắc “nan y” không thể qua khỏi, người chết thì không thể sống lại nhưng đôi trẻ thì cứ phải lấy nhau theo quy luật cuộc đời, để xây dựng hạnh phúc, duy trì giống nòi. Đó là hợp với quy luật, với vòng sinh diệt của Trời đất. Cố chấp tuân thủ chữ “Hiếu” sẽ mất chữ “Tình” là cực đoan, khổ cho đôi trẻ và thiệt cho gia đình! Do vậy “cưới chạy tang” đời nào, ở đâu mà chẳng có.
2. Điều kiện “cưới chạy tang”:
Thời trước “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” khác, thời nay hôn nhân tự nguyện nên có những yêu cầu khác hơn.
Điều đầu tiên không mong muốn là trong nhà có ông, bà, cha, mẹ bệnh trọng khó qua khỏi hay hấp hối hoặc đã tắt thở. Điều không mong này vẫn xẩy ra mà chẳng ai biết trước, bởi “Sinh hữu hạn, tử vô kỳ” 生有限死不期.
Về đôi lứa và gia đình đã sẵn sàng tổ chức đám cưới cả về tinh thần (nhất trí đi tới hôn nhân, hai bên thông cảm), pháp lý (chính quyền đã công nhận) và vật chất (sắm sanh vật dụng cho đôi lứa, cỗ bàn...).
3. Cách thức tiến hành:
Khi đã đủ điều kiện đôi bên nhất trí thì cần nhờ người, phân công cụ thể từng phần việc, cho cả việc cưới và việc tang.
Với người hấp hối cứ cấp cứu, nếu không qua khỏi hoặc đã mất thì cứ đặt nằm trên giường, đắp chăn chiếu lại, chưa tiến hành các thủ tục khác của Tang lễ. Cụ thể chưa làm thủ tục khâm liệm, nhập quan và nhất là chưa được làm lễ thành phục. Khi đó, trong nhà chưa ai được khóc, coi như cha (mẹ hoặc ông bà) vẫn đang ngủ hay nằm dưỡng bệnh.
Trong khi đó, hai gia đình chuẩn bị gấp và cũng làm đủ lễ ăn hỏi, xin dâu, vu quy, đưa dâu, đón dâu, yết cáo gia tiên, thành hôn. Song hai nhà cần thông cảm cho nhau đừng cứ phải chấp nê "xem ngày, chọn giờ" và cố gắng tiến hành sao cho đơn sơ về lễ vật, giản lược về thành phần và rút gọn về thủ tục. Chú ý tránh ầm ĩ, kéo dài, nhất là nhạc hát, nhẩy múa, con cháu, các bạn trẻ nô đùa ầm ỹ nhưng cũng đừng ỉu xìu quá đôi trẻ tủi thân.
Công việc cưới, gả xong xuôi, khách dự hỷ sự đã ra về, nếu việc tang ở bên nhà gái thì phải chờ Lễ Thành hôn bên nhà trai kết thúc và gia đình nhà trai, nhất là đôi trẻ nghỉ 1-2 giờ cho lại sức mới tổ chức việc tang. Khi đó Ban tổ chức lễ tang 治喪委員會 mới bắt đầu công việc của một đám ma đang dang dở. Đó là cáo phó, làm lễ phát tang. Cô dâu chú rể mới, đã trở thành thành viên của gia đình, chịu tang theo “ngũ phục” như mọi con cháu khác.
4. Hiệu quả của việc “cưới chạy tang”:
Những điều ghi trên kia là biên tập từ sách ra và tích cóp từ lời truyền khẩu trong dân gian. Phải nói rằng tuy chưa biết gì đến “lập trình” nhưng giải pháp cổ nhân đưa ra trong tình thế đó quả là giải pháp tối ưu, đạt được “Ưu hỷ trùng phùng” cho gia đình, đặc biệt đỡ lỡ việc cho đôi trẻ, giúp chúng có cơ hội tránh được lỗi: “Vô hậu kế đại” (H:無後繼代,A: Without posterity, P: Sans postérité). Nhưng không phải tất cả mọi người dễ đồng thuận ngay, đó là điều đương nhiên.
Các đôi “cưới gấp” như vậy có hạnh phúc không và hậu vận họ ra sao chưa thấy tài liệu nào tổng kết. Thực tế đã gặp mấy trường hợp như vậy thấy cũng sinh đủ “nếp, tẻ”, gia cảnh mỗi người mỗi vẻ chả khác mấy so với những đám rinh rang đủ 6 lễ trong hôn sự theo lệ: “Lục Lễ bất chi, trinh nữ bất xuất”.
5. Trở lại chuyện cháu tôi:
Nguyễn Văn gọi tôi bằng cậu từ năm học lớp 10 (2002-2003) lên nhà tôi học. Năm học 2005 đi THPCCC từ 10/2007 công tác tại PC23 Công an tỉnh Lào Cai, tháng 11/2009 nhập học chuyên tu Đại học PCCC. Phạm Thị Kim là con em gái ruột vợ tôi lên nhà tôi học từ năm học 2004-2005. Cháu đỗ vào học Đại học Tài chính và Tốt nghiệp tháng 7/2011, về thử việc tại thành phố Lào Cai.
Đứa học trường THPT số 1, đứa học trường THPT Chuyên nhưng cùng ở nhà tôi nên biết nhau. Khi cháu Kim học Đại học những năm cuối hai đứa đã yêu nhau. Đúng dịp cháu Kim Tốt nghiệp Đại học bố cháu bị K Thực quản và ông nội Hiến lâm trọng bệnh nên cần phải “chạy đua với thời gian” may mới kịp. Thăm dò ý kiến 2 cháu và 2 gia đình thấy đều thống nhất tôi bảo cháu Kim làm Lý lịch và hướng dẫn cháu Văn báo cáo nhà trường. Nếu không có gì trục trặc thì 19/9 Tân Mão (thứ Bẩy ngày 15/10/2011) hai cháu sẽ làm thủ tục bước đầu tiên.
Nhưng đột ngột ông cháu Văn mất vào 13/10/2011 nên trở tay không kịp. Bởi: Việc xác minh Lý lịch đã xong nhưng chưa có kết luận của tổ chức; cháu Kim lại đang thời kỳ thử việc nên không thể tiến hành nghi lễ cưới hỏi được, dù hai cháu và hai gia đình đều mong muốn tiến hành!.
Không thể làm một việc vừa lòng vài người mà ảnh hưởng đến sự nghiệp, tương lai hai cháu. Tôi phân tích kỹ và cả hai bên và những người liên quan đều nhất trí. Đám tang cụ Nguyễn Văn Phúc được tổ chức trọng thể. Tôi “trốn Viện” cùng vợ xuống chia buồn với tang chủ. Cháu Kim cùng đi với danh nghĩa cháu tôi và bạn của cháu Văn, gia đình cháu Kim viếng cụ với danh nghĩa em tôi. Ngồi đến 23 giờ đêm cơn đau có nguy cơ tái phát, tôi về nhà Bí thư Chi bộ nghỉ. Một lát đỡ vừa lúc Ban Lễ tang thông qua Điếu Văn vị lão thành Cách mạng 40 năm tuổi Đảng. Điếu văn đã nêu được công trạng của Cụ nhưng thấy thiếu phần nói về sự trưởng thành của con cháu, số các chắt và lời hứa của ngời đang sống. Tôi góp ý, vị Bí thư nghe và tôi đã sửa trực tiếp vào bản dự thảo. Mỏi lưng quá, tôi không ngồi gõ máy được đ/c Bí thư sang nhờ một Cô giáo nhà bên, Lúc đó vừa 2 giờ sáng ngày 14/10/2011.
Tối hôm đó tôi đã thống nhất với chị Thọ và chú ruột cháu Văn là: sau 49 ngày ông nếu tổ chức đồng ý và bố cháu Kim vẫn chống cự được với bệnh tật sẽ đặt vấn đề tiến hành hôn sự. Nhược bằng... phải đợi tối thiểu sau giỗ đầu...Thôi thì "Bụng hai nhà cứ vững là yên"!
Đúng là “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên” !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!