[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 6 2011

Tìm hiểu về: HỢP TỰ và vấn đề HỢP TỰ NGÀY NAY

Xưa nay, việc thờ cúng thường do con Trưởng hoặc cháu Đích tôn đảm trách. Những dòng họ giữ được Gia phả thì không những thờ cúng Đệ Nhất đại Tổ 第一代祖 mà có khi còn thờ cúng cả Đức Nguyên Tổ 元祖 , Triệu Tổ: 肇祖, Thuỷ Tổ 始祖 hay Thượng Tổ 尚祖. Như vậy con cháu đời càng cao thì số lượng các cụ Tổ cần thờ cúng càng nhiều và mỗi Cụ lại được nhiều người, nhiều Chi phái cùng thờ cúng. Chính từ thực tế đó cổ nhân đã đặt ra “Hợp tự”.
1. Về ngữ nghĩa:
“Hợp” có nghĩa là “góp lại” còn “tự” có nghĩa là tế. Như vậy “Hợp tự có nghĩa là rước tiên linh các đời vào thờ chung trong nhà thờ của Đại tôn hay của từng Tiểu chi”.  Việc này còn gọi là Hợp kỵ 合忌 hay Hợp tế 合祭.
2. Nghi thức hợp tự cổ truyền:
Ai cũng có cha, có mẹ; ngược lên cha mẹ mình cũng lại có cha mẹ (tức ông, bà mình), rồi 4 ông bà cũng có cha mẹ (tức các cụ mình) và 8 cụ lại có cha mẹ, thành 16 kị. Như vậy, tính lên cho đến đời thứ 10, thì chúng ta đã có 1024 tổ tiên trực hệ! Theo thời gian, cháu Đích tôn càng về sau càng có trách nhiệm thờ cúng Tổ tiên nhiều đời với rất nhiều người, nhiều ngày! Lại biết rằng tuy thành ngữ “Vô vật bất linh” 無物不靈 dùng để chế giễu những ông quan tham nhũng, nếu không có lễ vật trọng hậu mang đến cho quan thì công việc không xong nhưng cũng là nói về việc cầu cúng, không có lễ vật thì cầu không thiêng. Như vậy nếu mỗi người đều được cúng đúng vào ngày mất (Chính kỵ 忌日) thì nghiễm nhiên việc hiếu lại gây tốn kém về thời gian và tiền của của con cháu, đặc biệt là trưởng Nam.
Ngày xưa, khi chưa có ảnh, mỗi khi thân nhân mất gia đình đều lập một Bài vị  (H:簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt) còn gọi là Thần chủ: (H:神主, A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort) hay Linh vị (H:靈位, A: The tablet of the death, P: La tablette du mort) để đặt lên bàn thờ thờ cúng. Theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” 五代埋唇主 đến 5 đời thì chôn thần chủ đó và thực hiện việc tống giỗ . Nói là “ngũ đại” nhưng thực ra chỉ cúng 4 đời: con làm giỗ cha mẹ (Hiền khảo, Hiền tỷ); cháu cúng giỗ ông bà (Hiền tổ khảo, Hiền tổ tỷ); chắt cúng giỗ cụ ông, cụ bà (hay cố, Hiền Tằng tổ khảo, hoặc tỷ) và chít cúng giỗ kỵ (Hiền Cao tổ khảo, hoặc tỷ).
Cao hơn kỵ gọi chung là tiên tổ, thì không cúng giỗ nữa, mà rước chung tất cả Thuỷ tổ, Tiên tổ các đời vào chung một nhà thờ mỗi năm tế một lượt. Khi đó chôn Thần chủ các cụ đời 6 và rước vào nhà thờ Tổ. Trong nhà thờ tổ chỉ để duy nhất có một ngôi Thần chủ cao nhất. Đó là Thần chủ của Thuỷ tổ hoặc Tổ bậc cao nhất của nhà thờ chi đó gọi là "Vĩnh thế thần chủ" 永世唇主.
Trên nguyên tắc đó, không nhất thiết là ngày kỵ của Tổ mà nhiều dòng họ chọn một ngày phù hợp để con cháu tề tựu cúng kỵ Tổ tiên 5,6 đời về trước và thường là ngày giỗ cụ Tổ khai sáng hay có công lớn với dòng họ, quê hương.
Ví dụ dòng họ tôi: Nội Tổ Lương Công Nghệ mất ngày 19 tháng 5 năm (?), được con cháu suy tôn là Đệ Nhất Đại Tổ họ Lương ở Cao Mật và tưởng niệm bằng nhiều hình thức để ghi nhớ và tri ân vị Tổ khai sinh ra dòng họ. Nhưng ngày đó đúng vào dịp thu chiêm, cấy mùa bận rộn của nhà nông nên khó tập trung đông đủ. Hơn nữa theo nguyên tắc “Ngũ Đại mai Thần chủ五代埋唇主 thì 5 đời tống giỗ và đều dồn vào “Chạp” hết, không nhất thiết phải cúng vào ngày kị. Do đó quan viên họ đã lấy ngày kị của Thượng Ngoại Tổ làm ngày Chạp Tổ. Thân phụ tổ tỉ là Lương Công Cảnh 梁公景 quê ở Quan Bồ 關蒲, Tiên Lãng. Trong họ truyền rằng: Tổ thường được cử đi dẹp giặc, có công với nước. Một lần, trước khi xuống thuyền trên sông Văn Úc, Người dặn: Nếu Cụ không về thì nhớ ngày này làm ngày Giỗ. Và lần ấy cụ bị trận vong. Sau này cả họ lấy ngày Tổ ra đi đánh trận không về (Rằm tháng Giêng) là ngày Chạp Tổ. Việc đó vừa linh thiêng tưởng niệm người có công, vừa đúng tháng hội hè, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của cháu con. Tuy nhiên Bài vị 牌位 Bách thế bất diêu chi chủ 百世不祧 支主 ở Từ đường vẫn là  Lương môn lịch đại tổ tôn thân Thần chủ 梁門歷代祖宗唇主 (tức Thần chủ các đời của tổ tiên họ Lương) của Nội Tổ 梁皋密肇祖 梁公宅.
3. Hợp tự ngày nay:
“Hợp tự” gộp chung việc tưởng niệm ngày mất của các bậc tiền nhân nhiều đời lại để cũng giỗ chung thay cho từng giỗ một rất có ý nghĩa thiết thực, có tính khả thi cao trong xã hội xưa. Nhưng lệ đó cũng bộc lộ nhưng vướng mắc mới. Đó là chỉ dòng đích mới được thờ và phối thờ tại Từ đường 祠堂 và con cháu dòng này thừa kế trông nom việc thờ cúng. Các dòng thứ (đời nào cũng có) muốn thờ cúng cha ông mình lại xây một Từ đường mới 宗堂. Như vậy, theo thời gian số Từ đường sẽ tăng nhiều và ở nơi quê gốc thì mật độ sẽ quá dầy, bất khả thi.
Khắc phục tình trạng trên, trong thời hiện đại, nhiều nơi tiến hành hợp tự vào nhà thờ họ (Đại tôn Từ đường). Theo đó, những người mất, dầu dòng đích hay dòng thứ, thuộc chi trên hay chi dưới…sau khi hết vòng tang, đều được rước Linh vị từ nhà con trai Trưởng vào thờ ở nhà thờ chung của họ. Tại đây Linh vị xếp theo thứ tự trên dưới (đời càng xa càng ở trên cao) và nguyên tắc “Chiêu mục” (lẻ tả, chẵn hữu). Ý nghĩa của việc sắp xếp này là con cái ở dưới cha mẹ, cháu chắt về với tổ tiên, tượng trưng sự đoàn tụ ở cõi âm. Đồng thời việc này sẽ huy động đựoc quan viên họ chung tay xây dựng Từ đường, mua sắm tế khí và Nhà thờ họ thực sự trở lên ấm cúng, nơi quy tụ, gắn bó mọi thành viên trong họ.
Mỗi khi đến ngày giỗ người nào, con cháu thắp nhang xin phép Tổ rồi đưa linh vị người đó vào giữa hàng đời của người đó. Khi việc cúng giỗ xong lại xếp Linh vị về vị trí cũ.
Nhưng sau một thời gian tụ cư quanh nơi quê gốc, con cháu tản đi nhiều nơi và hình thành các chi phái mới. Người ở xa, hoặc ở gần nhưng do kinh tế khá giả, cháu con đông nên cúng riêng mà không hợp tự. Điều đó cũng không trái thuần phong mĩ tục.
Ví dụ trước kia là bố tôi, nay anh em tôi thực hiện việc giỗ ngành và các Cụ nhà tôi tại Lào Cai, chứ không hợp tự về Từ đường ở quê dưới Hải Phòng. Chúng tôi còn tổ chức giỗ Tổ vào Rằm tháng Giêng. Trong đó dịp giỗ năm Bính Thân  (丁亥年 正月大 丙申日, tức là vào Thứ Bẩy, ngày 03 tháng 03 năm 2007), đại diện 15 hộ Lương tộc trên Lào Cai tiến hành việc Giỗ vọng 望拜 thủy tổ Lương tộc 粱皋密肇祖 粱公宅 tại nhà bố mẹ tôi ở thôn An Phong. Những người dự họp đã nhất trí sẽ cùng Cung tiến từ đường Lương tộc tại quê bức Hoành phi mang dòng chữ 海德山功 (“Hải Đức Sơn Công”). Nghĩa là “Công Đức Tổ tiên dài cao như núi, rộng sâu như biển. Trong đó vừa có chữ “Công”, chữ ”Đức” là tên lót trước kia và hiện nay của dòng tộc, lại có chữ “Hải” chỉ nơi quê gốc, chữ ”Sơn” chỉ một phái con cháu khai hoang ở Lào Cai. Công việc hoàn thành vào 16/5/2007 (30/3/Đinh Hợi). Các chi ở quê cử đại diện đón nhận trang trọng.
Ngược lại, trường hợp các ngành giỗ tổ riêng nhưng ngày giỗ tổ gốc vẫn về dự giỗ. Ví dụ ngành Lương Hoàn ở Phương Hạ, Chiến Thắng có Nhà thờ họ riêng, giỗ tổ Ngành (Cụ Lương Công Thiệu: 第四枝宗  梁公劭) vào Mồng Tám tháng Hai nhưng Rằm tháng Giêng vẫn theo giỗ Tổ Thượng tại Từ đường.
 Việc họ cốt ở cái tâm, sự tự nguyện, lòng thành. Việc giỗ vọng hay tổ chức giỗ luân phiên từng nơi có lẽ cũng khởi nguồn từ đây!
Ngày 01 tháng Năm Tân Mão.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!