Đất nước nào cũng qua một quá trình hình thành, củng cố, mở rộng, định hình và song hành với quá trình đó là quá trình di dân (tự do hay có tổ chức) đến các vùng đất mới, hình thành các chi nhánh tộc họ mới.
Việt Nam ngày nay là sự kế thừa đương nhiên của nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng. Trải mấy nghìn năm lịch sử cương vực nước ta đã nhiều lần thay đổi. Để có diện mạo như ngày nay, tổ tiên ta đã đổ bao mồ hôi và xương máu.
Tìm lại lịch sử việc giữ vững biên cương, mở mang lãnh thổ, định hình cương vực của nước Việt ta thấy cũng lắm lý thú, chẳng kém sử Tầu. Rất tiếc thời đi học, chắc do dồn sức cho công cuộc giải phóng nên lứa chúng tôi ít được nhà trường giảng dạy, sách báo đề cập. Ngay cả, đến nay, sau hơn 20 năm đổi mới nhưng về quá trình này tài liệu cũng còn tản mát, các tác phẩm văn nghệ chưa mấy tìm hiểu khai thác, phổ biến và lắm khi lại như là một vấn đề “nhậy cảm” theo “thời tiết” quan hệ quốc tế, lân bang. Do vậy nhiều chuyện ít người biết đến.
Tôi cố gắng sưu tầm tư liệu từ nhiều nguồn trong sách báo đã in hay trên các trang mạng và đã thu hoạch được ít nhiều. Chắt lọc và biên soạn lại để nhớ, để hiều về những trang sử oai hùng nhưng đẫm máu và mồ hôi đó của các thế hệ tiền nhân để bổ sung cho kiến thức và cũng là dịp tìm về cội nguồn.
Do vị trí địa lý đặc biệt nên việc mở mang lãnh thổ của ta chủ yếu là quá trình “Nam tiến” của triều đình, kéo theo sự di dân của người Việt. Còn việc các nhóm Mông – Dao - Thái di cư thì lại là chuyện khác. Cùng với quá trình Nam tiến để mở rộng lãnh thổ là quá trình di dân, khai thác vùng đất mới cả theo chiều dọc và chiều ngang đất nước. Quá trình di cư đó đến nay vẫn tiếp diễn nhưng không có tác dụng mở mang lãnh thổ và xen trong đó có cả những đoàn di cư…ngược về quê hương bản quán! Song hành cùng các quá trình đó là quá trình hình thành và phát triển các chi phái của các dòng họ, trong đó có họ Lương ở vùng đất mới.
I. Thời Hồng Bàng (鴻龐氏, 2879-258 tCn)
Một số sử liệu, dựa vào truyền thuyết, cho rằng vào đầu thời kỳ Hồng Bàng, tộc Việt có lãnh thổ rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử (长江, bên Trung Quốc nay) đến vùng Thanh Hóa.
Nhà nước Văn Lang 文郎 của bộ tộc Lạc Việt 貉越 hình thành trên vùng đồng bằng các con sông: sông Hồng, sông Mã và sông Lam với trung tâm là Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).
II. Âu Lạc (甌絡時代, 246-206 tCn)
Sau khi chiếm Lạc Việt 貉越, Thục Phán 蜀泮 đã sát nhập vào Âu Việt 甌越 của mình thành Âu Lạc 甌貉. Nước này có lãnh thổ từ phía nam sông Tả Giang 左江 (Quảng Tây-Trung Quốc) kéo xuống dãy Hoành Sơn (Hà Tĩnh).
Sinh sống trên vùng đất mà nay ta gọi là Văn Lang, Âu Lạc này là giống người Việt cổ (tổ tiên của người Kinh, người Mường ngày nay) và khi đó người Việt chưa có họ, nên chưa có các tộc danh. Hoặc đã có nhưng do chưa tìm lại được chữ Việt cổ nên tạm chấp nhận như vậy!
Thời kỳ này, đất Âu Lạc là quận, huyện, châu thuộc Bắc triều với sự cai quản của các triều đại Trung Hoa kế tiếp nhau là: Tây Hán (西漢, 111 tCn-24 sCn); Đông Hán (東漢, 25-220); Đông Ngô (東吳, 222-280); Tấn (晉,265-420); Nam Bắc triều (南北朝,420-579); Tuỳ (隋, 580-618); Đường (唐朝, 618 – 907, bị gián đoạn 690–705 bởi nhà Vũ Chu của Võ Tắc Thiên 武則天); Nam Hán (南漢朝, 907-939). Khi đó lãnh thổ của Việt tộc phía Nam đến vùng Hà Tĩnh hiện nay. Ranh giới lãnh thổ về phía Bắc đôi khi được nhắc trong sử liệu là một cột mốc bằng đồng dựng lên bởi Mã Viện: “銅柱折,交趾滅” (Đồng trụ chiếc, Giao Chỉ diệt) sau khi chinh phạt sự nổi dậy của Hai Bà Trưng năm 43. Tuy đã hình thành làng, bản nhưng tổ chức xã hội của người Việt khi đó còn sơ khai, có nơi vẫn còn dưới dạng “động” 洞 và con người chưa mang họ.
Trong những năm 187-226 dưới sự cai trị của Thái thú nhà Đông Hán là Sĩ Nhiếp (士攝, 137-226), thì Giao Châu 交州 (tên nước ta ngày đó) ảnh hưởng nhiều của văn hoá Hoa Hạ và cũng do quan lại Bắc triều gán, ép và cũng do những người Việt thuộc tầng lớp trên học theo lối người Bắc mà dân Việt đã có họ. Các tộc danh hầu hết đều giống một số tộc danh đã có bên Bắc quốc và cũng tương tự địa danh, chữ ghi tộc danh là chữ Hán.
Thời đó Chiêm Thành (Chăm Pa) là một quốc gia hùng mạnh đã nhiều lần đánh ra bắc đèo Ngang, lúc này thuộc nhà Ðường, và dĩ nhiên bắt rất nhiều tù binh người Việt mang về. Nhưng chưa có tư liệu về việc hình thành các tộc người Việt trên đất Chiêm giai đoạn này.
Vì là một quận huyện lệ thuộc Trung Hoa nên ngày đó việc đánh trả, trấn áp Chiêm Thành do quan quân phương Bắc tổ chức. Ví dụ: năm 248, niên hiệu Xích Ô thứ 11 nhà Đông Ngô, Lâm Ấp đánh chiếm thành Khu Túc (ở xã Nguyệt Biều trên bờ nam sông Hương) của quận Nhật Nam, rồi kéo quân ra cướp phá hai quận Cửu Chân (Thanh Hóa) và Giao Chỉ (Bắc Bộ). Nhưng bị tướng Đông Ngô là Lục Dận đánh lui. Sau đó vào các năm 347, 359, 399, 413 các vua Lâm Ấp đã tổ chức đánh chiếm một số vùng đất của Giao Chỉ nhưng rồi bị bức rút. Đến năm 446, khi Tống Văn Đế sai Đàn Hòa Chi tiến binh đánh Lâm Ấp, hạ được thành Khu Túc, tiến vào kinh đô Trà Kiệu đốt phá chém giết, thu vét được nhiều vàng bạc châu báu làm Lâm Ấp suy yếu, chịu giữ phận phiên thuộc nên biên cương phía nam của Giao Châu (mũi Chân Mây) được tạm yên. Thời đó các quan cai trị Giao Chỉ (hoặc Giao Châu) đưa thêm vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân vào cai trị nhưng không giữ được lâu. Sau khi hàng phục Lý Phật Tử (李佛子, 556-602), chiếm lại Giao Châu năm 602, Tùy Văn đế 隋文帝 sai Lưu Phương làm Hoan Châu đạo Hành quân Tổng quản đem đại binh đi kinh lược Lâm Ấp. Năm 605, đời Tùy Dượng Đế, Lưu Phương cùng Thứ sử Khâm Châu là Ninh Trường Chân hợp binh thủy bộ chiếm lại Nhật Nam, hạ thành Khu Túc, kéo quân vào Trà Kiệu đánh đuổi vua Lâm Ấp là Phạm Phạn Chí 范梵志 chạy vào Panduranga, thu vét nhiều vàng bạc châu báu và kinh sách. Nhà Tùy chia đất mới bình định làm 3 quận là Tỵ Cảnh (Quảng Bình, Bắc Quảng Trị), Hải Âm (Nam Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng), và Lâm Ấp (Quảng Nam, Bình Định). Nhưng triều Tùy (隋, 581-618) quá ngắn ngủi, Trung Hoa rơi trở lại vào cảnh loạn lạc, nhân đó Phạm Phạn Chí nổi lên khôi phục đất cũ. Đến lúc nhà Đường (唐朝, 618 – 907) lên thay nhà Tuỳ làm chủ Trung Hoa, Phạm Phạn Chí và các vua kế vị tuy cung thuận Trung Quốc nhưng vẫn giữ đất Nhật Nam.
Chưa tìm thấy tư liệu nào phản ánh việc di dân, hình thành nên các dòng họ từ ngoài Bắc vào vùng nam Hà Tĩnh ngày đó.
Sau nghìn năm Bắc thuộc, họ Khúc đặt nền móng xây dựng nền tự chủ, rồi đến Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán vào năm 938, đưa Đại Cồ Việt 大瞿越, sau là Đại Việt 大越 vào kỷ nguyên độc lập. Trong thời đại kéo dài 70 năm (939-1009) này lãnh thổ bao gồm khu vực Bắc Bộ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tương đương với lãnh thổ cũ nước Văn Lang của các vua Hùng và phía nam kéo tới dãy Hoành Sơn (Hà Tĩnh).
Từ đây dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh Nam tiến kéo dài hàng nghìn năm. Đồng thời đây còn là thời kỳ chống cự những cuộc quấy phá, xâm lăng của giới cầm quyền Chăm Pa và đòi lại phần đất của mình bị họ chiếm mất. Quá trình Nam tiến của Đại Việt cũng là quá trình tan rã của các Vương quốc Chân Lạp, Chăm Pa, Phù Nam ở vùng miền Trung, miền Nam ngày nay.
1. Trong thời loạn 12 sứ quân, Trạng nguyên Hồ Hưng Dật[1], khi ấy là Thái thú Châu Diễn, theo Đinh Bộ Lĩnh (con Thái thú Châu Hoan Đinh Công Tứ) đánh dẹp. Hết chiến tranh, ông xin về giúp dân mở mang hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Vùng này là cội nguồn của các dòng họ phát triển rộng ra khắp vùng Nghệ - Tĩnh ngày nay, là bàn đạp về nhân tài, vật lực cho công cuộc Nam tiến xuống đất các vương quốc kế nghiệp Chăm Pa (Campapura, trước Công nguyên - 1832): Lâm Ấp Quốc (林邑國, 192-757), Hoàn Vương Quốc (環王國, 757-859), Chiêm Thành Quốc 占城國, 859-1693).
2. Cuộc đụng độ đầu tiên khởi thủy cho công cuộc Nam tiến là sự kiện xẩy ra năm 979 khi vua Chăm là Parameshvaravarman I (sách Toàn thư gọi là Bê Mi Thuế) nghe lời sứ quân Ngô Nhật Khánh 吳日慶 cử hạm đội sang tấn công Hoa Lư của Đại Cồ Việt 大瞿越 nhưng bị tan rã sau một cơn bão.
3. Mở đầu công cuộc Nam tiến là việc Lê Hoàn huy động 3 vạn người vào huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh, đến châu Địa Lý của Chiêm. Đây là đường bộ đầu tiên khai thông xuống phía Nam. Sau khi phá tan quân Tống bằng trận Bạch Đằng Giang và Chi Lăng vào năm 981, sang 982, vua Đại hành Lê Hoàn (大行皇帝梨梡, 980-1005) đã vượt Hoành Sơn vào Chiêm Thành (占城, 859-1693) đánh thẳng tới Quảng Nam (kinh thành Đồng Dương, nay là huyện Thanh Bình) báo thù việc sứ giả nhà Lê bị vua Chiêm bắt giữ. Quân nhà Lê đại thắng nhưng không chiếm đất. Đây là đòn răn đe đầu tiên của Đại Việt buộc các đời vua Chăm phải triều cống. Đáng chú ý là khi đại quân rút về nước, một vị quan quản giáp của Lê Ðại Hành là Lưu Kế Tông đã trốn ở lại, tự xưng làm vua nước Chiêm Thành cai trị vùng đất miền bắc nước nàỵ và chắc chắn theo ông sẽ có không ít quan quân, dân Đại Việt! Sau cuộc thất bại này người Chiêm dời kinh đô vào Ðồ Bàn. Sử cũ không chép rõ bao nhiêu binh lính người Việt cùng với Lưu Kế Tông ở lại sau sự kiện đó. Nhưng rõ ràng người Việt khai thác vùng này khởi từ đây !
Đây là thời kỳ cuộc Nam tiến mạnh và cũng có bước lùi kèm theo là những cuộc di dân quy mô lớn, có tổ chức và không có tổ chức.
1. Năm 1020 Lý Thái Tổ cử người đi đánh Chiêm Thành nhưng chỉ đến Bố Chính, Quảng Bình ngày naỵ Năm 1044 Lý Thái Tông dẫn 12 vạn quân đánh thẳng vào đến sông Thu Bồn, chém đầu vua Chiêm là Sạ Ðẩu rồi dẫn đại quân về Ðồ Bàn (kinh đô mới của Chiêm sau thất bại 982), cho sứ đi khắp các nơi vỗ yên, phủ dụ dân chúng, gây ảnh hưởng cho bước sau. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông Nhật Tôn (李聖宗日尊, 1054-1072) thân chinh mang 10 vạn quân vào đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Củ 制矩 và nhiều quan quân, dân chúng Chiêm. Chế Củ buộc phải dâng đất của ba châu Bố Chính (布政, hai bờ sông Gianh); Địa Lý (地理, nay là Lệ Thủy thuộc Quảng Bình) và Ma Linh (痲令, nay là Minh Linh, Gio Linh thuộc Quảng Trị) cầu hòa. Vua Lý Thánh Tông đặt tên cho vùng đất mới này là trại Tân Bình, xuống chiếu chiêu mộ dân. Hưởng ứng, nhân dân Nghệ An vào thành họ tộc, lập các xóm thôn như Phan Xá, Hoàng Xá, Ngô Xá, Vũ Xá…. Lãnh thổ Đại Việt thêm vùng đất nay là Quảng Bình và bắc Quảng Trị. Những dân Chiêm bị bắt được đưa đi khai khẩn những vùng đất hoang ở xa, trong đó có châu Đăng nay là Lào Cai[2]. Chính dịp Nam tiến này, Lý Thánh Tông đã giải phóng khỏi kiếp nô lệ đối với Thảo Đường, người Trung Quốc đang bị bắt và giam tại Chiêm Thành đưa về Đại Việt. Vị sư này đã được vua cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069, lập ra dòng Thiền tông thứ ba của Phật giáo Việt Nam.
Sau đó, vào năm 1075, trước khi “tiên phát chế nhân” đánh Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt (太尉李常傑, tên thật là Ngô Tuấn; 1019–1105) đã kéo quân vào đánh Chiêm, vẽ địa đồ 3 châu mà Chế Củ đã dâng và 3 châu ấy chính thức nội thuộc Đại Việt từ đây. Ông còn Nam chinh đánh Chiêm lần nữa vào năm 1104 lấy lại 3 Châu trên mà vua Chiêm được phản tướng Lý Giác dâng nộp cho vua Chiêm Thành là Chế Ma Na (Jaya Indravarman 2, 1086-1113). Như vậy Danh tướng Lý Thường Kiệt mặt Bắc kéo quân sang đất Tống đánh Khâm Châu, Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông, 1075), trong nước phá Tống trên phòng tuyến Như Nguyệt (1076) mặt Nam thì 2 bận bình Chiêm (1075 và 1104).
Đây là bước Nam tiến đầu tiên, đất đai nhà Lý đã kéo xuống đến sông Thạch Hãn. Đi theo đoàn quân chinh chiến là những nông dân từ Thanh Nghệ xuông skhai phá vùng đất mới, lập nên làng xóm và những chi họ mới.
2. Từ sau trận đánh của Lý Thường Kiệt vào năm 1104, các vua Chiêm trở nên thần phục Đại Việt hơn, đây là giai đoạn Chiêm Thành và Đại Việt có mối giao hảo tốt đẹp. Nhưng từ khi Thái Tông (陳太宗, 1225-1258) nhà Trần lên thay nhà Lý (1225), Chiêm Thành lại quấy phá do đó vua thân Nam chinh vào năm 1252 bắt nhiều cung phi và quân dân Chiêm. Từ đó đến năm 1306 việc giao hảo trở lại bình thường trong khi Đại Việt lo chống giặc Nguyên Mông.
Chiến thắng quân Nguyên của Đại Việt (1258, 1285 và 1288) góp phần vào việc giải phóng Chăm Pa, buộc Toa Đô rút khỏi Chiêm Thành (1285). Đây cũng là đòn răn đe vua tôi họ Chế về sức mạnh của Đại Việt. Thực hiện lời hứa hôn từ 1301, năm 1306 nhà Trần gả công chúa Huyền Trân[3] 玄珍公主 cho vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Mân (制旻, Jaya Simhavarman IV, trị vì 1287-1307). Đổi lại Chế Mân dâng đất cho Đại Việt gồm Châu Ô[4] và Châu Rí[5] (từ nam sông Hiếu đến bắc sông Thu Bồn). Các vùng đất này được vua Trần Anh Tông Thuyên (陳英宗,1293-1314) đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu, nay thuộc vùng nam Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Đây là bước Nam tiến thứ hai, bước mở đất hoà bình: “Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười, Vốn đà không mất lại thêm lời, Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm, Một gái Huyền Trân của mấy mươi !” Lãnh thổ Đại Việt phía nam lúc này đã tới đèo Hải Vân và người Việt biết đến kĩ thuật canh tác và cấy lúa nước vụ hè gọi là vụ “Chiêm”. Trong việc này dân gian có lúc đã không công bằng khi nói về mối quan hệ giữa Công chúa và tướng quân Trần Khắc Chung:
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.
Nhưng vụ nhà Trần giải thoát Công chúa Huyền Trân sau cái chết của Chế Mân (5/1307) khiến người Chiêm nổi giận, họ liên tục quậy phá vùng biên giới. Vì thế Trần Anh Tông đã thân chinh đánh Chiêm Thành, chiếm đặt nước này thành một Châu của Ðại Việt. Vua nhà Nguyên phản đối nhưng vua Trần vẫn tự cho mình có quyền đô hộ trên đất Chiêm Thành. Năm 1313 Tiêm La lấn cướp Chiêm Thành vua Anh Tông cử người đem binh đi ứng cứu. Nửa sau thế kỷ 14 này thì Chiêm Thành phát triển cực mạnh và họ đẩy các cuộc giao chiến ra đến tận vùng sông Mã thuộc Thanh Hóa.
Chưa tìm thấy một sử liệu nào nói về chuyện người Việt đến ở vùng đất Quảng Nam nay trong giai đoạn đó (1306-1402). Chỉ qua các mối quan hệ của chính quyền được sử ghi lại chúng ta ít nhiều nghĩ rằng giai đoạn này các nhóm tù binh Việt đã có mặt nơi này, nhất là giai đoạn 30 năm dưới thời Chế Bồng Nga (1360-1390). Giai đoạn này nếu có những người Việt sinh sống ở đây thì chắc chắn mọi nếp sống, sinh hoạt của họ đều phải theo Chàm và người Chăm chưa có “họ” nên chưa rõ những người Việt đó có sinh hoạt họ tộc không?.
3. Những năm đầu thời kỳ nhà Hồ 胡氏 (1400-1407) nhằm tránh thế “lưỡng đầu thọ địch” và ngăn ngừa sự phản trắc của người Chiêm, nhà Hồ vào các năm 1400, 1402, 1403 đã liên tục đem quân tấn công và chiếm một số vùng đất Chiêm, mở mang lãnh thổ từ đèo Hải Vân tới bắc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, lập ra các Châu Thăng 升, Châu Hoa 花 và Châu Tư 思, buộc dân Việt vào khai khẩn. Nhưng nhà Hồ không uy hiếp được kinh thành Đồ Bàn nên năm 1407, lợi dụng việc quân Minh tấn công Đại Việt, quân Chăm Pa cũng tấn công và lấy lại được đất cũ (Chiêm Động và Cỗ Lũy). Khi đánh nhà Hậu Trần của Đại Việt, Trương Phụ chỉ tiến đến Hoá Châu (1413), không tiến xuống phía Nam tiếp và đất Chiêm Động, Cổ Lủy về lại với Chiêm Thành, do nhà Minh quản lý. Vương quốc Chăm Pa được phục hồi nhưng chia thành 2 tiểu vương quốc: Tiểu vương quốc Vijaya (Đồ Bàn: 1428-1471) và Tiểu vương quốc Panduranga (Phan Rang: 1433-1832).
Ngoại trừ số người Việt mang họ đến và một số họ Chiêm ghi theo âm Hán đọc thành Phan, Phạm, Ðặng thì Hồ Qúy Ly còn ban cho họ Ðinh với một số người Chiêm hàng phục. Sau này, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông có sắc chỉ về việc quy định hững người Chiêm không có họ buộc phải mang một họ nào đó là Ðinh, Lê, Lý, Trần, Phan, Nguyễn... để vào sổ hộ tịch
Do vậy, việc di dân từ bắc vào thời này chủ yếu là tù binh và đi lẻ.
1. Ngay từ khi chưa chiếm được Đông Đô, trong những năm 1418 đến 1425, Lê Lợi đã từ Lam Sơn Nam tiến, chiếm lại Thuận Hóa. Châu huyện vẫn gọi như trước, nhưng biên cương vẫn không yên ổn. Sau khi lấy lại nước, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (太祖皇帝, 1428-1433) cùng các vua kế nghiệp lo sửa sang chính sự.
2. Đến năm 1470 quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành căng thẳng, vua Lê Thánh Tông Tư Thành (黎聖宗思誠, 1460-1497) thân chinh cầm 20 vạn quân đánh Chiêm Thành. Năm 1471, quân Đại Việt phá tan kinh đô Đồ Bàn (thuộc Bình Định ngày nay), tiêu diệt vua Trà Toàn 茶全 cùng 7 vạn quân Chiêm Thành, và sát nhập miền bắc Chiêm Thành (từ đèo Hải Vân đến bắc Phú Yên ngày nay) vào Đại Việt, đặt tên vùng đất mới là thừa tuyên Quảng Nam trong đó có phủ Hoài Nhơn, huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Năm 1490, đổi Thừa Tuyên thành xứ. Vùng đất còn lại của Chiêm được chia thành nước Chiêm Thành (từ Đại Lãnh trở vào), Hòa Anh (Phú Yên – Khánh Hòa và Ninh Thuận – Bình Thuận ngày nay) giao cho các quý tộc Chăm quản lý. Còn miền châu Thượng Nguyên xưa thì thành nước Nam Bàn (sau này là hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá mà ngày nay là đất các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk tức miền đất Tây Nguyên). Lê Thánh Tông có khắc chữ vào vách đá trên đỉnh núi, ghi công mở đất và phân định ranh giới. Chính thất bại này đã dẫn đến việc người Chăm di cư với số lượng lớn sang Campuchia và Malacca, người Việt làm chủ đất đai của họ.
Đây là bước Nam tiến thứ ba, bước tiến làm yếu hẳn Chiêm Thành, các vùng đất trở thành các Địa khu dưới sự cai trị của các chúa Chăm do Đại Việt bảo hộ. Nhưng sau đó, phần lãnh thổ còn lại của Chăm Pa tiếp tục bị các chúa Nguyễn thôn tính dần.
Ban đầu ở giai đoạn này, lãnh thổ của Đại Việt được kéo về phía nam đến núi Thạch Bi, nay thuộc Phú Yên. Ngoài việc đất Bố Chính di dân theo kiểu họ tộc, trong huyện Khang Lộc có 72 làng Mai Xá, Chu Xá, Lỗ Xá, Phan Xá, Bùi Xá, Trương Xá. Số quan quân đi đánh Chiêm cũng được phép ở lại. Nhà Lê còn khuyến khích dân Nghệ An thạo nghề sông biển, dùng thuyền vào khai thác Hòai Nhơn. Đồng thời đưa những người mắc tội bị lưu đày, chia làm 3 bậc đi 3 nơi: lưu cận châu đi Nghê An, Hà Tĩnh; lưu ngoại châu, đi Bố Chánh; lưu viễn châu đi Quảng Bình. Sau đó, năm 1476 vua ra Sắc chỉ quy định "tội nhân bị tội lưu đày ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa, ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa, những kẻ được tha tội chết thì sung quân vệ Hoài Nhân" .
Vụ đại hạn mất mùa từ Nghệ An ra Bắc năm 1608 càng thúc đẩy đông thêm số người nam tiến. Cuộc di dân thời Lê là quan trọng, đó là những cuộc di dân ồ ạt, tổ chức có, bắt buộc có, tự phát có, lưu đày có, lính thú ở lại có, tù binh có, ngoại kiều có...Do từng đợt, lại có tổ chức nên hình thành những dòng họ xuất gốc từ miền Bắc vào vùng đất phương Nam.
Do vậy người Chăm không chỗ lùi phải sống chung với người Việt, cùng yên ổn làm ăn. Đối với dân bản địa, tháng 9/1470 vua Lê Thánh Tông ra Sắc chỉ quy định: “những người nguyên quán là quan lại ngụy, những người là cha Ngô mẹ Việt, bọn phản nghịch và người Ai Lao, Chiêm Thành hết thảy là nô lệ của nhà nước. Con cái còn bé cho thay đổi họ tên làm dân thường" . Ðến tháng 9 năm 1472 lại quy định tiếp: “cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm, người Man. Họ của người Chiêm thì mới cũ theo đúng quy chế, họ của người Man thì dồn lại". Từ đó người Chiêm phải ghi họ tên mình bằng chữ Hán, kể một số họ gốc Chàm như Ông, Ma, Trà, Chế hay những họ của con cháu kẻ chống đối phải đổi theo họ Việt, như: Phạm, Phan, Ðặng, Ðinh...
Trên hướng Tây Bắc, thời gian này năm 1478, vua Lê Thánh Tông, sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man của người Thái đã sát nhập vùng Sơn La, các huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay vào đất Đại Việt, không tấn công tiếp sang Vạn Tượng (chư hầu của vương quốc Racha-anachakra Thai, tức Xiêm La 暹羅 trước 1949 và Thái Lan 泰蘭 nay, chuyển đô tới Ayutthaya từ 1350). Chưa tìm thấy tài liệu nào nói tới việc hình thành các chi phái họ Lương, họ Lường vùng này.
VI. Thời các chúa Nguyễn (阮主時代, 1600-1777 )
Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, do áp lực từ các cuộc tấn công của chúa Trịnh từ phương bắc và nhu cầu mở rộng đất đai về phương nam, các chúa Nguyễn đã bắt đầu một công cuộc mở mang nhanh, mạnh bờ cõi Việt Nam về phía nam. Đây là bước Nam tiến thứ tư, chấm dứt sự tồn tại 17 thế kỷ của vương quốc Chăm Pa. Bước này chia thành nhiều giai đoạn khác nhau:
1. Nguyễn Hoàng (阮潢, 1558-1612) theo lời Trạng Trình: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” đã vào Thuận Hóa. Khi Đoan quận công vào xây thành Ái Tử, đoàn tùy tùng theo ông khá đông, gồm những nhà quyền quý ở Tống Sơn, nghĩa dũng ở Thanh Hóa, Nghệ An và khá đông người dân họ ngoại của Chúa cũng theo vào. Trong dòng người đó có Lương Văn Chánh (?-1611, Quê ở làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa theo Trần Viết Ngạc trên TX Xưa và nay; số 106; ra tháng 12/2001 hay ở xã Phụng (cũng âm là Phượng) Lịch, Hoằng Hóa, Thanh Hóa theo Gia phả họ Lương đang thờ tại thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) và sau được suy tôn là Thuỷ tổ dòng họ Lương ở đây.
2. Năm 1611, quân Chiêm Thành ra đánh biên giới Hoài Nhơn, Chúa đem binh đánh trả, chiếm luôn đất Phú Yên, lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hoà nay thuộc Phú Yên, đưa dân đến khai hoang.
Những cuộc di dân tự do, bắt đầu từ thời Lê kéo dài đến năm 1631 thì hạn chế hẳn bởi khi đó chúa Nguyễn cho xây lũy Trường Dực, chính thức chia đôi Nam Bắc. Do vậy, những dòng họ nào di dân vào giai đoạn này đến nay đều có số đời cao bởi ra đi từ 1471 đến 1631. Từ đây và từ đất Quảng Nam các đoàn người lại tiếp tục nam tiến vào khai khẩn vùng đất mới và lập thêm chi phái họ tộc khác.
Giai đoạn 1648 - 1687, trong 46 năm 7 lần đánh nhau, lần thứ 5, quân Nguyễn đánh ra chiếm 7 huyện của Nghệ An suốt 5 năm, khi rút về đem theo 3 vạn quân dân đàng ngoài, đưa vào an trí khai hoang vùng Quảng Nam cho đến Phú Yên. Đặc biệt là năm 1648 có một đợt di dân lớn đông đến 30.000 trai đinh đến ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên. Ðó là số tù binh Chúa Nguyễn bắt được của Chúa Trịnh trong cuộc chiến ở cửa biển Nhật Lệ. Lần nầy có họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) đưa vào An Khê. Đây là Tổ tiên của ba anh em nhà Tây Sơn. Đến năm 1671 hai họ Trịnh-Nguyễn ngưng chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới Nam Bắc thì những cuộc di dân chấm dứt, tù binh cũng không còn trừ một số dân vượt biên bằng đường biển, đường núi nhưng với số lượng không đáng kể, lại phải dấu tung tích nên không đủ lập thành những dòng họ lớn. Như vậy, những dòng người từ Bắc bộ và Thanh Nghệ cuối cùng vào tạo nên các dòng họ là những năm 1648-1671 và những người từ Bắc vào Quảng Nam hồi đó là những “Thủy Tổ” cuối cùng của các dòng họ tại đây
3. Nhằm rảnh tay đối phó với Chúa Trịnh ở Đàng ngoài và tranh giành ảnh hưởng với người phương Tây tại vùng đất mới, năm 1623 chúa Nguyễn Phúc Nguyên (阮福元, Chúa Sãi, 1613-1634) gây áp lực với Chân Lạp, “mượn” vùng đất Prey Nokor (Sài Gòn ngày nay) đặt trạm và quan chức thu thuế lưu dân Việt đang sinh sống xung quanh ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Nhờ sự tác động của hoàng hậu Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac Ksattecey (tức Ngọc Vạn[6] Công nữ 玉萬公女, người con gái thứ hai của Sãi Vương được Chúa gả cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II vào năm 1620), vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Đây là lần đầu tiên quan binh Đại Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt dần dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng năm đắp luỹ, khẳng định chủ quyền, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (阮福元, 1613-1635) gả tam Công nữ là Ngọc Khoa 玉姱公女 cho vua Chiêm Porome kết tình hoà hiếu và đây cũng là nguyên nhân mà từ 1639 người Bồ Đào Nha không giao thương với Chiêm nữa. Truyền thuyết cũng như tục ngữ Chiêm Thành đều có ý trách cứ, nếu không muốn nói là phẫn nộ, cho rằng bà Ngọc Khoa đã làm cho vua Po Romê trở nên mê muội và khiến cho nước Chiêm sụp đổ. Năm 1653 vua nước Chiêm Thành là Bà Thấm nhằm đòi lại đất Phú Yên đã đưa quân ra đánh chiếm. Chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần (阮福瀕, 1648-1687) sai quan cai cơ là Hùng Lộc sang đánh. Bà Thấm phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn cắt từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi làm phủ Diên Khánh, nay thuộc Khánh Hòa. Tại đây đặt dinh Thái Khang để Hùng Lộc làm thái thú.
Như vậy, với chủ trương hôn phối cùng với áp lực quân sự, chúa Nguyễn đã tạo bàn đạp làm chủ đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung.
Năm 1658, vua nước Chân Lạp mất, nội bộ nước Chân Lạp lục đục vì tranh giành ngôi. Nguyễn Phúc Tần (阮福瀕, 1648-1687) đã giúp một hoàng thân Chân Lạp lên ngôi. Đáp lại vị vua mới của Chân Lạp đã ký hiệp ước triều cống chúa Nguyễn hàng năm và cho phép người Việt được làm chủ vùng đất đã khai hoang ở Sài Gòn, Đồng Nai và Bà Rịa. Lúc này Tiêm La (kế thừa Phù Nam cũ) đã mạnh nên muốn vưon ra phía Đông tới đây nhưng vì nhà Nguyễn đang mạnh nên phải thôi. Tại khu vực này lưu dân Việt sinh sống ngày càng đông đúc, chúa Nguyễn đã cử một đội quân mạnh để giữ gìn an ninh cũng như đặt các quan cai trị và thu thuế.
4. Năm 1679 viên quan nhà Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến là Tổng binh Trấn thủ đất Long môn (Quảng Tây), Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình là tổng binh châu Cao, Lôi, Liêm (Quảng Đông) không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3000 người cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân Đại Việt. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Những người này chia nhau ở đất Lộc Đã (Đồng Nai), Ban Lân (Biên Hòa) và Mỹ Tho (Tiền Giang), cày ruộng, làm nhà, lập ra phường phố, có người phương Tây, người Nhật Bản, người Chà Và đến buôn bán khá đông.
5. Năm 1693 với lý do vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福周, Chúa Quốc,1691-1725) sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh Phan Rang, Phan Thiết, bắt được Bà Tranh cùng thân thuộc về Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn lấy đất Chiêm Thành đổi làm Thuận Phủ, nay thuộc Bình Thuận. Đất này cho con cháu của Bà Tranh làm đề đốc trấn giữ, bắt đổi y phục như người Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm Thành.
Tuy nhiên, do sự kháng cự của người Champa và cũng cần tập trung cho việc khai phá đồng của Chân Lạp nên qua năm 1695, chúa Quốc đổi Thuận Phủ ra làm Thuận Thành Trấn, dành cho người Chăm cơ chế tự trị nhưng vẫn thuộc sự bảo hộ của chúa Nguyễn.
6. Trong thời gian đó tại vùng đồng bằng Nam bộ nay, năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福啁, 1691-1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp. Ông chia đất Đông Phố của những người Tàu ra làm dinh, làm huyện, lấy Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Ông đặt Trấn Biên dinh (Biên Hòa), đất Trấn Biên thì lập làm xã Thanh Hà, và Phan Trấn dinh (Gia Định), đất Phan Trấn thì lập làm xã Minh Hương, rồi sai quan vào cai trị. Chúa Nguyễn lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất, lập sổ bộ nước Việt. Năm 1699, triều đình Chân Lạp tổ chức một cuộc phản công nhằm dành lại nhưng bị thất bại. Chúa Nguyễn đã hợp thức hóa hai vùng Đồng Nai và Bến Nghé của Thủy Chân Lạp, lâp ra Gia Định, với hai huyện Phước Long và Tân Bình và di dân miền Ngũ Quảng vào khai thác. Đó là vùng đất miền Đông Nam bộ ngày nay.
Việc hình vthành vcác chi phái họ Lương vùng này chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào đề cập.
7. Năm 1680 Mạc Cửu, người gốc Quảng Đông, khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh đã cùng gia quyến bỏ sang Chân Lạp, mở sòng bạc và cai quản 7 xã gồm toàn lưu dân, gọi là Hà Tiên. Mạc Cửu mở rộng đất đai gồm vùng đất Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc vốn thuộc Chân Lạp nhưng Chân Lạp không kiểm soát được. Năm 1718 để tránh áp lực thường xuyên của Xiêm La sang cướp phá, Mạc Cửu đã dâng đất khai phá xin nội thuộc về chúa Nguyễn, chúa Phúc Chu đổi tên thành Trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm chức Tổng binh, cai quản đất Hà Tiên. Khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ lại được làm chức đô đốc, tiếp tục cai quản Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và đưa người về dạy học để khai hóa đất Hà Tiên. Năm 1739 Mạc Thiên Tứ mở rộng đất đai kiểm soát của mình sang bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng. Đưa thêm các vùng đất mới này vào Trấn Hà Tiên thuộc lãnh thổ Đàng Trong của chúa Nguyễn. Năm 1753, biết vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Đàng Ngoài để lập mưu đánh chúa Nguyễn, chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮福闊, Võ Vương, 1738-1765) sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm 1755, Nặc Nguyên (Ang Tong) thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ, rồi xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (nay là Long Xuyên và Cần Thơ) cho chúa Nguyễn để cầu hòa. Năm 1757 Nặc Nguyên (Ang Tong) mất, chú họ là Nặc Nhuận đang xin chúa Nguyễn phong cho làm vua thì bị người con rể là Nặc Hinh giết và cướp ngôi. Quan tổng suất là Trương Phúc Du thừa kế sang đánh thắng Nặc Hinh. Chúa Nguyễn Phúc Khoát (阮福闊, 1738-1765) cho lập Nặc Tôn (Outey II), con Nặc Nhuận, vốn đang nương nhờ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên trong lúc hoạn nạn, làm vua Chân Lạp. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh) để tạ ơn chúa Nguyễn. Nặc Tôn còn dâng 5 phủ là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ (5 phủ này về sau khi Pháp thành lập Liên bang Đông Dương đã cắt trả về cho Cao Miên, ngày nay là 2 tỉnh Takéo và Kampot). Vương quốc Chân Lạp chính thức chấm dứt sự tồn tại. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà Tiên cai quản. Năm 1714, tiếp nhận vùng đất Hà Tiên do Mạc Cửu dâng cho chúa Nguyễn, gồm An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau để rồi sau đó tiếp quản nốt vùng Tầm Đôn, Lôi Lạp, Tầm Phong Long vào bản đồ Việt Nam.
Khi nhà Tây Sơn đổ, Nguyễn Ánh vào Nam, tiếp nhận việc cai quản vùng đất của Tây Sơn cũ, của những người Minh Hương và đưa dân đến khai khẩn. Từ đó vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây, miền Đông Nam bộ nay thuộc về Đại Việt.
Tại những vùng Nguyễn Phúc Chu cho người Chăm cơ chế tự trị theo Ngũ điều Nghị định ký năm 1712 五条議定 thì đến năm 1832, khi thực hiện cải thổ quy lưu (改土归留,giải thể khu tự trị) vua Minh Mạng (明命皇帝,1820-1840) đã xóa bỏ cơ chế này, đổi Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Việc này đồng nghĩa với việc Vương quốc Chăm Pa chính thức không còn tồn tại. Thời đó, người Chăm trên vùng đất Panduranga (Phan Rang, Phan Rí ngày nay) phải đặt tên Việt và lấy các họ qui định như Bá, Châu, Đàng, Lưu ...Do vậy đây không phải họ của cư dân di vào mà họ do triều đình gán cho dân bản địa.
Cuộc Nam tiến của Đại Việt đến đây kết thúc bởi phía trước đã là biển (Vịnh Thái Lan). Sau này người Việt luôn tâm niệm về cội nguồn Văn Lang của mình:
Từ thủa mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Tóm lại quá trình Nam tiến của Đại Việt được khởi từ đầu thời quân chủ. Công cuộc này được mở màn từ thời Tiền Lê ở thế kỷ X (miền Trung đến đèo Ngang); quyết liệt trong thời Lý (mở rộng đến Cửa Việt, tức sông Hãn thuộc Quảng Trị, 1069); tương đối hòa bình trong thời Trần (thêm đến đèo Hải Vân, 1306); vừa đánh, vừa lấn vừa đàm ở thời Hồ (đến Quảng Ngãi, 1402) và thời Hậu Lê (đến Khánh Hòa,1470) đối với Chiêm Thành. Tới thời các chúa Nguyễn tiếp là nhà Nguyễn, Đại Việt vừa bảo hộ, vừa lấn, vừa dần chiếm rồi dứt điểm xác lập chủ quyền cả về đất đai và dân cư: hết miền Trung (Phan Thiết, 1697), toàn miền Nam (Lục tỉnh, 1765). Còn ý tưởng bắc tiến lấy lại vùng Lưỡng Quảng xưa của Nam Việt thì Quang Trung đã từng đặt ra nhưng chưa kịp thực hiện. Cùng với quá trình đó là quá trình đưa dân Việt, chủ yếu vùng Thanh Nghệ vào Quảng Nam và sau lại từ vùng Ngũ Quảng vào sâu nữa khai khẩn đất hoang, lập ấp, mở làng, hình thành nên các chi phái dòng họ.
Trong khi quan quân, dân chúng Đại Việt chiếm, lấn, vượt qua Chiêm Thành và xuống đồng bằng sông Cửu Long thì người Hoa cũng từ Trung Quốc Nam tiến xuống vùng đất này. Quá trình nam tiến của người Hoa chủ yếu bằng đường biển và nó gắn chặt với tiến trình lịch sử phát triển của Đàng Trong, tình hình vùng duyên hải Nam Trung Hoa. Quá trình này khởi nguồn từ năm 1600 khi Nguyễn Hoàng cát cứ, thu nhận nhân lực và qua 4 giai đoạn: Giai đoạn I: Từ cuối thế kỷ XVI đến trước năm 1645, chủ yếu là thương nhân; Giai đoạn II: Từ 1645 đến 1678, chủ yếu là nạn dân, trong đó có thể có một số ít thương nhân và các sĩ phu; Giai đoạn III: Từ 1678 đến trước năm 1685, chủ yếu là di thần nhà Minh, trong đó đông đảo là binh lính; Giai đoạn IV: Từ 1685 trở đi, thành phần đa dạng hơn bao gồm cả thương gia, trí thức Nho giáo, các nhà sư. Quá trình lịch sử người Hoa các vùng duyên hải phía nam Trung Quốc di cư đến Đàng Trong sinh sống đã làm phong phú thêm tiến trình lịch sử phát triển của Đàng Trong. Người Hoa đã được các chúa Nguyễn trọng dụng, được cư dân bản địa tiếp nhận và hỗ trợ, các cộng đồng người Hoa đã lần lượt ra đời. Người Hoa giữ được bản sắc dân tộc nhưng không đồng hoá được dân Việt và dân bản địa và vùng đất họ sinh sống vẫn thuộc về Đại Việt. Những dòng họ mà tộc danh tuy phát âm, ghi bằng chữ Hán giống với họ người Việt nhưng đó là họ của bên Trung Quốc, không cùng dòng tộc với những họ tương ứng của người Việt di cư từ miền Bắc vào.
Như vậy, cuộc Nam tiến của Đại Việt là quá trình đánh trả, ngăn chặn rồi lấn lướt những chính quyền hiếu chiến phía Nam. Đồng thời cũng được thi hành ôn hòa qua kế hoạch dinh điền, mở mang khai phá đất đai bị bỏ hoang ở biên trấn, sống hòa lẫn cùng dân bản địa, vừa canh chừng giặc, vừa sản xuất lương thực theo đường lối “ngụ binh ư nông” mà Đại Việt đã áp dụng từ lâu.
Điều đáng chú ý là tuy không phải là người mang gươm đi mở đất nhưng Đại Việt đã có những phụ nữ đóng góp đáng kể cho sự nghiệp này. Đó là Công chúa Huyền Trân thời Trần (1306) đã chính thức đem lại vùng Thuận Hoá về cho đất nước; là Công nữ Ngọc Vạn (1620) và Ngọc Khoa (1631) thời các chúa Nguyễn đã mở đường cho công cuộc làm chủ Nam Trung bộ và Nam Bộ của người Việt. Vì vậy mà bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có lưu bút tại Điện Huyền Trân Công Chúa 玄珍公主殿 ở Huế, 2008: "Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ".
Đáng tự hào là trong cuộc Nam tiến ấy Việt tộc trước sau vẫn giữ được tính dân tộc của mình nên người Lào, người Chiêm, người Tàu Minh Hương, người Miên ở những vùng “đất mới” đó đều Việt hóa. Với chính sách 蠶食 “Tàm thực” và 以蠻攻蠻 “dĩ Man công Man” của các triều đại Đại Việt, thêm vào sinh lực mãnh liệt của Việt tộc và nhờ vào truyền thống mà con đường Nam tiến đã thành công, dân Việt đến đâu định cư, giữ vững, phát triển, lan toả văn hoá của mình ở đấy. Chính vì vậy, cùng với tiếp thu có chọn lọc những nét văn hoá đặc sắc của dân bản địa đã hình thành, bồi đắp nên bản sắc Việt ngày nay.
Như vậy, nếu không có ý chí ngoan cường, tinh thần 先发制人“tiên phát chế nhân” của vua quan, tính thần khai khẩn đất hoang cần cù của quan quân và dân chúng, sự hi sinh cao cả của “người đẹp” Đại Việt thì có lẽ đất nước của Vua Hùng đã bị đế chế Hoa Hán nuốt chửng hoặc bị vương quốc Chân Lạp, Chăm Pa, Ai Lao, Nam Chiếu lấn lướt từ lâu và đâu có được diện mạo hình chữ S như ngày nay. Quá trình thám hiểm, khai khẩn, làm chủ các đảo hoang ngoài biển khơi diễn ra từ xa xưa nhưng không mấy liên quan chuyên khảo này nên không tìm hiểu sâu. Mặt khác việc khai hoang lên miền núi trên miền Bắc những năm 1960, vào Tây Nguyên, Nam Bộ những năm 1976 thuộc vấn đề khác.
Kết quả của quá trình đó là rất nhiều dòng họ (trong đó có họ Lương) vùng ven biển miền Trung, vùng Nam bộ lại có gốc gác, khởi thuỷ từ Bắc bộ! Một chú ý khác là quá trình khai thác mở mang đất mới không hình thành các tộc danh mới. Chắc có lẽ bởi khi dó người Việt ở miền Bắc và Ngũ Quảng đã có tộc danh ổn định và phong phú không có nhu cầu đặt tộc danh mới.
Tìm hiểu, ôn lại quá trình này để tìm hiểu, làm rõ thêm qua strình hình thành các chi phái dòng họ tại các vùng đất mới từ gốc Tổ. Tuyệt nhiên không thể lấy chuyện đó để khơi dậy nuối tiếc một thời vang bóng, hay mưu đồ ly khai lấy lại tên xưa! Mọi chuyện đã an bài theo quy luật của lịch sử và thời gian.
Những ngày tháng 5 năm 2011 [1] Ông dân Bách Việt, người huyện Vũ Lâm, tỉnh Chiết Giang (ven biển và phía Nam sông Dương Tử), đỗ Trạng nguyên triều Hán Ẩn Đế (947-950) trong thời Ngũ đại (906 - 960). Thời đó, chính sách của triều đình rất tàn bạo vì vậy dân chúng trốn thuế và lánh đi. Hồ Hưng Dật đã Nam tiến ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, sang Giao Châu. Lúc này bên nước ta Dương Tam Kha (945 - 950) đã cướp quyền và sau đó loạn 12 sứ quân (945 - 967). Ngày nay Hồ Hưng Dật được suy tôn là Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam.
[2] Phải chăng đây là tổ tiên của những người dân một số bản ở Chiềng Keeng, Văn Bàn hay Tả Phời, Lào Cai mà có lần đi công tác tôi gặp thấy tiếng nói, phong tục họ khác hẳn dân Tầy, Dao, Mường...trong vùng ?
[3] Bà sinh năm Đinh Hợi 1287, là con Trần Nhân Tông. Về Chiêm được hơn năm thì chồng mất (5/1307), Công chúa được vua Trần sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu thoát được Huyền Trân khỏi tuẫn táng theo chồng. Tháng 8/1308, Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh), dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng. Huyền Trân viên ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.
[4] Tên cũ của vùng đất từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn (nay là sông Quảng Trị)
[5] Tên cũ của vùng đất Hóa Châu đời nhà Trần, ngày nay gồm các huyện Phú Lộc, Hương Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên và các huyện Duy Xuyên, Hoà Vang thuộc tỉnh Quảng Nam
[6] Bà và Công nữ Ngọc Khoa là con gái Sãi vương Phúc Nguyên mà mẹ đẻ là Nguyễn Thị Giai (阮氏, 1578-1630) trưởng nữ của Khiêm vương Mạc Kính Điển 莫敬典 , cháu Mạc Đăng Doanh (莫登瀛, 1530-1540), chắt Mạc Đăng Dung (莫登庸, 1527-1530). Khi nhà Mạc thất cơ (1592), Kính Điển tử trận em là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng có đem theo con Kính Điển cùng đi. Người con gái đó được Nguyễn Thị Ngọc Dương (vợ Cảnh Huống, dì Phúc Nguyên) tiến cháu vào hầu Phúc Nguyên khi cha Sãi vương là Nguyễn Hoàng còn tại vị. Như vậy 2 Công nữ của Chúa Nguyễn có công đặt bàn đạp Nam tiến cho Đại Việt là cháu ngoại Khiêm vương, thuộc dòng dõi nhà Mạc (1527-1592) vốn phát tích ở Cổ Trai, Dương Kinh, Hải Phòng và là hậu duệ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, có mẹ đổi sang học Nguyễn.
Trong một văn bản có tên là “Bắc địa tấu từ” (北地凑辭, “Lời cùng tâu về đất Bắc” của những người đi khai khẩn đất Điện Bàn thời Lê sơ, 前黎氏, 980 - 1009) tìm thấy dưới triều Minh Mệnh (1830-1841) có đề cập đến nội dung này. Nội dung chính của nó là được chép lại từ một văn bản (Tấu từ Thuận ước) lập thời Lê sơ, gồm 3 phần chính: I- Bắc địa tấu từ; II- Tông đồ hội tánh; và III - Thuận ước giáp tịch, trong đó phần Tông đồ hội tánh, về nguồn tư liệu gốc, do chính những người khai cơ soạn ra và có lẽ được bổ sung sau thời Hồng Đức. Tư liệu này cho biết lúc bấy giờ có 24 vị thuộc 4 địa phương khác nhau trên đất Bắc đã đi vào khai khẩn đất Điện Bàn theo lệnh của nhà vua: Thanh Hóa có 4 vị, Hà Tĩnh có 3 vị, Cao Bằng (Bình) có 12 vị, riêng vùng Hải Dương có 5 vị: Đỗ Như Hiển, Đoàn Thế Thân, Đinh Hựu Trân, Trịnh Hồ Xuyên, và Mai Quý Phô. Đây là các vị Thủy tổ các dòng họ này tại vùng này.
Trả lờiXóa