[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


12 tháng 6 2011

Tìm hiểu địa danh, địa dư Hải Phòng

Hải Phòng trên "Đại Việt quốc tổng lãm đồ" thời hậu Lê
(Nguyên bản và phiên âm)

Đã có nhiều bài viết trên các trang mạng về Dư địa chí đất Cảng. Nhưng xem ra đều được copy từ một nguồn nên tôi vẫn thấy thiêu thiếu, nhất là về thay đổi địa dư, địa danh, phân cấp hành chính. Do vậy vẫn khó hình dung khi nghiên cứu lịch sử, gia phả. Dựa vào những bài đó và thu thập thêm tư liệu, tôi biên soạn lại để nhớ, hiểu thêm vùng đất này và nhất là phục vụ cho việc dựng lại quá trình hình thành chi phái họ Lương Đức xã Chiến Thắng nhà tôi.
 Tuy nằm ở vùng đất cổ, có nền văn minh sớm nhưng địa danh “Hải Phòng” 海防 [1] lại khá trẻ, mới được tách từ xứ Đông ra trong thời cận đại.
Thời Hùng vương 雄王時代 vùng này thuộc bộ Dương Tuyền 陽泉 (Thang Tuyền 湯泉 ?) trong 15 bộ của nước Văn Lang (文郎, 2876 tCn - 258 tCn).
Trong thời Bắc thuộc (北屬時代, 207 tCn-938) tuỳ triều đại cai trị khác nhau mà tên gọi, lệ thuộc khác nhau: đời Tần (, 221-206 tCn) thuộc Nam Hải, Hán (西漢東漢, 206 tCn-220) đến Tùy (, 581-618) thuộc quận Giao Chỉ, Đường (唐朝, 618-907) đặt làm trấn Hải Môn, sau gọi là châu Hồng.
Buổi đầu độc lập, chưa rõ dưới thời nhà Ngô (吳氏, 938 - 967) việc phân cấp hành chính thế nào. Đến nhà Đinh (丁氏, 968 - 980), Tiền Lê (前黎氏, 980 - 1009): chia nước thành 10 đạo (bên dưới là châu, động) cũng chưa rõ khi đó vùng đất Hải Phòng nay thuộc đạo, châu nào, chỉ thấy sử cũ vẫn gọi là châu Hồng.
Nhà Lý (李朝, 1009 - 1225) quản lý đất nước chặt chẽ hơn, chia cả nước thành 24 lộ (dưới là phủ , châu ) và Hải Phòng thuộc lộ Hải Đông . Triều Trần (陳朝, 1225 - 1400) chia các đơn vị hành chính dưới trung ương là: 9 lộ, 4 phủ, 7 trấn (dưới là huyện ) và lúc đầu gọi là Hồng Lạc 洪路, là lộ Hải Đông sau đổi làm các lộ Hồng Châu 洪州, Nam Sách 南策. Năm Quang Thái thứ 10 (1397) vua Trần Thuận Tông (光泰, 1388-1399) đổi làm trấn Hải Đông. Chắc từ đây mới có tên gọi là xứ Đông hay sau là tỉnh Đông. Nhà Hồ (胡朝, 1400 - 1407) do thời gian trị vì ngắn nên chắc chưa kịp phân lại địa giới các chia cấp hành chính vùng duyên hải.
Thời kỳ thuộc Minh (屬時代, 1407-1427) đất này thuộc hai phủ Lạng Giang 諒江 (trong đó có huyện Bình Hà, có đất nay là Tiên Lãng thuộc châu Nam Sách) và Tân An 新安 (trong đó có châu Đông Triều quản An Lão, Thủy Đường).
Khi tiến quân ra Bắc, Lê Thái Tổ (黎太祖, 1428-1433) cho thuộc Đông Đạo 東道 trong 5 đạo của cả nước (cấp dưới là trấn, lộ, huyện, châu). Khoảng niên hiệu Diên Ninh (延寧, 1454-1459) vua Lê Nhân Tông (黎仁宗, 1442-1459) chia làm 2 lộ: Nam Sách thượng 南策上 và Nam Sách hạ 南策下. Năm Quang Thuận thứ 7 (光順, 1466) Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1460-1497) chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên 承宣 và gộp 2 lộ ven biển thành thừa tuyên Nam Sách 南策; năm 1469, đổi làm thừa tuyên Hải Dương 海陽 gồm 4 phủ  với 18 huyện. Trong đó có một phần huyện Vĩnh Lại 永賴 (phủ Hạ Hồng), huyện Tân Minh 新明 (phủ Nam Sách); các huyện An Lão 安老, Nghi Dương 宜陽, Kim Thành 金城, Thuỷ Đường 水堂, An Dương 安陽 (phủ Kinh Môn) là đất Hải Phòng nay. Năm Hồng Đức thứ 21 (洪德,1479) đổi làm xứ , cuối đời Lê Tương Dực (黎襄翼, 1495 – 1516) đổi làm trấn .
Nhà Mạc (莫朝, 1527-1592), để tăng thanh thế cho bản quán đã lấy Nghi Dương làm Dương Kinh 阳京, trích phủ Thuận An ở Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh.
Thời Lê Trung hưng (後黎朝, 1533-1789), khoảng niên hiệu Quang Hưng vua Lê Thế Tông (嘉泰,光興, 1573-1599) đổi làm trấn (cấp dưới là phủ, huyện) như cũ. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (景興,1741), vì Hải Dương đã được bình định[2] nên vua Lê Hiển Tông (黎顯宗, 1740-1786) chia làm 4 đạo (không phải cấp đạo như thời nhà Đinh): Thượng Hồng 上洪, Hạ Hồng下洪, Đông Triều 東潮 và An Lão 安老. Nhà Tây Sơn (西山朝, 1778-1802) đem phủ Kinh Môn đổi thuộc vào Yên Quảng 安廣 sau phủ này về lại trấn Hải Dương dưới thời Nguyễn.
Đến đời Nguyễn (阮朝, 1802-1945) năm 1802, Gia Long (嘉隆, 1802-1819) chia cả nước thành 23 trấn, 4 doanh . Khi đó triều đình đem Kinh Môn thuộc về trấn cũ, tất cả vẫn gồm 4 phủ (18 huyện) như thời Lê sơ, nhưng tên huyện có một số thay đổi. Trấn Hải Dương lệ vào Tổng trấn Bắc Thành 北城總鎭. Năm 1831 chia thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh (dưới là phủ, huyện) gồm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên 承天府. Lúc này, tỉnh Hải Dương (một trong Bắc Kỳ thập tam tỉnh, 北圻十三省) gồm 5 phủ 19 huyện. Trong đó vùng mà nay là đất Hải Phòng có việc đổi Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang, còn hai đạo Đông Triều và An Lão thì đặt làm hai huyện. Năm thứ 13 (1832) đặt thêm 2 phân phủ Ninh Giang, Nam Sách; năm thứ 14 (1833) đặt phân phủ Kinh Môn, đặt phủ Kiến Thụy và phân phủ Kiến Thụy. Năm thứ 19 (1838) đặt thêm huyện Vĩnh Bảo 永寶 gồm 20 xã thuộc 3 tổng của Vĩnh Lại 永賴 cũ (Thượng Am, Đông Am và Ngải Am) và 57 xã thuộc 5 tổng của Tứ Kỳ 四岐 cũ (An Bồ, Bắc Tạ, Đông Tạ, Viên Lang, Hu Trì) và phân phủ Bình Giang. Năm Tự Đức (嗣德, 1848-1883) thứ 5 bỏ hết phân phủ; lấy phủ Bình Giang kiêm gộp huyện Thanh Miện; phủ Ninh Giang kiêm gộp huyện Vĩnh Bảo; phủ Nam Sách kiêm gộp huyện Thanh Lâm; huyện Thanh Hà kiêm gộp huyện Tiên Minh, phủ Kinh Môn kiêm gộp huyện Đông Triều, phủ Kiến Thụy kiêm gộp huyện An Dương, huyện Kim Thành kiêm gộp huyện An Lão.
Được Vua giao, năm 1870-1873 Bùi Viện (裴垸,1839 - 1878)[3] đã xây dựng bến cảng 貿易商館 bên cửa sông Cấm mang tên Ninh Hải 寧海 như một thương điếm ven biển, một căn cứ phòng ngự bờ biển cạnh đó gọi là Hải Phòng sứ 海防使 và lập Tuần dương quân 巡洋军 làm lực lượng hải quân thường trực.
Sau khi hạ thành Hà Nội (lần 1 năm 1873), làm chủ các tỉnh đồng bằng Bắc kỳ[4], với Hòa ước Giáp Tuất 甲戌條約[5], Pháp được nhà Nguyễn mở cửa thông thương các cảng Ninh Hải (thuộc tỉnh Hải Dương nối đường thủy vận sông Nhị Hà 二江, tức sông Hồng 紅河 từ ngoài biển lên tới tỉnh Vân Nam 云南 vùng Tây Nam Trung Quốc) và Thị Nại 新州 tỉnh Bình Định 平定, để đổi lấy việc rút quân khỏi Bắc Kỳ. Sau đó tại cảng Ninh Hải này, nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng cảng này gọi là Hải Dương thương chính quan phòng 海陽商政关防 (sâu trong nội địa có trạm Đông Khê 東溪站). Cho Đến Đời Đồng Khánh (同慶, Ưng Biện, 1885-1888) các phủ huyện thuộc phần đất nay là Hải Phòng trong tỉnh Hải Dương (cũ, trước 1887) không thay đổi. Sau đó, với Hoà ước Giáp Thân 甲申條約[6], nhà Nguyễn công nhận sự đô hộ của Pháp, chia Việt Nam làm ba phần[7] trong Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise, 東洋聯邦)[8]. Nhưng mấy năm sau Pháp mới bình định xong Việt Nam. Lúc đó, Pháp cắt các huyện ven biển của Hải Dương lân cận cảng Ninh Hải là: An Dương, Nghi Dương, An Lão (thuộc phủ Kiến Thuỵ) và một phần huyện Thuỷ Đường (Thuỷ Nguyên), huyện Kim Thành (thuộc phủ Kinh Môn) lập Nha Hải Phòng 海防衙[9], ngày 11/9/1887 đổi là tỉnh Hải Phòng[10]. Thời gian này, phong trào kháng chiến ở hầu khắp các nơi đều giảm đi rất nhiều nên từ năm 1887, Pháp lập hệ thống chính quyền dân sự 6 cấp: Trung ương 中央, Kỳ , Tỉnh , Huyện , Tổng (bỏ Trấn , Phủ [11]) riêng cấp làng , thôn không nằm trong hệ thống chính quyền. Đến 19/7/1888 Pháp ép Đồng Khánh nhượng Hải Phòng để xây dựng thành phố bằng Sắc lệnh do Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot (1837-1894) kí, Hải Phòng được xếp vào loại thành phố cấp 1 như hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội. Thành phố Hải Phòng trở thành nhượng địa (concession) của Pháp theo một đạo dụ đề ngày 1 tháng 10 năm 1888 (được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 2 tháng 10 năm 1888). Sau đó, 1889 đưa Thuỷ Đường và 1893 đưa Tiên Lãng, một phần đất Kim Thành, Kim Môn của Hải Dương (mới) về tỉnh Hải Phòng.
Đến ngày 31/8/1898, toàn quyền Đông Dương Joseph Athanase Paul Doumer (1857 - 1932) tách Tf Hải Phòng ra khỏi tỉnh Hải Phòng, chuyển tỉnh lị về Phủ Liễn. Ngày 05/8/1902 tỉnh Hải Phòng đổi thành tỉnh Phù Liễn sau đó ngày 17/2/1906 thành tỉnh Kiến An 建安. Từ đó, thành phố Hải Phòng là thành phố thuộc địa (nhượng địa, colonie) do Pháp lập Toà Đốc lý 督理 trực tiếp cai trị, Kiến An là tỉnh Bảo hộ (protectorat) vẫn duy trì bộ máy vua quan phong kiến cai trị thuộc xứ Bắc Kỳ (Tonkin, theo Hòa ước Quý Mùi hay Hiệp ước Harmand, 25/8/1883) bên cạnh Tòa Công sứ (公使,résident) do người Pháp nắm quyền.
Như thế, đất Hải Phòng nay cơ bản là đất Hải Phòng hồi 1888 và là các xã ở 7 huyện trong 4 phủ : Ninh Giang 寧江 (Vĩnh Bảo 永保), Nam Sách (Tiên Minh 先明), Kinh Môn 荊門 (Thuỷ Đường 水溏() và Kiến Thuỵ 建瑞 (Nghi Dương 宜陽, Kim Thành 金城, An Dương 安陽, An Lão 安老) của tỉnh Hải Dương thời Đồng Khánh (同慶, 1886-1888) về trước.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 quy định: “Các thị trấn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh - Bến Thuỷ, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt và Sài Gòn Chợ Lớn đều đặt làm thành phố”. Theo Hiến pháp năm 1946, Hải Phòng là thành phố và Kiến An là một trong 27 tỉnh (bên dưới là huyện, xã) thuộc Bắc bộ. Đến tháng 11 năm 1946, chính quyền VNDCCH hợp nhất Kiến An với Hải Phòng thành liên tỉnh Hải-Kiến để đối phó âm mưu mở rộng xâm lược của Pháp và tiện thống nhất lãnh đạo, chỉ huy. Khi đó Uỷ ban Kháng chiến và Uỷ ban Hành chính nay hợp lại thành Uỷ ban Kháng chiến kiêm hành chính (theo Sắc lệnh số 91-SL ngày 01/10/1947). Đến 12/1948, do yêu cầu tình hình nhiệm vụ kháng chiến của mỗi địa phương lại tách riêng theo địa danh cũ thành 2 đơn vị hành chính.
Trong các năm 1952-1953, sau trận càn “Con sứa” (Méduse) đánh và bình định các huyện Thụy Anh, Quỳnh Phụ của tỉnh Thái Bình, tháng 4/1951, Pháp lập tỉnh Vĩnh Ninh (gồm: Ninh Giang, Hà An, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Phủ Dực, Tứ Kỳ, Thuỵ Anh) nhằm tạo vành đai bảo vệ Tf Hải Phòng và khu quân sự miền Đông Bắc. Nhưng chính quyền VNDCCH vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính cũ.
Cuối cuộc kháng chiến, thành phố Hải Phòng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương theo Sắc lệnh số 221/SL ngày 22/02/1955. Vì là địa bàn cuối cùng tập trung để di cư 300 ngày theo Hiệp định Genève 1954 nên Hải Phòng giải phóng muộn hơn các tỉnh: ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản thành phố Hải Phòng[12]. Khi đó cấp dưới thành phố là quận, khu phố hay xã.
Hoà bình lập lại, ngày 26/9/1955, huyện Hải An của Kiến An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Theo Hiến pháp 1959, Hải Phòng là thành phố (bên dưới có khu phố, quận rồi khối dân phố, xã) là một trong 26 tỉnh ở Bắc bộ. Năm 1960 huyện Đông Triều về tỉnh Hồng Quảng, còn Vĩnh Bảo[13] lại về tỉnh Kiến An. 
Hoàn thành khôi phục kinh tế sau chiến tranh, ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã có Nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng.
Sau khi thống nhất đất nước: cả nước có 35 tỉnh và 3 thành phố, trong đó có thành phố Hải Phòng (cấp hành chính bên dưới là quận, thị xã, huyện; phường, thị trấn, xã). Ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ có Nghị định 145/2007/NĐ-CP thành lập quận Kinh Dương (trên cơ sở tách 6 xã của Kiến Thụy) và quận Đồ Sơn (trên cơ sở huyện Đồ Sơn). Hiện nay, Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và là đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, gồm 7 quận nội thành (Đồ Sơn, Dương Kinh, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An), 6 huyện ngoại thành (Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vỹ) gồm 228 đơn vị cấp xã (70 phường, 10 thị trấn và 148 xã). Hải Phòng có: DT 1.507,57 km2; DS: 1.837.302 người; Mật độ: 1.218,781 người/ km2.
Trong thời đại nào, vùng đất này cũng mang đậm dấu ấn lịch sử với trang An Biên[14] của Nữ tướng Lê Chân (?-43)[15] gắn với cái tên Hải tần phòng thủ 海嬪防守; với các trận Bạch Đằng năm 939 của Ngô Quyền (吳權, 898–944), năm 981 của Lê Hoàn (黎大行, 941 – 1005), năm 1288 của Trần Hưng Đạo (陳國峻,1228, 1230, hay 1232? -1300)…Thời hiện đại đây là bến cảng đón CBCS miền Nam tập kết ra Bắc, nơi chứng kiến cảnh đồng bào di cư (1954), cảnh người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc (1955) ; nơi diễn ra các trận chống trả việc thả thủy lôi, bắn phá ác liệt của không quân Mỹ (1964-1972); nơi xuất phát của những “Đoàn tầu không số” chi viện cho miền Nam…; nơi diễn ra việc “khoán sản” đầu tiên ở miền Bắc.
Ngày nay, thành phố nằm trong “Tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh” và trong “Hành lang kinh tế: Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh” hiện đang phấn đấu đến năm 2020, muộn nhất là 2025 trở thành đô thị loại đặc biệt. Khi đó, dự kiến Hải Phòng sẽ tiến hành chia tách các huyện cũ để thành lập thêm 5 quận mới: Bến Rừng, Bắc Sông Cấm, Tây Bắc, An Dương và Tràng Cát - Cát Hải. Nâng tổng số quận lên thành 12 quận, mở rộng vùng trung tâm.



[1] Theo Đào Duy Anh trong “Hán Việt từ điển” thì 海防 nghĩa là “việc phòng giữ ở cửa biển và dọc bờ biển”.
[2] Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu bị Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc dẹp yên.
[3] Ông hiệu là Mạnh Dực, làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho. Ông đã đỗ Cử nhân năm 1868 và là một nhà cải cách, nhà ngoại giao của Việt Nam (từng đi sứ sang Hoa Kỳ) cuối thế kỷ 19. Hoạt động của ông tại Hải Phòng là những việc quan trọng, tạo bước ngoặt để Hải Phòng có diện mạo như ngày nay.
[4] Bắc Kỳ 北圻 là tên gọi do vua Minh Mạng đặt ra năm 1834 để chỉ phần đất từ Ninh Bình trở ra phía bắc của Việt Nam, thay cho tên gọi Bắc Thành thời nhà Tây Sơn và Gia Long. Người Pháp gọi là Tonkin.
[5] Là bản hiệp định thứ hai giữa triều Nguyễn và Pháp, được ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1874 với đại diện của triều Nguyễn là Lê Tuấn (黎俊,?- 1884)- Chánh sứ toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường (阮文祥,1824-1886)- Phó sứ toàn quyền đại thần và đại diện của Pháp là Dupré - Toàn quyền đại thần, Thống đốc Nam Kỳ. Hoà ước gồm có 22 điều khoản với nội dung chính là thay thế bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862, công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo.
[6] Còn gọi là Hòa ước Patenôtre, là hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại kinh đô Huế gồm có 19 điều khoản. Đại diện nhà Nguyễn là Phạm Thận Duật (范慎遹, 1825–1885) - Toàn quyền đại thần, Tôn Thất Phan - Phó Toàn quyền đại thần và Nguyễn Văn Tường - Phụ chính đại thần; phía Pháp là Jules Patenôtre - Sứ thần Cộng hoà Pháp.
[7] Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine) dưới ba chế độ khác nhau; mỗi kỳ có một chế độ cai trị riêng như là ba nước riêng biệt. Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp; Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ nhưng triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa vẫn được quyền kiểm soát.
[8] là thuộc địa dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp nằm ở khu vực Đông Nam Á. Khu vực này bao gồm Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Campuchia được thành lập theo Sắc lệnh của Chính phủ Cộng hoà Pháp ký ngày 17 tháng 10 năm 1887. Sau đó Tổng thống Pháp Marie François Sadi Carnot, vào ngày 18/4/1899 ra Sắc lệnh sát nhập thêm Lào, ngày 05/01/1900 thêm Quảng Châu Loan và từ đó Liên bang Đông Dương hoàn chỉnh gồm 5 xứ. Đứng đầu liên bang là một Toàn quyền (Gouverneur Général de l'Indochine française từ 1887 đến 1945) hay một Cao ủy (từ 1945 đến 1954) của chính phủ nước bảo hộ Pháp, thủ phủ đặt tại Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 03/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh xoá bỏ Phủ Toàn quyền. Nhưng trên thực tế, Liên bang Đông Dương tồn tại cho đến năm 1954 (Hiệp ước Genève được ký kết).
[9] Bố chính Hà Nội Cao Xuân Dục làm chánh sứ; Bang tá Sơn Tây Nguyễn Văn Tân làm phó sứ; lãnh binh gia hàm Đề đốc Nguyễn Viết Vinh làm lãnh Đề đốc.
[10] Có nhiều giả thiết về nguồn gốc địa danh Hải Phòng:
- Là tên gọi rút ngắn trong cụm từ Hải tần phòng thủ 海嬪防守, chức (?) của nữ tướng Lê Chân đầu thế kỷ I.
- Là tên gọi rút ngắn từ tên gọi của một cơ quan đời Tự Đức trên đất Hải Dương: Hải Dương thương chính quan phòng (hay Hải Dương quan phòng, Hải Dương phòng khẩn quan phòng - những tên được khắc trong con dấu của nha phòng khẩn ở Hải Dương) đặt ra nhiều địa phương ven biển hoặc có đường biên giới giáp nước ngoài với chức năng là cơ quan bảo vệ, canh phòng chủ quyền đất nước.
- Các cơ quan triều đình lập ra năm 1970 như  Mậu dịch thương quán 貿易商館, nơi đóng quân phòng vệ bờ biển (hải phòng binh lực 海防兵力).
- Bắt nguồn từ Ty sở nha Hải Phòng hoặc đồn Hải Phòng do Bùi Viện lập năm 1870 đời Tự Đức. Khi Các luận cứ chính: “Bến cảng trên sông Cấm trước khi gọi là Hải Phòng đã được gọi là Ninh Hải, địa danh Ninh Hải được dùng chính thức trong giấy tờ, sử sách của ta từ trước khi có tên Hải Phòng cho đến khi bị tên Hải Phòng loại hẳn”. Việc này có thể do lúc đầu người Pháp chỉ được đóng quân ở đồn Hải Phòng mà không được đóng quân ở đồn Ninh Hải. Vì vậy họ quen dùng tên Hải Phòng, tên gọi này phát âm dễ hơn tên Ninh Hải (đối với người Pháp).
[11] Vẫn còn phủ (ví dụ Kiến Thụy) nhưng không quản huyện mà chỉ tương đương huyện.
[12] Về sau ngày 13/5 được lấy là ngày “Kỷ niệm giải phóng Hải Phòng”.
[13] Vĩnh Bảo 永寳 là huyện mới thành lập năm 1838 gồm 3 tổng Thượng Cam, Đông Am, Ngải Am của Vĩnh Lại 永賴 và 5 tổng An Bồ, Bắc Tạ, Viên Lang, Hu Trì của Tứ Kỳ 四岐. Phần còn lại của Vĩnh Lại nay là huyện Ninh Giang, phần Tứ Kỳ còn lại nay là huyện Tứ Kỳ đều thuộc Hải Dương.
[14] An Biên, tức là làng Vẻn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là quê của Lê Chân. Khi cha là Lê Đạo, mẹ là Trần Thị Chân bị sát hại và phải ép lấy Tô Định, Lê Chân bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Tại đây, Lê Chân cùng dân  phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang.
[15] Tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (徵氏姐妹/ 二徵夫人(徵側, 徵貳), 39-43) bà được Trưng Vương phong là Đông Triều công chúa, lĩnh ấn Trấn Đông đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải. Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa. Hiện có đền Nghè ở An Biên, Hải Phòng thờ Bà.

-Lương Đức Mến (ST và BS)-

2 nhận xét:

  1. 1. Có nhiều giả thiết về nguồn gốc địa danh Hải Phòng :
    - Cho đó là tên gọi rút ngắn trong cụm từ Hải tần phòng thủ, chức (?) của nữ tướng Lê Chân đầu thế kỷ I.
    - Hải Phòng là tên gọi rút ngắn từ tên gọi của một cơ quan đời Tự Đức trên đất Hải Dương: Hải Dương thương chính quan phòng (hay Hải Dương quan phòng, Hải Dương phòng khẩn quan phòng - những tên được khắc trong con dấu của nha phòng khẩn ở Hải Dương) đặt ra nhiều địa phương ven biển hoặc có đường biên giới giáp nước ngoài với chức năng là cơ quan bảo vệ, canh phòng chủ quyền đất nước.
    - Hải Phòng bắt nguồn từ Ty sở nha Hải Phòng hoặc đồn Hải Phòng do Bùi Viện lập năm 1840 đời Tự Đức. Các luận cứ chính: "Bến cảng trên sông Cấm trước khi gọi là Hải Phòng đã được gọi là Ninh Hải, địa danh Ninh Hải được dùng chính thức trong giấy tờ, sử sách của ta từ trước khi có tên Hải Phòng cho đến khi bị tên Hải Phòng loại hẳn". Hải Phòng vốn là tên một đồn binh làm nhiệm vụ bảo vệ canh phòng cửa biển ở bến Ninh Hải được hình thành trên vùng đất đai thuộc làng Cấm (Gia Viên), làng Vẻn (An Biên) huyện An Dương cổ xưa. Việc dùng tên gọi Hải Phòng mà không dùng tên Ninh Hải có thể do lúc đầu người Pháp chỉ được đóng quân ở đồn Hải Phòng mà không được đóng quân ở đồn Ninh Hải. Vì vậy họ quen dùng tên Hải Phòng, tên gọi này người Pháp phát âm dễ hơn tên Ninh Hải. Theo tôi, giả thuyết này có cơ sở hơn cả
    2. Địa danh Kiến An có thời chỉ tỉnh (1906-1946, 1949-1962), thị xã (1946-1948, từ 1962), huyện (1980), thị xã (1988) sau dùng chỉ quận (1997).

    Trả lờiXóa
  2. Một số địa danh quanh Hải Phòng hồi thế kỷ XIV:
    11. Thuận An (順? 安), Lương Tài (良才), Khoái Châu (快 州) Hồng Sóc (洪朔), Đường Hào (唐 豪), Cẩm Giang (錦 江), Gia Phúc (嘉 福), Thanh Ô (青污), Hạ Hồng (下 洪).
    12. Nam Xương (南昌), Chân Định (眞定), Thượng Nguyên (上元), Lị Nhân (莅 仁), Duy Tiên (维先), Thanh Liêm (清 ?)
    13. Tân Minh (新明)
    14. Thượng Hồng (上洪) , Quảng (廣), Bình Hà (平河)
    15. Đồ Sơn (塗 山), An Lão (安老 ), Nghi Dương (宜 阳), Cổ Nhuế (古芮)
    16. Đồ Sơn Hải Khẩu (塗 山 海口).
    17. Đa Ngư Hải Khẩu (多魚海口).
    18. Bạch Đằng Hải Khẩu (白騰海口).
    19. An Dương Hải Khẩu (安阳 海口).
    20. Vân Đồn (雲 吨), Huê Phong (花 封).
    21. Miếu Sơn (廟 山).
    22. Ngọc Sơn Tuần (玉山 巡), Ô Lội Sơn (污雷? 山)
    23. Thái Bình Hải Khẩu (太平海口)
    24. An Bang Thừa Cải (安 邦承 改), Hải Đông Giải Tuần Ty (海東解巡司 ), Lục Ngạn (陸 岸), Bảo Lộc (保 祿 ), Thủy Đường (水棠 ), Giải Gia Xã (獬家社), Linh Sơn (灵 山), Lục Nghinh Ty (六迎司), An Dương (安阳).
    (Theo Đại Việt quốc tổng lãm đồ)

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!