Theo tư liệu của ông Hoàng Đình Khảm và truyền ngôn trong họ thì: Những người mang họ Lương ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đều có chung một cụ tổ Thượng là Lương Đắc Cam. Từ Cụ Tổ đến nay đã được 18 đời và các chi phái vẫn theo về Từ đường ở thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ Tổ vào ngày Trung Thu. Đó là họ Lương của các xã: Hùng Thắng, Vinh Quang, Bạch Đằng, Đại Thắng, Tự Cường, Tiên Cường… của Tiên Lãng và một số xã bên bờ sông Văn Úc thuộc huyện An Lão.
Theo truyền ngôn của các cụ trong họ: Thời Lê – Mạc tranh quyền, con cháu họ Lương từ Thanh Hoá (Tổ thượng Lương Đắc Cam) đã ra gặp học trò cụ Lương Đắc Bằng là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Lại xứ Đông[1]. Trạng Trình đã đưa con cháu Lương Đắc Bằng về lập nghiệp tại thôn Chử Khê (nay thuộc xã Hùng Thắng) và đến nay đã được 18 đời.
Ngược dòng lịch sử ta biết rằng: trong thời Lê – Mạc (南北朝, 1533-1592) tranh quyền, đất nước sẻ chia, các thế lực cát cứ nên ngay trong họ Lương cũng đã có sự phân hóa: cụ Bảng Nhãn làm quan nhà Lê sơ (1428-1527) còn con là Lương Hữu Khánh học và thi đỗ dưới triều Mạc (năm 1538) nhưng lại khuông phò Lê Trang Tông Ninh (黎莊宗寧, 1533-1548) khôi phục nhà Lê.
Với bối cảnh đó, chắc lo sợ bị trả thù, cụ Lương Đắc Cam (chắt Cụ Bảng nhãn) đã ra gặp học trò cụ Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 - 1516) cũng là thầy dạy Lương Hữu Khánh (1517 – 1590) là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491 - 1585)[2]. Trạng Trình đã đưa cháu chắt của thày học Lương Đắc Bằng về lập nghiệp tại xã Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖, huyện Tân Minh 新縣, phủ Nam Sách 南策府, trấn Hải Dương 海陽鎭 (nay là thôn Chử Khê xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Đến nay con cháu đã được 18 đời nhất tâm xác định Lao Chữ (Chử Khê nay) được xác định là phát nguồn các chi phái với Tổ Thượng Lương Đắc Cam (giỗ ngày 15/8) và tổ đời thứ hai là Lương Đắc Nhân và gốc từ Thanh Hóa ra.
Đến đời thứ 10 cụ Lương Phú Ngân cho con cả là Lương Ngọc Củng về khai khẩn ở xã Bạch Đằng đã lập chi họ Lương ở Bạch Đằng và con út là Lương Đắc Phúc vào khoảng 1848 – 1884 ra vùng ven biển cùng tổng khai khẩn. Cùng với các cụ tổ dòng họ khác quai đê lấn biển, khẩn dân lập ấp rồi vào Huế xin được lập xã Thái Bình 太平 (nay là làng Đông Trên, xã Vinh Quang) lập chi họ Lương tại Vinh Quang đến nay đã được 8 đời. Còn với các chi họ Lương khác cùng từ Lao Chữ chia ra thì chưa khảo cứu được.
Con cháu họ Lương ở các xã: Hùng Thắng, Vinh Quang, Bạch Đằng, Đại Thắng, Tự Cường, Tiên Cường, Cấp Tiến… thuộc Tiên Lãng và Chiến Thắng thuộc An Lão cho đến nay vẫn theo về Tổ đường ở thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ Tổ vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm
Như vậy tuy đã có chỉ dẫn ban đầu nhưng chưa đủ để dựng lại quá trình hình thành chi phái họ Lương ở Tiên Lãng rồi sang An Lão như truyền ngôn. Trong cả 3 tư liệu từ họ Lương Thanh Hóa mà tôi từng được tiếp cận, kể cả bản đủ như (2) và (3) đều không thấy chép cụ Bảng nhãn có người con, cháu, chắt nào tên là Lương Đắc Cam và không chỗ nào nhắc tới việc ra xứ Đông, chỉ nói chuyện lên Bắc Giang. Vậy: cụ Lương Đắc Cam quan hệ với cụ Lương Đắc Bằng thế nào và sang Tiên Lãng khi nào?
Theo ngu ý của tôi:
1. Từ Hoằng Hóa ra Tiên Lãng ngày nay gần 190 km tới Vĩnh Bảo, tiếp hơn chục cây nữa mới sang đến Tiên Lãng. Ngày đó đường lớn (Quốc Lộ 1, Quốc Lộ 2, Quốc lộ 10, Tỉnh lộ 17A, Tỉnh lộ 354) chưa có; các cây cầu qua sông, qua lạch (Tào, Cừ, Tống Giang, Ghềnh, Vóa, Yên, Lim, Khuất, Họ, Mái, Lê, Dáng, Tân Đệ, Năm, Nghìn, Hàn) chưa có hoặc nếu có chắc là nhỏ. Vậy là việc đi lại rất khó khăn, lại phải lẩn trốn nên cần vài ngày đi bộ và trẻ nhỏ khó tự vượt qua.
2. Cụ Trạng Trình năm 1585 đã mất nên hậu duệ cụ Bảng nhãn phải ra trước đó vài năm, có nghĩa người này phải sinh muộn nhất là 1565. Như vậy chỉ ít hơn con Cụ Bảng Nhãn vài tuổi, vô lý! Nhớ rằng Cụ Trạng cũng lo khi “vật đổi sao dời” nên đã di chúc cho con cháu bí mật chuyển đến Ninh Bình tránh bị truy diệt khi nhà Mạc đổ đã đổi từ họ Nguyễn 阮 ra họ Giang 江 (nhớ con sông Tuyết Giang quê hương) nên cũng không đủ khả năng và dám công khai cho người giúp đưa Lương Đắc Cam từ Cổ Am, Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo) sang Tân Minh (Tiên Lãng) được. Có thể cụ Khiêm Hanh khi đó đương chức Lễ khoa cấp sự trung trực tiếp đưa con ra khi con mới mấy tuổi ra Vĩnh Lại gửi gắm thầy mình? Hay đó là một người con của một nàng hầu nào của 1 trong 3 người con trai của Lương Hữu Khánh (梁有慶,1517 – 1590)? Hoặc con của chính Danh thần này?...
3. Đoạn về họ Lương Tiên Lãng lại ghi con cháu cụ Đắc Bằng ra gặp cụ Trạng mà cụ Trạng năm 1585 đã mất nên phải ra trước đó vài năm. Ta biết trong trong thời Nam Bắc triều (南北朝, 1533-1592) từ năm 1555, sau khi ổn định tình hình, nhà Mạc đã nhiều lần cất quân đánh vào bản doanh của nhà Lê ở Thanh Hoa (Thanh Hóa nay) làm dân Thanh Hóa nhiều phen chạy tứ toán. Trong đó đáng kể là các trận tấn công do Mạc Kính Điển (莫敬典, ? - 1580) cầm quân là vào: tháng 7 năm 1557, tháng 8 năm 1570, tháng 8 năm 1573, tháng 9 năm 1577, tháng 8 năm 1579 và tháng 8 năm 1583. Trong đó trận tháng 8/1573 đánh cả vào dinh Yên Trường. Như vậy nhiều khả năng hậu duệ cụ Đắc Bằng ra Bắc là vào khoảng 1583 khi đó Lương Khiêm Hanh đã 20 tuổi (sinh năm 1563) và chắc đã có con! Đến nay đã được hơn 400 năm, khoảng 18 đời là hợp lý!
4. Quá trình hình thành các chi họ Lương gốc Lao Chữ ở Tiên Lãng và An Lão có thể được bắt đầu từ ngay thế hệ cháu Tổ Thượng Lương Đắc Cam, tức là từ thế kỷ XVII và do sinh kế, do lập nghiệp nơi quê vợ, do nhà nước điều động…Quá trình đó đến nay vẫn tiếp diễn và đưa con cháu hộ Lương đến mọi miền của đất Việt. Những địa danh thuộc Tiên Lãng liên quan đến quá trình hình thành dòng họ mà trong Gia phả nhà tôi có chép tiếc rằng do thời gian, do khoảng cách về địa lý, lại do sự tách nhập, đổi tên nên tôi chưa tìm hiểu được tận tường. Đó là: Trung Lăng 中陵, Dư Đông 余東, La Cầu 羅梂 thuộc tổng Phú Kê 富鷄 (nay là thị trấn Tiên Lãng); là: Xuân Úc 春郁, Văn Úc 文郁, Lao Chử 牢渚 thuộc tổng Dương Áo 陽襖 (nay là xã Hùng Thắng); là Đăng Lai 登來, Phương Lai 方來, Quan Bồ 關蒲 thuộc tổng Kinh Lương 涇涼 (nay là xã Cấp Tiến).
5. Từ những năm 1960 đã có nhiều gia đình họ Lương gốc Tiên Lãng đi khai hoang hoặc được điều lên công tác rồi lập nghiệp ở Lào Cai. Nhưng người tôi biết có: anh em ông Lương Hồng Cẩm ở Cốc Tủm (Phong Niên, Bảo Thắng), anh em ông Lương Văn Ngạnh ở Làng Mạ (Trì Quang, Bảo Thắng) và anh em ông Lương Văn Hoản ở Bảo Nhai (Bắc Hà). Những hộ này tuy cùng Tổ Thượng ở Lao Chữ (nay là Hùng Thắng) hay Tổ ở Đăng Lai (nay là Cấp Tiến) huyện Tiên Lãng nhưng không thuộc dòng Lương Đức và chưa chắp nối được Gia phả để rõ thế thứ nên tuy có liên hệ song tôi không chép vào các phần viết về họ Lương Đức nhà tôi.
Sinh thời, phụ thân tôi từng làm lễ nhận họ và tiến hành việc giỗ Tổ chung nhưng các cụ chưa có điều kiện làm rõ mối quan hệ ra sao.
Liệu chi họ nào, gia đình nào và ai còn giữ được Gia phả hay thông tin liên quan mà chưa tham gia kết nối để góp phần làm rõ 5 điểm trên?
[1] Chính là huyện Vĩnh Bảo, một huyện thuộc thành phố Hải Phòng giáp với tỉnh Thái Bình. Nguyên xưa là đất Đồng Lị 同利. Thời thuộc Minh là huyện Đồng Lợi 同利縣 thuộc châu Hạ Hồng. Vì kiêng húy tên Lê Thái Tổ nên đầu đời Lê đổi là Đồng Lại 同賴. Năm 1469 Lê Thánh Tông cho đổi thành huyện Vĩnh Lại 永賴縣 đặt thuộc phủ Hạ Hồng. Năm 1838, Minh Mạng cắt 3 tổng (Thượng Am, Đông Am và Ngải Am) của Vĩnh Lại cùng với 5 tổng (An Bồ, Bắc Tạ, Đông Tạ, Viên Lang, Hu Trì) thuộc Tứ Kỳ lập huyện mới Vĩnh Bảo 永寶縣.
Như vậy Vĩnh Bảo khi đó có 8 tổng gồm 67 xã, thôn. Trong đó xã Cổ Am 古庵 (quê Trạng Trình) cùng với 6 xã khác nằm trong tổng Đông Am 東庵.
[2] 阮秉謙, 1491-1585, người Trung Am, Vỉnh Lại, Hải Dương-Nay là Vĩnh Bảo, Hải Phòng Ông còn có tên là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ. Cha là Nguyễn Văn Định, mẹ là con gái Thượng thư Nhữ Văn Lan. Từ nhỏ học với mẹ, sau theo học LĐB, đến năm 45 tuổi mới đi thi và đỗ Trạng nguyên (triều Mạc Đăng Dung). Được vua Mạc phong chức Trình quốc công, nên gọi là Trạng Trình. Ông dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần. Việc không thành, ông về ở ẩn dạy học, làm thơ, lấy hiệu là Bạch vân cư sĩ. Các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày các phương sách khác nhau nhằm giữ thế “chân vạc” để giảm bớt nạn binh đao. Ông am hiểu sâu sắc Khổng học, tinh thông lý học. Ở ẩn, ông chủ trương một lối sống nhàn tản, đề cao đạo đức. Thơ ông giàu tính hiện thực và triết lý. Ông được người đời xưng tụng là Tuyết Giang phu tử (là một trong hai phu tử ở Việt Nam cùng với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp). Khi LĐB mất, NBK vào Hội Triều dựng nhà chịu tang 3 năm mới về quê dạy học tiếp.
Trong thư gửi cho tôi, Ông Hoàng Đình Khảm có lời bàn:
Trả lờiXóa1...cụ Lương đắc Bằng không có người con, cháu nào trực hệ, ra huyện Vĩnh Lại nhờ ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm nơi lập nghiệp.
2.Có thể giả định rằng, với quan hệ là thân tộc, cụ Lương Đắc Bằng đã tìm mọi cách cứu giúp các cháu của thầy (ân sư) Lương thế Vinh, bằng cách nhận Lương thế Dực (vốn là cháu thầy) nay là con mình và cho ra Vĩnh Lại nhờ người học trò yêu quý là Nguyễn Bỉnh Khiêm giúp đỡ. Thế là hậu duệ của ông Lương Thế Dực cứ đinh ninh mình là dòng họ Lương Đắc, hậu duệ bảng nhãn Lương Đắc Bằng, thực ra lại là hậu duệ của trạng nguyên Lương Thế Vinh.
3.Tuy nhiên cũng không loại trừ việc tộc phả họ Lương Hội Triều ngày xưa viết không đầy đủ, nên đã bỏ sót một số gia đình vốn là anh em con cháu cụ Lương Đắc Bằng.
Tên tôi là: Lương Hữu Cường : Đời thứ 8 của dòng họ Lương Hữu tại Quận Đồ Sơn- TP Hải Phòng. Hiện tại Mộ Tổ táng trên gần đỉnh đồi dưới chân chùa tháp ( Tháp Tường Long ) Đồ Sơn. Dòng họ Lương Hữu chúng tôi đã sinh sống ở đây 300 năm. Lúc trẻ phải no cơm áo, gạo tiền, nay hết tuổi lao động được nghỉ ngơi, có thời gian rảnh rỗi tìm hiểu cội nguồn thì các bậc ông cha đã quy tiên cả rồi. Vì vậy tôi không biết họ Lương Hữu chúng tôi từ đâu đến Đồ Sơn - TP Hải Phòng lập nghiệp, Thuỷ Tổ chúng tôi là ai, ở đâu ? Nếu có ai biết xin được chỉ dẫn. Xin trân trọng cảm ơn ! ( Lương Hữu Cường. số ĐT : 0912811494 )
Trả lờiXóa