[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 4 2011

Họ Lương Tiên Lãng


Tôi vừa nhận được Email của ông Hoàng Đình Khảm từ thành phố Hồ Chí Minh gửi ra. Trong đó tại mục 28 có giới thiệu về họ Lương ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là họ gốc đã phân nhánh ra họ Lương ở Cao Mật, An Lão xưa mà nay là xã Chiến Thắng, huyện An Lão. Tôi xin đưa lên toàn văn. Quan viên họ đọc suy ngẫm và bổ sung.
28, Giới thiệu sơ lược về họ Lương Tiên Lãng.
 I, Địa chỉ:  Hải Phòng.
 II, Nguồn gốc:     Trên địa bàn huyện Tiên Lãng Hải Phòng hầu như xã nào cũng có họ Lương. Song có chung một cụ tổ thượng là Lương Đắc Cam, cho đến nay vẫn theo về nhà thờ Tổ thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ tổ vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, có họ Lương của các xã sau: Hùng Thắng, Vinh Quang, Bạch Đằng, Đại Thắng, Tự Cường, Tiên Cường.
Tổ thượng Lương Đắc Cam có nguồn gốc từ Thanh Hoá. Theo truyền ngôn của các cụ trong họ : Thời Lê – Mạc tranh quyền, con cháu họ Lương Thanh Hoá đã ra gặp học trò cụ Lương Đắc Bằng là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình đã đưa con cháu Lương Đắc Bằng về lập nghiệp tại thôn Chử Khê (nay thuộc xã Hùng Thắng) và đến nay đã được 18 đời.
Tại thôn Chử Khê xã Hùng Thắng có nhà thờ Tổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1940 trùng tu một lần. Năm 2007 trùng tu lần thứ 2 vẫn trên nền móng cũ và giữ nguyên các vì gỗ theo kiểu 4 hàng xà, 3 hàng cột, kẻ truyền, tiền tàu hậu bẩy, nhà 3 gian có hậu cung. Cũng tại thôn Chử Khê, cách nhà tổ khoảng 500m là Lăng mộ cụ Tổ Thượng Lương Đắc Cam và tổ đời thứ hai là Lương Đắc Nhân. Năm 2000, họ Lương các xã ở Tiên Lãng đã thống nhất xây lại lăng mộ các cụ tổ, khi sửa móng đã phát hiện 2 bia đá ghi tên hai cụ tổ Lương Đắc Cam và Lương Đắc Nhân khắc chữ Hán, có thể đã khắc cách đây trên 300 năm.
Theo quyển gia phả chữ Hán, các thế hệ nối tiếp nhau không có chữ đệm thống nhất, cho đến nay, con cháu trong họ cũng tự do chọn tên đệm. Nếu theo cách ghi Thuỷ tổ cao cao tổ, cao cao tổ, cao tổ, tằng tổ, thì phả này chép có 3 – 4 đời theo kiểu phối ý, chỉ ghi tổ khảo và tổ tỉ, không ghi rõ được mối quan hệ giữa các đời, và chỉ ghi được ngày giỗ cụ thuỷ tổ là Lương Cam tự Tam Lang (Thực ra đây chỉ: ông là con thứ ba) là ngày 15 tháng 8. Nhưng khi xếp thứ tự các đời vào bản dịch thì được xếp thành 10 đời (riêng các cụ cao cao tổ khảo xếp thành 3 đời nối tiếp, các cụ tằng tổ khảo được cắt ra và xếp nối tiếp từ thứ 5 đến đời thứ 10, tuy đời khác nhau, nhưng vẫn đề cao cao tổ (3 đời đầu tiên) và tằng tổ khảo (vào đời sau), có lẽ, dòng họ còn căn cứ vào các tài liệu khác để chia các đời như trên (nếu như thế thì chỉ nên ghi đời thứ mấy, chứ không nên ghi cao cao tổ, hay tằng tổ nữa thì hợp lý hơn).
Theo tư liệu của ông Lương Văn Ghè và Lương Đồng Khởi thì từ khi cụ Lương Phú Ngân đời thứ 10 có 2 con trai cho con cả là Lương Ngọc Củng về khai khẩn ở xã Bạch Đằng đã lập chi họ Lương Bạch Đằng và con út là Lương Đắc Phúc về khai khẩn ở xã Vinh Quang đã lập chi họ Lương ở xã Vinh Quang từ đời thứ 11 trở đi, chép trong phả đến đời thứ 14, đến nay con cháu phát triển đến đời thứ 18, có nghĩa là họ Lương ở xã Vinh Quang từ đời ông Lương Đắc Phúc đến nay được 8 đời từ làng Lao Chữ (nay là Chữ Khê xã Hùng Thắng) về làng Đông Trên (xã Vinh Quang).
Theo thần tích Di tích lịch sử  văn hoá đình Thái Bình (Đình Đông), cụ tổ Lương Đắc Phúc đã từ làng Lao Chữ đến làng Đông Trên vào khoảng 1848 – 1884 đời Tự Đức, cùng một số các cụ tổ các dòng họ khác ra vùng ven biển quai đê lấn biển, khẩn dân lập ấp. Các cụ đã cùng nhau thảo đơn cho cụ Tổ họ Nguyễn vào Huế xin được lập xã Thái Bình. Vua Tự Đức đã có chiếu chỉ phê chuẩn vùng đất mới khai khẩn lập thành xã Thái Bình được hoạch định như sau:
Đông bể Đồ Sơn
Bắc liên Kiến Thuỵ
Nam vọng Lỗ Trường
Tây giáp Lao Chữ - Lao Khê
Ngòi thông tự thử Thông Câu
Dân phong biệt chiếm Thái Bình
Xã Thái Bình ngày ấy nay là xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng. Cụ tổ họ Nguyễn được nhân dân tôn là thành hoàng. Các cụ tổ họ Lương (Lương Đắc Phúc), họ Đỗ, họ Vũ được dân tôn là Tiên Khẩn, được tôn thờ ở đình Thái Bình đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố. Chi họ Lương xã Vinh Quang đã xây dựng nhà thờ tổ ở thôn Đông Trên. Lăng mộ của hai cụ Lương Phú Ngân và Lương Đắc Phú được tôn tạo tại làng Đông Trên – Năm 1938, dân trong họ đã xây dựng tộc phả, nhưng năm 1952 bị Tây đốt cháy. Năm 1990, cụ Lương Kim Thành đã xây dựng lại phả họ Lương Vinh Quang và tháng 11 năm 2005 được ông Lương Văn Nhạn tu chỉnh hoàn thành. Trưởng tộc hiện nay là ông Lương Kế Chuyên (đời thứ 5) Họ có 122 hộ, hiện sống ở 5 thôn thuộc xã Vinh Quang là 81 hộ, tập trung đông ở 2 thôn Đông Trên và Đông Dưới.
Trong hai cuộc kháng chiến, họ Lương xã Vinh Quang đã có 79 người tham gia Quân đội nhân dân, có 9 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, trong đó có liệt sĩ Điện Biên Phủ Lương Văn Tỏ. Họ cũng có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là bà Nguyễn Thị Sang. Họ có 2 gia đình có 4 con nhập ngũ, được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến: gia đình ông Lương Văn Sắt và bà Nguyễn Thị Sang cùng gia đình ông Lương Văn Sáng và bà Nguyễn Thị Đầm.
Hoạt động văn hoá - giáo dục của họ Lương Vinh Quang rất thường xuyên. Từ năm 2001, khánh thành nhà thờ, họ đã làm được 3 việc lớn:
- Thông qua Tộc ước có 4 chương 22 điều, có nội dung hướng thiện – sống và làm việc theo pháp luật - Đoàn kết cùng cộng đồng làng xã xây dựng đời sống văn hoá tốt đẹp.
- Thành lập Đội văn nghệ kiêm hành lễ gồm 3 thế hệ nàng dâu, phục vụ lễ họ, lễ hội làng và giao lưu văn hoá tỉnh, huyện.
- Xây dựng được phong trào khuyến học, khuyến tài, có quỹ khuyến học 8 triệu đồng, có quy chế xét thưởng rõ ràng. Từ năm học 2008 – 2009, cháu nào thi đỗ vào đại học thưởng 500.000 đ. Năm 2005 – 2006 và 2007 – 2008 đều có 3 cháu vào Đại học, năm 2008 – 2009 có 6 cháu đỗ vào Đại học.
Với những thành tích đó, họ Lương xã Vinh Quang đã được Uỷ ban nhân dân Hải Phòng tặng Bằng khen năm 2008.
 V, Nguồn tư liệu:  tài liệu do ông Lương Văn Ghè và Lương Đồng Khởi cung cấp.

Theo cuốn "GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ 30 HỌ LƯƠNG" của Lương Phương Hậu và Hoàng Đình Khảm, tháng 4 năm 2011.

Ghi chú: Dòng họ này hiện trên Lào Cai có anh em nhà bác Lương Hoản, trước công tác tại Huyện ủy Bắc Hà nay nghỉ hưu ở xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Trong Công an tỉnh có : Thượng tá Lương Ngọc Cương (Phó Trưởng phòng CSPCCC - CHCN) và Đại úy Lương Đức Vương (cán bộ Phòng KTHS).

1 nhận xét:

  1. Tôi cũng là người trong dòng tộc họ lương bài viêt này các tác giả đã cố gắng sưu tầm, nhưng viết rất chung chung, cần phaỉi thêm các liên ết các gốc của gia phả dòng họ Lương owr Thanh Hoá và Họ lương ở Hải phòng mới chứng minh được.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!