Sắp đến Thanh Minh Tân Mão, một Thanh Minh có nhiều điều trùng hợp. Hôm vừa rồi nghe mấy đứa em, đứa cháu hỏi về việc tổ chức ngày này mới hiểu nhiều người còn chưa hiểu cặn kẽ, tận tường, thậm chí hiểu sai, làm sai!
1. Trước hết nói về ngữ nghĩa:
Trong tiếng Việt có 2 từ gần nghĩa và âm. Trong đó “Tiết” 節 là âm Hán Việt nguyên chỉ “đốt, khớp và ngày kỷ niệm”, ví như: 春節 Tết Nguyên đán; 過節 Ăn tết; 清明節 Tiết thanh minh. Còn Tết là từ thuần Việt gọi trệch từ Tiết mà ra. “Thanh” 清, nghĩa là trong sạch và Minh 明 là “sáng suốt trong sạch, không bị ngoại vật che lấp”.
Như vậy, Thanh minh (H: 清明, A: Festival of tomb cleaning, P: La fête de nettoyage des tombes) nghĩa là ngày có tiết trời mát mẻ, trong trẻo, sáng sủa.
2. Thanh minh là Tiết khí:
Tiết khí (H: 節氣,A: solar term, P: périodes solaires ) là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Tiết khí được sử dụng trong việc lập lịch của các nền văn minh như Trung Quốc, Việt Nam , Nhật Bản, Triều Tiên để đồng bộ hóa các mùa. Ở Việt Nam có một số học giả phân biệt tiết và khí. Họ cho rằng cứ một tiết lại đến một khí. Tuy nhiên để dễ hiểu, nhiều người vẫn gọi chung là tiết khí hoặc đơn giản chỉ là tiết.
Theo đó, Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 立春 45 ngày: Khi tiết Xuân phân 春分 qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa, thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm.
Lịch hiện đang được người dân Trung Quốc, Việt Nam , Triều Tiên dùng là loại âm dương lịch được tính theo vị trí của Trái Đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt Trời. Nếu tính điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt Trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°. Nếu tính Đông chí 冬至 là gốc thì Thanh minh cách tiết này khoảng 105 ngày, còn nếu tính Lập Xuân là gốc thì nó cách tiết này khoảng 60 ngày. Cho nên, Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới có câu:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Do vậy, tiết Thanh minh, trên thực tế được tính theo cách tính của dương lịch và nó thông thường bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch khi kết thúc tiết Xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 khi tiết Cốc vũ 穀雨 bắt đầu. Người Trung Quốc coi Thanh Minh là một trong 4 Tiết mừng lớn 四大节庆.
3. Cần phân biệt với Tết Hàn thực:
Tết Hàn Thực 寒食节 là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. "Hàn Thực" nghĩa là "đồ ăn lạnh". Nhưng xưa nay, nhiều người hay nhầm đây là tiết Thanh Minh. Thực ra có thể người dân đi nhận mộ vào ngày 03/3 nhưng nay là vào trước hay sau tiết Thanh minh. Nhưng cần hiểu rành rẽ.
Chuyện rằng: vào thời Xuân Thu (春秋时期, 722 đến 481 tCn) con lớn vua Tấn Hiến Công (晋献公, cai trị: 676 tCn – 651 tCn) nước Tấn (晋国, TK XI tCn-336 tCn) là Cơ Trọng Nhĩ 姬重耳, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong. Bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi 介之推, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn (晋文公,636 tCn – 628 tCn) sau 19 năm lưu lạc (655 tCn- 636 tCn), phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Thủ hạ của Giới Tử Thôi thương Tử Thôi thiệt thòi, có người viết thư treo ở cửa cung Tấn Văn công, có ý oán trách vua quên người có công.
Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Miên Thượng ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lệnh lấy đất Miên Thượng cấp cho Tử Thôi, gọi là “ruộng Tử Thôi”, còn núi Miên Thượng gọi là “Thôi Sơn”, lập miếu thờ, biểu dương Giới Tử Thôi là người hiền và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Ở Việt Nam cũng theo tục ấy và ăn Tết Hàn Thực ngày mồng 3 tháng 3. Tuy nhiên, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng chỉ cúng gia tiên, chứ ít ai tưởng nhớ gì đến Giới Tử Thôi và chuyện của ông. Ngày ấy, người Việt vẫn nổi lửa, không kiêng khem gì.
Vậy Tết Hàn thực là theo lịch Âm, luôn diễn ra ngày 03/3 âm còn Tiết Thanh Minh phải dựa vào Dương lịch, nó diễn ra cuối tháng Hai, đầu tháng Ba âm. Năm Nguyễn Du viết Truyện Kiều, nó rơi vào tháng Ba nên mới có câu:
Thanh minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
4. Tiết Thanh minh qua các thời kỳ:
Theo tuyền thuyết tiết Thanh minh được bắt nguồn từ đời nhà Hán (漢朝, Han cháo, 206 tCn. - 220 sCn), khi đó các bậc Đế Vương thực hiện việc tế lễ các Tiên vương tại lăng mộ sau thành phong tục dân gian.
Cho đến đời nhà Minh (明朝,Ming; 1368 - 1644) và nhà Thanh (清朝, Qīng, 1644 - 1911) cơn sốt đi tảo mộ lên đến đỉnh cao, có người không chỉ đến mộ tổ tiên đốt tiền bạc, mà còn làm mâm cỗ đầy để cúng trước mộ.
5. Lệ tục trong Thanh Minh:
Lễ tảo mộ: Tảo mộ (H: 掃墓,A: To clean the tomb, P: Nettoyer une tombe) chính là sửa sang ngôi mộ cho được sạch sẽ. Nhân ngày lễ Thanh Minh người ta mang theo cuốc xẻng để đắp lại nấm mồ cho to, phát quang cây dây dại, rẫy hết cỏ dại mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Sau đó thắp hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người thân quá vãng và cả những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng. Trong ngày tảo mộ, bãi tha ma vốn vắng lặng bỗng trở nên sầm uất. Mọi người đi tảo mộ đều vui vẻ và ăn vận rất chỉnh tề. Các ông bà già thì khấn vái nơi phần mộ, người khỏa thì nhổ cỏ, phát cây, trẻ em cũng theo ra để biết dần những ngôi mộ của gia tiên và hình thành dần sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và xum họp với đại gia đình.
Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa. Nhưng cũng có nhiều nơi người ta tảo mộ vào dịp trước và sau ngày Tết. Nhiều làng ở vào vùng đất thấp, tới vụ nước, ruộng nương và cả bãi tha ma đều ngập nước, thì người ta đi tảo mộ vào đầu tháng chín, sau khi nước đã rút. Dù đi tảo mộ vào ngày nào thì việc thăm nom mồ mả tổ tiên cũng là việc hay. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn.
Chính vì thế, có nơi gọi tiết Thanh Minh là tết “âm phủ”, qua đó có thể thấy đây là ngày tết của người quá cố. Trước sau Thanh minh, nhà nào nhà nấy đi tảo mộ cho trọn đạo nghĩa, con cháu dón dép, cắt cỏ xung quanh mộ, đắp thêm đất mới, thắp hương, đốt tiền, lễ bái hoặc mặc niệm.
Hội đạp thanh: nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì được.
6. Thanh Minh năm nay:
Năm Tân Mão 2011 Thanh Minh là thứ Ba ngày 05/4/2011 vào đúng ngày 03/3 Tân Mão, nghĩa là trùng với ngày Tết Hàn Thực!
Ngày 4/4/2011 theo âm lịch là ngày mồng 2 tháng 3 năm Tân Mão 三月初二. Đây chính là ngày trước tiết Thanh Minh 清明前夕, ngày sửa sang hương án bàn thờ, dâng hoa cho vong vị tổ tiên, đốt nhang đèn cho lễ tảo mộ, là ngày hội tụ của những linh hồn về nhà thăm lại gia đường. Ngày này có Lục tự là Kỷ Sửu, Nhâm Thìn, Tân Mão. Còn theo Dương lịch, ngày 4/4 là ngày Dương lịch là ngày Song Tứ 雙四, theo phép đồng âm trong chữ Hán lại là ngày Trùng Tử đáng ngại. Nhưng Song Tứ Vi Bát (2 lần 4 thành 8) mà chữ Tứ 四 chính là chữ Bát 八 nằm trong chữ Khẩu 口 nên thành ra “tiền hung hậu cát” 前凶後吉.
Ngày Thanh Minh có Lục tự là Canh Dần, Nhâm Thìn, Tân Mão (Bạch Hổ, Thanh Long, Hoàng Miêu) có mệnh Mộc và theo quan niệm dân gian có các Sao tốt là: Thiên xá*, Sinh khí, Thiên quan, Nguyệt ân*, Ích hậu, Tục thế, Dịch mã*, Phúc hậu, Hoàng ân* bên cạnh các Sao xấu: Thiên tặc, Hỏa tai, Âm thác. Đánh giá chung: Vô cùng tốt; Có thể làm mọi việc, nhất là: Hôn thú-giá thú,Tế tự-tế lễ,Cầu tài-lộc,Tố tụng-giải oan,. Giờ tốt: Tý, Sửu, Thìn, Tỵ, Mùi, Tuất (23-1, 1-3, 7-9, 9-11, 13-15, 19-21).
Do vậy sẽ hứa hẹn nhiều tốt đẹp cho việc tảo mộ, chơi Xuân!.
(TH từ nhiều nguồn TK).
Cảm ơn có bài viết hay để được hiểu thêm về Tiết Thanh Minh
Trả lờiXóaThanh minh theo lịch cổ truyền là:
Trả lờiXóaNgày: Canh Dần (Tùng bách Mộc); tức Can khắc Chi (Kim, Mộc), là ngày cát trung bình (chế nhật);
Kị tuổi: Giáp Thân, Mậu Thân;
Khắc hành Thổ, đặc biệt tuổi: Canh Ngọ, Mậu Thân, Bính Thìn thuộc hành Thổ không sợ Mộc;
Lục hợp Hợi, tam hợp Ngọ và Tuất thành Hỏa cục; xung Thân, hình Tỵ, hại Tỵ, phá Hợi, tuyệt Dậu.
Ngày có Trực: Khai và Sao: Thất (cát) trong bộ Nhị Thập Bát Tú.
Hôm nay, trong Tiết Thanh Minh,
Trả lờiXóaTâm hương con thắp, lòng thành kính dâng.
Mong người ở cõi Chín tầng,
Dạo nơi Tiên cảnh, nhẹ lòng thảnh thơi.
Thanh minh, nhớ Liệt sĩ Lương Đức An (chưa tìm được mộ):
Trả lờiXóaHằng ngày cho chí quanh năm,
Vẫn khắc khoải nỗi: vong nằm nơi nao?
Thanh minh đợi tiết Mưa rào,
Gửi niềm thương nhớ bay vào tầng không!
Thanh minh năm 2012 Dương Lịch là thứ Tư, ngày 04/4/2012; Âm Lịch ngày: 14/3/2012. Theo lục tự đây là ngày Ất Mùi (Sa trung Kim), tháng 3 đủ kiên Giáp Thìn (Phúc đăng Hỏa), năm Nhâm Thìn (Trường lưu Thủy).
Trả lờiXóaBởi vậy về ngày Can khắc Chi (Mộc, Thổ), là ngày cát trung bình (chế nhật), kị tuổi: Kỷ Sửu, Quý Sửu; lại thuộc hành Kim khắc hành Mộc, đặc biệt tuổi: Kỷ Hợi nhờ Kim khắc mà được lợi và lục hợp Ngọ, tam hợp Mão và Hợi thành Mộc cục; xung Sửu, hình Sửu, hại Tý, phá Tuất, tuyệt Sửu. Tam Sát kị mệnh tuổi Thân, Tý, Thìn.
Ngày có Trực: Bình và Sao: Bích (cát) trong bộ Nhị Thập Bát Tú.
Cát thầnThiên Quý, Thất Thánh, Thần Tại, Vượng Nhật, Đại Minh.
Có thể làm mọi việc: bách sự nghi dụng, bình trì đạo đồ, cầu tài, hứa nguyện, khai trương, kì phúc, trai tiếu, tu sức viên tường, đảo từ.
Thế mà, cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ “Thanh Minh là ngày 03 tháng 3 âm lịch”. Nhắc lại: Thanh Minh là “Tiết” mà “tiết khí” thì theo thời tiết, nghĩa là theo Dương lịch!. Chỉ có “Tết” và “Giỗ” mới theo Âm lịch. Ngày 03/3/ âm là ngày Tết Hàn thực, cũng là ngày giỗ ông Giới Tử Thôi bên Tầu!.
Trả lờiXóaThanh Minh năm 2012 này với giờ đầu ngày: Bính Tý và các giờ Hoàng đạo là : Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23).
Vẫn có nhiều người hỏi về Thanh Minh, nên ôn lại và bổ sung tại đây: http://holuongduclaocai.blogspot.com/2012/03/tiet-khi-tinh-theo-lich-nao.html
Trả lờiXóa