Dòng họ nào cũng có nơi thờ phụng các Cụ Tổ. Đó là Từ dường. Từ đường hay Nhà Tổ Lương tộc Chiến Thắng cũng qua nhiều bước thăng trầm, mãi đến năm 2000 mới phục dựng lại được.
Trước kia Đại tôn Từ đường 梁族祠堂 thế nào, ở đâu, dựng bao giờ chưa rõ[1]. Gia phả Lương Hoàn có chép là cụ Quản (1806-1886) có “hưng công xây dựng Từ đường” nhưng không ghi năm. Đồng thời đoạn chép về cụ Tuần Ngoạn (đời thứ Tư, 1840-1905) sau khi được phong Chánh Tuần huyện (Giáp Thân 1884) đã trùng tu Từ đường vào năm sau. Đến tháng 10 Bính Tuất (1886), Từ đường bị “phỉ đảng” thiêu phá và bắt đi một người con gái 6 tuổi tên Thôi năm sau gian đảng lại phá tiếp. Đến năm Thành Thái thứ 7 (Ất Mùi 1895) cụ hợp cùng các Chi tái tạo Từ đường.
Gia phả ngành Ba chép: Truyền rằng vào đời thứ Năm, Cụ Bá Ổn cùng họ mạc đã dựng lên ngôi nhà gỗ Lim 3 gian dùng làm nơi tưởng vọng tổ tiên của dòng họ. Đầu kháng chiến trong một trận càn[2], Pháp đã đốt cháy. Trong CCRĐ nền Từ đường được chia cho từng hộ. Từ đó, do hoàn cảnh kinh tế và xu thế chung nên việc thờ cúng đều tiến hành tại nhà Trưởng họ mà không có Từ đường. Đồ Tự khí đã sắm cũng bị cháy, thất lạc không còn giữ được. Riêng ngành Lương Hoàn còn giữ được đất và dựng nhà thờ họ từ đời thứ ba bởi cụ Lương Công Quản (thân phụ Cụ Tuần Ngoạn)[3] và bảo tồn được trong CCRĐ sau 1954 .
Từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt từ sau 1986, nhu cầu cả họ có nơi thờ phụng, gặp mặt con cháu để tưởng niệm Tổ ngày càng trở nên bức xúc và có điều kiện thực hiện hơn. Trong dịp Chạp Tổ Rằm tháng Giêng Kỉ Mão (1999) toàn họ đã nhất trí thực hiện việc xây Nhà thờ Tổ. Đây là sự Tái thiết Từ đường chứ không phải Trùng tu, Phục chế hay Tôn tạo. Địa điểm được chọn là gần nền Từ đường cũ (phía sau nhà Trưởng họ) ở thôn Phương Hạ, xã Chiến Thắng, huyện An Lão. Kinh phí do con cháu đóng góp theo xuất trai đinh và Công Đức tự nguyện. Nhìn chung trong họ chưa mấy ai giầu trội và việc huy động chưa được đều khắp tới các chi phái ở xa quê nên kinh phí thu được còn hạn hẹp.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 3/1999 công trình được khởi móng, nhiều con cháu ở quê đã trực tiếp góp sức thi công. Ngày 12 tháng 3 Canh Thìn (16/4/2000) khánh thành với tổng chi phí khoảng 25 000 000,0đ.
Đó là một ngôi Từ đường còn khiêm nhường so với Từ đường của ngay một số họ trong khu vực cả về quy mô và hình thức. Do đất chật nên không đủ xây Tam quan, Bình phong. Riêng Tiền sảnh và Chính tịch đều chung trong một ngôi nhà ngói 3 gian. Song như vậy cũng mang nhiều ý nghĩa và đáp ứng được nguyện vọng tâm linh của quan viên họ. Trong Từ đường đã có: Hương án, Tay Ngai, Long khám, Câu đối; nhưng chưa có Hoành phi; Tự khí thì còn tương đối sơ sài, riêng Phả đồ dòng họ chưa đầy đủ, thiếu một số Chi, Phái. Sổ Vàng Công Đức ghi tên nhiều con cháu xa quê, nhiều cháu gái, có cả những cháu Ngoại 2-4 đời. Việc xây Từ đường khơi mào bởi các bậc cao niên nhưng có sự đóng góp chung của bao người, từ giầu đến nghèo, từ xa đến gần. Đúng là:
Trọng kẻ góp công, nhớ người góp của cùng lo chung đạo Hiếu,
Ơn người khai phá, khuyên lớp đời sau mãi giữ trọn lòng Nhân.
Hôm khánh thành con cháu gần xa có khoảng 180 người về dự[4] .Vì có Tân ước của Cộng đồng Vatican II (1968) nên nhiều con cháu theo Công giáo cũng tham gia Giỗ họ, Công Đức xây dựng Từ đường. Con cháu các Chi đã rước các vị Tổ Chi 第支祖 về Hợp tế 合祭.
DANH SÁCH
Tiến cúng của hậu duệ cụ Lương Đức Trinh khi xây Từ đường Lương tộc :
Số TT | Họ và tên | Địa chỉ | Số tiền tiến cúng | |
Con ông Lương Đức Thân và bà Phạm Thị Uyển | ||||
1.1 | Lương Đức Mến Phạm Thị Mến | SN 328 đường Hoàng Liên, Tx Lào Cai, Tỉnh Lào Cai | 200.000 đ | |
1.2 | Lương Đức Thuộc Lữ Thị Nghị | Trung tâm CNCMT Lào Cai (Xuân Quang, Bảo Thắng) | 200.000 đ | |
1.3 | Lương Thị Thường Vũ Văn Hoàn | Thôn An Phong, Xã Phong Niên, Huyện Bảo Thắng, Tỉnh L.Cai | 50.000 đ | |
1.4 | Lương Đức Thức Phạm Thị Đào | SN 142 đường Hoàng Liên, Tx Lào Cai, Tỉnh Lào Cai | 150.000 đ | |
1.5 | Lương Đức Luân Bùi Thị Hợp | Thôn An Phong, Xã Phong Niên, Huyện Bảo Thắng, Tỉnh L.Cai | 100.000 đ | |
1.6 | Lương Thị Lý Nguyễn Văn Bình | Phú Thịnh, TT Phố Lu, Huyện Bảo Thắng, Tỉnh L.Cai | 50.000 đ | |
1.7 | Lương Đức luận | Tập thể CA tỉnh Lào Cai | 50.000 đ | |
Con ông Lương Đức Rật (Dật) và bà Lưu Thị Bính | ||||
2.2 | Lương Thị Dưỡng | Thôn An Phong, Xã Phong Niên, Huyện Bảo Thắng, Tỉnh Lào Cai | 40.000 đ | |
2.4 | Lương Đức Tràng Ngô Thị Lai | 100.000 đ | ||
2.5 | Lương Đức Quang Lữ Thị Loan | 100.000 đ | ||
2.6 | Lương Thị Vinh Lê Đăng Biên | Láng Trung, Q. Cầu Giấy, T.phố Hà Nội | 60.000 đ | |
Tổng số ; 1.100.000đ (Một Triệu Một trăm nghìn đồng chẵn) | ||||
Trưởng Lương tộc đã nhận tại Phương Hạ ngày 31 tháng 7 năm 1999
Người Giao kí Người Nhận kí
Rằm tháng Giêng (丁亥年 正月大 丙申日, tức là vào Thứ Bẩy, ngày 03 tháng 03 năm 2007), đại diện 15 hộ Lương tộc trên Lào Cai tiến hành việc Giỗ vọng 望拜 thủy tổ Lương tộc 粱皋密肇祖 粱公宅 tại nhà Lương Đức Thân ở thôn An Phong. Những người dự họp đã nhất trí là sẽ cùng Cung tiến từ đường Lương tộc tại quê bức Hoành phi mang dòng chữ 海德山功 (“Hải Đức Sơn Công” có nghĩa là “Công Đức Tổ tiên dài cao như núi, rộng sâu như biển”. Trong đó vừa có chữ 功 “Công”, chữ 德 “Đức” là tên lót trước kia và hiện nay của dòng tộc, lại có chữ 海 “Hải” chỉ nơi quê gốc, chữ 山 “Sơn” chỉ một phái con cháu khai hoang ở Lào Cai). Mọi người cùng góp tiền được 1.100.000,0 đ. LĐM nhận và có trách nhiệm thực hiện việc đặt làm và cung tiến. Sau đó một số con cháu nghe tin đã cung tiến tiếp, được 2.180.000,00đ. LĐM báo cáo Trưởng họ và nhờ LĐ Vương đặt Xưởng đồ thờ Quốc Tuấn thực hiện. Mọi việc hoàn tất vào 16/5 (30/3/Đinh Hợi). Các chi ở quê có cử đại diện đón nhận trang trọng[5].
Ngày 03/6/2007 (18/4) LĐM trên đường đi công tác từ Nam Định đã về thanh toán đủ.
Cùng thời kì này Trưởng họ cũng đã nhận công đức của một chi bên Tiên Lãng và đã hoàn thành bức với dòng: Quang tiền dụ hậu 光前裕後 tức “Rạng đời trước, sáng cho đời sau” kèm đôi câu đối: “Mộc xuất thiên chi do hữu bản, Thuỷ lưu vạn phái tố tòng nguyên” 木出千枝由有本;水流萬派溯從源, dịch nghĩa là: “Cây chung nghìn nhánh sinh từ gốc; Nước chẩy muôn dòng phát tại nguồn”.
[1] Trong Gia phả Lương Hoàn có chép việc dựng Từ đường của cụ Quản nhưng không rõ đây là nhà thờ Họ hay nhà thờ riêng của ngành cụ Thiệu?
[2] Có lẽ đây là trận càn vào Khu Hoàng Diệu hồi 14 tháng 7 Đinh Hợi (29/8/1947).
[3] Cố là con thứ Tư của Tổ Thiệu, lấy 11 bà, sinh 8 Nam, 13 nữ và cũng là người nhận cụ Nội tôi là Lương Đức Trính làm dưỡng tử. Cố thọ 80 tuổi (1807-1887) và từng tòng chinh đánh dẹp Lê Duy Phụng
[4] Dịp này ở Lào Cai tôi đưa:Mẹ tôi, Thường, Thức, Luận, Quang về dự và công đức1.100.000đ.
[5] Tôi đặt kích thước vào cung “Quan Lộc” nên chiều dài không khít giữa 2 cột do vậy có ý chưa vui !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!