Vừa qua tôi nhận được 2 thư kèm bài Khảo luận dài của Ông Hoàng Đình Khảm (08.35116286) từ phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh gửi ra bởi Gmail : hoangdinhkham@gmai.com. Ông vốn người làng Hội Triều, huyện Hoàng Hoá, tỉnh Thanh Hoá, là cháu ngoại của Lương tộc, đã dịch nhiều Gia phả của họ Lương, nhất là các dòng có xuất xứ từ Thanh Hoá.
Bài khảo luận ông gửi có nhiều tư liệu quý, sự phân tích hay, có tính khoa học và thuyết phục cao. Song bên cạnh đó tôi thấy có những chi tiết cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Đặc biệt việc khởi nguồn từ Chiết Giang sang Thanh Hoa; việc từ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng mới thấy có nhánh di cư đi Bắc Giang ...chưa thấy nhánh sang Vĩnh Bảo, Tiên Lãng rồi về An Lão (Hải Phòng) như truyền ngôn của dòng họ tôi.
Thiết nghĩ đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều phái họ Lương Việt Nam, tôi đưa lên đây để ai có thông tin bổ khuyết điều còn thiếu hay chưa hoàn chỉnh, hầu cùng nhau tìm ra những điểm gần sự thật nhất! Trung thành với tác giả tôi đưa nguyên văn bài khảo luận của tác giả chỉ có vài thay đổi nhỏ thuộc về kỹ thuật:
- Đổi Font chữ cho thống nhất trong toàn Blogger,
- Tô mầu các mũi tên và dùng lệnh Print Screen chuyển các Sơ đồ Phả hệ thành ảnh để khi đưa lên Blog không lỗi định dạng,
- Làm nổi bật các tiêu đề cho dễ đọc,
- Lược một số ảnh vì lý do thời gian và dung lượng bài đăng,
Sau đây là toàn văn bài viết mà tôi nhận được:
Sau đây là toàn văn bài viết mà tôi nhận được:
TÌM VỀ CỘI NGUỒN
HỌ LƯỜNG TAM CHI LÀNG HỘI TRIỀU
Nhà thờ cành Năm chi Ba họ Lường Tam Chi làng Hội Triều |
MỞ ĐẦU
Họ Lường Tam Chi là một trong bốn họ lớn ở làng Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Họ đã lưu truyền được 13 đời, hiện nay là họ phát triển và có nhiều người thành đạt.
Năm 2000 các ông Lương Ngọc Toản, Lương Viên đã cùng anh em trong họ tập hợp tư liệu lập nên bộ tộc phả. Đây là bộ tộc phả đầy đủ nhất, được soạn thảo khá công phu theo thể thức biên soạn tộc phả.
Tuy nhiên mục tìm về cội nguồn vẫn còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ đây là một việc khó. Từ hơn mười năm nay, tập thể tác giả đã dành nhiều công sức sưu tầm và đã có kết quả mĩ mãn. Đầu tiên là năm 2000 tìm được sự tích đô đốc Lương Thế Khôi, cuối cùng là tháng 1 năm 2011 được biết vị trí cụ thể ngôi mộ đô đốc và những người chi Hai họ Lường Tam Chi làng Hội Triều nhiều đời nay bảo trì ngôi mộ này. Từ các tư liệu trên, có thể xác lập sơ đồ nguồn gốc họ Lường Tam Chi và một số họ liên quan như sau:
Ghi chú: Họ Lương đi Vân Nam (hậu duệ cụ Lương Nhữ Hốt)
Họ Lương về lại Cao Hương (hậu duệ cụ Lương Thế Hạo)
Họ Lường Phủ Hội Triều (hậu duệ cụ Lương Đắc Bằng)
Họ Lương ở Tĩnh Gia (hậu duệ cụ Lương Sơ)
Họ Lương Tam Chi làng Hội Triều (hậu duệ cụ Lương Thế Khôi)
Họ Lương ở Hà Nội (hậu duệ cụ Lương Đạc là trưởng chi Hai họLường Phủ)
Họ Lương ở Hậu Lộc (hậu duệ cụ LươngVõ thuộc chi Ba họ Lường Tam Chi)
Về chi tiết ghi chép đầy đủ trong các mục tiếp theo.
Sau cùng xin cảm ơn tập thể tác giả tộc phả họ Lường Tam Chi là các ông: Lương Ngọc Toản, Lương Viên, Lương Hữu Ngạch đã cung cấp tư liệu viết tiểu phẩm này. Cảm ơn các ông Lê Bật Ngung, Lương Hữu Cá, Lê Văn Nho đã nhiệt tình giúp đỡ.
T. p. H.C.M. Tháng 1 năm 2011
Người Sưu Tầm
NGUỒN GỐC HỌ LƯỜNG TAM CHI
A, Khái quát
Theo sách “Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo “thì họ Lương ban đầu là họ Doanh. Họ này, theo thông lệ chỉ có ngành trưởng nối ngôi mới được mang họ Doanh, còn các ngành thứ, thì lấy họ theo tên đất phong hoặc theo tước hiệu.
Thế kỷ thứ mười trước công nguyên (TCN), họ Doanh được Thiên Tử nhà Chu ban tước Công và đất phong ở Cam Túc, lập nên chư hầu Tần Quốc.
Từ năm 822 TCN đến năm 778 TCN, Tần Trang Công có một người con thứ được ban đất phong ở Hạ Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam Trung Quốc.) và ban tước hiệu là Lương Bá, vì là ngành thứ, cho nên hậu duệ của ông này lấy tên tước hiệu là Lương làm tên họ. Còn ngành trưởng vẫn mang họ Doanh.
Đến năm 206 TCN thì Doanh Chính lập nên vương triều Tần ở Trung quốc và xưng đế hiệu là Tần Thủy Hoàng Đế. Còn ngành thứ thì mang họ Lương.
Theo giòng thời gian, có một số người họ Lương di cư xuống phương nam, đồng hóa với cư dân bản địa, hình thành một tộc người thuộc Bách Việt, cư trú ở miền nam trung quốc. Họ nhiều lần nổi dậy chống lại sự bành trướng của phương bắc, có một số lần bị thất bại, nên lánh nạn xuống Việt Nam, cũng có một số khác là hậu duệ của các quan cai trị cũ, hoặc bị các vương triều phương bắc lưu đày xuống Giao Chỉ (nguồn tin từ Internet).
B, Họ Lương ở Việt Nam
Sau nhiều đợt di cư cho đến ngày nay, người họ Lương cư trú ở nhiều nơi trên đất Việt Nam, từ địa đầu Lạng Sơn xuống đến mũi Cà Mau.
Theo sách “Họ Và Tên Người Việt Nam” của tác giả Lê Trung Hoa xuất bản năm 1992 thì họ Lương có trong các dân tộc Kinh, Cao Lan và Hoa.
Còn họ Lường có trong các dân tộc La, Thái.
Như vậy là dân tộc kinh chỉ có họ Lương, không có họ Lường, còn các dân tộc ít người như La, Thái mới có họ Lường.
Riêng họ Lương làng Cao Hương và họ Lương làng Hội Triều thì tộc phả và một số tư liệu khác viết bằng chữ Hán đều đọc là họ Lương, nhưng có một số ít người vẫn thường gọi là họ Lường.
I, Sơ lược về Họ Lương ở làng Cao Hương.
Tương truyền, vào thế kỷ thứ 14, khi người Mông Cổ diệt nhà Tống, cai trị Trung Quốc, một số quan lại nhà Tống chạy sang Việt Nam, trong số đó có hai anh em nhà họ Lương ở tỉnh Chiết Giang. Người anh định cư ở làng Cao Hương huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Tộc phả họ Lương làng Cao Hương (bản chữ Hán) do cụ Lương Ngọc Châu soạn năm Bảo Đại thứ 17 (1943) đại ý như sau.
1, Sơ lược từ đời thứ nhất đến đời thứ ba:
- Đời thứ nhất : cụ Thủy Tổ húy là Lương Thế Nghệ
- Đời thứ hai : cụ Thế Tổ húy là Lương Thế Triệu.
- Đời thứ ba : cụ Lương Thế Vinh sinh năm 1441, đến năm 1463 đậu Trạng Nguyên và làm quan đại Thần, cụ mất năm 1495. Cụ có hai người con trai, trưởng là Lương Thế Hạo làm Hiến Sát Sứ châu Ái, thứ là LươngThế Khôi làm Đô Đốc châu Hoan.
2, Tiếp theo trích dịch chi tiết đời thứ tư và đời thứ năm.
Dịch nghĩa:
Đời thứ tư
Tổ đời thứ tư có hai vị : trưởng là Lương Thế Hạo, thứ là Lương Thế Khôi.
Cụ Lương Thế Khôi hiệu Chiêu Trưng, là con trai thứ của trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Sinh thời ngài làm đô đốc Châu Hoan , năm Bính Thân (1476 ?), niên hiệu Hồng Đức thứ bảy, triều đình lệnh ngài làm phó tướng, hợp quân cùng anh ruột là hiến sát sứ châu Ái đem quân đến Chiêm Thành (?) , đánh tám chín trận thì hạ đươc Chiêm Thành.
Ngày sau giặc vây bốn mặt, chánh tướng lệnh ông về triều xin binh cứu viện, nhưng ông về đến châu Hoan ca xướng. Giặc vây hãm hơn một tháng, chánh tướng đại phá được quân giặc, trên đường về triều, đến mé đông thành Hạnh Lâm thì thấy phó tướng đang ca xướng, chánh tướng nói: “Đam mê tửu sắc, quên tình cốt nhục, bỏ việc quốc gia.” Liền khép vào quân lệnh, đuổi giết ném xác xuống sông, trôi đến Triều Khẩu.
Người con trai do bà vợ thứ của phó tướng sinh ra, là Lương Thế Khải đi theo thi hài cha, đến Triều Khẩu thì thấy mối đã đùn đất thành ngôi mộ lớn, dân sở tại lập đền phụng tự, quốc triều gia phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Sau Thế Khải nhân đó mà ở lại xứ Hội Triều, khi này Thế Khải đã 17 tuổi tìm được một chi ở Hội Triều, một chi ở Tào Xuyên, một chi ở Vân Nam của Lãng vương. Còn các con bà chính thất (của phó tướng) là Thế Kỳ, Thế Phụ, Thế Dực thì không biết lưu tán ở nơi nào.
Đời thứ năm
Đời thứ năm có hai chi là chi trưởng có 2 vị và chi thứ có 4 vị
Chi trưởng :Vị thứ nhất : tên húy là Thế Thì là con trưởng của quan hiến sát sứ châu Ái dời đi ở Bắc Ninh, sinh ông Thế Thái.
Ông Thế Thái sinh 4 người con trai là : Thế Hòa, Thế Thuận, Thế Bật, Thế Hựu.
Ông Thế Hòa sinh được 4 người con trai, người con trưởng là Thế Đạt.
Ông Thế Đạt sinh ông Thế Dụ. ông Dụ có gia phả. Đến thời hậu Lê trở về Cao Hương phụng tự tổ đường, hưng tạo gia môn và tu soạn gia phả truyền lại cho con cháu. Ngày nay các ông ở tỉnh Nam Định, làng Cao Hương chính là Đại Tôn vậy.
Vị thứ hai: tên húy là Thế Hùng, là con thứ của quan hiến sát sứ châu Ái, đã thiên cư đi Tào Nghi, không rõ tung tích.
Chi thứ : Vị thứ nhất: tên húy là Thế Kỳ, là trưởng nam của đô đốc châu Hoan, dời đi ở nơi nào không rõ tung tích.
Vị thứ hai: tên húy là Thế Phụ , là thứ nam của đô đốc châu Hoan, dời đi ở nơi nào không rõ tung tích.
Vị thứ ba: tên húy là Thế Dực , là thứ thứ nam của đô đốc châu Hoan, dời đi ở nơi nào không rõ tung tích.
Vị thứ tư: tên húy là Thế Khải , là út nam của đô đốc châu Hoan, do bà vợ thứ sinh ra , ông này đi theo thi hài cha đến cửa bể Hội Triều, thấy mối đã phủ đất thành ngôi mộ lớn, nhân đó mà lưu cư ở lại Hội Triều để trông coi phần mộ, nay chính là làng Hội Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ông là khởi đầu của họ Lương vậy. “ (phiên âm nguyên tác chữ Hán: Lương tộc tự công vị thủy viết hạ giả)
Hiện nay, trong đền thờ Trạng Nguyên Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương có tấm biển ghi nhận: “Bản chi bách thế tương truyền văn phái Chiết Giang lai”.
(Tương truyền chi họ ta đến từ văn phái tỉnh Chiết Giang).
II, Sơ lược về hai họ Lương ở Hội Triều.
Ở Hội Triều có hai họ Lương, là họ Lường phủ và họ Lường Tam Chi,
II - a, Họ Lường Phủ ở Hội Triều:
Người em của cụ tổ họ Lương làng Cao Hương định cư ở Triều Hải Trang (nay gọi là làng Hội Triều). Tộc phả ghi nhận như sau:
ảnh Nhà thờ họ Lường Phủ của Hoàng đình Khảm chụp năm 2011 |
Đời thứ nhất là Mộ Đô Phủ Quân.
Đời thứ hai là Lương Đồng.
Đời thứ ba có ông Lương Nhữ Hốt, là danh sĩ nhà Hồ, từ năm 1407 đến 1427 làm việc cho nhà Minh, bị Lê Thái Tổ giết vào tháng 8 năm 1428, nhà Minh truy phong tước Lãng Lăng Đại Vương.
Đời thứ tư có ông Lương Hay, thi hương đậu Giảỉ Nguyên là thầy dạy trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Đời thứ năm có ông Lương Đắc Bằng là con giải nguyên Lương Hay, năm 1499 thi đỗ Bảng Nhãn làm Lại Bộ Tả Thị Lang.
Đời thứ sáu có ông Lương Hữu Khánh là con Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng, năm 1538 thi đỗ á hội nguyên, là danh thần nhà Lê Trung Hưng.
Đời thứ bảy có ông Lương Khiêm Hanh là con ông Lương Hữu Khánh, năm 1568 thi đỗ tiến sĩ, làm lễ khoa đô cấp sự trung.
Đời thứ 20 có ông Lương Xuân Thiếm năm 1923 được phong tước Hàn Lâm, năm 2000 được làng Hội Triều thờ ở đình.
Đời thứ 21 có ông Lương hữu Quang được phong hàm thiếu tướng.
Ngày nay, các vị họ Lường Phủ ở làng Hội Triều là hậu duệ của Danh Nhân Văn Hóa Lương Đắc Bằng, với 24 đời, đã phát triển thành bốn chi họ.
Những người họ Lường Phủ đã dời đi ở các nơi khác:
Đời thứ 4 có các người con cụ Lương Nhữ Hốt về lại Trung quốc, định cư ở tỉnh Vân Nam. Cũng trong đời thứ 4 có chú ruột cụ Lương Đắc Bằng tên là Lương Sơ di cư vào xã Tào Sơn huyện Tĩnh Gia.
Đời thứ 13 có một số người di cư đi nhận kỵ điền ở xã Phú Xá (huyện Quảng Xương) và xã Sen Hồ (huyện Tĩnh Gia) theo lệnh chỉ của triều đình.
Đời thứ 18 có cụ Lương Đạc là trưởng chi Hai di cư đi Hà Nội.
Như vậy về nguồn gốc, họ Lường phủ là thân tộc với họ Lương làng Cao Hương (Nam Định), thủy tổ là người tỉnh Chiết Giang di cư sang Việt Nam vào thế kỷ thứ mười bốn.
II - b, Họ Lường Tam Chi ở Hội Triều:
Theo ghi chép năm 1863 của cụ Lương Quang Chiếu (bản chữ Hán do ông Lương hữu Ngạch dịch) và tộc phả cho biết như sau:
Cụ Tổ hiệu là Phúc Thuận. sống vào thế kỷ thứ 17.
Thế kỷ thứ 18, cuối thời Lê Trung Hưng, có một gia đình thuộc chi hai, người cha làm Phấn Lực Tướng Quân, người con làm Hoài Viễn Tướng Quân.
Đến nay họ Lường Tam Chi làng Hội Triều đã lưu truyền hơn mười bốn đời, phát triển thành ba chi, là họ có truyền thống hiếu học và tri thức cao, hiện nay toàn họ có hơn 50 người đạt học vị đại học và trên đại học, có nhiều vị là cán bộ và sĩ quan cao cấp (về chi tiết xin xem tộc phả).
Điều mà mọi người trong họ lâu nay băn khoăn là chưa làm rõ được nguồn gốc của họ. Dưới đây là những tư liệu về vấn đề nêu trên.
III, Những tư liệu về nguồn gốc họ Lường Tam Chi
1, Tư liệu ghi chép trong các sách đã viết :
Tộc Phả Họ Lương Làng Cao Hương do cụ Lương ngọc Châu soạn năm 1943 viết bằng chữ Hán (do ông Hoàng Hồ sưu tầm năm 2000, Hoàng đình Khảm dịch) và sách Họ Lương Trong Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam của tác giả Bùi Văn Tam (do ông Lương Ngọc Toản cung cấp) cùng kể một sự kiện tương tự về Đô Đốc Lương Thế Khôi, nội dung như trên đã viết.
Năm 2000 tập thể tác giả tộc phả căn cứ vào tư liệu trên, kết hợp với không gian ngôi mộ đô đốc Lương Thế Khôi ở gần làng Hội Triều và thời gian hình thành họ Lường Tam Chi là không lâu sau khi ông Lương Thế Khải (con út của đô đốc Lương Thế Khôi) ở lại Hội Triều, mà suy đoán họ Lường Tam Chi có thể có nguồn gốc từ họ Lương làng Cao Hương.
Điều khó hiểu là nếu quả đúng như vậy, thì họ Lường Tam Chi phải có một mối liên hệ với việc bảo quản ngôi mộ đô đốc Lương Thế Khôi. Từ suy nghĩ ấy, chúng tôi tập trung làm rõ vấn đề này.
Gần đây đã có thêm những tư liệu trực tiếp sẽ viết trong các mục tiêp theo.
2, Lần theo dấu vết: Các tài liệu trên đều nêu lên các địa danh: thành Hạnh Lâm. Triều Khẩu, làng Báo Long,
a, Xác định vị trí thành Hạnh Lâm: Thành Hạnh Lâm là nơi khởi đầu đô đốc Khôi thọ nạn, theo địa lý tỉnh Nghệ An, thì thành Hạnh Lâm nay thuộc địa phận xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương, trên hữu ngạn sông Lam, nơi mà đô đốc Lương Thế Khôi chờ viện binh của triều đình và gặp nạn.
b, Làng Báo Long và Triều khẩu:
Triều khẩu là nơi thi hài đô đốc Khôi trôi dạt đến. Vậy Triều Khẩu ở đâu và nay có còn dấu tích gì không ? Được biết ở tỉnh Nghệ An có xã Triều Khẩu và tỉnh Thanh Hóa cũng có một nơi gọi là Triều Khẩu.
Năm 2000 tôi đã đến Triều Khẩu ở xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ở đó có đền thờ danh tướng Lê Khôi, nhưng không thấy có làng Báo Long, trong vùng cũng không lưu truyền sự tích đô đốc Lương Thế Khôi.
Năm 2005, tôi về thăm quê hương làng Hội Triều ở Thanh Hóa, thì may mắn được nói chuyện với ông Lê Bật Ngung (là hậu duệ của danh nhân Lê Bật Triệu), người làng Thụy Liên, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, thì được ông giải thích như sau : “Triều Khẩu nghĩa là cửa bể Hội Triều, thời Trần - Lê gọi là Triều Khẩu (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Phương Đình Dư Địa Chí), nay là địa phận làng Hội Triều và xóm Bến làng Ngọc Long, (làng Ngọc Long xưa gọi là Bảo Long hoặc Báo Long).” Hỏi về ngôi mộ và sự tích đô đốc Khôi thì ông cũng kể tương tự như trên và cho biết là nghe cụ thân sinh ra ông Xứm thuộc chi hai họ Lường Tam Chi ở Hội Triều kể lại, hiện nay ngôi mộ vẫn còn.
Chúng tôi lấy làm lạ, tại sao thời gian dài đến năm trăm năm mà ngôi mộ vẫn còn. Phải trông thấy tận mắt thì mới tin đươc.
Năm 2009, tôi trình bày với ông Lê Bật Ngung về suy nghĩ trên, thì ông đã vui vẻ đưa tôi đến xóm Bến làng Ngọc Long để thăm mộ đô đốc Lương Thế Khôi.
Đó là một ngôi mộ cổ, được xây bao bằng gạch, trên một khuôn viên hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 5m, chiều cao từ 0,8 đến 1m. Như vậy là đã xác định rõ mộ đô đốc Lương Thế Khôi vẫn còn trên địa phận làng Ngọc Long xã Hoằng Phong. Năm trăm năm đã trôi qua, cảnh vật biết bao thay đổi, biển Triều Khẩu nay đã là cánh đồng lúa hai vụ thẳng cánh cò bay, vậy mà ngôi mộ vẫn còn đó, lớn lao và đồ sộ.
Ông già cày ruộng gần đó nói rằng:” ngôi mộ này thiêng lắm, trong vòng trăm thước không ai dám cất mộ, nếu cố ý cất mộ vào thì không lâu sau, cũng phải dời đi nơi khác.” (có ảnh đính kèm ở cuối bài).
Vậy những ai là người đã bảo trì và xây bao ngôi mộ.
b, Những người bảo trì và xây bao ngôi mộ
Tháng 1 năm 2011 tôi có dịp về lại quê hương Hội Triều, được tiếp xúc với một số đồng hương. Đáng lưu ý là câu chuyện của ông Lương Hữu Ngạch và ông Lương Hữu Cá (có ảnh đính kèm ở cuối bài). Cả hai ông nay đã cao tuổi, đều là người chi Hai, họ Lường Tam Chi đã nói như sau.
- Ông Lương Hữu Ngạch: “Từ xưa, họ Lường Tam Chi đã giao cho chi hai trông coi ngôi mộ này. Cứ đến gần tết thì phải đi thăm mộ và “dủn mả “ ( gần tết đi tu bổ và dọn cỏ ở mộ). Khi nhỏ, tôi đã tham gia đi “dủn mả” nhiều lần. Nhưng không biết là mối quan hệ như thế nào. Còn việc xây mộ là do năm 1995 có người trong Nghệ An ra nhận mộ, đã gửi ông Lương Hữu Lối số tiền 500.000 đồng và đề nghị ông Lối thuê người xây bao giúp. Ông Lối thuê anh Lê Văn Nho (có ảnh đính kèm ở cuối bài) xây bao.
- Ông Lương Hữu Cá: “Tôi nghe các cụ truyền lại, ngôi mộ cổ ở xóm Bến làng Ngọc Long là của ngài đô đốc bị nạn, xác trôi về huyệt hàm rồng, đây là ngôi mộ của họ Lường Tam Chi, lâu nay họ đã giao cho chi hai trông coi, cuối năm phải “dủn mả “. Tôi đã nhiều lần theo cha tôi đi dủn mả ngôi mộ này.
Nếu các vị không tin thì có thể nhờ các nhà ngoại cảm xác minh.”
- Ông Lê Văn Nho: “Tôi là người dân sở tại ở gần ngôi mộ, nghe các cụ già trong làng nói rằng đây là ngôi mộ của ngài đô đốc, sau khi bị nạn xác ngài trôi về đây, tấp vào huyệt Hàm Rồng, huyệt này hậu duệ sẽ phát phú quý vượt bậc. Ngôi mộ ngài rất thiêng, không ai dám mạo phạm. Vào khoảng năm 1995 có người trong Nghệ An ra đây nhận mộ, bỏ tiền nhờ ông Lương hữu Lối ở Hội Triều thuê chúng tôi xây bao.
Người đứng bên mộ là ông Lê Bật Ngung |
Kết luận: Đến đây, ta có thể kết luận chắc chắn rằng ngôi mộ cổ ở xóm Bến làng Ngọc Long là mộ Đô Đốc Lương Thế Khôi. Xưa nay họ Lường Tam Chi Hội Triều vẫn nối đời bảo quản.
Có lẽ đây là bằng chứng thuyết phục nói lên rằng họ Lường Tam Chi ở Hội Triều có cội nguồn từ họ Lương làng Cao Hương. Thiết nghĩ đây là một ngôi mộ cổ, một di tích lịch sử lâu đời, rất hiếm có trên địa phận xã Hoằng Phong. Đề nghị các vị có liên quan và địa phương nên tôn tạo, bảo tồn và có bia ghi lại lai lịch ngôi mộ để mọi người cùng biết mà gìn giữ.
Tp. H.C.M. Tháng 1 năm 2011
Người Sưu Tầm: Hoàng đình Khảm
Điện thoại: 08.35116286. gmail : hoangdinhkham@gmai.com
Chú thích: Những ý kiến của người sưu tầm.
1, Năm đô đốc Khôi bị tử nạn không phải là năm Hồng Đức thứ bảy (1476) như cụ Lương Ngọc Châu đã viết trong tộc phả. Theo người sưu tầm, thì Đô đốc Lương Thế Khôi bị nạn phải vào năm 1515.
Cụ Lương ngọc Châu đã chép nhầm chữ Thuận Đức ra chữ Hồng Đức do tự dạng hai chữ hơi giống nhau. Vì trạng nguyên Lương thế Vinh sinh năm 1441, đến năm Hồng Đức thứ bảy (1475), mới 35 tuổi, không thể có hai con trai làm tướng và cháu út 17 tuổi. Mặt khác, Hồng Đức là đời vua Lê Thánh Tôn, nước nhà rất cường thịnh, không thể có chuyện xin viện binh mà không được.
2, Hai ngài Lương Thế Hạo và Lương Thế Khôi được phong Chinh Tây chánh, phó tướng quân, mà lại đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, câu này mâu thuẫn về địa lý, có thể cụ Châu không am tường về địa lý nên suy đoán như vậy, có nhiều khả năng là đi chinh phạt một bộ tộc ở giáp Lào.
3, Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã dịch toàn bộ tộc phả họ Lường làng Cao Hương và họ Lường Phủ Hội Triều, với khối lương 112 trang chữ Hán, do soạn giả có nhiều hạn chế về tri thức địa lý và lịch sử, dẫn đến nhiều chi tiết không khớp với sử ký, nhưng dù sao đây vẫn là nguồn tư liệu hiếm quý và rất bổ ích cho nghiên cứu về các họ Lương ở Việt Nam.
4, Có thể có một số người cho rằng họ Lường Tam Chi có nguồn gốc từ họ Lương ở làng Cao Hương là sự việc hiển nhiên, nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên không tiện công bố.
- Nguyên nhân khách quan là có một số người (trong đó có cụ Lương Ngọc Châu – soạn giả tộc phả họ Lương Cao Hương năm 1943) không muốn thừa nhận ở làng Hội Triều có một họ Lương thuộc chi họ đàn anh của họ Lường Phủ, cho nên đã xếp ông Lương Thế Khải là cha ông Lương Đắc Bằng. Ngụ ý rằng ông Lương Thế Khải là tổ họ Lường Phủ, không hiểu cụ Châu đặt từ thủy tổ Mộ Đô Phủ Quân đến cụ Lương Hay (thân phụ cụ Lương Đắc Bằng) của họ Lường Phủ ở đâu ? Càng né tránh sự thật, thì cụ Châu càng gặp sai lầm lớn hơn.
- Nguyên nhân chủ quan là một số người họ Lường Tam Chi được phân công nối đời bảo trì ngôi mộ đô đốc Khôi, đã biết rằng đô đốc là tổ tiên mình, mà không muốn nói ra, chỉ vì đô đốc Khôi bị chết chém. Đó cũng là nguyên nhân họ này bị khuyết mấy đời trước ông thủy tổ.
Xin hãy nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, trong thời loạn thì điều gì cũng có thể sẩy ra. Thời điểm đô đốc Khôi bị nạn là một thời loạn, nhà Lê Sơ suy tàn, Mạc Đăng Dung lăm le cướp ngôi, đã dùng kế “ Tá đao sát nhân “(mượn dao giết người) sát hại trung thần. Từ việc mượn đao Lương Thế Hạo giết đô đốc Lương Thế Khôi, rồi mượn đao giặc giết Lương Thế Hạo (1515), mượn đao Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực lập vua Lê Chiêu Tông (1516), mượn đao vua Lê Chiêu Tông giết đô ngự sử Đỗ Nhân (1517), dọn đường cho mười năm sau (1527) bước lên ngai vàng. Mãi sau năm 1600, khi nhà Lê Trung Hưng tận diệt nhà Mạc, thì sự việc mới được sáng tỏ, đô đốc Lương Thế Khôi đã được quốc triều sắc phong “Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Vậy thì đô đốc Khôi là một vị trung thần có công bảo vệ đất nước, các triều trước đã công nhận như vậy, tại sao các hậu duệ của ngài lại cố tình ém nhẹm đi. Thật đáng tiếc thay !
Dù sao thì những người chi Hai họ Lường Tam Chi bao đời kế tiếp bảo trì ngôi mộ đô đốc Lương Thế Khôi đã góp công đức lớn lao gìn giữ mối liên hệ với cội nguồn.
Dự thảo văn bia
BIA MỘ ĐÔ ĐỐC LƯƠNG THẾ KHÔI
Tướng công họ Lương húy Thế Khôi tự Chiêu Trưng, là con trai thứ hai của Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, quê ở làng Cao Hương huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.
Sinh thời ngài làm Đô Đốc châu Hoan (nay là tỉnh Nghệ An). Năm Thuận Đức thứ bảy (1515), triều đình cử ngài làm Chinh Tây phó tướng quân, hợp binh cùng anh là Hiến Sát Sứ châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa) chánh tướng Lương Thế Hạo đi đánh giặc. Sau tám chín trận liên tiếp chiến thắng, tiến vào sào huyệt giặc mở tiệc yến lao tướng sĩ, bất ngờ quân giặc kéo đến bao vây bốn mặt, chánh tướng lệnh ngài vượt vây về triều xin binh cứu viện.
Giặc vây hãm hơn một tháng, không thấy viện binh, chánh tướng phá vây thoát về đến mé đông thành Hạnh Lâm thấy ngài đang chuẩn bị đón mừng, trong lúc bối rối chánh tương lầm tưởng là ngài ham mê tửu sắc, bỏ việc quốc gia, quên tình cốt nhục, nên khép vào quân lệnh, đuổi giết ném xác xuống sông, trôi về huyệt Hàm Rồng ở Triều Khẩu, thuộc địa phận làng Báo Long (nay là làng Ngọc Long ở gần Hội Triều).
Người con trai út của ngài do bà vợ thứ sinh ra tên là Lương Thế Khải năm này đã 17 tuổi, dõi theo thi hài cha, đến Triều Khẩu thì nhận được dấu tích và thấy mối đã đùn đất thành ngôi mộ lớn. Thế khải tìm được một chi họ Lương ở Hội Triều, một chi họ Lương ở Tĩnh Gia và một chi ở Vân Nam.
Nhân đó ông Lương Thế Khải lưu cư tại Hội Triều để trông coi phần mộ.
Ông là người đầu tiên của họ Lương vậy.
Còn các người con của bà chính thất là Lương Thế Kỳ, Lương Thế Phụ, Lương Thế Dực thì lưu tán nơi nào không rõ tung tích.
Vào thời Lê Trung Hưng, triều đình đã minh oan cho đô đốc và có sắc phong Thượng Đẳng Phúc Thần. (Trích dịch từ tộc phả họ Lương làng Cao Hương do cụ Lương Ngọc Châu soạn năm 1943 có sửa chữa và bổ sung).
Về sau họ Lường Tam Chi làng Hội Triều đã giao cho chi Hai chịu trách nhiệm trông coi ngôi mộ.
Năm 1995 có một số người trong Nghệ An về đây nhận mộ đã gửi lại năm trăm ngàn đồng nhờ ông Lương Hữu Lối là trưởng họ Lường Phủ thuê ông Lê Văn Nho ở xóm bến làng Ngọc Long xây bao.
Chúng tôi là hậu duệ đời thứ 8 thuộc chi Ba của họ Lường Tam Chi làng Hội Triều cùng nhau tôn tạo phần mộ và khắc bia kỷ niệm ngài.
Đây là ngôi mộ cổ, một di tích lịch sử về một vị tướng có công bảo vệ đất nước, mà triều đình đã có sắc phong "Thượng Đẳng Phúc Thần".
Mong rằng mọi người cùng quan tâm gìn giữ.
Xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa - Năm 2011
Những người tôn tạo:
- Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ , nguyên Thứ trưởng Lương Ngọc Toản
- Nguyên Tổng Gíám Đốc Lương Viên.
Người soạn văn bia : Hoàng đình Khảm.
Hết bài viết của ông Hoàng Đình Khảm (Lương Đức Mến đưa nguyên văn bản nhận được từ Email). Quý vị nào có ý kiến phản hồi xin đăng tại ô Nhận xét hoặc gửi Email cho tôi. Xin cám ơn!
Cam on anh da dua bai viet len blog. muon biet ro ve Luong Hoi trieu anh nen gap Anh Luong Ngoc Long HP 0986341640
Trả lờiXóaLuong Van Truc
Luong Phuong Hau :
Trả lờiXóaAnh Mến ợi, tôi đều nhận được các tài liệu của ông Khảm gửi, tôi cũng chưa nghiênn cứu kỹ, nên chưa thể bàn luận nhiều với anh.Có một số chi tiết quan trọng cần trao đổi:
- Thế Khôi bị anh chém đầu thả trôi sông, gia phả họ tôi ghi là xác trôi về Triều Khẩu. Triều Khẩu ở đây là một địa danh thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vì lúc đó Thế Khôi đang ở Châu HOan. Vì vây Trièu Khẩu không phải là Cửa biển Hội Triều như ông khảm dịch. Hai nữa, con trai cả Lương Thế Vinh trong gia phả nhà tôi ghi là Lương Thế Thước, không phải là Lương Thế Hạo.
Còn một việc nữa là cụ Trạng có đi sứ nhà Minh hay không, chính sử không nói diều này, anh có tài liệu gì không. Sắp đến, kỷ niệm 400 năm Lương Văn Chánh khai phá đất Phú yên, anh đi không? Chúc anh khỏe, vui, vạn sự như ý!
Thưa ông Mến, Tôi là Hoàng đình Khảm sinh năm 1936 tại làng Hội Triều xã Hoằng Phong huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa, nghề nghiệp Kỹ Sư Địa Chất, phó giám đốc phụ trách kỹ thuật các đoàn 501, 506 và 401 đã nghỉ hưu từ năm 1988. Nay thường trú tại tp. HCM. Trước đây tôi có nhiều năm làm việc với chuyên gia trung quốc nên cũng học thêm được Hoa ngữ, cộng với ông ngoại tôi và cha tôi biết chữ Hán nên có dạy tôi chút ít. Từ ngày nghỉ chế độ, tôi thường giúp mọi người dịch các bộ tộc phả bằng chữ Hán ra tiếng việt nên cũng quen dần và biết đôi chút về các
Trả lờiXóahọ, nhất là họ Lương.
Tôi có đọc một bài viết của ông Lương hữu Lịch ( là hậu duệ cụ Lương Đắc Bằng ) có ghi nhận rằng có người cháu cụ Lương đắc Bằng tên là Lương Thế Thông lưu lạc ở Thái Bình. Nay ông Lịch đã mất, nên không tìm hiểu thêm được.
Về câu đối, thì ông có thể cho tôi biết bản dịch, xem tôi có thể giúp ông được không.
Sau hết kính chúc ông sức khỏe.
http://holuongduclaocai.blogspot.com/2011/02/bai-khao-luan-ve-nguon-goc-ho-luong.html
XóaTp. HCM ngày 28 tháng 1 năm 2011
Trả lờiXóaKính gửi anh Lương Đức Mến
Tôi tên là Hoàng Đình Khảm quê ở Thanh Hóa, nay thường trú tại tp.HCM, nhân đọc trên internet được biết anh mong muốn tìm hiểu về tộc phả các họ Lương ở Thanh Hóa. Từ năm 2000 đến nay tôi đã giúp cho họ ngoại của tôi là họ Lương, dịch các bộ tộc phả, nếu anh thấy cần tham khảo có thể liên hệ xem các bộ phả như sau :
1, tộc phả họ Lương làng Cao Hương huyện vụ Bản tỉnh Nam Định ( của trạng nguyên Lương Thế Vinh ).
2, Tộc phả họ Lường Phủ làng Hội Triều xã Hoằng Phong huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa ( của Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng ).
3, Tộc phả họ Lường Tam Chi làng Hội Triều xã Hoằng Phong huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa ( của nguyên thứ trưởng Lương Ngọc Toản )
4, Tộc phả họ Lương huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.( của tiến sĩ Lương Chí )
5, Tộc phả họ Lương Phú Yên ( của quận công Lương văn Chánh ).
Sau hết chúc anh sức khỏe và hoàn thành tâm nguyện.
Nhân dịp năm mới Tân Mão xin chúc một năm mới tốt lành.
Người viết Hoàng đình Khảm
Lương Đắc Bằng 梁得朋 (1472 - 1522), cháu họ của Trạng Lường, khi đến thăm nhà thờ Lương Thế Vinh ở Vụ Bản (Nam Định) tự hào về dòng họ Lương nhà mình đã đề câu đối để lại:
Trả lờiXóaTrạng nguyên tổ, bảng nhãn tôn, Lương tộc danh đằng lưỡng quốc;
Đô đốc tiền, thượng thư hậu, quốc triều vị liệt tam công.
Tôi chưa từng trực tiếp xem đôi câu đối đó, mạo muội phục hồi như sau. Ai biết chính xác xin được chỉ giáo:
狀 元 祖, 榜 眼 孫, 梁 族 名 騰 兩 國;
都 督 前, 尚 書 後, 國 朝 位 埒 三 公.
Cảm ơn anh Lương Đức Mến đã gửi bài "Khảo luận" của ông Hoàng Đình Khảm, ý kiến của anh suy luận nghiêm túc và có chiều sâu, tôi rất tâm đắc với những cảm nhận có cơ sở khoa học và thuyết phục của anh, qua đây tôi mạnh rạn nêu một số suy nghĩ để anh giúp, may chăng phát hiện thêm điều gì mới? và hi vọng, là hậu duệ đời thứ 7 của Cụ tổ Lương Huy Khản - Thanh Liêm Đệ Nhất (Hàng thần chủ); sinh ngày 19/9/1786 (Bính Ngọ), Mất ngày 16/5/1862 (Nhâm Tuất), thọ 76 tuổi; Tổ Tỉ Hoàng Thị Nhiên (Húy Hiệu Hiệu Trai) sinh năm 1791 (Tân Hợi), mất ngày 07/8/1861 (Tân Dậu), thọ 70 tuổi...tại Bắc Ninh. Trong Họ Lương chỗ tôi có một chi đời thứ 6 lấy đệm Lương Đắc..., hàng năm vào ngày 22/12 âm lịch Họ Lương vẫn duy trì từ lúc tôi được biết đến nay trên 50 năm rồi, ngày đó con cháu dù ở bất cứ đâu, xa, gần vẫn nhớ về quê để được "Tản Mộ". Tôi xin đính chính một nhánh về Bắc Ninh chớ không phải như lúc đầu anh viết về Bắc Giang. Nhân dịp tháng riêng, đầu năm mới, cho phép tôi xin được chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt tiếp tục có nhiều đóng góp cho Họ Lương. Một lần nữa xin cảm ơn anh nhiều, hẹn gặp lại!
Trả lờiXóaNhà giáo Bùi Văn Tam, Kỹ sư Hoàng Đình Khảm đều là những cháu ngoại của Lương tộc nhưng là những người có tâm huyết, nhiệt tình sưu tầm, ghi chép, biên tập những thông tin về Lương tộc và đặc biệt là có công phổ biến.
Trả lờiXóaMong sao Lương tộc có được nhiều người con như thế!
Xin cảm ơn các bác, các anh đã nhiệt tình sưu tầm và phổ biến cho con cháu tìm hiểu về dòng tộc mình.Từ lâu cháu cư phân vân dòng họ mình thực là lương hay lường, sau khi đọc bài viết trên phần nào hiểu được.Hiện dòng họ cháu tại Hậu Lộc -Thanh Hóa vẫn được các bác các chú làm gia phả rất đầy đủ.Hàng năm cứ vào 24/12 âm lịch và tết thanh minh là con cháu tập trung để xủi mả và cúng tổ tiên. Cháu sẽ thu xếp chép lại và chuyển lên đây để mọi người cùng tìm hiểu về anh em , tổ tiên mình.Mong mọi người hãy cùng nhau viết một gia phả của dòng họ thật đầy đủ để cho con cháu hiểu và tiếp nói cha anh
Trả lờiXóaTrang họ Lê Lệ Sơn - Yên Mô - Ninh Bình có phần nhận xét về nguồn gốc họ Lương: Theo sách “Danh hiền Thị Tộc Ngôn hành loại Cảo” thì họ Lương thuộc thị tộc Doanh. Tộc này đã lập nên một triều đại nổi tiếng và có công thống nhất Trung Hoa. Đó là nhà Tần..
Trả lờiXóaHọ của hoàng gia Tần là Doanh thị. Theo thông lệ, chỉ ngành trưởng (trưởng tộc) nối ngôi, mới được mang họ Doanh, còn các ngành khác mang họ là tên đất nơi phong ấp. Người nối ngôi Tần, Trọng hiệu là Tần Trang Công, (cai trị 822 tCn - 778 tCn) huý là Doanh Dã. Một người con khác của ông được ban đất Hạ Dương (ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc nay) và phong tước Lương bá. Cháu chắt ông sau này nhận tên tước vị Lương bá làm tên họ.
Họ Lương di cư xuống miền bắc Việt Nam để lập nghiệp. Có lẽ đây là hậu duệ của Lương Long sau khởi nghĩa 178-181 thất bại hay là hậu duệ của Lương Thạc, người từng dành quyền và tự lĩnh chức Thứ sử Giao Châu vào năm Mậu Dần (318) thời Đông Tấn. Nếu đúng vậy thì do tổ tiên đều gốc Bách Việt đứng lên chống lại Hán tộc nhưng bị thất bại phải Nam cư
Ngoài số này còn có những cư dân Việt tộc khác, đến khi người Hán hoàn thành việc chiếm Âu Lạc vẫn chưa có họ nên bắt chước hay bị quan lại nhà Hán ép mang họ sẵn có từ Bắc quốc sang, trong đó có họ Lương. Đây là tình trạng chung của nhiều họ cũng như một số họ dân thiểu số tại Việt Nam sau này.
Họ Lương tập trung nhiều ở 2 tỉnh Hà Tây và Hà Tĩnh. Cũng có thuyết khác cho rằng từ lâu đời đã có một dòng họ cư ngụ tại miền Trung Việt Nam: làng Hội Triều (Hội Trào), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gần bãi biển Sầm Sơn. Nơi đây, hiện nay vẫn còn đền thờ cụ Lương Đắc Bằng, được coi là Thủy tổ của dòng họ.
Họ Lương vào lập ấp sau 4 đời so với họ Lê ( Làng cả Lệ Sơn, phần III do thầy Quyến biên soạn), xét theo thế hệ, họ Lê đến nay đã là đời thứ 22-23, Họ Lương mới chỉ đời 17-18, tính từ 1473 đến 2009 là 536 năm, đối với họ Lương, nếu đem chia cho 18 đời thì = 29,6 tuổi mới có con trai thì không hợp lý, họ Lê chia cho 23 đời thì 23 tuổi có con trai là hợp lý ( tính bình quân). Như vậy, cụ Lương Bá Phiếm không cùng một lúc vào khai canh cùng cụ Tổ họ Lê Như thầy Niệm đã viết.
Tranh cãi về vấn đề cụ Lương Bá Phiếm là Hậu duệ của Quan Trạng Lương Thế Vinh không hợp lý, phần tranh luận của Phongtran và Lê Hồng Vệ hợp lý, có cơ sở và được chứng minh. Lương Thế Vinh sinh năm 1442, nếu năm 1473 mới 31 tuổi, cứ cho 15 tuổi có con như Phong Trần đặt giả thiết đi, thì con của LTV mới 16 tuổi, nói gì đến hậu duệ. Trong lúc cụ Lương Bá Phiếm là mệnh quan triều đình bổ nhiệm thì ít nhất phải 25-30 tuổi mới đi nhậm sở. Dòng họ LƯƠNG BÁ là dòng dõi vua chúa (Tần Thủy Hoàng) như đã trình bày phần I, có thể di cư sang Việt Nam thời Hán và sinh sống phần đa ở Hà Tây, Thanh Hóa, còn Lương Thế Vinh lại ở Vụ Bản – Nam Định, như vậy cùng họ Lương ở Lệ sơn có thể từ Hà Tây hoặc Thanh Hóa vào nhưng chưa thể gọi là bà con xa với nhau được.
Họ Lương Pò Bó - Lạng Sơn chép
Trả lờiXóa* Lời bàn về nguồn gốc họ Lương – Pò Bó
Thời gian đến lập cư của dòng họ Lương chưa được biết rõ. Có ý kiến cho rằng: An Hoá, xã An Hùng, huyện Văn Lãng không phải “cội nguồn” xuất phát của họ Lương Pò Bó. Ông cha truyền tụng là : Từ nơi xa xôi lắm, mãi tận Sơn Tống, Pò Mã Cai , tức tỉnh Sơn Đông, phố Bạch Mã của Trung Quốc di cư đến.
Tại quyển: “Một số dòng họ Lương ở Lạng Sơn” (trang 1, dòng 11 từ dưới lên) do ông Lã Văn Lô - Viện phó Viện Dân tộc Việt Nam sưu tầm ở xã Khuất Xã, huyện Lộc Bình (chắc tại nhà nguyên Tổng đốc Vi Văn Định), có viết: “Vào những năm 1285 – 1400 đời Trần, triều đình cử 2 chi họ Lương và họ Hoàng ở Trung Châu lên Lạng Sơn hợp tác với họ Bế là Tù trưởng để chống giặc phương Bắc”. Người làm to nhất có ông Lương Uất, Bế Thuấn…
… ngay từ thời Vua Hùng đã có những danh tướng họ Lương có công và tên tuổi lừng lẫy, đó là hai anh em sinh đôi tên là Việt Bồ, Hộ Tống, con cụ Lương Kỳ Tiên, ở Phổ Hồng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nỗ Lực, xã Thuỵ Vân, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là tướng của vua Hùng Duệ Vương. Năm 40 sau công nguyên hai chị em họ Lương là Lương Kiều, em là Lương Tấu đã cầm quân khởi nghĩa theo Hai Bà Trưng đánh giặc Hán xâm lược (Tô Định) được Hai Bà Trưng phong làm Kiều tướng Đại vương và gia tẩu tướng quân. Thế kỷ thứ 6 đời Trần Lý (Lý Bí) một vị tướng họ Lương tên là Lương Báo thời hậu Lý, triều vua Lý Cao Tông có Lương Đoàn Thượng, con cụ Lương Trung Công, quê ở Đông Hải, quận Hồng Châu, tỉnh Hải Dương được phong chức Đại tướng quân, nguyên soái thuỷ bộ khi Lý Huệ Tông lên ngôi phong chức Đông Hải Đại vương.
Khác với nhiều dòng họ ở Việt Nam, dòng họ Lương thường truyền ngôn câu nói: “Nam bang Lương tính, giai ngã tử tôn”, nghĩa là “Họ Lương ở nước Nam đều là con cháu ta cả”
Họ Lương – Pò Bó mang những đặc điểm chung của các dòng họ Việt…
Tông Phả ghi chép được 11 Cao Tổ họ Lương : 8 trai, 3 gái (bát nho, tam nhị). Tông Phả ghi tương đối rõ 2 chi, là chi cả (chi Khà tầu) thuộc Cao Tổ Lương Đặng Nhân (Nho Vân) và chi 6, thuộc Cao Tổ thứ 6 – Lương Đăng Ninh (Nho Khởi).
Trong thực tại, nói chi 2 là phía Cốc La, rõ các hậu duệ gần 2 thế kỷ nay – 200 ; Xưng hô bậc anh, em, như : phía Hồng, Lương Gia Khát, Ban, Soan…, Hà Nam…nhưng chưa rõ thuộc ông Cao Tổ thứ mấy ?
Tôi là Lương Khắc Hạnh - hiện công tác tại Hải Phòng.
Trả lờiXóaNguyên quán tại Xã Hoàng Thanh, Huyên Hằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa
Quê tôi có 4 dòng họ Lường. Trong đó có 2 dòng họ Lường là Lường Khắc và Lường Hữu. 2 dòng họ này như anh em và không được kết hôn với nhau.
Cụ khởi tổ tự Đạo Thành
Cụ tổ dòng họ Lường Hữu là tự Phúc Hòa (dòng trưởng)
Cụ tổ dòng họ Lường Khắc là tự phúc Thuận (dòng thứ)
Có 2 bà tổ cô là: Nhất tổ cô Quế Hao Nàng hiệu Thục Trang, hiền cô hiệu Diệu Từ
Gia phả cổ không còn nhưng văn khấn thì vẫn còn lưu truyền)
Ai cần xin liên hệ email: hanh.lk@pharung.com.vn.
Trân trọng.
Rất cảm ơn tác giả, bài viết rất chi tiết về cội nguồn họ Lương - Lường khu vực Thanh - Nghệ.
Trả lờiXóaTuy nhiên bài viết có một chi tiết mà tôi không đồng thuận là "Theo sách “Họ Và Tên Người Việt Nam” của tác giả Lê Trung Hoa xuất bản năm 1992 thì họ Lương có trong các dân tộc Kinh, Cao Lan và Hoa.
Còn họ Lường có trong các dân tộc La, Thái.
Như vậy là dân tộc kinh chỉ có họ Lương, không có họ Lường, còn các dân tộc ít người như La, Thái mới có họ Lường. "
Điểm này cần được nghiên cứu và xem xét lại một cách nghiêm túc vì hiện tại khu vực Tĩnh Gia- Thanh Hoá nay là thị xã Nghi Sơn còn có một dòng họ Lường người Kinh rất lớn và quy mô đã tồn tại khu vực này mấy trăm năm qua, thế hệ tiền bối là nhưng tri thức trong vùng vẫn còn lưu giữ lại những văn bản bằng chữ Hán. Lịch sử còn rất nhiều điều mà hậu thế chưa thể biết hết, mong rằng sẽ có những bài viết được nhìn từ nhiều góc độ, cơ sở khoa học và đầy đủ nhất, một lần nữa xin được cảm ơn tác giả
Đúng ạ, năm 2014 đến năm 2016 Cháu có công tác ở đây, có rất nhiều người họ Lường
XóaHọ Lường là Họ Lường, Họ Lương Là họ Lương, sao lại lẫn lộn thê được ạ
Trả lờiXóa