Trong mớ bòng bong ấy, cố chắt lọc kiếm tìm cũng hé ra đôi điều về nguồn gốc tên tộc họ này ở Trung Quốc và Việt Nam.
1. Nguồn gốc họ Lương:
Theo một số thông tin từ các trang Websit của Trung Quốc như:
-http://zh.wikipedia.org/zh/%E6%A2%81%E5%A7%93,
-http://baike.baidu.com/view/18353.htm1,
-http://www.greatchinese.com/surname/128.htm,
-http://www.qm123.name/Article/surname/241.shtml,
- http://www.58995.com/Baby/bbname/NameStory/200903/1955.html, ...
thì có 3 thuyết:
1. Thuyết “Xuất tự Doanh tính” 出自贏姓 :
Theo “Danh hiền Thị Tộc Ngôn hành loại cảo” 名贤氏族言行类稿 thì họ Lương thuộc “lấy tên đất làm họ” 原是地名 và khởi từ thị tộc Doanh 嬴氏.
Chính thị tộc Doanh đã lập nên nước Tần[1] và sau là triều đại Tần nổi tiếng và có công thống nhất Trung Hoa từ thời nhà Chu[2].
Họ của gia đình hoàng gia Tần là Doanh 嬴氏. Tộc này có từ 2600 tCn. Khi tổ chức thành Công quốc và các tiểu quốc, triều đại sau này thì chỉ ngành trưởng 長族 nối ngôi 繼位, mới mang họ Doanh 嬴氏, còn các ngành thứ mang họ khác. Theo đó có 2 nguồn chính ở những địa bàn khác nhau:
a/ Thuyết “Xuất tự Doanh tính, dĩ Quốc vi Thị” 出自贏姓,以國為氏:
Theo “Thông trí thị tộc lược dĩ Quốc vi Thị” 通誌氏族略以國為氏 thì vào thời Chu Bình Vương (周平王, 770 tCn-720 tCn) cháu của Tần Trọng (秦仲, đứng đầu Tần công quốc, 854 tCn-822 tCn) là có công thảo phạt Tây Nhung 西戎 được nhà Chu nhường đất Lương Sơn, Hạ Dương 夏陽梁山 (nay là Hàn Thành, Thiểm Tây, 陜西省韓城縣南) cho người con thứ là Khang lập quốc xưng Lương Khang Bá. Đến thời Xuân Thu (春秋時代, 722 tCn-481 tCn) nước Lương mất vào Tần quốc 秦國 bởi Tần Mục Công (秦穆公, 659 tCn-621 tCn). Họ Lương ra đời từ tên nước vào năm 641 tCn và phát triển mạnh tại vùng Thiểm Tây.
b/ Thuyết: “Xuất tự Doanh tính, dĩ Ấp vi Thị” 以邑為氏:
Vào năm 645 tCn đời Chu Tuyên Vương, Tấn Huệ Công (晉惠公, 650 tCn-537 tCn) tấn công lấy được đất Lương Thành 梁城 mà nay là tỉnh Sơn Tây (在今山西省臨猗西南), các đất Cao Lương, Khúc Lương…dâng cho Tần Mục Công (秦穆公, 659 tCn-621 tCn). Nhờ các mưu thần xuất sắc là Bách Lý Hề, Kiển Thúc, Tần Mục công đã đánh bại nước Tấn, diệt hai tiểu quốc là Lương và Nhuế. Một cháu khác của Tần Trọng được ban đất ấy và phong tước Lương Bá[3] 梁伯. Cháu chắt ông nhận tên tước vị 爵 Lương Bá 梁伯 làm tên họ 梁氏.
Như vậy tuy cùng xuất phát từ tộc Doanh (Xuất tự Doanh tính出自贏姓) nhưng có ngành do mất nước giữ tên nước làm họ (dĩ Quốc vi Thị ,以國為氏, có ngành lại lấy tên đất được phong làm tên họ (dĩ Ấp vi Thị, 以邑為氏)!
2. Thuyết “Tiên Ti tộc phục tính sở cải” 古代鮮卑族复姓所改:
Theo “Ngụy thư quan thị chí” (魏書官氏志, wèi shu guan shì zhì) thì vào thời Bắc Ngụy[4], vua Hiếu Văn Đế Nguyên Hoành (孝文帝元宏, 471-499) ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội, đẩy mạnh qúa trình Hán hoá 漢化 đối với người tộc Tiên Ti 鮮卑族 (xian bì zú) trong đó có việc tự đổi họ Thác Bạt[5] 拓拔氏 ra họ Nguyên 元 氏 và lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt Lan 拔列蘭 (bá liè lán) của người Tiên Ti thành họ đơn, một chữ Lương[6] 梁 theo kiểu người Hán.
Gần với thuyết này là với những tộc thiểu số khi thống nhất vào trung nguyên được quan lại Hán tộc gán họ cho, trong đó có họ Lương.
Thuyết đổi từ họ kép ra họ đơn này theo tôi khó chấp nhận bởi nếu thế thì mãi thế kỷ thứ V mới có họ Lương song trong lịch sử cuộc khởi nghĩa của nhân dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố chống lại chính quyền đô hộ Đông Hán (東漢, 25–220) do một người họ Lương là Lương Long 梁隆 lãnh đạo đã xẩy ra từ thế kỷ thứ II (178-181), trước khi Nguyên Hoành lên làm vua tới 293 năm! Hoặc nếu có chuyện “đổi họ kép ra họ đơn đó” thì hậu duệ của tổ tiên mang họ Bạt Liệt Lan hiện nay là những người mang họ Lương ở đất Nguỵ xưa (Bắc Hoàng Hà) chứ không thể là tổ tiên của người mang họ Lương ở Nam Trung Hoa và Việt Nam được.
3. Thuyết “Dĩ quốc vi thị” khác:
Theo "Thông chí thị tộc lạc” 通志·氏族咯 thì trong giai đoạn Thất hùng vào năm 352 tCn Nguỵ Huệ Vương dời đô về Đại Lương (nay là Khai Phong), xưng là nước Lương. Sau nước này bị Tần, Sở diệt. Người họ Lương vùng Hà Nam bên TQ nay chắc là hậu duệ dòng này.
3 thuyết trên tôi đã đưa lên thảo luận tại Bách khoa toàn thư mở: http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:L%C6%B0%C6%A1ng_(h%E1%BB%8D)
2. Họ Lương trong cộng đồng:
Trong cuốn Bách gia Tính 百家姓 , một văn bản ghi lại các họ phổ biến của người Trung Quốc được soạn vào đầu thời Bắc Tống thì họ Lương xếp thứ 32 và được chép trong câu: “ 项 Hạng , 祝 Chúc , 董 Đổng , 梁 Lương”.
3. Tên dòng họ:
Chữ Lương 梁, tên dòng họ thuộc dạng chữ “hội ý” gồm 11 nét bao gồm :
- bộ Mộc 木 nghĩa là Cây, cây to dùng làm nhà cửa đồ đạc được gọi là "kiều mộc" 喬木; là Gỗ, như "mộc khí" 木器 tức đồ gỗ; ngũ hành : hỏa, thuộc cát
- kèm chữ Thuỷ 水 được viết dưới dạng bộ 氵, chỉ Sông, ngòi, khe, suối và những gì bởi nước mà thành ra đều gọi là
- và chữ “Sang” 刅 có nghĩa là bị thương, còn đọc là "sáng" tức mới, như "sáng tạo" 創造 mới làm nên, "khai sáng" 開創 mới mở mang gây dựng lên.
Bính âm : “liang”; ngũ bút thâu nhập :ivws trịnh mã :VYOF ,U :6881 ,GBK : C1BA. Mã khác: Unicode-26753 ; BG-B1E7 ; BH-04木07 ; TH-ed=水木 ; BA-liang2; Bạch thoại ghi là “Niû”. Tiếng Nhật ghi là “ Ryō “, Yang 양 , Ryang 량.
Phần nghĩa và bình luận chữ Lương sẽ được viết riêng.
4. Họ Lương Việt
Từ bao giờ trong họ đã có lời truyền “Nam bang Lương tính giai ngã tử tôn” 南邦梁姓偕我子孙, tức là “họ Lương ở nước Nam đều là con cháu ta cả”. Nhưng thực ra, dòng họ Lương Việt Nam phát xuất nguyên thủy từ đâu không thể xác định. Đúng là “Tiền tiền vô thủy” (前前無始, Không biết điểm bắt đầu).
4.1. Nguồn gốc:
a/ Thuyết cho rằng di cư từ Trung Quốc sang:
Tổ tiên họ Lương có thể bắt nguồn từ số người thuộc Hán tộc cư ngụ ở miền nam nước Tàu rồi di tản xuống miền bắc Việt Nam để lập nghiệp[7]. Chắc đó là những người Tầy, Nùng mang họ Lương, họ Lường ở vùng núi phía Bắc nay.
Từ thời vua Lê Đại Hành, trong tập “Bắc Địa Tấu Từ” có ghi: các tỉnh miền bắc Việt Nam có rất nhiều tộc họ sinh sống, riêng tộc Lương chỉ thấy ở 2 tỉnh[8]: tỉnh Sơn Tây với Thủy tổ tộc là Lương Trọng Lịch và tỉnh Hà Tĩnh với Thủy tổ tộc là Lương Công Anh. Con cháu tộc của thủy tổ tộc Lương ở đây có nhiều chữ lót khác nhau như Văn, Công, Phước, Trọng, Trường, Đình, Ngọc...Từ đời Tiền Lê, tộc Lương phát triển đến nhiều tỉnh khác nhau.
b/ Thuyết cho rằng được nhà cầm quyền gán họ:
Khi Hán hoàn thành việc chiếm Âu Lạc, người Việt vẫn chưa có họ nên bắt chước Hán tộc hay bị quan lại nhà Hán ép mang họ sẵn có từ Bắc quốc sang, trong đó có họ Lương[9] để lập sổ theo dõi, quản lý.
c/ Khởi nguồn từ Thanh Hoá:
Từ lâu đời đã có một dòng họ cư ngụ tại miền Trung Việt Nam: làng Hội Triều (Hội Trào), tỉnh Thanh Hóa, gần Sầm Sơn. Nơi đây, hiện nay vẫn còn đền thờ cụ Lương Đắc Bằng, một số ngành coi là thủy tổ của dòng họ[10].
Thực ra, theo Bản đường gia phả Lương Hội Triều soạn vào tháng chín năm Quý Tỵ 1893 thì Bảng nhãn Lương Đắc Bằng thuộc đời thứ 9 tính từ Thuỷ tổ Mộ đô phủ quân - Lương Đại Đồng - Lương Nhữ Hốt - Lương Thế Vĩnh - Tiệm giác Phủ Quân - Lương Danh Luật - Lương Tông Huệ - Lương Hay - Lương Ngạn Ích, sau cải Lương Đắc Bằng.
Còn theo Lương Hữu Văn trong Phổ ký họ Lương soạn năm Bảo đại thứ 18 (1943) thì thứ tự tổ tiên của Lương Đắc Bằng là: Lương Thế (Nghệ, Ngại) ở Cao Hương, Vụ Bản - Thế Triệu - Lương Thế Vinh[11] - Trinh Túc, tự Thế Côi (Cốc) làm Ái châu Hiến sát sứ và Thế Khôi tự Chiêu Trưng làm Hoan châu Đô đốc. Thế Khôi sinh Thế Khải (con bà thứ thất). Khi Thế Khôi bị chém quăng xác xuống sông, Thế Khải lần theo đến Triều Khẩu, thấy mối trùm đùn thây cha thành mộ, lưu cư ở xã Hội Triều nay ở xã Hội Triều, Phủ Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá mở ra dòng họ Lương nơi đây[12]. Thế Khải sinh Đắc Bằng (Đời thứ 6)[13].
Như vậy tiên tổ của Lương Đại Đồng, Lương Thế (Nghệ, Ngại) chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đủ để kê cứu được.
Lại có chuyện rằng, vào thời nhà Mạc, do Lương Hữu Nhược (tức Thế Thuận, con Thế Thái, cháu Thế Thời, chắt Thế Cốc) phò Lê Trang tôn ở Ailao nên nhà Mạc tróc nã họ Lương và Thế Hựu (em Thế Thuận) bị Mạc bắt, tôn tộc ly cư. Hay sau biến loạn năm Bính thân (1476) các con bà cả của Thế Khôi là Thế Kỳ, Thế Phụ, Thế Dực cũng phiêu bạt đi đâu không rõ. Những chi nhánh này đứt liên lạc, có khi che dấu gốc gác nên không chắp nối được gia phả.
4.2. Phân bố hiện nay:
Trong nước, ở nhiều địa phương đều có người họ Lương sinh sống, thuộc nhiều dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Hoa v.v...
Những người Kinh họ Lương sinh sống tập trung ở 3 trung tâm Thanh Hoá (hậu duệ Thượng thư Lương Đắc Bằng),
Với các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường ở vùng núi phía Bắc, một vài nơi họ Lương được gọi là họ Lường nhưng xem các bài cúng bằng chữ Nôm thấy vẫn ghi là 梁, tức Lương. Trong khi đó một số chi nhánh họ Lương không thuộc dạng này bởi đó là những di dân có nguồn gốc từ Phúc Kiến, Triều Châu sang hồi thế kỷ XVII sau sự sụp đổ của nhà Minh 明朝. Đó là những người Minh Hương 明鄉人, tự nhận và nhà nước công nhận họ là Hoa Kiều 華僑.
Ngược lại, một số ngành họ Lương ở Trung Quốc lại chung gốc với họ Lương Việt Nam (hậu duệ của Thế Oánh, Thế Oanh, Thế Huỳnh con cụ Lương Thế Vinh) hay hậu duệ của anh và em Lương Đại Đồng.
4.3. Một vài nhân vật nổi tiếng ở Việt
Lương Thế Vinh, trạng nguyên, nhà toán học, phật học, nhà thơ người Việt; Lương Đắc Bằng, trạng nguyên; Lương Hữu Khánh, thượng thư Bộ Lễ thời Lê Trung hưng; Lương Thị Minh Nguyệt, có công diệt giặc Minh, được Lê Lợi phong là “Kiến quốc phu nhân”; Lương Văn Can, nhà giáo, sáng lập và là hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; Lương Ngọc Quyến, Nhà cách mạng, con trai của Lương Văn Can; Lương Kim Định, linh mục, nhà triết học; Lương Định Của, giáo sư nông học…Ngày nay có 3 UVTW, nhiều GsTs, Anh hùng lao động…Nữ có Lương Thị Hà (tức bà Hà Thị Quế)…
Lào Cai có 1 Chủ tịch tỉnh, 1 UVBTV tỉnh uỷ, 2 Trưởng ngành, nhiều cấp Trưởng phòng ; 2 Đại tá, nhiều Thượng tá; 2 Thày thuốc ưu tú, 1 Nghệ sĩ nhân dân, 1 Nghệ sĩ ưu tú; nhiều Thạc sĩ, Cử nhân…; nhiều thương binh, liệt sĩ… là người các dòng họ Lương người Kinh và người Tầy, gốc Lào Cai hay nơi khác đến.
Nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của các chi dòng họ trên toàn quốc, ngày 23-24/9/2008, Ban LL Họ Lương Hà nội đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Họ Lương trong cộng đồng các dân tộc VN” tại Văn Miếu QTG, có trên 150 đại biểu thuộc 50 Chi họ các Tỉnh, Thành cả nước về dự, tham luận, và thống nhất Thành lập Ban Liên lạc họ Lương Việt Nam gồm 60 vị với 21 UVTT và Hội đồng Trưởng Lão gồm 9 Cụ, là các nhà trí thức, các GSTS, Nhà gíáo, Nhà Văn, Chỉ huy QS.
Lào Cai, ngày 13/5/20010: Bs Lương Đức Mến
[1] Tần (秦; Qin, Qin hoặc Ch'in, 778 tCn-207 tCn) là một nước chư hầu thời Xuân Thu và Chiến Quốc ở Trung Quốc. Khi khởi nghiệp lãnh địa cai trị của các thủ lĩnh nhà Tần nằm ở châu thổ sông Vị, chủ yếu thuộc địa bàn các bộ tộc được cho là con cháu của dân tộc Jong ở thảo nguyên và mới chỉ tiếp xúc với văn hóa nhà Chu. Đến thời Chu Tuyên Vương Cơ Tĩnh 宣王姬靜 , 827 tCn- 782 tCn rợ Khuyển Nhung 戎 từ phương Bắc tràn xuống tiêu diệt dòng họ nắm quyền đất Tần, Tuyên Vương sai cháu ba đời của Phi Tử là Tần Trọng (秦仲 854 tCn-822 tCn) làm quan đại phu đứng đầu công quốc này. Quyền lực của nước Tần bắt đầu tăng lên từ thời điểm vua nhà Chu (người theo danh nghĩa là vua trên toàn bộ Trung Quốc) phong tước Công (Tần Tương Công , 襄公, 778 tCn - 766 tCn) cho vua Tần sau khi quân đội Tần tham gia bảo vệ cho vua Chu khi ông phải bỏ chạy và di chuyển kinh đô trước các cuộc tấn công của bộ tộc Khuyển Nhung phía Bắc vào năm 771. Trong thời Đông Chu hay Xuân Thu bắt đầu, Chu Bình vương phong cho con của nhà quý tộc Doanh Kỳ 贏其 làm chủ thêm vùng tây bắc của nhà Chu (đất Phong và đất Kỳ). Ông được gọi là Tần Tương Công 秦襄公 (Đại Công thứ 3, 778 tCn - 766 tCn). Nước Tần 秦 từ đó trở thành nước lớn. Khoảng năm 359 tCn vào thời Tần Hiếu Công (孝公) Thương Ưởng 商鞅 từ Nguỵ đến Tần được trọng dụng đã đưa ra nhiều cải cách biến Tần từ một nước lạc hậu trở thành nước có vị thể vượt hẳn sáu nước kia thành nước mạnh nhất thời Chiến Quốc hay Đông Chu liệt quốc (東周列國 , Dongzhou lieguo). Bắt đầu từ đây người đứng đầu nước Tần xưng Vương (Huệ Văn Vương 惠文王, cai trị 338 tCn - 311 tCn). Đó chính là tiền đề để Đại Công thứ 32 (tính từ Tần Trọng) là Doanh Chính 嬴政 tiêu diệt sáu nước chư hầu còn lại (Tề, Sở, Hàn, Yên, Triệu, Nguỵ ) thống nhất Trung nguyên, lên ngôi báu tự xưng Thuỷ Hoàng 始皇帝 vào năm 221 tCn. Nhà Tần (秦朝; Qín Cháo; Wade-Giles: Ch'in Ch'ao, 221 tCn - 206 tCn), triều đại kế tục nhà Chu (周, Zhou, 1122–256 tCn) và trước nhà Hán (漢 朝 , Han cháo, 206 tCn - 220 sCn). Việc thống nhất Trung Quốc năm 221 tCn và áp dụng chính sách của Pháp gia một cách triệt để; đặt ra tiêu chuẩn hoá chữ Hán, trọng lượng và đo lường và luật pháp, mở rộng các kênh để tưới tiêu và vận chuyển, xây dựng một hệ thống đường xá to lớn, mở rộng đất đai về phía bắc và phía nam; xây Vạn Lý Trường Thành; đốt sách, chôn học trò chứng tỏ công lao xây dựng đất nước thống nhất, rộng lớn của nhà Tần thật lớn nhưng chính sách tàn bạo và thủ tiêu văn hoá cũng gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ cho đời sau là một khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. Tần Thủy Hoàng còn sai Đồ Thư đi đánh lấy Bách Việt, tức các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, và một phần miền Bắc của Việt Nam, thời đó gọi là Âu Lạc của An Dương Vương.
[2] Hết thời Tam Hoàng Ngũ Đế và thời nhà Hạ 夏朝 đến nhà Thương ( 商朝, 1600 tCn–1046 tCn), theo Sử ký Tư Mã Thiên, Chu bản kỷ, có ghi lại 15 đời thủ lĩnh bộ tộc Chu: bắt đầu từ Hậu Tắc (Cơ Khí) con Đế Cốc và bà Nguyên Khương thời vua Thuấn kết là Tây Bá (Cơ Xương) con Công Quý thời Đế Tân nhà Thương. Thủ lĩnh nhà Chu xưng Vương khởi từ Chu Vũ Vương Cơ Phát 武王 姬發 (1046 tCn-1043 tCn) nhà Chu 周朝 đóng đô ở vùng Tây An ngày nay, gần sông Hoàng Hà, nhưng họ đã thực hiện nhiều cuộc Nam chinh mở rộng vào châu thổ sông Dương Tử. Sau đó sự cân bằng mong manh giữa các vương quốc biến thành hỗn loạn và vai trò Thiên Mệnh của các vua nhà Chu bị mờ nhạt. Tới năm 770 tCn các quý tộc nhà Chu ủng hộ Chu Bình Vương 周平王 lên làm vua. Bình vương dời đô đến Lạc Ấp 雒邑 . Giai đoạn Đông Chu hay Xuân Thu bắt đầu và nhà Chu chấm dứt bởi Chu Noản Vương Cơ Duyên 赧王姬延 (314 tCn-256 tCn). Nhà Chu tồn tại lâu hơn bất cứ một triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc và việc sử dụng đồ sắt cũng đã xuất hiện ở Trung Quốc trong thời kỳ này. Nhà Chu cũng là khoảng thời gian khi hệ thống chữ viết cổ xuất hiện trên các đỉnh đồng thời Tây Chu bắt đầu chuyển sang giai đoạn hiện đại, dưới hình thức những văn bản ghi chép cổ cuối thời Chiến Quốc.
[3] 1 trong 5 tước đời xưa là: công 公 , hầu 侯 , bá 伯 , tử 子 , nam 男
[4] Nhà Bắc Ngụy ( 北魏朝 , běi wèi cháo, 386-534 ), còn gọi là Thác Bạt Ngụy 拓拔魏 , Hậu Ngụy 後魏 hay Nguyên Ngụy 元魏 , là một triều đại thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc.
[5] Nguyên thị tộc Thác Bạt có cội nguồn từ của bộ lạc Tiên Ti tồn tại trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc ở Trung Quốc và là chủ nhân của nước Đại ( 代 , Dài). Đại Quốc tồn tại từ khoảng năm 310-315 tới năm 376, với kinh đô đặt tại Thịnh Lạc (盛樂 , ngày nay gần huyện Hòa Lâm Cách Nhĩ (Holingol, 和林格爾 ) thuộc Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ ) ban đầu với nghĩa Công quốc. Thác Bạt Ỷ Lư 拓跋猗盧 giữ quyền Tổng quản đăng bộ, được nhà Tấn ( 晉朝 , jìn cháo ; 265–420 ) phong làm Đại Công (代公 ) vào năm 310 như là phần thưởng cho việc giúp đỡ Lưu Côn 劉琨 , Thứ sử Tinh Châu 并州, trong các cuộc chiến chống lại Nhà nước người Hung Nô là Hán Triệu. Vùng đất phong sau này được nâng từ Công quốc lên thành Vương quốc vào năm 315 khi Y Lư được phong vương và vị Vương cuối cùng là Thác Bạt Thập Dực Kiền 拓跋什翼犍. N ăm 386 con (hay cháu) ông là Thác Bạt Khuê 拓拔珪 đã giành lại độc lập của người Thác Bạt ban đầu. Sau đó Thác Bạt Khuê đổi tước hiệu của mình thành Ngụy vương 朝王 , sau này triều đại của ông được gọi là Bắc Ngụy, chuyển kinh đô đến Bình Thành vào năm 398. Năm 399 Thác Bạt Khuê tự xưng là Đạo Vũ đế (道武帝 , 386-409). Cùng năm ông đánh bại các bộ lạc Cao Xa gần sa mạc Gobi, lập nền tảng cho sự cai trị ở trung nguyên của nhà Bắc Ngụy. Con trưởng Đạo Vũ đế là Thác Bạt Tự dẹp nội loạn và lên ngôi, tức là Minh Nguyên đế ( 拓拔嗣明元帝 , 409 - 423). Tiếp theo, con Minh Nguyên đế là Thái Vũ đế Thác Bạt Đào ( 拓拔燾太武帝, 423 - 451 ) có nhiều tham vọng, trọng dụng Thôi Hạo đã xây dựng nước Bắc Ngụy giàu mạnh, thống nhất cả miền bắc Trung Quốc vào năm 439. Lúc này miền nam trong tay nhà Lưu Tống. Cục diện đối lập miền bắc giữa Bắc Ngụy và các triều đại miền nam duy trì khá lâu và được sử sách gọi thời Nam Bắc triều (420 - 589). Biên giới của nhà Bắc Ngụy rất rộng lớn: đông bắc đến Liêu Tây, tây đến đông Tân Cương, nam đến Hoài Nam, bắc đến thảo nguyên Mông Cổ.
Ngay khi Đạo Vũ đế Thác Bạt Khuê ( 拓拔珪 , 386-409) chuyển kinh đô đến Bình Thành vào năm 398 đã bắt đầu áp dụng phong tục và luật lệ của người Hán (quản lý hành chính, cấu trúc bộ máy nhà nước, nghi lễ nhà nước, hệ thống tiêu chuẩn đo lường cân nặng, lịch pháp, thành lập trường học Nho giáo). Hoàng gia còn đẩy quá trình Hán hóa xa hơn một bước khi đổi họ Thác Bạt 拓拔氏 của mình thành họ Nguyên 元 氏, từ vị vua thứ 7 Thác Bạt Hoành 拓拔 宏 vào năm 475 đổi họ thành Nguyên Hoành 元宏 .
[6] Dịp này, Những người họ Thác Bạt xa thì đổi làm Trưởng Tôn, họ Ất Phiên đổi thành Thúc Tôn. Các họ kép (hai chữ) đều đổi thành họ đơn (1 chữ), trong đó 8 họ sang nhất là: Mục, Lục, Hạ, Lưu, Lâu, Vũ, Hệ, Uất. Sĩ tộc người Hoa thì có 4 họ lớn nhất là Lư, Thôi, Trịnh, Vương ở Phạm Dương, Thanh Hà, Vinh Dương, Thái Nguyên; họ Lý ở Lũng Tây, Triệu Quan kém hơn một bậc. Các họ người Hán này cũng được coi là quý tộc, con gái được tuyển vào cung vua.
[7] Theo tôi, có lẽ họ là hậu duệ của Lương Long sau khởi nghĩa 178-181 thất bại hay là hậu duệ của Lương Thạc 梁硕,người từng dành quyền và tự lĩnh chức Thứ sử Giao Châu vào năm Mậu Dần (318) thời Đông Tấn. Nếu đúng vậy thì do tổ tiên đều gốc Bách Việt đứng lên chống lại Hán tộc nhưng bị thất bại phải Nam cưư.
[8] Nhận xét này, theo tôi là không chính xác bởi:
- 北地凑辭 có thể dịch là “Lời cùng tâu về đất Bắc” (của những người đi khai khẩn đất Điện Bàn thời Lê sơ, 前黎氏,980 - 1009) là những bản văn tìm thấy trong dưới triều Minh Mệnh (1830-1841). Nội dung chính của nó là được chép lại từ một văn bản (Tấu từ Thuận ước) lập thời Lê sơ, gồm 3 phần chính: I- Bắc địa tấu từ; II- Tông đồ hội tánh; và III - Thuận ước giáp tịch, trong đó phần Tông đồ hội tánh, về nguồn tư liệu gốc, do chính những người khai cơ soạn ra và có lẽ được bổ sung sau thời Hồng Đức. Tưưliệu này cho biết lúc bấy giờ có 24 vị thuộc 4 địa phương khác nhau trên đất Bắc đã đi vào khai khẩn đất Điện Bàn theo lệnh của nhà vua: Thanh Hóa có 4 vị, Hà Tĩnh có 3 vị, Cao Bằng (Bình) có 12 vị, riêng vùng Hải Dương có 5 vị: Đỗ Như Hiển, Đoàn Thế Thân, Đinh Hựu Trân, Trịnh Hồ Xuyên, và Mai Quý Phô. Như vậy chỉ với 24 hộ ở 4 tỉnh, với tình trạng liên lạc thời đó, khó có thể biết và nắm chắc để nói về các họ trên đất Việt được. Do vậy khó biết họ Lương lúc đó cư ngụ ở những đâu.
- Lịch sử còn ghi nhiều người làm quan thời Lý, Trần (tức sát thời có Bắc địa tấu từ) không phải chỉ ở 2 tỉnh trên. Ví dụ Lương Nguyên Bưu 梁元厖 làm tới chức Hành khiển thời Trần là người gốc Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung làm Toát Thông Vương kiêm phụ đạo ở triều Lý. Lại có Lương Nhậm Văn 梁任文 làm tới Thái sư hay Lương Mậu Tài 梁茂才 giữ chức Ngoại lang thời Lý Thái Tôn (1028-1054)....
[9] Đây là tình trạng chung của nhiều họ cũng như một số họ dân thiểu số tại Việt Nam sau này. Nhưng chưa rõ nguồn sử liệu nào tại Hội thảo 23/9/2008 ông Lương Vĩnh Khang (Hậu duệ đời thứ 24 cụ Tổ Lương Thế Vinh, Uỷ viên HĐ Trưởng lão BLL họ Lương VN) đã phát biểu: “Họ Lương là một dòng họ không lớn, đông đúc như các họ Trần, Lê, Nguyễn, Hồ, Dương, Đặng , v.v..., nhưng cũng là một dòng tộc không nhỏ, có mặt tại Việt nam ngay từ thuở các Vua Hùng dựng nước: hai anh em sinh đôi họ Lương là Hộ Tống, Viết Bô, con của Cụ Lương Kỳ Tiên, quê ở Huyện Đường Hào, nay là Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ là Tướng của vua Hùng thứ 18 cầm quân đánh giặc Tần xâm lược. Đến thời Hai Bà Trưng dấy binh đánh đuổi quân Tô Định có hai chị em họ Lương là Lương Kiền, Lương Tấu quê ở Phù Vân Thường tín, lên Hát Môn theo Hai Bà đánh giặc, được phong là Kiền nương Đại vương và Gia Tấu Tướng quân, và cùng tuẫn tiết với Hai Bà...”
[10] Trong đó có dòng họ Lương Đức xã Chiến Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng song chỉ là truyền ngôn, chưa tìm được cứ liệu thành văn và mối liên hệ chi tiết.
[11] Một chi tiết lý thú: vào năm Quý Tỵ, niên hiệu Long Bình (1473) khi đi sứ bên Minh Quốc (明朝,1368-1644) sau khi viết bài phú " Đông phong thiên lãnh" Lương Thế Vinh lại trúng Trạng nguyên. Minh Thuần Đế Chu Kiến Thâm (1464-1487) lưu lại dạy Thái tử phong : An nam Vương quốc công. Tại đây ông cưới con gái của Như tướng công làm thứ thất, sanh được 3 trai: Thế Oánh, Thế Oanh, Thế Huỳnh, lưu cư ở Tàu.
[12] Còn con của chính thất Thế Khôi như: Thế Kỳ, Thế Phụ, Thế Dực ly cư chẳng biết ở đâu.
[13] Như vậy thì Lương Đắc Bằng (1472 - 1522) gọi Lương Thế Vinh (1442-1496) bằng Cụ. Điều này cần xem lại bởi Lương Thế Vinh còn là thày dạy của Lương Đắc Bằng (năm LĐB 12 tuổi) và thời gian lại quá gần nhau. Hơn nữa trong Họ Lương Hội Triều đã dẫn thì Cụ của LĐB là Lương Danh Luật (không phải lương Thế Vinh), bố là Lương Hay (không phải Lương Thế Khải), ông là Lương Tông Huệ (không phải Lương Thế Khôi). Phải chăng Lương Đắc Bằng là cháu gọi Lương Thế Vinh bằng bác hay chú chứ không trực hệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!