Tuy đã hình thành từ những năm 1970 nhưng đến ngày 20/02 Canh Dần, tức 04/4/2010 Liên Hoa tự mới đón Quyết định của Sở Nội vụ Lào Cai công nhận đây là cơ sở thờ tự Phật giáo.
Phong Niên vốn trước kia chỉ có người Dao, người Tầy, người Nùng sinh sống. Đầu những năm 60, người Hải Phòng lên khai hoang ở Cốc Tủm, Vĩnh Hồ, làng Cung, người Hà Nội ở Cốc Xâm. Việc người dân An Lão lên khai hoang lập ra thôn An Phong vào tháng 02/1964.
Đến năm 1973, 1974, 1976 có thêm nhiều hộ ở Hải Phòng, ở Hà Nam tiếp tục lên Phong Niên.
Cuối những năm 70 tình hình biên giới Tây Nam rồi phía Bắc trở nên căng thẳng, đặc biệt từ 1978. Nhiều hộ dân từ tuyến I chuyển về quê hoặc về tuyến II. Trong dịp đó, một số hộ chuyển đến Phong Niên. Dân cư xã nhà trở nên đông đúc, nhiều hoạt động văn hoá phát triển, nhu cầu về tâm linh ngày một cao.
Tuy sản xuất và việc sử dụng công cụ có ảnh hưởng của người bản địa nhưng vì tập trung toàn người đồng bằng Bắc bộ nên mọi tập tục, lễ nghi, nếp sống vẫn giữ được và mang đặc trưng của văn hóa vùng châu thổ được đơn giản hóa đi. Về sau, do con cháu đi công tác, học tập nhiều nơi về, ảnh hưởng của một số lệ tục của người Tày, Nùng, Dao, HMông, Hoa và do đời sống ngày một khá nên một số chi tiết đã có sự biến đổi. Đồng thời đặc tính ưa quần tụ, dễ hòa đồng của người châu thổ đã ảnh hưởng đến người bản địa, làm hạn chế dần đặc tính du canh, du cư của họ. Chính sự hỗn dung đó đã tạo ra một sắc thái văn hoá mà An Phong –Vĩnh Hồ không như ở vùng châu thổ và cũng không thành Phong Niên gốc.
Dù thế nào nhu cầu thờ tự của nhân dân, sau những năm tháng vỡ hoang gian khó ngày càng cao, nhất là trong các bậc cao niên mà khi ở quê đã từng quy tại Chùa hay theo mẹ, bà đi Chùa mong muốn có một nơi thờ cúng Phật.
Khởi đầu, từ sau 1979 vào các ngày Sóc (mồng Một, 朔), Vọng (Rằm, 望) các tín đồ quanh khu Bắc Ngầm đến đền tại gia của cụ Hoàng Mẫu Châm và Vũ Văn Báu[1].
Rồi sau đó người dân Xả Hồ dựng Chùa lá trên đất của các gia đình là Phạm Văn Đoạn, Nguyễn Văn Sa...đến 1982 các gia đình này hiến đất và Chùa nền đất lợp tranh[2] đó được mang danh Liên Hoa 莲花寺 (Chùa Hoa Sen)[3].
Năm 1987 các già đóp góp công quả thực hiện việc láng nền xi măng. Tám năm sau, Ban Hộ tự đã vận động và quyên góp đủ kinh phí để tu sửa Chùa khang trang hơn và đến 2009 thì xây cổng.
Đến nay, tuy là một ngôi chùa có quy mô khiêm tốn song Liên Hoa tự đã trở thành điểm thu hút không những của Phật tử mà còn là của khách vãng lai trong khu vực các xã Phong Niên, Xuân Quang thuộc Bảo Thắng và Bảo Nhai thuộc Bắc Hà.
Có được điều đó, trước hết là do yếu tố tâm linh và quanh mấy xã này thì đây là ngôi chùa duy nhất cho đến nay được công nhận là nơi thờ tự của đạo Phật.
Hơn nữa Chùa lại nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông: Khu vực ngã ba đi Bắc Hà, ngã ba rẽ Phố Lu ở Bắc Ngầm là nơi sầm uất như một thị tứ. Ngược về phía Lào Cai 700 m là ngã ba con đường chiến lược tỉnh lộ 154 từ km 36 qua Tân Hồ (Phong Niên) ngược Cốc Ly (Bắc Hà), lên Tả Thàng, Cao Sơn (Mường Khương) dẫn đến Thuỷ điện Cốc Ly nổi tiếng về nhiều mặt.
Từ 1982, vừa xây dựng, tu bổ, mở rộng, Ban Hộ tự và Phật tử Liên Hoa tự vừa tích cực đề nghị chính quyền và cấp có thẩm quyền công nhận là nơi thờ tự Phật giáo. Nhưng do nhiều nguyên nhân (trong đó có những nguyên nhân thuộc về cơ sở pháp lý, nguyên nhân từ nội bộ tín đồ và từ phía các cấp chính quyền) nguyện vọng đó chưa được chấp thuận. Trong thời kỳ đó Liên Hoa tự vẫn là nơi các tín đồ Phật giáo quanh vùng tiến hành các nghi lễ và không có vụ việc đáng tiếc nào xẩy ra.
Theo nguyện vọng và đề nghị của Phật tử quy tại chùa, ngày 30/11/2009 Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Công văn số 185/CV/HĐTS-VP1 do Hoà thượng Thích Thanh Tứ ký gửi tỉnh Lào Cai đề nghị công nhận Liên Hoa tự.
Ngày 27/01/2010 Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai có văn bản số 55/SNV-TG do ông Lương Ngọc Cấp (Phó Giám đốc Sở) ký công nhận Liên Hoa Tự ở Phong Niên là nơi thờ tự đạo Phật.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay những người tham gia quy tại Chùa đã họp 4 lần và bầu ra được 4 khoá Ban Hội tự là:
Khoá I (1982-1987): Hoàng Thị Vạn, Trần Thị Dũng, Nguyễn Thị Dung, Phạm Thị Tương
Khoá II (1987-2001): Phạm Thị Tương, Trần Thị Đông, Nguyễn Thị Khoa, Vũ Văn Mỏng.
Khoá III (2001-2007) Phạm Thị Ngàn, Nguyễn Thị Thi, Đồng Thị Hồng.
Khoá IV (từ 2007 đến nay): Nguyễn Thị Thi[4], Phạm Thị Tương, Đồng Thị Hồng, Nguyễn Thị Phương.
Như vậy, kể từ ngày lên định cư nơi vùng “đất mới”, 18 năm ước ao (từ 1964-1982), và 28 năm (từ 1982-2010) gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng Ban Hộ tự chùa Liên Hoa và bà con Phật tử quanh vùng vẫn giữ vững đạo tâm xây dựng từ một ngôi chùa nền đất lợp tranh đơn sơ thành một ngôi chùa Liên Hoa khá hoàn chỉnh, từng thỉnh được Sư về thuyết giảng Phật pháp.
Từ mùa Xuân Canh Dần 2010, 2554 Phật lịch bà con Phật tử quanh vùng đã có nơi thờ tự chính thức. Chắc chắn Ban Hộ tự cùng các tín đồ sẽ ra sức tu hành, trưởng dưỡng đạo tâm, hoằng pháp lợi sanh, cùng với người dân kết chặt tình đạo tình đời thực hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”.
-Lương Đức Mến, 10/4/2010 tức 26/02 Canh Dần-
[1] NHững cư dân sống ở vè HN 7 thuộc Xuân Quang.
[2] Ngôi nhà này có công đóng góp của Bố tôi, Dì tôi, thông gia với bố mẹ tôi, ông Biếc và em con ông chú tôi
[3] Ngoài chữ Vạn 卐 thì Hoa Sen là biểu tượng tinh khiết cho đạo Phật. Vì thế rất nhiều chùa ở Việt Nam mang tên Liên Hoa 蓮花, tức Chùa bông Sen.
[4] Đã mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!