[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 2 2010

Đời sống gia đình

Trong xã hội truyền thống Việt Nam trước đây, một gia đình điển hình thường bao gồm ba, bốn thế hệ cùng sống chung. Có gia đình tới 5 thế hệ chung sống, gọi là “Ngũ đại đồng đường” 五代同堂.

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và/hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Theo phong tục tập quán người Việt, các thành viên trong gia đình thường về tụ hội đông đủ vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm. Ngoài ra các dịp đám cưới, đám tang, đám giỗ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình tập hợp lại. Đối với gia đình Việt Nam thì người trụ cột là người chồng (hoặc người cha). Song đây không phải là một việc dễ: “Chỉ huy cả một hạm đội không khó bằng lái Gia đình”. Còn về tình cảm thì: “Thương nhau chị em gái, cãi nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể, mọi sự đổ bể còn tại...ông bà”.

Nếu có thể nói rằng các nền văn hóa Phương Tây coi trọng chủ nghĩa cá nhân, thì cũng có thể nói rằng các nền văn hóa Phương Đông coi trọng những vai trò gia đình và dòng họ. Văn hóa Trung Quốc đề cao gia đình hơn dòng họ trong khi văn hóa Việt Nam đề cao dòng họ hơn gia đình. Với tâm lý "nhiều con, nhiều lộc" nên mọi gia đình mong muốn "con đàn, cháu đống”. Do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và quan niệm phong kiến "trọng nam, khinh nữ", con trai luôn được coi là trụ cột trong gia đình và có tiếng nói quyết định. Coi việc có con trai nối dõi là tối quan trọng là do ảnh hưởng của Mạnh tử với câu: 不娶無子,絕祖先祀,三不孝也 bất thú vô tử, tuyệt tổ tiên tự,tam bất hiếu dã (không chịu lấy vợ, không có con nối dõi để cúng tế ông bà tổ tiên là tội bất hiếu thứ ba) và 不孝有三,無後為大: bất hiếu hữu tam,vô hậu vi đại (trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất). Lại có câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là "một con trai thì là có, nhưng mười con gái vẫn là không có" thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo. Theo đó, nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Trong gia đình quyền hành của anh trai trưởng trong gia đình rất lớn (quyền huynh thế phụ); quyền thừa kế gia sản của cha mẹ dành cho con trai; việc truyền nghề tại các làng nghề thường không truyền cho con dâu hay con gái; người con trai được học hành để thi cử, tiến thân bằng theo con đường quan lộ .

Còn phụ nữ phải tuân thủ lễ giáo phong kiến “tam tòng, tứ đức”. Tam tòng 三從 là: tại gia tòng phụ 在家從父, xuất giá tòng phu 出嫁從夫, phu tử tòng tử 夫死從子 (lúc nhỏ sống dựa vào cha, lớn lên lấy chồng phải tuân thủ theo chồng, chồng chết phải ở vậy sống theo con trai); Tứ đức 四德 là: gồm Công (功, nữ công, gia chánh như: may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán phải khéo léo), Dung (容, hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân), Ngôn (言, lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng ) và Hạnh (行, tính nết hiền thảo, nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng; ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt). Theo đó người phụ nữ thì chỉ quanh quẩn với việc nhà, không được hưởng quyền thờ cũng, di sản, không được học hành thi cử, không được học nghề gia truyền...lạ một điều là họ bằng lòng với việc đó:

Nhất ngon là gỏi cá Nhồng,
Vui nhất là được tin chồng vinh quy.

Nhưng Tứ đức là bốn đức tính hết sức cần thiết của người phụ nữ. Nhờ Tứ đức mà giá trị của phụ nữ được nâng cao. Không cần phải giàu sang hay có học thức cao mới có đủ Tứ đức, người nghèo, kẻ dốt nát quê mùa, cũng vẫn có đủ Tứ đức, nếu được dạy dỗ rèn luyện từ thuở ấu thơ. Chính Tứ đức mới định giá trị thực sự của phụ nữ. Giá trị nầy không do phấn son hay quần áo đúng kiểu thời trang, hay đeo nhiều nữ trang quí giá. Quan niệm này đến nay nhiều vấn đề vẫn giữ nguyên giá trị.

Người xưa còn buộc con cái tuyệt đối phục vụ bố mẹ "phụ mẫu tại bất viễn du" 父母在不遠遊 (cha mẹ còn sống không chơi xa). Đây chính là biểu hiện của “Tam cương” là lẽ đạo đức mà nam giới phải theo. Đó là "quân thần nghĩa" : vua tôi có trung ái, "phụ tử thân": cha con thân nhau và "phu thê thuận": vợ chồng hòa thuận. Cổ nhân coi “Phụ từ, tử hiếu, phu xướng, phụ tùy, huynh ái, đệ cung, quân kính, thần trung, bằng nghị, hữu tín” là mười nghĩa, mọi người phải tuân theo. Đạo lý quan trọng nhất của con người là hiếu với cha mẹ và cung kính huynh trưởng.

Kể từ khi đất nước thống nhất, Nhà nước Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản, điển hình là Luật Hôn nhân và Gia đình, bộ Luật Dân sự để điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình cho bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp tuyên truyền vận động cũng được thực hiện nhằm thay đổi nhận thức lạc hậu của người dân, đảm bảo bình đẳng giới, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của phụ nữ. Cuộc vận động “mỗi gia đình chỉ sinh 1-2 con và các chế tài đi theo đã có hiệu quả nhất định.

Ngày nay, quy mô một gia đình Việt Nam có xu hướng thu hẹp, chỉ 2-3 thế hệ; đa phần các đôi vợ chồng trẻ không muốn ở chung nhà với bố mẹ, các ông bố bà mẹ ở quê lại không muốn ra phố ở với con cái. Số con của một cặp vợ chồng là hai, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” không nặng nề như xưa và dần dần bị loại bỏ. Mặt khác do việc kết hôn muộn nên ít nhà có cảnh “Ngũ đại”, chỉ đến “Tứ đại” (con lên chức ông) là nhiều! Truyền thống "kính trên, nhường dưới" vẫn luôn được duy trì và phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG chọn ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam. Đây là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Song vài năm lại đây việc mong muốn có “tí mẩu” đã trở lại rầm rộ. Nhiều người từ cầu cúng đến áp dụng chế độ ăn uống, tính lịch sinh hoạt vợ chồng để mong đậu thai trai. Người ta còn siêu âm để nếu là trai mới để đẻ.

Quan niệm truyền thống về gia đình hiện nay vẫn còn giá trị, nhưng không hoàn toàn phù hợp. Nội hàm của khái niệm gia đình hiện nay có nghĩa rất uyển chuyển. Nếu chúng ta cứ khư khư giữ những quan niệm cũ, sẽ là thiếu cập nhật và thất bại trong việc củng cố gia đình. Có rất nhiều kiểu gia đình. Có những gia đình đồng tính thì tuy không cổ vũ họ. Nhưng đó là quyền con người, Không thể phủ nhận họ và đừng làm họ thêm đau khổ vì những “tiên thiên bất túc”...

Lại nữa xưa kia tất cả cha mẹ làm đều vì con, cho con. Nhưng nay lắm quý tử chỉ biết phá, quên hết mẹ cha nên có lời khuyên : « Cái gì cũng cho con tất cả coi chừng ra mả mà...cười ».

Dù thế nào, các thành viên trong gia đình cũng cần cố gắng để tránh: « mái ấm gia đình trở thành mái...lạnh ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!