[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 2 2010

Giỗ vọng Nội tổ Lương tộc


Việc thờ cúng Tổ tiên vốn có từ lâu trong người Việt. Đó không phải là một tôn giáo bởi không có giáo chủ, giáo điều và người truyền giáo. Thực chất đó là việc con cháu tỏ lòng biết ơn và thành kính với người đã khuất. Hơn nữa, “trần sao, âm vậy” và “sinh ký, tử quy” nên Tổ tiên luôn ngự trị nơi bàn thờ, dõi theo con cháu hằng ngày, giúp dập phù hộ khi cần thiết. Trong thời hiện đại, nếp nghĩ ấy cũng không phai mờ:
Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.
(Nguyễn Đình Chiểu)

Theo truyền thống ngày mất của tiền nhân đều được nhớ là ngày tháng năm Âm lịch, nhưng năm âm lịch cứ 60 năm thì lại trùng nhau, vì vậy sau này con cháu thường không nhớ năm. Thông thường người con trưởng hoặc cháu Đích tôn sẽ được thừa hưởng phần lớn gia tài của người đã khuất, và được ở nhà Từ đường, đồng thời nhận trách nhiệm chính phụng kỵ. Mỗi người đã có cha, có mẹ; rồi 2 cha mẹ cũng lại đều có cha mẹ như vậy vị chi đã là 4. Rồi 4 ông bà cũng có cha mẹ, thành 8 và 8 cụ lại có cha mẹ, thành 16. Cứ thế mà tính lên cho đến đời thứ 10, thì chúng ta đã có 1024 tổ tiên. Nếu tính lên cho đến đời thứ 20, mỗi người sẽ có 1.048.576 tổ tiên ! Thật là một con số lớn. Theo thời gian, cháu Đích tôn trong những đại tộc nhận cúng kỵ Ông Bà rất nhiều đời, đôi khi không kham nổi về tài chính, vả lại quanh năm suốt tháng con cháu lo đi ăn giỗ thì còn đâu thì giờ để làm ăn.

Để thuận mọi bề, phần nhiều dòng họ chọn một ngày phù hợp để hội họp con cháu, cúng kỵ Ông Bà 5,6 đời về trước (Ngũ đại mai thần chủ), ngày này được gọi là ngày Hiệp Kỵ và thường là ngày giỗ cụ Tổ khai sáng hay có công lớn với dòng họ. Thế kỉ XV, trong Quốc triều hình luật 國朝刑律 nhà Lê đã thể chế hóa việc này bằng Điều 399 quy định: “con cháu phải thờ cúng Tổ tiên 5 đời”.


Nhiều gia đình họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung. Ngày giỗ ông tổ gọi là ngày giỗ họ hoặc giỗ tổ. Mỗi họ đều có một nhà thờ tổ, giỗ tổ cúng tại nhà thờ này.

Theo tập quán, của hương hoả không được bán, mà phải để gây hoa lợi dùng trong việc tế tự và cúng giỗ. Họ nào con cháu phiêu cư bạt tán hết thì ruộng đó có thể bán, nhưng là bán tạm, con cháu có thể chuộc lại khi có điều kiện. Tuyệt đối cấm bán đoạn. Tiền cúng giỗ nếu còn thừa sẽ được dùng sắm sửa tự khí hay trang hoàng nhà thờ.

Người Trưởng tộc được hưởng của hương hoả của tổ tiên để lại lo việc làm giỗ, nhưng tất cả các ngành trong họ đều phải đóng góp.

Về đích tử, đích tôn, tức là về người có bổn phận thờ cúng tổ tiên, luật Hồng Đức, điều 389, quy định:

1. Trước hết phải chọn con trưởng của người vợ cả.
2. Nếu người đích tử chết trước, thì lập người cháu trưởng.
3. Nếu không có cháu trưởng mới lập con người vợ thứ.
4. Trong hàng con vợ thứ, không chọn lấy người nhiều tuổi, mà lại chọn lấy người con hiền của vợ lẽ.
5. Trong trường hợp không có con trai, thời được chỉ định các con gái hoặc người thân thuộc (điều 388 luật Hồng Đức).

Ngày giỗ họ, trưởng các ngành chi họ đều có mặt, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Nhiều họ lớn, trong ngày giỗ họ, con cháu có mời phường bát âm tới tế lễ.

Về số tiền chung để góp giỗ thường tính theo đầu người, nhưng chỉ đàn ông trên 18 tuổi mới phải nộp, đàn bà con trẻ được miễn. Có nhiều họ, con gái không được dự giỗ họ, vì con gái khi lấy chồng sẽ thuộc họ khác, con dâu mới được tới dự giỗ. Ngày giỗ họ, không mời khách khứa, chỉ có con cháu trong họ cúng lễ và ăn uống với nhau. Tuy không mời khách nhưng vì con cháu đông, nên ngày giỗ họ bao giờ cũng linh đình và to tát.

Ngày giỗ họ là dịp duy nhất trong năm để cả họ họp mặt. Trong dịp này, các vị có tuổi thường kể cho con cháu nghe những công trạng, sự nghiệp của ông tổ, tất nhiên là có điểm thêm bớt để con cháu được lấy làm vẻ vang về ông tổ mà họ cố nêu gương. Sau những nghi lễ và sau bữa ăn, các trưởng chi thường cùng nhau họp bàn công việc họ.

Gần 4 thập niên (1945-1984) dưới chính thể dân chủ cộng hòa, do toàn dân phải dốc lực cho 2 cuộc kháng chiến cứu nước, từng người phải lo cái ăn, cái mặc; những gì tốt đẹp nhất, những người tiên tiến nhất phải giành cho cuộc chiến nên nhiều giá trị chuẩn mực đạo đức bị sao nhãng, méo mó. Toàn quốc cũng như từng làng, từng họ, mỗi gia đình đã hiểu sai lạc nên gây những xáo trộn không cần thiết về chữ Hiếu, về Từ đường, việc thờ cúng Tổ tiên, trách nhiệm gia đình, dòng họ.

Từ sau 1986 tình hình đã có nhiều đổi khác. Những giá trị, tập quán tốt đẹp, chân chính đã được phục hồi, phát huy. Trong xu thế đó, Việc họ của Lương tộc cũng dần đi vào nền nếp hơn.
VĂN TẾ VỌNG NGÀY GIỖ TỔ LƯƠNG:
梁族望祭祖文
-*-
Duy Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quốc, năm thứ 65, kể từ Dân chủ cộng hòa Đệ Nhất nguyên niên Ất Dậu 1945.

Nay gặp buổi:


Tiết Thượng nguyên trời xanh trong, ăn quả ơn kẻ trồng cây,
Ngày Giỗ Tổ, Đất mới nồng, uống nước nhớ về nguồn cội.

Chúng con :

Vốn quê Chiến Thắng thuộc dòng tộc Lương;
Vì kế sinh nhai phải ly hương lập nghiệp vùng biên giới.

Núi không người đắp, mà các dãy đồi tạo thung lũng An Phong,
Suối chẳng ai đào, để hai nguồn nước tưới ruộng đồng mát rượi.

Chốn tha hương tề tựu quanh đây,
Nén Tâm nhang dâng lên Tổ Nội.

Nhớ khi xưa!

“Bên nồi bên con”, vượt sông Văn Úc, dừng lại tả biên;
Vỡ ruộng khai hoang, tìm đất dựng nhà, tạo nên dòng mới .

Tộc Lương Mười Hai đời liền,
Kế nghiệp Tổ, cha truyền con nối.

Ruộng vườn, sông bãi nhuộm máu, sức cha ông;
Cháu con hưởng Phúc, gắng bồi đắp mới.

Chúng con hằng nhớ:

Vật sinh bởi trời, con người có tổ;
Nước tự nguồn trôi, muôn cành từ cội.

Từ Phương Lai sang Cảnh Hưng dòng mới khơi nên;
Dẫu cơ cực mỗi lúc khác nhau, song kiên gan nối đời nhẫn nại.

Từ hai bàn tay trắng, nương nhờ họ Mai, họ Nguyễn Tổ mở đất lưu đến ngày nay và mãi trường tồn;
Cháu con nối dòng thau chua, rửa mặn, cùng dân Cốc, dân Hầu tạo nên Cao Mật trù phú bến sông Văn ngày thêm phơi phới.

Gặp buổi loạn ly, vâng lĩnh ấn nguyên nhung lập công lớn vang lừng vùng bẩy huyện nay vẫn lưu truyền;
Nhân lúc yên hàn, mở mang cơ nghiệp, chí thú làm ăn, dựng Tổ đường khang trang bên dòng Khuể khắp bàn dân khen ngợi.

Một lần vâng mệnh ra đi, tuy phỉ bình nhưng Cụ bị trận vong, Sống nhiệt thành, tử trận linh thiêng;
Với hậu thế Người luôn phù hộ; Nhớ lời dặn, cháu con chọn lấy làm ngày giỗ nhớ về Tổ Nội.

Từ đó dòng họ sinh sôi, chia các phái toả khắp mọi nơi;
Tiết Nguyên Tiêu luôn khói hương nhớ về nguồn cội.

Những ngày “Tiêu thổ đánh Tây”, Từ đường rụi thiêu trong trận càn ngay sau Lễ Cầu siêu;
Trong cảnh “Toàn dân ra trận”, bộn bề bao công chuyện, việc tế Tổ có phần se nguội.

Bởi câu “Lực bất tòng Tâm” lòng chỉ ngậm ngùi;
Lại nhớ “Âm Đức bất vong” nhớ càng thêm tủi .

Thế rồi:

Theo ý Đảng quyết tâm: giành thống nhất Bắc - Nam,
Vâng lời Bác kêu gọi: quyết khai hoang miền núi.

Từ nơi đất chật người đông, chúng con rời quê hương, xa gốc tử phần;
Lên chốn rừng sâu người ít, thực thi kế hoạch giữ yên biên giới.

Lại những ngày tay trắng khai cơ hướng tới tương lai;
Gian nan chặt cây, đắp mương, dựng nhà, san núi.

Qua bao bận chí bền vượt khó, chiếu đất màn trời;
Lại mấy lần tòng chinh giết giặc, vẫn nhớ về nguồn cội.

Nay:

Ơn trời gặp buổi “Quốc thái dân an” phong tục xưa việc họ quay về;
Phúc nhà nhớ câu “Tổ Công Tông Đức”, nền đất cũ Từ đường dựng lại.

Người ở lại phát huy truyền thống, bồi đắp quê hương;
Kẻ ra đi giữ vững biên thùy, nhớ nơi tụ hội.

Dòng họ qua mấy bận điêu linh, ngày mỗi lúc đông thêm;
Đất nước trải bao nỗi thăng trầm, non sông thu về một mối.

Thật là:

Họ hàng tôn quý, chồi lan quế bản mới Bốn sáu Xuân khởi dựng ngày thêm thắm lá tươi cành bên dẫy Hoàng Liên;
Tổ đường linh bái gốc tử phần quê cũ Ba trăm năm hưng thịnh càng tăng đông con nhiều cháu bên bờ Văn Úc.

Trong ngày Giỗ Tổ:

Kính cầu Thượng Tổ giúp dòng tộc, giải trừ vận hạn, phù trợ cát tường;
Để toàn gia xây dựng ấm no, vượt qua khốn khó, tạo nên vận hội.

Nghiệp võ mở trí cho kẻ theo đòi văn sách;
Nghề văn độ trì cho người nghèo yếu không ai mắc vòng tội lỗi.

Dòng tộc xuôi cũng như ngược cùng toàn dân tạo nhân bản hài hòa;
Toàn gia trẻ cũng như già đồng thuận thương yêu, kính trên trọng dưới.

Người ở quê giữ phần hương khói, tạo tôn mộ Tổ, chăm sóc Từ đường.
Người tha hương khơi dòng ôn cố, xây dựng cơ đồ, rạng danh quê Nội.

Phút tôn nghiêm, thắp nén hương thơm, Nhớ ơn Thượng Tổ linh thiêng;
Chút tâm thành, sắm sanh trầu nước, dâng Tiên linh chứng giám.



Tổ thượng đẳng anh linh cung duy thượng hưởng!

Lương Đức Mến phụng soạn ngày 24/02/2010
庚寅年正月乙巳日 Dr 粱德悗 奉纂

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!