[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


22 tháng 8 2009

Vượt qua TUỔI GIÀ

Ai cũng hiểu rằng đã là người thì đều phải trải qua quá trình "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng khi phải đối mặt với những dấu hiệu của 3 tiểu quá trình sau thì chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng lo lắng và mong muốn có một phép màu nào đó giúp ta vượt qua nó.


1.Khi nào ta biết mình đã già:

Chúng ta ai cũng phải trải qua quá trình "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng câu hỏi đặt ra là: dấu hiệu của sự lão hóa đến với ta khi nào, biểu hiện ra sao, có thể làm chậm quá trình lão hóa được không? Đây vẫn là sự băn khoăn của nhiều người. Bài viết sau đây giúp giải đáp phần nào sự băn khoăn đó.

Cùng với năm tháng, cơ thể mỗi người lớn lên, trưởng thành rồi già nua. Đó là quy luật của tạo hóa. Nhưng khi phải đối mặt với những dấu hiệu của tuổi già thì chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng lo lắng và mong muốn có một phép màu nào đó giúp ta kéo dài tuổi xuân. Có lẽ tùy mỗi người mà dấu hiệu tuổi già đến sớm hay muộn, nhanh hay chậm khác nhau. Khi nào ta biết mình đã về già? Đó là khi xuất hiện một hay nhiều biểu hiện sau đây:

- Rụng tóc: Bình thường mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc và mỗi ngày có khoảng 100 sợi rụng đi. Như vậy rụng tóc là một hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra với mọi người ngay từ lúc trẻ tuổi. Điểm khác biệt là ở người cao tuổi tóc rụng nhiều hơn do khi về già các tuyến nhờn kém hoạt động, tóc bị khô, giòn, dễ rụng. Nếu da đầu bị viêm, hay do ảnh hưởng của các loại thuốc chữa bệnh, hóa trị, xạ trị thì tóc rụng càng nhiều. Cùng với tóc, lông nách và lông mu cũng rụng khá nhiều. Ngược lại những phụ nữ dùng nội tiết tố nam để chữa bệnh thì lông, tóc lại mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngưng thuốc thì lông tóc loại này cũng ngưng mọc.

- Bạc tóc: Tóc bạc hay tóc hoa râm là dấu hiệu khá sớm của tuổi về già. Thường tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Thời gian đầu, tóc bạc ít, trắng đen lẫn lộn dạng muối tiêu, dần dần tóc trắng nhiều hơn tóc đen, khi đó muối nhiều hơn tiêu. Tóc đen biến đổi thành tóc trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố melanin giảm đi, tóc trở nên không có màu, bị bạc trắng. Vì sao loại tế bào này giảm đi khoa học chưa biết rõ và cũng chưa tìm ra cách ngăn chặn được sự giảm này. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tóc bạc có tính chất di truyền. Giáo sư Kyonggeun Yoon và các cộng sự tại Đại học Y khoa Jefferson, Pennsylvania, đã thành công nhờ điều chỉnh gen di truyền mà chuyển đổi tóc từ trắng sang đen của chuột mắc bệnh bạch tạng. Các nghiên cứu khác thì cho rằng tóc bạc do: bị thiếu vitamin nhóm B, dinh dưỡng kém, do căng thẳng thần kinh, do buồn phiền trường diễn, do môi trường sống bị ô nhiễm hóa chất độc hại... Thống kê cho thấy: chỉ có khoảng 65% người cao tuổi bị bạc tóc, số còn lại 35% người cao tuổi thì tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi cao; song lại có nhiều người mới 25-30 tuổi tóc đã bạc.

- Những thay đổi của da: Da có chức năng bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn, cát bụi, điều nhiệt... Người cao tuổi da bị nhăn nheo, khô cằn, mềm xệ và xuất hiện các vết đồi mồi, tàn nhang... Ở người cao tuổi do lớp biểu bì bị thoái hóa nhiều hơn là tái tạo, làm cho biểu bì mỏng manh, suy giảm các tế bào màu, thay đổi chất elastin và collagen, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn xơ teo hoạt động kém hẳn. Sự thay đổi dẫn đến hậu quả là :

+ Nhăn da: Do chất collagen giảm, chất elastin tăng, tính đàn hồi của da kém hẳn. Nếu kẹp lớp da giữa hai ngón tay rồi thả ra, ở người trẻ sau một hai giây da đã đàn hồi trở lại, nhưng ở người già thì phải mất vài chục giây da mới đàn hồi.

+ Khô da: Do tuyến mồ hôi, tuyến nhờn teo, khô giảm hoạt động nên ở người cao tuổi, sự bài tiết mồ hôi giảm, làm cho da bị khô, ngứa, nhất là về mùa khô hanh.

+ Giảm khả năng điều hòa thân nhiệt: Ở người cao tuổi, lớp mỡ dưới da mất đi nên khả năng giữ nhiệt cho cơ thể bị suy giảm. Do số lượng những mạch máu nhỏ dưới da của người cao tuổi ít hơn so với lúc trẻ, cho nên người cao tuổi chịu rét kém, dễ bị lạnh cóng. Cảm giác của da cũng giảm do thần kinh ngoài da kém nhạy cảm so với trước đây vì thế người cao tuổi dễ bị bỏng khi tiếp xúc gần với nước sôi hoặc với lửa.

+ Vết thương lâu lành: Do số lượng mạch máu đến mặt da giảm sút, sự nuôi dưỡng da cũng kém so với trước đây nên các vết thương ngoài da ở người cao tuổi rất lâu lành. Thậm chí vết thương ở các vùng da bị tỳ đè như vùng bả vai, thắt lưng khi nằm ngửa có thể bị loét sâu rộng vì thiếu dinh dưỡng nên rất dễ nhiễm khuẩn và khó lành.

- Giảm chiều cao: Khi về già, chiều cao bị giảm đi trung bình khoảng 2cm ở đàn ông và 1,5cm ở đàn bà. Nguyên nhân chính gây giảm chiều cao là bệnh loãng xương (osteoporosis); là do lún xẹp đốt sống; do sự giảm lượng nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, trương lực cơ kém gây nên.

- Giảm trọng lượng: Nhiều nghiên cứu cho thấy trọng lượng cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi giảm dần khi cao tuổi. Về mặt tổ chức học, tế bào mỡ tăng lên thay thế vào chỗ những tế bào cơ bị xơ teo do người cao tuổi ít lao động và ít vận động. Lượng nước chiếm khoảng 55- 60% trọng lượng cơ thể khi trẻ và giảm xuống còn 46-51% khi cao tuổi do số lượng tế bào chứa nhiều nước mất hoặc teo đi.

- Những thay đổi khác: Ở xương đầu các khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dày lên; vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài hơn trước; móng tay, móng chân mọc chậm, đổi màu và có những lằn gợn gồ ghề; nói chậm hơn; hay quên; nhăn trán, rạn chân chim ở đuôi mắt, mí mắt xệ, quầng mắt đen; cơ mặt teo, xương mặt nhô; vành tai to chảy xuống...

Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng cách thực hiện: Ăn uống hợp lý, điều độ, đủ chất, tránh lạm dụng những chất có hại cho sức khỏe; có chế độ luyện tập đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư giãn; có tinh thần lạc quan, tâm hồn thanh thản...
Theo ThS. Nguyễn Hoàng Lan - Sức Khỏe & Đời Sống
2. Những lời khuyên đơn giản, bổ ích đối với người cao tuổi :

Các bác sĩ cho biết người cao tuổi và sự đau yếu không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Điều quan trọng là phải duy trì một cách sống hợp lý, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu bị bệnh thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa khám sức khỏe để biết được nguyên nhân và tìm ra cách điều trị tốt nhất. Các bác sĩ và chuyên gia khoa học đã đưa ra những lời khuyên đơn giản và rất bổ ích cho mọi mặt của cuộc sống người cao tuổi.

Chế độ ăn uống

Giữ chế độ ăn đúng giờ, ngày 3- 4 bữa ăn nhẹ.
Bớt dùng thịt đỏ (bò, lợn, chó…) thịt khô, đồ nướng, đồ hộp, chất bột, dầu mỡ, bơ, muối mắm, bột ngọt, ớt cay, hạt tiêu, đường và sữa béo. Không ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống và cơm bụi (quán chợ hay hè phố). Tăng cường ăn chất xơ, rau sạch, củ, quả tươi.

Uống nhiều nước buổi sáng. Dùng nước lọc hoặc chè tươi, nước vối, chè nụ. Không uống nước lã và nước quá lạnh.

Tránh ăn đêm, uống rượu mạnh, chè đặc, cà phê, giảm hoặc bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào.
Không kiêng khem quá gắt gao làm khó cho mình và gia đình.

Trang phục

Mặc áo quần vải rộng, thoáng mát mùa hè và đủ ấm mùa đông. Không mặc đồ ẩm ướt.
Tránh mặc hoặc mang các thứ nặng nề, rối rắm, khó đóng mở.

Không dùng giày dép chặt hoặc cao gót. Dùng bít tất vừa chân và hút được mồ hôi. Ra nắng phải đội mũ. Mùa rét có mũ ấm, găng tay, khăn quàng.

Sinh hoạt

Cố gắng tập thể dục đều đặn, dưỡng sinh (khí công, yoga, thái cực quyền…), đi bách bộ.

Duy trì lao động nhẹ nhưng phải từ từ và vừa sức mình, không nhấc các vật nặng như xô nước đầy, chậu cây cảnh, tivi, xe máy…

Nếu đi lại được thì hàng ngày phải ra khỏi nhà để tiếp xúc với cây xanh, môi trường sạch đẹp và trẻ em, bạn bè. Tránh nắng to và mưa, gió mạnh. Nên đại tiện đúng giờ giấc vào mỗi buổi sáng. Không rặn mạnh kể cả khi tiểu tiện. Nhà vệ sinh, phòng riêng nên có điện thoại, bình chữa cháy, nến, diêm hoặc đèn pin và dùng cửa ngăn bằng kính để có thể đập vỡ trong trường hợp khẩn thiết.

Phải giữ vệ sinh thiết yếu cho cơ thể và phòng ngủ của mình. Cửa sổ có rèm che. Chỉ dùng lò sưởi, quạt điện hoặc máy lạnh khi thật sự cần.

Uống ít nước vào buổi tối. Tối ngủ sớm, sáng dậy sớm. Không nên băn khoăn vì mơ nhiều hay mất ngủ, nhưng nếu ngủ không đủ 5 tiếng một ngày thì phải hỏi bác sĩ.
Nên ngủ thêm giấc ngắn vào buổi trưa, nhất là vào mùa hè. Cần có nơi tắm kín gió, khăn bông khô và máy sấy tóc. Tắm không lâu quá 10 phút. Không tắm và gội đầu ban đêm.

Giảm bớt các đồ điện và vật sắc nhọn trong phòng. Nên dùng đồ tre gỗ.
Thay kính lão và kính râm phù hợp thị lực. Trong nhà phải có đủ ánh sáng. Bớt xem truyền hình, nên nghe đài, đọc sách, nói chuyện, đi bộ hoặc chăm sóc cây cảnh, chim, cá...

Đi nhẹ, nói khẽ, tránh bậc thang cao và đường dốc quá. Không đi xe máy hai bánh.
Tránh xúc động mạnh. Không tranh luận vô bổ. Không xem phim kinh dị, bạo lực. Không nghe nhạc kích động hoặc sướt mướt, thê lương. Nên kết bạn, tập tành chung, giúp đỡ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trong một nhóm nhỏ những người cao tuổi hợp với mình.

Chăm sóc y tế

Trong nhà phải có tủ thuốc gia đình để ở chỗ ai cũng nhìn thấy dễ dàng. Thiết lập đường dây liên lạc thuận tiện với con cái, bác sĩ và bạn thân. Có sẵn số điện thoại của họ và điện thoại cấp cứu. Áp dụng các biện pháp sơ cấp như bôi dầu gió, xoa rượu thuốc, ngâm chân hoặc chườm nước nóng, đấm bóp (tẩm quất), bấm huyệt, châm cứu, thở sâu, yoga, thiền định…

Không tự dùng thuốc lạ hoặc các cách chữa bệnh theo lời mách của những người k h ô ng chuyên môn.

Không dùng chung kim châm cứu và tiêm. Nên trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp… và ghi lại kết quả đo để theo dõi sức khỏe được liên tục, dễ phát hiện sự bất thường.
Lưu ý những gì khiến cơn đau giảm và những gì khiến cơn đau tăng, dù chỉ là cơn ho nhẹ.

Đánh giá mức độ cơn đau trên thang điểm 10 và thông báo cho bác sĩ, sau đó tiếp tục ghi lại những lần bị đau. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người có chuyên môn và kinh nghiệm xử lý cơn đau. Trao đổi kỹ càng, chính xác, trung thực với bác sĩ về những biện pháp khống chế cơn đau, bao gồm các loại thuốc hay thảo dược.

Giữ cẩn thận tất cả các phiếu xét nghiệm, chẩn đoán và đơn thuốc với ngày khám, chữ ký, tên họ, địa chỉ và số điện thoại chính xác của bác sĩ khám bệnh cho mình. Nếu có điều kiện thì tránh xa các nơi ẩm ướt, ồn ào, vội vã, bụi bặm, đầy rác rưởi, khí thải độc hại và tàu xe nguy hiểm. Hàng năm nên điều dưỡng ở suối nước nóng, tắm bùn.
Không lạm dụng thuốc quá liều lượng, dù là mật gấu, sừng tê giác, nhân sâm, linh chi, cao hổ cốt, đông trùng hạ thảo hay các thực phẩm chức năng và biệt dược đắt tiền.
Theo BS. Hồng Quang - Sức Khoẻ & Đời Sống
3. Bí quyết sống khỏe, sống lâu :

Nếu bạn tin vào tướng số, thì mỗi chúng ta có một số mệnh an bài. Sống lâu hay chết yểu đã được định đoạt từ lúc ra đời. Tuy nhiên, nói thế không hoàn toàn đúng cho lắm, vì nếu quả thật số của bạn sẽ làm tổng thống chẳng hạn, và bạn cứ nằm “ì” ở nhà, không hề ra tranh cử thì lấy đâu mà tướng với số. Vì thế, tin vào tướng số hay không, nếu muốn sống lâu chúng ta cần phải giữ gìn sức khỏe. “Của bền tại người là thế”.

Trong xã hội văn minh hiện nay, người ta thường quên những nguyên lý căn bản để giữ cho mình một sức khỏe bền bỉ. Người ta vẫn thường “chạy” theo mốt để “tống” vào người nhiều loại thuốc, thức ăn khác nhau với hy vọng mình sẽ sống lâu và khỏe hơn. Trên mạng internet, trên radio và truyền hình, vô số các loại thuốc bổ khác nhau dưới nhiều tên rất kêu khác nhau, chiết suất từ những cỏ cây, hoa lá, gốc rễ và cơ quan động vật cầu kỳ, hiếm có khác nhau, bầy bán la liệt với nhiều lời quả quyết nghe rất hấp dẫn, lôi cuốn người tiêu thụ. “Mua về uống thử, chắc cũng chẳng hại gì”. Tiếc thay, đa số những loại thuốc này sẽ không giúp cơ thể của bạn trở nên tráng kiện hoặc kém bệnh tật; ngược lại là đằng khác. Tiền mất, tật mang.

Nếu “sống là đi dần đến cõi chết” thì bài viết này sẽ giúp bạn “thả bộ” một cách từ từ, chậm chạp và vui vẻ.

Thế nào là sống lâu?

Ngày xưa khi chưa có thuốc kháng virut, một cơn cảm cúm sơ sài có thể gây ra thiệt hại tử vong. Mức sống trung bình bấy giờ chỉ khoảng 50 tuổi. Ngày nay, với sự hiểu biết về y khoa mỗi ngày một rộng lớn hơn, với phương tiện chuyên chở nhanh chóng hơn, với máy móc tối tân hơn, với thuốc men hiệu lực hơn, chúng ta sống lâu hơn. Công dân Hoa Kỳ có tuổi thọ trung bình là 75 đến 80 tuổi. Nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân đáng kể nhất giúp loài người sống lâu hơn là sự cải thiện về môi trường.

Để sống lâu hơn, chúng ta bằng mọi cách tránh những bệnh tật, tai nạn có thể phòng được. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Sau đây là những bí quyết sống lâu:

Thức ăn

Ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Ăn chậm rãi, từ từ, nhai thật kỹ trước khi nuốt. Nên ăn đúng giờ giấc. Đừng ăn quá trễ trước khi đi ngủ. Ăn nhiều rau và trái cây. Các loại rau, trái cây đậm màu thường có nhiều chất chống ôxy hóa hơn.
Tránh ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt mỡ. Nên ăn thịt luộc, thịt hấp. Tránh thịt chiên và thịt xào, vì nhiều dầu mỡ. Thịt nướng tuy ít dầu mỡ hơn thịt chiên nhưng một số khoa học gia cho rằng mỡ động vật khi bị đốt cháy có thể dễ gây ra ung thư hơn. Thịt, cá sống có thể có sán, vì vậy không nên ăn sống mà phải nấu chín. Lòng đỏ trứng gà, vịt có nhiều cholesterol nên ăn không quá 3 quả trứng mỗi tuần. Tránh ăn quá nhiều tinh bột (carbohydrate), như cơm, bún, bánh phở... Dễ lên cân. Tránh ăn quá mặn. Nên ăn thành 3 đến 4 bữa mỗi ngày, mỗi lần ăn một ít. Đừng nhịn cả ngày, rồi ăn thật nhiều trước khi đi ngủ. Ăn sáng rất quan trọng, nhất là các trẻ em đang tuổi lớn. Thống kê cho thấy, sinh viên sẽ học giỏi hơn nếu ăn điểm tâm trước khi vào lớp. Bữa ăn là thời điểm quan trọng nhất trong đời sống gia đình. Trong không khí thương yêu vợ chồng, con cái, bữa cơm sẽ ngon hơn và tinh thần chúng ta sẽ thoải mái hơn.

Nước uống

Uống nhiều nước, nước lọc là tốt nhất. Nhiều loại trà xanh cũng như một số nước trái cây chứa nhiều chất chống ôxy hóa có thể làm chậm quá trình lão hóa. Một ly rượu vang đỏ mỗi ngày có thể giúp lưu thông khí huyết. Rượu thuốc là một mốt đang lan tràn khắp nơi khi thanh niên và quý ông muốn tăng cường tuổi xuân. Công dụng của rượu rắn và mật gấu chưa được kiểm chứng một cách khoa học, nên khi uống vào quý vị có thể sẽ phải trả một giá rất đắt. Tiền mất, tật mang. Một số dược thảo ngâm trong rượu (theo công thức gia truyền) có thể bị ô nhiễm bởi nhiều kim loại nặng, thuốc diệt sâu bọ và côn trùng phát nguồn từ những cỏ cây, củ hạt mà thuốc đã được chiết xuất. Cà phê và trà đen nếu uống, đừng uống quá nhiều. Nếu uống thuốc bổ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mỗi lứa tuổi cần một loại thuốc bổ khác nhau. Thuốc bổ rất cần thiết cho chúng ta, nhất là khi lớn tuổi, chúng ta không còn ăn được nhiều như xưa nữa. Người Việt Nam xương nhỏ mà mềm, nên uống calcium từ lúc còn trẻ tuổi để phòng loãng và gãy xương.

Tập thể dục

Bồi bổ tim của mình bằng cách tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Không nên tập thật nhiều trong vòng một ngày, rồi nghỉ ngơi trong một thời gian lâu dài. Nếu không có thời gian để tập thể dục, hãy tận dụng tất cả những cơ hội để hoạt động tay chân. Chẳng hạn, thay vì đi thang máy, bạn nên đi bộ lên lầu... Có 2 cách thức tập thể dục. Tập để cơ thể được dẻo dai, và tập để bắp thịt nẩy nở. Người lớn, nhất là khi bị tăng áp huyết, nên đi bộ/chạy bộ, bơi lội, tránh cử tạ quá nặng. Nếu đau khớp xương hoặc khó thở, tức ngực nên tập khí công, tai - chi.

Tránh tật xấu

Một số tật xấu như hút thuốc lá, thức quá khuya. Tránh trồng cây và hoa trong phòng ngủ. Nghe nhạc quá lớn làm đầu óc bị căng thẳng, tai sẽ bị điếc với thời gian. Theo một nhận xét gần đây, nghe nhạc quá lớn vào ban ngày, có thể làm quý vị mất ngủ vào ban đêm, đôi khi nhiều ác mộng. Về già, sẽ dễ bị chóng mặt, nhức đầu. Nên sống một cách an toàn hơn như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cài dây an toàn mỗi lần lên xe ô tô.

An toàn nhà cửa

Nếu có trẻ nhỏ, nên cẩn thận trong sinh hoạt. Thuốc men và những nước rửa bát, lau cọ nhà cửa... phải để xa tầm với của trẻ. Tất cả thuốc men đang uống hằng ngày, một khi uống xong phải cất chỗ an toàn ngay lập tức, không nên để trên bàn ngủ. Thuốc thường giống như kẹo nên các em có thể “ăn” rất nhanh. Các ổ cắm điện phải được che lại...

Người lớn tuổi, nên để đèn sáng ở hành lang tránh té ngã về đêm khi phải đi vệ sinh. Phòng tắm nên có tay cầm, để có chỗ vịn mỗi khi ra vào.

Khám bệnh định kỳ

Lứa tuổi nào cũng cần khám bệnh định kỳ. Đây là điều mà đa số chúng ta lơi là, không để ý. Nếu cần khi khám định kỳ phải thử máu, chụp Xquang tim phổi, soi ruột già... để chẩn đoán sớm khi có dấu hiệu bệnh.

Thoải mái và thư giãn

Mỗi chúng ta đều có một phương cách riêng cho bản thân mình về mặt tinh thần và tôn giáo. Tuy cầu nguyện và thiền không thể chữa được tất cả bệnh tật nhưng đây là một liều thuốc bổ quan trọng trong đời sống tâm linh.

Sau giờ làm việc, không gì tuyệt hơn là thì giờ cho riêng mình với những giây phút hạnh phúc, khuây khỏa với gia đình, bạn bè và người thân. Thoải mái, giản dị, không bon chen, không giả dối, chia rẽ, phân biệt giai cấp, hiềm nghi, không lừa dối. Sống cho trọn đạo, trọn đời.

Tóm lại, những lời khuyên kể trên nếu được thi hành một cách nghiêm chỉnh có thể sẽ giúp chúng ta đỡ bệnh tật hơn. Tinh thần của chúng ta sẽ thoải mái hơn nhiều trong một cơ thể tráng kiện. Sống thì phải chết, nhưng chúng ta có những chọn lựa khác nhau về cách sống của mình: “Sống vui, sống khỏe, sống bất tận (bất tận chứ không phải bất tử)” là vậy!
Theo BS. Bùi Xuân Dương - Sức Khoẻ & Đời Sống


4. Phòng ngừa sự lão hóa của cơ thể :

Tốc độ già hóa của cơ thể chủ yếu được xác định bằng kiểu gen, chính vì vậy các nhà sinh học coi sự hóa già là một quá trình được định sẵn (các tế bào chết theo chương trình).

Các tế bào có thể bị tổn thương bởi sự tấn công của chính hệ thống miễn dịch trong cơ thể hay do sự mất cân bằng hormon trong cơ thể với việc tăng cao hàm lượng hormon stress-cortisol và giảm hoạt tính của các hormon sinh dục. Nhưng một yếu tố quan trọng gây tăng tốc quá trình già hóa cơ thể và phát triển các bệnh ở tuổi già chính là ảnh hưởng của các gốc tự do.

Gốc tự do tấn công cơ thể như thế nào?

Bình thường, ôxy từ không khí tham gia vào quá trình chuyển hóa (ôxy hóa) các chất để tạo ra năng lượng cung cấp cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, có khoảng 2% ôxy cơ thể sử dụng hằng ngày kết hợp trực tiếp với các chất hữu cơ (acid amin, acid béo, steroid...) không tạo ra năng lượng mà tạo ra các gốc tự do. Các gốc tự do này tham gia phản ứng với các chất hữu cơ, đặc biệt là tấn công phospholipid màng tế bào (y học gọi là quá trình perocid hóa lipid), gây tổn thương màng tế bào, rối loạn quá trình trao đổi các chất giữa tế bào với bên ngoài. Các gốc tự do này còn tấn công hệ thống gen của tế bào, gây tích lũy các đột biến.

Bình thường cơ thể của chúng ta có các hệ thống bảo vệ (được gọi là các hệ thống antioxydant) giúp cơ thể trung hòa các gốc tự do, duy trì chúng ở nồng độ nhất định (không gây hại cho tế bào). Một số chất hữu cơ tự nhiên như các vitamin A, C và E cũng có tác dụng bảo vệ các tế bào trước sự tấn công của các gốc tự do và stress ôxy hóa bằng cách “bẫy” các gốc tự do hay xúc tác tăng hoạt tính của các men. Các chất này được gọi là chất chống ôxy hóa (antioxydant).

Tuy nhiên, khi cơ thể ngoài 30 tuổi và dưới ảnh hưởng của các yếu tố độc hại từ môi trường sống, sự hoạt động thể lực quá căng thẳng trong lao động sản xuất cũng như trong hoạt động thể thao, thói quen uống rượu, hút thuốc có thể gây rối loạn sự cân bằng này do sự suy giảm hoạt động của các hệ thống antioxydant và sự sản sinh ồ ạt các gốc tự do trong cơ thể. Chính lúc này sẽ diễn ra stress ôxy hóa, gây tổn thương màng tế bào và bộ máy di truyền của các tế bào, tăng tốc độ lão hóa của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ở mô da làm da trở nên chóng già, nhăn nheo. Trong cơ thể, stress ôxy hóa gây suy giảm miễn dịch, làm chậm các quá trình sinh sản của tế bào, giảm tốc độ chuyển hóa các chất, giảm sản xuất các hormon và rối loạn chức năng của các mô cơ. Tất cả những điều này thúc đẩy quá trình lão hóa của cơ thể, phát triển các bệnh ở tuổi già như tim mạch, ung thư, đái tháo đường...

Để giúp cơ thể chống lại quá trình lão hóa, nên có cuộc sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý, đặc biệt là các thức ăn có chứa các chất chống ôxy hóa như vitamin E, C, beta-caroten – tiền vitamin A, selen, magiê... Vì cơ thể không tổng hợp được các chất này.

Vậy thực phẩm nào giàu chất chống lão hóa?

- Vitamin A cần thiết để bảo đảm sự phát triển bình thường của thị giác, chiều cao, tình trạng của da và niêm mạc (miệng, mũi...). Vitamin A có tác dụng chống lão hóa nên thường được dùng kết hợp với vitamin C và vitamin E để phòng ngừa các bệnh: xơ vữa động mạch, bệnh thiếu máu cơ tim...

Vitamin A có trong mỡ cá, gan, các sản phẩm sữa, thịt, ví dụ trong 100g gan bò chứa 15mg vitamin A, 100g gan lợn chứa 6mg. Trong một số loại rau quả như: cà rốt, cà chua, hành tỏi, cần tây, rau ngót, rau dền đỏ, xà lách, ớt đỏ, gấc có chứa nhiều chất beta-caroten (trong cơ thể, caroten chuyển hóa thành vitamin A).

- Vitamin E có tác dụng chống lão hóa với các tác dụng củng cố thành phần và chức năng của màng tế bào, thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu, phát triển cơ và các tổ chức mô khác nhau, ngăn chặn sự phát triển hiện tượng yếu cơ và mệt mỏi cơ. Vitamin E liên quan chặt chẽ với chức năng của hệ thống nội tiết, đặc biệt là tuyến sinh dục và các tế bào thần kinh. Vitamin E có trong các thức ăn có nguồn gốc thực vật và động vật: có nhiều trong dầu thực vật, mầm giá đỗ, mầm thóc, trong bánh mì, trứng, sữa, thịt, cá.

- Vitamin C tham gia vào nhiều quá trình sống của cơ thể như quá trình chuyển hóa chất, giảm cholesterol máu, hoạt hóa các men và hormon khác nhau, nâng cao khả năng phòng bệnh, chống lão hóa.Vitamin C có nhiều trong hành tươi, cải bắp, rau ngót, tỏi, chanh, ớt ngọt, súp lơ, cà chua, cần tây, rau thơm, cam, chanh, táo... Khi cơ thể bị thiếu vitamin C, các mao mạch sẽ tăng độ thẩm thấu và dễ bị vỡ, gây chảy máu (răng, lợi, mũi), khả năng tạo ra các kháng thể để chống lại bệnh tật của cơ thể bị giảm sút, biểu hiện dễ cáu bực, đau ở các khớp, vết thương khó lành...Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, dùng bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở bệnh nhân tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên (tác dụng chống lão hóa), tuy nhiên không được lạm dụng.

- Kẽm có nhiều trong sò, lòng đỏ trứng gà, thịt nạc, đậu hà lan, rau ngót, tỏi ta.

- Magiê có mặt trong gần 300 các men khác nhau, điều hòa các quá trình chuyển hóa năng lượng. Magiê có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo glycogen của cơ và gan từ glucose máu. Magiê còn tham gia vào sự phân hủy glucose, acid béo và các acid amin trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Magiê cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp lipid và protein, bảo đảm tính bền vững của dẫn truyền thần kinh và sự co cơ. Magiê có trong thịt nạc, sữa, kê, đậu tương, đậu xanh, khoai lang, một số loại rau thơm...

- Selen có nhiều trong tỏi ta, tôm đồng, gạo tẻ, ngô, thịt lợn nạc, lòng đỏ trứng gà, củ cải trắng, cải bắp.

- Gần đây, người ta còn phát hiện ra một số chất có tác dụng chống lão hóa trong chè xanh, nho đỏ, táo.
Theo TS. Đặng Quốc Bảo - Sức Khoẻ & Đời Sống
5. Có thể ngăn chặn bệnh sa sút trí tuệ?

Sa sút trí tuệ vẫn là một khái niệm bệnh mới với nhiều người dân. Vậy biểu hiện của bệnh như thế nào? Liệu có thể làm chậm quá trình sa sút trí tuệ? Ai dễ bị mắc bệnh này? Cần điều trị bệnh ở đâu? Chúng tôi phỏng vấn PGS.TS. Phạm Thắng, Viện trưởng Viện Lão khoa Quốc gia về vấn đề này.

PV: Bệnh sa sút trí tuệ vẫn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người dân. Xin PGS cho biết những dấu hiệu để nhận biết bệnh bệnh này?

PGS.TS. Phạm Thắng: Nhiều người quan niệm sai lầm rằng suy giảm trí nhớ là chuyện bình thường ở người già nên thường không chú ý. Đúng là khi về già trí nhớ có giảm hơn so với tuổi trẻ, nhưng nếu trí nhớ suy giảm nhiều, kèm theo suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nghề nghiệp và xã hội của bệnh nhân thì rất có thể đó là biểu hiện của sa sút trí tuệ. Đây là bệnh rất phổ biến ở người cao tuổi, theo một nghiên cứu mới đây của Viện Lão khoa Quốc gia, 4,6% người cao tuổi mắc bệnh này, trung bình cứ sau mỗi 5 năm, tỷ lệ này lại tăng gấp đôi. Có nhiều triệu chứng gợi ý sa sút trí tuệ, ví dụ như: hỏi đi hỏi lại mãi cùng một câu hỏi, thường dựa dẫm vào người khác để quyết định một vấn đề, quên cách nấu ăn, chơi bài..., những hoạt động mà trước đó họ thường xuyên làm một cách dễ dàng, bị lạc ở những nơi quen thuộc, hay để nhầm đồ đạc trong nhà...

Khi bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý trên cần đến các cơ sở y tế để khám, tốt nhất là đến các chuyên khoa như lão khoa, thần kinh hay tâm thần. Có thể liên hệ trực tiếp với Đơn vị nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ của Viện Lão khoa Quốc gia. Các thầy thuốc sẽ khám lâm sàng nội khoa và thần kinh, cho bệnh nhân làm các trắc nghiệm thần kinh tâm thần, qua đó xác định chính xác sự suy giảm của từng lĩnh vực nhận thức khác nhau. Tùy trường hợp cụ thể, có thể phải chụp cộng hưởng từ sọ não và một số thăm dò để loại trừ những bệnh khác có biểu hiện tương tự. Cần lưu ý, một số trường hợp trầm cảm cũng có biểu hiện tương tự, gọi là “trầm cảm giả sa sút trí tuệ”.

PV: Nhưng đôi khi một người bình thường vẫn có thể quên, như vậy có gọi là sa sút trí tuệ?

PGS.TS. Phạm Thắng: Không phải ai có giảm trí nhớ cũng bị sa sút trí tuệ Người già bình thường cũng có thể quên, gọi là “hội chứng quên lành tính”. Trong quên lành tính, bệnh nhân thường chỉ quên các thông tin không quan trọng, có thể nhớ lại khi được gợi ý, khi họ chủ tâm nhớ họ có thể nhớ được, không kèm theo các rối loạn nhận thức khác và không ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày. Ngược lại trong sa sút trí tuệ, bệnh nhân quên cả những thông tin quan trọng, dù có gợi ý hay chủ tâm nhớ cũng không thể nhớ được, luôn kèm theo giảm khả năng suy luận và tính toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bệnh nhân.

PV: Xin PGS cho biết các biện pháp điều trị và phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này?

PGS.TS. Phạm Thắng: Hiện tại chúng ta chưa có biện pháp điều trị khỏi hẳn bệnh Alzheimer (thể hay gặp nhất của sa sút trí tuệ). Các thuốc hay dùng hiện nay như galantamine, memantine... chỉ có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh. Do vậy cần phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ. Trước tiên là các yếu tố nguy cơ về mạch máu, ví dụ như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, béo phì, bệnh mạch vành, mạch não. Thứ hai là các yếu tố tâm lý xã hội và lối sống, như học vấn thấp, ít giao tiếp xã hội, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý... Cuối cùng là các yếu tố nguy cơ ở mức phân tử. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố kể trên, phối hợp với một lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập trí óc, tăng cường giao tiếp và hoạt động thể lực thì có thể phòng tránh được phần nào nguy cơ mắc bệnh, ít nhất thì cũng làm chậm sự khởi phát và tiến triển của bệnh.

PV: Khi bệnh nhân có dấu hiệu như thế nào thì cần phải nhập viện, có thể chăm sóc bệnh nhân tại nhà không, thưa PGS?

PGS.TS. Phạm Thắng: Hầu hết bệnh nhân sa sút trí tuệ trong giai đoạn đầu có thể chăm sóc tại nhà được. Để có thể chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại nhà, người chăm sóc phải có những kiến thức nhất định thông qua sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa, ví dụ như học cách tiếp xúc với bệnh nhân sa sút trí tuệ, những kỹ năng chăm sóc thông thường như cho ăn, tắm rửa..., kỹ năng ứng xử khi bệnh nhân có những bất thường về hành vi, các biện pháp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân... Giai đoạn cuối, khi bệnh nhân có những rối loạn về tâm thần như hoang tưởng, ảo giác, kích động, đi lang thang hoặc các biến chứng khác... thì cần cho bệnh nhân nhập viện điều trị.
Theo Sức Khoẻ & Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!