Sinh ra ở vùng nước lợ xứ Hải Đông nhưng tôi lớn lên và lập nghiệp tại nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt. Mảnh đất nơi "phên dậu quốc gia" này bao lần thay đổi cương vực, địa danh và trải lắm thăng trầm.
Cách nay 50-60 triệu năm, trong đợt tạo sơn cuối cùng, vỏ trái đất vặn mình, đứt gẫy, tạo nên diện mạo địa hình vùng Lào Cai nay.
Từ 12.000-18.000 năm trước đã có con người cư trú khá tập trung ở các dải đồi ven sông Hồng[1], sông Chẩy[2], các cửa ngòi Mi, ngòi Nhù. Các chủ nhân văn hóa Hòa Bình ở Lào Cai đã biết làm nông nghiệp. Đó chính là tổ tiên của người Âu Việt, Lạc Việt sau này[3] (người Tầy, người Nùng ?). Các tộc người khác như: HMông, Dao, Thái…di cư từ phương Bắc xuống trong Thế kỉ IX-XIX.
Việc hình thành nên các tộc người ở Lào Cai có một đặc trưng riêng, khá lý thú:
Trong cuộc thiên di tìm vùng đất mới, tránh diệt vong bởi các tộc Bắc phương, người Thái 傣人(Bạch), từ vùng Tứ Xuyên 四川 xuống một phần định cư ở Xixonbana 西双版纳 (Nam TQ) rồi theo dòng Mê Công tiếp xuống Mianma, Thái Lan; một bộ phận xuôi theo dòng Nậm Tao 埝導 (Sông Hồng 紅河) vào Việt Nam, tạt lên bờ phải, dừng chân ở Nghĩa Lộ 義珞 rồi ngược lên định đô ở Mường Than 𤞽天 (Điện Biên). Do vậy ở Lào Cai chỉ có một ít người Thái bên hữu ngạn sông Hồng, bên tả ngạn do người Thái dừng chân ít đã Tày hóa, nên vùng này không có người Thái[4].
Người HMông, Dao thì theo đường bộ dọc biên, cư trú khắp các nơi vùng núi, tập trung nhiều vùng gần biên giới, sống chủ yếu trên núi cao, du canh, du cư mới hạ sơn và định cư nhiều trong những năm sau 1986.
Người Hán sang do nhiều nguyên nhân, trải mọi thời kì (TK III-đầu TK XX) mà đông nhất là sau phong trào Thái Bình Thiên quốc và những nghĩa quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc ở lại (sau Hiệp định 1884). Họ thường tập trung ở gần đường, các trung tâm buôn bán, làm nghề thủ công.
Người Kinh dưới xuôi lên là từ các nguồn: những phu, lao dịch ở lại từ hồi Pháp cho Công ty Hỏa xa Đông Dương - Vân Nam 東洋云南火車公司 làm đường sắt Hải Phòng-Vân Nam (8/1901-1907) ; các phu mỏ được tuyển mộ đến trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 1 (1897-1914) và lần thứ 2 (1919-1939) của Pháp, người từ Phú Thọ ngược sông Hồng lên từ trước 1945 tránh đói, tránh loạn; đông nhất là người dân Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình lên khai hoang (1962-1967), lên tự do và cán bộ, công nhân, bộ đội được điều động công tác…
Trên vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam, trong buổi đầu các bộ tộc xác định ranh giới chủ quyền thì thời Văn Lang thuộc bộ Tân Hưng. Thời Âu Lạc thì vùng phía đông và phía nam Lào Cai thuộc bộ lạc Tây Vu, còn một phần đất phía đông và phía bắc Lào Cai hiện nay thuộc phạm vi của các bộ lạc nhỏ hơn không chịu thuần phục Lạc Việt[5].
Thời Bắc thuộc, ban đầu Lào Cai là địa phận thuộc huyện Tây Vu quận Giao Chỉ. Sau này thuộc là quận Tân Hưng[6] thuộc đất Giao Châu (thời Tây Tấn), sau là đất châu Đan Đường, Chu Quý thuộc Giao Chỉ (thời Tuỳ), tiếp đổi Lâm Tây châu, Đức Hoá châu thuộc phủ An Nam (thời Đường, 679)[7] .
Trong thời tự chủ phong kiến thuộc đạo Lâm Tây 林西 (Đại Cồ Việt thời Đinh, Tiền Lê và Đại Việt thời Lý), đất Đăng Châu 镫州 (nhà Lý) tiếp là huyện Thủy Vĩ, trấn Quy Hóa, đạo Đà Giang 水尾縣光化鎭沱江道 (nhà Trần). Năm 1397, Hồ Quý Ly làm phụ chính thái sư, sửa đổi chế độ hành chính, đã đổi các bộ phủ làm trấn và Đà Giang đổi thành trấn Thiên Hưng 天興. Trong đó, huyện Thuỷ Vĩ, huyện Văn Bàn 文盤 được thành lập trực thuộc châu Quan Hoá. Từ nay Thuỷ Vĩ, Văn Bàn (vùng đất Lào Cai xưa) đã chính thức trở thành tên đơn vị hành chính của nhà nước phong kiến Đại Việt 大越. Triều Lê đổi đổi lộ 路 làm phủ 府, đổi trấn 鎭 làm châu 州, khi đó lộ Quy Hoá đổi thành phủ Quang Hoá, huyện Văn Bàn, huyện Thuỷ Vĩ trở thành châu Văn Bàn, châu Thuỷ Vĩ trực thuộc Phủ Quang Hoá, thừa tuyên Hưng Hoá. Năm Hồng Đức thứ 31 (1490) đạo thừa tuyên Hưng Hoá đổi thành xứ Hưng Hoá. Đến đời Hồng Thuận Lê Tương Dực (1509-1516) đổi xứ Hưng Hoá thành trấn Hưng Hoá 興化鎭.
Đây là vùng cửa ngõ nối liền Giao Chỉ với các quốc gia Tây Nam TQ. Có thời gian một số Động 峒, Sách 柵 của vùng này đặt dưới sự cai quản của vương quốc Nam Chiếu 南詔 hay Nam Giao (738-902) và Đại Lý (大理, 937-1253). Năm 1159, vua Lý Anh Tông (李英宗, 1138-1175) và Tô Hiến Thành 蘇憲誠 đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Bạch (Thái) ở vùng này vào lãnh thổ Đại Việt. Vì là cửa ngõ, lại có sông Hồng nên khi thực hiện Nam chinh bành trướng đánh sang Đại Việt, quân Đại Hán thường qua đường này. Trong các cuộc chiến chống Tống, Nguyên thời Lý, Trần dân binh Quy Hóa là những người có công đầu trong việc cấp báo thông tin về triều, ngăn cản bước tiến quân địch khi chúng tiến đánh và chặn đánh khi chúng lui quân.
Khi bên Trung Quốc nhà Thanh (清朝,1644 - 1911) thay nhà Minh (明朝,1368-1644), trong lúc ở Đại Việt nhà Mạc 莫朝 đổ (1592), lợi dụng sự suy yếu của tập đoàn Lê-Trịnh trong thời Nam-Bắc triều bọn quan lại Hán tộc ở Hoa Nam đã lấn chiếm nhiều vùng biên giới phía Bắc, trong đó có Thủy Vỹ. Đại Việt nhiều lần lên tiếng đòi đất nhưng không được đáp ứng. Đến năm 1726 nhà Thanh mới trả lại vùng ải Lê Hoa 梨花隘 này cho nước ta và được triều Lê-Trịnh đặt thuộc phủ Quy Hóa 歸化府 trong ngoại trấn Hưng Hóa 興化外鎭.
Nhà Nguyễn 阮朝 sau khi bình định được toàn quốc đã tiến hành phân chia lại địa giới hành chính. Địa danh phủ Quang Hoá, trấn Hưng Hoá được giữ lại dưới triều Nguyễn và thuộc Tổng trấn Bắc thành 北城总綜鎭 của nước Đại Nam 大南國. Đến năm 1831 Minh Mạng 明命 tiến hành cải cách hành chính, đổi Trấn 鎭 thành Tỉnh 省.Vùng Lào Cai khi đó là Châu Thuỷ Vĩ 水尾州 thuộc phủ Quang Hoá 光化府,Châu Văn Bàn 文槃州 và một phần châu Lục Yên 六安州 của tỉnh Hưng Hoá 興化省.Về mặt chính trị, tuân theo nếp cũ, nhà Nguyễn vẫn duy trì quyền cai trị vùng này thông qua các 'thổ quan' 土官, tức là các người đứng đầu các họ lớn tại các dòng tộc địa phương mà sử cũ gọi họ là các 'thổ tù' 土酋 hay “thổ ty”土司.Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) bãi bỏ chính sách thổ quan, thay bằng chính sách lưu quan 遛官, cử quan lại triều đình người Kinh đến trực trị, rồi đổi đặt các động 峒,trại 寨 thành các xã 社 và lập tổng 总 như miền xuôi.
Sau khi hoàn thành việc xâm chiếm Việt Nam, năm 1885 Chính phủ Pháp ký Công ước 1885 với Đại Thanh đưa vùng đất Lai Châu, Điện Biên, bắc Lào Cai ngày nay thuộc về xứ Bắc kỳ.
Ngày 24/5/1886 Thống sứ Bắc kì ra Nghị định tách tỉnh Hưng Hoá thành tỉnh Lào Cai[8] và Sơn La thuộc xứ Bắc kì (Tonkin). Ngày 6/6/1890, Kinh lược Bắc Kỳ ra nghị định tách châu Lục Yên khỏi tỉnh Tuyên Quang để nhập vào tỉnh Lào Cai. Sau đó bằng các Nghị định 20/8/1891, 22/1/1896 toàn quyền Đông Dương đặt Lào Cai vào địa bàn Đạo quan binh thứ ba và tư[9] thực hiện chế độ quân quản nhằm tạo mọi điều kiện cho sĩ quan quân sự toàn quyền chủ động trong việc đem áp dụng phong trào đấu tranh của đồng bào miền núi. Ngày 7/11/1899, đạo quân binh số 4 được tổ chức lại, sát nhập 4 tiểu quân khu thành 2 tiểu quân khu chính là tiểu quân khu Yên Bái (Trấn Yên, Văn Chấn) và tiểu quân khu Lào Cai. Khi đó địa bàn Tiểu quân khu Lào Cai khá rộng bao gồm cả 4 châu: Châu Thuỷ Vĩ, châu Văn Bàn, châu Chiêu Tấn, châu Lục Yên.
Đến năm 1894 Pháp đánh chiếm và tiến hành bình định Lào Cai. Đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai[10] dài 390 km được đưa vào khai thác từ ngày 1-2-1906, tình hình Lào Cai dần dần ổn định. Thời gian này, tỉnh Hưng Hoá cũ được tách ra thành các tỉnh: Hòa Bình (18-3-1891), Vĩnh Yên (29-12-1899), Tuyên Quang (11-4-1900), Yên Bái (11-4-1900), Phú Thọ (5-5-1903), Phúc Yên (18-2-1904), Sơn La (23-8-1904), điều kiện thành lập tỉnh dân sự với Lào Cai đã đủ.
Ngày 12-7-1907, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ Đạo quan binh 4 Lào Cai, chuyển Lào Cai sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai[11]. Lúc đầu có các châu: Bảo Thắng 保勝 (gồm các tổng Pa Khơ, Phố Lu), Thuỷ Vỹ 水尾 (gồm các tổng Bình Lư và Sa Pa), các đại lý Mường Khương (có tổng Mường Khương, Pha Long), Phong Thổ 豐收, Bát Xát 垻洒 (có tổng Bát Xát, Mường Hum, Trịnh Tường) và thị xã Lao Kay 老街. Ngày 1/2/1908, toàn quyền Đông Dương Nghị định chuyển xã Xuân Quang và một phần xã Văn Bàn, xã Xuân Giao từ tỉnh Yên Bái sát nhập vào tỉnh Lào Cai. Như vậy đến năm 1930 Lào Cai có 2 châu (Thuỷ Vĩ, Bảo Thắng), 4 đại lý (Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Phong Thổ) và một trung tâm hành chính độc lập là Sa Pa. Đến đây Lào Cai có 29 xã, phố và 696 thôn, bản[12].
Cách mạng toàn quốc thành công từ tháng 8/1945 nhưng đến 19/10/1946 Lào Cai mới được giải phóng, thiết lập hệ thống chính quyền của Việt Minh thay Việt Nam Quốc dân đảng. Toàn bộ hệ thống châu, phủ bị xoá bỏ, bộ máy chính quyền ở tỉnh, huyện, xã được củng cố. Lào Cai có 8 đơn vị hành chính cấp huyện thị xã gồm thị xã Lào Cai và các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương, Bản Lầu, Bát Xát, Sa Pa , Phong Thổ. Lào Cai là một tỉnh thuộc khu 10 (từ năm 1948 là Liên khu 10). Sau đó Lào Cai bị tái chiếm. Từ tháng 11/1947, thực hiện chính sách “chia để trị”, Pháp đã thành lập “tỉnh” Phong Thổ nằm trong “xứ Thái tự trị” (gồm các châu: Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên, Sa Pa, Bát Xát, một phần Bảo Thắng) và “tỉnh” Lào Cai trong “xứ Nùng tự trị” (gồm các châu: Mường Khương, Bắc Hà, một phần Bảo Thắng, Hoàng Su Phì).
Sau thời gian giữ vững và phát triển lực lượng, chiến đấu kiềm chế, tiêu hao lực lượng, cầm chân đối phương tại các đô thị; thời kì đẩy mạnh chuẩn bị kháng chiến lâu dài, chính phủ VNDCCH bắt đầu triển khai thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước. Lào Cai được giải phóng ngày 01/10/1950 trong chiến dịch Lê Hồng Phong, bước vào tiễu phỉ, xây dựng cuộc sống mới. Ngày 28/1/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134-SL thành lập khu Tây Bắc gồm Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu.
Sau hoà bình lập lại, để củng cố vùng Tây Bắc thành vùng tự trị, ngày 19/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230-SL thành lập khu tự trị Thái - Mèo. Huyện Phong Thổ được tách khỏi Lào Cai nhập vào khu tự trị Thái Mèo cùng với Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ. Tỉnh Lào Cai lại thuộc về Liên khu Việt Bắc. Lúc này Lào Cai gồm Thị xã Lào Cai và 5 Huyện (Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương (gồm cả Bản Lầu), Sa Pa). Khi đó : huyện Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu, Than Uyên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ, Văn Bàn, Bảo Yên (nằm trong Lục Yên) thuộc tỉnh Yên Bái. Những Năm sau tiếp tục có sự thay đổi: thành lập thị xã Cam Đường (11/2/1963), chia huyện Bắc Hà thành 2 huyện mới là huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai (15/11/1966).
Sau khi thống nhất đất nước, này 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá V, kỳ họp thứ 2 ra quyết nghị hợp nhất 3 tỉnh Lào Cai , Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và Phù Yên về Sơn La) thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (Ngày 3-1-1976). Tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 thị xã: Cam Đường, Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ và 16 huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát , Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên (mới lập từ 1966), Văn Bàn, Than Uyên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Chấn, Văn Yên. Tỉnh lị lúc đầu đặt tại Thị xã Lào Cai.
Sau đó tình hình biên giới Tây Nam rồi phía Bắc trở nên căng thẳng. Sau các chiến dịch bao vây kinh tế, rút chuyên gia, Trung Quốc khơi chuyện “nạn Kiều”, tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lí, đưa lực lượng quân đội quy mô lớn, trang bị mạnh ra áp sát biên giới, chĩa pháo sang Việt Nam gây tình hình rất phức tạp trên toàn quốc, nhất là các tỉnh biên giới. Trứơc tình hình đó, tháng 8/1978 các cơ quan của tỉnh chuyển về về Thị xã Yên Bái.
Sau khi bẻ gẫy mũi vu hồi của kẻ xấu tại biên giới Tây Nam, quân dân Việt Nam còn giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng do Pôl Pốt-Iêng Sa Ri gây ra (07/01/1979). Niềm vui chưa kịp ăn mừng thì thứ Bẩy 17/2/1979 (21 tháng Giêng Kỉ Mùi) các thế lực bành trướng đưa 60 vạn quân gồm 32 Sư đoàn mở cuộc “Nam phạt” trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Tại Lào Cai, người bạn lớn, vốn “núi liền núi, sông liền sông”山联山,江联江, vốn một thời môi hở răng lạnh đã huy động hơn 15 vạn lính thuộc Quân đoàn 13, 14 (do tướng Dương Đắc Chớ, tư lệnh Đại Quõn khu Côn Minh chỉ huy) đồng loạt đánh vào huyện Bát Xát, Mường Khương, bắc cầu phao qua sông Hồng, sông Nậm Thi tấn công Tx Lào Cai. Với chiến thuật biển người cùng sự hỗ trợ của xe tăng, pháo kích, các đội quân “sơn cước” thông thạo địa hình, quân đội TQ đã tràn qua 10 Đồn Biên phòng, 64 xã, 7 khu phố, 4 thị trấn thuộc 4 huyện, 2 thị xã. Theo đường 7 tới Bắc Ngầm, theo đường sắt qua ga Phố Lu, theo đường 4E qua Gia Phú. Riêng Bảo Thắng chỉ còn 5 xã là không bị đánh chiếm. Cầu Kiều, Cầu Cốc Lếu, Cầu Làng Giàng ở Tx Lào Cai, các cây cầu dọc đường 7 từ Lào Cai đi Bắc Ngầm bị phá sập, nhà máy Apatit bị tháo dỡ, nhiều công trình phúc lợi bị hủy hoại. Sau những ngày cầm cự, tiêu hao sinh lực, cản bước tiến của đối phương và rút để bảo toàn lực lượng, các LLVTND Việt Nam vừa chiến đấu tại chỗ, bám chốt kết hợp tập kích, luồn sâu tấn công hình thành thế cài răng lược tiến tới phản công. Lào Cai đã tiêu diệt 14.500 lính, phá hủy 273 xe tăng, 30 khẩu pháo. Do đã “hoàn thành kế hoạch” và bị dư luận lên án nên ngày 05/3 Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Trên địa bàn Lào Cai việc đó được thực hiện bắt đầu từ 08/3. Đến 15/3/1979 thì rút hết khỏi Mường Khương và Bát Xát nhưng vẫn giữ một số điểm cao thuộc các mốc 11, 19, 22.
Tuy vậy, bên TQ vẫn sử dụng quân đội áp sát biên giới, thường xuyên mở những cuộc lấn chiếm, tấn công nhỏ, pháo kích, thám báo xâm nhập, đặt mìn, tuyên truyền tâm lí…kéo dài mấy năm sau. Thời kì đó, các huyện thuộc Lào Cai cũ trở thành địa bàn lí tưởng cho bọn chân đất buôn lậu ma túy và hàng tâm lý. Ngoài số cửu vạn chuyên nghiệp còn có một số quân nhân biến chất, bộ đội xuất ngũ không về địa phương ở lại buôn lậu nên tình hình căng thẳng một thời gian dài. Nhiều vụ án lớn, giết người, cướp của có sử dụng vũ khí nóng xẩy ra liên tiếp, rừng bị tàn phá. Dân biên giới rút về tuyến sau, đất Tx Lào Cai cũ bỏ hoang cho lau sậy[13]. Một số xã của Thị xã Lào Cai và Cam Đường nhập về huyện Bảo Thắng; các xã, phường còn lại của 2 Thị xã này nhập thành Tx Lào Cai mới (17/4/1979).
Công cuộc Đổi mới chính thức được vận hành từ 1986 đã thu được nhiều thành tựu trên mọi mặt và chúng ta đã phá được thế bao vây, cấm vận, thực hiện mở cửa, hội nhập. Tiếp theo Thông báo số 118 của Ban Bí thư về việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (họp từ ngày 22-7 đến ngày 12-8-1991) đã quyết định tách Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Ngày 1-10-1991 tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập, trên cơ sở vùng đất Lào Cai (cũ) bổ sung thêm ba huyện: Bảo Yên, Văn Bàn (thuộc Yên Bái cũ), Than Uyên (thuộc Nghĩa Lộ cũ). Lúc đầu có 1 Thị xã (Lào Cai) và 8 Huyện (Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Bát xát, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn, Than Uyên). Đến ngày 09/6/1992 Tx Lào Cai tách ra thành Tx Lào Cai và Tx Cam Đường; tỉnh lị mau chóng được tái thiết. Sau khi huyện Si Ma Cai được tái lập (30/12/2000), Than Uyên về Lai Châu (01/01/2004), 2 thị xã nhập lại (31/01/2002) rồi lên thành phố (30/11/2004) thì Lào Cai có 1 Tf là Lào Cai, 7 huyện là: Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, SiMaCai, Văn Bàn.
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Lào Cai đều là “cửa ngõ phên dậu” của Tổ quốc và còn là cửa khẩu buôn bán thông thương giữa Việt Nam và khu vực Tây Nam Trung Quốc.Từ sau 1991, Lào Cai thực sự trở thành tiền tiêu, cầu nối với vùng kinh tế Tây Nam năng động và rộng lớn của Trung Quốc.
-Lương Đức Mến (biên khảo qua nhiều nguồn tư liệu)-
[2]Bắt nguồn từ núi Kiều Liêu Ti (2.402 m) tỉnh Hà Giang. Có 2 nhánh: 1 nhánh từ Vân Nam (TQ) vào Việt Nam ở Pha Long (Mường Khương) xuôi vào đất Bắc Hà ở La Hồ nhập với nhánh khởi nguồn từ Tây Côn Lĩnh, bên Hà Giang sang từ địa phận xã Lùng Cải ( Bắc Hà) về Yên Bái (qua địa phận xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên) về Yên Bái. Đây là con sông làm nên đập Thuỷ điện Thác Bà nổi tiếng từ năm 1971 với đập nước cao 60,8 m, diện tích mặt hồ 234 km2, dung tích chứa nước 3,6 km3.. Đổ vào bờ phải Sông Lô tại Đoan Hùng.Lòng sông rất dốc, nhiều thác ghềnh, đặc biệt khi xẻ qua cao nguyên đá vôi Mường Khương - Bắc Hà đã tạo ra một hẻm vực rất sâu. Dài 319 km. Diện tích lưu vực 4.580 km2; mật độ sông suối 1,09 km/km2. Mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 10, chiếm khoảng 79,3% lượng dòng chảy năm.
[3] Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai, tập I-NXBCTQG-Hà Nội, 1994.
[4] Cuộc thiên di lớn này, một mặt, đã xé nhỏ cộng đồng người Thái, phân tán họ thành nhiều bộ phận khác nhau; mặt khác đã xé nhỏ địa bàn cư trú của cộng đồng tộc người ngôn ngữ Môn-Khmer bản địa.
[5] Nghiên cứu kĩ tư liệu đã được tiếp cận tôi thấy do địa bàn xa, giao thông khó khăn nên các Động, Sách vùng này đến tận thế kỷ X vẫn chưa chính thức thuộc quyền quản lý của chính quyền Bắc hay Nam triều. Ccá Tù trưởng vùng này thường mạnh ai theo nấy và ý thức về quốc gia chưa rõ rệt. Mãi sau này, do xen cư và canh tác xen kẽ nên một bộ phận dân cư ý thức tộc người vẫn chiếm ưu thế.
[6] Năm 420 thời nhà Tấn, quận Tân Hưng đổi thành quận Tân Sương
[7] Nhưng với vùng miền núi Tây Bắc, nhân dân đấu tranh mạnh mẽ, giao thông các trở nên nhà Đường không đặt được châu, quận thống trị trực tiếp mà đặt ra các châu Ki Mi 羈縻 (châu có sự ràng buộc lỏng lẻo để còn trị gián tiếp, duy trì đến nỗi không bị tuyệt diệt). Hồi đó có 40 châu ki mi. Đáng tiếc có người tưởng đó là tên cũ của Lào Cai nên viết hoa là Ki Mi.
[8] Vùng đất phường Cốc Lếu ngày nay xưa kia, có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là 老街 Lão Nhai (tức Phố Cũ). Sau này người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai 新街(Phố Mới ngày nay). Nhưng cũng có ý kiến xác định “Lão”, hay “Lạo” là tên của một tộc người, như vậy cách thích nghĩa “Lão Nhai” là phố của người bộ tộc Lão, Lạo. Có tác giả lại cho rằng tên gọi Lào Cai hiện nay chắc chắn bắt nguồn từ tên Lao Kaù xuất hiện từ 1872 (tên Chiếc pháo hạm của Đuypuy- Jeans Dupruis âm Hán Việt đọc là Đồ Phổ Nghĩa- theo sông Hồng tiến công ngược lên Vân Nam của Trung Quốc vào tháng 1-1873) và cũng có thể còn trước nữa nhưng chưa có đủ bằng cứ. Trong khi chính sử triều Nguyễn luôn ghi địa danh Bảo Thắng thì tài liệu Pháp đã bắt đầu dùng từ Lao Kaù để chỉ phố Bảo Thắng. Trải qua một thời gian dài, nhất là sau khi Pháp đã đặt xong chế độ bảo hộ đối với Trung và Bắc Kỳ, danh từ Lao Kaù được dùng chính thức và phổ biến, còn Bảo Thắng chỉ để chỉ một châu hay một đồn bảo, và rồi dần dần không được dùng để chỉ phố hay thị xã Lao Kaù nữa.Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ Lão Nhai, khi làm bản đồ, người Pháp viết Lao Cai thành Lào Kay. Danh từ Lào Kay đã được người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu còn người Việt khi đọc, biến âm theo tiếng Việt thành Lào Cai và trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai. Sau ngày tỉnh Lao Cai được giải phóng (11-1950), đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.
[9] Lục Yên lại quay về Yên Bái.
[10] Sau khi Thoả ước của Toàn quyền Đông Dương ký với các Ngân hàng, Công ty về việc nhượng quyền xây dựng, khai thác tuyến đường sắt Lào Cai-Vân Nam (ngày 15/6/1901) có hiệu lực, ngày 10/8/1901 Công ty Hoả xa Đông Dương-Vân Nam được thành lập có trụ sở tại Pais, Sở khai thác đặt tại Hà Nội, Vân Nam có đầy đủ quyền, nghĩa vụ thực hiện thoả ước. Sau khi giành chính quyền, ngày 15/01/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh xoá bỏ quyền khai thác của Công ty, xác lập quyền sở hữu, ứng dụng tuyến đường và tài sản của Công ty Hoả xa thuộc về Chính phủ VNDCCH.
[11] Thời Minh Mạng, Bắc Kỳ có 13 tỉnh, từ 1890 trở đi ở Bắc Kỳ đã có thêm 16 tỉnh mới và 1 tỉnh được thành lập lại là tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, Lào Cai là một trong những tỉnh thành lập muộn nhất.
[12] Như vậy tỉnh Lào Cai thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng (1886-1945) luôn biến động về địa giới hành chính và các đơn vị hành chính. Trong 20 năm đầu trước khi thành lập tỉnh dân sự có 8 lần điều chỉnh địa giới hành chính. Có thời kỳ địa bàn rất rộng gồm cả 4 châu Thuỷ Vĩ, Văn Bàn, Chiêu Tấn, Lục Yên. Nhưng về sau chỉ còn châu Thuỷ Vĩ và một phần đất châu Chiêu Tấn cũ. Nhưng đã có 33 xã, phố. Một số tổng, xã phát triển thành đô thị hoặc thành châu huyện như Lào Cai, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát. Xu hướng đô thị hoá đã hình thành ở Lào Cai , Sa Pa, Phố Lu và Bắc Hà. Các đô thị này cũng trở thành những trung tâm kinh tế của tỉnh và của châu
[13] Như vậy tuy vẫn Sơn thuỷ tương liên 山水相连, Văn hoá tương thông 文化相通, nhưng do Lý tưởng 理想 bất tương đồng 相同, Vận mệnh 命运 bất tương quan 相关 nên đã xẩy ra chiến tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!