Thờ cúng Tổ tiên là một nét đẹp trong truyền thống của người Việt. Muốn việc thờ cúng đạt tâm nguyện và đúng mục đích, mỗi gia đình đều lập bàn thờ với những nguyên tắc chung. Theo phong tục của người Kinh vùng Bắc bộ, con trai trưởng là người có trách nhiệm tổ chức cũng giỗ, lập bàn thờ. Các con thứ, những con cháu xa quê, xa nơi trưởng nam cư ngụ có thể lập bàn thờ vọng.
Vốn coi Đạo ông bà là quốc giáo nên hầu như trong gia đình người Việt nào cũng có một cấu trúc mà trên đó có xếp những vật tế khí, nơi đặt đồ lễ trong dịp cúng tế, được sử dụng cho các hoạt động tín ngưỡng. Đó là Bàn thờ (H: 祭壇, A: Altar, P: Autel (religion)).
Tuỳ gia cảnh, nhưng thông thường trên bàn thờ có thể là Tam sự (bát hương, hai cây đèn, tam sơn đặt rượu, nước và trầu cau) hay Ngũ sự (bát hương, hai cây đèn, lọ hoa, mâm ngũ quả, tam sơn đặt rượu, nước và trầu cau). Cách xếp đặt các tự khí 祀器 cũng có khác biệt với mỗi gia đình, vùng miền và thời điểm thiết lập nhưng luôn đảm bảo 05 yếu tố, là: Kim (tự khí làm bằng kim loại, có thể là Lư, đôi Hạc,...) - Mộc (đồ bằng gỗ, đương nhiên bởi Bàn thờ thường đóng bằng Gỗ) - Thủy (chai rượu, chén nước) - Hỏa (đèn, nến, không dùng dến điện, hoa giả) - Thổ (bát hương sành sứ, có cốt và không nên mua đồ TQ bởi đâu biết họ viết và yểm gì).
Bàn thờ vọng là bàn thờ do con cháu sống xa quê lập hướng về cố hương, thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thắp hương tưởng niệm trong những ngày giỗ, tết, tức Vọng bái (H: 望拜, A: To prostrate oneself from far away, P: Se prosterner de loin) về nơi phát tích, gọi là Vọng ngưỡng (H: 望仰, A: To look up and to hope, P: Regarder en haut et espérer) tới tiền nhân. Có thể lập chung với Bàn thờ gia tiên hay lập riêng.
Xưa
kia, với nền kinh tế nông nghiệp tự
cung, tự cấp, điều kiện giao lưu hạn hẹp, người nông dân không ai, gia đình nào “bốc cư” rời quê cha đất
tổ. Có lập gia đình riêng cũng chỉ trong làng, ngòai xóm nên đa phần anh em
quanh quẩn nơi “chôn ra cắt rốn”, chốn “tổ quán” do đó mỗi bận cúng giỗ đều họp mặt được tại nơi phát nguồn. Chính
vì vậy mới có ngày “Tiên thường” 先尝
tức là ngày trước “Chính kị” 忌日, mà những người theo giỗ (thứ đã ở riêng, gái đã xuất giá) mang gạo,
thịt, rượu đến gửi giỗ với Trưởng. Có nơi, có nhà, có lần “tiên thường làm lớn hơn chính kị”!
Từ đầu thế kỷ XX việc xa quê do nhiều lý do (di cư, đi khai hoang, do nhà nước điều động…) xuất hiện phổ biến hơn, đôi khi, theo thời gian có cả 1 chi phái tụ cư ở xa cố hương nhưng nhu cầu tưởng niệm Tổ tiên, nhớ về cố hương không hề giảm và bàn thờ vọng xuất hiện từ đó. Như vậy việc này không phải là cổ truyền từ ngàn xưa, chưa thành phong tục phổ biến, ai cũng thông thạo!.
Việc con cháu cúng tế trước bàn thờ vọng gọi là “Vọng bái” (H: 望拜, A: To prostrate oneself from far away, P: Se prosterner de loin), nghĩa là vái lạy từ xa.
Tục này không hẳn là mới toanh mà xuất hiện từ xưa, cụ thể là:
Khi triều đình có những điển lễ lớn 大典禮, các quan trong triều tập trung trước sân rồng làm lễ, các quan ở các tỉnh hoặc nơi biên ải không “lai kinh” được đã thiết lập hương án trước công đường, thắp hương, nến, hướng về kinh đô quỳ lạy Thiên tử, coi như đang dự lễ.
Khi nghe tin cha mẹ hoặc ông bà mất, con cháu ở xa chưa kịp về quê chịu tang, thiết lập hương án ngoài sân, hướng về quê làm lễ. Các bàn thờ thiết lập như vậy chỉ có tính chất tạm thời, sau đó con cáo quan xin về cư tang 居丧 ba năm.
Các thiện nam tín nữ hàng năm đi trẩy hội đền chùa dần dần về sau, đường sá xa xôi, cách trở, đi lại khó khăn, cũng lập bàn thờ vọng. Nơi có nhiều tín đồ tập trung, dần dần hình thành tổ chức. Họ quyên góp nhau cùng xây dựng tại chỗ một đền thờ khác, rồi cử người đến bàn thờ chính xin bát hương về thờ. Những đền thờ đó gọi là vọng từ 望祠 (thí dụ ở số nhà 35 phố Tôn Đức Thắng Hà Nội có 崇山望祠 “Sùng Sơn vọng từ” là Đền thờ vọng của núi Sòng, thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh).
Bàn thờ vọng ông bà, cha mẹ chỉ được lập trong trường hợp nhiều con cháu sống xa quê, không có lệ lập bàn thờ vọng đối với cửa thứ ngay ở quê nhà. Nếu cửa trưởng khuyết hoặc xa quê, thì người con thứ liền kề thế trưởng được lập bàn thờ chính, còn bàn thờ ở nhà người anh cả ở xa quê lại là bàn thờ vọng.
Phong tục rất hay và rất có ý nghĩa. Bởi lẽ chữ Hiếu 孝 đi đôi với chữ Đễ 悌. Khi sống cũng như đã mất, ông bà cha mẹ bao giờ cũng mong muốn anh chị em sống hòa thuận, một nhà đầm ấm. Khi cầu cúng lễ bái, anh chị em ở gần nhau mà không sum họp, mỗi người cúng một nơi, thì đó là mầm mống của sự bất hoà, vong hồn không thể thanh thản được, như vậy “kính chẳng bõ phiền”.
Cũng
có gia đình tuy anh em ở xa nhau nhưng không thực hiện việc lập bàn thờ vọng mà
tiến hành giỗ “Luân phiên” từng gia đình đỡ lo phần “bổ xuất” lại anh em có dịp
biết được gia cảnh cụ thể của nhau. Việc này, bản thân người soạn cũng từng gặp và được mời dự, thấy cũng có điểm nên học tập, phát huy.
Riêng việc thờ cúng cụ Tổ, theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” 五代埋神主 thì từ đời thứ Năm trở đi có thể tách ra lập Bản chi Từ đường 宗堂. Khi đó việc cũng giỗ Tổ ngành được thực hiện tại đây còn ngày giỗ Thủy tổ vẫn có thể Vọng bái hoặc trực tiếp, tùy điều kiện.
Họ Lương nhà tôi chưa Chi, Ngành nào lập được nhà thờ chi mình, trừ chi Lương Hoàn ở làng Hạ, Chiến Thắng. Cũng vì nghèo nên không gia đình nào trong họ lập Gia từ 家祠 riêng mà đặt bàn thờ Tổ tiên, Thổ công tại gian giữa ngôi nhà đang ở. Năm 1989, 1993 bố tôi là Lương Đức Thân cùng một số gia đình có ý định tạo dựng một Từ đường Lương tộc trên Lào Cai nhưng vì nhiều lí do, chủ yếu là kinh phí nên chưa thực hiện được thì cụ tạ thế sáng thứ Ba ngày 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí).
Sau này, từ 1998 anh em chúng tôi cũng tổ chức được mấy lần song các cháu bận, anh em lại ở xa nhau, kinh tế eo hẹp nên cũng chưa thường xuyên. Ý thức được trách nhiệm của mình, tôi bố trí cung thờ tại Gia từ 家祠 nhà mình (ở An Phong, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai) có chức năng như một cung thờ có nghi thức bái vọng các bậc Gia tiên (H: 家先, A: The ancestors, P: Les ancêtres) của Lương tộc gốc Chiến Thắng (An Lão, Hải Phòng) trong các dịp Giỗ Tổ (Rằm tháng Giêng) hay Tổ Ngành (28/Hai) và cũng đã thực thi được khối việc nhưng sự hưởng ứng của quan viên họ chưa được rộng rãi, phổ biến. Hơn nữa, về vai vế, tôi không phải là “to nhất” trong phái Lương tộc gốc Chiến Thắng (An Lão, Hải Phòng) trên Lào Cai lại ở xa nơi đặt Gia từ (Phong Niên, Bảo Thắng) tới ngót 40 cây số, không chủ động được phương tiện giao thông, bận nhiều việc xã hội chi phối,... nên phần đôn đốc, duy trì cũng có phần kém sát sao !.
Việc lập bàn thờ vọng về cơ bản tương tự cách lập Bàn
thờ Tổ tiên. Nghĩa là: bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ
và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa
đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì
bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Đồ cúng cơ bản không
thể thiếu là hương, hoa (thay mới), chén nước lã (mới), đĩa muối (gia đình tôi từ thời xưa đã không cúng bằng nước mắm), đĩa Trầu Cau. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn tùy mùa, điều kiện, trà rượu,
và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ
dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ... Nếu sắp cỗ mặn phải đặt ở tầng dưới, thấp
hơn và thường chỉ bày 5 bát, 5 đôi đũa, 5 chén uống rượu (đặt sẵn trên ban thờ và cổ nhân ngồi mâm 5, không ngồi đông và lộn xộn như sau này).
Về cách thức bài trí, nếu phòng thờ rộng có thể thờ “tiền Phật hậu Linh”: Bàn thờ Phật ở trước, bàn thờ gia tiên ở phía sau, thấp hơn. Nếu không gian hẹp, thì có thể thờ “thượng Phật hạ Linh”: Bàn thờ Phật ở trên, bàn thờ gia tiên ở dưới (chính giữa hoặc hai bên). Trường hợp nhà cao, rộng có thể thiết lập 3 tầng theo nguyên tắc “Tam tài”: Tầng trên: thờ Phật (Thiên), Tầng giữa thờ Gia tiên (Nhân), Tầng thấp thờ Thần (Địa): Đông Trù tư mệnh, Táo phủ thân quân, Thổ công, Thổ địa.
Ngày
nay ở phố đa phần Ngai thờ và Khám thờ được thay thế bằng Tủ thờ, tủ này có độ
cao ngang mặt đặt sát vách phía trên bày biện đồ thờ tự, phía dưới trong tủ chứa
các vật dụng liên quan rất tiện dụng. Trên nóc tủ có ảnh người được thờ, bộ 3
chén đũa, bộ tách trà... Tủ thờ phía ngoài có một lư hương chính giữa, tiếp đến Tam sơn đặt 3 bát hương (từ ngòai nhìn vào là bát thờ Bà Cô Ông Mãnh, thờ Cộng đồng gia tiên lớn nhất rồi bát thờ những vị tiền bối khiếm tự), hai chân
đèn, bình hoa bên phải,
mâm ngủ quả bên trái (Đông Bình Tây Quả), phía trước có đài và chén đựng nước...Bên dưới là ngăn kê mâm
khi có cúng đồ mặn…Việc xếp đặt đồ Tự khí, di ảnh trên bàn thờ tương tự việc xếp đặt các ngôi mộ ngoài nghĩa địa là the “nguyên tắc chiêu mục”, tức là tả chiêu hữu mục mà hiểu nôm na là “di ảnh đàn ông, nước, hoa,...bày bên Trái, hướng Đông” còn “di ảnh đàn bà, trái quả,...đặt bên Phải, ở hướng Tây.” ! Nhớ rằng “trái, phải là theo hướng nhìn từ phía trong nhìn ra”, nó ngược hướng với người đúng lên, nhìn từ ngoài vào!
Việc lập Bàn thờ vọng chưa có nghi lễ nhất định, mà chỉ là kinh nghiệm truyền cho nhau khoảng đầu thế kỷ XIX tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mà vận dụng, gồm các bước:
- Về quê chính báo cáo gia tiên tại bàn thờ chính.
- Xin phép chuyển một lư hương phụ hoặc mấy nén hương đang cháy giở mang đến bàn thờ vọng rồi thắp tiếp.
Nếu có nhà riêng, tương đối rộng rãi khang trang, thì bàn thờ đặt hẳn một phòng riêng chuyên để thờ cúng cho tôn nghiêm, hoặc kết hợp đặt ở phòng khách, nhưng cao hơn chỗ tiếp khách.
Nếu đặt bàn thờ gia thần riêng, thì bàn thờ gia tiên, bàn thờ vọng phải đặt thấp hơn bàn thờ gia thần một ít. Dù thế nào cũng cần đặt bàn thờ vọng về hướng về quê chính, để khi mọi người thắp hương, vái lạy thuận hướng vái lạy về quê. Trường hợp mới ra riêng lập Tủ thờ để giỗ cho người nào thì đặt Di ảnh của người đó. Thờ như vậy là tưởng nhớ Tổ Tiên chứ không phải là Thờ vọng.
Dù cách nào, kiểu gì thi khi khấn cúng đều là Chính niệm (H: 正念, A: The true thought, P: La vraie pensée), tưởng nghĩ những điều chân chính chứ không phải là Vọng niệm (H: 妄念, A: The vain thought, P: La vaine pensée) tức là không tưởng nghĩ những điều sai trái, bậy bạ.
Việc sắp đặt đồ tế khí trên Bàn thờ tại Gia đường trên Lào Cai chúng tôi xếp đặt theo nguyên tắc chung và không có Bài vị (H: 簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt) của một vị tổ tiên cụ thể nào bởi họ tên, quê quán thì biết nhưng không rõ năm sinh, ngày mất, chức tước của tiền nhân. Có đặt di ảnh của Ông Bà Nội và Bố đẻ tôi. Cũng bài trí theo nguyên tắc chung và có 2 tầng cùng một bàn thấp di động: tầng trong cùng, cao nhất đặt Ngai thờ và Di ảnh ông bà nội (do tôi phục chế); Tầng giữa đặt đồ tự khí cùng Di ảnh phụ thân; bàn thấp bên dưới đặt lễ mặn khi cúng.
Sát tường hậu treo một Cuốn thư cùng Tranh thờ 2 cặp Câu đối; Tường 2 bên có treo phả đồ (Đại tôn và Dòng nhà tôi). Tất cả Hoành phi, Câu đối, Tranh thờ, Phả đồ đều do tôi tự vẽ bằng phần mềm Photoshop, Corel (phù hợp với kích thước cung thờ, có tính đến Phong thủy Lỗ Ban) rồi in bạt (chưa có điều kiện khắc gỗ), vào khung và treo, dán lên.
Vài lời tâm sự đã nêu là trên cơ sở thu nhận kiến thức từ sách vở, kinh nghiệm từ gia đình và chỉ bảo, góp ý của anh em, bà con từng tiếp xúc, trao đổi. Tôi chép ra đây để tự răn nhắc mình và truyền dạy cho con cháu mình! Ai nghiên cứu thấy hợp mà áp dụng và áp dụng được, tạo hiệu quả lớn thì người soạn, lưu, phổ biến việc này cũng lấy làm hoan hỉ lắm!
-Người trải nghiệm, biên soạn: 0913089230-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!