Ngày 03/7/2006 tức Thứ Hai ngày 09 tháng 6 Bính Tuất thân phụ Chánh Thanh tra Công an tỉnh Lào Cai (Phạm Thiện) là cụ Phạm Văn Nghiêm từ trần. Theo yêu cầu của gia đình và Ban tang lễ tôi đã viết Điếu văn và do Mai Tiến Đức (nguyên Trung tá CSND đã về hưu, Tổ trưởng dân phố) đọc.
Kính thưa: Hương hồn Cụ Phạm Văn Nghiêm.
Kính thưa: Lãnh đạo các đoàn thể Tổ dân phố số 31 và các đ/c đại diện lãnh đạo các ban ngành của Phường Kim Tân, T.fố Lào Cai và tỉnh Lào Cai.
Kính thưa: Ban tang lễ và gia đình hiếu chủ.
Kính thưa: Toàn thể bà con trong tang trường.
Kính thưa: Lãnh đạo các đoàn thể Tổ dân phố số 31 và các đ/c đại diện lãnh đạo các ban ngành của Phường Kim Tân, T.fố Lào Cai và tỉnh Lào Cai.
Kính thưa: Ban tang lễ và gia đình hiếu chủ.
Kính thưa: Toàn thể bà con trong tang trường.
Hôm nay, trong giờ phút buồn đau và thương xót này, chúng ta tập trung tại đây để vĩnh biệt một con người. Đó là Cụ Phạm Văn Nghiêm !
Cụ Phạm Văn Nghiêm sinh ngày 6/1/1924 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Tự Cường, xã Tam Cương, H. Tam Nông,T. Phú Thọ.
Dưới chế độ cũ, như bao nhiêu con em gia đình nghèo khó khác, ông không được đi học.Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám ông tham gia Tự vệ chiến đấu cùng nhân dân địa phương khởi nghĩa giành và giữ chính quyền tại quê hương.Vào tuổi 24, ông được giác ngộ và thoát li gia đình làm giao thông liên lạc. Do lòng trung kiên và tinh thần hăng hái, ý chí tự học vươn lên, ông đã được kết nạp vào Đảng ngày 04 tháng 7 năm 1948 tại Chi bộ Ban Giao thông Khu uỷ Khu 10. Những ngày sau đó ông công tác tại Nha Bưu điện Hà Giang. Khi Lào Cai Giải phóng trong Chiến dịch Lê Hồng Phong, ông được điều động bổ xung cho Bưu điện Lào Cai. Từ đây cuộc đời công tác của ông gắn bó liên tục với mảnh đất Lào Cai, nơi phên dậu miền Tây Bắc của Tổ quốc. Đầu những năm 50 của thế kỉ trước, từng được tin cậy giao nhiệm vụ Trưởng phòng Bưu điện Bảo Thắng, phụ trách Công đoàn Bưu điện Lào Cai, Trưởng phòng Bưu điện Sa Pa, Phong Thổ rồi là Kiểm soát viên đường thư của Bưu điện Lào Cai, tham gia tiễu phỉ tại Bắc Hà. Sau đó ông công tác tại cơ quan tổ chức thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh Lào Cai và được cơ quan bố trí đi học văn hoá và nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ. Đến 7/1964 được đề bạt là Trưởng phòng Hành chính quản trị Uỷ ban hành chính tỉnh Lào Cai. Sau đó ông làm việc trong Cơ quan Tổ chức chính quyền tỉnh Lào Cai. ở cơ quan hay lĩnh vực công tác nào, ông cũng liên tục được tín nhiệm bầu tham gia Cấp uỷ. Khi đất nước thống nhất, nhiều Nông trường được thành lập. Ông được giao nhiệm vụ Bí thư Đảng uỷ Nông trường Phong Hải. Đây là những tháng năm ông đã cùng tập thể Ban lãnh đạo Nông trường khắc phục mọi thiếu thốn, tháo gỡ khó khăn để từng bước đưa sản xuất của Nông trường và đời sống Công nhân dần thoát khỏi những gian khổ, tạo tiền đề vững chắc cho những bước tiến trong thời kì đổi mới tiếp theo. Đến tháng 10/1985, vào tuổi 61 ông được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. Từ đây ông có thời gian rảnh hơn thăm nom con cháu từ Nam ra Bắc và sinh hoạt gần gũi trực tiếp với bà con khối phố.
Để ghi nhận lòng kiên trung, tinh thần tận tuỵ, và những đóng góp của ông với Cách mạng, với tỉnh Lào Cai, ông đã được Tỉnh đội Lào Cai, UBHC tỉnh Lào Cai, Khu Tây Bắc, Liên hiệp Công đoàn đã tặng ông nhiều Bằng, Giấy khen, Kỉ niệm chương và Đảng Nhà nước tặng HCKC Chống Pháp hạng Ba, HCK Chống Mĩ hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Kính thưa hương hồn Cụ Phạm Văn Nghiêm !
Công lao đóng góp của ông đã được Đảng, Nhà nước, Chính quyền, đoàn thể các cấp ghi nhận, tuyên dương. Nhưng cái lớn nhất của ông để lại là tấm gương về lòng trung thành, tính khiêm tốn, ham học, thương người và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn về mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những lão thành Cách mạng trong ngành Bưu điện, tổ chức của Lào Cai ngày nay vẫn nhớ và kể về ông những chuyện dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, gian khó trong những ngày chống Pháp, tiểu phỉ, khôi phục kinh tế ở Lào Cai. Lớp lớp cán bộ công nhân Nông trường Phong Hải đến giờ vẫn nhớ và truyền cho nhau nghe nhiều chuyện cảm động về người Bí thư Đảng bộ liêm khiết, thương và sâu sát với công nhân, cùng họ tháo gỡ khó khăn trong những ngày mới thành lập.
Kính thưa các đ/c lãnh đạo, thưa toàn thể bà con !
Người xưa từng nói: "Trên nối nghiệp tổ tiên truyền lại, Dưới nêu gương con cháu noi theo". Cuộc đời ông và bà Lê Thị Nhựa đã giữ được nếp nhà, dấn mình đóng góp cho dân cho nước và nuôi dạy cháu con. Ông, bà sinh được 4 con: 2 trai, 2 gái. Cụ bà do mắc bệnh đã ra đi năm 1996 cũng trên mảnh đất biên cương gắn bó cả thời thanh xuân này. Các con trai gái của ông bà đều đã trưởng thành. Hai con gái, từ mảnh đất Lào Cai đã cố gắng vượt khó giành trình độ Đại học và trên Đại học công tác trong ngành Y và giảng dạy Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Hai con trai của các cụ đều công tác trong lực lượng vũ trang, từng lăn lộn trong chiến trường Khu Bốn bom đạn trong những năm chống Mĩ và nay là những Sĩ quan Trung, Cao cấp, những lãnh đạo có kinh nghiệm, bản lĩnh và được tin tưởng của các phòng Nghiệp vụ tại Công an tỉnh Lào Cai và Công an tỉnh Yên Bái. Các con dâu, con rể của cụ đều là những Đảng viên, những cán bộ mẫu mực có trình độ chuyên môn cao, lãnh đạo có tín nhiệm công tác trong Quân đội, Sản xuất, Kinh doanh, Y tế và Tài chính ở Trung ương và các tỉnh.
Gốc rễ bền sinh cành rợp bóng, nguồn rộng sâu tạo dòng chảy không ngừng. Cụ đã có 5 cháu nội, 5 cháu ngoại và một chắt. Nối tiếp truyền thống cha ông, các cháu đều là những con ngoan, trò giỏi. Có cháu đã trở thành chiến sĩ CAND nối nghiệp gia đình.
Trở lại Lào Cai từ giữa năm 2006, ông thấy bao phấn khởi về những thay đổi nơi đây. Nhưng tuổi cao, bệnh trọng đã không cho ông được chứng kiến tiếp những đổi thay chắc sẽ còn to lớn hơn. Vào lúc 1 giờ 5 phút đêm mồng 2 tháng 7 năm 2006 tức là ngày mồng 8 tháng 6 năm Bính Tuất, trái tim Cụ ngừng đập sau một cơn đau đột ngột tại nơi Cụ từng gắn bó 35 năm đời công tác trong vòng tay yêu thương, kính trọng và đau nhớ của cháu con, họ mạc. Cụ hưởng thọ 84 tuổi.
Kính thưa hương hồn cụ Phạm Văn Nghiêm !
Trong giờ phút biệt ly, Cụ về âm giới mãi xa xăm, chúng tôi trên dương trần luôn tưởng nhớ.
Từ nay: Vắng ông trong chuyện trò thế sự, còn đâu lời khuyên bảo lúc cam go.
Vẫn biết là quy luật sao lòng thắt khôn cầm. Dù hiểu không tránh khỏi mà vẫn đau trong dạ.
Cụ đã đi xa, nhưng: Nhà nước ghi công người phụng sự. Xóm làng học tập đức bền gan.
Các con cụ đau một nỗi: Nghĩa sớm hôm ấp lạnh quạt nồng, Tơ tóc những hiềm chưa báo trả. ơn nuôi nấng áo dầy cơm nặng, Biển trời khôn xiết mấy công lao. Nay Hiếu tử hãy còn lưu lị sở, mà phụ thân đã vội lánh trần.
Người cùng công tác với ông buồn đau vì: Hậu sinh mất tiền nhân mẫu mực; Đồng đội thương tiếc bạn đồng cam.
Chúng tôi, xóm phố cảm phục ông: Sống tận tuỵ mọi người yêu quý; Chết thuỷ chung, con cháu tiếc thương.
Sớm tối nào quên niềm ái mộ. Tháng ngày khôn xiết nỗi bi ai.
Nhưng « Sinh kí, tử quy », Thuốc trường sinh, cầu Vương Mãng chưa trao. Bút chú tử, trách Nam Tào sớm định.
Ôi thôi thôi !, đã đến giờ vĩnh biệt:
Cầu vong linh cõi tiên cảnh nhàn du, Yên thân xác đặt nơi tĩnh thổ.
Chốn âm giới vong về an nghỉ. Nơi dương trần luôn nhớ khói hương.
Vĩnh biệt Cụ, xin vong tin tưởng. Gương soi rồi Tâm sẽ sáng hơn.
Cảm tạ bà con cô bác, họ mạc xa gần, lối xóm cận lân, anh em đồng chí, bạn bè liên gia và các cấp lãnh đạo đã đến phúng viếng, chia buồn và có lời phân ưu tha thiết.
Trước lúc di quan, trong giờ truy điệu, đề nghị một phút mặc niệm !
Xin vĩnh biệt!
Đại diện Ban Liên lạc họ Phạm ơe xã Tam Cương đã đem một phiên bản Điếu văn về đặt tại Từ đường dòng họ.
Trả lờiXóa