[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 8 2009

1.3. Hiểu biết chung về GIA PHẢ


Gia đình là nơi thường ngày những người cùng chung máu mủ quây quần sum họp. Nhưng sợi dây thân ái đó chỉ có thể duy trì trong một giới hạn nhất định rồi tự nó sẽ phai nhạt dần khi những người trong gia đình phân tán ra nhiều ngành. Nhiều đời về sau, con cháu càng đông thì càng không thể nào biết hết được tổ tiên các đời trước và mối quan hệ thân sơ giữa những người cùng thế hệ. Do đó Việc họ 族事 rất quan trọng, nó gồm nhiều phần việc khác nhau mà quan trọng là: Giỗ Tổ 忌日肇祖, xây Từ đường 造祠堂, soạn, ghi chép Gia phả 撰家譜, chắp nối họ mạc 寻族氏…Trong đó chép phả là việc cần nhất và phải có được sự chung tay của nhiều người, nhiều thế hệ.
Trong những ngày rảnh rỗi cuối năm 2010 đọc lại bài này thấy có nhiều điểm cần chỉnh sửa, bổ sung. Định xoá đi viết lại nhưng nghĩ lại cứ để vậy và bài mới sẽ gửi thành các bài nhỏ dần.

3.1. Khái niệm về GIA PHẢ:

Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu:

- Gia là; 1 : Ở. 2 : Chỗ ở (nhà). 3 : Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. 4 : Ở trong một cửa gọi là một nhà. Như gia trưởng 家長 người chủ nhà, gia nhân 家人 người nhà, v.v. 4 : Có cái học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia. Như văn học gia 文學家, nhà văn học, chính trị gia 政治家 nhà chính trị, v.v. 5 : Tự xưng người tôn trưởng của nhà mình cũng gọi là gia. Như gia phụ 家父 cha tôi, gia huynh 家兄 anh tôi, v.v. 6 : Giống gì nuôi ở trong nhà cũng gọi là gia. Như gia cầm 家禽 giống chim nuôi trong nhà, gia súc 家畜 giống muông nuôi trong nhà.

- Phả là; 1: Phả, sổ chép về nhân vật và chia rành thứ tự. Như gia phổ 家譜 phả chép thế thứ trong nhà họ. 2 : Niên phổ 年譜 phả chép các người cùng tuổi hay cùng đỗ một khoa. Người cùng họ gọi là đồng phổ 同普. Vì thế nên anh em kết nghĩa cũng gọi là phổ huynh đệ 譜兄弟. 3 : Các khúc âm nhạc phải chế ra phả để làm dấu hiệu. Vì thế nên khúc hát gọi là phổ. Ta quen đọc là phả.

Vậy, Gia phả (H: 家譜, A: The genealogical register, P: Le régistre généalogique) là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, vai trò, lai lịch và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ ... trong thời đại mà họ đã sinh ra và lớn lên của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có thể được coi như một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Các nhà Tông thất (dòng dõi vua quan), có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn: Ngọc phả, Thế phả...

Môn học nghiên cứu về gia phả là gia phả học. Gia phả học 家譜学 là môn học nghiên cứu về gia phả. Môn học này đang được phát triển ở khắp nơi trên thế giới. Lý do là ngày càng có nhiều người trong xã hội, trong gia đình nhận thấy gia phả là tài liệu quý báu cho nhiều ngành học. Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. Nó còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học. Một lý do nữa là với tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật ghi chép, sưu tầm những tin tức, tra cứu lịch sử ... càng ngày càng thuận lợi hơn.

Thế giới, rất nhiều nước đã có hội Phả học, có các viện nghiên cứu phả học. Họ cho ra đời rất nhiều công trình có giá trị, tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn. Năm 1991 một cuộc Hội nghị tộc phả học thế giới được tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc với sự tham gia của các học giả đại diện cho hơn 180 nước, Việt Nam ta không có người tham dự chính thức. Nền phả học nước ta chưa hề có một công trình nào đáng kể ngoại trừ công trình của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (ông quê Bắc Ninh). Cuốn Gia phả - khảo luận và thực hành của Dã Lan được xuất bản ở Sài Gòn năm 1960. Gần đây, trong khi tìm tư liệu để viết Gia phả Luơng tộc tôi có thấy một số quyển do Tân Việt hay một số tác giả khác viết nhưng chủ yếu là hướng dẫn cách chép, dịch Gia phả. Trên Website có trang www.giaphavietnam.vn rất hay nhưng ít người truy cập được.

Chép Gia phả 記家譜 là cách duy nhất giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi người đó sinh ra trước và đó chết trước mình bao nhiêu đời. Trong một dòng họ, theo cổ truyền, thường quan tâm nhiều đến tình máu mủ ruột thịt trong phạm vi 9 đời (Cửu tộc 九族, tức khoảng 200 năm). Tính từ trên xuống là: Cao tổ (高祖 Kị) Ø Tằng tổ (曾祖 Cụ) Ø Tổ ( 祖 Ông, Bà) Ø Phụ, Mẫu (父母 Cha, Mẹ) Ø Ngã (Bản thân,我)Ø Tử (子 Con) Ø Tôn (孫 Cháu) Ø Tằng tôn (曾孫 Chắt) Ø Huyền Tôn (玄孫 Chút). Trên Cao tổ gọi chung là Thủy Tổ 始祖, Viễn Tổ 遠祖 và hàng dưới Huyền tôn gọi là Viễn tôn 遠孫.

Việc phổ biến gia phả giới hạn trong vòng gia đình, tông tộc hay mở rộng ra trên Internet cho công chúng trong phạm vi rộng khắp đã làm cho nhiều người băn khoăn về vấn đề bí mật cá nhân. Lợi điểm của việc phổ biến rộng rãi là nhiều người có dịp đọc đến có thể tìm ra một sự nối kết, có ý hướng sử dụng nó vào những mục đích nghiêm chỉnh - hướng thiện, như bổ sung kiến thức cho văn hóa, cho lịch sử.

3.2. Nguồn gốc và Ý nghĩa của GIA PHẢ

Nguồn gốc Gia phả 家譜: Nhân số tăng, lãnh thổ bành trướng, dân trung tâm hội nhập văn hóa và đồng hóa với các sắc tộc khác nhưng văn hóa nông nghiệp nền tảng của Việt tộc vẫn luôn trội bật. Do đó, tổ tiên ta đã nghĩ lập ra “sổ điền” cốt để kiểm kê nhân và dân số hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng nóc gia. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia đình. Về sau thêm “sổ đinh” hoặc “sổ bộ”, ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình. Rồi từ “sổ bộ”, mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. Ðó là nguồn gốc của gia phả.

Nếu lịch sử là quá khứ và nền tảng của một dân tộc thì gia phả là lịch sử hình thành và phát triển của gia tộc, giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, gia tộc và ngoài xã hội. Dòng họ, hay đơn giản hơn, mỗi Chi, Ngành hay từng Gia đình đều có lịch sử, có nguồn gốc, có nguyên quán, nơi sinh sống, có họ mạc.... Những điều ấy được ghi trong Gia phả (家譜,世譜). Như thế Gia phả là lịch sử, là Gia Bảo của mỗi gia đình, là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết con cháu một dòng họ lại với nhau. Mối tương quan này không những chỉ quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà cũng quan hệ cả đến tương lai nữa. Cũng như nước phải có Quốc sử, gia tộc phải có Gia phả:

皇图巩固國有史書 Hoàng đồ củng cố, Quốc hữu Sử thư,
祖德流徽家存譜志 Tổ đức lưu huy, Gia tồn Phả chí !

Gia phả là cuốn sách ghi lại nguồn gốc Gia tộc, họ hàng, những người từ thân đến sơ, từ sơ đến xa để nối liền các mối quan hệ thân thuộc.Trong đó mỗi thành viên được ghi rõ ngày tháng Sinh, Tử; Quê quán, Mộ phần, Thân thế, Sự nghiệp…Có Gia phả Đại tôn (ghi về tông tộc của một dòng họ, khoảng từ 10 đời trở lên) và Gia phả Tiểu chi (ghi một chi nhánh họ trong phạm vi Cửu tộc).

Như nhà “gia phả học” Dã Lan Nguyễn Đức Dụ: “Nếu như sử là gốc của một nước thì phả chính là gốc của một nhà”. Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. Nó còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học nữa.

Tại các nước Đông Á, chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, các thế hệ sau trong dòng họ hay vương triều phải giữ "Đạo Trungm Hiếu". Việc xây dựng và lưu truyền gia phả được xem là một cách ghi nhớ công ơn tổ tiên, gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc.Tại Trung Quốc, gia phả đã xuất hiện dưới dạng thức 世本 “thế bản” từ thời nhà Chu (111-256 tCn) . Nhưng đến thời Nguỵ, Tần mới phát triển mạnh. Cuốn “Khổng tử thế gia phổ” 孔子世家譜 được công nhận và cuốn Gia phả dài nhất thế giới (82 đời). Ngay từ thời Minh, hậu duệ của Khổng tử cứ 30 năm tiến hành Tiểu tu và 60 năm một lần Đại tu[1] .

Tây phương, người ta có tập tục làm cây phả hệ, tương tự như Tông đồ của người Hoa hay người Việt, đến Gia phả, đặc biệt các dòng họ vua chúa, quý phái. Do đó thế giới đã hình thành nên bộ môn Gia phả học (Génealogie) và từng tổ chức Hội nghị quốc tế ở Xơ Un, Hàn Quốc 1991 và Mandrít, TBN vào năm 1995.

Mục đích của Việc làm gia phả của người người xưa nhằm trước hết, giúp người ta nhớ ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Sau đó, là cho con cháu biết nguồn gốc gia tộc từ đâu đến đâu, họ hàng trên dưới xa gần ra sao. Nhờ có gia phả mà con cháu các đời sau mới hiểu ngọn ngành, tông chỉ nhà mình. Người xưa quan niệm: trong một nhà một họ mà gốc rễ không tường tận, thì trong con cháu thường xảy ra những chuyện có hại cho gia đạo.

Gia phả không chỉ quan tâm đến nguồn gốc, giỗ Tết, mà nó còn chứa đựng nhiều nghĩa lý sâu xa, khuyên răn việc thiện, việc nghĩa ở đời, nhờ vậy mà trong họ giữ được tình hoà hiếu lâu dài. Chỉ có cách chép gia phả mới giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi người đã sinh ra trước họ và đã chết trước họ bao nhiêu đời. Bởi vậy, gia phả là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết hết thảy con cháu của một dòng họ lại với nhau. Mối tương quan này quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà còn quan hệ cả đến tương lai nữa.

Đi xa hơn, việc chép gia phả còn ảnh hưởng tới cả quốc gia, góp phần làm phong phú lịch sử nước nhà, bởi lịch sử quốc gia chính là lịch sử của nhiều gia đình, dòng họ đúc kết lại. Chính những nhân vật có tên tuổi lưu danh trong sử sách là nhờ vào gia phả của gia đình, họ được lưu truyền tới các thế hệ mai sau.

3.3. Tình hình chép GIA PHẢ nước ta:

Ở Việt Nam, theo lịch sử biên chép thì gia phả sơ giản ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và địa điểm an táng của ông cha và có thể đã xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp (士燮, 137-226) làm Thái thú ở Giao Chỉ từ năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc), hoặc gần hơn tức là từ thời Lý Nam Đế (khoảng nǎm 476-545).
Nhưng phải đến thời nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả (ghi cả thế thứ, tông tích toàn họ), phả ký (ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên) mở đầu là cuốn Hoàng Triều Ngọc điệp 皇朝玉牒 của Lý Thái Tổ (李太祖公蘊, 1026). Chính nhờ đọc Gia phả còn lưu giữ được mà ông Lý Xương Căn (ở Lý Hoa Thôn bên Hàn Quốc) biết mình là hậu duệ của các vua nhà Lý nổi tiếng vốn quê ở Đình Bảng, Cổ Pháp nước Đại Việt[2] đã tìm về bái Tổ (1997) và lập nghiệp tại Việt Nam (2006). Những dòng họ Vua Chúa, Khoa bảng, quan lại được ghi chép, lưu giữ cẩn thận. Có thể kể đến: “Hoàng triều ngọc điệp” của nhà Lý, “Hoàng tông ngọc điệp” của nhà Trần, “Hoàng Lê ngọc điệp” của nhà Lê...hay các cuốn Tộc phả như “Văn xá Lê tộc thế phả” (do Lê Hữu Mưu biên soạn), “Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả” (do Nguyễn Nghiễm biên soạn), “Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả” (do Phạm Đình Hổ biên soạn), v.v. Còn với các dòng họ thường dân khác thường ít được soạn chép, lưu truyền. Đến thời Minh Mạng (1820-1840), Triều đình ra một đạo luật có 10 điều huấn dụ, khôi phục Thuần phong mĩ tục 厚風俗 thì việc soạn Gia phả mới được các dòng họ quan tâm, chú ý.

Theo ông Lương Danh Môn (vietnamgiapha) thì Gia phả Lương tộc Thanh Hóa viết bằng chữ Hán với Thủy tổ là Lương Đắc Bằng truyền đến đời cụ Lương Ngọc Thụ thì bị thất lạc. Lúc nhỏ, ông Lương Danh Môn đã được nhìn thấy cuốn gia phả đó và được nghe cụ Lương Ngọc Thụ dịch ra quốc văn, và sau này ông Lương Danh Môn đã ghi chép những điều còn nhớ được. Trong Phả hệ phần con cháu Lương Hữu Khánh còn để trống với lời chú: “nhiều thế hệ sau chưa rõ, sẽ bổ túc sau” và tiếp nối bằng việc ghi chép về cha của cụ Lương Ngọc Thụ. Không hiểu trong Gia phả Lương tộc đó và Gia phả ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng có ghi rõ việc 1 chi ở ngoài Hải Phòng không ?

Tục làm gia phả phát triển mạnh ở hai miền Bắc và Trung, trong Nam rất ít gia đình làm gia phả ở đấy còn được gọi là “gia phổ” và biến thái thành “tông chi” tức tờ “tông chi tông đồ” cốt để phân phối gia tài hơn là để phân chia ngành ngọn của gia đình. Một vài gia phả sớm nhất ở ta hiện còn giữ được từ thế kỷ 16-17 nhưng phần lớn là được lập từ thế kỷ 18-19 hay đầu thế kỷ 20.

Những năm 1945-1975, do chiến tranh, cuộc sống gian khó nên có thời gian việc họ (trong đó có chép Gia phả) bị sao nhãng.

Sau những năm tháng cam go, Việt Nam vào thời bình trị, ổn định, mọi mặt KT-CT-XH đều phát triển theo chiều hướng tích cực. Do đó việc khôi phục truyền thống văn hoá lâu đời đã bị xâm hóa nghiêm trọng sau những thời thăng trầm của đất nước là cần thiết và việc họđược khơi dậy và ngày càng được quan tâm hơn.

Giữ gìn và phát huy gia phả là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu. Nhiều họ, ngành, gia đình đã bắt tay vào việc sưu tầm, dịch, chắp nối, xây dựng Tộc phả, Gia phả. Những dòng họ lớn, nhiều người đỗ đạt cao còn gây dựng Gia phong 家風 và soạn ra Gia huấn 家訓, hoặc chép lại những bí quyết nghề, những bí mật của dòng họ hay sưu tầm những di cảo của những nhà văn, nhà thơ hoặc đơn giản chỉ là lời dặn, sự việc trong họ để lại cho đời sau. Đặc biệt khi mà UNESCO lấy ngày 15/5/1994 làm Ngày Quốc tế gia đình và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6/2001 là Ngày Gia đình Việt Nam thì vấn đề tìm lại, soạn Gia phả ở Việt Nam được quan tâm, chú ý rộng rãi hơn.Theo trào lưu chung, đối với mọi người, nhất là với những người xa quê việc tìm về cội nguồn là cần thiết và bức xúc nhằm biết được gốc tích, quan hệ trên dưới, thân sơ...biết ngày giỗ, nơi đặt mồ mả và công tích của tiền nhân.

3.4. Chuyện cảm động về Gia phả:

Những mối liên hệ về dòng tộc sau 5-7 đời thường hay bị quên lãng hoặc đứt quãng nên về sau. Vẫn biết Gia phả bị thất lạc, trong một họ không tường gốc rễ, chẳng rõ thân sơ thì dễ xẩy ra những chuyện có hại cho gia đạo. Nhưng do nhiều nguyên nhân: trước kia Gia phả viết bằng chữ Hán 漢字, chữ Nôm ��喃, ít người biết đọc và theo lệ cổ, Gia phả chỉ lưu ở nhà Trưởng họ 族長 và chép theo trực hệ 直系 từng Chi 支派, chủ yếu là ngành Trưởng 長房 lại được giữ kín, mỗi dịp đọc hay xem Gia phả rất nhiều thủ tục nên ít được phổ biến. Thêm vào đó, qua bao thăng trầm của lịch sử, của dòng tộc, từng Chi và mỗi cá nhân, do “Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc” 水火盜賊 làm cho Gia phả đã mất là thất lạc luôn. Đó là chưa nói đến việc vì lý do chính trị mà nhiều dòng họ, để tồn tại phải dấu hay đốt Gia phả hoặc phải lưu truyền khác so với sự thực.

Thực tế và trên phương tiện thông tin đại chúng kể nhiều chuyện về dòng họ có kinh nghiệm và ý thức ghi chép và truyền giữ gia phả liền hơi từ đời này sang đời khác. Chuyện kể từ Hải Lăng - Quảng Trị: Phả được cuộn lại, cất trong một ống quyển dài tới tận 70cm, to bằng cái phích nước, treo cạnh bàn thờ họ. Điều đáng nói là luôn luôn, cái “ống quyển” đặc biệt đó được treo một cách lỏng lẻo nhất để đề phòng bất kỳ lúc nào có sự cố cũng có thể kịp gỡ ra mang đi ngay. Lặn lội đưa cái “ống quyển gia bảo” ấy từ Quảng Trị ra Hà Nội để tham dự cuộc trưng bày và kể: chỗ bọn tui, khi cháy nhà, việc đầu tiên người ta chưa lo cứu đồ đoàn, tiền bạc mà lo trước nhất là cứu cái ống quyển này. Cả khi bom đạn, tản cư cũng thế...

Cẩn thận hơn, họ Lê ở Nghệ An còn cho chép gia phả làm 6 bản. Sự cẩn trọng quả không thừa: Sau 60, 70 năm, nay chỉ còn lại một bản. Nhiều dòng họ, hễ khi có biến động, lại đem cất gia phả vào chum, chôn xuống đất.

Gia phả họ một dòng người Tày ở bản Giạ (Xuân Nam, Văn Quan, Lạng Sơn) do ông Hà Đức Thận viết năm 1714 có ghi ông tổ vốn người huyện Thanh Oai, theo Lê Lợi khởi nghĩa lập nhiều công lớn rồi được phong đô đốc, về trấn thủ ải Nam Quan. Hàng trăm gia đình người Tày này hiện đang sống tại Văn Quan. Lần theo chỉ dẫn của gia phả, họ đã tìm thấy mộ tổ và những người cùng dòng máu xa xưa tại xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Tây.

Cuốn phả hệ bằng vải đồ sộ dài 5,7m, rộng hơn 2m của họ Đàm ở Hà Nội cho hay: Nhiều người Tày hiện nay ở Cao Bằng lại là vốn gốc họ Đàm ở Hải Dương. Trong đó, có Thượng tướng Đàm Quang Trung. Cũng nhờ việc tra cứu, chắp nối gia phả dòng họ bằng những cuốn gia phả vượt thời gian này mà nhiều dòng họ ngày nay đã tìm được về với cội nguồn sâu rộng của mình. Họ Mạc trải qua hàng thế kỷ phân ly phải thay tên đổi họ, nay đã tập hợp được hơn 300 chi họ từ những người mang tên họ khác nhau như: Bùi, Hoàng, Trần, Phan, Phạm, Nguyễn, Vũ...Do vậy nhiều người họ Lều ở Thanh Trì - Hà Nội ngày nay lại thờ tổ tiên là cụ Mạc Đĩnh Chi...

Cũng qua nghiên cứu Gia phả mà giới sử học ngay nay đã kết luận được rằng hậu duệ của vị Vua khai sáng nhà Tiền Lê (前黎市,980-1009) là Lê Hoàn 黎桓,980-1005) đã tiếp bước ông cha đóng góp nhiều vào những trang lịch sử chói lọi của dân tộc. Chính sử và Gia phả ghi nhận Lê Đại Hành 大行皇帝 có 11 người con trai. Một trong những người cháu của ông sinh ra Lê Khâm 黎欽, người từng phò giúp nhà Trần buổi khai cơ và được Trần Thái Tông (陳太宗煚,1225-1258)phong tước Khuông quốc Thượng tướng quân Thượng vi Hầu. Con trai Lê Khâm là Lê Tần 黎秦 có tài thao lược giúp nhà Trần chống quân Nguyên, từng cứu Trần Thái Tông thoát hiểm trong trận Bình Lệ (1257) nên được ban Quốc tính (cải họ Trần) và đời sau gọi ông là Lê Phụ Trần 黎輔陳. Cảm cái ân, cái dũng ấy mà Thái Tông Cảnh đã đem Công chúa Chiêu Thánh Lý Phật Kim 昭聖公主佛今 (tức vị nữ vương cuối cùng của nhà Lý là: Lý Chiêu Hoàng李昭皇,1224-1225) gả cho ông (1258). Cuộc hôn nhân muộn này đã sinh ra Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng 陳平仲 với câu nói nổi tiếng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” khi sa vào tay giặc Nguyên ở khúc Thiên Trường (20/2/1285) và cháu của họ, tức con gái Bình Trọng lấy vua Anh Tông 英宗陳拴,1293-1314) sinh ra Hoàng tử Mạnh, tức Trần Minh Tông (明宗陳孟,1314-1329). Một trong những hậu duệ của Bảo Nghĩa vương là Thượng tướng Trần Khát Chân, sinh ngày Tân Sửu, tháng Chạp, năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370). Năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành vào cướp Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đem quân đi chống cự. Bị thua, Quý Ly trốn về Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bèn sai Trần Khát Chân làm tướng đem quân đi chặn đánh giặc đang theo đường sông Hồng tiến về Thăng Long. Ông “vâng mệnh, khảng khái rỏ nước mắt lạy tạ rồi ra đi”. Quân Đại Việt đến Hoàng Giang thì gặp địch. Ông liệu nơi ấy không thể đánh nổi nên rút lui về phục binh ở ngã ba sông Hải Triều và sông Nhị Hà. Ngày 23 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), thuyền địch đi qua đấy, ông tập trung hỏa pháo bắn vào thuyền vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga. Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm tan tác, vội rút về nước không dám gây sự nữa. Chiến công này đã cứu Thăng Long khỏi tai họa bị tàn phá. Ông được phong làm Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng, tước Vũ tiết quan Nội hầu và được ban thái ấp ở vùng Kẻ Mơ, phía nam kinh thành Thăng Long. Năm 1399, thấy Hồ Quý Ly chuyên quyền, giết vua Trần Thuận Tông, ông cùng một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc). Việc bị bại lộ, hơn 730 người bị giết. Người đời truyền rằng khi sắp bị chém, Trần Khát Chân gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày sắc mặt vẫn như còn sống. Tại nơi ông bị hành hình, sau có đền thờ ở làng Phương Nhai và ở sườn núi Đốn Sơn. Ba tổng Cao Mật, Bỉnh Bút, Nam Cai có tới 29 làng cúng tế. ở Thăng Long, dân vùng Kẻ Mơ cũng lập đền thờ, tạc tượng đá, dựng bia ghi nhớ công đức của ông. Hiện nay, ở Hà Nội có đường phố mang tên Trần Khát Chân. Như vậy, sự kết hợp hai dòng họ tiền triều Lê-Lý (黎氏,980-1009-李氏,1010-1225) đã sinh ra Danh tướng và Mẫu nghi thiên hạ và là bên ngoại của vị Vua nhà Trần thứ 5.


Có nhiều cách soạn Gia phả: Soạn theo hệ thống Ngang (橫系,người cùng đời chép chung trong một mục); theo hệ thống Dọc (纵系,từ Cụ Tổ ngành Nhất đến con cháu hậu duệ của Cụ sau đó tiếp đến Cụ Tổ và các thế hệ hậu duệ của ngành Hai...) hoặc theo cách lập Phả đồ 譜图 hay đơn giản hơn là lập Danh sách con cháu trong họ...Mỗi cách có điểm thuận, điểm khó cho người soạn và người đời sau bổ xung hay tìm đọc khác nhau. Theo tôi, tốt nhất trình bày vừa theo Hệ thống Ngang (với những người trực hệ), có kết hợp với Hệ thống Dọc (những người không trực hệ với người soạn).Soạn Gia phả cũng như làm sử phải trung thực. Những gì có tư liệu thành văn thì tuyệt đối tôn trọng các văn bản đó. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các văn bản tôi cố gắng đối chiếu với lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương, chuyện về các Danh nhân liên quan và với tộc khác liên quan.

3.5. Nội dung của GIA PHẢ:
Gia phả hoàn chỉnh trước hết phải là một gia phả được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương và bao gồm những phần sau đây:

1-Thông tin về người sao lục (biên soạn) là ai, tên gì, thuộc đời thứ mấy, triều vua nào, năm nào… và tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng.

2- Lời tựa ghi được nguồn gốc xuất xứ của thủy tổ có cứ liệu thành văn (chính sử, gia phả tộc khác, gia phả tộc mình) hay truyền ngôn.

3- Tên tộc họ, địa phương hiện đang sinh sống, các ngày tế lễ như hội mả, tế thu, tế xuân…

4- Phả ký hay là Gia sử: Nguồn gốc xuất xứ của gia tộc, dòng tộc. Đất nước có lịch sử thì mỗi gia đình cũng có sự tích riêng. Gia sử được ghi theo thứ tự như sau:

- Mục đích ghi gia sử
- Nhận định của người viết trước những diễn biến của tông tộc
- Ảnh hưởng của gia tiên với sự phát triển các thế hệ sau
- Gia sử được tiến hành và hoàn thành trong bao lâu, vào thời điểm nào của đất nước, tộc họ.
- Khi biên soạn gia sử, phải phối kiểm với những tài liệu lịch sử, như là niên đại hay sự kiện, thời thế…

5- Thuỷ tổ của dòng họ: tên người mở đầu một dòng tộc, gồm các chi tiết:

Nguyên quán ở đâu
Nơi đó phong cảnh như thế nào
Xuất thân làm nghề gì
Gia cảnh ra sao
Tới đời nào mơí thiên cư và sinh ra các chi nhánh như thế nào
Hoàn cảnh di dời nơi cư trú, lập nghiệp ở đâu..
Nghề nghiệp tăng trưởng ra sao
Công đức với xã hội như thế nào.


6- Tình trạng dòng tộc hiện nay, sinh sống ở các nơi nào, chi phái nào.

7- Phả hệ phát sinh từ Thuỷ Tổ cho đến các đời con cháu. Đây là phần quan trọng nhất của gia phả . Bên cạnh đó là phả đồ, là cách vẽ như một cây, từng gia đình là từng nhánh, từ gốc đến ngọn cho dễ theo dõi từng đời. Các quy tắc viết phả hệ như sau:

-Luôn luôn nhập phả hệ theo hướng từ trên xuống dưới, từ anh qua em. Nghĩa là phải bắt đâu từ thuỷ tổ (đời thứ nhất), sau đó là đời thứ 2 và các anh em ở đời thứ 2.

-Trong phả đồ, mỗi đời gồm nhiều gia đình. Mỗi gia đình gồm một người con trai trong tộc và một (hoặc nhiều) người dâu. Nếu đó là con gái trong tộc, thì phần cước chú phải ghi rõ thông tin về người rể, và các cháu ngoại. Con cháu ngoại chỉ ghi vào cước chú của người mẹ (là con gái của tộc), chứ không được tạo thành một gia đình con mới. (Vì đây là gia phả phụ hệ, con cháu ngoại sẽ là con cháu nội của tộc họ của người rể, tức là nằm ở tộc họ khác).

8- Đối với mỗi người trong tộc, có những thông tin sau:


Tên: Gồm tên huý, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương? Thuộc đời thứ mấy?

Hình ảnh: Có thể có hoặc không có hình ảnh

Con trai thứ mấy của ông nào? Bà nào?

Ngày tháng năm sinh (có người còn ghi được cả giờ sinh).

Ngày, tháng, năm mất? Thọ bao nhiêu tuổi?

Mộ táng tại đâu? (có người ghi được cả nguyên táng, cải táng, di táng tại đâu? Vào tháng, năm nào?)

Học hành, thi cử, đậu đạt, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: Thi đậu học vị gì? Khoa nào? Triều vua nào? Nhận chức vị gì? năm nào? Được ban khen và hưởng tước lộc gì? Sau khi mất được truy phong chức gì? Tước gì? (Đối với những vị hiển đạt thì mục này rất dài. Ví dụ trong Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, chỉ riêng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mục này đã trên mười trang).

Vợ: Chánh thất, kế thất, thứ thất... Họ tên, con gái thứ mấy của ông nào, bà nào? Quê ở đâu? Các mục ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất, tuổi thọ, mộ, đều ghi từng người như trên.

Nếu có thi đậu hoặc có chức tước, địa vị, được ban thưởng riêng thì ghi thêm.

Con: Ghi theo thứ tự năm sinh, nếu nhiều vợ thì ghi rõ con bà nào? Con gái thì cước chú kỹ: Con gái thứ mấy, đã lấy chồng thì ghi tên họ chồng, năm sinh, con ông bà nào, quê quán, đậu đạt, chức tước? Sinh con mấy trai mấy gái, tên gì? (Con gái có cước chú còn con trai không cần vì có mục riêng từng người thuộc đời sau).

Những gương sáng, những tính cách, hành trạng đặc biệt, hoặc những công đức đối với làng xã, họ hàng, xóm giềng...

Những lời dạy bảo con cháu đời sau (di huấn), những lời di chúc…

Ngoài những mục ghi trên, gia phả nhiều họ còn lưu lại nhiều sự tích đặc biệt của các vị tiên tổ, những đôi câu đối, những áng văn hay, những bài thuốc gia truyền...đó là những tài sản quý giá mà chúng ta để thất truyền, chưa biết khai thác.

9- Tiếp theo, là Tộc ước. Đây là những quy định-quy ước trong tộc họ, đặt ra nhằm ổn định tộc họ, có công thưởng, có tội phạt , tất nhiên là phải phù hợp với luật pháp chung.

10- Với một tộc họ lớn, có thể có nhiều tông nhánh, chi phái. Phần này sẽ ghi những thông tin chi phái, ai là bắt đâu chi, chi hiện ở đâu, nhà thờ chi…

11- Những thông tin khác về tài sản hương hỏa, bản đồ các khu mộ v.v.

Gia phả được viết ra từ các dòng họ nhiều khi lấy tâm linh mà thay cho khoa học. Giai thoại có cốt lõi lịch sử, làm đẹp phong phú thêm chi lịch sử nhưng nó không phải là lịch sử, không phải là sự thực chép trong Gia phả. Những tư liệu truyền ngôn, những điều viết trong Long văn (bài cúng) cần hỏi nhiều người, dựa vào kiến thức Lịch sử, phong tục tập quán, mà sắp xếp lại cho có logic, khoa học. Trên tinh thần “gạn đục, khơi trong”, ghi cả việc hay và điều chưa tốt của Gia tộc nhưng không “tô hồng” và cũng chẳng “bới lông tìm vết”, không tự tiện thêm bớt, chỉ cố gắng sắp xếp lại cho rõ ràng. Đồng thời với lòng kính trọng, biết ơn Tổ tiên, chú trọng chép lại những công tích, việc làm hay của tiền nhân để đời sau học tập, phát huy. Việc ngộ ra rằng cụ tổ mình là vua, là quan đại thần, là trạng nguyên, tiến sĩ…, dòng họ mình có những người oai danh, hiển hách là khá phổ biến cần cẩn trọng. Thế nên tất cả những người họ Vũ đều có gốc ở Mộ Trạch, đều là con cháu Vũ Hồn, ông quan Tiết độ sứ đời nhà Đường, cứ ai họ Đặng thì đều có gốc Trần, là con cháu của đức Trần Hưng Đạo, họ Phạm đều là hậu duệ của tướng quân Phạm Tu, họ Nguyễn là dòng dõi Nguyễn Bặc… (theo một lời giải thích).

3.6. Gia phả trong thời HIỆN ĐẠI:

Chúng ta đang ở thời bình trị, ổn định, việc làm trước hết là khôi phục truyền thống văn hoá lâu đời đã bị xâm hóa nghiêm trọng sau những thời thăng trầm của đất nước. Giữ gìn và phát huy gia phả là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu. Các dòng họ, do nhiều lý do cứ đan xen nhau, qua hàng nghìn năm hoặc vài trăm năm, tạo thành một bức tranh cực kỳ hỗn độn nhưng cũng lấp lánh rất nhiều màu sắc. Những người đi truy tìm dòng họ thì ù đầu vì sự rối rắm và mờ mịt, còn các nhà khoa học thì lại thích thú vì thấy ở đó có nhiều bổ sung về sử học, dân tộc học, văn học, tôn giáo… Những người đi tìm dòng họ được thúc đẩy bởi nhu cầu tâm linh, sẵn sàng bỏ công bỏ của, của nhà hoặc của quyên góp bà con trong họ, nhưng công cụ và vốn kiến thức của họ lại quá thiếu. Các nhà khoa học có biết một ít cách thức làm việc lại biết một ít chữ Hán nhưng chẳng thể uống nước lã hoặc bỏ tiền nhà ra mà làm việc. Vậy nên họ đứng ra kêu gọi Nhà nước và các nhà hảo tâm. Chưa có kinh phí hảo tâm, họ đành bó tay.

Hiện nay đã và đang tiếp tục có một lớp người già về hưu có học thức cao và càng có ý thức cao hơn trong câu chuyện giữ phả, đó chính là một trong những mảnh đất tốt cho chúng ta gieo truyền thống vào hiện đại, nói với lớp trẻ ngày nay bằng những lời gan ruột, “có sách, có chứng”. Nhưng không phải gia phả là phải lưu trên giấy, trên gỗ, trên đá, trên lụa.. thì mới gây cho con cháu đời sau cảm giác linh thiêng mỗi khi tìm về lần giở mà phải là cái tinh tuý trong lời văn. Đồng thời, phải bảo tồn những gia phả cũ, không chỉ với tư cách là gia bảo của một dòng họ mà còn là tài sản tinh thần của một đất nước. Nhưng cũng cần có những gia phả mới, với nội dung và hình thức thể hiện mới.

Trong đó, không thể và không nên bỏ qua sự tiện lợi của máy tính và mạng trong việc lập những cây phả hệ một cách nhanh nhất, chính xác, rõ ràng và có thể truyền đi rộng rãi, bảo quản được một cách tốt nhất, lâu nhất. Trong xu hướng và trào lưu về nguồn rộng rãi hiện nay, đó là một cách tốt nhất cho lớp trẻ.

Việc phổ biến gia phả giới hạn trong vòng gia đình, tông tộc hay mở rộng ra trên Internet cho công chúng trong phạm vi rộng khắp đã làm cho nhiều người băn khoăn về vấn đề bí mật cá nhân. Điều hay, tiếng tốt thì dễ. Riêng những thói xấu, vết nhơ chỉ việc nào thật lớn mới chép lại thật công tâm để làm bài học răn đe cho hậu thế còn chỉ đề cập lướt qua.

Lợi điểm của việc phổ biến rộng rãi là nhiều người có dịp đọc đến có thể tìm ra một sự nối kết, có ý hướng sử dụng nó vào những mục đích nghiêm chỉnh - hướng thiện, như bổ sung kiến thức cho văn hóa, cho lịch sử.

Đưa Gia phả lên mạng (chung) hay lập trang Web, trang Blog riêng là xu thế hiện nay nó giúp việc cập nhật, chắp nối họ…được mau chóng, rộng khắp.

-*-
[1] Theo báo An ninh thế giới số 536 ngày 18/3/2006 thì cuốn này đã được ghi danh vào kỉ lục Guinnes.
[2] Vị Tổ cách 26 đời của ông là con trai thứ bẩy của vua Lý Anh Tông, vào năm 1226 khi nhà Trần thay nhà Lý trong cuộc “đảo chính cung đình” đã đem gia quyến sang mưu sinh tại Cao Ly.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!