Đệ lục đại Tổ Lương Đức Thân đã từng lấy một người vợ quê bên Tiên Lãng, Hải Phòng. Một lần đi chợ không thấy về, gia đình có tìm nhưng không được. Sau lấy người vợ hiện tại làng Cốc cùng xã.
VI.1.2.1- Quê vợ:
Thôn Cốc Tràng 谷場 xã Chiến Thắng, thường gọi là làng Cốc 廊谷, cách làng Hương chừng 1,5 Km qua làng Hạ và một cánh đồng. Đây là thôn có từ xa xưa và nằm phía Đông Nam của xã. Cư dân ở đây gồm 17 họ nhưng đa phần là họ Phạm. So mặt bằng chung thì làng Cốc khá giả hơn và có cả người đi Lương lẫn người theo Đạo. Giữa 2 làng thì các họ Đào, Phạm, Lương nhiều nhà thông gia với nhau. Đây là làng cuối xã, có cả Chùa và Nhà Thờ và những năm 2000 là nơi có phong trào khuyến học khá.
Thôn Cốc Tràng 谷場 xã Chiến Thắng, thường gọi là làng Cốc 廊谷, cách làng Hương chừng 1,5 Km qua làng Hạ và một cánh đồng. Đây là thôn có từ xa xưa và nằm phía Đông Nam của xã. Cư dân ở đây gồm 17 họ nhưng đa phần là họ Phạm. So mặt bằng chung thì làng Cốc khá giả hơn và có cả người đi Lương lẫn người theo Đạo. Giữa 2 làng thì các họ Đào, Phạm, Lương nhiều nhà thông gia với nhau. Đây là làng cuối xã, có cả Chùa và Nhà Thờ và những năm 2000 là nơi có phong trào khuyến học khá.
VI.1.2.2- Họ Phạm:
Họ Phạm[1] là một họ phổ biến ở Việt Nam. Đây cũng là một trong các họ của Trung Quốc. Theo “Nguyên Hà Tính Toản” và “Lộ Sử”, Lưu Luy thuộc dòng Đế Nghiêu 帝堯 thời Ngũ đế 五帝. Lưu Luy lập ra tiểu quốc Đường 唐 (nay là vùng Sơn Tây, TQ) và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào triều đại nhà Chu 周朝, Chu Thành Vương 成王 chiếm nước Đường, cho em là Thúc Ngu làm vua. Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá 杜伯. Do vậy, con cháu nhận tên Đỗ 杜 làm tên họ. Khi Đỗ Thành lại bị Chu Tuyên Vương chiếm, con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang nước Tấn 晉, được phong chức Sĩ Sư nên đổi thành họ Sĩ 士. Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm, gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Dòng họ Phạm 范 phát triển mạnh tại tỉnh Sơn Tây (TQ).
Thuyết khác nói: Khi Vũ Vương 武王 giết vua Trụ cướp được ngôi nhà Thương (商,1766–1122 tCn), có một ông quan nhà Thương không chịu thần phục nhà Chu (周,Zhou, 1122–256 tCn). Ông này nói : “Bất thực Chu cốc” (不食周穀,không thèm ăn gạo nhà Chu), rồi ông cùng gia nhân kéo nhau lên một nơi núi cao rừng sâu, lấy gỗ rừng làm nhà cửa và phát hoang trồng trọt để lấy lương thực nuôi sống gia đình. Bên cạnh chỗ phát hoang trồng trọt của gia đình ông lúc bấy giờ có một con sông gọi là Sông Dĩ cạn khô. Sau khi phát hoang trồng trọt và khơi nguồn nước từ núi cao để trồng trọt và sinh hoạt thì Sông Dĩ có đầy nước. Nhìn dòng sông đầy nước, ông nói: “Dĩ Hữu Thuỷ” (已有水,Sông Dĩ đã có nước), rồi lấy 3 chấm thuỷ 氵đặt cạnh chữ Dĩ 已 trên có bộ thảo 艹, gọi là chữ Phạm 范 để đặt tên cho dòng họ của mình tách ra sinh sống tại đây. Từ đó Trung Quốc có một tộc người lấy tên họ Phạm. Bởi vậy ở Từ đường nếu viết 已有水 thì cũng có nghĩa như: 范族祠堂 “Phạm Tộc Từ Đường”.
Họ này chiếm khoảng 5% dân số Việt Nam. Tại Hoa Kỳ họ này đứng thứ 1455 về mức độ phổ biến (khoảng 0,008% dân số). Ở Pháp họ này đứng thứ 951 (khoảng 5.509 người). Những người Việt Nam họ Phạm nổi tiếng: Phạm Tu, võ tướng nhà Tiền Lý giúp Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân ; Phạm Cự Lạng, danh tướng thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê; Phạm Thị Trân, bà tổ nghề hát chèo Việt Nam; Phạm Ngũ Lão, danh tướng dưới quyền Trần Hưng Đạo; Phạm Công Trứ, tể tướng thời Hậu Lê; Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam; Phạm Hùng, Thủ tướng Việt Nam; Phạm Văn Cương, tức Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Phạm Tuân, nhà du hành vũ trụ Việt Nam… Những người Trung Quốc họ Phạm nổi tiếng: Phạm Lãi, mưu thần của Việt Vương Câu Tiễn, giúp Câu Tiễn khôi phục nước Việt, diệt nước Ngô của Phù Sai; Phạm Thư, mưu sĩ thời Chiến Quốc của nước Tần, tác giả của kế sách Viễn giao cận công giúp Tần thêm hùng mạnh; Phạm Tăng, mưu sĩ của Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng; Phạm Trọng Yêm, nhà cải cách thời nhà Tống; Phạm Chí Nghị, cầu thủ bóng đá Trung Quốc; Phạm Băng Băng, nữ diễn viên Trung Quốc…
Thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam là Phạm Tu 范須 sinh tại xóm bãi vải tiến vua nằm bên sông Tô Lịch thuộc thôn Văn Trì, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm trấn Sơn Nam, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (476), cha ông là Phạm Thiều, mẹ là Lý Thị Trạch. Khi lớn lên, Phạm Tu có gương mặt phương phi, khôi ngô tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách binh pháp. Ông có vóc dáng rất khoẻ và trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, thường được gọi là Phạm Đô Tu. Lịch sử và Gia phả ghi nhận ông là vị tướng tài giỏi, có nhiều công lao:
Phò vua Lý đuổi Tiêu Tư
Bấy giờ Việt Nam nằm dưới quyền đô hộ của nhà Lương thời Nam Bắc triều (南北朝,420-579 Trung Quốc). Viên thứ sử cai trị là Tiêu Tư nổi tiếng tàn ác.
Cuối năm Tân Dậu (tháng 1 năm 542), Giám quân châu Cửu Đức là Lý Bí 李畚 dấy binh khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương (梁朝, 502 - 549). Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí được nhân dân và hào kiệt khắp nơi ủng hộ, kéo về giúp sức như hào trưởng Triệu Túc, tướng Lý Phục Man và Tinh Thiều, nguyên là quan cai trị của nhà Lương, bỏ quan chức về với quân khởi nghĩa.
Năm ấy Phạm Tu đã 66 tuổi, song còn khỏe mạnh. Ông tập hợp binh mã, gia nhập quân khởi nghĩa và trở thành một võ tướng chủ chốt của quân khởi nghĩa. Ông cùng với Triệu Túc và Tinh Thiều, trở thành ba vị lãnh đạo chính trong bộ tham mưu của cuộc nổi dậy của Lý Bí. Quân khởi nghĩa đánh đâu thắng đấy. Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về nước. Quân Lý Bí chiếm đóng thành Long Biên.
Đánh đuổi Lâm Ấp
Năm 543, nhà Lương 梁氏 lại tập trung quân kéo sang đánh. Lý Bí chủ động đem quân tấn công địch, tiêu diệt phần lớn quân Lương. Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp (林邑,192-605) nhân lúc quân khởi nghĩa đang phải đương đầu với phương Bắc, đem quân đánh phá vùng Cửu Đức (九德,Hà Tĩnh ngày nay). Lý Bí cử Phạm Tu mang quân đi đánh. Phạm Tu nhận lệnh cầm quân xuống đánh tan quân Lâm Ấp, ổn định biên giới phía Nam.
Quan võ đầu triều
Năm 544, Lý Bí lên ngôi vua, xưng Nam Việt Đế, tức là Lý Nam Đế 李南帝 đặt tên nước là Vạn Xuân (万春,544-602), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu các quan văn, Phạm Tu đứng đầu các quan võ của triều đình. Năm ấy Phạm Tu 69 tuổi.
Bỏ mình vì nước
Tháng 6 năm 545, nhà Lương cử một đạo quân khác sang đánh Vạn Xuân, do hai tướng thiện chiến là Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy, theo đường biển tiến sang. Lý Nam Đế chống cự ở Chu Diên (vùng duyên hải Thái Bình, Nam Định) không nổi, lui về củng cố thành trì ở cửa sông Tô Lịch (nay là đoạn phố Chợ Gạo, Hà Nội). Quân Lương đuổi tới tấn công. Phạm Tu quyết giữ cửa sông Tô Lịch nhưng vì tuổi cao sức yếu, quân giặc lại đông, nên ông tử trận ngày 20 tháng 7 Ất Mùi, thọ 70 tuổi. Lý Nam Đế rút quân vào Gia Ninh đóng đồn ở hồ Điển Triệt, luyện tập binh mã để sau khôi phục lại.
Xét công trạng của Phạm Tu, Lý Nam Đế truy phong Phạm Tu là Long Biên hầu, đặt thuỵ là Đô Hồ, phong làm Bản cảnh thành hoàng, sắc cho bản hương là Thang Mộc ấp, sưu sai tạp dịch đều được miễn trừ, ban 100 nén bạc lập miếu phụng sự lưu truyền mãi mãi tại làng Thanh Liệt quê ông.
Hiện nay ở xã Thanh Liệt có hai nơi thờ danh tướng Phạm Tu, đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực nằm ở xóm Vực, miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng thánh phụ Phạm Thiều và thánh mẫu Lý Thị Trạch.
Hậu thế:
Chính sử không ghi chép, nhưng theo tộc phả họ Phạm, Phạm Tu có con là Phạm Tĩnh theo giúp Hậu Lý Nam Đế và khuyên vua Lý dời đô từ Ô Diên về Phong châu. Ông trở thành tướng quốc của Hậu Lý Nam Đế. Con Phạm Tĩnh là Phạm Hiển, sau khi Lý Phật Tử và Phạm Tĩnh bị quân Tuỳ (隋, 581-618) bắt về bắc đã chiêu binh chống Tùy trong 3 năm (603-605) và bị thất bại.
Phạm Tu được suy tôn là Thượng Thủy tổ Phạm tộc Việt Nam và ngày 20 tháng 7 năm Đinh Hợi (2007) đã tổ chức giỗ Tổ toàn quốc tại Thái Bình.
Viễn Tổ Phạm tộc Cốc Tràng là Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255-1320) người làng Phù Ủng 扶擁, Đường Hào 唐豪, Hải Dương[2], một tướng tài và là con rể (chồng Anh Nguyên Quận chúa) của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285 và 1288), bốn lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành. Ông mất ngày 1 tháng 11 năm 1320, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 3 ngày. Ông được nhân dân dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ và cũng được phối thờ tại đền thờ Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.
Tổ khai sáng Phạm tộc Cốc Tràng là cụ Phạm Đình Khanh[3] 范廷牼. Cụ là hậu duệ đời thứ 16, 17 của Phạm Ngũ Lão và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴. Cụ từ Đường Hào sang lập nghiệp ở Cốc Tràng, Cao Mật năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ nhất (Canh Thân, 1740). Đời sau suy tôn là Cụ Tổ họ Phạm ở đây 范皋密肇祖[4].
Trong phong trào chung, 12/3/2003 (10/2/Quý Mùi) đã khởi móng xây Nhà thờ Họ[5]. Nền là do đất của các bà vợ ông Kiểm, Kiển cung tiến. Tiền do con cháu xa gần đóng góp theo xuất đinh, các cháu ngoại thì tuỳ tâm, chủ yếu tiền của vợ chồng PV Lãm. 27/Chạp Quý Mùi (01/2004) hoàn thành. Từ đường 3 gian xây, lợp ngói, cọt, xà đổ bê tông, đắp xi măng giả gỗ, có sân rộng, cạnh đường, phía trước có ao nên thế đẹp. Ngày 09 tháng Giêng Giáp Thân (19/2/2004) nhân giỗ Tổ kết hợp khánh thành từ đường[6].
Trưởng Chi Phạm gia tộc Đời thứ 13 là hậu duệ Cụ Tu (anh trai cụ Siêu). Nhưng thực ra vai trò đôí ngoại thường do do P.Như Hướng (Hấng) có bố là Thiêm[7], ông là Thỗn, cụ là Thiều, em gái là Đậng đảm trách. Vì là dòng trưởng (thế) nên tộc họ yêu cầu lấy vợ làm ruộng để ở nhà lo phần “hương khói”. Vợ là Nhỡ (người làng Hầu). Đi bộ đội CMCN. Thương binh phục viên về làm ở Nhà máy Khoá Việt-Tiệp. Năm 1998 nghỉ hưu tại quê. Có 3 con trai (Thưởng-Thủy, Thụy-Châu, Lũy).
Nhạc phụ Phạm Văn Nhạc (范文樂, 1888-1936) chiếu từ Đệ Nhất đại Tổ xuống là đời thứ 10: 1. Đình Khanh - 2. Đình Uân - 3. Đức Khôi - 4. Đức Hoành - 5. Đức Nghiệp - 6. Đức Toàn - 7. Huy Siêu (thứ hai trong 4 Nam) - 8. Huy Triệu (con cả trong 4 Nam) - 9. Huy Thiều (Nam duy nhất trong 3 người con) - 10. Văn Nhạc (là út trong 3 trai, 2 gái)[8]. Như thế thuộc dòng trưởng ngành 2. Gia đình vào diện khá giả, kị 14/Chạp.
Cụ bà Đào Thị Thẩn (1885-1947), người làng Hạ, Kị 18/Chạp. Mộ cụ ông đặt tại nghĩa trang làng Cốc, còn mộ cụ bà lại đặt ở bên Hạ[9]. Cả 2 mộ đã được xây lại, khắc bia vào năm 2006 (Bính Tuất).
Ông bà sinh 2 trai (Kiểm, Kiển) và 3 gái (Uyển, Ương, Tương).
Tương truyền nhà ở vào thế đất “nghịch” nên phải rước ông Bạch Hổ và Hắc Hổ[10] về thờ phụng.
1. Phạm Văn Kiểm (范文檢, 1908-1991). Kị ngày 16/6, từng tự hoạ chân dung mình, đan lát giỏi. Hồi KC từng nuôi nhiều cán bộ trong nhà.Vì khá giả, được học hành nên có ý không trọng một số lãnh đạo thôn kém chữ, do đó hồi CCRĐ bị qui là Địa chủ, còn bị nhốt trên UB. Sau được minh oan nhưng ức, bất mãn, khoá hết sách vở lại và không tham gia công tác xã hội nữa[11]. Ông lấy 2 vợ:
* Bà cả: Đặng Thị Bè nổi tiếng căn cơ, sinh 2 gái là P.T. Bộn[12], P.T. Mọn[13] . Vì không sinh trai nên bà tìm cách lấy vợ hai cho chồng. Nhưng bà đầu hơi đần không chịu ngủ với chồng nên lại tìm bà khác.
* Bà hai: Đặng Thị Huân, người làng Hầu, đã có chồng con[14], nhưng chồng mất. Chục năm đầu vẫn ở lại làng Hầu, sau chuyển về ở cả Cốc. Sinh P.V. Mót (Phạm Công Bình) và P.T. Bòn[15].
* Trưởng nam: Phạm Công Bình[16] sinh ngày 5/01/1959. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế tổ chức vận tải Ô tô, trường Đại học Giao Thông Vận Tải năm 1983. Vào nhận công tác tại Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, đến 1989 chuyển sang Xí nghiệp Đại lý vận tải ô tô, năm sau về Phòng Xây dựng giao thông TP Đà Lạt, đến 1994 chuyển ra Bến xe Nội thành sau đó lên Sở Giao thông Vận tải (1996 – 2000) rồi lại về Trường lái xe đến 2004 chuyển về là Phó Giám đốc Trường Kỹ thuật Đà Lạt. Gia đình ở Khu 4 thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vợ là ; được 1 gái () và 1 trai ().
2. Phạm Văn Kiển (范文繭, 1916-1997). Kị ngày 22/6[17]. Ông nổi tiếng học giỏi và hay chữ nhất vùng.
Vợ là Trần Thị Chút.
Ông bà sinh 4 gái (Khiên, Nhiên, Nhiễn, Nhiện-trong đó P.T. Khiên[18] nổi tiếng hát hay nhưng lại vất vả về đường chồng con) sau sinh tiếp 4 trai (Triển, Lãm, Lạm, Hởi). Không có ai xây dựng gia đình và lập nghiệp tại làng (Triển[19], Lãm ở Hải Phòng, Lạm, Hởi ở Lâm Đồng).
3. Phạm Thị Ương (范氏央, 1927-198?) Lấy ông Vũ Văn Miêu[20] ở Văn Khê, cách làng Cốc 1, 5 Km qua một cánh đồng. Đây là làng có nhiều người theo Đạo và đã di cư vào Nam năm 1954. Nhà thờ cũ vẫn còn có tháp chuông cao từ cách xa vẫn thấy rõ. Ông bà đều mất do bệnh tật khi các con còn nhỏ. Có 2 gái, 3 trai (Loan, Ruệ, Sen, Chuân, Chi).
4. Phạm Thị Tương 范氏襄 sinh năm Tân Mùi, 1931. Thủa nhỏ ở với anh chị, thường gọi là Tí con, có được học hành, là người sắc sảo, khoẻ mạnh[21].
* Người chồng đầu là Lương Hoàn Nhâm ở thôn Hạ. Nhưng do vai vế thấp[22] nên bà tự ái mà bỏ.
* Người chồng sau là Ngô Văn Trân[23] ở Kim Trâm, Mỹ Đức, An Lão. NVT công tác bên ngành vật liệu. Ông bà sinh ra N.T. Lai, N.V. Quí, N.T. Hoà, N.V. Phúc. Từ khi sinh Hoà 2 người đã trục trặc nhau[24]. Đến khi có Phúc thì căng hẳn, ông bà li dị, bà đưa các con về tá túc bên ngoại (làng Cốc). Đến tháng 6/1974 đưa Lai, Hoà, Phúc lên An Phong, Phong Niên cạnh nhà chị gái. N.V. Trân đưa Quí đi Hà Bắc ở nhà máy gạch gần Sen Hồ có thời gian chuyển vào Nam đến năm 1985 về hưu sống với người vợ hai và 3 con bà này tại Bắc Giang.
* Các con của ở Lào Cai là:
- Ngô Thị Lai : Từng là ĐV sau bỏ sinh hoạt, chồng là Lương Đức Tràng.
- Ngô Thị Hoà: Học xong THPT, đi may Xuất khẩu ở Yên Bái. Khi tách tỉnh (1991) ở lại YB và lấy chồng là Thọ ở Cổ Phúc, Trấn Yên, Yên Bái. Năm 2004 ly dị về lại Lào Cai. Chưa con. Do phải mổ tắc ruột từ nhỏ nên sức khỏe yếu, ăn uống kiêng khem.
- Ngô Văn Phúc: Học xong PT ở nhà lấy vợ (Vũ Thị Toan, em ruột Vũ Văn Hoàn[25], GVMG dạy ngay tại thôn). NVP nhanh nhẹn, công tác nhiệt tình nhưng không khéo cư xử mấy. Từ năm học 2002-2003 học tại chức ĐHNL tại Lào Cai. Sinh một trai (Đức), 1 gái (Phượng). KT tạm đủ. Năm 2003 kết nạp Đảng sau bao trục trặc. 2004 trúng HĐND xã và là Phó Chủ tịch UBND xã PN, có đóng góp nhiều cho sự phát triển của thôn trong những năm đầu Thế kỉ XXI.
-*-
[1] Tuy chép Gia phả tộc Lương nhưng mẹ và vợ tôi đều họ Phạm nên tôi tìm hiểu cả Phạm tộc và chép lại.
[2] Nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên.
[3] Không hiểu có liên quan gì đến Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), danh tướng thời Lê, cũng quê: Hải Dương từng chỉ huy quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu tại vùng duyên hải Bắc bộ không ?
[4] Tại Chiến Thắng còn một dòng họ Phạm nữa, chủ yếu ở Kim Côn với Thuỷ tổ là Phạm Công Tài 范公財. Trong số hậu duệ của dòng này có Tiến sĩ Phạm Đoàn Mậu khoa Ất Mùi (1475). Chồng của cô ruột tôi là Phạm Văn Ký (bố các anh Tuy, Kỷ, Bốn , bố vợ Lương Hoàn An hiện ở Khuể) thuộc dòng này.
[5] Từ đường được Phạm tộc quyết định xây tại phiên giỗ lần thứ 263. Đất do các anh con Cậu Kiểm, Kiển công đức 250 m2. Dự kiến chi 40 triệu, sau phát sinh đến 60.000.000đ. Mỗi xuất đinh 100.000đ, sau vận động cả gái, cháu ngoại mỗi xuất 30.000đ. Công Đức tuỳ tâm
[6] Dịp đó, thể theo nguyện vọng của mẹ, xét thấy sức khoẻ có thể đảm bảo được, mặc dù Luân phản đối , anh em tôi vẫn để mẹ cùng Dì đi xuôi, có Luận áp tải từ tối ngày 07/Giêng (17/2). Trời rét, mưa nhưng mẹ rất vui
[7] Bố anh Hấng (Cậu Thiêm) với Mẹ tôi là anh em con Chú, con Bác. Mẹ cậu Thiêm bố tôi gọi bằng Cô (Bà Lương Thị Lục, con cụ Hinh, cô ruột bác Công, bác Liêm, bà anh Thiếp) Anh còn một ông bác ruột nữa (Phạm Văn Kiệm) nhưng đã đi Nam, hình như không có tin tức gì.
[8] Việc chuyển tên lót Công-Đình-Đức-Huy-Văn từ xưa không thấy ghi lại lý do.
[9] Vì bà họ Đào ở Hạ. Mộ này do Dì tôi xây, đặt gần một ngôi mộ Tổ của Lương tộc
[10] Đây là tục xưa khi người Việt còn ở gần rừng. Thần Hổ được cúng trong ngày Sóc, Vọng hay gia chủ có việc Giõ Tết. Lễ vật gồm trầu, rượu, thịt, trứng sống. Nhà ông Ngoại tôi đặt tượng bằng đá, chôn ở cạnh lối đi.
[11] Con cái cũng bị ảnh hưởng. Nhưng sau này các anh (gồm cả con cậu Kiểm) đều học hành chu đáo và phương trưởng ngoài bản quán.
[12] Lấy anh Dán ở An Thọ, anh mất 2007. Con trai lớn tên Bền vào CA từ 1986, công tác tại CA Kiến Thuỵ, HP, mất do Ung thư năm 2004
[13] Lấy chồng người Tân Viên tên là Chiến , làm nghề xây dựng, ở SN 291 (343) Đường Trường Chinh, Quận Kiến An, chuyên thầu làm đường GT nhỏ. Chị mắc bệnh máu điều trị rất tốn kém đã từng đỡ một thời gian dài. Phạm Thị Mọn mất lúc 11h35’ giờ đêm ngày 11/5 (Rằm tháng Tư Bính Tuất), hưởng dương 54 tuổi. Sau khi dự đám cưới Thuận-Anh ở Xuân Quang về tôi gửi Điện Hoa chia buồn về 343 Trường Chinh nhưng sáng 14 lại nhận tin đưa Phạm Thị Mọn về quê chồng ở Tân Viên an táng. Tháng 10/2008 anh Chiến đã tục huyền.
[14] Có 01anh con trai bằng tuổi và học cùng với tôi lớp 1 tên là Nắng đã mất 199?.
[15] Chồng là Lương Đức Vương con anh Trù ở Lộc. Vương có xưởng mộc ở quán Hương.
[16] Khi học đổi là Mốt rồi Bình. Những năm học Đại học khá vất vả. Vợ cùng công tác tại Phòng GT-CN thành phố Đà Lạt, gia đình ở luôn trong đó. Anh là người đầu tiên cung cấp cho tôi phần mềm bộ gõ chữ Hán mà tôi dùng khi chèn chữ cần thiết vào cuốn này trong dịp anh ra chịu tang chị Mọn năm 2006.
[17] Hôm Cậu mất, Dương lịch là 26/7/1997: tôi, Tràng và Dì Tương có về. Kêt hợp tôi đã thuê khắc và gắn bia khu mộ của gia đình mà bố mẹ tôi xây năm 1994. Nhưng thiêú 01 tên không nhớ (bà Huân).
[18] Một con riêng của chồng tên là Hào lên Lào Cai ở và do Tràng-Lai đỡ đầu, lấy vợ sinh sống ở An Phong, Phong Niên, Bảo Thắng.
[19] Vợ trước bỏ sang Pháp lấy chồng mới và đã đón con sang. Lấy vợ mới 2003, được 2 con.
[20] Chú còn 01 người em ruột nữa ở cạnh nhà và chú rất hợp chuyện với bố tôi.
[21] Dì nổi tiếng tham việc, ưa làm giầu.Nhưng số không giữ được của. Tính dì nóng, hơi hiếu thắng, hầu như trái ngược tính mẹ tôi.Rất mê việc Chùa chiền.Dì đã từng đặt chân đến mọi nơi, kể cả Đà Lạt
[22] Gọi bố tôi bằng bác nên dì đang là em thành cháu mẹ tôi theo Lương tộc !
[23] Lúc đầu Chú-Dì rất Hạnh phúc, nhà khá giả. Về sau Dì tôi bị chồng và nhà chồng đối sử rất tệ. Nhiều trận đòn "nhớ đời" đã xảy ra.Vì thế mà sau này Dì và các Mợ, chị em bên ngoại rất hận chú.! Đang làm ở Hải Phòng, vì chuyện Gia đình chú phải đổi lên Hà Bắc, rồi vào Nam sau lại ra.
[24] Vì thế Dì bực đặt tên là Hoá (theo tôi không nên và thực tế nó đã “vận” vào em), sau đi học mới đổi thành Hoà. TN C3 không đi học tiếp, có thời gian làm ở CTXNK Hoàng Liên Sơn ở với vợ chồng tôi dưới Yên Bái, khi tôi về LC, Hoà ở lại, sau đó lấy chồng dưới ấy. Nhưng không con rồi trục trặc hoài, Hoà bỏ về Phong Niên từ 2004, mấy năm sau luôn sang ngủ cùng mẹ tôi và có công chăm nom bà.
[25] V.V Hoàn là chồng Lương Thị Thường , sẽ viết kĩ ở phần Đời thứ Bẩy Lương tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!