[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 7 2009

71. CÔNG CUỘC KHAI HOANG MIỀN NÚI:

"Đồng xanh ta thiếu đất cày,
Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng".
1. Bối cảnh đất nước: Trong những năm 1958-1961, miền Bắc đã tiến hành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi và đã đạt được nhiều thành tích.Tuy nhiên, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi chưa thật vững và một số mặt còn rất yếu. Một trong những nguyên nhân đó là, trong khi tiến hành vận động hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi, chúng ta đã chưa nhìn thấy rõ những đặc điểm phân tán và trình độ phát triển không đều của các vùng. Chúng ta đã tích cực lợi dụng những thuận lợi của miền núi để phát triển mạnh hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện là đúng, nhưng lại đã không thấy hết những khó khăn của miền núi để giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thận trọng và vững chắc; nhiều mặt công tác còn rập khuôn gần giống như miền xuôi, vùng cao gần giống như vùng thấp v.v....
2. Quyết sách: Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra đường lối, phương hướng, nhiệm vụ và các chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Công tác phát triển nông nghiệp ở miền núi về căn bản cũng phải chấp hành theo đúng tinh thần nghị quyết đó. Nhưng nông nghiệp miền núi có những đặc điểm riêng, vì vậy cần có những quy định thích hợp. Trong đó cần chú trọng đề ra phương hướng xây dựng dần dần miền núi thành những vùng nông nghiệp mới có tính chất toàn diện, biến miền núi từ một nền kinh tế vốn là tự cấp dần dần trở thành một nền kinh tế có nhiều sản phẩm hàng hóa, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà. Đó là những đường lối căn bản để phát triển nông nghiệp ở miền núi.
Mặt khác, Miền núi còn nhiều đất đai chưa khai phá, có khả năng mở rộng thêm diện tích, có khả năng tiếp thụ thêm hàng triệu người và có khả năng làm ra nhiều của cải hơn; Tính chất vùng của miền núi rất phức tạp, không những có vùng thấp, vùng giữa, vùng cao, mà ngay trong mỗi vùng đó tình hình khí hậu, đất đai, tập quán, kỹ thuật canh tác, thành phần dân tộc cũng khác nhau rất nhiều; Hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi đã căn bản hoàn thành ở vùng thấp nhưng chúng ta cũng có nhiều khó khăn do đặc điểm phân tán của miền núi gây nên cũng như những khó khăn về nhiều mặt; Vấn đề lưu thông, chế biến, cung cấp, tiêu thụ đang còn yếu và có những mặt còn phải giải quyết lâu dài…
Do đó Bộ Chính trị đã có Nghị quyết Số 71/NO-TW ngày 22-2-1963 VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI.Trong đó chủ trương: “… mở một cuộc vận động giáo dục sâu rộng về việc thực hiện nhiệm vụ khai hoang trong nhân dân, định rõ trách nhiệm cho các địa phương trong công tác chỉ đạo khai hoang… tạo điều kiện tiếp thu thêm nhân lực để khai hoang”.
Trong hoàn cảnh đó, vào tháng 2/1964 có 5 hộ gia đình họ Lương ở thôn Phương Lạp (nay hợp thành Phương Hạ) xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng lên cùng với một số gia đình khác cùng An Lão lập ra HTX khai hoang An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Đây cũng là những hộ, những người đầu tiên, nòng cốt lập ra phái Lương Đức ở Lào Cai.
3. Bước đi :Đầu những năm 60 của thế kỉ XX người dân Kiến An lên khai hoang Lào Cai khởi nguồn từ Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh do Hội nghị Đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An (Bí thư Lê Huy là Trưởng đoàn) và Lào Cai (Bí thư kiêm Chủ tịch Hoàng Trưởng Minh trưởng đoàn) họp ngày 12/11/1961. Đợt đầu (8/1961) được đồng bào Lào Cai và lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát đón tiếp trịnh trọng tại Ga Phố Lu, Làng Giàng, Phố Mới. Khi Kiến An-Hải Phòng hợp nhất, tiếp tục thực hiện tập trung chủ yếu ở Tằng Loỏng, Phú Nhuận, Phố Lu, Sơn Hà, Phong Niên, Xuân Quang, Trì Quang thuộc huyện Bảo Thắng, Cốc San, Quang Kim thuộc Bát Xát và Bảo Nhai của Bắc Hà. Sau này (đến 1974) dân Hải Phòng và các tỉnh lên khai hoang khắp các huyện của tỉnh Lào Cai. Ngoài Hải Phòng, còn có các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình đưa đồng bào các địa phương này lên khai hoang và kéo dài tới 1974. Phong trào khai hoang những năm đó đã góp phần làm chuyển biến căn bản mọi mặt của Lào Cai. Từ đây vùng biên viễn Tây Bắc gắn bó hữu cơ hơn trên mọi phương diện (quản lý nhà nước, chính trị, kinh tế, văn hoá và tình cảm) với miền xuôi và cả đất nước. Cuộc khai hoang này còn là tiền đề rút kinh nghiệm cho việc di dần vào Tây Nguyên khẩn hoang trong những năm sau khi thống nhất đất nước (1976).
4.Việc người dân An Lão lên Lào Cai khai hoang lập ra thôn An Phong là vào tháng 02/1964. Đợt này, sau khi khảo sát, thành uỷ Hải Phòng đã lấy 9 hộ, 56 khẩu người Chiến Thắng (Ruẩn, Thông, Thân, Rật (Dật), Nguyên, Thiếp, Nhỡ, Thoả, Ngà); 5 gia đình, một số hộ độc thân (Ru, Ơn, Mậm, Dâng, Ngần) ở An Thái với 23 khẩu cùng 5 gia đình gồm 20 khẩu ở Mỹ Đức (Kịch, Đồng, Diêm, Đế, Phước) lên Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai khai hoang lập ra HTX An Phong . Những hộ người Chiến Thắng rời quê vào ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tức Thứ Sáu 28/02/1964. Nghỉ tại Phố Tèo (nay là phố Phan Bội Châu, nơi có đền Thượng thờ Đức Thánh Trần) 2 ngày rồi được ô tô đưa theo đường 4 về trọ tại 3 nhà người Nùng ở khu km 36 Cốc Xâm rồi trở vào thung lũng. Đó là những ngày:
Rừng thiêng, lau rậm chỉ với cuốc và dao, người nói ra, kẻ bàn vào, dạ sắt, gan vàng - không nản chí,
Nước độc, muỗi bầy không cả lán lẫn màn, khác quê hương, lạ phong tục, màn sương, đệm lá - chẳng từ nan.
Từ thực tế phát triển của địa phương cũng như của dòng họ hay mỗi gia đình càng thấy rõ chủ trương khai hoang những năm 60 thế kỉ XX là đúng. Nó góp phần làm đổi thay diện mạo cả quê mới lẫn quê gốc. Trong những năm đầu Thế kỉ XXI, việc xây dựng và phát triển hai hành lang và vành đai kinh tế Việt - Trung, trong đó có hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là yêu cầu trong tiến trình hội nhập, phù hợp với phương châm phát triển của 2 nước Việt Nam – Trung Quốc “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” 长期稳定, 面向未来, 睦邻友好, 全面合作. Hợp tác Hải Phòng- Lào Cai gắn với việc xây dựng và phát triển hành lang kinh tế đó. Như thế sự gắn bó giữa người khai hoang và người ở quê lại càng mật thiết hơn, phù hợp với lợi ích 2 tỉnh, lợi ích quốc gia và khu vực. Với dòng Lương Đức thì thật là:

出高密旧鄉前田收媺穀: Xuất Cao Mật cựu hương tiền điền thu mĩ cốc,
派豐年新社昔樹發今花: Phái Phong Niên tân xã tích thụ phát kim hoa.

Dịch nghĩa: Xuất phát từ Cao Mật làng xưa, ruộng trước thu thóc tốt,
Chia phái lên Phong Niên xã mới, cây xưa nở hoa tươi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!