Những gia đình Lương Đức từ đất Tổ lên khai hoang lập nghiệp tại vùng phên dậu Tây Bắc này đã gắn cuộc đời với sự thăng trầm của xứ này. Do vậy quan hệ Việt-Trung không chỉ là của quốc gia mà nó ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người.
1. Mối quan hệ tự nhiên do điều kiện địa lý:
Việt Nam một mặt giáp biển, ba mặt giáp lân bang. Nhưng tổ tiên ta không thể mở về Đông (biển) chỉ có thể mở mang lãnh thổ về phía Nam, một phần sang phía Tây và khẳng định chủ quyền tại các vùng “đệm” ở miền Tây, Bắc. Còn phía Bắc phải căng mình chống lại cuộc “nam chinh” của Thiên triều.
Do điều kiện địa lý và văn hóa nên giữa 2 nước có mối quan hệ từ lâu đời và ngoài các cuộc xâm lăng thì những tranh chấp lãnh thổ qua các thời kỳ từng để lại nhiều dấu ấn trên mảnh đất biên cương. Trong mối quan hệ đó thì các triều đại Phong kiến Trung Hoa luôn coi Đại Việt là nước man di 蠻夷, là phiên thuộc không ngừng nhòm ngó xâm lược, xâm lấn hay đồng hoá. Là một nước nhỏ, không cách nào khác các chính quyền phong kiến Việt Nam phải chịu thần phục Thiên triều. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ địa chính trị lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Đó chính là mối quan hệ giữa hai thực thể địa chính trị. Nói “quan hệ địa chính trị” bởi quan hệ Việt-Trung không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai quốc gia, càng không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa hai “nhà nước dân tộc có chủ quyền”, như ta vẫn quen hình dung về mối quan hệ giữa hai “nước” trong thế giới hiện đại theo trật tự thế giới “kiểu Westphalia” .
Thực tế trung tâm văn minh cổ, nơi phát tích của nhà nước Trung Hoa nằm tại vùng Cam Túc, rất xa Việt Nam. Mãi đến 219 tCn, sau khi thống nhất 7 nước, Tần Thuỷ Hoàng sai Đồ Thư 屠睢 làm chủ tướng, Triệu Đà 趙佗 làm phó tướng, chỉ huy 50 vạn quân bình định vùng đất Bách Việt ở Lĩnh Nam. 5 năm sau mới hoàn thành là lập nên 3 quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây) và Tượng Quận (nam Hồ Nam) giáp Việt Nam. Riêng vùng Vân Nam, đến năm 320 vẫn là nước Điền của thị tộc Thoán 爨, sau đó từ năm 738 là Vương quốc Nam Chiếu 南诏 rồi Vương quốc Đại Lý 大李 (năm 937) mãi đến năm 1276 mới thành một tỉnh do quyết định của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, Khubilai Khan, 忽必烈, 1215–1294). Do đó quan hệ giữa Việt và Trung có thời kỳ là quan hệ của Việt với các lãnh chúa, hay tiểu quốc vùng Hoa Nam. Mối quan hệ địa chính trị Việt-Trung trong từng thời kỳ có tính chất, đặc điểm riêng phụ thuộc vào tương quan giữa 2 bên.
Hơn nữa, Việt Nam từng là quận 郡 huyện 縣 của Trung Quốc trong 10 thế kỉ, là nước chư hầu của Trung Quốc trong suốt thời kì phong kiến. Trong tất cả các triều đại, chính phủ của Trung Quốc từng kiểm soát lãnh thổ giáp ranh với Việt Nam (Tần, Triệu, Hán, Ngô, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Hoa Dân quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), triều đại hay chính phủ nào cũng mang quân đội sang Việt Nam với ý định chiến tranh hoặc đoạt chính quyền.
Như vậy biên giới Việt-Trung không chỉ là sự thật địa-chính trị cho hai nước mà còn là biểu trưng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các cuộc kháng chiến chống Trung Quốc có thể được xem là một trong những chủ đề chính, nếu không muốn nói là chủ đề lớn nhất, của lịch sử Việt Nam đã chép ở trên. Do vậy phần này chỉ tổng thuật những nét lớn về đối ngoại và bảo vệ chủ quyền.
2.Tìm trong lịch sử :
Nếu tính cả truyền thuyết thì người Việt đã có quan hệ với Trung Hoa từ năm Mậu Thân năm thứ 5 đời vua Đương Nghiêu ở Trung Quốc (năm 2353 tCn) và lần thứ 2 thông sứ là vào năm thứ 6 đời vua Thành Vương nhà Chu, tức năm 1110 tCn. Sử liệu chính thức ghi lại quan hệ Việt-Trung từ cuối thế kỷ thứ III trước Công nguyên khi biên giới Trung Quốc đã mở rộng tới sát biên giới ta.
Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm tồn tại từ thế kỷ 2 tCn đến nay có thể chia ra bốn thời kỳ cơ bản.
Thời kỳ thứ nhất là “thời kỳ Bắc thuộc”, dài khoảng một ngàn năm, từ lúc nước Âu Lạc của An Dương Vương thuộc về nước Nam Việt của Triệu Đà (năm 179 tCn), khi mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng với miền Trung nguyên Trung Quốc được thiết lập thông qua quan hệ Hán-Nam Việt, cho đến thời điểm Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938).
Thời kỳ thứ hai gọi chung là “thời kỳ Đại Việt” tính từ khi Ngô Quyền xưng vương (939) đến khi Pháp đặt nền bảo hộ ở Việt Nam và nhà Thanh công nhận chủ quyền của Pháp ở đây (1883).
Thời kỳ thứ ba là “thời kỳ Pháp thuộc”, kéo dài khoảng 6 thập niên, từ 1883 đến 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập.
Thời kỳ thứ tư gọi chung là “thời kỳ Việt Nam”, từ 1945 đến nay (gồm 3 giai đoạn: từ cuối thập niên 40 đến cuối thập niên 60, từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 80, từ đầu thập niên 90 đến nay). Trong thời kỳ thứ tư này, xung đột nhỏ lồng trong xung đột lớn, tất cả chịu sự chi phối của quan hệ giữa các nước lớn.
Quan hệ Việt-Trung không đơn thuần phụ thuộc vào 2 nước mà nằm trong bối cảnh mới khi chiến lược của những nước lớn khác nhau (Pháp, Mỹ, Liên Xô) tuỳ thời kỳ.
Thời Bắc thuộc, Việt Nam được tổ chức thành quận huyện trong cơ cấu nhà nước đế quốc Trung Hoa với tên gọi “Giao châu” và “An Nam đô hộ phủ”. Quan cai trị Việt Nam do vua Trung Quốc bổ nhiệm. Như vậy, Việt Nam thống thuộc vào Trung Quốc về nhân sự lãnh đạo cũng như về chính sách. Trong suốt 10 thế kỉ đó có những khoảng ngắn ngoài khuôn khổ của triều đình Trung Hoa. Chống lại một tập đoàn thống trị bành trướng, hiếu chiến cuồng bạo là rất khó khăn. Vậy mà nhân dân ta vẫn luôn luôn khởi nghĩa (đã chép ở phần Việt Nam thời Bắc thuộc). Nhưng không chỉ có Bắc triều tấn công mà người Việt cũng có lần Bắc chiến. Đó là cuộc tấn công Hợp Phố của Lý Bí (542) ngăn chặn cuộc xâm lăng của nhà Lương. Hoặc có những vùng mà triều đình chính thống bên bắc quốc cũng không với tới mà nó nằm trong vùng ảnh hưởng của các quan lại cát cứ hay các tiểu quốc. Lào Cai là nơi như thế.
Trong nửa đầu thế kỷ thử IX, phong trào giải phóng ở nước Nam lại nổ ra liên tiếp. Nhiều viên quan đô hộ nhà Đường bị giết hoặc bị đuổi về nước.Cuối thế kỷ thứ IX, những binh lính người Việt đã làm một cuộc binh biến rất lớn, đánh đuổi tiết độ sứ cùng toàn bộ quan lại, quân sĩ của chúng về nước. Cha con họ Khúc tranh thủ lúc nhà Đường suy yếu đã nổi lên nắm quyền tự chủ thi hành một chính sách mềm dẻo, hòa hoãn. Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ (lên cầm quyền từ 932) cho người sang “xưng thần” và xin Nam Hán (do Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Cung ly khai xưng đế 917) cho quân sang cứu. Đây là hành động rước voi dầy mả Tổ đầu tiên của nguời đứng đầu nước ta.
Thời phong kiến tự chủ, Việt Nam không còn chấp nhận tư cách quận huyện trong đế quốc Trung Hoa nữa, và Trung Hoa cũng phải chấp nhận cho Việt Nam nằm ngoài cương vực của mình. Lịch sử quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ này là lịch sử sự xung đột và thỏa hiệp, lịch sử sự thể chế hóa các xung đột và thỏa hiệp ấy giữa hai viễn tượng về trật tự thế giới.Trung Hoa áp đặt trật tự thế giới của mình thông qua “lễ”. Để khẳng định vị trí của mình trong trật tự thế giới của Trung Hoa, Việt Nam phải nộp cống, kẻ cầm quyền mới lên ngôi phải cầu phong, nhận sắc chỉ của hoàng đế Trung Hoa phải khấu đầu, nếu không làm tròn phận sự sẽ bị cất quân hỏi tội.
Việt Nam thực hiện một chính sách hai mặt. Một mặt vẫn thực hiện đủ lễ với Trung Hoa, nghĩa là về hình thức công nhận trật tự thế giới của Trung Quốc. Mặt khác cứ thực hiện trật tự thế giới của riêng mình. Các chính quyền phong kiến tự chủ Đại Việt đã xác định được một đường lối bang giao thích hợp. Có thể khái quát đó là đường lối ngoại giao: dưới danh nghĩa “thần phục Thiên triều” nhưng “trong xưng Đế, ngoài xưng Vương”; luôn giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc, nêu cao chính nghĩa và hoà hiếu; Ngoại giao đại Việt được coi là mặt trận đấu tranh kiên trì, biết mình, biết ngời, biết sử dụng “tâm công” và công việc đó được giao cho những người Khoa bảng Trí Dũng song toàn.
Các triều đại Việt Nam, từ sau khi giành lại quyền độc lập tự chủ với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938, một mặt phải giữ mối quan hệ thần phục nhưng vẫn nêu cao ý tự chủ, củng cố nền độc lập mặt khác rất quan tâm chỉ đạo vấn đề giữ vững biên cương, mở mang lãnh thổ của tổ quốc, chống lại âm mưu bành trướng và các cuộc “Nam Chinh”.
Sau khi đánh thắng quân Nam Hán, đầu năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, cầm quyền trị nước, bỏ danh hiệu Tiết độ sứ, dứt khoát cắt đứt quan hệ lệ thuộc các vương quyền phương Bắc. Ngô Vương không giao thiệp với Nam Hán mà ông vừa đánh cho đại bại và cũng không liên hệ với nước nào trong “Ngũ đại thập quốc” lúc ấy. Sự kiện bang giao đầu tiên là vào năm 954 Ngô Xương Văn Nam Tấn Vương 吳昌文南晉王 (lên ngôi năm 951, sau khi dẹp được kẻ tiếm quyền là Dương Tam Kha) sai sứ sang Nam Hán 南漢 tiếp kiến Lưu Thanh. Vua Nam Hán cho ngay sứ sang nhận ta là phiên thần, lại phong chức tiết độ sứ cho Ngô Xương Văn, âm mưu kiếm cớ xâm nhập tiến tới chiếm đóng nước ta. Được tin ấy, Ngô Văn Xương cho ngay người đi sang chặn sứ Nam Hán lại trước khi tới biên giới, và dọa sứ Nam Hán rằng: giặc biển đương làm loạn, đường đi rất khó, đừng sang mà chết! Sứ Nam Hán hoảng sợ quay về.
Sau khi thống nhất đất nước (968), , quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cũng chưa đặt ra ngay, vì Trung Quốc chưa chấm dứt được nạn “Ngũ đại thập quốc”.
Đến năm 972 Đinh Tiên Hoàng đã sai con là Đinh Liễn 丁璉 sang Tống (宋朝 nối nghiệp nhà Hậu Chu từ 960 và diệt nhà Nam Hán, nắm quyền cai trị TQ từ 971) xin phong vương, khẳng định quốc thống và được Tống đế phong Giao chỉ quân vương 交止郡王. 3 năm sau Tống Thái Tổ sai Cao Bảo Tự sang phong Đinh Tiên Hoàng là Nam Việt Vương 南越王. Đến năm 977 nhà Đinh sai sứ sang mừng Tống Thái Tông lên ngôi. Như vậy Cao Bảo Tự 高寶字 là vị sứ thần 使 君 đầu tiên của Thiên triều sang Nam quốc, Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên được Bắc triều sắc phong như là một quốc gia độc lập và từ đó đã thực hiện việc thông sứ giữa 2 nước.
Đây
là bước ngoặt quan trọng thể hiện sự độc lập của ta.
Nhân khi nhà Đinh có tang, 8/980, Tống triều “họp quân bốn mặt, hẹn ngày cùng
sang xâm lược” nước ta và thực hiện ngay kế sách “Phạt giao”, đưa ra một tối hậu
thư “…nếu quy thuận thì ta tha cho, nếu trái lệnh thì ta quyết đánh”... Đây là
một văn kiện ngoại giao của kẻ xâm lược mà sử sách của ta lần đâu tiên ghi lại.
Trong bối cảnh đó Lê Hoàn được tôn lên làm vua.
Khi thay họ Đinh cai quản nước ta, ngay từ 990, trong khi tiếp sứ giả Tống Cảo của nhà Tống, Vua Lê Đại Hành khẳng định chủ quyền Nam quốc. Để hậu thuẫn cho lời khẳng định đó, trước sự dòm ngó và xâm lấn của quan lại địa phương Tống triều, năm 995 nhà Lê đã cất binh đánh Khâm châu, Ung châu rồi rút về. Thất bại về mặt quân sự là một đòn thấm thía cho nhà Tống, khiến gần 100 năm sau, nhà Tống nhiều lần muốn xâm lược nước ta mà không dám tính đến việc đem quân sang đánh. Không những thế, nhà Tống còn phải cố nén chịu đựng, nhượng bộ trước thái độ ngoại giao vừa cứng rắn (để hạn chế những thái độ hống hách, nước lớn của nhà Tống) vừa mềm dẻo (để giữ vững hòa hảo giữa hai nước) của Lê Hoàn và e dè cả trong quan hệ đối ngoại với con Lê Hoàn là Lê Long Đĩnh. Thời kỳ này Tống triều đã chấp thuận đề nghị của nhà Tiền Lê để dân Việt sang buôn bán tại Liêm Châu và Nhữ Hồng. Năm 1007 lê Long Đĩnh sai em là Minh Sưởng sang Tống xin Cửu kinh Nho giao và Đại tạng Phật giáo về nước phổ biến. Như vậy vị thế của Đại Việt đã nâng lên rõ rệt cả mặt kinh tế và văn hoá.
Các
vua triều Lý rất quan tâm đến cương vực vương quốc, có ý muốn mở rộng những
vùng đất mà xưa nay còn chưa phân định rõ. Để tự vệ, năm 1014 Lý Thái Tổ cho
quan quân lên Cao Bằng đánh dẹp được quân Hạc Thác (là thổ dân vùng Tả giang, Hữu giang, Quảng Tây) xâm phạm cõi bờ.
Tiếp theo, Lý triều đã nhiều lần Bắc chiến thành công, kể cả để giữ đất hay chủ
động tấn công để phòng ngự tích cực. Về mặt ngoại giao, nhà Lý nhiều lần cử sứ
sang Trung Quốc, làm rạng danh cho Đại Việt. Đặc biệt dựa trên cơ sở thực lực về
quân sự nhà Lý đã nhiều lần cử phái đoàn đi thương thuyết đòi lại những vùng đất
bị quân tống xâm lấn (Thuận An- 1062; Quảng
Nguyên-1078, Vật Dương, Vật Ác-1081...) hay phân chia lại địa giới (Vĩnh Bình-1083,1084). Người phương Bắc
cũng cử sứ sang phong vương, dự lễ tang, giảng hoà. Đặc biệt vào năm 1168 cả sứ
Tống và sứ Đại Kim 大金 (tộc Nữ Chân女鬒 lập nên ở Bắc Trung Quốc từ đầu thế kỉ XII, phân chia quyền lực với Tống)
cùng sang, vua ta tiếp cả nhưng không cho họ gặp nhau.
Về chủ quyền lãnh thổ, trong các cuộc đàm phán về biên giới năm 1078 do Đào
Tòng Nguyên dẫn đầu và cuộc đàm phán năm 1084 do Trạng nguyên khai khoa Lê Văn
Thịnh dẫn đầu. Vua Lý Nhân Tông viết thư gửi cho vua nhà Tống đòi những vùng đất
mà quân Tống còn chiếm đóng sau trận chiến 1076-1077:
“Mặc dầu những đất ấy nhỏ bé nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót luôn luôn nghĩ đến
cả trong giấc mộng.”
Để giữ vững chủ quyền và răn đe nhà Tống, Lý triều đã nhiều lần cất binh sang tận đất Tống thảo phạt (1022, 1059, 1060) đặc biệt là trận tấn công của Lý Thường Kiệt làm cỏ châu Khâm, Liêm, Ung vào 12/1075, 01/1076. Chiến thắng oanh liệt sau lại dùng Biện sĩ bàn hòa để kết thúc chiến tranh. Phương châm vừa đánh vừa đàm được thực hiện rõ và thành công nhất dưới triều Lý. Về phía Đông, năm 1171, 1172, Lý Anh Tông đích thân đi “tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đí, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật”.
Nhà Trần (陳朝,1225 - 1400) là một triều đại đặc biệt, ngoài chiến công 3 lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông, còn là triều đại mà mối bang giao gắn với 3 triều đại kế tiếp và hùng mạnh, hiếu chiến của Trung Quốc là Tống (宋朝, Song; 960-1127), Nguyên (元朝, Yuan Dynasty;Dai Ön Yeke Mongghul Ulus, 1227 - 1368) và Minh (明朝, Ming; 1368 - 1644). Do vậy lịch sử bang giao thời này rất phong phú và cũng khá phức tạp. Buổi sơ triều ta là lúc bên Tống quốc rất rối ren, phía Bắc thì nhà Kim, quân Nguyên đe doạ, mặt Nam giặc cướp nổi lên hoành hành. Do vậy nhà Tống phải nhờ quan quân nhà Trần đưa quân sang Khâm Châu, Liêm Châu đánh dẹp. Năm 1279, sau trận hải chiến cuối cùng với quân Nguyên, nhà Nam Tống dứt hẳn, một số quân binh và dân chúng chạy sang lánh nạn ở Đại việt và có người đã cùng quân dân nước ta lập công đánh giặc Nguyên (Triệu Tiết). Nhờ sự thiện chiến, vó ngựa Nguyên Mông đã tung hoành khắp Á, Âu nên sứ thần sang Việt (lấy có muợn đường đánh lên Đại Lý, đánh xuống Chiêm Thành, đòi cống vật phẩm và nhân tài) rất ngang ngạnh, luôn thể hiện thái độ đe dọa ngoại giao. Vua tôi nhà Trần từng bắt sứ thần bởi “Mông Thát dùng đe đọa ngoại giao để vào Đại Việt thì Đại Việt lấy trấn áp ngoại giao đáp lại”. Trước dã tâm và thực tế cuộc Nam chinh của Nguyên Mông, quan quân nhà Trần đã đứng lên 3 lần đánh tan đội quân xâm lược nhà nghề này. Như thế triều Trần đã biết dùng đấu tranh ngoại giao kết hợp đấu tranh quân sự để đánh thắng quân xâm lược hùng mạnh. Lịch sử bang giao Trần-Nguyên còn phải kể đến sự kiện Nguyên triều dựng Trần Di Ái lên lập một “triều đình” đưa về nhưng bị thất bại và việc An Tư Công chúa được gả cho Thoát Hoan để chậm bước tiến quân của địch. Nguyên triều là triều đại phương Bắc đầu tiên bắt vua ta sang chầu. Nhưng vua Trần không đi và cử sứ sang giao hảo bình thường. Thắng lợi vẻ vang của quân dân Đại Việt khiến Nguyên Mông mất mặt. Hoàng tử Trấn Nam vương Thoát Hoan, với tước “Trấn Nam” hai lần lĩnh ấn “chinh Nam” đem quân sang xâm lược Đại Việt, nhưng “Trấn Nam”, “chinh Nam” đều thất bại và Thoát Hoan bị đày đi Dương Châu đến hết đời, không còn được gặp bố là Hốt Tất Liệt ! Sau chiến thanứg lần thứ 3 nhà Trần cho sứ sang bàn việc trao trả tù binh, mở đường thông hiếu. Như vậy nhà Trần đã thực hiện phương châm khi chuẩn bị và tiến hành chiến tranh thì hoà hãn, không khuất phục đầu hàng, giữ vững độc lập tự chủ; khi thắng lợi thì giao hảo thân thiện.
Dưới triều Trần, công việc giữ vững biên cương được giao cho các trọng thần là Tướng quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và gả các Công chúa cho thổ hào biên giới. Đồng thời để lấy lại vùng đất mà Bắc triều lấn chiếm hay các thổ hào biên ải dâng cho phương Bắc, nhà Trần đã đưa quân lên tấn công, giương uy vào các năm 1241, 1242, 1266. Có lần quân ta tiến sâu vào đất Tầu, buộc nhà Nguyên phải thương lượng Đại Việt mới lui.
Khi đã ổn định việc cai trị Trung nguyên, nhà Minh (thay nhà Nguyên từ 1368) đã dòm ngó về Nam. Mối bang giao Trần-Minh còn có một sự kiện đặc biệt từ lúc Minh sơ. Số là vào cuối Nguyên, tại vùng Nam Trung Quốc, Trần Hữu Lượng (con của Trần Ích Tắc ?) khởi nghĩa lập nên nước Đại Hán (1340-1366) tranh giành với Chu Nguyên Chương lập nước Đại Minh ở miền Bắc. Năm 1454 Trần Hữu Lượng, 1459 Chu Nguyên Chương sai sứ sang đại Việt thông hiếu cầu thân. Vua Trần từ chối sự cầu viện của Đại Hán. Ý của nhà Trần là không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Khi Chu Nguyên Chương thống nhất được Trung Quốc (1367) là lúc nhà Trần có phòng bị song lúc này đã suy yếu quá rồi và vương quyền chuyển về tay ngoại thích họ Hồ.
Năm 1384, nhà Minh đánh Vân Nam, đòi ta cấp lương thực, đưa lên cho chúng. Nhà Trần phải nhận lời. Các quan lại làm việc vận chuyển lương thực lên huyện Thủy Vĩ nhiều người chết vì lam chướng.
Khi giành ngai vàng (1400), cha con Hồ Quý Ly tích cực tổ chức đánh quân Minh, sai sứ sang giảng hoà (1406) nhưng bị giữ lại. Cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, vua tôi bị bắt đưa về Bắc quốc và đất nước lại rơi vào kỳ Bắc thuộc lần nữa kéo dài 20 năm (1407-1427). Chính đây là giai đoạn mà nhiều sản vật, sách vở nước ta tích luỹ từ trước đã bị tịch thu đưa về Kim Lăng.
Ngay trong những ngày “Nếm mật nằm gai”, trường kỳ kháng chiến Bắc Bình Vương đã có giao hảo với quan quân Minh chiếm đóng. Thực hiện đường lối trong Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi (dâng lê Lợi năm 1423) nghĩa quân đã dùng “Tâm công” đánh vào lòng đối phương, dụ địch và nguỵ quân ra hàng. Đồng thời đã 4 lần tiến hành các cuộc Hoà đàm với đối phương (vào các năm 1423, 1424, 1427) và nhiều lần Nguyễn Trãi viết thư trao đổi với chủ soái của giặc. Đặc biệt ý tưởng và việc tổ chức Hội thề Đông Quan vào ngày 22 tháng 11 Đinh Mùi (10/12/1427) ở phía Nam thành tỏ rõ uy lực người chiến thắng và nhân nghĩa của cuộc kháng chiến.
彼既畏死貪生,而修好有誠; Bỉ kí uý tử tham sinh, nhi tu hảo hữu thành;
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
予以全軍為上,而欲民之得息 Dư dĩ toàn quân vi thượng, nhi dục dân chi đắc tức Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
非惟謀計之極其深遠 , Phi duy mưu kế chi cực kì thâm viễn, Chẳng những mưu kế kì diệu
蓋亦古今之所未見聞 。 Cái diệc cổ kim chi sở vị kiến văn. Cũng là chưa thấy xưa nay
Sự nghiệp chiến đấu chống xâm lược của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và quân dân ta thời đó còn có tác dụng quan trọng là chặn đứng và dập tắt cuồng vọng bành trướng của nhà Minh xuống Đông Nam châu Á, chấm dứt họa “Hạ Tây dương” của bọn Trịnh Hòa, một hình thức vừa uy hiếp quân sự, vừa cướp biển của triều Minh thời đó. Sau khi giành lại độc lập từ ách đô hộ của nhà Minh, nhà Lê, vì hoàn cảnh đất nước đã thực hiện việc sai sứ sang triều cống, xin phong vương (cho “con cháu nhà Trần” là Trần Cảo) và giải quyết hậu quả sau chiến tranh. Chính thức đến năm 1436 vua mới sai sứ và năm sau sứ Minh mới mang ấn và Sắc phong Lê Lợi là An Nam quốc vương 安南國王. Nhưng từ đây khởi việc triều cống người vàng, với ý đền mạng cho Liễu Thăng (柳昇, bị chém ở núi Đảo Mã Pha 倒馬坡 (nay là Mã Yên sơn 馬 鞍山) gần ải Chi Lăng 支 稜 ngày 21/9 Đinh Mùi.
Riêng
vùng Tây bắc, ngoài các vị trí quân sự, ở đây còn những mỏ vàng, bạc, thiếc, đồng,
sắt… Tranh chấp vùng này xảy ra chủ yếu thời Lê Thánh Tông.
Năm 1464, đầu mục ở Mạnh Thích thuộc châu Ninh Viễn của Đại Việt chỉ huy người
Thái sang xâm nhập các thôn thuộc phủ Lâm An, Vân Nam. Tri phủ Lâm An giấu
không dám tâu lên triều đình, sau nhà Minh mới phát hiện ra. Tháng chạp năm
1473, một số người Trung Quốc ở Long Châu là Quang Ngọc, Tô Bí, Tô Trân, Đằng
Tiêm lẻn vào châu Văn Uyên, đổi hàng hoá với dân địa phương rồi đánh nhau, bị
quân Đại Việt bắt giữ cả người và hàng. Năm 1475, trấn thủ Vân Nam là Tiền Năng
sai Quách Cảnh mang thư sang Đại Việt và nhận quà biếu của nhà Lê. Lê Thánh
Tông sai Lê Hoằng Dục đi sứ, Quách Cảnh về nước, giải bọn Quang Ngọc qua đường
Vân Nam tới Bắc Kinh. Theo Minh sử, việc đi sứ lẽ ra theo đường Quảng Tây,
nhưng Quách Cảnh nhận hối lộ của Đại Việt, cho đoàn sứ đi đường Vân Nam. Đại Việt
cho hơn 600 phu đi trước, quân Đại Việt theo sau, gây rối loạn cho Vân Nam. Vân
Nam mấy lần cáo cấp, nhà Minh mấy lần ra sức dụ, “lời lẽ mềm dịu” nhưng Lê
Thánh Tông “vẫn ngang ngạnh không sợ”.
Năm 1474, châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang có Hoàng Chương Mã nổi dậy cướp phá. Quân Đại Việt đi dẹp, trong lúc đánh đuổi lại vượt biên giới vào sâu lãnh thổ Vân Nam. Nhà Minh lại gửi thư trách, Lê Thánh Tông bèn gửi thư xin lỗi. Để giữ yên mặt nam, trấn thủ Vân Nam của nhà Minh là Vương Thứ đề nghị tạm ngừng thu thuế cho dân phủ Lâm An (Vân Nam) và điều 4000 quân thay nhau canh phòng. Vua Minh Hiến Tông cho rằng nếu tăng quân sẽ khiến Đại Việt “nảy sinh hiềm khích” nên chỉ hạ lệnh tạm ngừng thu thuế cho dân vùng biên.
Năm
1479, lại xảy ra vụ việc Lê Thánh Tông sai 800 quân lấy cớ đuổi giặc cướp rồi lấn
sang huyện Mông Tự (Vân Nam) dựng
doanh trại ở đó. Sau một thời gian bị quân Minh địa phương ráng sức ngăn cản,
quân Đại Việt mới rút về. Đây chính là thời điểm Lê Thánh Tông tiến đánh Ai
Lao, gần biên giới Vân Nam. Chiến tranh ở Ai Lao khiến nhà Minh lo ngại, tăng
cường thêm quân bố phòng. Năm 1480, khi Đại Việt đánh Lão Qua, nhà Minh ra lệnh
cho các quan trấn thủ phải tăng cường phòng bị và quân lính ở biên giới Vân Nam
“không được giao thiệp với người Di”.
Không lâu sau, người Thái đen ở châu Ninh Viễn của Đại Việt lại xâm lấn sang
thôn Xạ Lý thuộc Vân Nam. Trấn thủ Ngô Thành tâu báo về, nhà Minh theo đề nghị
bèn gửi sắc dụ trách Lê Thánh Tông và lập Ty tuần kiểm ở nút địa giới giữa châu
Ninh Viễn của Đại Việt và châu Kiến Thuỷ của Trung Quốc để phòng quân cướp. Nhà
Lê sai Nguyễn Văn Chất đi sứ gửi thư phân trần việc này như sau: “Vì có 13 người
ở Đông Quan trốn sang biên giới nước Lão Qua nên sai bọn Nguyễn Bảo tới địa giới
để đòi lại, chỉ bắt được xe buôn bán chở về, không liên quan gì đến việc đánh
nước Lão Qua và việc muốn đánh nước Bát Bách Tức Phụ. Điều ấy là nói bịa”.
Kể từ năm 1480 trở về sau, vùng biên giới Tây bắc yên ổn.
Đặc biệt trong thời Nam-Bắc triều (1527-1592) và trong giai đoạn dư đảng nhà Mạc chiếm cứ Cao Bằng (1592-1677) sau khi thất thủ ở kinh thành, mối bang giao giữa Minh triều với Đại Việt là bang giao với cả nhà Lê Trung hưng và nhà Mạc. Năm 1529, hai cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngang, Trịnh Ngung sang Trung Quốc yêu cầu nhà Minh cho quân sang đánh Mạc. Nhà Minh không nhận lời. Năm 1538, nhà Mạc cho sứ sang Trung Quốc xin quy thuận. Vua Minh sai Mao Bá Ôn dẫn quân lên đường chuẩn bị tiến sang nước ta và được Mạc dâng đất sáu động ở Vĩnh An (thuộc vùng Quảng Ninh bây giờ). Tướng Minh ra lệnh buộc Mạc Đăng Dung phải bỏ đế hiệu và đích thân đến cửa trại quân Minh nộp đất đựng mốc. Nhà Mạc tuân theo và lại bị nhà Lê nổi lên ở mạn trong nên từ đó suy yếu dần. Do đó lại tiếp nhờ nhà Minh Trung Quốc can thiệp với nhà Lê, năm 1541, Mạc Đăng Dung phải tự trói mình lên biên giới xin hàng nhà Minh, cắt hai châu Như Tích, Chiêm Lãng (vốn được Hoàng Kim Quảng mang về theo nhà Lê năm 1427) thuộc An Bang cho nhà Minh. Kết quả nhà Mạc được nhà Minh công nhận cai trị Đại Việt, được tạm giữ một khu đất ở Cao Bằng làm nơi trú chân, nhưng hạ từ An Nam quốc xuống An Nam Đô thống sứ ty. Từ đó tình hình biên giới phía bắc khá yên ổn, nhà Mạc không còn gặp phải sự uy hiếp của nhà Minh.
Năm 1644, bên Trung Quốc, nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt. Các vua Nam Minh nổi dậy cố khôi phục nhà Minh. Trong hoàn cảnh đó phía Lê - Trịnh vẫn thần phục nhà Minh. Năm 1647, tranh thủ sự ủng hộ của nhà Lê, Quế vương Chu Do Lang mới phong vua Lê làm An Nam Quốc vương và năm 1651 phong chúa Trịnh làm An Nam phó vương. Năm 1662, nhà Nam Minh bị nhà Thanh diệt. Do nhà Thanh tiếp tục ủng hộ họ Mạc, vấn đề Cao Bằng vẫn không được giải quyết.
Tới năm 1673, Mạc Kính Vũ ủng hộ Ngô Tam Quế phản nhà Thanh, vì vậy không được sự hậu thuẫn từ phương bắc nữa. Năm 1677, Trịnh Tạc sai Đinh Văn Tả đánh chiếm Cao Bằng, Mạc Kính Vũ bỏ chạy sang Long Châu không trở về được nữa.
Cho tới năm 1677 thì chính quyền của nhà Mạc bị đánh đổ hẳn.
Sau khi lấy lại Cao Bằng, họ Trịnh vẫn phải đối phó với các dư đảng họ Mạc câu kết với chúa Bầu Vũ Công Tuấn khiến các thổ ty nhà Thanh lợi dụng chiếm giữ vùng biên rộng lớn ở phía tây Cao Bằng. Theo các sử gia, do áp dụng chính sách ngoại giao bạc nhược, chính quyền vua Lê chúa Trịnh đã để cho các quan lại vùng biên nhà Minh sang cướp phá và một số đất đai phía bắc lọt vào tay các thổ ty nhà Thanh.
Sang thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1786) thì đó là mối quan hệ với nhà Lê và chúa Trịnh (Đàng Ngoài), chúa Nguyễn (ở Đàng Trong). Việc giao hảo thời kỳ này đã toàn diện hơn và đã có “yếu tố châu Âu” xen vào (chủ yếu là các nhà buôn và các giáo sĩ). Sứ thần triều Lê đã buộc nhà Minh phong vua Lê làm “An Nam quốc vương” thay vì “An Nam đô thống sứ” như đã phong cho các vua nhà Mạc trước đây.
Giai
đoạn cuối nhà Lê, Đại Việt giữ mối bang giao với Bắc triều là với triều đình
không phải Hán tộc, triều Mãn Thanh (大清國;
dàqīngguó, 1644 - 1911). Năm 1667,
vua Thanh là Khang Hy phong vua Lê làm An Nam quốc vương. Nhưng việc giao hảo
giữa ta và Thanh không được lâu. Đại Việt sớm phải đương đầu với nguy cơ xâm lược
mới và điều đó dẫn đén sự kết thúc vai trò lịch sử của nhà Lê.
Thời kỳ này, trong các năm 1688 và 1690, Thổ ty nhà Thanh đã chiếm của Đại Việt
các châu động sau:
Thổ ty Khai Hoá (Vân Nam) chiếm các xã thôn: Bách Đích, Mỹ Phong, Túc Lẫm, Hữu Sào, Ngọc Tỷ ở châu Bảo Lạc (Tuyên Quang); các động Đông Mông, Vô Cửu, Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên ở châu Vị Xuyên (Tuyên Quang) và 28 thôn ở các động ở châu Thủy Vĩ (thuộc Hưng Hoá);
Thổ ty Mông Tự (Vân Nam) xâm chiếm 25 thôn của động Trình Hàm ở châu Thủy Vĩ (thuộc Hưng Hoá);
Thổ tù họ Nùng ở xâm lấn 4 động ở châu Quỳnh Nhai, 3 động châu Chiêu Tấn và các châu Quang Lang, Hoàng Nham, Hợp Phi (Hưng Hoá).
Năm 1699, Chúa Bầu Vũ Công Tuấn cát cứ vùng Tây Bắc bị triều đình nhà Lê bắt giết. Cùng năm, Sầm Trì Phượng ở châu Tiểu Trấn Yên bên Trung Quốc lại sang quấy rối vùng biên thuộc châu Bảo Lạc (Tuyên Quang). Năm 1701, Thổ ty phủ Tư Lăng nhà Thanh là Vi Vinh Diệu kéo sang lấn ruộng lúa của dân châu Lộc Bình.
Trước tình hình đó, các chúa Trịnh kiên trì chính sách ngoại giao để đòi lại đất. Năm 1725, thời vua Ung Chính, sứ giả Đại Việt lại được Trịnh Cương cử sang thương thuyết về vấn đề biên giới, hai bên giằng co nhưng không có kết quả. Sang năm 1726, vua Ung Chính chấp nhận trả lại 80 dặm trong số 120 dặm chiếm ở hai châu Vị Xuyên và Thuỷ Vĩ, còn 40 dặm chỗ có xưởng đồng thì nhà Thanh không trả. Tới năm 1728, Ung Chính mới trả nốt 40 dặm có mỏ đồng Tụ Long. Nhà Lê cho sứ lên nhận đất và lấy sông Đổ Chú làm ranh giới..
Khi các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài nổ ra (1739), chúa Trịnh phải lo đối phó và không kiểm soát nổi toàn bộ biên giới, đất đai phía tây bắc phủ An Tây (Hưng Hoá) giáp Vân Nam cũng bị nhà Thanh dưới thời Càn Long lấn chiếm. Nguyên phủ An Tây có 10 châu: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên, Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phi, Lễ Truyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ. Khi Hoàng Công Chất nổi dậy đã chiếm giữ vùng Hưng Hoá phía tây bắc. Năm 1769, Công Chất chết, con là Hoàng Công Toản bị dẹp, chạy sang Vân Nam. Nhà Thanh nhân lúc đó lấn chiếm 6 châu: Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phi, Lễ Truyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ..
Nhà Lê đã gửi văn thư sang Vân Nam đề nghị giải quyết, nhưng gặp lúc chúa Trịnh Sâm chết (1782) nên việc này không thực hiện được. Sáu châu Hưng Hoá của Đại Việt cho đến khi kết thúc nhà Lê vẫn không đòi lại được.
Về
mặt biên giới, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách núi đá ở Hoà Bình:
“Biên phòng hảo vị trù phương lược; Xã tắc ưng tư kế cửu an”
Ý nói việc biên phòng cần phương lược phòng thủ; đất nước phải lo kế lâu dài.
Năm 1473, vua Lê Thánh Tông chỉ thị cho những người đi giải quyết vấn đề biên
giới với nhà Minh: “Chớ để họ lấn dần, nếu các ngươi dám lấy một thước núi, một
tấc sông tổ tiên để lại mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”.
Luật Hồng Đức công bố năm 1483 có điều khoản 74, 88 về bảo vệ đất đai ở biên giới
như sau: “Những người bán ruộng đất ở biên cương cho người nước ngoài thì bị tội
chém”; Quan phường xã biết mà không phát giác cũng bị tội”
“Những người đẵn tre, chặt gỗ ở nơi quan ải thì bị xử tội đồ”.(đầy đi khổ sai).
Đứng trước tham vọng lấn đất của Hoa dân và để giải quyết xung đột biên giới, trong các năm 1438, 1480 nhà Lê đã cử sứ sang hoặc cho người lên biên giới “biện bạch phải trái với nhà Minh” về ranh giới chủ quyền, quan hệ bang giao. Các năm 1688, 1689, 1771, 1780 quân Thanh từng xâm lấn chiếm đất vùng Đông Bắc và Tây Bắc (trong đó vùng Lào Cai, tức Thuỷ Vỹ xưa bị chiếm vào năm 1688) nước ta. Nhà Lê đã đòi lại nhưng nhà Thanh chỉ trả nhỏ giọt và có vùng lấn hẳn.
Riêng xứ Đàng Trong vì không liền biên giới với Trung Quốc như Bắc Hà, nên quan hệ ngoại giao của họ Nguyễn ở Nam Hà với Trung Quốc không là vấn đề cấp thiết. Mà các Chúa Nguyễn quan tâm nhiều đến đất Chiêm Thành, Chân Lạp và công cuộc Nam tiến.
Nếu như Thái Tổ nhà Lê kháng chiến thắng lợi lập nên vương triều thì đến thời Lê Mẫn đế Chiêu Thống (黎愍帝昭統, 1787-1788) ươn hèn, trước nguy cơ ngai vàng lung lay đã sang cầu cứu nhà Thanh. Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn, do tình thế lúc đó, đã đăng quang đặt niên hiệu Quang Trung trước khi ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh. Vị Vua-Tướng kiệt xuất này đã làm một cuộc hành quân thần tốc làm quân Thanh trở tay không kịp buộc Quan phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống 岑宜棟 đóng ở Đống Đa treo cổ tự vẫn, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị 孫士毅 hoảng bỏ chạy tháo thân. Ông còn tung tin sẽ vượt biên vào Trung Quốc truy nã bọn bán nước Lê Chiêu Thống đã làm náo động cả miền Hoa Nam.
Chiến thắng Đống Đa lẫy lừng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 mãi đi vào lịch sử và buộc Bắc triều thất kinh mỗi khi có ý tiến sang xâm lược nước Nam. Sau khi thắng trận, Quang Trung cho viết thư gửi Phúc Khang An ở Quảng Tây yêu cầu “mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa không ngừng đọng để làm lợi cho dân dùng”. Đồng thời ông đã cho người đóng giả mình sang Yên Kinh mừng thọ Càn Long 80 tuổi và sau đó còn cho sứ sang giao hảo, dâng biểu cầu hôn và đòi bãi bỏ lệ cống người vàng (1790).
Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước (1802) việc làm đầu tiên là phong vương và đặt quốc hiệu. Quá trình này đã chép rõ ở phần quốc hiệu và lịch sử nhà Nguyễn. Đến thời kỳ này quan hệ giữa 2 nước đã được một nước từ phương trời Tây vượt trùng dương sang chi phối. Việc phong vương chỉ thực hiện với các vua đầu , còn từ sau, do Pháp bảo hộ nên Nguyễn triều không nhận thụ phong của nhà Thanh nữa.
Thời kỳ này, dải biên giới thuộc hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hoá đã mất vào tay nhà Thanh của Trung Quốc không được khôi phục. Trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, nhà Nguyễn phải nhiều phen đem quân đòi lại phần đất mà biên thần nhà Thanh lấn chiếm (1831 ở Phong Thổ, 1832 ở bờ nam sông Đỗ Chu, 1837 ở Thuỷ Vĩ, 1838 ở Quảng Ninh) nhưng không đạt như ý muốn.
Đặc biệt nhà Nguyễn là triều đại đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh hải vùng Vịnh Bắc bộ và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (gọi chung là Vạn Lý Trường Sa).
Như vậy, phương thức chiến lược của các triều đại phong kiến Việt Nam đối với Trung Quốc có sự giống và khác giữa hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu, thời khởi nền độc lập (Ngô, Đinh, Tiền Lê) và thời củng cố nền độc lập (Lý, Trần) là “kháng cự và không chối từ”.
Đến giai đoạn sau (Lê, Nguyễn) là “kháng cự và bắt chước”.
Chính nhờ cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ, thông minh, khôn khéo của các thế hệ Việt Nam nối tiếp, mặc dầu trong tình hình so sánh lực lượng rất chênh lệch, phong kiến phương Bắc luôn luôn có ý đồ thôn tính, lấn chiếm nhưng Đại Việt vẫn giữ được chủ quyền (cả lãnh thổ , tiếng nói và văn hóa); biên cương phía Bắc nước ta vẫn hình thành rõ rệt và ổn định về cơ bản từ ngàn năm nay.
Từ
giữa thế kỉ XIX, khi Pháp bắt đầu tấn công Việt Nam, mặc dù vẫn giữ vai trò
“trung tâm thiên hạ” nhưng nhà Thanh đã bất lực, bỏ mặc Tây dương lấn dần rồi đặt
ách đô hộ lên Việt Nam. Đây cũng là thời gian mà Trung Hoa phải từ bỏ mô hình
thế giới truyền thống của mình (TQ là,
trung tâm thiên hạ, các nước khác là “phiên bang”, “chư hầu”, “thuộc quốc”)
và áp dụng mô hình thế giới kiểu Hòa ước Westphalia (1648, các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do
đó là ngang nhau trên trường quốc tế). Quan hệ Việt-Trung bị chi phối bởi một
đế quốc hùng mạnh, tân tiến đến từ trời Tây xa xôi, nước Cộng hòa Pháp.
Như vậy, quan hệ Việt-Trung chủ yếu là Việt ngăn chặn sự bành trướng của Hán.
Trong lịch sử từng có lần cha ông ta Bắc tiến, nhưng hầu như chỉ nhằm mục đích “tiên phát chế nhân”, không nhằm chiếm đất, chiếm dân.
Mở đầu là cuộc tấn công Hợp Phố của Lý Bí (542) và lớn nhất là cuộc chinh phạt “Tiên hạ thủ vi cường” sang Ung Châu của Lý Thường Kiệt vào năm 1075.
Sau đây là một sô lần quan quân Đại Việt đánh lên phía bắc:
- Mùa xuân năm Nhâm Tuất (542), vua Lương sai quân sang đánh nước ta nhưng bọn tướng cầm đầu là Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sợ nên dùng dằng không dám tiến, do đó quân giặc đi rất chậm. Khi chúng mới kéo đến Hợp Phố thì Lý Nam Đế đã cho quân chủ động đánh vào đất giặc, sử cũ chép “quân Lương 10 phần chết đến 6,7 phần, quân tan rã chạy về”.
- Mùa xuân năm Kỷ Mùi (995) hơn 100 chiến thuyền của nước ta đánh vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu sau đó rút quân. Đến mùa hạ cùng năm, hơn 5000 hương binh châu Tô Mậu (nay thuộc Lạng Sơn) tấn công vào Ung Châu rồi lui binh
- Năm Nhâm Tuất (1022) vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương (Nhị Hoàng tử) đem quân đi đánh Đại Lịch do người Nùng ở đây làm phản, sau đó “quân ta đi sâu vào trấn Như Hồng đất Tống, đốt kho tàng rồi rút về” .
- Tháng 3 năm Kỷ Hợi (1059) vua Lý Thánh Tông cho quân “đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc”.
- Năm Canh Tý (1060) châu mục Lạng Châu của nước ta là Phò mã Thân Thiệu Thái đánh vào đất Tống, bắt được tướng Tống là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về.
- Ngày 15/9 Ất Mão (27/10/1075) bằng chiến sách khôn khéo, bất ngờ và táo bạo, 40.000 quan quân Đại Việt do Lý Thường Kiệt 李常傑 thống lĩnh tấn công thành Khâm châu (30/12/1075), tiếp làm chủ Liêm châu (03/01/1076). Đây là 2 châu giáp biển thuộc Quảng Tây giáp với Quảng Ninh và Lạng Sơn nay. Sau đó Lý Thường Kiệt sai làm Phạt Tống lộ bố văn 罚宋路佈文,yết dọc đường để lấy danh nghĩa và gây thanh thế rồi đem quân tiến tới tận Ung châu (cung xthuộc Quảng Tây) phá được thành này sau 42 ngày vây hãm. Trận “Tiên hạ thủ vi cường” này làm cả triều Tống lo sợ và bối rối. Tống Thần Tông dặn ty kinh lược Quảng Tây : “Nếu xem chừng có quân Giao Chỉ tới đâu mà không đủ quân giữ, thì chỉ giữ mấy chỗ hiểm yếu mà thôi…” sau đó lại dụ : “Nếu quân bỏ thành mà đi chỗ khác, thì lo rằng lòng dân rối sợ. Hãy bảo các quan ti đều phải trở lại thành mình”. Rõ là hai đạo chiếu trái ngược nhau, kết cụ là thành trì và quân Tống bị thiệt hại nặng. Như vậy, trong hơn 3 tháng trời, Lý Thường Kiệt cùng binh khê động tâm phúc các nơi tiến quân vào đất Tống, phá hết các cứ điểm của Tống mà có thể dùng để đánh ta, phá thành Ung, Khâm, Liêm; đốt các trái Vĩnh Bình, Thái Bình, Cổ Vạn, Thiên Long, giết người vô số (khoảng 7-10 vạn người) rồi rút quân về đem theo hàng ngàn quân dân Tống bị bắt đem về Đại Việt cùng nhiều của cải. Tất cả chuẩn bị đợi Tống sang làm nên trận Như Nguyệt nổi tiếng (Xuân Hè 1076).
- Tháng 10 năm Tân Sửu (1241) vua Trần Thái Tông thấy một số tộc người ở nước Tống thường hay quấy nhiễu biên giới bèn sai đốc tướng Phạm Kính Ân đem quân vượt biên giới đánh vào hang ổ của chúng rồi về. Cũng trong năm đó Trần Thái Tông lại “đem quân đánh vào các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống, theo đường bộ rồi đi qua các châu Khâm, Liêm”.
- Mùa hạ năm Nhâm Dần (1242) Trần Thái Tông sai “thân vệ tướng là Trần Khuê Bình đem quân trấn giữ biên giới phía bắc, đánh lấy địa phương lộ Bằng Tường”.
- Tháng 2 năm Bính Dần (1266) đời vua Trần Thánh Tông, thủy quân lộ Đông Hải của nước ta tấn công rồi đánh đến tận núi Ô Lôi ở phía đông nam huyện Khâm (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc), “nhờ đó biết được quân Nguyên có âm mưu xâm lược nước ta”. Theo Nguyên sử cho biết, vào tháng giêng năm Qúy Sửu (1313) quân Đại Việt gồm hơn 3 vạn người và hơn 3000 kị binh đánh vào Vân Động, châu Trấn Yên (nay thuộc Thiên Bảo, Quảng Tây, Trung Quốc), sau đó tấn công các xứ Lôi Động, Tri Động và châu Quy Thuận (nay thuộc Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Đến tháng 4 năm đó quân ta lại đánh vào châu Dưỡng Lợi (nay thuộc huyện Dưỡng Lợi, Quảng Tây, Trung Quốc). Về sau nhà Nguyên phải cho sứ đến thương lượng quân ta mới rút lui.
- Theo sách Minh sử thì năm Mậu Ngọ (1438) thổ quan châu Tư Lang của nước ta đem quân đánh hai châu An Bình và Tư Lăng (nay thuộc Quảng Tây, Trung Quốc). Vua Minh phải sai sứ là Thang Đinh sang nước ta, vua Lê Thánh Tông cũng cho sứ sang nước Minh thương nghị.
- Tháng 6 năm Canh Tý (1480) tổng binh tri Bắc Bình của nước ta là Trần Ao sai Đào Phu Hoán đem 600 quân đánh vào Cảm Qủa, chiếm được ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung Quốc) rồi tiến vào Ban Động dựng rào chắn, sau đó tâu về triều đình. Vua Lê Thánh Tông sau đó cho người lên biên giới “biện bạch phải trái với nhà Minh”.
- Đặc biệt việc đòi đất được đề cập táo bạo dưới thời Tây Sơn. Quang Trung có ý muốn lấy lại vùng Quảng Đông, Quảng Tây (Thanh) vốn trước kia cùng với Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (Đại Việt) lập thành Nam Việt của Triệu Đà. Rất tiếc mọi việc đang dang dở thì Quang Trung mất (9/1792) rồi nhà Tây Sơn đổ (1802).
3. Việc giao tiếp của sứ thần Việt-Hoa:
Ngày xưa, cha ông ta học chữ Nho, tức là chỉ học nghĩa Hán-Việt của những từ Hán, đọc theo âm Hán-Việt, chứ không học cách phát âm của người Trung Quốc (nói theo cách học ngoại ngữ ngày nay, là đọc sách được chứ không nói được). Dù giỏi Nho đến đâu khi gặp các nhà Nho hay quan lại Trung Hoa phải dùng cách bút đàm (viết chữ Hán) thay cho lời nói. Việc đối đáp trực tiếp giữa sứ thần hai nước Việt-Hoa mang nhiều tính chất văn chương chỉ nên xem là giai thoại chứ không phải tín sử vì phần nhiều được thêm thắt theo sự truyền khẩu trong dân gian, có lắm tích truyện lại trùng lắp với những ghi chép trong sách vở Trung Hoa.
Vì các sứ thần không thể đối đáp trực tiếp bằng tiếng Trung Quốc nên triều đình mỗi nước phải lo bổ dụng các chuyên viên phiên dịch (thông ngôn). Bên Trung Quốc, từ đời Tần (thế kỷ 3 tCn) đã có chức quan gọi là yết giả trực thuộc yết giả đài, chuyên trông coi việc tiếp đãi quốc khách và đi sứ, phụ trách luôn việc thông dịch.
Theo Charles O. Hucker (A Dictionary of Official Titles in Imperial China, Taipei, 1985, tr. 577), các yết giả 謁假 dưới quyền các quan bộc xạ. Đầu đời Hán, các yết giả được tuyển trong số thái giám, từ năm 29 tCn trở đi họ được tuyển chọn trong số quan lại.
Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển 2, kỷ nhà Triệu (207-110 tCn), chép rằng ngay năm đầu tiên vừa lên ngôi (179 tCn) Hán Văn Đế đã sai Lục Giả đi sứ nước ta và chọn một yết giả làm phó sứ.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn (các quyển 128, 129, 130) chép rõ những quy định bang giao, thí dụ: thể thức đi sứ, lễ phẩm, lễ vật, hộ tống, thể thức tiếp sứ, v.v… Trong đó còn quy định rõ phải có một chuyên viên gọi là thông ngôn sứ, đảm trách việc phiên dịch giữa hai bên sứ thần và triều đình (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa, Huế 1992, tập 8, tr. 305, 309, 324, 327, 330, 347, 348).
Tóm lại, xưa nay việc ngoại giao ở mọi nước đều phải có các phiên dịch (interpreters) chuyên nghiệp. Cũng nên lưu ý rằng các quan và sứ thần không được ở sát vua khi triều kiến, mà phải quỳ ở bên dưới và cách xa bệ rồng, do đó hai bên không thể đối thoại trực tiếp. Lời tấu lên vua hay lời vua ban xuống đều được truyền đạt qua trung gian của các quan phụ trách nghi lễ.
4. Thời cận, hiện đại:
Thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba kỳ, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp: Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ, Nam kỳ là thuộc địa.
Ngày 25 tháng 8 năm 1883 (23 tháng bảy năm Quý Mùi), Harmand với tư cách toàn quyền đại diện của Pháp và Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp là chánh, phó khâm sai của triều đình Huế đã cùng ký hoà ước Việt - Pháp gồm 27 điều. Điều quan trọng đầu tiên của hoà ước là để cho Pháp nắm quyền ngoại giao của Việt Nam; triều đình nhà Nguyễn không được tự ý quan hệ với các nước ngoài. Với hoà ước này, Việt Nam mất cả độc lập và quyền ngoại giao. Nhờ mai mối của một người Đức là Détring mà Trung tá hải quân Fournier đại diện Pháp đã ký với Tổng đốc Trực Lệ Lý Hồng Chương, đại diện nhà Thanh, bản Hoà ước Thiên Tân năm 1884, hất quân Trung Quốc đóng tại Bắc Kỳ về nước. Pháp rảnh tay bóp nghẹt nước ta, ngày 13 tháng 5 năm Giáp Thân (tức ngày 6/6/1884) triều đình Huế phải đem ấn phong vương của Trung Quốc khi trước ra thiêu hủy trước mặt đại điện Pháp.
Sau đó, với Hiệp ước Pháp-Thanh năm 1885, Trung Quốc từ bỏ thiên quyền của mình và thừa nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp đảm nhiệm và trở thành một bộ phận của quan hệ Pháp-Trung. Đường biên mốc giới giữa 2 nước dựa trên Công ước về Hoạch định Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký giữa Pháp và Nhà Thanh của Trung Hoa ký năm 1885 và ký vào ngày 26 tháng 6 năm 1887 vẫn còn hiệu lực và phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Do muốn làm tuyến đường sắt Hải Phòng-Vân nam và muốn phần lợi ở Vịnh Bắc Bộ mà Pháp đã nhượng bộ nhà Thanh nhiều ở vùng Tây Bắc. Việc này chép rõ ở phần Chiến tranh Pháp-Thanh và Việc hoạch định biên giới Việt-Trung.
Trong thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam, Trung Quốc còn là địa bàn hoạt động của những người Cách mạng Việt Nam. Sau khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, các phong trào đấu tranh giành độc lập của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng hay có liên hệ với các phong trào cách mạng Trung Hoa. Trong cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa, ngoài Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, các người cộng sản đầu tiên của Việt Nam cũng lợi dụng chủ trương thân Nga của Tôn Dật Tiên để dùng đất Trung Hoa làm địa bàn tổ chức và huấn luyện cán bộ. Những lớp học chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức được các cán bộ cộng sản cao cấp Trung Hoa như Bành Bái, Lưu Thiếu Kỳ đến dạy. Một số cán bộ Việt Nam như Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, được gửi đi theo học trường võ bị Hoàng Phố. Các đại hội thành lập đảng, đại hội đảng lần thứ nhất đều được triệu tập ở Trung Hoa. Trong những năm mà Quốc dân đảng Trung Hoa còn mạnh, Nguyễn Ái Quốc ở Liễu Châu dịch cuốn Tam Dân chủ nghĩa, đổi tên Hồ Chí Minh, có quan hệ với cán bộ Quốc dân đảng Hầu Chí Minh, tướng Trương Phát Khuê, tư lệnh Đệ Tứ quân khu. Dưới quyền Trương Phát Khuê, có hai tướng Quốc dân đảng thân Cộng là Tiêu Văn và Ngô Trạch, nên các lãnh tụ cộng sản Việt Nam được giúp đỡ và tự do hoạt động (Tiêu Văn năm 1949 ở lại lục địa còn Ngô Trạch sau đó bị xử tử ở Đài Loan)
Năm 1942, Hồ Chí Minh rời Liễu Châu và bị bắt, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã nhờ Tôn Khoa, Viện trưởng Viện Lập pháp Trung Hoa yêu cầu: “... kính xin Ngài điện cho địa phương tha ngay”. Hồ Chí Minh bị giam gần hai năm rồi được Nghiêm Kế Tổ, một cán bộ của Việt Nam Quốc dân đảng can thiệp xin tha cho Nguyễn Tường Tam và Hồ Chí Minh. Sau đó Hồ Chí Minh về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh và tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 8/1945.
Trong 2 cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1945-1975): là thời kì bắt đầu, phát triển và xuống dốc của mối quan hệ giữa 2 nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Khi đó đường biên giới thân thiện được củng cố bằng tình đồng chí, giúp đỡ chi viện lẫn nhau rồi dẫn đến ngờ vực, xung đột.
Tận dụng hoàn cảnh kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ 2, Việt Minh tiến hành tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi, quân Trung Hoa Dân quốc do tướng Lư Hán chỉ huy sang với danh nghĩa Đồng minh sang giải giới quân đội Nhật đã đem theo các đảng Việt Cách (của Nguyễn Hải Thần 阮海臣; 1878(?) – 1959) và Việt Quốc trở về Việt nam. Đội quân Tầu tưởng này gây rất nhiều khó khăn cho Chính phủ mới. Sau 02/9/1945, tướng Tiêu Văn ép Hồ Chí Minh phải để cho Việt Quốc, Viết Cách một số ghế trong Chính phủ. Do tình thế lúc đó Hồ Chí Minh đã chấp nhận.
Khi
Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là lúc bên Trung Quốc, Đảng
Cộng sản đã giành thắng lợi (1949).
Quan hệ giữa hai phong trào cộng sản Việt Nam và Trung Hoa bắt đầu gắn bó ngay
từ đó. Việt Nam muốn được sự giúp đỡ của Trung Hoa, còn Trung Hoa cũng muốn có
một vùng trái độn an toàn ở biên giới phía nam, đồng thời cũng muốn tiếp tục giữ
vị thế thiên triều và đàn anh cũ, nên đã hết lòng giúp đỡ cộng sản Việt Nam về
mọi mặt. Ngày 15/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố công nhận CHND
Trung Hoa và ngày 18/1/1950, CHND Trung Hoa công nhận Việt Nam DCCH. Sự kiện
này đã chấm dứt thế bao vây, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Trung Quốc trở thành nước đầu tiên công nhận VNDCCH vào ngày 18-1-1950.
Stalin theo sau vào ngày 30-1-1950, để tiếp theo đó là các nước Cộng
sản khác ở Đông Âu và Triều Tiên.
Từ đó TQ đã giúp cố vấn, viện trợ trang bị, phuơng tiện KTQS cho Việt Nam.
Ngày 17-4-1950, Quân uỷ trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh
thành lập nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc. Nhóm này sẽ gồm 79 cố
vấn, cùng một số trợ lý . Tuy nhiên sự giúp đỡ và ảnh hưởng của Trung Hoa
trong thời gian đó không những chỉ quan trọng về phương diện quân sự, mà còn
quan trọng trong quá trình ảnh hưởng tới đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam,
và của quân đội Việt Nam.
Việc Trung Quốc quyết định giúp Việt Nam xuất phát từ ba lý do chính:
- Đông Dương là một trong ba mặt trận, cùng với Triều Tiên và Đài Loan, mà Bắc Kinh xem là dễ bị nước ngoài can thiệp. Lãnh đạo Trung Quốc không chỉ lo ngại về khả năng thù địch nước ngoài xuất phát từ Đông Dương mà lo cả tàn quân Quốc Dân Đảng ở Việt Nam. Sau khi đảng Cộng sản chiếm Quảng Tây tháng 12-1949, một số đơn vị Tưởng Giới Thạch đã trốn sang miền Bắc Việt Nam, trong lúc số khác lẩn trốn vào vùng núi tại Quảng Tây. Sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, tàn quân này bắt đầu tấn công quân chính phủ mới. Nhìn trong hoàn cảnh này, việc đánh bại quân Pháp ở Bắc Việt sẽ củng cố đường biên giới Trung Quốc.
- Nghĩa vụ giúp đỡ một nước cộng sản anh em khiến Bắc Kinh không từ chối yêu cầu từ phía Việt Minh. Một chỉ thị nội bộ do Lưu Thiếu Kỳ chuẩn bị ngày 14-3-1950 là ví dụ cho thấy Bắc Kinh liên kết cách mạng Trung Quốc và quốc tế: “Sau khi cách mạng chúng ta chiến thắng, việc giúp đỡ bằng mọi cách để các đảng Cộng sản và nhân dân ở mọi quốc gia bị áp bức tại châu Á giành thắng lợi là trách nhiệm quốc tế mà Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc không thể thoái thác”.
- Sự can dự của Bắc Kinh ở Đông Dương cần được nhìn theo quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và láng giềng. Các vua Trung Quốc thường xem Việt Nam nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của phương bắc. Truyền thống này hẳn được Mao và các đồng chí của ông – những người xem lịch sử là chuyện nghiêm túc- tiếp nối.
Mặt khác việc TQ giúp VN còn ngăn không để chiến tranh lan đến nước mình, tạo ra vùng đệm an toàn cho công cuộc nội trị.
Nhờ sự giúp đỡ của TQ mà cuộc chiến giữa vòng vây của VN có thêm điều kiện giành thắng lợi. Nhưng cũng chính việc học tập cả những kinh nghiệm không phù hợp của TQ mà VN phải trả giá sự hi sinh trong những chiến dịch đồng bằng và đặc biệt là trong thời kỳ CCRĐ. Vào dịp kỷ niệm 9 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1954), Chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm Lã Quý Ba (羅貴波, Luo Guibo, nguyên Trưởng đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam) làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Việt Nam. Lễ trình Quốc thư của Đại sứ CHND Trung Hoa La Quý Ba lên Chủ tịch Hồ Chí Minh (lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam DCCH) diễn ra ngày 1/9/1954, tại một địa điểm bí mật thuộc Đại Từ - Thái Nguyên. Trước đó, từ 1950, sau khi Trung Quốc tuyên bố thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch quyết định cử Hoàng Văn Hoan (đang là Trưởng đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị Công đoàn Á – Úc họp ở Bắc Kinh) ở lại Bắc Kinh với danh nghĩa Đại biểu Đảng và Chính phủ (sau chuyển thành Đại sứ) Việt Nam tại Trung Quốc. Đồng thời kiêm làm Đại sứ ở Triều Tiên và ở Mông Cổ. Đây là 2 Đại sứ đầu tiên của 2 nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) đã dẫn đến việc ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954). Trong việc ký Hiệp định này vai trò của TQ khá quan trọng và chính vì thế mà VN đã phải chịu một số thiệt thòi. Nhưng thời đó thế và lực còn yếu nên VNDCCH, theo truyền thống cũ tìm kiếm mô hình và cảm hứng từ Trung Quốc nên quyết định tìm kiếm mô hình từ Trung Quốc. Chính vì vậy mà, những năm đầu sau hoà bình Việt Nam đã học kinh nghiệm công tác trong vùng địch chiếm của Trung Quốc là “trường kỳ mai phục, liên hệ quần chúng, tích trữ lương thực, chờ đón thời cơ”.
Hội nghị trung ương 9 khóa 3 Đảng Lao động Việt Nam, tháng 12/1963, cùng với một nghị quyết “giải phóng miền Nam” là một nghị quyết “chống chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô như một sự “ngả về” Trung Quốc. Nhưng từ khoảng thời gian cuối những năm 60, đầu những năm 70, một loạt biến cố quan trọng đã xảy ra trong chính sách và mối quan hệ của các nước lớn liên quan đến Việt Nam. Năm 1966, căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên Xô bùng cháy thành xung đột biên giới. Năm 1967, Mỹ tổn thất nặng vì chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Johnson không ra tranh cử tổng thống. Năm 1968, Nixon trúng cử tổng thống Mỹ, chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger, một giáo sư sử học đặc biệt tâm đắc phương thức “cân bằng quyền lực” (balance of power), phương thức mà theo ông đã giúp châu Âu duy trì hòa bình trong suốt một thế kỷ (từ sau Chiến tranh Napoléon đến trước Thế chiến thứ 1), bí mật sang Trung Quốc thăm dò khả năng dùng nước này làm đối trọng với Liên Xô.
Đây là thời kỳ Việt Nam dốc toàn lực cho chống ngoại xâm từ phương Tây sang và việc nhờ đường, mượn đất giữa 2 nước Việt Nam, Trung Quốc là tất nhiên nên một số vấn đề tranh chấp hay nhậy cảm về biên giới đã tạm gác lại. Nhưng không có nghĩa là ta không quan tâm. Ngày 2/11/1957 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị: “Vấn đề biên giới là một vấn đề quan trọng cần giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý đang có hoặc được xác định lại do Chính phủ hai nước quyết định; nhất thiết cấm các nhà chức trách và các đoàn thể địa phương không được thương lượng với nhau để cắm lại mốc giới hoặc cắt nhượng đất cho nhaư”. Hàm ý của bức thư là hai bên cần căn cứ vào các Công ước về hoạch định biên giới mà Pháp và Trung Quốc đã ký cuối thế kỷ trước để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Tháng 4/1958 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trả lời đồng ý với ý kiến của Trung ương Đảng Việt Nam về công tác biên giới Việt - Trung.
Thời kỳ này, trong phe xã hội chủ nghĩa giữa những người thuộc “phe xét lại” (Nikita Sergeyevich Khrushchyov và Liên Xô) và những người “Marxist-Leninist chân chính” (Mao Trạch Đông và Trung Quốc) và các biện pháp cách mạng ở thế giới thứ ba bằng hòa bình hay bằng bạo lực cách mạng có mâu thuẫn khó dung hợp. Và quan hệ Việt-Trung nằm trong mối quan hệ Hoa-Mỹ-Xô.
Trung Quốc, lúc đó đang cạnh tranh vai trò lãnh đạo phe Xã hội chủ nghĩa với Liên Xô nên viện trợ cho Việt Nam, trong giai đoạn này, còn nhiều hơn Liên Xô mà chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân tư trang. Tháng 10 năm 1964, Thủ tướng Chu Ân Lai, Ngoại trưởng Trần Nghị, Đại tướng Trương Thành Vũ - phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc cùng một phái đoàn sang thăm Hà Nội hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, TBT Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại diện của Lào đã đạt một số thoả thuận về giúp đỡ Việt Nam. Tháng 12-1964, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Hà Nội và ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác quân sự Việt-Trung. Sau đó một số lượng đáng kể nhân viên quân sự Trung Quốc được gửi sang miền Bắc, bắt đầu từ ngày 09 tháng 6 năm 1965 cùng với số đông Công nhân quốc phòng sang giúp làm đường, trong đó có đường Quốc lộ 4 (sau đó đổi thành Hữu nghị 7, từ 1979 đổi thành Quốc lộ 7) từ Lào Cai về Yên Bái . Bộ đội Trung Quốc còn tham gia bảo vệ bầu trời chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ cho đến tháng 7 năm 1970. Mao Trạch Đông sử dụng cuộc chiến Việt Nam khơi gợi tinh thần chống đế quốc trong nhân dân Trung Quốc để chống lại những người theo phe xét lại trong bộ máy và để bảo đảm vị trí của ông trong lịch sử. Đây là mục đích chính của chiến dịch “Ủng hộ Việt Nam và chống Mỹ” tại Trung Quốc. Nhưng dù sao, đây cũng là thời kỳ mối tình hữu nghị răng môi Việt Trung ở đỉnh điểm, đúng như Hồ Chủ tịch viết: “Mối tình hữu nghị Việt Hoa, Vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Sau 1970, những đổi thay chóng mặt trong quan hệ quốc tế đã ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trong, vấn đề biên giới đã được chính trị hoá và gắn với nó đủ loại căng thẳng. Bên Trung Quốc nhiều diễn biến (trong đó có việc Hồng vệ binh hoành hành trong thời Văn Cách đã không những chống lại phe ôn hoà mà còn chống lại sự giúp đỡ Việt Nam) đã xảy ra khiến cho Việt Nam ngày càng thiên về Liên Xô, và Liên Xô cũng chú ý nhiều hơn đến Việt Nam. Lúc đó, Hồ Chí Minh vừa mới chết (02/9/1969), một số những lãnh tụ mới của Việt Nam ít chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nên mối thâm giao đã giảm sút rõ.
Bắt đầu từ sau Mậu Thân, đặc biệt từ 1972 trở đi, Liên Xô cũng như Trung Quốc chỉ mong muốn kết thúc nhanh 1 thỏa ước hòa bình với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tại Paris nên TQ không giúp đỡ tích cực và cũng không đưa phi công sang như đã thoả thuận. Tháng 7 năm 1971, Henry Kissinger bí mật viếng thăm Bắc Kinh và dọn đường cho Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon viếng thăm Trung Quốc tháng 2 năm 1972. Dịp đó hai nước ký Tuyên bố chung Thượng Hải, đặt nền móng cho liên minh chiến lược chống lại Liên Xô. Mặc dù Liên Xô lúc đầu rất giận dữ, chẳng bao lâu sau đó họ cũng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh riêng với Nixon, như thế tạo ra một quan hệ tay ba giữa Washington, Bắc Kinh, và Moskva. Việc này kết thúc thời kỳ đối đầu tồi tệ nhất giữa Liên Xô và Trung Quốc và ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung.
Trung Quốc không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự đàm phán với Mỹ để kết thúc chiến tranh mà muốn thông qua họ giống như hiệp định Geneva năm 1954. Nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cự tuyệt dù bị áp lực bởi hai đồng minh.
Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc tấn công chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thay thế Việt Nam Cộng hòa thực hiện chủ quyền tại quần đảo này. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc vào ngày 20/1/1974. Thời đó, VNDCCH và CHNDTH có cuộc đàm phán đầu tiên về Vịnh Bắc bộ diễn ra từ 15/8/1974 - 22/11/1974 tại Bắc Kinh, cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chỉ có tính cách tìm hiểu quan điểm của nhau và không đi tới thoả thuận nào.
Tuy nhiên, để cho Việt Nam có thể “chiến đấu đến người Việt cuối cùng”, Trung Hoa vẫn tiếp tục giúp đỡ Hà Nội tiếp tục chiến tranh. Sau 30/4/1975, Việt Nam đã trở nên một thế lực đáng kể trong vùng, ảnh hưởng đến lòng tự tôn dân tộc của người Hoa. Sự mạnh lên của Việt Nam lại khiến Bắc Kinh coi Hà Nội như một đối thủ cần ngăn chặn. quan hệ Việt-Trung đi vào một bối cảnh mới. Do đó, Trung Quốc đã kết liên chiến lược với Campuchia để gây sức ép với Hà Nội từ phía nam.
Từ sau 1976: Việt Nam thống nhất trở thành một lực lượng đáng kể ở Đông Nam Á trong bàn cờ chiến lược của các nước lớn. Quan hệ Việt Trung sang một bước ngoặt lớn, không tốt lên mà có chiều hướng căng thẳng dần. Khmer Đỏ được Việt Nam giúp đỡ đã giành được chính quyền nhưng sau đó quay ra dựa hẳn vào TQ. Tháng 9-1975, khi Sihanouk và Khieu Samphan đến Hà nội dự lễ quốc khánh của Việt nam, Phạm Văn Đồng mời phái đoàn Campuchia dự tiệc “thân mật” với các phái đoàn Mặt trận giải phóng Miền Nam và Lào, Khieu Samphan từ chối tức khắc, sau đó giải thích với Sihanouk rằng đó là cái bẫy của Việt nam để tiến tới thành lập “Liên bang Đông dương”. Từ đó, với sự hậu thuẫn của TQ, CPC xâm lấn biên giới, giết hại dân thường vùng Tây Nam, bức hại Việt kiều làm quan hệ Việt-Khmer xấu đi nhanh chóng, ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung. Việc VN từ chối không liên kết với Trung Hoa chống lại “chủ nghĩa bá quyền” Liên Xô đưa đến kết quả là TQ từ chối viện trợ. Tháng 2-1976, chuẩn bị bầu quốc hội cả nước, những người không nhận quốc tịch Việt Nam bị mất hộ khẩu và đại đa số Hoa kiều phải nhập tịch Việt Nam. Lần này TQ phản kháng dữ dội, nhưng VN không nhượng bộ. Sau bốn tháng chấn chỉnh nội bộ, tháng 2-1977, Bắc Kinh chính thức từ chối viện trợ cho Việt Nam và tháng 3, Ieng Sary yên lòng sang Bắc Kinh nối lại mối quan hệ thân thiết cũ.
Lúc này biên giới Việt-Trung, chỉ dấu cho sự tự chủ và sức mạnh nhà nước biến thành lò xung đột. Do vậy cuộc đàm phán thứ hai diễn ra từ tháng 10/1977 đến tháng 6/1978 tại Bắc Kinh, cấp Thứ trưởng Ngoại giao cũng không đi tới thoả thuận nào.
Năm
1978, Trung Quốc đi vào một khúc quanh lịch sử. Đặng Tiểu Bình trở lại chính
quyền, Trung Quốc từ bỏ quan điểm đấu tranh giai cấp trong quan hệ quốc tế, phấn
đấu làm đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ (“Mèo trắng mèo đen không quan trọng,
miễn là bắt được chuột”). Một hệ quả là quan hệ Việt-Trung đổ vỡ, Mỹ cự tuyệt
quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế
SEV và ký liên minh phòng thủ (Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác) với Liên
Xô và các nước trong khối Vácsava, Campuchia gây hấn biên giới tây nam Việt Nam
và Việt Nam đưa quân vào (25/12/1978) thay đổi chính phủ của Campuchia
(10/01/1979), diễn ra như là kết quả của sự đan xen đại chiến lược giữa các nước
liên hệ, tiếp theo một chuỗi các sự kiện đã khởi sự từ cuối những năm 60.
Tromng bối cảnh đó, Brzezinski cùng nhiều viên chức cao cấp của Hoa Kỳ
(Holbrook đại diện Bộ ngoại giao, Abramowitz phụ tá Bộ trưởng quốc phòng,
Benjamin Hubernan cốvấn tổng thống về những vấn đề khoa học kỹ thuật) sang
Trung Quốc và hai bên đã nhất trí với nhau về mồi đe doạ của “Liên Xô và Việt
Nam” và sau đó là những thoả thuận ngầm đã được thông qua.
Ngày 24/5/1978, Trung Quốc bắt đầu gọi Hoa kiều 华僑
ở Việt Nam là “nạn kiều” 難僑, và tố cáo Việt Nam đã đàn áp và
xử tội những nạn kiều này một cách vô cớ. Việt Nam công khai đưa ra toà để xét
xử những gián điệp Trung Hoa bị bắt như Lý Nghiệp Phu, Trần Hoạt, Trần Trường
Giang. Khi VN đưa quân tình nguyện sang (cuối 1978) giúp nhân dân Campuchi khỏi
hoạ diệt chủng, giải phóng Phnom Penh (07/01/1979) làm quan hệ Việt-Trung trở
nên tồi tệ và là một trong những nguyên cơ diễn ra cuộc chiến 2/1979 giữa Việt
Nam và Trung Hoa.
Về vấn đề biên giới: Kể từ khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập năm 1945, biên giới Việt Trung trải qua một giai đoạn dài tương đối yên bình. Biên giới giữa hai nước là đường biên giới Pháp-Thanh phân định năm 1887, theo đó trên tuyến biên giới có 333 cột mốc. Tuy nhiên các cột mốc biên giới này không được coi sóc cẩn thận, một số cột mốc bị thời gian làm hư hại, hoặc "bị dịch chuyển về phía nam, nhưng Việt Nam khi đó đang tập trung tâm trí vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, và Trung Quốc nói với Việt Nam biên giới không phải là vấn đề lớn, hai bên có thể để về sau giải quyết". Những tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước bao gồm cả tranh chấp biên giới trên bộ và trên biển, xuất phát từ cách nhìn nhận khác nhau của hai bên về Hiệp định biên giới 1887 giữa Pháp (đại diện cho Việt Nam) và nhà Thanh. Trên bộ, tranh chấp xảy ra trên nhiều mảnh lãnh thổ nhỏ dọc biên giới, với tổng diện tích khoảng 60km2 Trong những năm 1951-1975, chính phủ Việt Nam Cộng hòa bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ trên bộ và trên biển. Từ năm 1976, chính quyền Việt Nam (thống nhất) thể hiện lập trường tương tự. Tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia là một trong những nguyên nhân góp phần làm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979.
Từ tháng 2 năm 1979 đến 1986 diễn ra chiến tranh và xung đột quân sự trên vùng biên giới đặc biệt là trên biên giới các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai trong đó ác liệt và kéo dài nhất là ở biên giới tỉnh Hà Giang. Đây là thời kỳ quan hệ Việt-Trung trở nên tồi tệ nhất, các phương tiện truyền thông 2 nước liên tục đả kích nhau, TQ coi Việt Nam là Tiểu bá, vô ơn còn Việt Nam gọi Trung Quốc là Phản động quốc tế, là Bá quyền và xác định là kẻ thù trực tiếp. Trong Lời nói đầu Hiến pháp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 18 tháng 12 năm 1980 có đoạn: “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Thời kỳ này, nhân dân vùng biên giới phải sơ tán về tuyến sau, biên giới đóng cửa, giao thương ngưng trệ, nhiều giá trị truyền thống được đánh giá lại, Trung văn bị cắt tại các trưởng phổ thông, môn Trung Quốc học gần như bị cấm . Ngay như vụ án giết nữ Nghệ sĩ Thanh Nga (xẩy ra 23 giờ 30 ngày 20/11/1978 tại tf Hồ Chí Minh) là do bắt cóc tống tiền không thành buộc giết người cũng được gán cho có mang yếu tố chính trị bởi khi đó bà đang diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga. Trên thực tế nhiều vụ gián điệp chống phá Việt Nam thời kỳ này có bàn tay của cơ quan đặc biệt TH. Điển hình là vụ Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh từ căn cứ đặt tại nước ngôài tổ chức xâm nhập vào Việt Nam nhằm lật đổ chế độ (1981-1984).
Tại địa bàn Hoàng Liên Sơn (từ 1991 là Lào Cai) LLCA đã khám phá nhiều vụ án gián điệp mà điển hình là vụ Vương Văn Sang (11/1979-3/1980)...
Trong cuộc chiến 02/1979, và những tranh chấp sau đó, Việt Nam đã mất một số đất kéo dài nhiều năm. Quân đội Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60km2 lãnh thổ biên giới tranh có chấp mà trước đó Việt Nam kiểm soát, trong đó có 300m đường xe lửa giữa Hữu Nghị Quan và trạm kiểm soát biên giới Việt Nam cùng một số điểm cao chiến lược dọc biên giới Việt Nam, nhằm làm bàn đạp cho các cuộc tấn công quân sự sau này.
Các diễn biến của quan hệ Việt-Trung trong thời kỳ sau đó phơi bày khoảng cách lớn giữa mặt “hình thức” và mặt “thực chất” của quan hệ giữa hai nước. Về hình thức, hai nước đều thừa nhận trật tự thế giới kiểu Westphalia (mỗi quốc gia có chủ quyền như nhau) và kiểu Zhdanov (thế giới gồm hai phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa). Nhưng thực chất không phải “Westphalia” mà là “thiên triều”: Trung Quốc đánh Việt Nam mà không cần bị tấn công trước để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Cuộc chiến 2/1979 đã được nói đến nhiều. Nhưng cuộc chiến 1984-1986 thì ít được biết đến song thiệt hại người, của của VN không hề ít, đặc biệt là vùng Vị Xuyên của Hà Giang. Căng thẳng quân sự và các vụ pháo kích làm quan hệ hai bên bị 'nhiễm độc' nhiều năm và chỉ được bình thường hóa năm 1991.
Trên tuyến Lào Cai, huyện Mường Khương là căng thẳng nhất , nhiều điểm cao tranh chấp quyết liệt, thám báo liên tục sang bắt, giết người, con đường ra cửa khẩu Xín Tẻn bỏ hoang. Thị xã Lào Cai cũ cũng bỏ mặc cho lau sậy. Đoạn đường từ Bản Phiệt dọc Nậm Thi qua thị xã đến Đồng Tuyển bị xoá sổ. Hàng dân dụng thiết yếu từ Trung Quốc (hợp thị hiếu dân ta nhưng Việt Nam lại không có, như Máy khâu 5 bướm, vỏ chăn con công, phích, nước hoa, đèn pin, dép...) sang lậu được gọi là hàng tâm lý chiến.
Từ sau 1988: Quan hệ Việt-Trung rơi vào một bối cảnh mới trong tình hình biến chuyển mau lẹ, chiến lược của một nước lớn trong tam giác Mỹ-Trung-Xô thay đổi. Quá trình Cải tổ (Perestroika, Перестройка) của Liên Xô và các nước Đông Âu thất bại. Nhưng ở Việt Nam và Trung Quốc thì ngược lại. Công cuộc Đổi mới (ở Việt Nam từ sau Đại hội Đảng VI, 1976) và Cải tổ Kinh tế ở Trung Quốc (改革开放; Găigé kāifàng; Cải cách khai phóng, 1976) thu được những kết quả nhất định, đời sống xã hội dân chủ hơn và mức sống người dân được cải thiện. Tháng 5/1988, Bộ Chính trị Đảng CSVN ra Nghị quyết 13 điều chỉnh chiến lược từ “hợp tác toàn diện với Liên Xô” sang “đa dạng hóa, đa phương hóa”.
Sau chính biến thu đông 1991 tại Đông Âu, khối Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu đế quốc xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, phải cùng chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan hệ giữa hai nước, các vấn đề khác giải quyết sau … Một Campuchia thân thiện với Trung Quốc, thân thiện với Việt Nam là tốt nhất. Trên cơ sở điểm đồng này mà giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho Campuchia … Không để Liên Hợp Quốc nhúng tay vào vì Liên Hợp Quốc là Mỹ, Thái Lan là Mỹ”. Sau đó, ngày 12/11/1988 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 118 về việc cho nhân dân hai bên biên giới được qua lại thăm thân, mua bán hàng hoá thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất. Quá trình bình thường hoá quan hệ 2 nước được xúc tiến, tuy có chậm chạp nhưng đã thành công và Chính phủ hai nước khuyến khích biên mậu và du lịch. Nội dung này sẽ chép kỹ sau phần nói về cuộc chiến 2/1979, phần Bính thường hoá quan hệ Việt-Trung.
Tóm lại, xuyên suốt gần 22 thế kỷ, tương quan vị thế giữa Việt và Trung vẫn mang một hằng số. Việt Nam và Trung Quốc có Sơn thuỷ tương liên 山水相连, Văn hoá tương thông 文化相通, nhưng có những thời kỳ do Lý tưởng 理想 bất tương đồng 相同, Vận mệnh 命运 bất tương quan 相关 nên đã xẩy ra tranh chấp, chiến tranh. Người Việt có tấn công lên phía Bắc biên giới nhưng ít và chủ yếu để tự vệ chứ không phải chiếm đóng. Chủ yếu quan hệ Việt Trung là mối quan hệ của quá trình người Việt chống trả sự xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, cả về quân sự, chính trị, văn hoá và kinh tế. Do vậy, có người ví quan hệ Việt-Trung có thể coi như quan hệ giữa một người và một con chip (micro- processor) gắn vào thân thể người đó: không rời nhau được, nhưng lại không đồng hóa được nhau, nhất là không bao giờ cùng đẳng cấp, và nhiều đặc điểm khác. Nhưng xu thế hội nhập đã thúc đẩy lãnh đạo và nhân dân 2 nước gác lại quá khứ để hướng tới tương lai cùng nhau xây dựng tình hữu nghị giữa 2 nước vì lợi ích mỗi nước và lợi ích khu vực. Nhưng trên thực tế, trong vùng biên vẫn thường xẩy ra lấn chiếm, dịch mốc mà phía bạn thường hay giải thích là do cơ sở tự ý tiến hành. Riêng về việc phân định biên giới, trong vòng hơn một thế kỷ qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký với nhau hai hiệp ước về biên giới: Thứ nhất là công ước Pháp-Thanh năm 1887, được bổ sung bằng công ước 1895 và thứ hai là hiệp ước biên giới trên đất liền mới ký vào cuối năm 1999, được phân giới cắm mốc hai năm sau đó, và dự định sẽ hoàn tất trong năm 2008. Khi Việt Nam phải đương đầu với đế quốc phương Tây thì Trung Quốc (Mãn Thanh, THDQ, CHNDTH) luôn muốn biến đây thành phần “đất độn” giữ an toàn cho đại lục.
Trong cuốn Sơ Lược Lịch Sử Trung Quốc Hiện Đại, xuất bản ở Bắc Kinh năm 1954 cho rằng vùng Đông Nam Á - cụ thể là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan là những vùng đất của Trung Quốc bị nước ngoài chiếm mất. Với quan niệm biên giới đó, Trung Quốc muốn phát động chiến tranh đòi lại đất đai bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào ở Đông Nam Á khi họ muốn. Cho nên, trong những lúc “cơm không lành canh không ngọt” giữa hai nước, biên giới là mối họa chính. Bài học ngoại giao cha ông đúc kết được nhà sử học Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX đã ghi tóm tắt: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù là rất quan hệ không thể xem thường... Người có quyền trị nước phải nên cẩn thận” rất cần cho mọi thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!