[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 8 2024

Tìm hiểu về việc CHẠY MỘ

Từ khi bước ra khỏi thời dã man là lúc con người khi sống thì ở trong nhà, còn khi chết nằm dưới mộ. Do vậy, việc “mồ yên, mả đẹp” sẽ khiến cho người đã mất được “sống” ở cõi âm một cách an lành, hạnh phúc, từ đó phù hộ con cháu trên trần gian được an yên, gặp nhiều may mắn, mọi việc hanh thông.

Nói thì vậy nhưng cuộc sống có lắm bất ngờ và nhiều ý kiến đôi khi trái ngược nhau, đúng có, sai có, lợi có, hại có!

Ngữ nghĩa:

Mộ (gọi chung là mồ mả, A: Grave, P: Tombe, H: 坟墓) là nơi người chết được chôn cất hay còn được gọi là nơi người đã vĩnh viễn ra đi an nghỉ (sống gửi thác về 生寄死歸) theo hình thức Địa táng (A: Burial, P: Enterrement, H: 土葬). Nếu dưới nấm đất đó không có thi xác, hài cốt thì đó là Mộ gió, mộ vọng (https://holuongduclaocai.blogspot.com/2019/11/mo-vong-va-nghi-thuc-lap.html).

Nấm đất đó gọi là mộ phần hay phần mộ (A: The tomb, P: Le tombeau, H: 墓墳) và ngày nay thường được xây có bia đá. Những nơi chôn cất mồ mả được gọi là nghĩa địa hay bãi tha ma.

Theo quy định tại Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9412:2012 về Mộ và bia mộ - Tiêu chuẩn thiết kế thì:

Mộ phần/Phần mộ là nơi lưu giữ hoặc chôn cất thi hài, hài cốt của người chết bao gồm huyệt mộ và phần địa tĩnh xung quanh.

Bia mộ (A: The tombstone, P: La pierre tumulaire, H: 墓碑) là tấm đá (bê tông,…) ghi tên, tuổi, quê quán, ngày mất người chết được đặt trên mộ. Tùy theo yêu cầu, trên bia mộ có thể có thêm di ảnh và các thông tin về học vị, chức vụ của người chết. Có khi có cả Mộ chí (A: Epitaph, P: Épitaphe, H: 墓誌) là bài văn ký sự ghi trên bia đặt nơi mộ, nói về quê quán, phẩm tước và công danh, sự nghiệp của người chết. Hiện nay, Mộ chí được hiểu là phần mộ chỉ có bia mộ đặt trên đó mà bên trong không có hài cốt của người được chôn cất.

Mộ hung táng là nơi chôn cất thi hài của người chết xuống dưới mặt đất trong một khoảng thời gian nhất định (từ 3 đến 5 năm).

Mộ cát táng là nơi chôn cất hoặc lưu giữ hài cốt xuống dưới đất sau khi hung táng.

Địa hỏa táng là hình thức lưu giữ tro hài cốt xuống mặt đất sau khi hỏa táng.

Địa tĩnh là phần đất thuộc mộ phần xung quanh huyệt mộ

Mộ chôn cất một lần là nơi chôn cất thi hài của người chết xuống mặt đất vĩnh viễn mà không phải qua giai đoạn cải táng.

Ngăn lưu cốt hỏa táng là nơi lưu, cất giữ tro hài cốt hỏa táng

Theo quy định tại Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9412:2012 về Mộ và bia mộ - Tiêu chuẩn thiết kế là:

- Sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm các yêu cầu về mỹ quan, cảnh quan và vệ sinh môi trường

- Việc phân khu chức năng, phân lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ, khoảng cách giữa các mộ phải thuận tiện cho việc thực hiện các nghi lễ táng.

- Kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ phải đảm bảo kích thước theo quy định tại 6.7 của tiêu chuẩn này và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp quản lý

- Phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải từ các khu vực chôn cất các mộ phần để tránh bị úng ngập cũng như tránh rò rỉ nước của nghĩa trang ra khu vực xung quanh

- Phải có giải pháp trồng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ trong nghĩa trang

- Các chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu quy hoạch và thiết kế nghĩa trang tham khảo các quy định trong TCVN 7956 : 2008 và các quy định về công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Mặt khác tại tiểu mục 5.1 Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9412:2012 thì diện tích đất tối đa cho một phần mộ cá nhân được quy định:

- Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần: người lớn: không lớn hơn 5,0 m2; trẻ em: không lớn hơn 3,0 m2;

- Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng, địa hỏa táng: không lớn hơn 3,0 m2.

- Thể tích ô để lọ tro hỏa táng: ≤ 0,125 m3/ô

Phần mộ bao gồm: Huyệt mộ, Nơi thắp hương, Bia mộ, Cây xanh trên mộ và xung quanh mộ.

Kích thước tối đa của các mộ phần và huyệt mộ phù hợp với quy định về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị .

Từ xưa ông cha ta vẫn cho rằng, việc động mộ cực kì nguy hiểm và hệ trọng. Ngôi mộ bị động thường có những dấu hiệu sau:

- Hình dạng bên ngoài của mộ bị thay đổi, đất bị lún sụt, mộ đá, bia đá hoặc bát hương bị phá vỡ bởi tác nhân con người, động vật, hoặc do thời tiết: Phần mộ bị sụt lún, lõm hẳn xuống hoặc sụt ở một góc của mộ;

- Xung quanh ngôi mộ có mùi, bị ô nhiễm, đất đai tanh hôi, trường khí nặng nề, rất khó chịu;

- Khu mộ bị ngập nước, có vũng nước tù đọng;

- Người đã mất hay “hiện về” báo mộng, trách mắng con cháu;

- Trâu bò giày xéo, phóng uế, có người đào mương, xẻ rãnh,… phá vỡ sự yên lặng vốn có của khu đất;

- Cây cối xung quanh bị chết, rễ hay cây mọc ngầm từ dưới, xuyên qua đội nắp tiểu lên khiến người âm không được yên;

- Gia đình khác xây mộ sau chèn đè lên;

- Thầy phong thủy hoặc thầy bói phán.

Hiện tượng này thì nhiều và được quy thành 2 dạng: động phần Dương và động phần Âm để có cách hóa giải phù hợp:

Động phần Dương: là trạng thái ngôi mộ không còn giữ được hình dạng ban đầu. Mộ động phần Dương có thể dễ nhận thấy như: sụt lún khiến mộ bị nghiêng, phần xây bằng xi măng nứt gãy, bát hương bị vỡ do tác nhân bên ngoài (địa chất thay đổi, rễ cây đâm to, trâu bò, trẻ con nghịch…). Khi đó làm lễ tạ thổ thần (Lễ này gồm 1 bát cơm kèm 1 quả trứng gà luộc,  rượu, vàng mã, trầu cau, nước, quần áo, ngựa mã, hoa quả). Cần cúng tạ mộ và tốt nhất là mời thầy pháp.

Động phần Âm: đây là trạng thái động theo tâm linh, ngoại cảm, thường nhận biết qua việc đi xem thầy bói phong thủy hoặc gia tiên báo về qua người trên dương trần. Gặp khi chôn, gia chủ không xem hướng, khu đất đó không “sạch” hay do mạch nước ngầm chảy vào, rễ cây, cây cỏ đâm xuyên qua mộ, đất đá sạt lở vào bên trong mộ,…khiến người đã khuất bị quấy rầy. Lúc này, gia chủ nên làm lễ cải táng lần 2, đặt lại (tiểu sành) vào nơi “đất đẹp” để người mất được an yên. Đây là việc khó xử lý nhất. Bởi ai biết “dưới âm” thế nào, nơi mới ra sao (về mặt tâm linh). Lại còn câu “giữ như giữ mả Tổ”, trừ khi không làm khác được (cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quy hoạch) mới phải “chạy mồ, chạy mộ” cho người mất !.

Nhớ rằng đây là vấn đề tâm linh, chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề “tâm lý”, hợp câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” khi thấy những dấu hiệu kể trên chúng ta nên di dời, hoặc tìm cách để ngôi mộ sạch sẽ, người mất an yên mà người sống cũng thoải mái, không bị dằn vặt. Dù bằng cách nào, cũng cần mời thầy cúng đến làm lễ tạ mộ và xin phép thổ thần thổ địa.

Lăng mộ (A: Mausoleum, P: Mausolée, H: 陵墓 còn gọi là lăng tẩm, lăng) là một công trình kiến trúc ngoài trời được xây dựng bao quanh nơi chôn cất người chết. Lăng mộ có thể được xem là một dạng của mộ, mộ có thể chứa bên trong lăng mộ.

Trong lịch sử, lăng mộ thường là những công trình lớn và ấn tượng dành cho một nhà lãnh đạo quá cố hoặc người quan trọng khác.

Mươi năm trước, khi phần đông dân xóm tôi còn nghèo việc ma chay cúng đơn giản, khu nghĩa địa các ngôi mộ đặt chẳng ra hàng, ra lối gì mà tùy theo sự chọn hướng cũng như túi tiền của gia chủ. Nhưng nhìn chung là thấp, đắp đất, trâu bò thả ra đẵm chán rồi lại húc,...Cây cỏ mọc um tùm, nước chẩy lênh láng,! Về sau, có nhà xây mộ nhưng vì chưa có quy hoạch nên cái cao, cái thấp, cái to, cái bé, không theo hàng lối gì,…tường rào, đường vào, nhà chờ, … không có! Nhưng thôn xóm cũng đâu có sao, nhà làm ăn cũng đã thoát nghèo, con cháu học hành đều phát đạt cả,…

Nay thì khác lắm rồi! Người ta đua nhau xây “nhà cho các cụ” với nhiều kiểu “lạ mắt”, người sau to hơn, cao hơn người làm trước,…

Mặt khác nhiều người còn mua đất “dự trữ” cho tương lai hay mở rộng thành “nghĩa trang dòng họ” có cớ để “chạy mả”, “dồn mộ” mà chả do cơ quan công quyền nào bắt buộc, chỉ nhằm quy tụ, lo cho ông bà, tổ tiên để các cụ “khúc khích mỉm cười nơi chín suối”. Nhà có điều kiện đã vậy, nhà dù điều kiện không có, nhưng cố gắng sao cho xây, ốp lát to đẹp bằng hàng xóm. Nếu úi xùi quá, e các cụ dưới đó tủi thân, con cháu phát xấu hổ và “khó ngẩng mặt với đời”, vì thế phải “bổ bán”, tranh luận nhau dẫn đến “tan đàn xẻ nghé”. Người mất mà thấy được hiểu rõ chuyện đó chắc cũng chẳng vui thú gì.

Ai cũng biết, mồ mả là quan trọng, “Sống nhà, chết mồ” mà. Người muốn chuyển, quy tập có cái lý gần như trên; người không muốn thì lại: “Các cụ đã mất, con cháu đáng yên ổn, các cụ chôn ở đấy rồi, để các cụ nghỉ ngơi, không chuyển đi đâu nữa”,…

Theo tôi, dù chôn cất các cụ với hình thức nào, to bé ra sao, thì con cháu đều phải đoàn kết, bảo ban nhau, tuân thủ theo quy định của Ban quản lý nghĩa trang, không ảnh hưởng đến mỹ quan và quy định của địa phương. Đặc biệt cần có óc “duy vật biện chứng” và tôn trọng lịch sử, cội nguồn!

Nhân đây, cũng xin nhắc lại khi chôn cất để tránh bị động mồ mả

- Chọn đất ở những nơi trong lành, thanh tịnh. Tránh những nơi đông đúc, ồn ào như nơi công cộng, khu công nghiệp nặng, đường giao thông,… để âm trạch khỏi bị nhiễu, con cháu dễ gặp điều dữ, học hành sa sút, hư hỏng,...Đặc biệt không nên đặt mộ gần cây to, lắm rễ,…Đất ấy nên khô ráo, không có nước đọng, nặng mùi,…để tránh con cháu bị bệnh, chết bất đắc, không có con trai nối dõi. Tránh “tả Thanh long” “Hữu Bạch hổ” giao nhau (núi đồi bên trái mộ và những núi đồi bên tay phải mộ chụm vào nhau ở phía trước) nhằm tránh loạn luân, anh em dòng họ lấy nhau.

- Không chôn vào chỗ đất đã có người chôn, hoặc có xương thú ở dưới dù khu đó có đắc địa tới đâu nhằm tránh con cháu bị bệnh nặng, ngừa trùng tang.

 - Khi đào huyệt tránh “nghịch Long”, tức đầu mộ để dưới thấp, chân hướng trên cao phòng con cháu bất hiếu, bất trung,...

- Cần đặt đúng hướng (theo tuổi người mất hay tuổi chủ tang), Hạ huyệt chọn ngày giờ cho sát hợp,…

- Không nên đóng đinh, sắt thép vào quan tài, loại bỏ những vật bằng kim loại trên quần áo, trừ LLVT có quy định riêng.

- Bia mộ phải đặt phía trên đầu nếu đặt dưới chân con cháu sẽ vất vả, nghèo đói.

- Mộ kết (khí, thủy, mối) mà cứ bóc, cải táng nhằm tránh con cháu lụi bại.

Vĩ thanh:

Mai táng người chết và thái độ của con cháu với “ngôi nhà mới” của tổ tiên là vấn đề tâm linh, tuy có từ lâu đời và ai, nhà nào, dòng họ nào, địa phương nào cũng từng thực thi nhưng chưa tìm thấy sự hướng dẫn chúng rõ ràng, lời giải đáp thỏa đáng. Chính vì vậy nó có lắm biến dị theo thời gian thời cuộc và không gian vùng miền, tôn giáo. Song cứ làm theo cái chung phổ biến tại làng xã nơi cự ngụ thời điểm xẩy ra là ít bị chê cười! Chớ bị lôi cuốn theo “tâm lý đám đông” và sự “bày vẽ” của các “thầy bà” và đám “trọc phú” lắm của nhiều tiền!

Cốt nhất ở cái Tâm mọi thành viên liên quan, nhất là người chủ sự chứ “xương người chết sao cầu được phúc” !

-         LĐM, BS từ nhiều nguồn TK, đêm thứ Bẩy rạng Chủ nhật ngày Rằm tháng Bầy Giáp Thìn-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!