[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 7 2024

Tìm hiều về SỰ CHẾT (Bài 4)

        Vấn đề Hộ niệm cho người sắp mất: không phải là việc mới, nhưng ít phổ cập và gần đây phục hồi nhiều ở những gia đình Phật tử (H: 佛子, A: Buddhist, P: Bouddhiste). Song ít người nắm rõ, có người còn e ngại nên tìm hiểu và qua vài đám thực tế ghi lại đây.

Phật giáo (H : 佛敎, A: Buddhism, P: Bouddhisme) cho rằng: chúng sinh tùy theo căn quả thiện hay ác mà sau khi chết chuyển vào trong LỤC ĐẠO LUÂN HỒI (H: 六道輪迴, A: Six ways of Karma, P: Six voies de Karma) là sáu đường luân chuyển trong sáu cảnh. Thực ra gặp vui sướng thì ít, gặp đau khổ thì nhiều, vì họ còn vô minh, chưa tỉnh ngộ, nên mới gọi sáu hạng ấy là Lục phàm. Đó là:

- Ba đường trên thì vui sướng dễ chịu, nên gọi là Tam thiện đạo 三善道, có thể thọ nhận giới pháp tu hành thiện đạo thủ hưởng Bồ Đề. Gồm:

+ Thiên đạo: Là cõi Trời, tức là các tầng trời trong Tam giới với người do tạo 10 nghiệp lành bậc thượng;

+ Nhân đạo: Là cõi Người, tức làm loài người ở cõi Ta Bà này, do tạo 10 nghiệp lành bậc trung mà chiêu cảm quả báo sinh làm người.

+ A Tu La đạo: Là cõi Thần, tức sinh làm thần A Tu La, do tạo 10 nghiệp lành bậc hạ mà cảm quả báo sinh làm thần A Tu La.

- Ba đường dưới thì khốn khổ, nguy nan, nên gọi là Tam ác đạo (H : 三惡道, A: Three evil ways, P: Trois mauvaises voies) tức do chúng sinh tạo nhiều ác nghiệp nên lúc mạng chung bị đọa trong ba đường dữ chịu nhiều thống khổ đớn đau. Gồm :

+ Địa ngục (H: 地獄, A: The Hades, Hell, P: L'Enfer): là nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi. Tương truyền nhà ngục nầy ở dưới đất, là cảnh giới hoàn toàn thống khổ không bao giờ có chút an vui, đáng ghê gớm sợ sệt đủ thứ cực hình, nơi tra tấn khốc liệt, tội nhân ở đó bị lửa đốt bị quăng vào vạc dầu sôi, bị cưa, bị kéo đau đớn vô cùng, chừng nào nghiệp báo hết thì mới thoát khỏi chốn này với những kẻ làm người mà gây ra 10 nghiệp cực ác. Vì ở dưới đất nên gọi là Địa ngục, gồm ba loại: Căn bản địa ngục: Bát hàn, Bát đại địa ngục; Cận biên Địa ngục: 16 du tăng địa ngục... ; Cô độc Địa ngục : Địa ngục ở trong núi, trong đồng nội, ở dưới cội cây... chúng sanh do tạo tội Thượng phẩm thập ác mà đọa địa ngục.

+ Ngạ quỉ: Là cảnh giới của loài quỉ đói khát, muốn ăn mà không được ăn, muốn uống mà không uống được, luôn bị sự đói khát bức bách lại bị đánh đập liên miên với những kẻ gây nên 10 nghiệp ác thường, tham lam bỏn xẻn, keo kiệt mà cảm lấy quả báo làm ngạ quỉ  và có hình thù rất xấu xí.

+ Súc sinh: Là chốn đầu thai làm súc sanh như ngựa, lừa, heo, chó,... Súc sanh bị người ta đày đọa làm việc khổ cực như trâu, bò, lừa,... lại còn bị chém giết, ăn thịt và chính chúng nó giết hại lẫn nhau để ăn nuốt, nên rất là đau đớn khốn khổ với những kẻ ki làm người gây nên 10 nghiệp ác vừa.

Giáo lý nhà Phật cũng cho rằng cuối nẻo đường trần có 3 lối rẽ để đi:

- Tiến thẳng lên Thánh đạo, vãng sinh Cực Lạc tức thời, lối đi này chỉ dành cho những người cực thiện;

- Đi vào Thiện đạo dù có được tốt đẹp ít khổ, nhưng vẫn còn quanh quẩn luân chuyển vào nhân đạo hoặc thiên đạo;

- Đi vào Ác đạo là con đường trầm luân, không ai muốn bước vào. Nhưng nghiệp ác hiện đời đã gây tạo, phải biết đường tránh.

Do vậy, với người phải vào lối 2, 3 thì việc hộ niệm 護念 (được giúp Niệm Phật) trong giờ phút sắp lâm chung càng vô cùng quan yếu. Nhưng muốn có hiệu quả cần có sự chuẩn bị trước (từ lúc còn khỏe cho đến lúc bệnh) còn lúc chết rồi mới lo thì thuộc về phạm vi Cầu siêu.

HỘ NIỆM[1]  護念là nói tắt từ “Bảo hộ ức niệm”, khiến cái ác bên ngoài không xâm phạm, điều thiện ở bên trong được nẩy nở, là trợ duyên cho người còn sống (người bệnh) được thực hiện khi rõ là thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời. Sự nhất tâm của người trợ niệm cùng với công năng của sự niệm Phật 念經sẽ gia hộ cho người bệnh sớm chấm dứt đoạn hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Nhờ vậy, người bệnh sẽ được tự do, thanh thản và được vãng sanh về cảnh giới của chư Phật. Việc hộ niệm với đầy đủ TÍN – NGUYỆN – HẠNH, có tác dụng:

- Đối với người chưa tin Phật Pháp, thì đem giáo lý mà giảng cho họ phát khởi lòng tin, nhớ tới sự lành;

- Đối với người mới phát tâm, thì tùy tiện giáo hóa cho họ tinh tấn tu hành;

- Đối với người tu lâu thì trợ giúp cho họ bước lên đường bất thối;

- Đối với người bệnh trọng thì cầu nguyện cho họ tránh khỏi sự đau đớn, tai ách;

- Đối với người lâm chung, thì cầu nguyện cho linh hồn họ minh mẫn, biết niệm nhớ Phật, Pháp khỏi sa đọa vào các đường tạo nghiệp ác.

Đặc biệt, người sắp chết có được chính niệm, nói cách khác là mình giúp cho họ nhớ, đồng tâm niệm Phật, không màng đến duyên trần gây trở ngại cho việc vãng sanh. Khi niệm cần chú ý VÃNG SINH THẦN CHÚ 往生神咒[2] . Đó là câu niệm bằng tiếng Phạn (H: 梵語, A: The sanskrit, P: Le sanscrit)[3] để cầu nguyện với Đức Phật A Di Đà cứu độ linh hồn người chết phá trừ tất cả nghiệp chướng căn bản, được Vãng sinh Cực Lạc và đặc biệt hú trọng tới Lục tự Di Đà (H: 六字彌陀, A: Six words of Amitabha, P: Six mots d'Amitabha): là sáu chữ: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT (có nghĩa là: đầu cúi lạy Đức Phật A Di Đà, hay đầu cúi lạy Vô Lượng Quang Phật).

gồm 59 chữ mà xưa nay thường trì niệm theo phiên âm Hán Việt[4]. Chúng ta có thể trì niệm theo nguyên văn tiếng Phạn (đã phiên âm) và tìm hiểu đôi chút về “ý nghĩa” của thần chú này, theo Đoàn Trung Còn (1908-1988) có nghĩa đại khái như sau:

- Namo Amitàbhàya (Na-mô A-mi-ta-pha-gia) đọc là Nam mô A di đa bà dạ, nghĩa là: qui kính Đức A Di Đà Phật;

- Tathàgatàya (Ta-tha-ga-ta-gia) đọc: Đa tha già đa dạ nghĩa là Như Lai (H: 如來, A: Buddha, P: Bouddha) có nghĩa là nương theo cái thật của Chân tức là đã đứng vào phẩm vị Phật, là một trong 10 hiệu của Phật, là “Không từ ở đâu đến, mà cũng không đi đâu”, là tính thường trụ, thường hằng của vạn pháp;

- Tadyathà (Ta-di-gia-tha) niệm là Đa điệt dạ tha nghĩa là: Như Lai Đa diệt dạ tha, tức liền đọc bài chú dưới đây;

- Amrto dbhave (A-mờ-rật-tô đờ-pha-vê) niệm là A di rị đô bà tỳ nghĩa Cam lộ hiện lên;

- Amrta sambhave (A-mờ-rật-ta sam-pha-vê) niệm thành A di rị đa tất đam bà tỳ nghĩa Cam lộ phát sinh;

- Amrta vikrànte (A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-tê) niệm A di rị đa tỳ ca lan đế nghĩa Cam lộ dũng mãnh

- Amrta vikrànta gamini (A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-ta ga-mi-ni) niệm là A di rị đa tỳ ca lan đa già di nị nghĩa là Đạt đến Cam lộ dũng mãnh

- Gagana kìrtti kare (Ga-ga-na kít-ti ka-rê) niệm là Già già na, chỉ đa ca lệ tức Rải đầy hư không

- Svàhà (Sờ-va-ha) đọc Ta bà ha 娑婆訶: tiếng Phạn là Swâha là ba chữ chót của bài Thần chú, có nghĩa là: Thành tựu, kiết tường, tiêu tai tăng phước, viên tịch, vô trụ, kính Phật chứng minh.

Như thế 10 câu trên đều là mật ngữ, đại ý có nghĩa là: nhổ bỏ tận gốc các nghiệp chướng.

Phật tử tin rằng:  Phật, Bồ tát, chư thiên và các vị thiện thần thường nhớ nghĩ và che chở những người tin kính Tam bảo, khiến cho họ không bị các chướng nạn làm hại. Sự nhớ nghĩ che chở của các Ngài như bóng theo hình, không cách rời, làm cho ác quỉ không thể đến gần làm hại, vì thế gọi là Ảnh hộ hộ niệm. Lại nữa, để chứng minh cho giáo pháp do đức Phật nói ra là chân thực, chư Phật và Bồ tát bèn lập thệ nguyện, nếu chúng sinh tin nhận và làm theo giáo pháp này, thì sẽ được lợi ích vô cùng, đó gọi là Chứng thành hộ niệm.

 Chúng ta phải luôn nhớ rằng người sắp chết tâm thần bị tán loạn, dễ bị tán tâm khó bề tâm niệm Phật. Bởi thế, nên họ rất cần người khác hộ niệm để giúp họ tập trung tinh thần về với chính niệm bằng cách chí thành tha thiết niệm Phật. Khi người bệnh vừa tắt thở, thì thần thức chưa hoàn toàn rời khỏi thể xác nên còn rất cần thiết cho việc hộ niệm, niệm Phật. Muốn vậy, thân quyến hay con cháu trong gia đình là những nhân tố chính giúp cho người thân của mình khỏi bị đọa lạc vào cảnh khổ nhưng lại bối rối lo buồn thêm bao việc phải lo nên không còn đủ bình tĩnh. Nên phải có người biết cách trợ niệm, để giúp đỡ chỉ bảo mọi việc cho thân nhân và bạn bè lo trợ niệm giúp đỡ cho bệnh nhân.

Muốn cho việc hộ niệm vãng sanh[5] đạt được kết quả cao, cần phải hội đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện qua 4 yếu tố quan trọng như sau :

1. Người Hộ niệm:

1). Giúp cho gia đình hiểu rõ Hộ niệm khác Cầu an hay Cầu siêu; nên khuyên bảo thân quyến và sắp xếp mọi việc cần thiết trong lúc hộ niệm cho người bệnh hấp hối sắp lâm chung. Chữ nhà Phật là khai thị  開諟 (cho gia đình, người bệnh, cho oan gia trái chủ) nói rõ mục đích, ý nghĩa, nghi thức việc tụng kinh, niệm Phật. 

Nhấn mạnh: nếu thọ mạng chưa dứt sẽ mau lành bệnh; nếu thọ mạng không còn sẽ Vãng sanh Cực lạc[6]. Tối kỵ nhất là gây xáo trộn khóc than trong giờ phút này. Những ai không dằn lòng được xúc động, thì tốt hơn hết là nên mời bước ra ngoài.

2). Thái độ và cung cách, nhất là lời nói đối với người bệnh phải hiền hòa dịu ngọt, nên khuyến nhắc người bệnh nhớ niệm Phật và cần gợi lại những công hạnh mà người bệnh đã thực hiện.

3). Đặt bàn thờ Phật sao cho người được hộ niệm thấy được. Trên đó có bày Tranh hay Tượng Đức Phật A Di Đà lớn, lư hương, bình hoa, đĩa quả, ly nước và 2 cây đèn (gia đình mua).

Cho xem hình A DI ĐÀ PHẬT. Ngoài việc niệm Phật và khuyến nhắc bệnh nhân ra, tuyệt đối không được nói lời gì khác, mà gây cho bệnh nhân không vui dễ mất tín tâm và tán loạn.

4). Tùy trường hợp, hoàn cảnh nơi bệnh nhân nằm, mà linh động niệm Phật to tiếng hoặc nhỏ tiếng, tốt hơn hết là chỉ niệm Phật cho bệnh nhân vừa đủ nghe, không nhỏ quá và cũng không nên lớn tiếng quá bởi càng niệm lớn tiếng, bệnh nhân càng không nghe rõ. Tốt hơn hết, là nên niệm vừa đủ cho bệnh nhân nghe thôi. Và khi niệm, phải chậm, rõ ràng đủ 6 chữ : “Nam Mô A Di Đà Phật”.

5). Phải thay phiên nhau niệm Phật liên tục không cho gián đoạn, cần khuyến khích thân nhân cùng thay phiên nhau niệm Phật. Trong phòng bệnh, ngoài tiếng niệm Phật ra, tuyệt đối phải giữ yên lặng, không được nói chuyện ồn ào làm loạn tâm bệnh nhân vô ích.

6). Khi người bệnh đã thật sự tắt thở, cứ để như vậy mà chí thành niệm Phật liên tục, không nên sửa làm động đậy bệnh nhân, ít nhất là 2 tiếng đồng hồ.

7). Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác…

2. Người được Hộ niệm:

Nếu đã phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh, thì trong lúc bệnh nặng, nên buông bỏ tất cả duyên trần, không bận tâm với bất cứ vấn đề gì, nhất là đối với việc gia đình nhà cửa con cháu … Cần dốc hết tâm lực còn chút hơi tàn mà quyết lòng niệm Phật cầu sinh Tây phương, theo bản nguyện sinh tiền của mình đã phát nguyện, không sợ chết. Tốt nhất là niệm: “thân này nhơ nhớp, biết bao khổ lụy hãm vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực lạc thọ thân kim cương thanh tịnh sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô sự an vui. Ví như đổi cái áo cũ rách lấy đồ trân phục, còn điều chi thích ý bằng”.

3. Gia đình người được Hộ niệm:

1). Chuẩn bị:

- Mời Ban Hộ niệm; nhất mực tin tưởng và làm theo hướng dẫn của Ban này; không mời nhóm khác cầu siêu, đọc kinh...

- Một phòng gọn gàng, thoáng mát, trang nghiêm; không tự ý trưng bày tranh ảnh hoặc hình tượng gì khác ngoài ảnh A DI ĐÀ PHẬT.

- Một bát cơm trắng, một đĩa muối, một cây đèn dầu lửa, tất cả để trên mâm nhỏ bên cạnh hoặc phía trước đầu của người lâm chung.

- Ở dưới đất, cách giường người lâm chung khoảng 50 cm, đốt một đĩa dầu lạc hay nến để hút những hơi độc (nếu có).

- Ghế cho đủ người Hộ niệm ngồi ngay hàng thẳng lối,  cao hơn người được hộ niệm.

- Chuẩn bị mâm chay; khi nấu tại nhà kiêng phi tỏi, hành, hẹ, kiệu, hành Tây và tránh mùi thức ăn xông nên nơi Hộ niệm.

2). Nếu có nuôi chó, mèo,... cần nhốt chúng lại, hoặc phải canh chừng không được để chúng đến gần làm cho người bệnh giật mình, tức giận, khó thành.

3). Không được xen tạp những hình thức gì khác như: tụng kinh, tụng chú, cầu an, cầu siêu, dùng bùa ngải,… kể từ lúc khởi sự hộ niệm. Không được đi qua, đi lại phía trước những người đang ngồi hộ niệm

4). Khi người bệnh tắt thở không được đụng chạm vào thân xác[7] như: thay quần áo, tắm rửa, chỉnh sửa thân xác, di chuyển, vuốt mắt, chêm đẩy cằm để miệng khép lại; không để bất cứ vật gì vào miệng-tay-túi áo quần, không đặt vật gì lên bụng, không than khóc, không đi coi ngày giờ mà phải tập trung vào niệm Phật, lạy Phật cùng với ban hộ niệm trợ niệm cho người thân của mình liên tục 8 giờ. Sau đó tùy ý gia đình coi ngày giờ tẩm liệm, thay quần áo, chỉnh sửa thân xác,...

5). Phải tỏ thái độ có lòng thương kính từ ái và tuyệt đối không được dùng lời nói mất hòa khí trong gia đình. Tuyệt đối, không nên đem việc nhà ra bàn luận. Nếu để cho người bệnh biết được những sự việc không hay xảy ra, thì sẽ gây tác hại lớn cho việc vãng sanh, vì người bệnh sẽ phiền muộn, tham, sân, si nổi lên dễ sa vào ác đạo như tên bắn.

6). Phải làm và nghe theo sự thức nhắc, sắp xếp của người có trách nhiệm hộ niệm cho thân nhân của mình. Những người nầy, họ vì thân nhân của mình mà hết lòng hộ niệm, nên chúng ta cần tôn trọng những lời chỉ bảo của họ.

7). Không nên kêu khóc lớn tiếng và kể lễ bất cứ điều gì, chỉ một bề niệm Phật. Phải gắng dằn lòng xúc động trong giờ phút nầy. Nên nhớ đây là yếu tố quan trọng mà người mới lâm chung có được vãng sanh hay không, đều tùy thuộc vào thân quyến. Bởi đây là giai đoạn của thân trung ấm, giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất trong kiếp chúng sinh. Đây là giai đoạn mà người lâm chung đang đứng trước ngã rẽ giữa quỷ, người, phàm Thánh. Trong giai đoạn nầy điều quan trọng nhất nên làm là cùng nhau hộ niệm. Dù cho người ấy đã có ý hướng sinh về cõi nào, có thể là cõi thiện; tuy nhiên, sự than khóc của người thân làm khơi dậy niệm luyến ái trong người ấy, do vậy người ấy có thể rơi trở về vòng sanh tử, uổng phí một đời tu

8). Tất cả nên vì người mất mà phải thành tâm niệm Phật, tụng kinh cầu siêu suốt trong thời gian từ khi mất cho đến trải qua 49 ngày.

9). Trong thời gian cư tang, nên tu tạo nhiều phúc lành để hồi hướng cho người quá cố sớm được siêu sinh thoát hóa.

Riêng đối với thân hữu bạn bè, chúng ta nếu thật thương người bạn mình thì chỉ nên hiệp lực cùng với những người khác mà đồng tâm niệm Phật. Nếu không quen niệm, thì chúng ta cũng không nên nói những chuyện gì khác.

4. Nghi thức Hộ niệm:

Mỗi nhóm 3-6 người thay phiên nhau 2 tiếng một kíp.

1) Hộ niệm khi người bệnh còn sống:

- Trưởng Ban thắp 3 nén hương quỳ trước bàn Phật đưa hương lên trán.

- Khấn bài giới thiệu.

- Xá 3 xá, cắm hương vào lư, đứng dậy lễ Phật.

- Trưởng ban xướng, cả nhóm cùng Niệm[8] các bài[9]: Kệ[10] tán Phật, Lễ Phật, Kệ niệm Phật, Nam mô A Di Đà Phật, Hồi hướng[11], Phục nguyện, Tự quy y (có lạy)...

2) Hộ niệm khi lâm chung:

- Khai thị cho người vừa mất.

- Trưởng Ban thắp 3 nén hương quỳ trước bàn Phật đưa hương lên trán.

- Khấn bài Nguyện hương.

- Xá 3 xá, cắm hương vào lư, đứng dậy lễ Phật.

- Trưởng ban xướng, cả nhóm cùng Niệm các bài: Kệ tán Phật, Lễ Phật, Kệ niệm Phật, A Di Đà Phật (liên tục 8-12 tiếng), Hồi hướng, Phục nguyện, Tự quy y (có lạy)...

Xin phép Hương linh kiểm tra thoại tưởng: Nếu thấy sắc diện hồng hào, cơ thể mềm mại, hơi ấm xuất ra trên đỉnh đầu là đã được vãng sanh Cực lạc. Khi đó Ban Hộ niệm ra về, gia đình lo hậu sự. Còn nếu chưa đạt Vãng sanh thì tiếp tục Trợ niệm.

Nhưng theo nghiên cứu của y khoa, sau khi chết thi xác bắt đầu lạnh, đông cứng, co quắp rồi khoảng từ 15 đến 20 giờ trở đi xác chết dần mềm trở lại để bắt đầu quá trình phân hủy. Như vậy, việc thân thể từ tím tái và co quắp sau một thời gian chuyển thành “mềm mại, tươi nhuận hơn” là sự chuyển biến bình thường của mọi xác chết, những ai xem sự biến chuyển tự nhiên đó là kết quả nhiệm mầu của quá trình hộ niệm là một nhầm lẫn vô cùng nghiêm trọng, cần nhanh chóng sửa sai và khắc phục.

Do đó, việc “Ban hộ niệm bắt buộc phải niệm đến khi nào người chết được vãng sanh mới thôi” là điều hoàn toàn không đúng và họ đã tự tin vào năng lực tiếp dẫn của mình một cách thái quá.

Vãng sanh hay không tùy thuộc vào nhiều nghiệp duyên của người chết, việc hộ niệm thì rất cần, nhưng hộ niệm trong khoảng 8 đến 10 giờ sau khi mất là lý tưởng nhất. Đây là khoảng thời gian cần thiết để thần thức lưu xuất ra khỏi xác thân. Mặt khác, sau khoảng thời gian này thì tiến trình phân hủy sẽ bắt đầu. Nếu không khâm liệm kịp thời sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng như an toàn sức khỏe cho thân nhân và cộng đồng, vi phạm quy định về nếp sống mới.

Người học Phật cần nêu cao tinh thần Chính kiến, tin sâu Nhân quả-Nghiệp báo, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, quyết không rơi vào tà kiến và chấp thủ sai lạc.

-Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK, chép lại 24/6/Giáp Thìn-


[1] Xin nhắc lại: khi người thân “tắt thở” còn nghi thức nữa là Khâm liệm (H: 衾殮 , A: To wrap a corpse in a shroud, P: Couvrir un cadavre dans un linceul) hay Tẫn liệm (H: 殯殮, A: To wrap a corpse in a shroud and to coffin, P: Envelopper le mort et le mettre en bière) là việc bọc thi hài bằng chăn mỏng hay vải, trước khi đưa vào quan tài. Chữ “liệm” này viết quốc ngữ là “lờ cao”, tức “liệm” nhưng nhiều đám hay lẫn “niệm” và “liệm”!

[2] Tương truyền do Phổ Hiền Đại Bồ tát đặt ra gọi là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độ Đà la ni mà có thể dịch thành là thần Chú, có nghĩa là ”tổng trì”.  Tức tuy chỉ có vài chữ, nhưng có thể bao gồm hết thảy ý nghĩa của Phật Pháp, cho nên Thần Chú có công đức vô lượng..

[3] Phạn ngữ hay Phạm ngữ là tiếng Phạn, tức là ngôn ngữ của xứ Phật, ngôn ngữ của nước Thiên Trúc (H: 天竺, A: Ancient name of India, P: Ancien nom de l'Inde) ở miền bắc Ấn Độ mà  Đạo Bà La Môn và Đạo Phật dùng để thuyết pháp và chép kinh sách. Nó phân ra làm hai loại: Bắc Phạn là tiếng Sanscrit  dùng trong Bắc Tông tức Phật giáo Đại thừa còn Nam Phạn là tiếng Pali do Nam tông tức Phật giáo Tiểu Thừa dùng.

[4]  Đó là: “Nam mô a di đa bà dạ, đa tha già đa dạ, đa điệt dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị đa tỳ ca lan đa, già di nị, già già na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha”.

[5] VÃNG SINH: 往生 là chết ở cõi trần này để sanh qua một thế giới khác. Tức bỏ thế giới ác này mà qua cõi thanh tịnh yên vui của Đức Phật A Di Đà, đó là “vãng” và khi qua đó rồi thì sinh vào hoa sen, đó kêu là sinh.

[6] CỰC LẠC còn gọi là Cực Lạc Niết bàn - Cực Lạc Thế giới - Cực Lạc quốc (H : 極樂涅槃- 極樂世界- 極樂國, A: Nirvana - Paradise - Kingdom of happiness, P: Nirvana - Paradis - Royaume de bonheur,  S. Sukhavati) hay Tây phương Cực lạc 西方極樂 là chỉ cõi hoàn toàn an vui, hạnh phúc, không còn mê lầm hay phiền não, là nơi Phật A Di Đà đang giáo hóa. Ðó là cõi của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, của những người đắc đạo.

Theo Phật giáo, ở cõi CLTG, nhà cửa, đền đài, cung điện, ao hồ đều rất đẹp được làm bằng bảy món quí báu gọi là Thất bảo, có hoa Tiên rơi xuống như mưa, có chim linh hót thanh tao. Người ở cõi nầy muốn gì có nấy, chỉ cần tưởng là có liền. Mục đích của người tu Phật giáo là được đắc quả lên Cực Lạc Niết Bàn, giải thoát khỏi luân hồi. Cõi này ở từng Trời thứ 10, đó là từng Trời Hư Vô Thiên, do Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật chưởng quản..

Các nước thuộc Phật giáo Bắc tông như Việt Nam có tông phái Tịnh Độ rất thịnh hành, lấy việc niệm danh hiệu Phật A Di Đà làm pháp môn tu cơ bản, cầu sau khi chết được vãng sinh qua cõi Cực Lạc, để có điều kiện tu học thuận lợi, dễ dàng hơn cõi Sa Bà này.

[7] Khi vừa ngừng thở thân xác rất đau đớn lại đụng chạm vào thân xác gây đau đớn gấp ngàn lần sinh tâm sân hận sinh vào ác đạo; than vãn khóc lóc hương linh lưu luyến, tiếc nuối thì không vãng sinh Cực Lạc được.

[8] Niệm :  là nghĩ nhớ, nhớ rõ. Sách Phật cũng nói tới phép sáu niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là luôn luôn nghĩ nhớ tới Phật, Pháp, Tăng là Tam bảo; Niệm Giới là nghĩ tới giới luật phải gìn dữ không được sai phạm ; Niệm Thí là nghĩ tới việc bố thí, giúp đỡ người khác ; Niệm Thiên là luôn luôn nghĩ tới điều thiện phải làm để được tái sinh lên các cõi trời Trời.

Niệm Phật là hành động phổ thông nhất trong hàng ngũ Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Phật tử gặp nhau chào nhau bằng “Nam mô A Di Đà Phật”.

Còn Tụng niệm (H : 誦念, A: To pray, P: Prier) là tụng kinh thành tiếng và tưởng nghĩ tới Phật.

[9] Có trong cuốn NGHI THỨC HỘ NIỆM của Thích Chiếu Nguyện do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát hành năm 2013 (2557 Phật lịch).

[10] Kệ là những bài thơ ngắn để tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp hay một bài kinh, hoặc để răn dạy đệ tử, hoặc để cầu nguyện. Mỗi câu từ ba đến 8 chữ  và cứ bốn câu thành một bài kệ. Kệ tán là bài kệ để tán thán công đức.

[11] Nguyện chuyển kết quả những việc làm thiện lành cho người khác, như cho cha mẹ, họ hàng, bè bạn, hay là cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh. Bài này thường đọc cuối mỗi thời tụng kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!