[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 10 2023

Quê tôi, TỪ TỔNG CAO MẬT ĐẾN XÃ CHIẾN THẮNG

Thời Đồng Khánh ( , 1886-1888) dưới huyện là tổng (rồi mới đến xã , thôn hay làng ) thì khu vực An Lão giáp huyện Kiến Thụy là đất đai của tổng Đại Phương Lang 大芳榔 và tổng Cao Mật 高密 đều thuộc huyện An Lão 安老, phủ Kiến Thụy 建瑞, tỉnh Hải Dương 海陽.

Nên biết rằng, từ bao đời nay, thôn (làng), xã quê hương vẫn ở đó, chỉ có cấp hành chính bên trên là khi phình ra, lúc co lại (nhập vào rồi lại tách ra) và đổi tên nên xã ta khi thuộc An Lão (trước 1947), hoặc Lưỡng An (1948), khi An Thụy (1969-1980), lúc Kiến An (1981-1988) rồi trở lại An Lão (từ sau 8/1988). Khổ cho con cháu khi tu chỉnh Gia phả và khai lý lịch phải kê cứu nhiều tư liệu!

Đây vốn là bãi bồi do phù sa sông Úc, sông Cấm, sông Thái Bình…tạo nên. Quá trình đó nằm trong sự hình thành đồng bằng Bắc Bộ từ thời kỳ hậu Canh tân (Pliestocéne 更新世, cách đây 2,588±0,005 triệu năm) sau đó là gắn với quá trình lấn biển, bồi lấp các ô trũng, đầm lầy, bãi lăn, sú, vẹt qua nhiều thế kỷ của lớp lớp cư dân nối nhau. Đất khai canh 開耕 đến đâu, người dân dựng nhà, lập trại tới đó kèm theo là tụ hội dân cư mới. Khi địa bàn đã khá ổn định, dân cư đủ đông, triều đình thiết lập các đơn vị hành chính (nhỏ là thôn, lớn hơn là xã rồi hợp thành tổng) để quản lý.

Chưa tìm thấy tư liệu nào nói về quá trình hình thành thôn, xã cũng như việc định danh vùng đất ấy. Nhưng chắc đồng thời với vùng đất phát tích của nhà Mạc (莫朝,  1527- 1592) ở Cổ Trai 古齋  gần cửa sông Văn Úc 郁江 mà sử sách đã viết nhiều!

Tổng bên cạnh là Đại Phương Lang (nay là xã An Thọ) có 7 xã, thôn: Đại Phương Lang, Trung Thanh Lang 中青榔, Thạch Lựu 石榴, Tiên Cầm 仙琴, Hạnh Thị 杏市[1], Văn Khê 文溪, Đồng Lung 同淹, thôn Kê 村筓 nằm xa bờ sông Văn Úc.

Quê tôi thuộc tổng Cao Mật gồm các xã, thôn bên Tả sông Úc: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Hương Lạp 香粒, Mông Tràng Hạ 蒙場下, Cốc Tràng (谷場, bãi chim Cốc[2]) Tôn Lộc 尊祿 và Cao Mật 高密. Đây chính là nơi mà Cụ Tổ tôi từ Tiên Lãng sang lập nghiệp từ Thế kỷ XVIII.

Quá trình bồi lấp phù sa lâu dài đã tạo cho nơi đây thành những bãi phẳng xen đầm sâu, lạch rộng.

Tổng được bao bọc bởi: Phía Nam, Tây Nam là sông Văn Úc (có đò lớn) nối sang bên kia là huyện Tiên Minh; Bắc giáp Biều Đa 裒多 (qua đầm có đò nối Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上) sang Phương Lang Thượng 芳榔上 (nay thuộc xã Mỹ Đức); Đông Bắc giáp Đại Phương Lang 大方榔 (qua đò nối Cốc Tràng 谷場, Mông Trạng Hạ 蒙場下 với Văn Khê 文溪); Tây Bắc qua sông Đa Độ 多渡 là Du Viên 榆圜 (nay thuộc xã Tân Viên). Mỹ Đức, An Thái, An Thọ, Tân Viên nay thuộc huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Sau tháng Tám năm 1945, bước vào xây dựng chế độ mới, tháng 3 năm 1946 Chính phủ VNDCCH chủ trương xóa bỏ cấp tổng thành lập cấp xã nhỏ hơn cấp tổng nhưng lớn hơn làng, xã cũ cho phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện chỉ đạo ở trên, tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật được nhập thành 2 xã rộng là: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng). Riêng xã Cao Mật của tổng Cao Mật cũ thì cắt về xã An Thọ (tổng Đại Phương Lang cũ) và là thôn duy nhất của xã này giáp sông Văn Úc. Chính quyền thôn, xã thiết lập xong, đi vào hoạt động cũng là lúc toàn dân bước vào cuộc kháng chiến 9 năm.

Ngày 15/8/1947 cùng với Đại Phương Lang, Kiến Thành, Đồng Phù, Văn Đẩu, Cảnh Hưng được đưa sang thuộc huyện Kiến Thụy đến 1949 trở về huyện An Lão.

Đêm 25/9/1949 đồn Khuể (biên chế 6 lính Pháp, 28 lính ngụy) bị dịêt. Đây là trận để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch kết hợp thành công với lực lượng tiến công từ ngoài vào[3]. Để ghi nhớ trận binh biến đó và phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên mới: Chiến Thắng (từ 05/10/1950) giáp với An Thọ, Tân Viên, Mỹ Đức và sông Văn Úc.

Đến 20/7/1954 miền Bắc được giải phóng nhưng vì nằm trong khu tập kết 300 ngày nên đến ngày 28/4/1955 QĐNDVN vượt Văn Úc tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An và khi đó Chiến Thắng mới được hoàn toàn giải phóng. Do vậy, dù tôi sinh 2/1955 sau Hiệp định Genève 1954[4], khi miền Bắc đã giải phóng nhưng vẫn trong cảnh “chạy Tây Đen đuổi, mẹ sinh rơi Còi”!

Theo Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 31/7/2012 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 – 2020 thì:

 Chiến Thắng nằm ở phía Đông Nam trung tâm thị trấn An Lão, cách trung tâm tf 14 km về phía Tây Nam, có phạm vi được xác định như sau: Bắc giáp Mĩ Đức (qua đầm); Đông giáp An Thọ; Nam, Tây Nam giáp sông Văn Úc  (với có 5,25km đê và 4 cống, bên kia sông là địa phận TT Tiên Lãng; các xã Quang Phục, Quyết Tiến, Tân Tiến, Tự Dương của huyện Tiên Lãng), Tây Bắc giáp xã Tân Viên (qua sông Đa Độ[5]).

Xã gồm 7 thôn: Cốc Tràng, Tôn Lộc, Phương Hạ, Mông Thượng, Côn Lĩnh, Kim Côn, Tân Thắng (lập 19/5/1995), xóm Mới và khu dân cư Bến Khuể (người tứ xứ, ngay sát bờ sông Văn Úc).

Ngày 6/10/2010 Cầu Khuể to lớn[6] nằm trên tỉnh lộ 354 đã thay thế bến phà từ An Lão sang Tiên Lãng đi vào lịch sử.

Diện tích 882,01 ha, dân số hơn 6.253 người (1901 hộ).

Về giao thông: chạy dọc giữa xã là tỉnh lộ thảm beton nhựa 354 từ Kiến An sang Tiên Lãng đã được mở rộng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng sau khi cầu Khuể hoàn thành (đoạn qua xã dài 2.000m). Đường này chia xã thành 2 phần rõ rệt: bên hữu là đất Kim Lĩnh Thượng (Mông Thượng, Côn Lĩnh, Kim Côn, Tân Thắng) cũ, bên tả là đất Cảnh Hưng (Cốc Tràng, Tôn Lộc, Phương Hạ) xưa.

Con đê bên bờ tả Văn Úc, chạy trên địa phận xã đạt tiêu chuẩn đê cấp III, cao độ đỉnh + 6,5m. Các đường liên thôn đã beton hóa nền rộng 6m, mặt 3,5m và các tuyến nội đồng cũng đã cứng hóa.

Trung tâm xã đặt tại thôn Phương Hạ, cạnh Tỉnh lộ 354 (bên phải hướng sang Tiên Lãng) gồm trụ sở xã, Trạm xá, Trường THCS, Nghĩa trang liệt sĩ[7].

Dư luận đang râm ran: trong việc “dồn thôn, nhập xã” tới thì thôn Cao Mật sẽ trở về xã Chiến Thắng, phần còn lại của An Thọ sẽ nhập vào An Thái[8]! Nhưng mới là việc đồn trong dân, chưa có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền!

Trước kia thấy Chiến Thắng là một xã khó khăn, không có đặc sản, thế mạnh[9], di tích danh lam nổi trội[10].

Sau này nhờ sự đột phá, Chiến Thắng đã có tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… tạo sự đi lên, hình thành nhiều mô hình điểm sáng đi đầu được nhân ra diện rộng ở An Lão như: Xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất và đời sống, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc giữ gìn trật tự xã hội, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo với mô hình quỹ khuyến học...Các đoàn thể có nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải; xây dựng dòng họ hiếu học, làng văn hóa,... Các mặt kinh tế-xã hội của xã đã thay đổi và năm 2000 đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đến 2016, trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” xã hoàn thành 13/19 tiêu chí và bộ mặt xã khá hơn nhiều[11], phấn đấu trở thành xã Nông thôn mới (cùng với An Thắng, An Tiến, Bát Trang).

Hiện nay, đây là một xã mạnh của huyện An Lão!

Trong tương lai, sẽ có cây cầu vượt sông Văn Úc nối cao tốc Hải Phòng - Hà Nội với tỉnh lộ 25, tức nối An Lão (chân cầu gần Kim Côn) và huyện Tiên Lãng (đi qua thôn Tất Cầu, xã Quyết Tiến). Cây cầu này dự kiến cách cầu Khuể khoảng 2,5 km về phía thượng lưu. Giữa 2 cây cầu sẽ được quy hoạch thành Khu hay Cụm Công nghiệp. Những hứa hẹn mới về cảnh quan và việc làm đang hé mở.

-Lương Đức Mến, ngày phải “cách ly” do đau mắt đỏ-



[1] Quê hương của Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn (黎克謹, 1833-1870). Ông người làng Hạnh Thị 杏市 tổng Đại Phương Lang 大芳榔, huyện An Lão 安老, phủ Kiến Thụy 建瑞 đỗ Hoàng Giáp khoa thi Nhâm Tuất 1862. Hiện Đền thờ ông đã trùng tu rất to đẹp, đàng hoàng tại quê hương, ngay trên đường sang Văn Khê. Anh Rể tôi (lấy chị Phạm Thị Bòn) họ Lê là cháu 4 đời của Cụ Lê Hoàng giáp. Hiện nay con trai vẫn cư ngụ trên mảnh đất của nhà anh chị ở thôn Hạnh Thị.

[2] Chính nơi đây cụ Phạm Đình Khanh 范廷牼, hậu duệ đời thứ 16, 17 của Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255-1320) và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴 từ Đường Hào 唐豪 sang lập nghiệp vào năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Canh Thân, 1740. Đời sau suy tôn là Cụ Tổ họ Phạm ở đây 范谷場肇祖. Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão nhiệm kỳ 2010-2015 là Phạm Duy Đảm người Cốc Tràng nhưng không thuộc dòng họ cụ Phạm Đình Khanh.

[3] Theo tinh thần Nghị quyết ngày 27/10/1948 của Liên tỉnh uỷ Hải-Kiến. Trận này có công lao đóng góp của bố (người cùng cán bộ xã thảo và đưa thư vào cho nhân mối) và chú thím tôi (khi ấy chèo đò trên sông Khuể).

[4]  Hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương, dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương và chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.  Hiệp định được ký ngày 20/7/1954.

[5] Chữ Hán là 多渡 nhưng vì có nhiều bến đò sang ngang hay còn gọi là Cửu Biều 九裒 bởi nó uốn 9 khúc. Khi đến ngã ba các xã Tân Viên, Tân Dân, Mỹ Đức nó nhận thêm nước của sông Ba La, là con sông cũng khởi từ Văn Úc tại nơi giáp ranh Tân Thắng (thuộc Chiến Thắng) với Đại Điền (của Tân Viên).

[6] Cầu dài 787 m, rộng 11 m, tĩnh không 10m. Kết cấu cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng và dầm super-T, móng cọc khoan nhồi đường kính 1,2m. Đường dẫn hai đầu cầu có bề rộng nền đường 12m, phần xe chạy rộng 7m. Chiều dài đường dẫn bờ An Lão là 205m, bờ Tiên Lãng là 306,5m nối vào đường tỉnh lộ 354.

[7] Nằm phía bên phải đường (tỉnh lộ 354) từ Quán Hương xuống Bến Khuể. Mộ Tổ, các Tổ Chi và khu mộ tổ tiên gia đình tôi (quy tập năm 1964) đều đặt tại Nghĩa trang nhân dân cạnh đó.

[8] Rất phiền với việc “nhập”, “tách” này!

[9]  Thực ra nơi đây là vùng nước lợ nên có khá nhiều Rươi và Cói.

 Rươi (Tylorhynchus sinensis), loài giun đốt, lớp Giun nhiều tơ (Polychaeta), sống ở vùng cửa sông nước lợ, ven biển vịnh Bắc Bộ. Mùa rươi được gói trong câu: “tháng Chín Đôi mươi, tháng Mười Mồng Năm”. Ngày nhỏ ở quê nhiều lần tôi đã đi vớt rươi khi đi thả trâu mà gặp. Nhưng những năm lớn lên có dịp về quê thấy rươi ít hẳn và chẳng có “thương hiệu” gì!.

Bơn bãi ngoài đê quê tôi thuở xưa có trồng cói, tuy không nổi danh như Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa). Đây là cây thân mềm thuộc nhóm thực vật trong họ Cói (Cyperaceae), thuộc chi Cyperus (cùng các loài lác, cú) với hai loài chủ yếu là cói bông trắng (Cyperus tegetiformis, là giống Cói quê tôi) và cói bông nâu (Cyperus corymbosus). Ngày tôi còn ở quê, người dân quê tôi chủ yếu trồng cói vào tháng 5-6 khi bắt đầu có nước lũ, độ mặn giảm và thu vào vụ mùa (tháng 7-8), ít thấy cói vụ chiêm (tháng 2-3). Người ta cắt cói về phơi khô dùng lợp nhà. Ngoài ra có chẻ mỏng, phơi khô rồi đem dệt chiếu chứ không thấy làm ra các sản phẩm hàng hóa như các nơi khác. Hình như bây giờ không còn nhà nào lợp cói nữa.

Chắc do đồng đất quê tôi sử dụng hóa chất nhiều và rươi, cói cũng chẳng còn bởi các bãi bơn đã liền với bờ đê bởi quá trình đổ đất lẫn sông.

[10] Trong xã có Chùa Tôn Lộc nằm trong Kỳ viên thiền tự 奇园禅寺, có tháp Bảo Minh 寶明塔 bằng đá với hơn 400 năm lịch sử. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến bởi quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30/10/2001 của UBND thành phố Hải Phòng và đang được trùng tu, mở rộng từ 2016 nhưng chưa thu hút được nhiều khách du lịch.

[11] Từ tháng 11/2017 Trại Tạm giam TP. Hải Phòng (trại tạm giam Trần Phú) đã được di chuyển về Trại Tạm giam mới ở gần Cầu Khuể đã đặt ra nhiều vấn đề mới về KTXH trên địa bàn xã Chiến Thắng. Đây vốn là cơ sở Phân trại cũ, thực hiện việc giam giữ từ 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!