[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


30 tháng 9 2023

Tìm hiểu về cấp hành chính TỔNG VÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU NÓ

Trong những năm qua, cùng với sự thay đổi về chính trị, quân sự, kinh tế thì hệ thống tổ chức phân cấp hành chính Việt Nam thay đổi nhiều lần, địa giới, địa danh các đơn vị hành chính có liên quan đến các dòng họ cũng lắm đổi thay và rất phức tạp.

(Ảnh ST trên MXH)

Từ Lộ , Trấn , Xứ , Tỉnh , Phủ , Châu , Mường 𤞽, Huyện , Tổng , Xã đến Động , Làng , Thôn , Sách , Bản , Xóm 𥯎, Trại ,… nhiều lần tách nhập, thêm, bớt, thay đổi tên gọi và lại diễn ra trong những khoảng thời gian khác nhau, nhiều địa danh đã đi vào quá khứ. Ở Việt Nam bên cạnh những lớp địa danh thuần Việt, là một số lượng phổ biến các lớp địa danh Hán - Việt hay các địa danh có nguồn gốc từ các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hay sau này có cả địa danh gốc Pháp ngữ.

Trong khi hầu hết các đơn vị hành chính khác được sử dụng trong các triều đại phong kiến Việt Nam như đạo, lộ, phủ, huyện, xã... có nguồn gốc từ Trung Quốc, thì “tổng” hoàn toàn là đơn vị hành chính được thiết lập ở Việt Nam, là trung gian giữa huyện và xã ở Việt Nam trước năm 1945.

Tuy nhiên, “tổng” xuất hiện từ khi nào và nguồn gốc của nó từ đâu, thì đến nay vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp thỏa đáng. Nhưng cũng không phải là do nhà nước phong kiến đưa xuống mà là do nhu cầu mở rộng và phát triển của làng xã. Từ chỗ xuất hiện rải rác ở một vài nơi, đến xuất hiện rộng rãi phổ biến ở mọi địa phương và cuối cùng nhà nước ở các triều đại sau này mới thừa nhận và đặt nó trong hệ thống hành chính của quốc gia.

 Theo các văn bia còn tồn tại, tổng có thể có từ thời Lê sơ. Tự điền bi ký lập năm 1471 tại xã La Khê, Vũ Thư, Thái Bình và bia Công chúa tự điền lập năm 1513 ở đền Vũ Bị, Bình Lục, Hà Nam đã thấy nhắc đến cấp tổng.

Các văn bia lập thời Mạc nhắc đến cấp tổng nhiều hơn. Tuy nhiên, vào thời Lê, thời Mạc, thời Lê-Trịnh, tổng không phải là một đơn vị hành chính chính thức giống như đạo, lộ, châu, phủ, huyện, xã. Nó là sự liên kết giữa một vài xã cận kề có chung những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, địa lý để cùng làm thủy lợi, bảo trì và cúng tế tại một ngôi đình chung (đình Tổng), hoặc chùa chung (chùa Tổng), chống trộm cướp.

Đầu thế kỷ 19, khi tổng đã phổ biến trên cả nước, thì nó mới được chuyển thành một đơn vị hành chính chính thức. Mỗi tổng bao gồm khoảng 10 xã, thôn[1]. Ví dụ huyện An Lão 安老 thuộc Phủ Kiến Thụy 建瑞:, tỉnh Hải Dương 海陽 xưa (nơi cụ Tổ của tôi khai cơ lập nghiệp khoảng năm 1750) gồm  10 tổng, là Phương Chử 方渚 (5 xã), An Luận 安論 (6 xã), Đại Hoàng 大黃 (6 xã), Văn Đẩu 文斗 (6 xã, thôn ), Phù Lưu 芙畱 (6 xã), Văn Hòa 文和 (6 xã), Đại Phương Lang 大方榔 (7 xã), Cao Mật 高密 (8 xã, thôn), Biều Đa 裒多 (6 xã, thôn), Câu Thượng 枸上 (6 xã, thôn)[2]. Trong khi huyện Nghi Dương bên cạnh thời đó có tới 12 tổng (Trà Hương, Cổ Trai, Nghi Dương, Đống Khê, Phúc Hải, Đại Hải, Tiểu Trà, Sâm Linh, Đại Lộc, Nãi Sơn, Đồ Sơn, Lão Lễ).

Riêng Tổng Cao Mật có 8 xã thôn (xã Cao Mật, Mông Tràng Thượng, Mông Tràng Hạ, Hương Lạp, Cốc Tràng, thôn Tôn Lộc, Côn Lĩnh, Kim Côn) còn tổng bên cạnh là Đại Phương Lang lại có 7 xã (Đại Phương Lang, Trung Thanh Lang, Thạch Lựu, Tiên Cầm, Hạnh Thị, Văn Khê, Đông Lung).

Thời Gia Long (嘉隆, 1760-1820) bãi bỏ cấp tổng nhưng lại tái lập dưới thời Minh Mạng (明命, 1791-1841) trong cải cách hành chính năm 1931.

Sau tháng Tám năm 1945, bước vào xây dựng chế độ mới, tháng 3 năm 1946 Chính phủ VNDCCH chủ trương xóa bỏ cấp tổng thành lập cấp xã nhỏ hơn cấp tổng nhưng lớn hơn làng, xã cũ cho phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện chỉ đạo đó, tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật được nhập thành 2 xã rộng là: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng). Riêng xã Cao Mật của tổng Cao Mật cũ thì cắt về xã An Thọ (tổng Đại Phương Lang cũ) và là thôn duy nhất của xã này giáp sông Văn Úc. Để ghi nhớ trận binh biến đêm 25/9/1949 tại đồn Khuể (biên chế 6 lính Pháp, 28 lính ngụy) và phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng, năm 1950 nhập lại mang tên mới: Chiến Thắng (từ 05/10) giáp với An Thọ, Tân Viên, Mỹ Đức và sông Văn Úc. 

Đứng đầu chính quyền tổng là Cai tổng do tri phủ hoặc tri huyện mà tổng trực thuộc chọn ra. Nhiệm vụ của chính quyền tổng chỉ là đôn đốc thu thuế, giữ gìn an ninh. Muốn thực hiện được các nhiệm vụ này, chính quyền tổng không dùng các cơ quan của mình mà lại dựa vào chính quyền xã.

Sang đời Đồng Khánh (同慶, 1864-1889, Nguyễn Phúc Ưng Thị 阮福膺豉), cai tổng đổi thành Chánh tổng do kiêng húy phụ vương mình là Nguyễn Phúc Hồng Cai (阮福洪侅, 1845-1876). Việc này diễn ra vào tháng 11/1885, theo đề nghị của Cao Hữu Sung  高有妙, tuần phủ tỉnh Quảng Trị.

Đây là viên quan thuộc cấp huyện, giữ vai trò trung gian giữa cấp huyện và cấp xã, có trách nhiệm truyền những mệnh lệnh của chính quyền cấp trên xuống cấp xã trong phạm vi một tổng và giám sát việc thực hiện những mệnh lệnh đó. thông thường đã từng kinh qua chức vụ Xã chính (Xã trưởng, Lý trưởng), có trình độ học vấn là Sinh đồ (Tú tài) hoặc đã từng đỗ Nhất, Nhị trường hoặc đã qua kỳ khảo hạch ở huyện, gia đình có điền sản. Chức danh này tương đương Tòng Cửu phẩm 從九品; được cấp lương  tiền 18 quan, gạo 16 phương, tiền xuân phục 4 quan.

Chức danh dành cho người đứng đầu một tổng cũng được thay đổi nhiều lần trong lịch sử.

Thời kỳ Pháp thuộc, chánh tổng và phó tổng được xếp trong ngạch nhân viên hành chính, được hưởng lương và xếp hạng bậc.

Trước năm 1887, chánh tổng và phó tổng do chính quyền thuộc địa lựa chọn, chỉ định. Sau năm 1887, chánh tổng được tuyển chọn thông qua thi tuyển.

Từ năm 1908, chánh tổng được tuyển lựa thông qua bầu cử mà cử tri là những người thuộc các thành phần có chức quyền, có tài sản, có bằng cấp và thống đốc là người có quyền quyết định cuối cùng trong việc tuyển chọn, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chánh tổng được tuyển lựa qua bầu cử và là người thay mặt cho tổng về mặt hành chính và pháp lý để giao thiệp với cấp trên.

Ở nông thôn Việt Nam, trước 1945 có thiết chế quan phương (hội đồng chức dịch là cơ quan chấp hành, mang tính đại diện), thiết chế phi quan phương (hội đồng kỳ mục là cơ quan quyết nghị).Trong  trong bộ máy quản lý làng, xã trong đó, hội đồng kỳ mục có Tiên chỉ 先紙 (người ký trước), Hậu chỉ (người ký sau) và Bá hộ (người có điền sản nhiều). Trong Hội đồng Kỳ mục còn có Hương mục 鄉目/ Hương hào 鄉豪 lãnh trách nhiệm trông coi tài sản công tư, Trùm trưởng 𠆳 hay Tuần đinh 巡丁 giữ nhiệm vụ Trị an, tự vệ.

Trong làng xã nhiều người có tiền, ít được học hành nhưng lại muốn có vai vế giữa “chốn đình trung” nên bỏ tiền khao làng và hội đồng Kỳ mục nên cũng được phong chức gọi là “Lý mua”!.

Khi dịch, tục biên Gia phả mà gặp những nhân vật có chức danh liên quan cần chú ý những điều sơ đẳng trên.

-Lương Đức Mến, hậu Trung Thu Quý Mão 2023-



[1] Theo quy dịnh: làng có trên 10 dòng họ gọi là “xã”, dưới 10 dòng họ là “thôn”

[2] Số liệu thời Đồng Khánh (同慶, 1885-1889).

Khi Pháp lập tỉnh Kiến An (02/1906) An Lão thuộc tỉnh này, gồm 12 tổng: An Luận 安論 (8 xã), Văn Đẩu 文斗 (7 xã), Phù Lưu 芙畱 (6 xã),  Đâu Kiên 兜堅 (8 xã), Câu Thượng 枸上 (7 xã), Quan Trang 觀莊 (8 xã), Phương Chử 方渚 (7 xã), Đại Hoàng 大黃 (7 xã) cùng các xã lân cận Chiến Thắng nay là: Cao Mật 高密 (8 xã: Cao Mật, Cốc Tràng, Tôn Lộc, Mông Tràng Thượng, Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Côn Lĩnh, Kim Côn), Đại Phương Lang 大方榔 (7 xã: Đại Phương Lang, Trung Thanh Lang, Thạch Lưu, Tiên Cầm, Đồng Xông, Văn Khê, Hạnh Thị), Biều Đa 裒多 (7 xã: Biều Đa, Phương Lang Thượng, Mỹ Lang Hạ, Kim Trâm, sái Nghi, Tứ Nghi), Du Viên 榆圜 (5 xã: Du Viên, Kinh Điền, Lương Câu, Ly Câu, Thượng Câu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!