Ảnh vẽ con trai
quỳ lạy trước linh cữu người cha (nguồn: http://giacngo.vn)
|
Những tưởng
tang phục của con cháu, cách đặt, đưa linh cữu người quá cố,...trong các đám ma
đã ổn định nhưng xem ra vẫn còn “chín người mười ý” mà chẳng rõ nguyên do. Thực
ra đây là những vấn đề tâm linh đầy tính nhân văn mà cổ nhân đã đúc kết. Ôn lại
3 điểm có lý giải dưới góc độ tâm linh và khoa học để nhớ, thực thi khi gia tộc
có việc:
1. Về Khâm liệm và đặt cữu:
Khâm liệm (H: 衾殮
, A: To wrap a corpse in a shroud, P:
Couvrir un cadavre dans un linceul)
hay Tẫn liệm (H: 殯殮, A: To wrap a corpse in a shroud and to coffin,
P: Envelopper le mort et le mettre en
bière) là việc bọc thi hài bằng chăn mỏng hay vải, trước khi đưa vào quan
tài.
Để khâm liệm,
trước hết trải chiếu xuống đất, bên cạnh chỗ quàn quan tài (đầu quay vào trong), đặt ba chiếc dây
vải tầm ngang vai, ngang mông và ngang bắp chân người chết; rồi trải tấm vải
trắng đã may, đủ diện tích bọc thi hài lên trên ba chiếc dây ấy.
Các con vào:
con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng: “Tự lập” (đứng gần vào), “cử ai” (khóc cả lên), “quỳ” khi đó con cháu phải
làm theo. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng “Nay
được giờ lành, xin rước nhập quan”, “Cẩn
cáo”[1] rồi đứng lên và tiếp xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).
Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp
việc cởi bỏ dải buộc hàm, đũa ngáng miệng, phủ vuông vải lên mặt (bức cân 幅巾), vắt vải thừa ở chân lên trước, kế đến vắt
hai bên vào và cuối cùng là vắt vải thừa ở trên đầu xuống. Cột ba dây đai phía
ngoài nhằm cố định vải liệm.
Khâm liệm xong
tiến hành nhập quan (H: 入棺 /入殮 , A: To coffin a body, P: Mettre en bière) là đưa thi hài đã
bọc, bó bằng vải vào quan tài. Khi thi hài lọt vào áo quan rồi thì cắt bỏ những
dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải
mái. Ngoài các đồ trang sức của
người chết, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng
nếp hoặc khăn áo cũ của người chết... Các thứ đó đều là những chất hút
ẩm và ngăn giữ khí hôi hám bốc ra ngoài, và thi xác khỏi xô lệch.
Khiêng nắp quan
tài chao qua lại 3 lần rồi đạy lại. Sau đó khiêng linh cữu (quan tài đã có thi xác) đặt trên hai cái gía cao khoảng 40 – 50cm
hoặc trên hai khúc thân cây chuối. Trên nắp quan tài có
đặt bát cơm lồng đơm chặt (tượng trưng
cho trái đất (-) và cũng thể hiện nền nông nghiệp lúa nước, thức ăn nuôi sống
con người, bát cơm này sẽ được đặt trên mộ sau khi chôn), 1 quả trứng luộc
(tượng trưng cho Lưỡng nghi bởi có cả
lòng đỏ và trắng, thực ra là hút độc, khí lạnh từ thi hài ra), 2 chiếc đũa
đầu trên chẻ bông (tượng trưng cho mây
trời +) cắm vào bát cơm (nối thông -
và + chỉ sự sinh sôi nẩy nở từ cái chết); thắp nến (7 với nam hoặc 9 với nữ) và đặt một khoanh thân chuối để cắm hương
(dùng âm tiễn âm).
Đối với nông
thôn nhà 3 gian thì quan tài được đặt ở gian giữa, theo chiều dọc của ngôi nhà,
song song với bàn thờ, phía sau bàn vong đầu quay hướng Đông (phía Trái ngôi nhà) và lúc chuyển cữu (23 giờ đến 01 giờ đêm) mới quay đầu ra
cửa. Nhà ống ở phố thì linh cữu được khiêng đặt chính giữa gian giữa, đầu quay ra cửa (hướng Nam )
ở phía sau bàn vong. Việc
quay đầu ra bàn vong để tránh những người viếng phải lạy vong từ phía chân.
Khi di quan ra
đến cửa xoay một vòng để vong nhìn cơ ngơi lần cuối rồi khiêng quay đầu đi
trước.
2. Về Tang phục:
Lệ xưa có 5 hạng tang phục (五 服, Ngũ
phục) phân biệt thân sơ.
Con trai: áo xô, nùn rơm quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng, gậy tang, khăn
ngang buộc đầu. Đồ tang bằng các loại vải thô, xấu như xô gai màu trắng (màu của phương Tây, màu xấu nhất trong Ngũ
hành). Thời nay, nhiều nơi đã
bãi bỏ những tang phục này mà mặc áo đen, đeo băng đen theo tang chế châu Âu, tiện hơn. Nhưng
phổ thông vẫn theo truyền thống nên chú ý:
- Nùn rơm: Mũ
rơm hình vành bánh xe, tết bằng rơm hay lá chuối khô, ở trên có chằng hai dải
vải xô hình chữ thập, có một quai cũng bằng vải xô để đeo dưới cằm.
- Khăn ngang là
dải xô trắng chiều ngang khoảng 30 cm, dài hơn 1m, theo chiều dài gập lại vài
lần để hình thành một chiếc khăn có chiều ngang khoảng 5 cm, chít quanh đầu,
buộc múi ở phía sau, bỏ thõng hai đầu khăn xuống lưng. Nếu cả bố mẹ đã mất thì 2 dải buông bằng nhau, nếu 1 người còn thì để
lệch.
- Gậy tang với “cha
tre mẹ vông” dùng chống khi đáp lễ và đưa tang để tỏ ra là người con có hiếu,
vì quá buồn thương, khóc lóc đến nỗi ốm yếu, không đủ sức đi đứng như bình
thường. Trên thực tế là tránh ngã, nhất là khi đi lùi, đoạn đường khó:
+Tre tượng
trưng cho người quân tử và cây tre bốn mùa không đổi mầu, ví như tình cảm
thương đau của người con không bao giờ giảm sút. Nhưng cha-con phải “cách đốt”
qua người mẹ nên là cây tre và gậy tre để tròn, tượng trưng cho trời, ý coi cha
như trời cao.
+ Còn mẹ-con là
“liền khúc ruột” nên dùng cây Vông không đốt và vông còn tên là “Đồng” nghĩa là cùng, ý rằng lòng mẹ vẫn cùng hợp
với cha. Trường hợp không kiếm được cây vông có thể dùng thân cây sắn đầu trên
vót tròn, đầu dưới vuông, theo ý “trời tròn đất vuông”.
3. Về đưa linh cữu đi hạ huyệt:
Di quan (H: 移棺, A: To displace the coffin, P: Déplacer le cercueil) là di chuyển linh
cữu đem đi chôn. Khi chuyển cần chậm rãi, từng nửa bước chân một, thể hiện nỗi đau tiễn biệt muốn níu kéo
lại, đảm bảo cho quan tài luôn được thăng bằng, để người ra đi trong giấc
ngủ yên lành!
Đến sân quay một vòng chào gia đình, bà con xóm
phố. Từ cửa ra đến chỗ để xe, thực hiện tục “Cha đưa, Mẹ đón”:
- Có câu “Công
Cha như núi Thái Sơn” nhưng núi dù cao đến đâu cũng có giới hạn nên “công của
Cha” con cái đáp đền và sẽ đưa, tiễn biệt Cha nên khi Cha chết, tất cả con trai
con gái, con dâu, con rể đi sau Linh cữu.
- Lại tiếp câu “Nghĩa
Mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà “nghĩa” thì biết đông đếm ra sao, “nguồn”
có bao giờ “cạn” do vậy nếu Mẹ chết thì tất cả con trai phải đi giật lùi trước
quan tài, con gái, con dâu, rể đi sau quan tài.
Tục lăn đường
và khiêng quan tài qua hàng cháu con phủ phục nhiều nơi nay đã bỏ.
Ra
khỏi khuôn viên gia đình, linh cữu được khiêng tiếp ra đường hoặc đặt lên Linh xa (H: 靈車, A: The
hearse, P: Le corbillard)
mà đến nơi chôn.
4. Tang lễ thời hiện tại:
Thực hiện Chỉ
thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ, ngày 21/01/2011 Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư
04/2011/TT-BVHTTDL quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,
việc tang và lễ hội và có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước kể từ 15-3-2011.
Dù thế nào,
việc lo tang ma cho song thân gói trong “Ngũ tự T”: cốt ở cái TÂM hiếu chủ; thể
hiện cái TÌNH của cộng đồng; phụ thuộc vào khả năng TÀI CHÍNH của gia chủ; cần
có cái TRÍ để cân nhắc xem việc gì nên làm, tục gì nên bỏ và cần
hướng dần tới một TẬP TỤC văn minh.
- Lương Đức Mến, giáp tháng Vu Lan Ất Mùi 2015-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!