[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


23 tháng 12 2013

Tìm hiểu về TỪ ĐƯỜNG MỘT DÒNG HỌ

Thủa nhỏ thường được nghe bà nói về “nhà Tổ”. Nhỉnh hơn chút ít đã đôi lần (còn nhớ) được theo bố đến “Từ đường” dự cúng Tổ. Lớn lên và mãi sau này tôi mới thực sự hiểu ý nghĩa linh thiêng của ngôi nhà đặc biệt này.

Sau buổi sơ sử mà tín ngưỡng dân gian được hình thành trên cơ sở tín ngưỡng thờ Thần, nước ta chịu ảnh hưởng của Nho giáo (H: 儒敎,  A: Confucianism, P: Confucianisme), Phật giáo ( H : 佛敎 , A: Buddhism, P: Bouddhisme) và Lão giáo (H: 老敎, A: Taoism, P: Taoisme). Nho giáo chủ trương trọng người chết như người sống[1]; Phật  giáo  coi  trọng Tứ ân (H: 四恩, A: The four favours, P: Les quatre faveurs), trong đó có “Phụ mẫu ân” 父母恩 nhằm trợ duyên cho ông bà, cha mẹ tu tập theo Phật cho vong linh được siêu thoát, tái sinh còn Lão giáo lại mong người chết mau về với cõi Tiên, cõi Trời. Vì vậy trong các vùng đất Việt, nhất là ở miền Bắc, thường có nhiều nơi thờ tự tín ngưỡng với những tên gọi khác nhau. Đó là : Đình là nơi sinh hoạt công cộng của làng xã thời xưa, là nơi làm việc của chức dịch địa phương, và cũng là nơi thờ Thành hoàng của mỗi làng; Chùa là nơi thờ Phật, nơi trụ trì của các tín đồ Phật giáo tín ngưỡng; Đạo quán là nơi các tín đồ Đạo giáo thờ các vị thần tiên; Đền miếu là nơi thờ phụng những vị thần trong huyền thoại các nhân vật lịch sử được thần thánh hoá và cả những ân nhân được tôn sùng; Hội quán của người Hoa  là nơi tụ hội đồng hương, thớ cúng tiên hiền.
Những yếu tố tôn giáo trên kết hợp với tín ngưỡng dân gian và tin vào sự trường tồn của tổ tiên, thờ cúng tổ tiên trở thành mĩ tục, một tín ngưỡng đặc trưng, thành tôn giáo gọi là “Đạo Hiếu[2] có từ khi Quốc Tổ Hùng Vương 雄王肇祖 lập điện Kính Thiên 敬天殿 trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh tế lễ Thần Trời và được củng cố khi Thục Phán dựng “Cột Đá Thề” trên núi ấy hứa cúng giỗ các vua Hùng, thờ cúng Tổ Tiên và nó là đạo lý không thể xóa bỏ của người Việt[3]. Ngay từ thời Lê Trung hưng (中興後黎朝, 1533–1789), trong Bộ luật Hồng Đức[4] tại điều 339 quy định “con cháu phải thờ cúng tổ tiên ông bà”.
Cụ Tổ khai sáng ra một dòng họ và các bậc tổ tiên (H: 祖宗, A: The ancestors, P: Les ancêtres) trên 5 đời của mỗi chi phái, gia đình[5] được thờ trong Từ đường (H: 祠堂,A: The ancestral temple, P: Le temple des ancêtres) gọi là nhà thờ Đại tôn, còn nơi thờ cúng các ông tổ chi gọi là nhà thờ chi họ hay Tiểu tôn. Đó còn là nơi quy tụ con cháu dòng họ, nhất là các ngày giỗ trọng nhằm “khuếch đại” hay “nối lại” mối quan hệ họ hàng. Theo đúng phép cổ truyền thì Từ đường phải có đủ ba gian và gian giữa là trọng nhất.
Gian giữ thường mở rộng ra phía sau (chuôi vồ) để xây bệ thờ thờ Thủy tổ khai sáng ra dòng họ, có riêng một thần chủ (H: 神主, A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort) để thờ vĩnh viễn 永世辰主 Thuỷ tổ dòng họ 肇祖, tức Bài vị (H :簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt) không chuyển giao cho ai 百世不祧支主; Hộp thần chủ được đặt trong Long khám (龍位, có chạm hình rồng quấn xung quanh, được sơn son thếp vàng), chỉ khi nào cúng tế mới mở ra.
Còn Gian bên Trái (phía Đông , Tả )[6] thờ các thế hệ ông bà Cao tổ có con cháu nối đời  (gọi là hữu tự) cho đến hiện tại;  Gian bên Phải (Tây 西, Hữu ) thờ các thế hệ ông bà Cao tổ không con cháu nối đời (gọi là vô tự) hay các bà cô ông mãnh[7].
Tùy sự giầu nghèo của gia tộc mà Tự khí (祀器,đồ thờ) trong Từ đường có Tam sự, Ngũ sự, Hoàng phi, Câu đối có khi có cả Bát bửu.
Bộ Tam sự: Gồm 3 vật dụng: Bát hương hay lư hương (tượng trưng cho bầu Thái cực, hương thắp lên là tượng trưng cho các vì tinh tú, khói hương là vạch nối âm dương); Hai con hạc đội đèn (hoặc sáp), hoặc hai cây đèn (hoặc sáp) khi thắp lên là “nhật nguyệt quang minh” (mặt trời, mặt trăng đều sáng); Cái tam sơn đặt rượu và trầu cau, là biểu thị của “tam đài”: Thiên - Địa - Nhân.
Bộ Ngũ sự:  Bát hương; Hai cây đèn (hoặc con hạc), hoặc hai cây sáp; Lọ lộc bình cắm hoa; Mâm bồng đặt ngũ quả; Cái kỷ hay còn gọi là cái tam sơn (Ở giữa nhô cao lên đủ để đặt bộ đài con ba chiếc đựng 3 chén rượu cúng, Hai bên thấp hơn đựng hai đài lớn, một bên đặt đĩa trầu cau, một bên đặt bát nước cúng).
Bát bửu: Trong ban thờ nội điện nối với tiền tế còn có một nhang án thứ hai có ở đền và đình làng, hai bên đặt bát bửu (bảo) gồm có 8 thứ quý là: Quả bầu eo, Giỏ quả, Cái bút, Thanh kiếm, Cái quạt hình quả vả, Cái khánh hoặc phất trần, Ống sáo (tiêu), Bàn cờ. Mỗi thứ được tạo thành mảng chạm lộng, đặt trên đầu một cán dài sơn son thếp vàng, cắm vào hai cái giá đặt hai bên trong gian giữa tiền tế. Phía đầu hàng có hai biển 靜宿  “Tĩnh túc” (yên lặng, trang nghiêm) và “Hồi tị” (tránh ra xa), dùng đi đầu trong lễ rước.
Hoành phi (H:橫扉, A: The horizontal lacquered board, P: Le panneau laqué horizontal) còn gọi là biển ngạch 橫扉, nguyên nghĩa là bảng nằm ngang vốn là bức thư họa 書畫 (tranh chữ), được dùng rộng rãi trong dân gian (đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở...). Hoành phi có nhiều loại, có bức hoành phi sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ. Hoành phi được làm bằng gỗ không mọt (như gỗ mít), được chạm lộng, chạm đắp, gắn kết với nhau thông qua ngàm mộng chứ không dùng đinh. Trên đó thông thường có từ 3-4 chữ Hán (không dùng chữ Nôm) với 3 kiểu cơ bản là chữ chân , chữ thảo, chữ triện bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và những người có công với đất nước. Những chữ Lạc khoản 落款 nhỏ hơn được ghi ở một 單款 hoặc hai 雙款 bên bức hoành phi sẽ cho chúng ta biết thông tin về chủ nhân của hoành phi, người viết, người tặng, sự kiện tạo ra bức hoành phi đó, về thời gian xây dựng nhà thờ họ...
Câu đối còn gọi là Doanh thiếp 楹帖, Doanh liên 楹聯 (một cặp câu dán cột nhà), Đối liên 對聯 (một cặp câu đối xứng) được viết bằng thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế ngang và đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm trước một hiện tượng, một sự việc có ý nghĩa với dòng họ và việc họ. Câu đối thường được chạm khắc trên gỗ, sơn son thiếp vàng treo trên 2 cột ở 2 bên trong gian thờ và trên đó ngoài câu đối còn có dòng Lạc khoản.
Thủa xưa đã quy định về nhà thờ tổ to nhỏ tùy theo giai cấp và chức tước (Thiên tử, Chư hầu, Đại phu, Quan sĩ, Thứ dân) của người được thờ. Ngày nay, chẳng có văn bản nào quy định, trừ những quy phạm pháp luật về đất đai, xây dựng. Nếu chưa có hoặc Từ đường đã xuống cấp thì con cháu toàn họ tham gia bàn và cùng nhau xây mới,  trùng tu, tôn tạo, sửa chữa.
Theo cá nhân tôi trong thời hiện đại, khi kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì Từ đường, việc họ, giỗ họ, góp họ, công đức họ, khuyến học của Họ cũng đã khác ngày xưa và cần phải đổi mới rất nhiều. Do vậy Từ đường cần bổ sung chức năng và có thể gồm các chức năng như sau :
- Gốc nhà thờ họ là để thờ Thuỷ tổ hoặc thờ vọng về Thuỷ tổ họ mình.
- Nơi tiếp nhận công đức của con cháu (nội, ngoại) xa quê mà ở quê gốc không con ruột thịt. Ví dụ từ ngày có Từ đường Phạm tộc, Lương tộc ở quê mỗi dịp đi công tác qua anh em tôi đều vào dâng hương và hỏi thăm bà con đồng tộc.
- Bảo tàng dòng họ, trong đó nên ghi Danh các Liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công với nước, với dân hoặc lưu giữ Chứng chỉ của Đảng và Nhà nước những người làm to hoặc thành Danh của dòng họ mình.
- Nhà văn hoá, lưu giữ hình ảnh, hiện vật, tổ chức nói chuyện về truyền thống dòng Họ mình, những gương sáng, những nết tốt cần nêu gương cho toàn họ học tập, Nơi nêu gương học tập tốt và thành tích xuất sắc cần khuyến học, cần ghi Danh những người đỗ đạt, vượt khó học giỏi.. .
- Hội trường: Nơi gặp gỡ để bàn việc Họ. Nếu tụ tập ở một nhà nào cũng rất chật chội. Có việc gì cần bàn kéo ra nhà thờ họ bàn việc riêng của họ là hợp lý. Có thể họp trưởng chi, hoặc chỉ họp hội đồng gia tộc hoặc họp toàn Họ.
- Lương Đức Mến, Cuối năm 2013-



[1] Nguyên văn “kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã  敬其所尊, 愛其所親, 事死如事生, 事亡如事存, 孝之至也”. Tức là “Kính người trên, thương người thân, thờ người chết như người còn sống, trọng người đã khuất như người hãy còn. Đó là trọn hiếu vậy!”
[2] “Tôn giáo” này không có giáo lý và giáo hội chặt chẽ ngoài gia đình và gia tộc . Nhưng đó là niềm tin sâu sắc vào sự thiêng liêng; sự hướng thượng của đời sống tâm linh con người và giáo lý “uống nước nhớ nguồn”.
[3] Ngay cả những tôn giáo bài xích thờ cúng tổ tiên, nhưng để có chân đứng trên mảnh đất Việt Nam, cũng phải thừa nhận và cho phép sự thờ cúng vô cùng thiêng liêng này.
[4] Chính xác và đầy đủ thì đó là bộ Quốc triều hình luật gồm 13 Chương với 722 điều. Bộ luật bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính v.v.được ban bố lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497).
[5] Gia từ của mỗi gia đình thờ cúng trong quan hệ 4 đời, kể từ gia chủ theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” 五代埋神主, nghĩa là chôn cất bài vị đời thứ 5 (tức ông bà Cao Tổ), và được hợp tự cố định vĩnh viễn tại nhà Tổ.
[6] “Trái/Phải” là theo hướng mặt  tiền của Từ đường.
[7] Đây là những người chưa có tên, yểu tử, tảo vong do chết khi mẹ còn mang thai, chết lúc nhỏ tuổi chưa có vợ con…nhưng các vong hồn này qua rất nhiều đời đều quy tụ theo Tổ tiên tại từ đường mà dân gian thường cho rằng vong linh họ thường xuất hiện răn dạy và độ trì con cháu trong dòng tộc., đặc biệt là Tổ Cô (ảnh hưởng tục thờ Mẫu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!