“Trường sinh bất tử” (H: 長生不死, A: The immortality, P: L'immortalité) hay chí ít cũng đạt “Tuổi hạc” (H: 鶴岁, A: The age of crane, P: L'âge de la grue) là ước mơ của đa số mọi người, trong mọi thời đại. Nhưng điều đó là không tưởng, như người xưa đã biết: “Bách tuế vi kỳ” (H: 百歲為期, A: Hundred years are the limit of life, P: Cent ans sont la limite de la vie), nghĩa là con người sống một trăm năm là kỳ hạn. Song tuổi thọ càng được kéo dài bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đó là mong muốn của con cháu, của xã hội nên nẩy sinh việc “Chúc Thọ”.
Ngày sinh của mỗi người thường được quan tâm nhiều. Trẻ sinh ra thì có “Lễ ba ngày” làm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày, tức tẩy tam 洗三, ngày đầy cữ; “Lễ đầy tháng” khi bé tròn 1 tháng; “Lễ trăm ngày” lúc bé đước 100 ngày, chữ là “bách nhật” 百日, ngày đầy tuổi tôi; và “Lễ thôi nôi” khi bé tròn 1 tuổi sau đó còn “Cúng đổi đốt” v.v...Đến tuổi trung niên, những năm 36 tuổi, 49 tuổi thì có lễ sinh nhật gọi là “Môn hạm tử” 門槛死, cầu chúc cho tai qua nạn khỏi.
Người Việt sẵn vốn nặng lòng với đạo hiếu 孝道 nên rất tôn trọng người cao tuổi và thường nhắc: “Kính lão đắc thọ” 敬老得壽, “kính già già để tuổi cho”. Bởi vậy, với mỗi người thêm một tuổi là thêm sự tôn vinh, kính trọng của gia đình, họ hàng, làng xóm. Việc chúc thọ là tấm lòng hiếu thảo của con cháu trong gia đình, dòng họ đối với Ông Bà Cha Mẹ.
Ngoài ra, trong phạm vi quốc gia hay từng ngành nghề, hiệp hội, cơ quan cũng tổ chức chúc thọ các vị lãnh đạo, những người có công đào tạo, dìu dắt học trò…thể hiện “Tâm Trung, Nghĩa Đạo”.
Khởi từ việc người già trên 60 được gọi là Kỳ lão (H: 耆老, A: The old people, P: Les vieillards) và Sách Ấu học Quỳnh lâm 幼學瓊林[1] lại chép: 百岁曰上壽,八十曰中壽,六曰下壽.八十曰耊,九十曰耄,百岁曰期頤 (Bá tuế viết Thượng thọ, Bát thập viết Trung thọ, Lục thập viết Hạ thọ. Bát thập viết Điệt, Cửu thập viết Mạo, Bá tuế viết Kỳ hy) nghĩa là “100 tuổi là Thượng thọ, 80 tuổi gọi là Trụng thọ, 60 tuổi gọi là Hạ thọ; 80 tuổi gọi là Điệt, 90 tuổi gọi là Mạo, 100 tuổi gọi là Kỳ hy (Kỳ di).
Chữ “THỌ” phân ra nhiều bậc, để biết mức độ thọ nhiều, ít tuổi và mỗi mức độ thọ được dùng những chữ khác nhau nhưng nhiều người chưa rõ nên dễ dùng lầm[2]. Do vậy cần hiểu để sử dụng cho đúng ngữ cảnh. Ngày nay hay dùng các thuật ngữ có khác với sách Ấu học một chút, đó là:
- “Khao lão” 犒老 là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão, thường là vào dịp 50 tuổi, gọi là “Noãn thọ” (暖壽, thọ ấm áp) hay “Bán bách thiêm thọ” (半百添壽, thọ nửa trăm).
- “Chúc Thọ” 祝壽 là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên.
- “Trung Thọ” 中壽 là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên.
- “Thượng Thọ” 上壽 là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên.
- “Thượng thượng Thọ” 上上壽 là lễ mừng người thọ từ 85 tuổi trở lên.
- “Đại Thọ” 大壽 là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên, gọi là “Ráng” 絳 hay “Lão thiêm thọ” (thọ đỏ) 絳老添壽, gọi tắt là “Lão thọ”.
- “Kỳ Di” hay “Kỳ Hi” (H: 期頤, A: Hundred years, P: Cent ans) là thuật ngữ riêng chỉ cho người thọ một trăm tuổi trở lên.
Chú ý: khi dâng trướng mừng không viết “thọ 70 (75, 80…) tuổi” như viếng đám hiếu mà ghi là “Thọ tuổi 70 (75, 80….)”.
Ngoài ra:
- “Song Thọ” 双壽, “Bách niên giai lão” 百年偕老: dùng trong trường hợp hai ông bà cùng thọ.
- “Vạn Thọ” 万壽, “Trường Thọ” 長壽: những bậc đã sống từ trăm tuổi trở lên.
- “Phúc Thọ” 福壽 là chỉ cho những bậc có phúc nhiều, làm phúc nhiều trong cuộc sống, 考終命: Lão chung mệnh (Vui hết tuổi trời).
- “Khánh Tuế” 庆岁 hoặc “Khánh Thọ” 庆壽 để mừng cho các bậc đã thượng thọ hay đại thọ được tổ chức long trọng, tôn kính.
- “Đạo Thọ” 導壽 là chỉ những bậc tu hành nhiều năm, người có nhiều công đức hoằng dương Chính Pháp, phụng sự chúng sinh v.v…
Người sống già, giàu kinh nghiệm, các cụ là trung tâm đoàn kết của gia tộc và như gừng, như quế càng già càng cay. Các cụ sống vui sống khoẻ, sống có ích, là gương sáng, là chỗ dựa cho cháu con học tập; là điểm hội tụ của anh em, con cháu mỗi dịp Giỗ Tết trong điều kiện mọi người đều công tác, làm ăn xa quê. Vì thế, bất luận ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải kính trọng người già.
Chúc thọ (H: 祝壽, A: To wish a longevity, P: Souhaiter une longivité) là việc cầu chúc cho được sống lâu, là việc vui nên chữ là “xưng khánh” 稱慶, trước kia được coi là nghi lễ truyền thống trong dân gian thể hiện sự kính trọng và lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc cao niên. Ngày xưa, vốn dân ta hay chết yểu nên người bốn mươi tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông.
Người xưa tuổi thọ kém, ngay tới vua chúa cũng chỉ sống tới khỏang 50 tuổi. Theo tập tục truyền thống, trước năm mươi tuổi thì tổ chức “Mừng sinh nhật”, gọi là “Nội chúc” 內祝, ý nói là chỉ tổ chức mừng trong nhà mà thôi. Từ năm mươi tuổi, đến ngày sinh thì không làm sinh nhật nữa, mà gọi là “Mừng Thọ” 可稱 (Tố Thọ 做壽). Ngày ấy, có mời thân bằng quyến thuộc đến dự (tức có người ngoài). Tới 60 tuổi đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ” 六旬上壽. Còn tới 70 tuổi, thì thực là hiếm hoi. Bởi vậy Đỗ Phủ (杜甫, 712-770), nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường (唐朝, 618-907) trong bài 曲江其二 (Khúc giang kỳ 2) có câu: 人生七十古來稀 (Nhân sinh thất thập cổ lai hy) được Tản Đà (傘沱, 1889-1939) dịch là “Sống bảy mươi năm đã mấy người”. Lịch sử Việt Nam, nhiều ông vua chết yểu (các đấng quân vương mất, chữ gọi là băng 崩) nên mới 40 triều đình đã tổ chức “Tứ tuần Đại khánh” 四旬大慶, đặc biệt đời nhà Trần thế kỷ 12 và 13, vua Trần 40 tuổi nhường ngôi cho con lên trông coi việc nước, còn nhà vua thì nghỉ ngơi và đi tu.
Lệ cũ, cứ mười năm[3] tổ chức mừng thọ một lần, gọi là “Đại sinh nhật” 大生日. Đa số các địa phương, gia đình lấy số tuổi tròn chục như 50, 60, 70 tuổi để mừng thọ. Nhưng lại có nơi chọn những năm 49, 59, 69 tuổi để mừng thọ, vì họ cho rằng, số chín là số “lớn nhất” trong dãy số, mang đến nhiều điều tốt lành hơn. Tập quán ấy gọi là “cửu bất khánh thập” (九不慶十, mừng chín không mừng mười). Danh xưng mừng thọ là theo các tuổi tròn chục ở tuổi 70, 80, 90…mới tiến hành. Nhưng các cụ tuổi cao “như lá vàng trên cành” nên thường tổ chức cả năm chẵn 75, 85, 95 tuổi.
Dẫu không phải chức sắc trong làng, nhưng khi đã lên lão thì không phải đóng góp việc làng, được miễn sưu dịch và những dịp hội hè đình đám, các cụ lão mặc quần áo đẹp ứng với bậc thọ, ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều (cụ bà ngồi gian bên phải, các cụ ông ngồi gian bên trái), tuổi càng cao càng được ngồi chiếu trên, đôi khi có chiếu chỉ có 1 cụ bởi không còn người đồng niên. Con cháu dù làm ăn xa quê vẫn tụ họp quây quần tươi tắn; dân làng nườm nượp đến thăm, mừng tuổi. Phong tục ấy đến bây giờ vẫn được giữ gìn, nơi không còn Đình thì tổ chức tại Nhà Văn hóa thôn và còn sâu xa ý nghĩa hơn.
Nhiều nơi, nhà Chùa đứng ra tổ chức Lễ Chúc Thọ cho các Phật tử của chùa có tuổi thọ chẵn. Khi đó, sau nghi lễ truyền thống của đạo Phật, đại diện con cháu của các cụ đã cung đối trước chư Tăng, đấng sinh thành dâng lời cảm niệm, dâng trà, quà lên cúng dường chư Tăng và cha mẹ. Đồng thời toàn thể đạo tràng có mặt cùng nhất tâm niệm chú Dược Sư và danh hiệu đức Phật Dược Sư để cầu nguyện cho các cụ.
Tại gia đình, việc mừng thọ cho cha mẹ tuỳ điều kiện và mục đích mà mỗi nơi, mỗi người một khác. Nhưng thường là con cháu làm lễ cáo gia tiên sau đó thực hiện việc chúc thọ. Ngày xưa có lệ dâng rượu, dâng đào rồi mỗi người lạy 2 lạy rưỡi, có nhà còn tổ chức tế sống. Khách hoặc họ hàng có lời chúc và quà mừng có nhà mời cả phường hát đến góp vui. Đặc biệt con cháu tụ họp đông đủ nên có câu:
Nhà nào cũng có tổ tông,
Có cụ, có kỵ, có ông, có bà.
Ở gần cho chí đi xa,
Mừng thọ là phải về nhà, về quê!.
3.2. Tổ chức của Người Cao tuổi:
Tập hợp đoàn kết người cao tuổi thành một khối thống nhất để phát huy vai trò, tiềm năng của họ cũng như bảo vệ quyền lợi, chăm sóc người cao tuổi Việt Nam cần có một tổ chức chuyên trách. Trong lịch sử hiện đại Việt Nam từng có Hội phụ lão cứu quốc dần chuyển thành các hình thức tổ chức hoạt động cụ thể như Hội bảo thọ là tổ chức quần chúng hoạt động có tính chất tương tế, phúc lợi ở xã, phường, thôn, ấp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường cho phép.
Sau này, ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 523/TTg cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đại hội lần thứ I thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam đã họp trong hai ngày 9 và 10 năm 1995 tại Hà Nội quyết định chương trình hành động của Hội, Điều lệ Hội và quyết định lấy ngày 10/5/1995 là ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Qua quá trình tiến hành tổng kết Chỉ thị 59-CT/TW ngày 27/9/1995 “Về chăm sóc người cao tuổi” của Ban Bí thư, và Chỉ thị số 117/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ “Về chăm sóc Người Cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam”, nhiều cấp ủy, đảng bộ cơ sở đánh giá Hội Người cao tuổi cơ sở, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… là những đoàn thể hoạt động hiệu quả nhất.
Việc thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam đáp ứng nguyện vọng của người cao tuổi trong cả nước và yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò, tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nên Hội đã phát triển lớn mạnh. Đến năm 2013 đã qua 5 kỳ Đại hội, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của gần 9 triệu người cao tuổi, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.
3.3. “Luật hóa” việc “tổ chức Mừng Thọ”
Từ ngày có Hội, việc Chúc Thọ, Mừng Thọ đều do Hội Người cao tuổi thôn, xã (phường) đảm nhận và các tô chức đoàn thể tham gia. Ngoài việc chuẩn bị quà tặng, Hội Người cao tuổi (xã, thôn) cần có kế hoạch, kịch bản để cùng gia đình, tổ chức Đoàn tổ chức lễ mừng thọ một cách trang trọng. Các tiết mục văn nghệ của khu dân cư được dịp phát huy “cây nhà lá vườn”; con cháu tặng cụ quà, hoa, trướng, những lời chúc mừng trường thọ. Tất cả mang lại những tình cảm ấm áp, động viên cụ sống “vui, khỏe, có ích”.
Luật Người cao tuổi được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 (thay thế Pháp lệnh Người cao tuổi số 23/2000/PL-UBTVQH10) quy định: việc Chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi tại Điều 21 như sau:
1. Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.
2. Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà.
3. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây:
a) Ngày người cao tuổi Việt Nam[4];
b) Ngày Quốc tế người cao tuổi[5];
c) Tết Nguyên đán;
d) Sinh nhật của người cao tuổi.
4. Kinh phí thực hiện quy định tại Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn đóng góp của xã hội.
Do vậy, khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được nghe thư chúc thọ của lãnh đạo địa phương, được nhận giấy mừng thọ của Hội Người Cao tuổi Việt Nam và chi hội tổ chức trao giấy chứng nhận “Tuổi cao gương sáng” cho các cụ mẫu mực; chụp ảnh lưu niệm. Giấy Mừng thọ được treo trang trọng bên cạnh các Giấy khen, Bằng khen, Huân Huy chương của gia đình và coi đó như là một cách để giáo dục lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, là niềm tự hào của mỗi gia đình.
Các cụ trên 90 tuổi được nhận quà của Chủ tịch UBND tỉnh, trên 100 tuổi được nhận quà của Chủ tịch nước. Dịp này, có Chi hội NCT phát động con cháu đóng góp vào quỹ “Phụng dưỡng ông bà, cha mẹ” để phục vụ các hoạt động như: thăm hỏi các cụ lúc ốm đau; giúp đỡ các cụ hoàn cảnh khó khăn và tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ vào dịp đầu Xuân. Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của con cháu, phố phường, làng xã không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời. Đồng thời con cháu hãnh diện với chòm xóm bởi cho rằng nhà có “Phúc” mới có cha mẹ thọ cao.
Tại gia đình, có lễ cáo gia tiên rồi con cháu tặng hoa; bà con biếu quà thường là “phong bì”, bức Trướng, quần áo; hát, đọc thơ; có chụp ảnh, ghi hình làm lưu niệm. Sau đó gia chủ mời khách khứa liên hoan tùy tâm, tùy gia cảnh.
Khi đời sống của chúng ta ngày càng được cải thiện nên tuổi thọ của con người ngày một được nâng cao và do giao thông liên lạc thuận tiện, do tính “cởi mở xã hội ngày mỗi tăng nên việc tổ chức chúc thọ cho cha mẹ được tổ chức đều khắp hơn, lớn hơn, đông bạn bè của con cháu đến chúc mừng hơn.
3.4. Sự biến tướng cần tránh:
Cũng có nhiều cụ không cho tổ chức Chúc Thọ bởi nhiều lẽ, trong đó có việc thấy mấy ông bà trong xóm cứ hễ mừng thọ xong là quy tiên!
Lại có người (thường là có chức trọng, quyền cao) muốn phô trương, cầu lợi nên làm lễ mừng thọ sớm và linh đình cho cha mẹ, trở thành cái cớ để cấp dưới cung phụng, đàn em trả ơn hay hối lộ và người đến dự chỉ nhăm nhăm “ra mắt” xếp của họ mà quên bẵng người được chúc. Việc mừng thọ khi đó chỉ còn là cái cớ, các cụ bị “tận dụng”!. Khi đó, sau khi tan tiệc, phần lớn “phong bì” vợ “xếp” vơ mang ra tỉnh hết, báo hại chú, cô em ở nhà đầu tắt mặt tối lo chăm sóc mẹ cha, lo nấu cỗ nhưng đâu có “khách” lắm mà được “chia” phong bao! Ngược lại, lắm gia đình phải bổ bán kinh phí lo các cỗ mặn sau tiền mừng không đủ hoặc đem ra chia chác sinh ra cãi nhau khi “quyết toán”...Những cái đó làm mất dần ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của việc mừng thọ.
Do vậy người chủ gia đình cần tỉnh táo, có đủ “Tâm 心, Trí 智, Tài 財, Thể 体” để tổ chức việc Chúc Thọ cha mẹ sao cho các cụ vui, giữ được tình anh em, lân xóm. Nhưng nhiều khi người chủ trì tính toán mọi nhẽ nhưng do những nguyên nhân ngoài dự liệu mà công việc không suôn sẻ hay sau đó có lời ra tiếng vào khó tránh khỏi. Đúng đây là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (H: 謀事在人成事在天, A: Man proposes but God disposes, P: Homme propose mais Dieu dispose).
Cũng như đám cưới, đám tang, việc tổ chức lễ mừng Thọ cũng cần thực hiện theo nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui vẻ, không phô trương, hình thức. Đó mới là Hiếu vậy!
-Lương Đức Mến, Xuân Quý Tị, 2013-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!