[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


10 tháng 1 2013

Tìm hiểu về: Người được cho là đưa thành tố "Họ" vào đất Việt

Giao Châu thời Đông Hán (LĐM phiên âm)
Theo các tài liệu tôi đọc được thì cho đến thế kỷ đầu của Thiên niên kỷ thứ Nhất người Việt sống ở vùng núi trung du Bắc bộ, cũng như nhiều dân tộc khác không có họ. Họ của người Việt có thể khởi nguồn trong thời Bắc thuộc lần thứ hai (北屬時代, 43-541) do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Cụ thể là khi Sĩ Nhiếp (士攝, 187-226) do nhà Đông Hán (東漢, 25-220) phái sang làm Thái thú 太狩 cai trị nước ta khi đó gọi là Giao Chỉ bộ 交趾步. Ông này đem tư tưởng Khổng giáo (Khổng Tử Khâu 孔子邱 sáng lập 551 tCn), đưa chữ, khuôn phép Bắc quốc vào thực hiện ở Nam, cải Giao Chỉ 交趾 thành Giao Châu (交州, 203).
 Thời kỳ Bắc thuộc 屬時代 là giai đoạn hơn một nghìn năm từ khi Triệu Đà (趙佗, 257/239-137 tCn)[1] thôn tính Âu Lạc của An Dương Vương (安陽王, 207 tCn) lập ra Nam Việt 南越 đến khi Ngô Quyền 吳權 giành lại độc lập từ nhà Nam Hán (, 938)[2]. Nhưng sử cũ coi nhà Triệu là một triều đình của Việt Nam nên chỉ tính thời kỳ Bắc thuộc từ khi Hai Bà Trưng thất thủ (43) nên mới có câu:
Nước ta từ thủa thuộc người,
Khởi từ Đông Hán đến thời Ngô vương.
 đại diện cho Thiên tử ở thuộc quốc, các triều đại phương Bắc cử Thái thú[3], Thứ sử[4] sang coi sóc. Quan Thứ sử trước tiên là Thạch Đái , làm Thái Thú 9 quận[5] thời Tây Hán 西 , trị sở đặt tại Long Uyên , tức là Long Biên 龍編[6]. Tiếp là Chu Chương , Đặng Nhượng ... Đến năm Kỷ Hợi 39 Thái thú Giao Chỉ 交趾太守 là Tô Định 蘇定 chính sự tham lam tàn bạo, Trưng Nữ Vương 徵女王 dấy binh khởi nghĩa giành độc lập 3 năm. Khi tái thuộc Bắc triều là các Thái thú: Chu Xưởng 周僘, Trương Kiều 張喬,Chu Ngung (khởi nghĩa của Lương Long 梁龍, 178-181) , Giả Tông 賈琮 ….
 Đa phần các Thứ sử người Bắc tham tàn, lợi dụng xa Kinh kỳ đã bóc lột làm khổ dân Nam. Trong số các Thái thú 太狩 Bắc triều, cũng có một số quan cai trị nghiêm minh, đứng đắn, được đời sau đánh giá cao. Nền văn minh Trung Quốc cũng du nhập vào Việt Nam thời kỳ này. Đáng kể là 3 Thái thú: Tích Quang 錫光 ở Giao Chỉ , là Nhâm Diên ở Cửu Chân 九眞 và đặc biệt là Sĩ Nhiếp.
 1. Thân thế Sĩ Nhiếp:
 Sĩ Nhiếp (士燮[7], 137-226) tự là Ngạn Uy 彦威, tổ tiên là người Vấn Dương 汶陽 nước Lỗ (魯國,1043 – 256 tCn). Khi Vương Mãng (王莽,45 tCn - 23) cướp ngôi nhà Hán (漢朝, 203 tCn–220), tổ tiên Sĩ Nhiếp mới tránh loạn sang ở đất Quảng Tín 廣信, thuộc Giao Châu 交州 (nay là huyện Thương Ngô 蒼梧, tỉnh Quảng Tây 廣西). Đến đời ông thân sinh ra Sĩ Nhiếp là Sĩ Tứ 士賜 thuộc đời thứ 6, được bổ làm thái thú 太守 quận Nhật Nam (日南,vùng Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định nay )thời Hán Hoàn Đế (漢桓帝, 132 – 167) nhà Đông Hán (東漢, 23-220).
 Sĩ Nhiếp được cha cho du học ở kinh sư, theo học Lưu Tử Kỳ 劉子奇 người Dĩnh Xuyên 潁川. Khi đỗ Hiếu liêm 孝廉 Sĩ Nhiếp được bổ Thượng thư lang 尚書郎, vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ Mậu tài 茂才, được bổ làm Huyện lệnh 縣令 Vu Dương 巫杨.
 Ông có 3 người em (Sĩ Nhất 士壹,Sĩ Vĩ 䵋, Sĩ Vũ 士武) và sinh 5 người con (là: Sĩ Hân 士廞,  Sĩ Chi 士祗, Huy 士徽, Sĩ Cán 士幹 và Sĩ Tụng 士幹).
 Hồi đó, tại Giao Châu[8] cướp loạn nhiều, nhà Hán suy yếu buộc phải tạm dùng người Việt cầm đầu chính quyền ở Giao Chỉ.
 2. Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu:
 Hán Linh Đế (靈帝, 168-189) cử Lý Tiến 李進, người quận Giao Chỉ làm Thứ sử và sai Sĩ Nhiếp, người quận Thương Ngô làm Thái thú, đóng đô ở Liên Lâu    (tức là Long Biên 龍編), có những độc lập nhất định.
 Sau vào năm Đinh Mão 187, Chu Phù 朱符 làm Thứ sử  交州刺史 thi hành nhiều chính sách tàn bạo nên bị quân dân địa phương nổi lên giết chết, châu quận rối loạn. Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho ba em trai giữ ba nơi: Nhất 士壹 làm Thái thú Hợp Phố 合浦, Vĩ Thái thú Cửu Chân 九真  và Vũ 士武 làm Thái thú Nam Hải 南海. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao Châu khỏi loạn.
 Năm Kiến An thứ 6 (建安六年,201), Hán Hiến Đế (漢獻帝,189 - 220) sai Trương Tân 張津 làm Thứ sử Giao Châu. Tân thích việc quỷ thần, thường đội khăn đỏ, gảy đàn, đốt hương, đọc sách Đạo giáo , nói rằng có thể giúp việc giáo hóa, sau bị tướng là Khu Cảnh 區景 giết, châu mục Kinh Châu 荊州牧 là Lưu Biểu 劉錶[9] sai Huyện lệnh 县令 Linh Lăng 零陵 là Lại Cung 賴恭 thay Tân. Lại Cung tuy nhận lệnh của Lưu Biểu nhưng chưa sang được Giao Châu mà ở quận Thương Ngô 蒼梧. Năm 210 Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự 吳巨 bất hòa với Cung, đem binh đánh đuổi, Cung lại chạy về Linh Lăng.
 Vua Hán nghe tin đó, gửi Sĩ Nhiếp bức thư nói rằng: “Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất nam, nay cho khanh làm Tuy Nam trung lang tướng 綏南中郎將 trông coi bảy quận, lĩnh Thái thú Giao Châu như cũ”.
 Sĩ Nhiếp bèn sai thuộc lại là Trương Mân 張旻 mang đồ cống sang kinh đô nhà Hán. Bấy giờ chiến tranh loạn lạc, đường sá đứt nghẽn, nhưng Sĩ Nhiếp vẫn không bỏ việc nộp cống. Vua Hán lại xuống chiếu cho Nhiếp làm An Viễn tướng quân 安遠將軍, phong tước Long Độ Đình hầu 龍度亭侯. Thời kỳ này Hán triều bận đối phó với các cuộc nổi loạn, trong đó có cuộc “Khởi nghĩa Khăn vàng” (黃巾之亂,184 – 205) do Trương Giác (張角, 140?-184) làm thủ lĩnh…nên không có điều kiện với tới kiểm soát đất Giao Châu. Dựa vào tình hình đó và chức trách được giao trên thực tế Sĩ Nhiếp đã cát cứ vùng Lĩnh Nam 嶺南.
 Cuối thời nhà Hán, năm 208 Tôn Quyền (孫權, 182 – 252) đại phá Tào Ngụy (曹魏,220-265) trong trận Xích Bích 赤壁之戰, hùng cứ Đông Nam trung Nguyên, làm tiền đề lập ra nhà Đông Ngô (東吳, 229-280) thay nhà Hán cai trị Giao Châu. Năm Canh Dần 210, Tôn Quyền sai Bộ Chất 步騭 làm Thứ sử Giao Châu. Khi Chất đến, Ngô Cự chống lại bị Bộ Chất chém chết còn Sĩ Nhiếp không chống cự mà đem anh em đến quy theo. Tôn Quyền cho Nhiếp làm Tả tướng quân 左將軍. Sau Nhiếp còn sai con là Ngẩm 士廞 làm con tin ở nước Ngô, Ngô Vương cho làm Thái thú Vũ Xương 武昌. Các con còn lại của Sĩ Nhiếp đều cho làm Trung lang tướng 中郎將. Sĩ Nhiếp lại chiêu dụ thổ hào ở Ích Châu 益州 là bọn Ung Khải 雍闓 đem dân chúng trong quận phụ thuộc xa với nước Ngô (東吳,229-280)ở miền đông. Tôn Quyền càng khen, thăng làm Vệ tướng quân 衛將軍, tước Long Biên hầu 龍編侯.
 Nhiếp thường sai sứ sang nước Ngô dâng các thứ hương liệu, vải mịn; các thứ quý lạ như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi cùng các thứ quả lạ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không tiến, lại cống ngựa hàng mấy trăm con. Tôn Quyền viết thư ban cho rất hậu để yên ủi và đáp lại.
Năm Bính Ngọ 226, Sĩ Nhiếp lúc bấy giờ đã 90 tuổi bị ốm, đã chết đi ba ngày, nhưng được Đổng Phụng 董奉 cho một viên thuốc hòa vào nước ngậm, rồi đỡ lấy đầu mà lay động, lại mở mắt động tay, sắc mặt bình phục dần dần, ngày hôm sau ngồi dậy được, bốn ngày lại nói được, rồi trở lại bình thường sau mới mất.
 3. Giao Châu sau khi Sĩ Nhiếp mất:
 Sau khi Sĩ Nhiếp mất, người con thứ ba của ông là Sĩ Huy (士徽,165-227) tự xưng làm Thái thú Giao Chỉ 交趾.
 Năm Đinh Mùi (丁未, 227) vua Đông Ngô là Tôn Quyền (孫權, 182 – 252) nghe tin Sĩ Nhiếp mất, thấy Giao Châu ở xa cách, mới chia từ quận Hợp Phố 合浦 trở về bắc thuộc vào Quảng Châu 廣州, cho Lữ Đại 呂岱 làm Thứ sử 刺史; từ quận Hợp Phố trở về nam thuộc vào Giao Châu 交州, cho Đái Lương 戴良 làm Thứ sử. Lại sai Trần Thời 陳時  làm Thái thú 太守 thay Sĩ Nhiếp. Đại ở lại Nam Hải 南海. Lương và Thời cùng lên đường. Đến Hợp Phố nghe tin ở Giao Châu con Sĩ Nhiếp là Huy đã tự làm Thái thú, đem tông binh 宗兵 ra chống cự, Lương ở lại Hợp Phố.
 Thuộc lại của Sĩ Nhiếp là Hoàn Lân 桓鄰 can Huy, xin đón Lương, Huy giận đánh chết Lân. Anh của Lân là Hoàn Trị và con là Phát họp tông binh đánh Huy. Huy đóng cửa thành để giữ. Bọn Trị đánh mấy tháng không hạ được thành, bèn giảng hoà và đều bãi binh.
   Kế đó Lữ Đại vâng chiếu nước Ngô đánh Huy, đem quân từ Quảng Châu, ngày đêm đi gấp đến Hợp Phố, cùng với Lương đều tiến, dụ con của Sĩ Nhiếp là Trung Lang Tướng Khuông 中郎將匡(廞?) bảo Huy ra chịu tội, tuy mất chức quận thú, nhưng bảo đảm không có lo ngại gì khác. Đại theo Khuông đến sau. Anh Huy là Chi , em Huy là bọn Cán , Tụng sáu người cởi trần đón Đại. Đại mặc áo thường đi thẳng đến quận trị. Sáng hôm sau, Đại bày màn trướng, mời anh em Huy theo thứ tự đi vào. Tân khách đầy nhà, Đại đứng dậy cầm phù tiết đọc tờ chiếu kể tội Huy, tả hữu trói anh em Sĩ Huy đưa ra ngoài, đem chém cả, lấy đầu đưa về Vũ Xương 武昌. Cả gia tộc và hàng nghìn quan quân chết theo Sĩ Huy.
 Các chú của Sĩ Huy là Sĩ Nhất, Sĩ Vĩ và anh là Sĩ Khuông sau mới ra hàng, được Ngô Vương tha tội, cùng với con tin của Sĩ Nhiếp là Sĩ Ngẩm, đều giáng làm thứ nhân. Được vài năm, Nhất và Vĩ có tội bị giết, duy có Khuông ốm chết trước. Đến khi Sĩ Ngẩm chết, đại tướng của Huy là Cam Lễ 甘醴 và Hoàn Trị đem lại dân đánh Đại, Đại đánh tan được.
 Bình được Giao Châu nhà Ngô hợp Quảng Châu và Giao Châu lại làm một và phong cho Lữ Đại làm Thứ sử. Lữ Đại đem quân đi đánh quận Cửu Chân có công, giết rất nhiều người được phong làm Giao Châu mục 交州牧,sau còn bổ Trấn Nam tướng quân , phong tước Phiên Ngung hầu 番禺侯 (có sách chép là phong Nguỵ quận Lăng Lệ Công 魏郡陵厲公).
 Sau đó, vua Ngô là Tôn Hưu (孫休, 235 - 264) lấy đất Nam Hải ( 海,nay là Quảng Đông), Thương Ngô ( , Quảng Tây nay) và Uất Lâm ( 林,Quảng Tây nay) làm Quảng Châu , đặt châu trị ở Phiên Ngung ; lấy đất Hợp Phố ( 浦,nay là Quảng Đông), Giao Chỉ ( , Bắc bộ nay), Cửu Chân ( , Bắc Trng bộ) và Nhật Nam ( , Trung bộ) làm Giao Châu , đặt châu trị ở Long Biên . Đất Nam Việt (南越國, 207 - 111 tCn) của nhà Triệu 趙朝 do Triệu Đà (趙武帝佗, 257-137 tCn) kiến lập ngày trước[10] thành ra Giao Châu và Quảng Châu từ đấy.
 Bấy giờ Ngô đã thần phục vào nhà Tấn (晉朝,265–420). Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm (晉武帝 司馬炎, 236-290) cho Lữ Hưng 吕興 làm An Nam tướng quân đô đốc Giao Châu 安南將軍都督交州 quản việc quân sự, cho Nam Trung giáp quân 南中監軍 Hoắc Dặc 霍弋 xa lĩnh[11] Thứ sử Giao Châu 交州刺史, được tuỳ nghi tuyển dụng trưởng lại 長吏. Dặc dâng biểu tiến cử Thoán Cốc (Phần Cốc 焚谷) làm Thái thú, đem thuộc lại là bọn Đổng Nguyên 董元 , Vương Tố 王素 đem quân sang giúp Hưng, nhưng chưa đến nơi thì Hưng đã bị công tào 功曹 là Lý Thống 李統 giết. Cốc cũng chết (có sách chép Cốc ốm chết). Đất Giao Châu lại loạn, sau thời gian tương đối ổn định dưới thời Sĩ Nhiếp.
 4. Đánh giá chung:
 Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu tổng cộng 40 năm (187-226), từ năm Đinh Mão 丁卯 đến năm Bính Ngọ 丙午 (tức là từ cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc) dưới 2 triều là Hán, Ngô (kế tiếp, xen kẽ và có lúc đồng thời). Ông được coi là một vị quan cai trị có tài và được giới Nho học phong kiến Việt Nam sau này suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam[12]. Sử cũ đều ca tụng Sĩ Nhiếp là vị quan tốt, rất có uy tín trong dân chúng nên có người gọi ông là Sĩ Vương 士王 bởi ý ấy. Sử thần Ngô Sĩ Liên  吳士連 nói: Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. Tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là “Tiên Sĩ Vương” . Một trong những nét “văn hiến” là việc có thành tố “họ” trong tên đầy đủ của mỗi người.
 Trong đó được đánh giá cao nhất bởi có công trong việc duy trì tình trạng hòa bình yên ổn ở Giao Chỉ trong suốt giai đoạn nội chiến Tam Quốc (三國, 220-280) hết sức phức tạp tại Trung Quốc kéo dài hơn nửa thế kỷ. Chính tích đó giúp Sĩ Nhiếp gần như trở thành một vị vua tự trị của quận Giao Châu, thoát hẳn ra khỏi ảnh hưởng và mệnh lệnh của nhà Hán, vốn chỉ còn là “bung xung” cho cuộc tranh giành của các tập đoàn phong kiến ở Trung Quốc. Sự mềm dẻo đó được đánh giá rất cao. Sử gia lớn thời Trần là Lê Văn Hưu nhận xét: “Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí.”
 Giai đoạn Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ còn đánh dấu sự xuất hiện của những người Việt đầu tiên làm việc cho triều đình phong kiến Trung Quốc. Do sự thỉnh cầu khẩn thiết của Thứ sử Lý Tiến năm 200, vua Hán Hiến Đế (漢獻帝, 189 - 220) xuống chiếu lấy một người Mậu tài 荗才 của Giao Châu làm Huyện lệnh Hạ Dương 夏陽, một người Hiếu liêm 孝廉 làm Huyện lệnh Lục Hợp 六合. Sau Lý Cầm 李琴 làm quan đến Tư lệ hiệu úy 司隷校尉, Trương Trọng 張重, người quận Nhật Nam, làm Thái thú Kim Thành 金城太守. Người Việt được cùng tuyển dụng như người Hán là mở đầu từ Lý Cầm, Trương Trọng. Về vấn đề này, Ngô Sĩ Liên nhận xét:  Người quân tử đối với lời nói không thể cho qua được. Ngày xưa Tông Miệt nếu không có lời nói thì cùng với cỏ cây mục nát mà thôi. Lý Cầm không có lời nói thì sao được dùng ở đời, mà người tài giỏi của nước Việt ta, người phương bắc làm sao biết được? Lời nói không thể cho qua là vì vậy. Tuy nhiên, đây chỉ nói riêng về nhân tài thôi, còn như Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên thì không nói thế được”.
 Đại Nam Quốc sử Diễn ca 大南國史演歌 viết về ông:
Nho lưu[13] lại có Sĩ Vương,
Khởi nguồn Thù Tứ[14] mở đường lễ văn.
Phong tiêu[15] rất mực thú thần,
Sánh vai Đậu mục[16], chen chân Triệu Đà[17].
Lương Đức Mến, cuối năm Nhâm Thìn;
BS từ nhiều nguồn TK, chủ yếu là Đại Việt Sử ký Toàn thư 大越史記全書.


[1] Xuất thân Huyện Lệnh huyện Long Xuyên 龙川县令 thay Nhâm Ngao 任嚣 làm Quận úy quận Nam Hải 南海郡尉 vào năm 208 tCn.
[2] Có xen kẽ những thời kỳ độc lập, tự chủ ngắn (40-43, 541-602, 905-938).
[3] 太守,Chức quan dưới thời phong kiến, coi một quận, là người đại diện của triều đình trung ương tiếp xúc với dân địa phương.
[4] 刺史, Chức quan thời phong kiến Trung Quốc xưa, có nhiệm vụ giám sát việc chính trị trong một châu.
[5] Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ đều ở giữa biển, còn 7 quận thuộc về Giao Châu, sẽ liệt kê sau.
[6] Sau này , thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng 朗.
[7] Chữ này theo 说文解字 (Thuyết văn giải tự) có cấu tạo: tòng ngôn, tòng hựu, viêm và phiên thiết là 穌叶切 (tô diệp thiết) nên phải đọc là “tiếp” (xiè) nhưng các sách Việt đều đọc là “nhiếp”.
[8] Trước kia đời Hán Thuận Đế (126-144), Thái thú Giao Chỉ là Chu Xưởng xin lập Giao Chỉ làm châu, triều đình nhà Hán không cho. Năm Quí Mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến đế , quan Thứ sử là Trương tân cùng với quan Thái thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao Chỉ làm Giao Châu 州 cho ngang với các châu bên Trung nguyên, Hán triều chuẩn tấu. Giao Châu là một cấp hành chính (châu), gồm 9 quận là: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Đam Nhĩ, Châu Nhai (Đam Nhĩ và Châu Nhai nay thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (nay thuộc Quảng Tây và Quảng Đông).
[9] Lưu Biểu (143-208) tự là Cảnh Thăng, quê ở Cao Bình, đất Sơn Dương là một lãnh chúa phong kiến thuộc hoàng tộc nhà Hán là người trấn giữ Kinh Châu 荆州.
[10] Bằng việc sáp nhập Âu Lạc  甌雒/甌駱 của An Dương Vương (安陽王, ? - 208 tCn / 179 tCn) vào quận Nam Hải của nhà Tần ( 秦朝,221 - 206 tCn).
[11] Lĩnh chức cai trị ở nơi xa mà không cần đích thân đến nhiệm sở.
[12] Nhưng tôn xưng ông là 南邦学祖 (Nam bang học Tổ) thì hơi quá bởi trước đó đã có người Việt  đi học, đỗ đạt và sau đó được bổ làm quan rồi!
[13] Nho lưu: dòng dõi con nhà Nho (儒家, confucianisste) .
[14] Thù , Tứ là tên 2 con sông nơi Khổng Tử thuyết pháp, gộp thành từ chỉ đạo Khổng.
[15] Phong tiêu 風標: bày thói hay, nêu gương tốt.
[16] Tức Đậu Dung làm quan Châu mục mấy đời đất Hà Tây thời Đông Hán
[17] Thành lập nước Nam Việt. Cả câu ý nói làm quan đứng đầu một vùng lâu năm, gần như lãnh địa riêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!