Việc dùng sai từ Hán Việt trong cúng giỗ,
chép Gia phả, đề chữ ở Lăng mộ không chỉ diễn ra ở nơi “chín người mười làng”
như trên Lào Cai, mà diễn ra ngay cả vùng đất cổ Hải Phòng. Ngoài việc chữ viết
xấu, sai nét, tựu trung lại, người cao tuổi thì lẫn, mắt mờ, tay run; người trẻ
chẳng biết chữ Hán, chẳng chịu tìm hiểu nên thường xẩy ra mấy điểm sai phổ biến
như sau:
1. Dùng
từ Hán Việt với văn phạm Việt:
Gọi “Trưởng họ” là đúng bởi “họ” là từ
thuần Việt, muốn dùng Hán Việt phải nói là “Tộc trưởng” 族長 nhưng nhiều
người vẫn gọi “trưởng tộc”! Giống như liên quan đến “tang ma” 居喪 phải gọi là
“Tang lễ” 喪礼, nói “Lễ
tang” là chưa chuẩn!
2. Dùng
lẫn tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt:
“Xóm”, “số nhà”... là từ thuần Việt. Ví dụ
định viết số nhà 14 phố Trần Tất Văn, thị trấn An Lão, huyện An Lão, thành phố
Hải Phòng thì theo văn phong Hán Việt phải viết: Hải Phòng thị, An Lão huyện,
Trần Tất Văn nhai (lộ), thập tứ hiệu 海防巿安老縣陳必文街(路)拾四号 nhưng lại viết và khấn là: Hải Phòng
thành, An Lão huyện, Trần Tất Văn phố, số nhà 14 thì chưa đúng!.
Ông gọi là Tổ khảo 祖考, Bà là Tổ tỷ 祖妣. Nhưng thường
chỉ Cụ ông gọi đúng: Cao Tổ Khảo, Tằng Tổ khảo, Tổ khảo còn đối với các Cụ bà
thì đời nào cũng gọi là “Tổ bà” hết. Gọi vậy là sai bởi “Tổ” 祖 là chỉ bậc “ông,
bà” trên nữa là “Tằng” 曾, “Cao” 高, “Cao cao” 高高...và tổ là từ
Hán Việt còn “bà” 婆 lại là từ thuần Việt không thể ghép vậy được. Hơn nữa gọi là “tổ
bà” nghe thiếu trang trọng lại có phần khiếm nhã!. Đối với các cụ bà phải gọi
là “Tổ tỉ”, “Tằng Tổ tỉ”, “Cao Tổ tỉ”...Tương tự như vậy, nếu chỉ người đàn bà
có chồng đã chết phải gọi người đàn bà góa (檀婆寡, toàn Nôm) hay người quả phụ (寡父,toàn Hán Việt),
gọi “góa phụ” là chưa đúng.
Hay như viết “Từ đường họ Lương” cũng không chuẩn mà phải ghi “Lương tộc Từ
đường” 梁 族 祠 堂 hay “Nhà thờ họ
Lương”.
3.
Sai nghĩa gốc Hán Việt.
Người học chữ Nho xưa vắng dần. Nay các
cháu chỉ học Anh văn và nếu có học Trung văn thì là tiếng Hán hiện đại, với chữ
Giản thể. Mấy ai còn rành âm Hán Việt và chữ Phồn thể. Song cần nhớ những danh
xưng Hán Việt thường gặp trong cúng giỗ ví như người Cha khi còn sống gọi là “phụ”
父, chết gọi
là “khảo” 考, rước vào
miếu thờ gọi là “nỉ” 禰.
Như
vậy đàn ông gọi là “khảo”, đàn bà kêu là “tỉ” sau từ chỉ ngôi thứ. Đặc biệt nhớ
rằng đời sau mà dùng bài văn khấn của đời trước phải tăng lên một bậc. Do vậy
khi khấn cúng hay đề bia mộ tốt nhất nên khấn, viết đại từ chỉ rõ số đời: Đệ
Nhất (Nhị, Tam...) đại tổ, tức Tổ đời thứ Nhất (Hai, Ba...). Dùng đích danh :
Cao tổ, Tằng tổ, Tổ...chỉ đúng với đời người soạn chúc văn hay đề bia. Khi con
cháu người đó tiếp thu vô hình trung lại vẫn là “Cao tổ, Tằng tổ, Tổ...” thì
nguy, bởi thực tế các cụ đã nâng đời rồi: Cao tổ thành Cao cao Tổ, Tằng tổ
thành Cao tổ, Tổ thành Tằng tổ...rồi! Đề chữ ở Bia mộ cũng vậy, nên ghi rõ là
“Đời thứ...”!
Một trường hợp hay gặp nữa là các cụ xưa
hay viết 梁貴公諱秀字德隆 “Lương
quý công húy Tú, tự Đức Long” tức là cụ già tôn kính họ Lương tên là Tú, tự Đức
Long. Sau này con cháu chẳng hiểu lại nghĩ cụ là Lương Quý Công...
Tên của 2 cô, bố và chú tôi là: Di, Thị,
Thân, Dật (怡,市, 親, 逸 với nghĩa: Vui vẻ, cái chợ, thương yêu, nhàn
rỗi) nhưng cô Di ai nấy gọi cô Ri, chú Dật thành chú Rật và chính anh tôi
lại đề bia mộ cô Thị là Lương Thị Thi, với biện hộ “ai lại Lương Thị Thị bao
giờ” ! Anh có biết đâu họ tên đầy đủ của cô tôi viết bằng Hán tự cho 3 chữ khác
nhau: 梁氏市.
Đặc biệt địa danh, cấp hành chính cố hương,
phẩm tước của tiền nhân thay đổi theo năm tháng cần tra xét kỹ không rất dễ
nhâm.
4. Nhầm
chữ cùng âm:
Ngày xưa các cụ đặt tên con cháu theo bộ,
theo mối liên quan…khi cần phục chế lại Hán tự chỉ tên cần biết tên của bố, mẹ,
anh, em người đó mới chọn được chưa chính xác bởi cũng âm đọc đó nhưng được ghi
bởi nhiều chữ với nghĩa khác nhau. Chữ chỉ “họ” cũng vậy. Họ của tôi là Lương,
được viết bởi chữ 梁, nghĩa là: Cái cầu, trong từ “tân lương” 澤梁 hay Cái xà nhà
trong từ “thượng lương” 上梁.
Thế mà được viết thành chữ 良 (lành hiền, lương thiện) trong khi ghi
trên Mộ: 高祖考良貴公諱藝!
Đúng ra phần mộ này phải ghi: 第一代祖考梁貴公諱藝之墓. Ở đây tôi thay: 高祖考 bằng: 第一代祖考, thay: 良貴公諱藝 bằng: 梁貴公諱藝 và thêm 之墓. Cũng như vậy
đối với mộ bà: thay 高祖妣良氏諱頠 bằng: 第一代祖妣梁貴氏諱頠之墓.
Mặt khác họ nhà tôi mà viết là 凉德 thành “đức mỏng” nguy hại ngay!
5. Sai
lệch khi trùng tu:
Những Đại tự, Câu đối đắp ở cổng làng, mộ
phần, nhà tổ lâu ngày bị bong tróc, mờ nên khi trùng tu phải đắp, sơn lại. Thợ
chẳng biết chữ nên rất dễ tô, đắp sai. Chữ Hán lại vốn lắm nét, một âm Hán Việt
được viết bởi nhiều chữ, một chữ lắm nghĩa và nhiều chữ tương tự nhau. Bởi thế
mới có chuyện: chữ “Tác” 作 (zuò) thuộc bộ nhân (亻) nghĩa là “nhấc lên” viết thành chữ “Tộ” 怍 (zuò) thuộc bộ
tâm (忄) với
nghĩa “tủi thẹn”; chữ “Ngộ” 遇 (gặp) vẽ ra chữ “Quá” 過 (vượt)...
Ví như đôi câu đối “祖功開破光前代; 宗德滋培喻後昆” đọc là:
“Tổ công khai phá quang tiền đại; Tôn đức tư bồi dụ hậu côn” đại ý: “Công ơn
khai phá của tổ tiên làm vẻ vang đời trước; Đạo đức cha ông bồi đắp làm rạng rỡ
lớp sau”. Trong đó chữ “Côn” 昆 nghĩa là “nối” nên “hậu côn” là “con cháu sau này” nhưng
nếu khi tô vẽ lại thêm bộ “Thuỷ” 氵 vào thành chữ “Hỗn” 混 , tức “Hỗn tạp”
thì lúc đó “hậu hỗn” nghĩa rất xấu, còn ra gì nữa!
6. Dùng
thừa từ Hán Việt, từ thuần Việt:
Ngày giỗ là từ thuần Việt đơn giản gọi là
“ngày giỗ”, còn theo Hán Việt là “chính kị” 正忌 hay “kị nhật” 忌日 đừng gọi là
“ngày kị nhật”, bởi “nhật” là “ngày” rồi!
“Tự” 寺 đã
là “Chùa” do vậy nói “Liên hoa tự” 莲华寺, “Tràng Linh tự” 場靈寺 hay “Chùa Liên
Hoa”, “Chùa Tràng Linh” là đủ, đừng nói
“Chùa Liên Hoa tự”, “Chùa Tràng Linh tự”!
“Đường” 堂 là cái nhà để làm lễ, nên nói “Từ đường” 祠堂 (Hán Việt) hay
“Nhà tổ” ( 茄祖, thuần Việt) là được chứ nói “Nhà Từ đường”
chẳng theo quy định nào.
7. Không
phân biệt được chữ Nôm và chữ Hán:
Gia phả, Long văn xưa soạn bằng chữ Hán
nhưng tên người lại là tên Nôm, viết bằng chữ Nôm và thường đặt tên xấu cho dễ
nuôi. Rất nhiều chữ Nôm mượn hai nửa của 2 chữ Hán hoặc có khi mượn nguyên cả
chữ Hán. Cái khó là chỗ đó thường nữ hay con nhà ít học hay đặt tên Nôm. Ví dụ
đặt con là “Hoe” ý là cuối bét, con lại đen nên gọi là “Hoe Đẻn” rồi nhưng khi
chép phả lại mượn chữ 槐 ghi âm “hoe”, chữ 典 ghi âm “đẻn”,
đời sau dịch thành “Hòe Điển”, không ăn nhập gì với gia cảnh!. Hoặc như Đệ Nhất
Tổ tỉ họ nhà tôi là Lương Thị Còi. Chữ “Còi” dứt khoát phải viết bằng chữ Nôm,
nhưng Nôm thì lại mượn nửa chữ “côi” 傀 để ghi âm và nửa từ “phiêu” 票 ghi nghĩa (nhẹ
nhàng) mà được chữ , dễ nhầm thành
chữ “Ngỗi” 隗.
8. Sai
chính tả chữ Quốc ngữ khi dịch:
Vùng châu thổ sông Hồng phổ biến không phân
biệt được n/l, r/d/gi, s/x, ch/tr, g/gh, ng/ngh...nên nhiều khi tên một người
viết ở Gia phả, đề trong bia mộ, khấn ở Long văn lại tưởng 2,3 người.
Ví dụ: Thượng Tổ tỷ họ tôi Gia phả ngành
Hai chép là Nguyễn Thị Lã, bản Gia phả khác chép Nguyễn Thị Nữ. Đây chắc không
phải nhầm chữ 呂 ra chữ 女 được! Theo tôi, chắc xưa tiền nhân chép tên Cụ bằng chữ 呂 mà chữ này có âm
“Lữ” nhưng quen đọc là “Lã” nên sau này người chép theo âm quen đọc “Lã”, người
chép theo phiên thiết là “Lữ” nhưng chuyển sang quốc ngữ viết ngọng thành ra
“Nữ”!
Hay
như bác họ tôi vốn gốc chài lưới nên tên là 鱙 (với
chữ “ngư” 魚 là cá chỉ nghĩa, chữ “nghiêu” 堯 gợi âm) phải đọc và viết là “Nghéo” thế
mà các anh chị tôi lập bia mộ ghi là “Ngéo”! Ngoài ra khi đi viếng mộ tôi còn
thấy khá nhiều ngôi mộ khắc tên các cụ bằng chữ quốc ngữ hẳn hoi mà đó ai đọc
được. Ví dụ: “Qoàng” (chắc là Quàng), “Bắu”
(Báu?)…
Hoặc như Cụ cố tôi là Lương Đức Trinh 梁德禎 là con út của
bà Hai, thường được gọi là “Trinh bé”, để phân biệt với “Chinh lớn” tức cụ Giáo
Chinh 征 là con bà
cả và ông Nội tôi là Lương Đức Trính 梁德楨 nhưng rất nhiều lần nhờ người viết sớ toàn
chép là “Chinh” và “Chính”, đành bỏ không dùng được. Bởi họ nhà tôi có cụ Chinh
征, khiếm tự
欠嗣 và không
có ai là “Chính” 正 cả.
Đặc biệt các cụ nữ khi đã quy ở chùa thường
đặt hiệu có chữ “Diệu” 耀 (Rọi sáng, sáng soi, sáng ở
chỗ này soi tới chỗ kia; đạt được Vẻ vang, rực rỡ), ví như Đệ Nhất Tổ tỷ trong Gia phả chép 梁氏諱 号耀勤 đúng ra phải hiểu là Cụ họ Lương tên là
Còi, hiệu Diệu Cần nhưng lại ghi thành Riệu Cần chẳng có nghĩa gì[1]!
Tương tự như vậy, trong Hán văn thường có chữ 也 dùng khi nói hết câu hay mở đầu câu; chữ này có
phiên thiết là 羊者切 (dương giả thiết) nên phải đọc là “dã”
nhưng nhiều người chép lầm thành “rã”. Khi đó nếu mất bản chữ Hán chỉ dựa vào bản
phiên âm thì không ai hiểu và dịch được!
Mặt khác, tiếng Việt có 6 thanh điệu, khi
sao chép do viết láu, dễ nhầm. Ngày xưa, con trai hai mươi tuổi 二十岁 làm lễ đội mũ gọi
là “nhược quán” 弱冠, chưa đến hai mươi tuổi gọi là “vị quán” 未冠. Không hiểu có
người chép lại bản đã phiên âm rồi dịch thành “20 quan” (tiền)!
Cách tốt nhất hiện nay nên dùng chữ quốc
ngữ với âm thuần Việt. Trường hợp buộc phải dùng Hán tự mà nếu không có người
thực học, am hiểu cần dựa vào Tự điển 字典 (sách
giải nghĩa của chữ đơn, có thể chỉ là thành phần của từ) và Từ điển 词典 (sách sắp xếp thành các từ vị chuẩn theo một
trình tự, thường là các chữ ghép lại thành từ). Ví như các cuốn Từ điển Hán
Việt 漢越辭典 của
Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển 典字越漢 của Thiều Chửu.
Cuối năm 2009, khi chỉnh trang phần mộ của
gia đình tôi đã dùng những chữ, câu có trong sách, sử dụng Computer gõ, chọn
Font chữ Hán ưng ý rồi trình bầy lại bằng các phần mềm thích hợp sau đó in,
phóng ra theo cỡ đã định. Cuối cùng mới đưa cho thợ khắc đá. Phần phiên âm,
dịch nghĩa đều chép lại trong Gia phả để con cháu sau này hiểu được (dù không rành Hán tự). Làm như vậy chính
xác lại đẹp.
-Tháng Chạp Nhâm Thìn-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!