Hôm Cúng Rằm tháng Bẩy thấy Dì tôi khấn “lạy Chín phương Trời, Mười phương Phật”, cháu tôi hỏi “cháu học thấy có 4 phương 8 hướng thôi, sao bà khấn tới 9, 10 phương vậy”?
Nghe cháu nói tôi chợt nghĩ ta khấn theo kiểu truyền khẩu, ai cũng khấn vậy nhưng chắc gì đã hiểu kỹ. Riêng tôi, bao giờ cũng khấn thêm "Năm phương Đất". Đi sâu vào tìm hiểu mới thấy nhiều vấn đề lý thú.
1. Năm phương Đất: gồm 4 hành (Thuỷ 水, Hoả 火, Mộc 木, Kim 金) của 4 phương (Bắc , Nam , Đông, Tây) và Trung cung Địa Vương Hậu đế 中央地王后帝.
2. Chín phương trời có mấy thuyết giải thích khác nhau:
Theo dân gian Việt Nam gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, và Trung ương.
Theo Bát quái gồm 8 quái (Càn 乾 ☰, Khôn 坤 ☷, Cấn 艮 ☶, Chấn 震 ☳, Tốn 巽 ☴, Ly 離 ☲, Khảm 坎 ☵, Đoài 兌 ☱) và Ngọc Hoàng Thượng đế 玉皇上帝.
Người Trung Quốc cổ đại gọi chín phương trời là cửu dã 九野 hay Cửu thiên 九天, Cửu trùng thiên 九重天 bao gồm trung ương và tám phương hướng, tức là tứ chính 四正 (bốn hướng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc) và tứ ngung 四隅 (bốn góc: Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc).
Theo sách Lã Thị Xuân Thu (chương Hữu thủy lãm) đời nhà Tần, chín phương trời có tên gọi và vị trí như sau:
(1) Ở trung ương gọi là Quân Thiên 鈞天 (quân: đều đặn, quân bình);
(2) Phương Đông là Thương Thiên 蒼天 (thương: màu xanh biếc);
(3) Phương Đông Bắc là Biến Thiên 變天 (biến: thay đổi);
(4) Phương Bắc là Huyền Thiên 玄天 (huyền: màu đen huyền);
(5) Phương Tây Bắc là U Thiên 幽天 (u: tối tăm, kín đáo, sâu xa);
(6) Phương Tây là Hạo Thiên 顥天 (hạo: sáng trắng);
(7) Phương Tây Nam là Chu Thiên 朱天 (chu: màu đỏ như son);
(8) Phương Nam là Viêm Thiên 炎天 (viêm: nóng, ngọn lửa);
(9) Phương Đông Nam là Dương Thiên 陽天 (dương: trái với âm).
Sang đời Hán, sách Hoài Nam Tử (chương Thiên văn) giải thích gần giống Lã Thị Xuân Thu, chỉ thay khác nhau hai điểm: Phương Đông Bắc là Mân Thiên 旻天 (mân: bầu trời); phương Tây là Hạo Thiên 皓天 (hạo: sáng trắng; chữ Hán viết khác với Lã Thị Xuân Thu).
Sách Quảng nhã (chương Thích thiên) giải thích cũng hơi khác: Phương Đông là Hạo Thiên 皡天 (hạo: rộng rãi, lồng lộng; chữ Hán viết khác với Lã Thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử), phương Tây là Xích Thiên 赤天 (xích: màu đỏ). Các phương còn lại thì cũng giống giải thích của hai sách trên.
Sách Thái huyền kinh của Dương Hùng chỉ liệt kê chín tầng trời (cửu thiên) là: Trung Thiên 中天 (trung: ở giữa); Tiện Thiên 羨天 (tiện: dư thừa); Đồ Thiên 徒天 (đồ: không có); Phạt Canh Thiên 罰更天 (phạt: hình phạt; canh: thay đổi); Tối Thiên 晬天 (tối: trọn một năm); Quách Thiên 郭天 (quách: tường thành bọc phía ngoài); Hàm Thiên 咸天 (hàm: bao gồm tất cả); Trị Thiên 治天 (trị: sửa sang, cai trị); và Thành Thiên 成天 (thành: thành tựu, làm xong).
Thay vì nói chín phương trời, đạo Lão quan niệm có chín tầng trời và gọi là: Cửu trùng, Cửu giai, Cửu tiêu, Cửu thiên.
Một thuyết cho rằng chín tầng trời là:
(1) Uất Thiền Vô Lượng Thiên 鬱禪無量天;
(2) Thượng Thượng Thiền Thiện Vô Lượng Thọ Thiên 上上禪善無量壽天;
(3) Phạn Giám Tu Diên Thiên 梵監須延天;
(4) Tịch Nhiên Đâu Suất Thiên 寂然兜率天;
(5) Ba La Ni Mật Bất Kiêu Lạc Thiên 波羅尼密不驕樂天;
(6) Động Huyền Hóa Ứng Thanh Thiên 洞玄化應聲天;
(7) Linh Hóa Phạn Phụ Thiên 靈化梵輔天;
(8) Cao Hư Thanh Minh Thiên 高虚清明天;
(9) Vô Tưởng Vô Kết Vô Ái Thiên 無想無結無愛天.
Tuy nhiên, trong văn học khi nói chín phương trời thường ngụ ý là trọn cả bầu trời, khắp nơi khắp chốn.
3. Mười phương Phật 十方諸佛 cũng có nhiều cách hiểu:
Gồm 5 phương của Thái tạng giới (Trung ương Đức Tỳ Nô Giá Na, Đông phương Bảo Tràng Như Lai, Nam phương Khai Phu Hoa Vương Như Lai, Tây phương A Di Đà Như Lai, Bắc phương Thiên Cổ Lôi Âm Như lai và các Chư Phật Bồ tát) và 5 phương của Kim Cương giới (Trung ương Đức Đại Nhật NHư Lai, Đông phương A Súc Bệ Như Lai, Nam phương Bảo sinh Như Lai, Tây phương Vô Lượng Thọ Như Lai, Bắc phương Bất Không Thành Tựu Như Lai và các Chư Tôn Bồ Tát)
Hay gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất (hay trung ương).
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nhắc lại lời dạy của Đức Chí Tôn nơi đàn ở Cần Thơ, trong đó Đức Chí Tôn giải thích về Thập phương chư Phật như sau: “Dưới 36 từng trời còn có một từng nữa là Nhứt mạch đẳng tinh vi gọi là Cảnh Niết Bàn. Chín từng nữa gọi là Cửu Thiên Khai Hóa, tức là 9 phương trời, cộng với Niết Bàn là 10, gọi là Thập phương chư Phật. Gọi 9 phương trời 10 phương Phật là do đó. Cõi Niết Bàn là chỗ Phật ngự: Phật Tổ ngự nơi hướng Tây, Quan Âm ngự nơi hướng Nam . Mỗi từng đều có sơn xuyên hà hải, tứ phương bát hướng, liên đài hằng hà sa số Phật”.
Như vậy, Cảnh Niết Bàn là ở từng trời thứ 10, bên trên Cửu Trùng Thiên, do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chưởng quản. Nơi từng trời thứ 10 nầy có: Ngọc Hư Cung ở tại trung tâm và Cực Lạc Niết Bàn 極樂涅槃 - 極樂世界 - 極樂國 ở hướng Tây nên cũng gọi là Tây phương Cực Lạc. Tại kinh đô của CLTG có Lôi Âm Tự.
Tuy nhiên, có quan niệm cho rằng thập phương không phải là mười phương mà hàm nghĩa tất cả mọi nơi. Nói mười phương Phật hay thập phương chư Phật tức là chỗ nào cũng có Phật, Phật có ở khắp nơi không phân biệt sang hèn, xấu tốt, dơ sạch, thanh tịnh hay không thanh tịnh…
Lương Đức Mến (TK từ nhiều nguồn, chủ yếu là của Lê Anh Minh và Cao Đài từ điển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!