[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


27 tháng 7 2012

CHUNG TAY XÂY MỘ TỔ

Cận cảnh Mộ Tổ họ Lương xã Chiến Thắng
Trên thế giới vốn có nhiều hình thức táng người chết khác nhau, như: Hỏa táng 火葬, Thủy táng 水葬, Thổ táng 土葬, Không táng 空葬, Điểu táng 鳥葬…gần đây là Điện táng 電葬…Nhưng người Việt ở miền Bắc, đến bây giờ chủ yếu là Thổ táng. Lúc mới mất, thi thể đặt trong quan tài bằng gỗ, chôn dưới Mả đất gọi là hung  táng 凶葬, 3 năm sau cải táng đặt xương trong Tiểu sành rồi đắp hay xây Mộ, tức Cát táng 吉葬. Mộ phần của cha mẹ đã quá cố là mối quan tâm của con cái trong gia đình còn mộ phần của người sinh ra một dòng họ là mối quan tâm của tất cả mọi thành viên trong gia tộc đó.

1. Mộ phần và việc xây mộ:
Nơi mộ phần 墓墳 an táng người đã mất được gọi là âm trạch 阴宅, từ xưa tới nay nó luôn được người phương Đông coi trọng. Nhà Tần (, 248-207 tCn) gọi mả vua là “sơn” sang nhà Hán (, 206 tCn -8) gọi là “lăng” .  Dân gian gọi nấm đất đắp cho thi xác người vừa mất là “mả” còn nơi cát táng là “mộ” , do vậy nơi chôn cất đông người gọi là “nghĩa địa” 公墓 do từng dòng họ hay xóm làng tự quản, còn nơi đặt các phần mộ Liệt sĩ gọi là “Nghĩa trang Liệt sĩ” 烈士墓 do chính quyền quản lý.
Từ xưa, người Việt khi chết, gia đình đem mai táng. Nhưng dân gian cho rằng khi sống hai khí Âm Dương hoạt động toàn thân, khi mất chỉ thịt da tiêu, xương và khí Âm Dương vẫn còn. Khí ấy bám trên người, tụ nơi xương nên khí của người mất vẫn hoạt động. Từ nơi yên nghỉ (mộ phần), khí Âm Dương của người mất vẫn giao lưu, ảnh hưởng, lảng vảng xung quanh vận khí của người thân. Do vậy người Việt rất chú trọng mộ phần của người thân (về vị trí, thế đất, hướng, sự yên ổn…), đặc biệt mộ Tổ nên có câu “giữ như giữ mả Tổ”.
Tùy thời, nơi, tùy gia cảnh mà quy mô mộ khác nhau. Trước kia mả (hung táng) đắp đất dài hình tháp cụt, mộ (cát táng) cũng đắp đất nửa hình cầu úp nhưng nay những ngôi mộ xây cất muôn hình vạn trạng, có khi to như lăng của vĩ nhân hay bề thế lộng lẫy như “cung đình phủ chúa”…có người còn xây hẳn sinh phần 生墳 sẵn cho mình với đủ tiêu chí phong thủy! Theo tôi, cái gì theo “phong trào” sẽ sớm tiêu vong, chỉ những gì chắt lọc, bổ sung qua bao thế hệ mới tồn tại. Việc xây, tôn tạo, tu bổ mộ phần tiên tổ cũng vậy. Cốt ở cái Tâm, “Tâm thành tất linh ứng”mà!
2. Mộ Tổ họ Lương Chiến Thắng (Cao Mật cũ):
Họ ta, vốn gốc bên Tiên Lãng, do vậy khi mất, Thượng Tổ được đem trở lại quê và táng tại Kim Đới 金帶 (Tiên Lãng, Hải Phòng). Thượng Ngoại Tổ tử nạn nơi sông nước nên là Thủy táng 水葬. Đệ Nhất đại Tổ là Cụ Lương Công Nghệ 第一代祖梁公藝 sinh 6 trai (Lẫm, Tuấn, Chiêu, Tú, Thiệu, Linh) và 3 gái. Tổ mất ngày 19/5. Mộ cũng được táng ở bên kia sông Văn Úc là xã Dư Đông 余東, tổng Phú Kê 富鷄 (nay thuộc Khu I thị trấn Tiên Lãng).
Tục truyền rằng: Có thày Địa lí nói: theo thế đất mả Tổ thì ngành trên Tiến sĩ đồng khoa, ngành út tuyệt tự[1]. Con cháu Cụ Linh nghe vậy đang đêm đào xoay lại mả Tổ (không dám rời hẳn nơi khác). Về sau các cụ ngành trên học tuy giỏi, có 2 cụ nổi tiếng thần đồng lại chết yểu; có cụ học giỏi, đi thi bị phạm huý nên trượt hoài[2]. Cụ đã bẻ bút vứt xuống sông Văn Úc và thề độc nên ứng nghiệm: con cái sau ít đỗ đạt[3], còn ngành út đời nào cũng độc đinh[4].
Do điều kiện kinh tế eo hẹp, đất đai chật chội nên Lương tộc Chiến Thắng chưa có Nghĩa trang dòng họ và Mộ Tổ lại đặt ở xa, chưa tôn tạo xây cất. Khi được đưa về bên Chiến Thắng[5] vẫn không đặt bia, ghi dấu gì, xây cất cũng đơn giản. Hơn nữa lại chưa tìm được đất nên tới 2007 quan viên họ qua nhiều lần bàn dùng dằng vẫn chưa quyết được. Trăm sự bởi tại nghèo và loạn lạc mà ra! Họ ta nên lấy đôi câu đối của Cụ Cử Phan Cự Lượng viết từ đầu thế kỉ XX để tự động viên mình: “Phúc hay họa cũng tự trời, xương kẻ thác sao cầu được Phúc. Yên hay nguy không tại Đất, bụng người còn cứ  vững là Yên”.
Vào cuối  những năm 90 của thế kỉ XX, các chi phái trong họ đều đã xây được mộ đến đời Cụ mình riêng mộ Tổ chung của 4 chi[6] vẫn như vậy.
3. Mộ tổ họ Lương Chiến Thắng hiện nay:
Những năm gần đây, sau khi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Nhà Họ (năm 2000), theo xu hướng chung, con cháu họ Lương gốc Chiến Thắng đều mong muốn có được ngôi Mộ tổ đàng hoàng, trang trọng.
 Phiên họp Hội đồng gia tộc tháng 10/2011 quyết định xây mộ Tổ to đẹp hơn tại vị trí đất do gia đình Lương Hoàn Trăn cung tiến. Quan viên họ thống nhất: mỗi đinh trai (kể cả các cháu mới sinh) góp 200.000 đ, con cháu nội, ngoại có hảo ý Công đức tùy tâm. Chủ trương đó đã được thông báo tới các chi phái và con cháu họ làm ăn, sinh sống xa quê.
Sau 2 tháng, cả tiền góp và Công đức được ngót 200.000.000,0đ[7], với làng quê  và con cháu phần lớn còn nghèo thì số tiền đó không nhỏ!. Ngày 05/12/2011 (tức ngày 11-Giáp Ngọ, tháng Canh Tý, năm Tân Mão) khởi công đến ngày 09/12/2011 đặt nóc Lăng. Việc hoàn thiện vào ngày 30/12/2011 (mồng 6/Chạp, tức ngày Kỷ Mùi, tháng Tân Sửu, năm Tân Mão).
Đây không phải đơn thuần là việc “Khải toàn” 啟旋 (cải táng, bốc mộ) mà là kết hợp chuyển dời với “Tu phần” 修坟 (tu sửa phần mộ), đưa mộ hai ông bà vào gần như “hợp táng” 合葬, có “Lập bi” 立碑 (gắn bia cho mộ), xây Lăng . Do vậy con cháu cũng tuần tự tiến hành các lệ tục theo cổ truyền, như chọn ngày, làm lễ “Phá thổ” 破土[8] sau đó có “Tạ thổ” 謝土, “Tế mộ” 祭墓.
Phần mộ (H:  墓墳,  A: The tomb, P: Le tombeau) của Tổ và Tổ tỉ được xây vĩnh viễn, là song mộ (hai vợ chồng Đệ Nhất đại Tổ), bên trên đặt một Lăng bằng đá từ Ninh Bình chuyển ra khá đẹp, cân đối, trang nghiêm, vững chắc, trong lòng lăng đá có gắn Bia (H: 墓碑, A: The tombstone, P: La pierre tumulaire) ghi tên tuổi, chức phận của Tổ để lưu truyền cho con cháu. Phía trước bệ đá có sân làm lễ. Xung quanh có tường rào khuôn viên 64m2 ở vị trí phía trước bên trái Nghĩa trang Liệt sĩ xã Chiến Thắng. Đặc biệt nhìn ra khỏang ruộng rộng, xa hơn là con mương nhỏ và đường 354 từ Kiến An sang Tiên Lãng. Như vậy đạt về thẩm mỹ, kỹ thuật và phong thủy trong điều kiện họ ta và so với các họ khác trong xã. Đây đúng là:
Tri ân Tiên Tổ khơi dòng,
Lập nên lăng mộ bên sông quê nhà.
Cháu con Nội, Ngoại gần xa,
Người công, người của cùng là Hiếu, Tâm.
Dịp giỗ Tổ Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn (06/02/2012) kinh phí đóng góp, công đức và chi tiêu đã được công bố trước quan viên họ[9].
4. Song về chữ nghĩa thì có mấy chi tiết cần bàn:
Hàng chữ trên cùng: 梁族陵 LƯƠNG TỘC LĂNG, có nghĩa là Lăng họ Lương. Theo tôi chưa chuẩn bởi:
- “Lăng” là “công trình xây dựng làm nơi cất giữ thi hài” nhưng công trình của họ tôi chưa tương xứng và nằm dưới mộ không phải thi hài mà chỉ là “nắm đất” lấy từ nơi mai táng Cụ[10] ở bên Tiên Lãng sang.
- “Lương tộc lăng” càng chưa chuẩn vì đây chỉ là phần mộ của Tổ chứ không phải lăng, mộ hay nghĩa trang của cả họ!
Hàng chữ thứ hai: 癸冬莘卯年 Quý Đông Tân Mão niên, tức cuối mùa Đông năm Tân Mão, 2011. Theo tôi, những chữ này không sai nhưng chữ chỉ thời gian lập mộ nên đặt ở vị trí thấp, khiêm tốn hơn.
Hai bên cột: bên phải: 同族心誠陵造立 ĐỒNG TỘC TÂM THÀNH LĂNG TẠO LẬP; bên trái ghi: ??世後?子孫  ..THẾ HẬU… TỬ TÔN có vẻ không phải câu đối lại có chữ sai, phải sửa.
 Hai hàng dọc khắc trong bia mộ nhìn từ ngoài vào: Bên Phải ghi : 高祖考良貴公諱藝[11] đọc là: “Cao Tổ khảo Lương quý công húy Nghệ”, tức Cụ ông họ Lương tên Nghệ ; bên Trái ghi 高祖妣良氏諱頠[12] đọc là: “Cao T tỉ Lương thị húy Ngỗi, tức Cụ bà họ Lương tên Ngỗi! Theo tôi, chữ trên bia mộ này có mấy điểm chưa chuẩn:
- Chữ chỉ tộc danh Lương phải viết là (đã có bài phân tích) lại được viết thành (với nghĩa Lành, thuần tốt, bền giữ không đổi, dùng trong trung lương 忠良, “hiền lương”賢良, “thiên lương”天良, “lương tâm”良心...là sai, không đúng chữ chỉ tộc danh, phạm vào điều tối kị[13].
- Cao tổ 高祖 là Đại từ nhân xưng nghĩa gốc là “Tổ kính quý” nhưng trong xưng hô thì đây là danh từ mà dân gian gọi là “Kỵ” hay “ông Sơ”, tức ông của ông Nội, cách mình 5 đời và là bậc cao nhất mình cúng giỗ[14] trong quan hệ Cửu huyền (H: 九玄, A: The nine degrees of relationships - The nine families, P: Les neuf degrés de parentés - Les neuf familles) tức chín đời[15]. Kỵ tương đương trong tiếng Anh là  Great-great-grandfather. Như vậy ghi “Cao tổ” chỉ đúng với các Cụ ở thế hệ thứ 5[16] ngang đời ông Nội tôi. Còn từ Bố tôi trở xuống đời chúng tôi và con cháu mà gọi Cụ Lương Công Nghệ là “Cao Tổ” là sai[17].
Với các Cụ xa đời cần ghi rõ là Nguyên Tổ 元祖Triệu Tổ: 肇祖 (Đức Tổ đâu tiên nhất sinh ra những người chung một họ trong một nước, Ví dụ Hồ Hưng Dật được suy tôn là Đức Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam, Hùng Vương là Nam bang Triệu tổ); Thuỷ Tổ 始祖 (Ông tổ, vị tổ đầu tiên của một họ,  Ví dụ một số dòng họ Lương ở miền Bắc suy tôn Cụ Lương Đắc Bằng là Thuỷ Tổ); Thượng Tổ 尚祖(Cụ Tổ sinh ra Đệ Nhất đại Tổ mà dòng họ ở khu vực đang thờ phụng, Ví dụ Lương Công Trạch được suy tôn là Thượng Tổ 上祖梁公宅 của họ Lương xã Chiến Thắng, Hải Phòng) còn con trai cụ là Lương Công Nghệ là Đệ Nhất đại Tổ 第一代祖梁公 chính là Cụ Tổ mà con cháu vừa xây mộ.
Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn về quê giỗ Tổ tôi rất mừng vì sự đổi mới của quê hương; rất cảm động, đánh giá cao các anh, các cháu ở quê đã làm được nhiều việc để phục hồi, duy trì và phát huy việc họ. Trong đó có việc quyết định, huy động tiền của, nhân công…để xây dựng nên ngôi Mộ Tổ, đáp ứng nguyện vọng bao năm nay của quan viên họ. Nhưng khi phát hiện nhưng sơ xuất về chữ nghĩa nêu trên tôi thấy hơi chạnh lòng: ở vùng quê đất cổ thiếu gì người am tường chữ Nho hoặc nếu không có thể đi hỏi mà sao lại để như vậy. Hay là tôi cảm nhận sai? Nhưng tôi đã xem lại sách, hỏi các bậc cao niên mà tôi quen biết họ đều đồng ý với nhận xét của tôi.
Đắn  đo cân nhắc mãi nay tôi mới chuyển những suy nghĩ của tôi thành con chữ và càng khó khăn hơn khi đưa lên đây.
5. Nếu được tham vấn,  ý kiến của tôi đề xuất là:
(xem hình tôi tạo ra trên cơ sở tận dụng tôi đa ý, chữ và nội dung hiện đã thể hiện ở Mộ tổ).
Chữ ghi trên lăng mộ theo đề xuất của tôi
- Trên cùng: 梁族祖墓 (LƯƠNG TỘC TỔ MỘ, nghĩa là: Mộ Tổ họ Lương).
- Hàng thứ hai: 高密昔培基 (CAO MẬT TÍCH BỒI CƠ, nghĩa là: (Cụ Tổ) xây nền vùng Cao Mật).
- Cột bên phải: 同族心誠陵造立 (ĐỒNG TỘC TÂM THÀNH LĂNG TẠO LẬP, nghĩa là: Cả họ đồng lòng tri ân Tổ);
- Cột bên phải: 癸冬莘卯墓完成 (QÚY ĐÔNG TÂN MÃO MỘ HOÀN THÀNH, nghĩa là: Cuối Đông Tân Mão lập thành Lăng).
- Trên bia mộ: giữa bên trên ghi: 第一代 (ĐỆ NHẤT ĐẠI, Đời thứ nhất) tiếp là 2 hàng mà bên trái ghi: 祖考梁貴公諱藝 (TỔ KHẢO LƯƠNG QUÝ CÔNG HÚY NGHỆ, nghĩa là: Tổ khảo Lương Công Nghệ), bên phải ghi 祖妣梁氏諱頠 (TỔ TỈ LƯƠNG THỊ HÚY NGỖI, nghĩa là: Tổ tỉ Lương Thị Ngỗi) sau đó ở giữa bên dưới đề: 之墓 (CHI MỘ). Viết như vậy muôn đời sau, ở thế hệ nào vẫn đúng về vai vế so với Cụ tổ vì Cụ luôn là TỔ ĐỜI THỨ NHẤT của dòng Lương Đức Chiến Thắng.
Trong khuôn viên nên bổ sung một tấm Mộ chí (H: 墓誌, A: Epitaph,  P: Épitaphe) bằng đá tóm lược về quê quán và công nghiệp của Tổ để lưu truyền.
Dù sao thì bia đã khắc, viết ra mấy điều này tôi cũng băn khoăn, cân nhắc lắm nhưng chẳng lẽ lặng im! Thiết nghĩ nên chép lại để con cháu sau này biết rõ và cân nhắc mỗi khi có việc liên quan đến chữ nghĩa.
Ai đọc những dòng này, quan tâm đến việc này mà có ý kiến xin trao đổi tôi rất muốn nghe và sẵn sàng sửa chữa, bổ sung, cập nhật.
-Lương Đức Mến, cuối Hè 2012-


[1] Địa linh sinh nhân kiệt, điều đó đâu có sai. Nhưng chỉ là tiềm năng và cổ nhân đã từng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm long” (先積德後尋龍). Mỗi thành viên phải tự cố gắng mới phát huy được cái thế mà tiền nhân đã trao gửi.
[2]  Chắc hàm ý chỉ Cụ Thiệu, Cụ Quản từng “ứng thí bất đệ”.
[3] Có lẽ đây chỉ là sự lý giải cho việc con cháu sau này bỏ bê việc học, không theo được Tổ tiên.
[4] Chẳng hiểu thực hư ra sao nhưng ngay chú Vóc khi sinh 2 nam phấn khởi lắm nhưng rồi Lan (bằng tuổi tôi) hi sinh khi chưa kịp lấy vợ nên chú cũng chỉ 1 con, 1 cháu.
[5] Có người nói, hồi trước Cụ Nhu đã đào đem về đặt bên Mộ Tổ ngành Tư (mộ Cụ Đồ Thiệu). Tôi chưa minh xác chuyện này, mặc dù có lúc lăn tăn.
[6] Tổ sinh 6 nam nhưng cụ Lẫm mất sơm, cụ Chiêu vô tự nên chỉ có hậu duệ của 4 chi.
[7]  Trên Lào Cai con cháu bác Ruẩn, bố tôi, chú Rật góp và công đức được 15.000.000, đ tôi đã đưa về giao cho Trưởng họ và đưa danh sách lên trang Blog của dòng họ.
[8] Chỉ về công việc cho âm trạch 阴宅, khác với sửa chữa, đào đất khởi công xây dựng cho nhà ở hoặc một công trình khi “động thổ” 動土 ở dương trạch 陽宅,
[9] Lào Cai có vợ chồng và con Mến cùng Luân, Tràng, Hiếu về dự.
[10] Tôi cứ băn khoăn mãi: mộ Tổ được tiền nhân (chi Ba) đưa từ Tiên Lãng sang an táng ngay sát các mộ Tổ chi Ba, cạnh khu mộ của Cụ, Ông, Bà, Ông Bác tôi do gia đình tôi quy tập mà sao chưa thấy Cha tôi nhắc tới bao giờ và bao lần về quê ra nhận, sửa sang mộ tôi cũng chưa từng nghe Trưởng họ hay các anh thuộc chi Hai nhà tôi chỉ bao giờ?
[11] Chữ Nghệ này là tôi chép theo tự điển, còn chữ trong bia tôi không rõ là chữ gì.
[12] Chữ Ngỗi này tôi chép, còn chữ trong bia tôi không đọc được.
[13] Nếu người thảo chữ viết với ý khác thì tôi không dám bàn.
[14] Trên đời thứ 5 theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” 五代埋唇主 sẽ “tống giỗ”, dồn vào “Chạp”
[15] Gồm: Cao , tằng , tổ , cha , mình , con , cháu , chắt 曾孫, chít 玄孫. Hoặc có người nói gồm (Tử, con), (Tôn, cháu), (Tằng, chắt), (Huyền, chút), (Lai, chít), (Côn, nối)、仍 (Nhưng, quay lại), (Vân, xa), (Nhĩ, chút chít).
[16] Chắc do Cụ Lương Công Phác (con cụ Tuần Ngoạn, cháu  cụ Tổng Quản, chắt cụ Đồ Thiệu) chép Gia phả gọi Cụ Tổ là Cao Tổ nên đời sau ai đó không hiểu máy móc viết theo!  Sai sót này không chỉ riêng với họ ta!
[17] Tôi đã từng tiếp xúc cuốn Gia phả mà các Cụ từ 5 đời ngược lên đều gọi là “Cao tổ” hết! Chép thế càng về sau càng không thể phân biệt cụ nào là Bố, Ông, Cụ, Cố, Kỵ…của Cao tổ người soạn Gia phả hay lập bia ban đầu! Bây giờ ta có hệ chữ số La mã, số thập phân nên gọi theo “Đời”, tức “đại” là chuẩn nhất với nguyên tắc số đời càng ngược lên xa càng nhỏ và càng về sau số chỉ đời càng lớn.

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Theo thông tin của Lương Đức Vương và Lương Xuân Cảnh thì:
    Chiều ngày 31/12/2012 đại diện các chi phái họ Lương ở xã Chiến Thắng họp tại Từ đường ở thôn Phương Hạ, xã Chiến Thắng thống nhất: phần mộ (vọng) cho 6 người con của Đệ nhất đại Tổ (Lẫm, Chiêu, Tuấn, Tú, Thiệu, Linh) trong khuôn viên đã đặt Lăng mộ Tổ kèm 2 cây Đăng. Tổng trị giá ước tính khoảng 20 triệu đồng. Hiện đã có 10.000.000 (kinh phí xây dựng lăng của Tổ còn dư). Phần còn lại Hội nghị quyết định không thu bổ theo xuất đinh mà tùy tâm của mỗi người. Trước mắt Lương Hoàn Trân đã công đức 3 triệu. Ngày 02 tháng Chạp tới sẽ đặt mộ đá.
    Nếu hoàn thành đây đúng là khu mộ của dòng họ Lương Chiến Thắng 梁德族墓园.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!