Việc nhà nước có chủ trương đưa đồng bào vùng châu thổ lên khai hoang ở miền núi trong những năm 1960 có cội nguồn từ mối quan hệ hữu cơ “xuôi-ngược”, trong mối quan hệ xét cả ở góc độ tự nhiên lẫn kinh tế và xã hội và an nihh quốc phòng.
Theo các nhà địa chất học, nếu như lịch sử Trái Đất từ khi hình thành từ Tinh vân mặt trời cho tới nay dài khoảng 4,55 tỷ năm thì vùng miền núi phía Bắc Việt Nam là khu vực đất cổ, có tuổi địa chất rất cao. Những nét đầu tiên tạo diện mạo cho lãnh thổ Việt Nam xuất hiện từ giai đoạn tiền Cambri (Precambrian hay Pre-Cambrian, 4.500 triệu năm trước), kéo dài khoảng 3 tỷ năm từ đại Thái cổ (Archean/Archaean/Archeozoic, 3.500-2.500 triệu năm) qua đại Nguyên sinh (Proterozoic, 2.500-570 triệu năm) với trải qua 3 giai đoạn: đại Cổ nguyên sinh (Paleo-proterozoic, khoảng 1.600-2.500 triệu năm trước), đại Trung nguyên sinh (Meso-proterozoic, khoảng 1.000-1.600 triệu năm trước) và đại Tân nguyên sinh (Neo-proterozoic, khoảng 542-1.000 triệu năm trước). Trong quá trình kiến tạo địa chất Việt nam, vào Đại Tân sinh (Cenozoic, 0-65 triệu năm trước) tại khu vực vỏ trái đất mà sau thuộc biên giới bắc Việt Nam đã diễn ra 6 chu kỳ hoạt động nâng và sụt làm thành các bậc địa hình như hiện nay. Ở miền Bắc, bậc thềm cổ cuối cùng chính là rẻo đất tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng.
So với khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng (còn gọi là châu thổ sông Hồng) được hình thành muộn hơn rất nhiều. Lịch sử địa chất ghi nhận: vùng này nằm trên một lớp đá kết tinh cổ, loại giống nền đá ở vùng Đông Bắc và cách đây 200 triệu năm, vào Kỷ Permi (Permian) cuối đại Cổ sinh (Paleozoic, khoảng 248-542 triệu năm trước), lớp đá này bị sụt xuống. Vào thời đó, biển lên đến quá Việt Trì ngày nay, tiến sát các vùng đồi mà ngày nay mang tên Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Nho Quan. Cửa sông Hồng lúc đó ở Việt Trì nay. Chế độ biển kéo dài trên 170 triệu năm. Các trầm tích Neogen lắng xuống làm cho vịnh biển thu hẹp lại. Lớp trầm tích này có nơi dày đến 3000 mét. Trên cùng là lớp phù sa Holocen dày từ 80 đến 100 mét ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, và càng xa trung tâm thì càng mỏng dần. Khi biển rút, bồi tụ phù sa của 2 hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đã góp phần hình thành và ngày càng mở rộng vùng châu thổ này. Đồng bằng sông Hồng có diện tích 14,806 km² (chiếm 4.5% diện tích cả nước) bao gồm 10 tỉnh và thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình) nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa trung du miền núi phía Bắc với vùng Biển Đông, là khu vực phát triển một nền nông nghiệp trồng lúa nước có truyền thống lâu đời.
Giữa đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc có quan hệ chặt chẽ, sâu sắc trước hết dưới góc độ tự nhiên. Các hệ thống sông của vùng châu thổ đều chảy qua hoặc khởi nguồn từ miền núi phía Bắc. Sông Hồng và sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua vùng Tây Bắc và tiếp nhận thêm nhiều phụ lưu. Sông Đáy bắt nguồn từ Tây Bắc cũng đóng góp một phần không nhỏ vào việc bồi tụ phía nam đồng bằng. Hệ thống sông Thái Bình liên thông với hệ thống sông Hồng bởi sông Đuống, sông Luộc và sông Trà Lũ; bên cạnh đó còn có sự hợp lưu của nhiều dòng sông khác bắt nguồn từ các cánh cung Đông Bắc như sông Thương, sông Lục Nam, sông Ba Chẽ, sông Kinh Thầy, sông Văn Úc… Mọi động thái về môi trường tự nhiên ở miền núi phía Bắc đều ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bằng sông Hồng. Trên nền mối quan hệ tự nhiên như vậy, ngay từ buổi bình minh của lịch sử, giữa miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng đã có quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Các nhà sử học cho rằng, châu thổ sông Hồng là đồng bằng được “đẻ non”; bởi lẽ, trước đây tổ tiên của người Việt vốn sinh sống ở khu vực miền núi và trung du, sau do sức ép về dân số nên đã phải xuống chinh phục khu vực đồng bằng còn đang trong quá trình bồi tụ. Hệ thống đê điều đồ sộ còn lại cho đến nay là minh chứng cho nhận định đó. Mặc dù đã định cư và phát triển ở đồng bằng, các thế hệ người Việt luôn có quan hệ chặt chẽ với các địa phương miền núi. Miền núi được coi là khu dự trữ nhiều loại sản vật cần thiết cho đồng bằng: Gỗ và tre nứa để làm nhà, các loại thảo dược, các đặc sản của rừng… Từ thời lập quốc, miền núi phía Bắc đã là bộ phận không thể chia cắt của quốc gia, là “phên giậu của Tổ quốc”, là tiền đồn chống lại các thế lực bành trướng đến từ phương Bắc. Giữa người Kinh[1] với các tộc người ở miền núi phía Bắc có quan hệ giao lưu từ rất sớm. Họ là đồng chủ nhân của nền văn minh sông Hồng rực rỡ, của văn hóa Đại Việt hào hùng. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự xen cài giữa các yếu tố văn hóa “xuôi-ngược”. Điều đó thể hiện cả trong ngôn ngữ và các biểu hiện văn hóa vật chất. Ví dụ, “mương-phai” là sáng tạo của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái, được người Kinh, người Mường học, áp dụng trong thực tế và làm giàu thêm cho vốn ngôn ngữ của mình; một số từ của người Kinh được ghép bởi 2 thành tố. Ví dụ: “tre” (tiếng Kinh)-“pheo” (tiếng Tày Thái), “chó” (tiếng Kinh)-“má” (tiếng Tày Thái), …
Lịch sử như một vòng xoáy: người Việt cổ vốn có cội nguồn ở khu vực miền núi và trung du, sau do sức ép về dân số nên đã chuyển dịch xuống vùng đồng bằng vừa mới hình thành. Hàng ngàn năm sau, đồng bằng trở lên đất chật, người đông lên hậu duệ của những cư dân khai phá đồng bằng năm xưa lại ngược bước chân tổ tiên mình lên vùng núi khai hoang những vùng “đất rộng người thưa”.
Trong suốt chiều dài lịch sử, bao thế hệ người Kinh từ miền xuôi đã theo lối mòn hay trên những bè mảng dắt díu nhau vượt thác theo sông Hồng xa quê cha đất tổ ngược lên vùng “rừng thiêng nước độc” này. Việc di dân từ châu thổ lên “mạn ngược” có khi là tự phát, ra đi lẻ tẻ, có đợt là đi đông, nhiều người, nhiều hộ theo kế hoạch, tổ chức của nhà nước. Cùng với việc di dân là việc điều động quan lại, binh lính, công chức, phu đồn điền, phu mỏ...và sau này là cán bộ, bộ đội, công nhân từ các tỉnh miền xuôi lên đảm nhận nhiệm vụ tại Lào Cai rồi “đất lành chim đậu” ở lại lập nghiệp xây dựng quê hương mới. Trong đó rầm rộ, có tổ chức quy mô chặt chẽ nhất là việc đi khai hoang của đồng bào các tỉnh Kiến An (sau là Hải Phòng), Thái Bình, Nam Hà lên Lào Cai trong những năm 1961-1975.
Cùng với dân bản địa, những người mới đến đã góp công, góp sức, đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng, bảo vệ vùng “phên dậu quốc gia” Tây Bắc này. Đồng thời với nguồn gốc dân cư như vậy nên tạo cho Tây Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng có một sắc thái văn hóa đặc biệt.
Để hiểu hơn về chặng đường hình thành và phát triển của công cuộc khai hoang ở Lào Cai, cần ngược dòng thời gian để xuôi dòng sông Hồng về châu thổ tìm hiểu vùng nước lợ xứ Đông thuở xưa đến những năm người dân nơi đây theo lời Đảng gọi lên khai hoang lập nghiệp tại Lào Cai. Đồng thời cũng rất cần tìm hiểu về vùng đất mang danh “Lào Cai”, từ cấp hành chính phân ra “châu” (từ 1905) rồi “phủ” đến gọi chung là “huyện” (từ 1944); từ “động”, “giáp” đến thống nhất gọi là “xã” (từ 1838) được khởi đầu và phát triển ra sao, có những gì biến đổi. Đây cũng là những giai đoạn, địa phương có những ảnh hưởng quyết định đến quá trình lập nghiệp của người Hải Phòng trên đất Lào Cai mà không phải dễ hiểu, dễ nhớ với mọi người.
Lương Đức Mến (thế hệ thứ hai từ Hải Phòng lên khai hoang Lào Cai), BS trên có sở ST từ nhiều nguồn.
[1] Dân tộc Kinh 京族, còn gọi là người Việt 京族là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Vào thời trung, cận đại họ sinh sống chủ yếu ở đồng bằng và xen kẽ ở trung du. Theo PGsTs Nguyễn Tá Nhi: Chữ “Kinh” thoạt đầu do người thiểu số trên mạn ngược gọi những người từ miền xuôi lên làm ăn ở miền núi mà trong đó có không ít những kẻ thiếu lương thiện. Thấy những kẻ từ phía kinh thành đi lên đầy thói hư tật xấu, hay bày trò lường gạt nên người bản địa vùng Cao Bằng đã có câu: “Con ra ngoài cửa con trông, Thằng Kinh nó hỏi bảo không có gì”… Nhưng rồi về sau, từ Kinh lại có nghĩa tích cực, mang tính phồn hoa đô hội, văn minh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!