Từ quê, cháu Lương Đức Thuần điện lên thông báo: sau hai tháng thi công, mộ Tổ đã hoàn thiện sắp xong. Cuối năm không thể về được, dựa vào Long văn tế Tổ soạn từ trước và tham khảo một số bài văn tế ngày khánh thành mộ của các “Danh gia Vọng tộc”, tôi soạn bài này mong được quan viên họ nghiên cứu, bổ sung, góp ý.
Kính cáo Thổ địa!
Kính lạy Tổ tiên!
HÔM NAY:
HÔM NAY:
Ngày tháng Chạp khí sáng, trời xanh,
Đất Phương Hạ rộn vui xóm ngõ.
Con cháu tộc Lương,
Từ mọi phương hướng về đất Tổ.
Ngắm núi Voi xanh ngát, tưởng lại cội xưa;
Nhìn sông Úc trong veo, nghĩ về nguồn cũ.
NHỚ THỦY TỔ XƯA:
Tiên Minh[1] chính nơi sinh;
Mộc Thủy[2] là thế phổ.
Vừa lúc 2 con gia cảnh gặp buổi điêu linh,
Cũng khi một cõi loạn li cơ đồ nghiêng ngửa.
Xứ Đông lụt lội, nhân cảnh tang thương,
Làng xóm xác xơ, đời càng thêm khổ.
Đành một gánh từ bỏ quê hương,
Dắt vợ con tìm nơi dễ thở[3].
Thấy bên tả sông Văn nước ngập, muỗi đầy, người vẫn còn thưa,
Bèn sang đó đắp bờ thau chua, rửa mặn, phát hoang, cầy vỡ.
Vừa quyết đem công, đem trí gắng sức tự lo,
Lại được họ Nguyễn, họ Mai[4] giang tay giúp đỡ.
Dựng thành làng thành xóm, nên ruộng nên đồng.
Xây nên lớp, nên nhà, thành chồng, thành vợ.
Nhớ cố hương, người trở lại Đăng Lai[5],
Tiếp cuộc sống và giữ hương khói Tổ.
Để lại cháu con mở mang quê mới,
Xây nên dòng họ Lương ở nơi tân thổ.
ĐẾN ĐỨC TỔ TA:
Cha vốn gốc Phương Lai,
Mẹ Quan Bồ[6] cùng lộ.
Tuổi thơ ấu, vốn chẳng biết nhau,
Thời khôn lớn nên duyên chồng vợ.
Tiếp việc mẹ cha xây dựng Hạ Hương[7],
Dồn công sức, khơi mương, vượt thổ.
Bồi lấp bãi lầy,
Dọn quang lăn, cỏ.
Đây Cốc Tràng, Tôn Lĩnh, Kim Côn khi sương chiều, khi nắng sớm, nghĩa hương thôn ấm lạnh đỡ đần;
Kìa Phương Lạp, Mông Tràng, Tôn Lộc[8], lúc nắng Hạ, lúc mưa Đông, tình xóm làng răng môi gắn bó.
Việc cấy cày, đã hết dạ chăm lo,
Đường học vấn, còn dày công dạy dỗ[9].
Thuật xử thế ngoài êm trong ấm, thầy hay bạn tốt, chọn nhân nghĩa làm phương châm;
Việc tề gia trên thuận dưới hòa, con thảo cha hiền, lấy hiếu từ làm quy củ.
Công ơn mở đất, ai cũng kính yêu,
Tâm huyết xây quê, đời càng thấy rõ.
Theo đà tiến triển, cùng dân cũ tô điểm quê cha;
Giữ nếp cổ truyền, nhớ cội nguồn dựng xây đất tổ.
THẾ RỒI :
Đang lo cấy cày, gặp buổi nhiễu nhương,
Lại thương nỗi nhân dân đói khổ.
Vâng mệnh Vua, Văn Úc xuôi dòng,
Việc điếu phạt ra quân chẳng nỡ.
Trong một trận tuy phỉ bình nhưng Cụ bị trận vong,
Nhớ lời dặn, cháu con chọn lấy làm ngày giỗ Tổ.
Sống nhiệt thành, tử trận linh thiêng,
Với hậu thế Người luôn phù hộ[10].
Noi gương Tổ: ngày thất bát hai vợ chồng- Bên nồi, bên con, thau chua rửa mặn lập ra làng xóm, gây nghiệp kiệm cần;
Học tiền nhân: Buổi khai hoang vài chi phái- Vượt núi, băng rừng, san đồi, phát rẫy dựng nên thôn bản, xây dòng tiến bộ[11].
Lời xưa, ý nay bồi đắp: đạo Thánh hiền cháu con ghi nhớ noi theo,
Đất cũ, làng mới xum vầy: tình cốt nhục khắp nơi thân thương gắn bó.
TỔ TIÊN TA:
Đức khai cơ cao tựa núi Voi;
Ân dưỡng dục dài hơn sông Úc.
Mênh mông bể cả, tổ ấm tài bồi;
Thăm thẳm non cao, tôn công tế độ.
NHƯNG HỠI ƠI!
Lúc “Toàn dân ra trận”, Cháu con xa, Gia phả chưa từng cập độ[14].
Bởi câu “Lực bất tòng Tâm”, dẫu đau đớn chỉ giữ trong lòng;
Gặp lúc “Quốc thái dân an”, dầy Công đức phục nguyên việc họ.
NAY GẶP BUỔI:
Kinh tế thị trường,
Giao lưu mở cửa.
Một hướng đi lên,
Muôn điều thách đố.
Sao cho kịp bước canh tân,
Để khỏi mang danh bảo thủ.
Học ông cha: mở óc suy tư,
Cùng dòng họ: bền gan gắng cố.
Khắp tứ phương: Nam, Bắc, ngược, xuôi,
Dù bách nghệ : sĩ, nông, công, trí.
Đường kinh doanh đã quyết là thành,
Nghiệp khoa cử đã thi là đỗ.
Kẻ tha hương khơi dòng ôn cố, xây dựng cơ đồ, nhớ chốn chôn rau ;
Người ở quê giữ phần hương khói, chăm sóc Từ đường, tạo tôn mộ Tổ.
THẾ MỚI BIẾT:
Tu nhân, tích đức, Phật đền cho,
Khổ tứ, lao tâm, Trời chẳng phụ.
Trải lúc cơ trời biến cải, dù buổi thái bình hay cơn binh lửa, sức âm phò quả đã vô cùng;
Qua tuần cuộc thế đổi thay, dù nơi đất khách hoặc ở quê nhà, ơn mặc trợ thật là sáng tỏ.
Đất lành người đảm, đời này sang đời nọ, thụ hưởng hồng ân;
Nhân tốt quả xinh, lớp trước tiếp lớp sau, đượm nhuần phúc thọ.
BỞI THẾ CHÁU CON NAY:
Tái thiết Từ đường[15];
Chỉnh trang Phần mộ[16].
Mừng thay Khánh lễ Lạc thành;
Vui bấy sự hoàn tu bổ!
Nhớ người góp công, đủ tiền dựng chỗ thắp hương;
Ghi người công đức, có đất làm nơi xây mộ.
Nhờ ơn Tiên tổ, mách thầy mách thợ, xây cất chu toàn;
Với sức cháu con, góp của góp công, khuôn viên đầy đủ.
Mộ phần tu chỉnh, nghìn thu cựu tích tô bồi;
Tự sở phong quang, năm Phái[17] cơ ngơi minh lộ.
LẠI THÊM:
Gia phả chỉnh tu;
Phả đồ cập độ.
Lần xem tiểu sử, lưu công đức muôn đời;
Theo dõi sơ đồ, rõ quế hòe trăm nụ.
Sưu tầm tài liệu, thi văn tuyển trạch, phụ lục dồi dào;
Bổ túc di dung, thế thứ phân minh, Phái Chi đầy đủ[18].
CON CHÁU HÔM NAY :
Thắp nén trầm nghi ngút tại Từ đường,
Đặt nhành hoa ngạt ngào bên Mộ Tổ.
Tấm lòng tôn kính, lễ bạc tiến nghinh ;
Văn tế nôm na, tấc thành biểu lộ:
Tưởng nhớ ân sâu Đấng Anh Linh,
Tâm nặng nghĩa dâng Tiên Liệt Tổ.
Mong Tổ tiên từ cõi linh thiêng,
Giúp con cháu mọi đường tiến bộ.
Rách lành đùm bọc, trước sau đoàn kết, nội ngoại tương lân;
Linh hiển chở che, năm tháng hộ trì, Mộ phần kiên cố.
Nguyện Hiếu, Trung, vì Nước vì Dân,
Tròn đạo nghĩa với Đời, với Họ.
Rèn NHÂN NGHĨA TRÍ DŨNG LIÊM,
Để KHANG NINH PHÚC LỘC THỌ.
Xây làng xóm Văn minh,
Dựng Quốc cường, dân phú.
Khắp ngược xuôi, Hạnh phúc Yên Vui,
Dòng Lương tộc danh thơm muôn thuở.
-Cúi xin Tiên Tổ chứng minh, thượng hưởng, phù hộ-
Lương Đức Mến (Đời thứ Bẩy) phụng soạn 遞七代梁德悗 奉纂.
[1] Tiên Lãng xưa, vào thời Lê Thánh Tông là huyện Tân Minh 新明縣, năm 1600 do kiêng húy Vua Lê Kính Tông hiệu Duy Tân nên Tân Minh đổi thành Tiên Minh 先明 sau đó do phạm húy Vua Hàm Nghi (hiệu Ứng Minh) nên năm 1884 đổi thành Tiên Lãng 先朗.
[2] Bộ Mộc 木 ghép với chữ Thủy 水 viết dưới dạng bộ 氵thành ra chữ Lương 梁, chỉ tên dòng họ.
[3] Giữa thế kỷ XVIII, gặp cảnh “Gia bần niên cơ” Thượng tổ “bên nồi bên con” từ Tiên Minh sang đất Cao Mật khai cơ, lập nghiệp.
[4] Những họ có trước ở Cao Mật.
[5] Đăng Lai 登來 (sau cải là Phương Lai 芳來) thuộc tổng Kênh Thanh (nay là xã Cấp Tiến huyện Tiên Lãng).
[6] Quan Bồ 關蒲 thuộc tổng Kênh Thanh.
[7] Làng Hạ là tên Nôm của Mông Tràng Hạ蒙場下, làng Hương là tên Nôm của Phương Lạp 方粒 thuộc tổng Cao Mật高密總, nơi Thượng tổ dừng chân ban đầu.
[8] Các xã thuộc tổng Cao Mật tính từ thượng nguồn xuống là: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Mông Tràng Hạ 蒙場下, Phương Lạp方粒, Cốc Tràng 谷場, thôn Tôn Lộc 尊祿 và Cao Mật 高密.
[9] Con cháu cụ Đồ Thiệu 第四枝宗 梁公劭
[10] Xem bài “Hạ Thập kỳ” và lịch sử ngày giỗ Tổ.
[11] Chỉ các chi phái họ Lương gốc xã Chiến Thắng, hyện An Lão, đi xây dựng quê hương mới ở Lào Cai, Điện Biên, Đắc Lắc,…
[12] Có lẽ đây là trận càn vào Khu Hoàng Diệu hồi 14 tháng 7 Đinh Hợi (29/8/1947).
[13] Mộ cụ Lương Công Trạch táng tại Kim Đới 今帶, Tiên Lãng, Hải Phòng còn Mộ cụ Lương Công Nghệ ban đầu táng tại xã Dư Đông 余東, tổng Phú Kê 富鷄 (Đông Cầu, Minh Đức, Tiên Lãng).
[14] Theo các bậc cao niên và phụ thân tôi truyền lại thì ý tưởng lập lại Gia phả họ ta trong thời Cận đại được bắt đầu từ cuối TK XIX. Khi ấy các Cụ Tiên Mạo, Tổng Thuyết dựa vào trí nhớ, hỏi thêm các bậc cao niên từng gia đình, Chi, Nhánh mà soạn Gia phả ngành. Công việc chưa thành thì các cụ ra đi, Cuốn Gia phả soạn dở đó về sau đã thất lạc, không được lưu truyền. Sau Hoà bình Bác Thịnh, Bác Chiểu đã cố công chép lại Gia phả Chi thứ Ba (bản chép tay đề ngày 19/3 Đinh Tị, tức 06/5/1977). Song chưa hoàn thành và cuốn đó cũng đã thất lạc.
[15] Trong dịp Chạp Tổ Rằm tháng Giêng Kỉ Mão (1999) toàn họ đã nhất trí thực hiện việc xây Nhà thờ Tổ. Địa điểm được chọn là gần nền Từ đường cũ (phía sau nhà Trưởng họ). Kinh phí do con cháu đóng góp theo xuất trai đinh và Công Đức tự nguyện.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 3/1999 công trình được khởi móng, nhiều con cháu ở quê đã trực tiếp góp sức thi công. Ngày 12 tháng 3 Canh Thìn (16/4/2000) khánh thành.
[16] Khởi công từ tháng 11/2011.
[17] Tổ sinh 6 Nam, nhưng chỉ 5 có hậu duệ đến nay, hình thành nên 5 chi, chi nhà tôi là thứ Ba.
[18] Lương Hoàn còn giữ được Gia phả nhưng chưa mấy cập nhật. Trong những năm 1995-1998 các Chi ở quê đã lập Danh sách con cháu từng đời. Bắt đầu từ tháng 3/1997 tôi bắt tay vào viết cuốn: Lược thuật về Lương tộc và gia đình và đến tháng 7/1999 hoàn thành. Sau đó, trên cơ sở tư liệu mới sưu tầm được, tôi đã hoàn thành việc soạn thảo Gia phả dòng Lương Đức trên Lào Cai vào ngày 30 tháng 01 năm 2007, tức là ngày 12 tháng Chạp năm Bính Tuất (丙戌年 十二月小 莘丑月), là nén tâm nhang kính dâng hương hồn thân phụ nhân 10 năm ngày mất của người (1997-2007).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!