An Lão trong bản đồ Đồng Khánh, địa danh tôi phiên âm |
Từ một địa danh chỉ vùng đất rộng thời xa xưa, nay “An Lão” (安老=bình yên lâu dài) chỉ còn chỉ 1 huyện ở Hải Phòng và 1 huyện ở Bình Định.
Nơi đây nguyên là vùng đất cổ mà thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền 陽泉 (Thang Tuyền 湯泉 ?). Trong thời kỳ Bắc thuộc (北屬時代, 207 tCn-938) thì tùy triều đại cai trị mà đặt vùng này nội thuộc khác nhau: thời Tần thuộc quận Nam Hải 南海, Hán thuộc quận Giao Chỉ 交趾, sang nhà Đường đặt thuộc trấn Hải Môn 海門, sau gọi là châu Hồng 洪州.
Buổi đầu độc lập, ba triều Đinh, Lê, Lý vẫn đặt thế. Nhà Trần đặt thuộc lộ Hồng Châu và từ đó, An Lão trở thành một huyện (gồm đất đai của An Lão, Kiến Thuỵ, Kiến An và Đồ Sơn hiện nay) thuộc châu Đông Triều, phủ Tân Hưng.
Trong thời củng cố nền độc lập, năm 1468 nhà Lê đặt thuộc Thừa tuyên Nam Sách và năm sau, Vua Lê Thánh Tông cắt một phần An Lão lập huyện Nghi Dương, về sau thuộc phủ Kiến Thụy (7 huyện: Nghi Dương, Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Kim Thanh, An Dương, Thuỷ Đường. Thời Nguyễn, phủ Kinh Môn lĩnh hai huyện, tính nhiếp 1 huyện là: Giáp Sơn, Thuỷ Đường và Đông Triều) trấn Hải Dương 海陽[1]. Khi nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) lập kinh đô ở Nghi Dương (nay là quận Kinh Dương) lấy các vùng quanh đó: Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình đều cho lệ vào Dương Kinh 阳京.Thời ấy, do cách không xa cửa biển là mấy nên ven sông Úc là bãi bồi, đầy vũng trũng, sú vẹt còn hoang thưa lắm, quan quân nhà Mạc đưa tre từ Thanh Hoá về, tập hợp dân đóng kè, quai đê lấn biển, nắn sông, lập nên làng ấp, trong đó có các làng vùng Cao Mật. Lâu dần, dân khai phá bồi đắp thành đồng lúa.
Thời Lê đổi lại như cũ và vì Hải Dương đã được bình định[2] nên 1741, Trịnh Chúa chia làm bốn đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, An Lão, và Đông Triều, mỗi đạo đặt một chức tuần thủ để chiếu theo địa phận vỗ về dân chúng. Tháng 9 nhuận năm Cảnh Hưng thứ 28 (Đinh Hợi, 1767), Trịnh Sâm lấy cớ rằng trong nước điêu tàn hao hụt, nếu đặt nhiều quan chức chỉ phiền nhiễu cho dân, bèn hợp lại hoặc bỏ bớt gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận kiêm lý. Khi đó An Lão do Thuỷ Đường kiêm lý. Đây là giai đoạn Cụ Thượng tổ nhà tôi từ Tiên Minh vượt Văn Úc sang lập nghiệp.
Thời Nguyễn, An Lão trở thành một huyện của tỉnh Hải Dương (năm 1831) nằm trong Phủ Kiến Thuỵ 建瑞府 (từ năm 1833, gồm 4 huyện: Nghi Dương 宜陽, Kim Thành 金城, An Dương 安陽 và An Lão 安老) do huyện Kim Thành kiêm nhiếp (từ 1851) rồi thuộc tỉnh Hải Phòng vào năm 1887 do phủ Kiến Thụy 建瑞府 kiêm nhiếp. Thời Đồng Khánh (同慶, 1885-1889) An Lão có 10 tổng với 62 xã, thôn.
Dưới thời thuộc Pháp, khi tỉnh Kiến An được thành lập (02/1906) An Lão thuộc tỉnh này, gồm các tổng: An Luận 安論 (8 xã), Văn Đẩu 文斗 (7 xã), Phù Lưu 芙畱 (6 xã), Biều Đa 裒多 (7 xã), Cao Mật 高密 (8 xã), Du Viên 榆圜 (5 xã), Đâu Kiên 兜堅 (8 xã), Câu Thượng 枸上 (7 xã), Quan Trang 觀莊 (8 xã), Phương Chử 方渚 (7 xã), Đại Hoàng 大黃 (7 xã), Đại Phương Lang 大方榔 (7 xã)[3]. Trong đó có làng Hạnh Thị tổng Đại Phương Lang 海陽省,建瑞府,安老縣,大芳榔總,杏市鄉 là quê hương Hoàng giáp Lê Khắc Cần (黎黃甲克謹, đỗ khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức, 1862).
Trong Cách mạng tháng Tám, đêm 16 rạng ngày 17 tháng 8 năm 1945 Tự vệ An Lão xuất phát từ căn cứ Câu Trung cùng đông đảo quần chúng nhân dân vũ trang đột nhập huyện lỵ buộc Tri huyện cùng toàn bộ lính tráng hạ súng đầu hàng, nộp ấn tín, tài liệu và vũ khí cho cách mạng. Chính quyền Cách mạng thành lập ngày 25/8. Đầu cuộc kháng chiến, tháng 3/1947 liên tỉnh uỷ Hải - Kiến thành lập Đảng bộ huyện An Lão lãnh đạo quân và dân xây dựng huyện, kháng chiến chống thực dân Pháp và củng cố hệ thống chính trị. Do vậy đã phá tan nhiều cuộc càn quét, tàn phá của địch, mà tiêu biểu là cuộc chiến đấu chống càn ngày 21 tháng 4 năm 1953 tại làng Đại Điền xã Tân Viên. Sau đó, ba trăm ngày cuối cùng của thực dân Pháp ở An Lão là ba trăm ngày giằng co quyết liệt giữa quân và dân ta với bọn thực dân phong kiến, kết thúc 9 năm kháng chiến vô cùng gian khổ và anh dũng của dân tộc ta, chấm dứt sự thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp.
Vì là vùng tập kết nên nhân dân An Lão hưởng chế độ hòa bình muộn so với toàn miền Bắc. Ngày 8/5/1955 chính quyền huyện ra mắt nhân dân. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã có Nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng và từ đó địa danh Kiến An không còn chỉ đơn vị hành chính cấp tỉnh, An Lão là thành viên của thành phố Cảng.
Ngày 04/4/1969 An Lão nhập với Kiến Thuỵ thành An Thuỵ rồi 11 năm sau, 16 xã cũ của An Lão nhập vào thị xã Kiến An thành huyện Kiến An bởi Quyết định số 71/QĐ-CP ngày 05/3/1980 của HĐCP lập huyện An Thuỵ, Đồ Sơn và Kiến An.
Trong thời kỳ đổi mới, ngày 8/8/1988 tái lập huyện An Lão theo Quyết định số 100/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Khi Kiến An, Đồ Sơn nâng thành Quận, lập quận mới Dương Kinh thì một số thôn, xã của An Lão được cắt về đó và địa giới An Lão thu hẹp lại.
An Lão và vùng phụ cận ngày nay |
Ngày 05 tháng 4 năm 2007 Chính phủ ra Nghị định Số: 54/2007/NĐ-CP “Thành lập thị trấn Trường Sơn thuộc huyện An Lão trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu dân số hiện có của xã Trường Sơn”. Sau khi thành lập thị trấn Trường Sơn: huyện An Lão có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Bát Trung, Trường Thọ, Trường Thành, An Tiến, An Thắng, Tân Dân, Thái Sơn, An Thái, An Thọ, Mỹ Đức, Chiến Thắng, Tân Viên, Quốc Tuấn, Quang Trung, Quang Hưng và thị trấn An Lão, thị trấn Trường Sơn.
Về ranh giới: Phía Bắc giáp huyện An Dương, ranh giới là sông Lạch Tray; phía Nam giáp huyện Tiên Lãng, ranh giới là sông Vạn Úc; phía Tây giáp tỉnh Hải Dương; phía Đông Nam giáp huyện Kiến Thụy; phía Đông giáp quận Kiến An.
[1] Mang nghĩa “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”
[3] Như thế, đại thể các xã ngày nay là các tổng xưa: Chiến Thắng=Cao Mật, Mỹ Đức=Biều Đa, An Thọ=Đại Phương Lang...còn Phù Lưu và Văn Đẩu về Quận Kiến An.
-Lương Đức Mến, ST và BS-
Trong bản đồ đầu trang thì:
Trả lờiXóaChữ Hán ghi thành: Kim Thành huyện Quan Trang tổng
Những chữ Hán ghi địa danh cấp Tổng (trong ô chữ nhật): Sơn (câu) Thượng tổng, Kim thành huyện Đâu Kiên, Du Viên nhị tổng, Phương Chử tổng, An Luận tổng, Đại Hoàng tổng, Bầu Đa tổng, Phù Lưu tổng, Cao Mật tổng, Đại Phương Lang tổng, Văn Hòa tổng, Văn Đấu tổng.
Các địa danh chỉ núi: Ích Sơn, Phiên Sơn, Tượng Sơn, Tiên Hội Sơn, Đấu Sơn, Mã An Sơn, Vụ Sơn, Dương Sơn, Đào Lĩnh.
Các địa danh chỉ đền: Dụ Khánh Thần từ, Văn từ, Chiêu Nương Phụ Mã Thần từ.
Địa danh khác: Cẩm La tam kì, C âu Thượng tam kì, Trạm Bạc tam kì.
Các chữ chỉ tên xã quá nhỏ.