Người Việt rất tôn kính Tổ tiên và Hiếu nghĩa với người đã khuất nên chú trọng việc tang ma, thờ cúng. Tang ma là một nghi thức lớn trong các nghi lễ vòng đời. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, tôn giáo lại có những nét riêng. Do vậy ở nơi “chín người mười làng”, xen kẽ các dân tộc, tôn giáo, con cháu, thân quyến lại không sống cùng…thì nhiều khi rất lắm lời bàn, chỉ bảo. Nếu tang chủ không vững chỉ huy dễ rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Dù sao nơi con cháu tộc họ Lương ở Lào Cai sinh sống đều là người gốc đồng bằng Bắc bộ, chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo nên đã bảo lưu lối sống làng xã cổ truyền và các phong tục kèm theo khá bền vững. Chuyện tang ma đã nhiều sách chỉ dẫn và nhiều người từng tham gia với đủ mọi tư cách nhưng chắc gì đã hiểu rõ “ngọn nguồn lạch sông”.
1. Trước hết về ngữ nghĩa:
TANG: 喪 còn đọc là “táng”, tức lễ đám ma. Tang là sự đau buồn khi có người thân mới chết, là lễ chôn cất người chết (an táng, mai táng), là dấu hiệu (áo, mũ, khăn. Kèn, tiếng khóc...) để tỏ lòng thương tiếc người chết. Cư tang 居喪 hay Tang lễ (H: 喪禮, A: Funeral rites, P: Rites funèbres) là nghi thức làm một đám tang. Trong đó có từ “tang” trong “Tang điền thương hải” (H: 桑田蒼海, A: The field of mulberry-tree changes into the blue sea, P: Le champ des muâriers change en mer bleue) là nói tắt câu: Tang điền biến vi thương hải, tức: ruộng dâu biến thành biển xanh suy rộng ra là: Cảnh đời luôn luôn biến đổi, không có gì gọi là bền vững vĩnh viễn.
MA: 魔 Những linh hồn và chân thần người chết chưa siêu thăng hay chưa định phận, còn ở lại cõi trần, thường quanh quẩn bên cạnh người sống hay ở bãi tha ma để phá khuấy người sống. Ma chay là lễ chôn cất và cúng người chết theo tục lệ cổ truyền
LỄ: 禮 Cách bày tỏ kính ý bằng cử chỉ hay bằng cúng tế, có nghi tiết.
Như vậy tang ma có nghĩa là lễ chôn cất cúng kính, cùng những quy định về việc để tang và đưa đám người thân mới chết hay gọn hơn: Tang lễ là nghi thức làm lễ trong một đám tang hay còn gọi là đám ma. Tang chế là phép tắc quy định việc đưa đám và để tang. Từ đó có những từ: tang phục, tang sự, tang gia, tang chủ, đám tang, để tang, bịt khăn tang, đeo băng tang, mãn tang, xả tang, tống tang, hộ tang ...
Tới đây xuất hiện vấn đề mới mà lúc chuẩn bị đám ma cho chị Nguyễn Thị Đê mấy người tranh luận: “Ban Lễ tang” hay “Ban Tang lễ” ?. Tôi cho rằng nói theo ngữ pháp người Hán thì phải là Tang lễ Ban 喪禮班, còn người Việt nói ngược lại. Trong cưới xin đã thấy ai gọi là Dạm Lễ, Ăn hỏi Lễ, Dẫn dâu Lễ, Cưới Lễ…đâu? Không hiểu sao trong ma chay lại tồn tại 2 cách nói?
2. Vấn đề xác định vong mệnh:
Khi có người thân mất, một trong những việc làm đầu tiên của của đình là xem người vừa mất tuổi gì (theo Can Chi của lịch Âm) để nhờ thầy tính giờ liệm, ngày giờ nhập quan, đưa tang, hạ huyệt. Ai cũng biết: việc tính Niên mệnh theo Ngũ hành của năm sinh có rất nhiều ứng dụng trong việc chọn bạn đời, người cộng sự, tính ngày giờ tiến hành các công việc đại sự…, trong đó có Tang ma và Niên mệnh thì cứ sau 1 Hoa giáp 六十花甲 lại quay trở lại vòng khác.
Vong mệnh (亡命, mệnh người mất) liên quan đến năm sinh. Tên gọi năm phụ thuộc văn hóa, tôn giáo, dân tộc áp dụng loại lịch nào. Người Cơ đốc lấy năm Chúa giáng sinh là năm 1 gọi là Công nguyên là Dương lịch. Người theo đạo Phật lấy ngày Phật đản sinh làm năm 1, năm 1 Phật lịch là năm 544 tCn. Người Hồi giáo lấy năm 622 làm năm đầu. Một số nước phương Đông, trong đó có nước ta dùng hệ thống năm Can Chi có chu kỳ 60 năm lặp lại.
Vì Thiên can 天干 có 10 chữ nên từ Công nguyên trở đi các năm chẵn chục đều là can Canh, năm tận cùng 4 là Giáp còn đối với năm trước công nguyên năm tận cùng bằng 7 sẽ là năm Giáp cứ thế tính tiếp. Địa chi 地支 có 12 chữ, được gán cho tên 12 con vật. Bắt đầu bằng chi Tý (Chuột) kết thúc bằng chữ Hợi (Lợn). Thập nhị chi chỉ năm ứng với 12 con giáp (cầm tinh) cũng dùng cho cả việc xác định con vật cầm tinh cho thập nhị chi chỉ giờ, ngày, tháng. Do cứ 12 năm vòng Giáp Tý lại quay lại nên với những năm chia cho 12 còn dư 4 như 1984, 1996 ... đều là năm Tý. Từ đó suy tiếp các Chi của năm sau.
Ngày nay, trong giấy tờ tùy thân đều dùng ngày tháng theo Dương lịch và thường có các Bảng tra sẵn quy đổi năm Dương lịch sang Âm lịch và ngược lại. Nghe qua tưởng dễ nhưng nhiều khi khá phức tạp, dễ nhầm lẫn và vì thế việc tính của thầy sao mà đúng được.
Với người sinh từ tháng 3 trở đi đúng là dễ nhưng với người sinh đầu năm việc xác định Niên mệnh cần cẩn thận. Do Dương lịch tính theo thời tiết liên quan đến Mặt Trời còn năm Âm lịch lại liên quan đến Mặt Trăng nên hai lịch thường so le, lệch pha nhau và không trùng Chu kỳ. Hơn nữa cách tính năm Nhuận của 2 loại lịch cũng khác nhau và năm DL luôn đến sớm hơn năm AL từ 1 đến 2 tháng. Chu kỳ 60 năm (một Hoa giáp) là không đủ cho các tham chiếu lịch sử, kể cả lịch sử đời người. Do đó rất dễ bị nhầm lẫn. Đồng thời một số dân tộc miền núi gọi năm Mão là năm Thỏ và lịch Việt Nam theo múi giờ thứ 7 khác Trung Quốc tính theo múi giờ thứ 8 nên cần chú ý khi quy đổi.
Ví dụ năm Quý Tị bắt đầu từ thứ Bẩy ngày 14/02/1953 (Bính Thân, Giáp Dần, Quý Tị) và kết thúc vào thứ Ba ngày 02/02/1954 (29 tháng Chạp tức Kỷ Sửu, Ất Sửu, Quý Tị). Do vậy nếu CHỨNG MINH THƯ ghi chị dâu tôi, Nguyễn Thị Đê (vừa mất hồi 23 giờ 25 phút ngày 21/3/2011) sinh ngày 30/01/1953 (CMT thì đương nhiên được hiểu là ghi ngày Dương) là đúng thì chị sinh ngày 17 tháng Chạp âm (có Bát tự sinh là : xx, Nhâm Ngọ, Quý Sửu, Nhâm Thìn), tức chị tuổi Thìn! Nhưng gia đình bảo chị tuổi Tị vì “1953 là năm Tị”! và ngày sinh là 30/01 Âm. Song đáng tiếc năm Quý Tị vào tháng Giêng không có ngày 30, ngày cuối tháng là ngày 29 tháng Giêng, tức 14/3/1953 (có Bát tự là: xx, Giáp Tý, Giáp Dần, Quý Tị).
Hay như năm nay, năm Tân Mão 2011 được bắt đầu từ ngày 03 tháng 02 năm 2011 đến 23 tháng 01 năm 2012. Vậy ai sinh từ 02/02/2011 trở lại đến 01/01/2011 tuy Dương là năm 2011 nhưng Âm vẫn thuộc năm cũ, năm Canh Dần 庚寅 (tuổi Hổ, 14/2/2010 – 03/02/2011). Tương tự như vậy, các cháu sinh từ 01/01/2012 đến 22/01/2012 thì Niên mệnh vẫn là Tân Mão 辛卯 (tuổi Mèo) chứ chưa sang Nhâm Thìn (壬辰, tuổi Rồng) mặc dù trong các Bảng lập sẵn đều ghi năm 2012 là năm Nhâm Thìn! Cái khó là ở chỗ đó!
Rõ ràng, theo truyền thống, muốn tính chính xác phải biết đích xác Tứ trụ sinh và Tứ trụ tử (Giờ, Ngày, Tháng, Năm tính theo Can Chi). Nhưng Tứ trụ mất thì rõ nhưng Tứ trụ sinh mấy nhà ghi lại và có ghi thì việc quy đổi sẽ rất khó, thiếu chính xác nếu việc ghi đó không đầy đủ. Do đó việc xem sẽ hạn chế nhiều và tất cả chỉ là yếu tố Tâm linh! Lịch đặt ra sao cầu được Phúc!
3. Vấn đề phúng viếng và ăn uống:
Dù con cháu họ Lương Đức gốc Hải Phòng ở Lào Cai là dân khai hoang, nhưng từ những năm 1960 đến nay đã nửa thế kỷ, quan hệ với dân bản địa, với những người dân từ nơi khác, thuộc dòng họ khác đan cài, gắn bó với nhau sâu nặng nghĩa tình. Hơn nữa, người Việt ta có quan niệm rất nhân văn: “Nghĩa tử nghĩa tận” nên dù lúc trước có từ mặt nhau, khi chết vẫn đến thắp cho nhau nén nhang, vái một vái tiễn biệt và xuất phát từ tư tưởng: “Nhất gia hữu sự bá gia ưu” 一家有事百家忧, nghĩa là “một nhà có việc, thì trăm nhà đều chung lo”.
Do vậy mỗi khi nhà nào có đám cả xóm xúm tay vào. Những bậc cao niên, người có kinh nghiệm trong nội, ngoại tộc, thôn xóm, Hội Người Cao tuổi, Hội Đồng hương, Hội Đồng ngũ… họp lại phân công người nào việc nấy: báo chính quyền, báo tin cho người ở xa; soạn thảo Cáo phó, Điếu văn; nhờ thày xem giờ khâm liệm, phát tang, nhập quan, hạ huyệt; mua sắm đồ tang; lo lễ nghi; tìm báo Đoàn Nhạc hiếu; mượn xe đòn, cờ phướn; dựng rạp; lo hậu cần ăn uống; cử người tiếp khách; cắt người đào huyệt… ai vào việc nấy chả cần hô hét, thuê mướn. Đám ma ở nông thôn bao giờ vẫn ấm cúng hơn nơi thị thành phần nào bớt đi cái hẫng hụt của tang quyến nơi làng xóm!
Lý và Tình là thế nhưng vào thực tế lại muôn hình vạn trạng. Mấy năm lại đây, việc ăn uống trở lại rất khổ cho gia chủ. Chưa phát tang đã chọc tiết lợn, có khi tại tang trường đang than khóc, kèn rầu rĩ thì ngoài kia mấy “bợm rượu” đã “cạch” chén ồn ào. Cỗ đám ma mà đủ lợn, gà, cá, nay có mốt thịt ngựa nữa, rồi giò, nem, chân giò muối…Mà phải nói đầu bếp không chuyên này chế biến nhanh và không kém thị thành. Phản cảm nhất là Linh xa vừa ra khỏi ngõ, trong sân đã bê mâm và khi rước vong về đã chục mâm bay vèo, khối ông đỏ mặt đang hoa chân múa tay. Lại còn tệ nữa: để cho gia đình hiếu chủ khỏi lạnh lẽo, đám đàn ông, thanh niên trong xóm ngoài làng kéo đến góp vui. Bên này tá lả, bên kia ba cây, chỗ nọ đánh xâm và không thiếu bàn xóc đĩa…Về khua nồi cháo 3 cân gạo hết veo. Sau lễ Ba ngày (Tam Ngu) gia đình lại biện “dăm” mâm cảm ơn bà con lối xóm, đội đào huyệt, tốp đô tùy…Chao ơi là lắm bữa!
Việc phúng điếu, viếng nay cúng khác xưa quá. Gia đình đã kê sẵn một bàn đủ phong bì không, bút và cả người viết hộ những ai không biết chữ. Khách đến đưa tiền vào phong bì, đến trước bàn vong nhận nén hương đã thắp của người hộ lễ, đặt phong bì, bó nhang lên vái mấy vái cắm nhang và ra uống nước. Số tiền đặt trong phong bì và số phong bì không hẳn quyết định bởi đạo đức, đóng góp của người quá cố mà phụ thuộc vào vị thế các người con của họ! Có nam thanh nữ tú vái rất chiếu lệ, thiếu nghiêm túc. Người đứng chịu tang cũng không biết vái đáp lễ lại. Tôi từng thấy có người không vái hoặc lại có người vái số vái nhiều hơn khách vái thân nhân mình vừa mất.
Một vấn đề nữa là nhạc hiếu. Người trưởng thành khi quy tiên gia đình lo ma chay thế nào cũng có Đoàn Nhạc hiếu. Mấy năm nay dịch vụ này rộ nở, đặc biết từ Sơn Hải, Bảo Thắng. Xưa một đoàn nhạc hiếu bao giờ cũng đủ. Nay tùy khả năng mà mỗi đoàn trang bị khác nhau chút ít nhưng đoàn nào cũng cố sắm bộ tăng âm với 2 loa sắt to đùng. Âm thanh cứ gọi là chói tai! Công bằng các nhạc công trẻ, có sức thổi dài hơi, trống dồn dẻo hơn. Nhưng buồn là có đám nếu thấy gia chủ khá khá chút các thầy tận dụng lắm. Khi thì đò khê cần dâu ÚT ra trợ giúp, lúc đò mắc cạn cần trưởng Nam ra đẩy …và thế là những đồng tiền lẻ (10.000.000đ) lại được đưa ra. Rồi đi quanh vong…
Đến chia buồn với thân quyến, phúng viếng, tiễn đưa, vĩnh biệt người quá cố là nghĩa cử đạo lý có nguy cơ biến thành cuộc “trình diện” bất đắc dĩ.
4. Nên theo Nghi thức nào?
Việc Tang ma là việc trọng, nghi thức và trình tự có từ xưa truyền lại và hầu như ai cũng nói theo “Thọ Mai Gia lễ” 壽梅家禮. Đây là cuốn sách do Hồ Sỹ Tân, tức Hồ Gia Tân (胡嘉賓, 1690-1760) hiệu Thọ Mai 壽梅 người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, đậu Tiến sĩ năm 1721, làm quan đến Hàn lâm Thị chế soạn, có trích dẫn một phần trong “Hồ Thượng thư gia lễ” 胡尚書家禮 của người đồng hương là Thượng thư bộ Hình, Duệ Quận công Tiến sĩ Hồ Sỹ Dương (1621 - 1681). Tuy có dựa theo “Chu Công gia lễ” (朱文家禮, gia lễ thời xưa của Trung Quốc) nhưng không rập khuôn theo người Hán và mặc dầu là gia lễ từ triều Lê đến nay, sau hơn 300 năm có nhiều chỗ đã lỗi thời nhưng nó đã trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân và người Việt ta vẫn còn áp dụng, nhất là tang lễ. Nhưng trước đây sách ít phổ biến, mọi người chỉ truyền khẩu nên dễ tam sao thất bản. Ngay như tôi mãi năm 2001 mới kiếm được cuốn dạng Photocoppy mà sau này kiểm lại thấy nó không đúng về bố cục, chi tiết so với bản có trên mạng và được giới thiệu là dịch năm 1927.
Ngoài ra, những người không biết chữ Nho thì theo đọc cuốn của cụ Phan Kế Bính (1875 – 1921). Ông lấy bút hiệu là Liên Hồ Tử, là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng hồi đó và với một kiến thức uyên bác, sống vắt qua 2 thế kỷ nên thấy sự xáo trộn của đất nước, khi tiếp xúc với văn minh Phương Tây. Kinh tế thay đổi thì phong tục phải thay đổi. Ông đã viết nhiều bài ngắn đăng từng kỳ trên Đông Dương Tạp Chí, vào năm 1913 – 1914. Sau đó tập hợp thành sách “Việt Nam phong tục” tính đến nay đã non 100 năm! Cuốn này năm 2005 tôi mới mua được. Xem kỹ thì ra, chính trong cuốn sách này ông cũng chỉ ra những điều giả dối, phiền phức lố bịch trong nghi thức tang ma đương thời. Về sau rất nhiều sách và các trang mạng đề cập. Về cơ bản đều từ 2 cuốn này ra có gia giảm chút ít và đôi khi đá nhau!
Nhưng sách soạn ra, dù bởi người thông tỏ đến đâu cũng không bao quát hết được, không thể là bất biến. Ngay soạn giả Thọ Mai Gia Lễ cách đây 3 thế kỷ và Phong tục Việt Nam cách đây gần 1 thế kỷ cũng đã lên án những hủ tục trong đó! Dù sao cũng nhờ 2 cụ mà phong tục nước Nam ta mới được chép lại một cách có hệ thống, có nhận xét, dựa vào đó dân gian tiến hành các nghi lễ.
Tuy nhiên, theo thời gian, việc áp dụng những nghi thức này, ở mỗi vùng lại có những dị biệt nhỏ, đặc biệt trong việc liệm, chuyển cữu, tục đặt tên thuỵ, tục con gái lớn lăn đường lăn huyệt (yếu mệt ngã), và con trai cả đội mũ rơm (bảo hiểm cái đầu khi mẹt quá ngã vật ra), chống gậy (đỡ thân mình khi đứng không vững do đau buồn quá) ... Ngày nay, nhiều tục lệ trong số đó không còn tồn tại nữa, bởi chúng quá chi li, cầu kì, chứ không phải vì chúng vô nghĩa. Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy rõ yếu tố tâm linh, triết lý Âm Dương, Ngũ hành, thể hiện quan niệm về thế giới quan của người xưa… trong từng lệ tục.
Vẫn có tục còn tồn tại như vì xót thương nên con cháu không dùng đồ tốt nên làm đồ tang bằng các loại vải thô, xấu như xô gai màu trắng (màu của phương Tây, màu xấu nhất trong Ngũ hành), tuy ở phố đã có nhiều nhà thay bằng đồ đen. Rất tiếc, hiện có một số người vô tâm làm sai như việc vái lạy, đáp lễ trong phúng điếu khá tùy tiện; con cháu mặc áo hoa, tổ chức ăn uống linh đình; kèn trống theo loa phát quá cỡ; thanh nữ đến viếng mặc váy ngắn, người viếng đem phong bì giá trị lớn hơn mức bình thường...không còn hiếm.
Sinh, lão, bệnh, tử là định luật bất biến của một đời người, không ai trách khỏi. Do vậy, dù có chọn giờ linh đến đâu, khóc than thảm sầu, tế lễ linh đình cũng không làm cho người chết sống lại được. Trái lại, những việc đó chỉ làm cho vong linh quyến luyến, không có cơ hội siêu độ!.
Tuy Khổng Tử từng dạy: “Sự tử như sự sinh, Sự vong như sự tồn” nhưng thầy cũng nói: “Việc Lễ cốt ở cái Tâm, Việc tang cốt ở cái Tình”. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại thực hiện những mếp sống có văn hóa, văn minh, không nên làm hao tốn tiền bạc, tổn hao công sức của gia chủ và cộng đồng. Do đó, việc tang chay là điều cần thiết thể hiện sự quan tâm của xã hội, gia tộc, con cháu đối với người đã qua đời, góp phần gìn giữ những truyền thống văn hóa dân gian,đạo đức của dân tộc được. Tuy nhiên, những tổ chức lễ tang linh đình, nhạc lễ rườm rà, ồn ã, khóc than thảm thiết, rải tiền thật, đốt giấy tiền vàng mã quá nhiều, cần được chấn chỉnh, hạn chế dần.
Mới đây, thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/01/2011 Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước kể từ 15-3-2011. Theo đó, đối với tổ chức việc tang, Thông tư quy định: khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức chu đáo theo phong tục truyền thống. Lễ tang phải được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang. Việc mặc tang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang. Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định. Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang; Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước… khi tổ chức, phải thực hiện các quy định của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần. Khuyến khích hình thức hỏa táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch, xóa bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn, những nghi thức rườm rà khác, không rắc vàng mã trên đường đưa tang.
Như vậy, theo tôi, lễ tang nên tổ chức gọn, trong vòng 48 đồng hồ và tinh giảm những hủ tục, lễ nghi rườm rà, hạn chế rượu, thịt, không hút thuốc lá, không tế kèn, chèo đò…góp phần tạo nên nếp sống có văn hóa, văn minh lành mạnh trên các địa bàn dân cư, đặc biệt nơi phố thị.
Không phải cứ con cháu vật vã, gào khóc thảm thiết; lo kèn trống ầm ĩ ngày đêm; đãi khách mâm cao cỗ đầy; tổ chức điếu trướng linh đình, cúng tế dài lâu…mới là hiếu. Việc này cần tiến hành tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà, “giầu làm kép, hẹp làm đơn” và nhất là cần chấp hành tốt Hương ước, Quy tắc nếp sống văn minh thời đại mới. Đây chính là việc thấu triệt lời dạy của Đức Khổng Tử: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, linh thiêng hay không, hiếu nghĩa hay không là ở chính cái tâm của mình.
Tóm lại “hành trang” làm ma cho thân nhân gói trong “Ngũ tự T”: cốt ở cái TÂM hiếu chủ; thể hiện cái TÌNH của cộng đồng; phụ thuộc vào khả năng TÀI CHÍNH của gia chủ và khách; cần có cái TRÍ để cân nhắc xem việc gì nên làm, tục gì nên bỏ và cần hướng dần tới một TẬP TỤC văn minh.
(những ngày sau đám ma chị Đê)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!