[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 12 2010

Nguồn gốc của GIA PHẢ

Mọi sự vật, hiện tượng đều trong quá trình vận động và việc ghi chép lại quá trình ấy chỉ được diễn ra khi con người đã có chữ viết. Lịch sử loài người, lịch sử quốc gia có giai đoạn rất dài không được ghi chép lại, đấy là huyền sử. Lịch sử gia đình, dòng tộc cũng vậy, có giai đoạn dài không có phả gọi là huyền phả rồi do nhu cầu xã hội, lịch sử và gia phả bước vào thời kỳ phôi thai, tiếp đến tới thời kỳ xuất hiện rồi hưng thịnh.

1. Nguồn gốc Gia phả 家譜: Cũng như tiến trình phát triển của các dân tộc khác, từ nếp quần hôn tiến tới hôn nhân cá thể; từ gia đình mẫu hệ tới gia đình phụ hệ, xã hội Việt cổ hình thành nên tiểu gia đình (hai thế hệ) và đại gia đình (ba thế hệ trở lên). Tiểu gia đình vừa là đơn vị kinh tế vừa là "tế bào xã hội".

Khi dân số tăng, lãnh thổ bành trướng, dân trung tâm hội nhập văn hóa và đồng hóa với các sắc tộc khác nhưng văn hóa nông nghiệp vẫn là chủ đoạ trong đời sống người Việt. Đặc biệt khi một số nho sĩ người Hán được Bắc triều phái sang cai trị dân Việt thì xuất hiện việc lập ra “sổ điền” để kiểm kê nhân khẩu hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương, định tô thuế. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng “bếp” mỗi nhà. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia đình. Về sau thêm “sổ đinh” hoặc “sổ bộ”, ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình. Trong mỗi gia đình ấy (vợ, chồng, con) các thành viên liên kết nhau bằng các quan hệ hôn nhân (ngẫu nhiên) và di truyền (tất yếu). Gia đình là một phạm trù lịch sử, thay đổi và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Rồi từ “sổ bộ”, mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma để khỏi quên. Ðó là nguồn gốc của Gia phả.

Nếu lịch sử là quá khứ và nền tảng của một dân tộc thì gia phả là lịch sử hình thành và phát triển của gia tộc, giữ một vai trò quan trọng trong gia đình, gia tộc và xã hội. Nhà “gia phả học” Dã Lan Nguyễn Đức Dụ: “Nếu như sử là gốc của một nước thì phả chính là gốc của một nhà”.

2. Tại Trung Quốc, từ xa xưa, người Hoa đã rất coi trọng Gia tộc và chép Gia phả. Khởi đầu từ thời Chiến Quốc (với sách 世本“Thế bản”) nhưng đến thời Nguỵ, Tần mới phát triển mạnh. Do nặng ý thức về dòng dõi, môn đệ nên nhà nước chọn quan lại, gia đình kén dâu rể đều lấy tộc phả làm căn cứ tham khảo mà việc chép Phả trở nên cực thịnh. Sang đến đời Tống, Nguyên do chế độ khoa cử nghiêm ngặt, tính dòng dõi mới nhạt dần, tộc phả chủ yếu chỉ nhằm mục đích hòa mục yêu thương họ hàng. Đời Minh, Thanh có khuynh hướng từ tộc phả hướng sang giai sử, phần nhiều để đề cao nhân tài, biểu dương thuần phong mỹ tục. Sau đó nội dung ký sự của tộc phả đã gia tăng rất nhiều, bao gồm từ cội nguồn và các dòng phái “Tính thị” thế hệ tổ tiên, địa phương cư trú, từ đường, từ sản, nghĩa trang, điền trang, gia huấn, gia quy, di bút, bí quyết... cùng mọi việc khác. Vì thế trở thành một kho tàng quý hóa mà người xưa để lại hậu thế. Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. Nó còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học nữa.

Chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, các thế hệ sau trong dòng họ hay vương triều phải giữ đạo Trung đạo Hiếu. Việc xây dựng và lưu truyền gia phả được xem là một cách ghi nhớ công ơn tổ tiên, gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc. Điển hình là cuốn “Khổng tử thế gia phổ” 孔子世家譜. Ngay từ thời Minh, hậu duệ của Khổng tử cứ 30 năm tiến hành Tiểu tu và 60 năm một lần Đại tu. Theo bản tin quốc tế của Tinh châu Nhật báo ra ngày 25/9/2009 (星洲日報/國際2009.09.25), sau 10 năm thu thập dữ liêu, so sánh, kiểm chứng, giám định AND tốn kém nhiều công sức, của cải việc đại chỉnh lý lần thứ 5 tiến hành từ 1999 đã hoàn thành. Ngày 24/9/2009 (kỷ niệm 2560 năm ngày sinh của Khổng Phu tử), Tân bản đã được công bố. Theo đó, gia phả họ Khổng đã có trên 2500 năm và đến nay đã phát triển tới 83 thế hệ. Từ bản gốc với 600.000 hậu duệ, dựa trên việc bổ sung hơn 1,4 triệu người, làm cho một phiên bản mới thêm hơn 2 triệu người, tổng số là 4, 3 triệu người, được chia thành 80 tập với 43.000 trang, tổng trọng lượng hơn 120 kg và được ghi danh vào cuốn Guinness sau khi được công nhận là cuốn gia phả dài nhất thế giới. Chú ý rằng: Trong số đó, lần đầu tiên đẫ đưa 20.000 phụ nữ Gia phả, thay đổi quan trọng trong quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Ngoài ra, do hôn phối và thay đổi các yếu tố nên một số người Hồi, Miêu, Thủy, Hà Nhì, Tây Tạng và dân tộc thiểu số khác là hậu duệ cùng hậu duệ ở nước ngoài lần đầu tiên được tích hợp vào các cây phả hệ.

3. Ở Tây phương, người ta có tập tục làm cây phả hệ, tương tự như Tông đồ của người Hoa hay người Việt.

4. Ở Việt Nam, Theo lịch sử biên chép thì gia phả sơ giản ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và địa điểm an táng của ông cha và có thể đã xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp (士燮, 137-226) làm Thái thú ở Giao Chỉ từ năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc), hoặc gần hơn tức là từ thời Lý Nam Đế (khoảng nǎm 476-545).

Nhưng phải đến thời nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả (ghi cả thế thứ, tông tích toàn họ), phả ký (ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên). Theo sách “Lịch triều Hiến chương lọai chí” của Phan Huy Chú, nước ta bắt đầu có gia phả từ thời Lý. Năm Thuận Thiên thú 17, Lý Thái Tổ (李太祖公蘊, 1026) có chỉ soạn cuốn Hoàng Triều Ngọc điệp 皇朝玉牒 , đáng tiếc cuốn này đã mất. Chính nhờ đọc Gia phả còn lưu giữ được mà ông Lý Xương Căn (ở Lý Hoa Thôn bên Hàn Quốc) biết mình là hậu duệ của các vua nhà Lý nổi tiếng vốn quê ở Đình Bảng, Cổ Pháp nước Đại Việt đã tìm về bái Tổ (1997) và lập nghiệp tại Việt Nam (2006). Những dòng họ Vua Chúa, Khoa bảng, quan lại được ghi chép, lưu giữ cẩn thận. Có thể kể đến: “Hoàng triều ngọc điệp” của nhà Lý, “Hoàng tông ngọc điệp” của nhà Trần, “Hoàng Lê ngọc điệp” của nhà Lê...hay các cuốn Tộc phả như “Văn xá Lê tộc thế phả” (do Lê Hữu Mưu biên soạn), “Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả” (do Nguyễn Nghiễm biên soạn), “Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả” (do Phạm Đình Hổ biên soạn), v.v.

Còn với các dòng họ thường dân khác thường ít được soạn chép, lưu truyền. Một trong những đặc trưng của làng xã Việt nam xưa là kinh tế tự cung tự cấp, quần cư theo dòng họ. Những dòng họ đông, nhiều người giữ chức vị sẽ là họ lớn, có vai trò chi phối làng xã đó. Do vậy, dòng họ đó cần và có điều kiện đề cao tổ tiên, khuyếch trương thanh thế, truyền lại cho cháu con. Từ đó đã hình thành nhu cầu chép phả ở những dòng họ lớn rồi lan rông ra dân chúng. Theo nhiều tác giả thì cuốn gia phả của họ Trần ở xã Đồng Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội là cuốn có niên đại sớm nhất, được soạn năm 1533. Cuốn này ghi lại thế hệ thứ mười, đời từ Trần Thụ đến Trần Văn Kính. Đến thời Minh Mạng (1820-1840), Triều đình ra một đạo luật có 10 điều huấn dụ, khôi phục Thuần phong mĩ tục 厚風俗 thì việc soạn Gia phả mới được các dòng họ quan tâm, chú ý. Tục làm gia phả phát triển mạnh ở hai miền Bắc và Trung, trong Nam rất ít gia đình làm gia phả ở đấy còn được gọi là “gia phổ” và biến thái thành “tông chi” tức tờ “tông chi tông đồ” cốt để phân phối gia tài hơn là để phân chia ngành ngọn của gia đình. Một vài gia phả sớm nhất ở ta hiện còn giữ được từ thế kỷ 16-17 nhưng phần lớn là được lập từ thế kỷ 18-19 hay đầu thế kỷ 20. Những mối liên hệ về dòng tộc sau 5-7 đời thường hay bị quên lãng hoặc đứt quãng nên về sau, nhiều dòng họ có kinh nghiệm và ý thức ghi chép và truyền giữ gia phả liền hơi từ đời này sang đời khác.

Cho đến gần cuối nhà Nguyễn, khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt (1919), thanh niên đua nhau đi học chữ Tây, chữ Quốc ngữ bởi “phi cao đẳng bất thành phu phụ” thì gia phong, gia lễ, kỷ luật gia đình xáo trộn…và môn gia phả cũng thoái trào theo.

Những năm 1945-1975, do chiến tranh, cuộc sống gian khó, việc họ chưa được mấy quan tâm nên có thời gian việc họ (trong đó có chép Gia phả) bị sao nhãng, những Gia phả đã có thì bị cháy, thất lạc trên đường chạy loạn. Thêm vào đó, do không biết chữ Hán, tưởng đó là sách “phong kiến” ấu trĩ tả khuynh hướng, có lúc có người cho rằng gia phả là tàn tích cũ, là tài liệu phản động, lạc hậu… vì vậy không ít cuốn đã bị thiêu huỷ. Một nguyên nhân nữa là do Gia phả viết bằng chữ Hán 漢字, chữ Nôm ��喃, ít người biết đọc và theo lệ cổ, Gia phả chỉ lưu ở nhà Trưởng họ 族長 và chép theo trực hệ 直系 từng Chi 支派, chủ yếu là ngành Trưởng 長房 lại được giữ kín, mỗi dịp đọc hay xem Gia phả rất nhiều thủ tục nên ít được phổ biến nên đã thất lạc là rất khó phục hồi.

Thêm vào đó ý thức giữ gìn của một số người, thậm chí có trách nhiệm rất kém. Ngay Gia phả dòng họ nhà tôi năm 1994, Sở Văn hoá Thông tin mượn nghiên cứu rồi vì lý do nào đó không thấy trả (nói là mất!). Sinh thời phụ thân tôi rất không hài lòng vởi Trưởng họ và cán bộ “Văn hoá” về chuyện này. Mấy năm sau tôi đi tìm nhưng chẳng rõ người mượn và chẳng có biên nhận gì!

Ngày nay, khi mọi mặt KT-CT-XH đều phát triển theo chiều hướng tích cực, việc khôi phục truyền thống văn hoá lâu đời đã bị xâm hóa nghiêm trọng sau những thời thăng trầm của đất nước là cần thiết. Giữ gìn, soạn lại, bổ sung và phát huy ý nghĩa của Gia phả là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu, vấn đề này được khơi dậy và ngày càng quan tâm hơn. Điều cần nhất là cái “TÂM” của mỗi người, nhất là những người có điều kiện, có kiến thức, có thời gian.

-Lương Đức Mến (từ nhiều nguồn)-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!