[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


28 tháng 11 2010

Đôi điều về GIA PHẢ và GIA PHẢ HỌC

Do ít thông tin nên trước kia và cả một số người hiện nay xem Gia phả là cái gì xa vời không phải việc được biết của 'thảo dân".

1. Đơn giản nhất có thể hiểu “Gia phả là lịch sử gia đình". Do vậy trước hết cần biết về khái niệm “LỊCH SỬ”.

Theo từ nguyên, “Lịch” 历, là “Trải qua, từng trải”; là những sự vật diễn biến xảy ra trong không gian và thời gian, không chịu sự tác động của tri giác và nhận thức của con người. “Sử” 史 là dấu vết của quá khứ còn lưu lại cho hiện tại và tương lai thông qua nhận thức có tính thời đại của con người. Theo Hán Việt tự điển 漢越字典 của Thiều Chửu thì: thứ ghi các sự tích trong nước từ xưa tới nay gọi là "lịch sử" 歷史, "quốc sử" 國史. Vậy lịch sử (H: 历史. A: History, P: Histoire) là khoa học về nghiên cứu và phân tích những sự kiện đã xảy ra. Tuy nằm ngoài tác động của ý thức của con người nhưng, trong lịch sử chỉ có một số sự kiện lịch sử được xem là "thật" lại do lđược con người ghi nhận (thành văn hoặc không thành văn) nên nó mang trong mình tri thức của thời đại, thường thay đổi từng thời kỳ trong cách giải thích những sự kiện xa xưa. Do vậy, những kiến giải dựa theo các nguồn gốc "căn bản", những tư liệu thành văn được viết ra vào lúc đó hay gần sau lúc đó thường được xem là có giá trị nhất, nó ít bị “tam sao thất bản” khi truyền ngôn hay những văn bản được viết ra sau này. Những vấn đề này của lịch sử được chú ý khi nghiên cứu về Gia phả.

2. Trở lại khái niệm “GIA PHẢ”, theo Hán Việt tự điển 漢越字典 của Thiều Chửu thì:

- Gia là: 1 : Ở. 2 : Chỗ ở (nhà). 3 : Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. 4 : Ở trong một cửa gọi là một nhà. Như gia trưởng 家長 người chủ nhà, gia nhân 家人 người nhà, v.v. 4 : Có cái học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia. Như văn học gia 文學家, nhà văn học, chính trị gia 政治家 nhà chính trị, v.v. 5 : Tự xưng người tôn trưởng của nhà mình cũng gọi là gia. Như gia phụ 家父 cha tôi, gia huynh 家兄 anh tôi, v.v. 6 : Giống gì nuôi ở trong nhà cũng gọi là gia. Như gia cầm 家禽 giống chim nuôi trong nhà, gia súc 家畜 giống muông nuôi trong nhà.
- Phả là: 1: Phả, sổ chép về nhân vật và chia rành thứ tự. Như gia phổ 家譜 phả chép thế thứ trong nhà họ. 2 : Niên phổ 年譜 phả chép các người cùng tuổi hay cùng đỗ một khoa. Người cùng họ gọi là đồng phổ 同普. Vì thế nên anh em kết nghĩa cũng gọi là phổ huynh đệ 譜兄弟. 3 : Các khúc âm nhạc phải chế ra phả để làm dấu hiệu. Vì thế nên khúc hát gọi là phổ. Ta quen đọc là phả.

Vậy, Gia phả (H: 家譜, A: The genealogical register, P: Le régistre généalogique) là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, vai trò, lai lịch và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ ... trong thời đại mà họ đã sinh ra và lớn lên của một gia đình hay một dòng họ. Đào Duy Anh trong Từ điển Hán-Việt 漢越詞典 định nghĩa gia phả là: “Sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên”. Gia phả có thể được coi như một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Các nhà Tông thất (dòng dõi vua quan), có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn: Ngọc phả, Thế phả...

3. Môn học nghiên cứu về gia phả là GIA PHẢ HỌC. Gia phả học (H: 家譜学,系譜學; A: Genealogy,P: Généalogie)là môn học nghiên cứu về gia phả. Môn học này đang được phát triển ở khắp nơi trên thế giới do ngày càng có nhiều người trong xã hội, trong gia đình nhận thấy gia phả là tài liệu quý không chỉ cho gia đình mà còn cho nhiều ngành học. Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. sử dụng truyền khẩu, hồ sơ lịch sử, phân tích di truyền, và các hồ sơ khác để có được thông tin về gia đình và để chứng minh quan hệ họ hàng của các thành viên trong họ. Các kết quả thường hiển thị bằng Gia phả thành văn hay Phả đồ. Nghiên cứu gia phả còn có tác dụng bổ khuyết cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học. Thêm nữa, ngày nay là với tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật ghi chép, sưu tầm những tin tức, tra cứu lịch sử ... thì việc nghiên cứu môn khoa học này càng thuận lợi và phát triển mau lẹ. Một số học giả phân biệt giữa phả hệ và lịch sử gia đình, hạn chế phả hệ đến một tài khoản của họ hàng, trong khi sử dụng "tiền sử gia đình" để chỉ việc cung cấp các chi tiết khác về cuộc sống và bối cảnh lịch sử. Nghiên cứu phả hệ là một quá trình phức tạp sử dụng các ghi chép lịch sử và phân tích đôi khi di truyền để chứng minh quan hệ họ hàng mà kết luận đáng tin cậy là kết quả đó dựa nguồn tin, hồ sơ gốc; là các thông tin chính hay trực tiếp hoặc được rút ra (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ thông tin đó. Hiện tại, nguồn rất quan trọng khi tiến hành nghiên cứu phả hệ dựa vào đặc tính mã di truyền ADN không thay đổi qua các thế hệ. Trong đó, hai lĩnh vực được quan tâm đặc biệt: Cây phả hệ di truyền theo đường mẹ, tức theo ADN ti thể (mitochondrial DNA) người mẹ truyền cho cả con trai và con gái và Sơ đồ phả hệ di truyền theo dòng cha, tức là theo ADN nhiễm sắc thể Y (mitochondrial DNA) mà người cha chỉ truyền cho con trai.

Việc phổ biến gia phả giới hạn trong vòng gia đình, tông tộc hay mở rộng ra trên Internet cho công chúng trong phạm vi rộng khắp đã làm cho nhiều người băn khoăn về vấn đề bí mật cá nhân. Lợi điểm của việc phổ biến rộng rãi là nhiều người có dịp đọc đến có thể tìm ra một sự nối kết, có ý hướng sử dụng nó vào những mục đích nghiêm chỉnh - hướng thiện, như bổ sung kiến thức cho văn hóa, cho lịch sử.

Trên thế giới, Gia phả học hay phả học (Généalogie, Genealogy) Châu Âu có thể coi là chính thức ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI với các cuốn Lịch sử tổng quát các vương quốc Jêrusalem, Chypre, Arménie (1575 – 1579) khảo về nguồn gốc các vua chúa thân vương và các nhà đại quý tộc và Gia phả của 67 nhà quý phái đại gia Pháp và ngoại quốc(1586) của Delusignan, một nhà tu hành người Pháp ở vương quốc Chypre, phát triển ở thế kỷ XVIII cực thịnh ở thế kỷ XX. Các tác phẩm nổi tiếng trong ngành học này có thể kể: Nguồn gốc lịch sử dòng họ quý phái 20 tập của Gustave Chaix D’Est Ange xuất bản trong khoảng 1903 – 1929 khảo cứu hàng trăm dòng họ hiện hữu. Gia đình và phả hệ của Nam tước A.DeMaricourt năm 1943 và Phương pháp phê bình gia phả học của Tử tước De Marsay năm 1945. Tuy xét về khoa học nghiên cứu tộc phả và lịch sử gia tộc (Familyhistory) thì Trung Quốc có lịch sử lâu đời nhất, có hệ thống nhất song, vượt trên Trung Hoa và Âu Mỹ, Tộc phả ở Hàn Quốc mới phát triển mạnh cả về thể chế và phương pháp ghi chép, có mức độ phổ cập quốc gia rất cao, trên phạm vi thế giới. Do vậy, vào mùa hè năm 1991 tại Seoul có học giả trên 180 nước và khu vực tham dự Hội nghị Tộc phả học thế giới đã có nhiều đóng góp lớn. Lịch sử còn ghi nhận các hội nghị Gia phả học quốc tế lần thứ nhất năm 1929 ở Barcelone, lần thứ hai năm 1953 ở Naples, lần thứ ba ở Madrid năm 1955 (408 học giả thuộc 76 tổ chức đến từ 31 nước). Hiện nay, rất nhiều nước đã có hội Phả học, có các viện nghiên cứu phả học. Họ cho ra đời rất nhiều công trình có giá trị, tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn, có nhiều trang Web riêng cho lĩnh vực này.

Đáng chú ý: Phả hệ của phương Đông luôn luôn lấy vị tổ tiên chung của cả họ làm cội nguồn để viết cho đến thời điểm hiện tại còn người phương Tây thì lấy bản thân là trung tâm mà truy ngược dần lên đến tổ tiên, theo phương thức tìm nguồn.

Đáng tiếc, nền phả học nước ta chưa hề có một công trình nào đáng kể ngoại trừ cuốn “Gia phả - khảo luận và thực hành”của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (1919-2001,quê Thượng Cốc, Gia Lộc, Bắc Ninh) được xuất bản ở Sài Gòn năm 1960. Cuốn này đã đoạt giải văn học nghệ thuật của chính quyền cũ về bộ môn gia phả và từ sau 1975 được tái bản nhiều lần. Với công trình này và những công trình khác của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ thì “Lần đầu trong lịch sử gia phả Việt Nam gặp gia phả quốc tế. Ngày nay, đã có các Trung tâm nghiên cứu Gia phả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tài liệu hội thảo, các công trình nghiên cứu xa gần đã được đưa vào Việt Nam.

Người sống biết đến đạo lý thì cần nhớ: "Nước có sử, nhà có phả". Đó là lễ dương nhiên và muốn soạn ra được, cập nhật thường xuyên và bảo quản lâu dài, phát huy tác dụng của GIA PHẢ thì mọi người trong gia tộc phải có cái nhìn đúng đắn, có trách nhiệm góp sức, góp công! Đấy là "VIỆC HỌ" vậy!

Là người thực hiện di nguyện thân phụ soạn Gia phả dòng họ, tôi đã cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề liên quan. Biết được đến đâu chép lại và thực hành đến đó. Đồng thời góp nhặt kiến thức tiền nhân, của đương thời ở mọi nơi có thể được, biên soạn lại rồi đưa lên trang này cùng trao đổi với quan viên họ và ai quan tâm. Chứ bản thân chẳng có phát kiến gì hay cũng không hề mong trở thành "Gia phả học gia". Ai ghé mắt tới thấy hợp thì xem, thấy dở thì góp ý bổ sung, đừng buông lời dè bửu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!