[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 2 2010

Cây hương và tục thắp hương


Hiếm gia đình người Việt nào (kể cả những người theo Công giáo) mà không từng thắp nhang. Nhưng nguồn gốc cây hương, cách thắp hương thế nào và ý nghĩa của nó không phải ai xũng biết. Ngay cả những bài viết của các bậc trí giả trên sách, báo, trên các trang Web cũng khác nhau, đôi khi lại trái ngược nhau ở vài chi tiết.

1. Nguồn gốc cây hương, tục đốt hương:

Tương truyền, tục đốt hương có từ lâu đời, từ khi con người khám phá ra lửa, những loại cây bị cháy thường toả ra mùi hương, mỗi cây lại có một mùi hương khác nhau. Về sau con người biết sử dụng hương thơm của các loại cây để chữa bệnh, xua đuổi tà khí…đốt lên toả khói nghi ngút, làm ấm áp không gian…

Lại có ý kiến khác cho rằng nguồn gốc việc đốt hương có từ những quốc gia có nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylon…Thời đó, hương đốt được làm từ nhựa lấy từ thân của loài cây Boswellia mọc rất nhiều ở miền Nam Ả Rập và Somalia. Cùng với sự phát triển mậu dịch trao đổi, các nền văn minh Tây phương xa xưa cũng áp dụng sự đốt hương, và trong các triều đại Ai Cập như Sheba, Hadramaout và Qataban, đất nước này đã giàu phất lên từ việc xuất khẩu hương liệu.

Nghi thức đốt gỗ chiên đàn đã được thực hành tại Ấn Độ từ những thời rất xa xưa. Từ Ấn Độ, đã theo con đường lan truyền của Phật Giáo, tục đốt hương đã được hình thành tại khắp các xứ vùng Đông Nam Á.

Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn cho rằng thuở xa xưa, người Tàu lấy lửa đốt củi thui các con vật gọi là vật hy sinh, rồi sau thì bắt chước phong tục đốt hương từ Tây phương tức là Ấn Ðộ.

Còn theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, cây nhang có nguồn gốc từ Tây Vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa, tục Tàu tế tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời Vũ đế nhà Hán, vua sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (xứ Tây vực, thuộc Ấn Độ). Vua nước ấy đầu hàng, dâng một tượng thần bằng vàng cho vua Vũ đế đem về đặt trong cung Cam Toàn. Người nước Hồn Gia cũng tế thần ấy, không phải dùng đến trâu, bò mà chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Tục đốt hương bắt đầu từ đấy.

Từ Trung Hoa, tục đốt nhang (hay còn gọi là thắp hương, dâng hương) đã truyền sang nước ta từ lâu đời. Nó đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dù là ngày Tết, ngày giỗ chạp hay ngày thường, người ta đều đốt nhang.

Cũng có thuyết cho rằng đất Việt đã du nhập trực tiếp đốt hương từ Ấn Ðộ, chứ không phải qua đường Trung Hoa. Thuyết này dựa trên việc Thứ sử Giao Châu là Trương Tân thường đốt hương ở Cát Lập tịnh xá để đọc đạo thư. Tục đốt nhang ở ta có lẽ bắt đầu từ đó. Rồi cùng với quá trình phát triển của đạo Phật, tập tục đốt nhang du nhập vào nước ta ngày càng phổ biến.

2. Các loại hương:

Ban đầu, chất nhựa thơm và trầm hương được sử dụng ở Viễn Đông phần lớn đều nhập từ Ả Rập. Tuy nhiên, dần dần những nhà sản xuất nhang thơm, đã tạo ra một công thức bột thơm phổ biến bao gồm nhiều chất khác nhau như: bột gỗ chiên đàn, long diên hương, cây húng quế, benzoin, camphor, hoa lài, cỏ thơm ba lá, cây xạ hương, và cây hoắc hương để tạo ra một loại nhang thơm đặc biệt

Nhang có nhiều loại, nhiều kiểu: nhang thường, nhang ướp hương, nhang tròn, nhang khoanh… tất cả đều có chung một công dụng: đốt lên cho ấm cửa ấm nhà, đốt lên bàn thờ tổ tiên ông bà, bàn thờ Phật vào hai buổi sáng - chiều như gửi một lời chào đến các vị bề trên, nhằm báo cho các vị biết lúc nào chúng tôi cũng nhớ đến các vị. Hương lộc là hương những người đi lễ đầu năm lấy ở các đình chùa về thắp tại bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ thổ công ở nhà, thay vì hái lộc cành cây. Người ta tin rằng hương lộc của Thánh, Phật mang lại sự no ấm, phát đạt.

Nói về công đoạn làm hương thì có 2 cách cơ bản: là nguyên liệu cùng với keo dính trộn đều rồi se dính vào que cốt (chân hương) và cách khác là nguyên liệu rải trên giấy rồi quấn quanh chân hương. Nhiều nén hương đựng trong một bao giấy gọi là Thẻ hương, nhiều thẻ gộp lại thành bó hương.

Ở Việt Nam, nguyên liệu làm làm hương ngoài tăm tre, bao giấy thì bột hương được tạo ra từ: đại hoàng, xuyên khung, mộc lan, cam thảo, đinh hương, nhựa cây trám, tế tân, độc hoạt...Nghề làm hương vất vả, để có được nén hương thơm phải trải qua nhiều công đoạn và tất cả các thành viên trong gia đình đều phải làm việc cật lực từ việc đơn giản đến phức tạp. Người già và trẻ em thường đảm nhiệm những việc nhẹ nhàng như chuốt tăm hương, phơi và thu lượm, đóng bao sản phẩm. Công đoạn khó khăn và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột hương. Việc này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhiệm bởi nếu pha không đúng liều lượng, hương sẽ không thơm.

Ở quê tôi, dùng rễ cây hương bài phơi khô tán nhỏ rắc lên giấy bản khổ rộng chừng 2 cm quấn chéo lên tăm tre ngâm từ đầu đến chân, Hương này đốt rất thơm và cháy lêu hết.

3. Ý nghĩa cây nhang trong văn hoá:

Tục đốt nhang đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Tết. Vì ngày Tết có nhiều việc cúng: nào cúng đất trời, cúng tổ tiên ông bà, cúng ông Táo… Và cây nhang trở thành vật không thể thiếu trong những ngày này.

Người ta thắp hương ở Chùa, Đình, Đền, Phủ, Miếu, Tháp, Am... để cầu mong Thần Linh, Thánh Trời, Phật, Mẫu phù hộ độ trì và mang đến điều tốt lành. Khi thắp hương, người Việt tin rằng khói nhang là cầu nối tâm linh của người sống và người chết, của cuộc sống thực và cõi hư vô, của thế giới hữu hình và vô hình.

Trong các ngày Sóc, Vọng, cúng giỗ, đứng trước ban thờ, thắp nén hương thơm, nhìn làn khói tỏa, miệng “lầm rầm khái vái nhỏ to”, cảm thấy như có gì thần bí, màu nhiệm đang vây quanh mình. Dường như ông bà tổ tiên trên ban thờ đang dần hiển linh, dạy bảo, dặn dò và răn đe bên tai. Khi hương tắt bao giờ cũng là lúc “hóa vàng” tạ lễ và hạ mâm cơm cúng, thức ăn đựoc bày ra, con cháu “thụ lộc”.

Khi gia đình có người thân mất, việc thắp hương sẽ tạo nên không khí ấm cúng, xua đi cái lạnh lẽo của không khí tang ma và khí âm của thi xác người quá cố.

Hương khói sẽ làm ấm lòng vong hồn người nơi cõi âm, vong hồn tiền nhân luôn luôn được gần gũi với dương gian. Do vậy mỗi lần đi viếng mộ, tạ mộ gia chủ đều mang theo thẻ hương.

Đang lúc thắp hương mà gặp cơn gió cả cây hương sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa, và người ta tin rằng ấy là điềm tốt, báo trước sự may mắn quanh năm.

Nén hương, cũng có thêm một ý nghĩa đặc biệt khác nữa, đó là thắp nhang để nhớ đến sự vô thường, tức là không vĩnh viễn - tất cả đều giả tạm. Lúc nén hương tắt cháy thì cũng tượng trưng cho đời người tắt chắy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương... Tàn tro của hương nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua, uổng phí tháng ngày.

4. Cách thắp hương:

Trong văn hoá thắp hương, khi châm hương không khi nào thổi tắt ngọn lửa mà vẩy hoặc dùng bàn tay phẩy nhẹ. Với những dân tộc khác nhau cách cắm hương, và đốt hương có khác nhau. Điều giống nhau là không phải cứ đốt nhiều là tốt căn bản là tâm thành.

Người Trung Quốc nếu thắp nhang cho các vị thần ăn mặn họ sẽ đốt nhang có chân đỏ, thần ăn chay họ đốt nhang chân vàng, còn đối với cô hồn họ thắp nhang chân xanh.

Người Việt Nam ta thường cắm nhang theo số lẻ hoặc cắm cả bó, không chú trọng vào số chẳn hay số lẻ.

Đối với Phật Giáo, con số lẻ là con số linh thiêng phật giáo quan niệm cuộc sống không có gì là tuyệt đối nên không có gì có thể chẳn được, tất cả đều phải chuyển biến theo quy luật tự nhiên không thể không bất biến. Con số thường hiện diện nhất trong cách cắm nhang là số 1 hoặc số ba. Nếư đốt một cây nhang là chúng ta đang tưởng thưởng đến đời Phật trong hiện tại - Phật Thích Ca, Còn ba cây nhang là sự tượng trưng cho ba đời Chư Phật: Quá Khứ (A Di Đà) - Hiện Tại (Thích Ca) – Tương Lai (Di Lặc), sự tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Theo đúng lễ nghi cúng dường chư Phật thì chỉ cần hương, hoa, đèn và nước trong là đủ. Phật hiện diện không phải nơi chùa chiền mà trong tâm mỗi con người, chính vì thế ngoài nén hương đốt bằng ngọn lửa đỏ, con người ta còn dùng tâm thuần thành, tín ngưỡng để đốt lên nén tâm hương dâng cúng đấng tối cao.

Cắm hương là là cách thức gieo xuống những nghiệp thiện, những hành động tốt đẹp, thơm tho dịu mát vào mảnh đất tâm của chính mình và mọi người. Đốt hết tất cả những não phiền đang thiêu đốt con người. Vì vậy, cây nhang lúc nào cũng ngay thẳng.

Không chỉ Phật giáo, mà cả các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo cũng dùng hương trong các ngày lễ của mình. Người Thiên Chúa giáo xông hương trong các thánh lễ, trước bàn thờ, trước cuốn Kinh Thánh, mình Thánh, rượu Thánh và cả linh cửu của người đã mất... Trước thời Chúa Giê-su (Jesus), những hương liệu như loại trầm frankincense có giá trị hơn cả vàng bạc châu báu. Đó là vì cổ nhân tin rằng những loài cỏ cây thơm là do chư Thiên ban cho từ trên cao và đã thấm nhuần hương thơm của Đức Chúa Trời.

5. Mặt trái của một tập tục đẹp:

Giờ đây, khắp nơi khắp chốn người ta mượn hương mượn khói làm điều mê tín, dị đoan. Nào là hương điện, hương phát nhạc, thật là quá!. Những ngôi đền, chùa, nơi mà người người nối nhau đến cầu tài, cầu lộc mùi hương nồng nặc cay mắt, hoà quyện với mùi vị toả ra từ những mâm thức ăn đầy tứ ụ làm cho người ta có cảm giác những thói tục hiện hữu đang lấn át hết cả sự linh thiêng. Lại những ông đồng bà cốt thường bầy biện ban thờ rắm rối, đốt hương nhang mờ mịt tạo bầu không khí hư ảo, huyền bí để dễ bề "xuất thần"!? Bước chân vào những cửa hàng, cửa hiệu "không đúng lúc", chủ hàng vo mẩu giấy đốt vía kèm theo nén hương thắp lên ban thờ thổ công, rồi lườm, nguýt khách. Có người còn lấy hương khói đặt nơi đất trống để biến thành "đất thánh" của mình...Đúng là “buôn thần bán thánh”!

Trước giờ ai cũng biết khói thuốc lá, khói than, khói hương có chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes… rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Khói hương, vốn là thứ khói có mùi thơm quyến rũ, cũng là nguyên nhân trực tiếp sẽ kích ứng đường hô hấp, có thể dẫn đến ung thư hoặc tử vong.

Trong hương, thành phần tạo mùi thơm là những hợp chất benzen. Khi đốt cháy, chất độc sẽ kích thích tác động liên kết bề mặt của đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mãn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Khi là tế bào ác tính chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.

Khi đốt, hương sẽ tỏa hương thơm không gây hại. Thậm chí ở một lượng nhỏ, hương trầm còn kích thích sự hưng phấn của con người. Tuy nhiên, ngày nay người ta sử dụng nhiều tạp chất để làm hương nên chất lượng hương kém đi. Ngoài bột quế và hoa ngâu, người ta cho vào đó chủ yếu là mùn cưa phế phẩm mà trong đó có nhiều loại cây mùi rất khó chịu.

Tại các ngôi chùa, trong một số nghi lễ, hàng nghìn que hương thường được đồng loạt đốt lên, hoặc nhiều gia đình khi thắp hương hay đóng kín cửa khiến cho khói hương bị tụ lại một chỗ. Hít phải khói hương, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt... Nếu hít nhiều, những nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Đồng thời khi đó, do chen chúc nhau nên người đứng sau vái thực ra là vái lưng người trước mà thôi!

Mặt khác khi đốt nhiều hương, lại đặt cạnh vật dễ bắt cháy thường có nguy cơ gây hỏa hoạn cao. Thực tế nhiều vụ cháy nhà hay cháy quầy hàng do thắp hương đã xẩy ra...

Có người còn giở chiêu lừa bịp chữa bệnh bằng “tàn hương nước thải”...

Nhưng dù sao, việc dâng hương tự ngàn xưa vẫn là một nghĩa cử văn hoá, thuộc về đạo lý tín ngưỡng, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam. Những gì nhất thời rồi sẽ qua đi. Tục đốt hương sẽ còn đó như phép màu nhiệm linh thiêng để kết nối, giao hòa tâm hồn của con người muôn đời, như một nét văn hoá tâm linh trong cuộc sống cộng đồng.

7 nhận xét:

  1. Nghi thức bốc bát hương sẽ đề cập trong một dịp khác.

    Trả lờiXóa
  2. Xin hỏi:

    Khi thắp hương bắt buộc phải mở cửa ra để các cụ về phải không ạ ?
    Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ông bà ông vải nhà mình lúc nào mà chẳng đi theo phủ hộ cho người nhà mình. Vậy thắp hương mở cửa hay không không quan trọng mà quan trọng là cái tâm của mỗi người

      Xóa
  3. Đúng như vậy, hơn nữa nhà đóng kín mít, nhát nhà chật thì khói hương dễ gây khó chịu!

    Trả lờiXóa
  4. Có một loại Nhang Sạch đang rất Hot trên thị trường bạn có quan tâm.

    Nhang Sạch Hương Quế tự nhiên rất tốt cho hô hấp và trong phòng kín, phòng máy lạnh

    Trả lờiXóa
  5. Bạn có thể vào đây để tìm hiểu chi tiết

    http://nhangsachque.blogspot.com/2011/11/nhang-sach-nhang-que-lua-chon-uoc.html

    Trả lờiXóa
  6. Chữ Hương viết theo chữ Hán: 香. Hương (香) là bộ mang số 186 trong 214 bộ thủ của Từ điễn Hán Việt. Bộ Hương (香) nghĩa là thơm, bên trên viết bộ Hòa (禾cây lúa), bên dưới viết bộ Cam (甘ngọt ngào). Hương (香) có những nghĩa như sau: Hơi thơm. Phàm thứ cây cỏ nào có chất thơm đều gọi là hương. Lời khen lao.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!