[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


22 tháng 1 2010

Họ Lương trong cộng đồng dân tộc Việt Nam

Tại Hội thảo về “Họ Lương trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” tổ chức tại Văn Miếu ngày 25/8/2008, nhà giáo Bùi Văn Tam (cháu ngoại Lương tộc) có bài phát bểu quan trọng và nêu nhiều vấn đề hay.

Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa toàn thể bà con họ Lương.

Trước hết tôi xin chân thành cám ơn Ban tổ chức hội thảo về họ Lương trong cộng đồng dân tộc Việt nam đã cho tôi được dự và phát biểu ý kiến.

Thân danh là một cháu ngoại họ Lương, lại là một nhà giáo làng, sống gần gũi quê hương, bà con họ tộc, tôi được bà con họ Lương quý mến cho phép tôi được tham gia sưu tầm tư liệu, bước đầu khảo cứu về một dòng họ thân thuộc của tôi, một dòng họ mà tôi quý mến vì có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho quê hương, làm vẻ vang cho họ tộc của mình.

Vừa qua, được sự đồng ý của họ Lương, tôi có biên soạn cuốn "Họ Lương trong cộng đồng dân tộc" được xuất bản năm 2001 và năm qua tôi biên soạn cuốn "Trạng Lường Lương Thế Vinh" cũng để phục vụ cho bà con họ Lương. Có được thành quả ban đầu đó, là nhờ sự giúp đỡ động viên của các thầy giáo của tôi.

Giáo sư Trần Văn Giàu, khi chúng tôi tốt nghiệp khoa Sử trường ĐHTH đã ân cần khuyên nhủ: Địa vị trong xã hội là do xã hội sắp đặt, phân công. Điều cần nhớ là các trò tìm thấy được chỗ đứng dưới ánh mặt trời! Tôi tự cho đó là phương châm sống, phải tìm được chỗ đứng trong xã hội, nhưng là chỗ đứng dưới ánh mặt trời, nghĩa là phải sống xứng đáng, có cống hiến, nhưng phải sống trong sáng, quang minh chính đại. Các Giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn luôn cõ vũ một người học trò như tôi, trong địa vị nhỏ bé của mình hãy cố gắng hết mình. Tôi sâu sắc nhớ lời thầy Phan Huy Lê động viên nhắc nhỡ tôi khi tôi nói đất Vụ Bản Nam Định của tôi có nhiều việc, nhiều điều đáng viết, đáng nghiên cưu, nhưng sức mình có hạn, thật dáng tiếc. Thầy Lê đã khuyên tôi: Lượng sức mình mà làm, được đến đâu hay đến đó. Mình không làm được xã hội sẽ có người khác làm, đừng sốt ruột. Lời dạy của thầy Lê thật nhẹ nhàng nhưng rất thâm thuý, tôi coi đó là phương châm cần thiết khi sưu tầm nghiên cứu lịch sử: Làm gì cũng phải chắc chắn, không được sốt ruột mà vội công bố những điều mình mới tìm hiểu, chưa được nghiên cứu kỹ lương để lấy thành ích, những điều mình thấy mà chưa làm được sẽ có người khác cũng có khả năng thấy và làm tiếp.

Tôi nhớ lại một sự việc có liên quan đến nghiên cứu lịch sử. Năm 1966 trong cuộc chỉnh huấn các giáo viên dạy Sử các trường cấp 3 trong cả nước, Đ/c Trường Chinh lúc đó là Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương có tới thăm và nói chuyện. Đồng chí thân mật nói chuyện nói ngắn nhưng cũng rất sâu sắc: Muốn trở thành người giáo viên dạy giỏi, trước hết phải là người nghiên cứu giỏi, thầy giáo dạy Sử giỏi trước hết phải là người nghiên cứu lịch sử. Sau đó đ/c Trường Chinh giới thiệu đ/c Hoàng Nhật Tân, lúc đó là Tổng thư ký của Ban nghiên cứu lích sử Đảng Trung ương trình bày một chuyên đề của Ban: "Chống chủ nghĩa chủ quan trong nghiên cứu lịch sử". Lời dạy của đ/c Trường Chinh cũng như chuyên đề "Chống chủ nghĩa chủ quan trong nghiên cứu lịch sử” của đ/c Hoàng Nhật Tân vừa có ý nghĩa cổ vũ động viên vừa là phương châm cho chúng tôi trong giảng dạy và nghiên cứu lịch sử.

Tôi nói hơi lan man , có vẻ như lạc đề với cuộc hội thảo này, nhưng thực ra tôi muốn rút ra những bài học của bản thân mình từ việc viết lịch sử nói chung và việc viết lịch sử dòng họ nói riêng. Vì đây là cuộc hội thảo về việc gắn kết các dòng họ Lương trong cả nước, tất phải nghiên cứu sâu, kỹ về lịch sử dòng họ nên làm từng bước, thận trọng, đầy đủ, chu đáo, không nên chủ quan, khiên nhưỡng lắp ghép giữa dòng họ này với dòng họ khác trong họ tộc chúng ta. Cùng là họ Lương, có mối quan hệ là chắc chắn. Người Họ Lương làm nên công nghiệp, có ích cho làng cho nước là vẻ vang cho dân tộc, cho dòng họ mình rồi. Vả lại chưa có họ nào có câu nói thân tình và cảm động như họ Lương "Nam bang Lương tính, giai ngã tử tôn". Có đi tìm hiểu họ Lương trong cả nước mới thấy hết ý nghĩa của câu nói này. Có 3 vị danh nhân họ Lương nổi tiếng trong cả nước có đền thờ được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia và mở lễ hội, tôi theo chân họ Lương làng Cao Phương đi dự và tìm hiểu, ngoài Lương Thế Vinh ra còn có Lương Đắc Bằng ở Hội triều (Thanh Hoá) và Lương Văn Chánh ở Tuy Hoà (Phú Yên), tôi thật cảm động và lấy được khá nhiều tư liệu về các dòng họ Lương có mối quan hệ với 3 trung tâm Thanh Hoá, Nam Định và Phú Yên. Ngay lễ hội Trạng Lường, năm mở đầu 1991 tại làng Cao Phương đã có 30 đoàn liên hệ và có 16 đoàn đại biểu đến dự. Lễ hội lần thứ 2 năm 1996 có 50 dòng họ Lương liên hệ và có 34 đoàn đến dự, Năm 2001 tại lễ kỷ niệm Lương Trạng nguyên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã có 70 đoàn họ Lương liên hệ, số đoàn về dự lên đến gần 50 đoàn.. Năm 2006 lễ hội lần thứ tư, Xã và Tỉnh chủ động tổ chức nhưng do gửi giấy mời muộn quá cũng có 30 đoàn về dự. Năm nay, số các chi họ Lương có liên hệ với ban liên lạc họ Lương Hà nội tổ chức hội thảo tại Hà Nội để chính thức bầu ban Liên lạc họ Lương cả nước, số dòng họ liên hệ được đã lên đến gần 100, điều đó khẳng định nhu cầu, nguyện vọng tốt đẹp của toàn thể bà con họ Lương khắp cả nước muốn có sự gắn kết thân thuộc với nhau. Tôi cũng may mắn được theo chân các cụ họ Lương đi tìm hiểu họ Lương trong chuyến đi xuyên Việt gần 1 tháng từ Nam định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa thiên Huế, Phú Yên Khánh Hoà, Nam bộ năm 1996, và sau đó có nhiều chuyến đi tìm hiểu các dòng họ Lương trong tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình xuống Kiến An Hải phòng, lên Bắc Giang mấy năm ròng rã, chúng tôi thật xúc động khi được sự ân cần đón tiếp của bà con họ Lương nơi đó. Nhưng quý nhất là được bà con tin tưởng cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin, nhiều tư liệu, thậm chí còn tặng chúng tôi bản sao chép tộc phả, chụp ảnh các di tích gửi về cho chúng tôi nghiên cứu. Chúng tôi cũng được dự các ngày giỗ của họ Lương Đỗ Hà, Họ Lương Khúc Giãn, họ Lương Phượng Nhãn, họ Lương Nhượng Hương , về thăm các nhà thờ họ Lương Mỹ Lợi, họ Lương Hoằng La, họ Lương Tào Sơn, họ Lương Tử Dương, họ Lương Cao Mật, họ Lương Gia Lộc, họ Lương Bình Hàn, họ lương Can Lộc, họ lương Diễn Châu, họ Lương Đại Điền Diên Khánh, họ Lương Kiên Lao, Giao Long, Chợ Lương Hải Hậu, Phượng Đễ, Mạt Lăng. Dự lễ ở nhà thờ họ Lương Mạt Lăng , Mỹ Phúc, Khúc quán, Hồng Việt Can Lộc vv...Tôi không thể kể hết những nơi có họ Lương mà chúng tôi đã đến thăm, nhất là những nơi có họ Lương ngay trên đất Nam Định... Nhân dịp này cho phép tôi được cảm ơn tất cả bà con họ Lương mà chúng tôi đã tới thăm đã giúp đỡ chúng tôi. Một việc cũng không kém phần quan trọng là giao lưu thư từ, trao đổi tư liệu giữa chúng tôi với họ Lương nhiều nơi như Lệ Sơ, Hương Nha, Cự Phú, Tân Liêu, Nghiã Đàn, Hưng Nguyên, Pò Pó Cao Bằng, Quốc Oai, Tiên Lãng, Thuận An, Tiền Hải...không thể kể hết được.

Tất cả những chuyến đi thăm hỏi lẫn nhau vấn tổ tìm tông, trao đổi thư từ, tư liệu tộc phả vv.. đã giúp chúng tôi lần đầu biên soạn cuốn "Họ Lương trong cộng đồng dân tộc Việt Nam". Gần đây những tư liệu về họ Lương ở Quảng Ngãi, họ Lương Hương Nha , họ Lương Tiên Lãng, họ Lương Hoằng La, họ Lương Hát Môn, họ Lương Phong Triều (Phú Xuyên) họ Lương Diễn Ngọc Diễn Châu, cùng với các gia phả các chi họ Lương cung cấp từ trước giúp chúng tôi tiếp tục khảo sát để bổ sung tái bản cuốn "Họ Lương trong cộng đồng dân tộc Việt nam" vào năm 2010.

Khách quan mà nói, nhiều gia phả các chi họ cung cấp còn sơ lược, khó phân định chi nhánh, hàng bậc và lượng thông tin quá ít, mang tính chất là bảng phối ý để thờ cúng, khấn lễ mà thôi. Riêng họ Lương Hương Nha (Tam nông Phú thọ) biên soạn khá tốt, chúng tôi đã dựa vào cuốn phả này bổ sung thêm để làm bản hướng dẫn nghiên cứu dòng họ. Việc làm này hết sức công phu, thận trọng, mang tính tập thể cao, không nên sốt ruột kết luận vấn đề ngay, nhưng có thể đưa ra nhận xét hay giả thiết. Ví dụ cuốn phả của Quảng Ngãi, tất nhiên đây cũng chỉ là những nhận xét nhưng cũng có nhiều điểm để chúng ta nghiên cứu mối quan hệ giữa họ Lương Phú yên - Mỹ lơi - Q!uảng Ngãi. Giữa Lương Công Nghĩa, Lương Tín Nghĩa , Lương Văn Chánh. Ba người này có phải là một hay không?.

Nhưng cũng có cuốn phả, theo những thông tin có trong phả đó thì rõ ràng có sự nhầm lẫn giữa Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở làng Cao Phương với Lương Vinh ở Cổ Bi nên phải xem xét lại vì các thông tin sai lệch nhau nhiều quá.

Theo tôi về mối liên hệ giữa các dòng họ với nhau tạm thời nên theo các hướng sau đây mà xem xét:

1/ Nếu gia phả đã ghi rõ họ mình thuỷ tổ là con cháu của họ nào về đây thì nên chấp nhận, đồng thời đi sâu nghiên cứu lý do đến địa bàn mới và mối liên hệ đó từ đời nào, nếu tìm được là quý, nếu chưa tìm được thì nên chấp nhận và tin tưởng.Trường hợp này có nhiều ở các dòng họ Lương ở Nam định , Thái Bình Ninh bình, Thanh hoá, Hà tĩnh có quan hệ với Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xưa đã công nhận, gia phả có ghi, câu đối cũng nói lên điều đó như Ngân bôi, Cự phú, Mạt Lăng Tân liệu...)Và có thể cả họ Lương ở Mỹ lợi, Quảng ngãi, Phú yên cũng vậy, có cùng nguồn gốc với Lương Văn Chánh Phú Yên qua nghiên cứu gia phả trùng hợp nhiều và lâu nay vẫn đi lại .

2/ Ở Thanh Nghệ Tĩnh và Nam Định, Ninh bình có chung quan hệ với hai trung tâm họ Lương Đắc Bằng (Hội Triều) và Lương Thế Vinh (Nam định) vì con cháu của hai dòng họ này rãi khắp các tỉnh này và chính họ Lương Hội Triều cũng đã thừa nhận gia phả ghi rất nhiều sự tích Lương Thế Vinh và các câu đối đền thờ Lương Thế Vinh của 2 chi Hội Triều, Tào sơn cách đây hàng trăm năm. Bởi vì ngay con cháu của Lương Thế Vinh làm quan ở Thanh Hoá cũng nhiều (con trai của Lương Thế Vinh là Lương Thế Hạo làm hiến sát phó sứ đạo Thanh Hoa, trụ sở ngay ở Ngân Bôi-Kim Âu vùng Vĩnh Lộc, Đông Sơn ngày nay ), con cháu sau theo Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Trịnh Tùng chống Mạc rất nhiều. Lương Thế Khôi là con thứ có đền thờ ở Hữu Vịnh Người làng Hương vẫn nhớ thế.,mà Hữu Vịnh chính là Hội Triều ngày nay, con là Lương Khải ở lại đó trông coi phận mộ của bố.

3/ Vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải phòng, Hải Dương, Hưng Yên nên tìm về hướng Nam định theo gia phả của một số chi họ nói từ Nam Định di cư, chạy loạn, khai hoang Tam Thiên mẫu ...lập làng ấp hoặc phục hồi làng ấp sau loạn lạc và do đó có quan hệ với Trạng Lường .

4/ Họ Lương Gia Lộc của Lương Như Hộc hiện nay làng Hồng Hữu không còn một người họ Lương nào cả, mà theo sự tích thì ông Hộc có 2 con trai là Từ và Hậu đều đậu đạt cao, sau chuyển cư lên làm nghề thủ công ở Thanh trì và kinh thành Thăng long. Vậy các họ Lương ở phía Nam Hà nội có thể tìm hiểu họ Lương Như Hộc không? nhất là vùng Chương Dương kể cả tiến sỹ Lương Mậu Huân đời hậu Lê ở đó.

5/ Việc Nguyễn Hoàng đưa người di cư vào Nam vào thế kỷ XVI đầu XVII chủ yếu là người Thanh Nghệ mà Thanh là chủ yếu, trong đó có Lương Văn Chánh. Ông Chánh đã đưa nhiều người họ Lương vào quân ngũ và vào khai dân lập ấp.Có nhiều người ở làng Phượng Lịch (Hoằng Hoá) và Lương Niệm (Sầm sơn, Quảng Xương) hay Tào Sơn (Tĩnh Gia). Họ Lương Lệ Sơn Quảng Bình tính đến nay có 17 đời (gần 400 năm) không thể là do Lê Thánh Tông đưa vào được. Vả lại Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành chủ yếu là vượt biển vào đến vùng Quảng Trị, Thừa Thiên hiện nay chuẩn bị quân vào đánh không có quân bộ để đưa ra Quảng Bình. Nên họ Lương Lệ Sơn có khả năng cũng vào đây thời Nguyễn Hoàng mà thôi.

6/ Cần nghiên cứu kỹ hơn họ Lương lên vùng Tuyên quang, Thái Nguyên, Phú Thọ. Thời Lý (thế kỷ XII) đã có họ Lương ở Nỗ Lực Việt trì, cuối đời Lý. Đời Trần ở Tuyên quang đã có họ Lương được phong Toát thông vương, con cháu là Lương Nguyên Bưu đã làm đến chức đại hành khiển vì chống Hồ Quý Ly mà bị giết.

Riêng họ Lương Hương Nha coi cụ Lương Đường Tân làm thuỷ tổ (Khởi tổ) tại đây, và ghi rõ Cụ làm quan nhà Mạc đến khi nhà Mạc mất Thăng long chạy lên Cao bằng (1592) thì Cụ về Hương Nha khai phá đất đai lập trang điền.Và Phả viết rõ 7 chi có chi nhất đến nay vô tự còn 6 chi phát triển từ Cụ khởi tổ đến nay là đời thứ 8 (chi 2) thứ 11 (chi 3, chi 4), đời tứ 10 (chi 5, chi 6) và đời thứ 12 (chi 7) thì số năm chỉ có thể khoảng 250 -300 năm mà thôi (20-25 năm một đời). Nếu từ nhà Mạc đến nay thì số năm lên tới 400 năm nên là không hợp lý. Theo phả của luật ngoại (có thể thuộc dòng của tién sỹ Lương Vinh) có ghi : Đời thứ 15 có Lương Ngọc Đường con ông Thiên Kim đậu tú tài năm Giáp tý (1744) đời Lê Cảnh Hưng thứ 5 di cư về thành Tang Ma Hưng Hoá mở núi lập ấp làm nhà để ở (là tổ của chi nhánh Phú Thọ vậy) (xem họ Lương trong cộng đồng dân tộc - 2001 trang 91). Và Lương Hữu Ấp là con chú đậu tú tài cũng ở chi này (1750). Nếu tính đời thứ nhất là ông Lương Ngọc Đường ở Tang Ma (huỵện Thanh Xuyên cũ) nay thuộc Phú Thọ Vậy có thể xem họ Lương Hương Nha Phú Thọ là họ Lương Tang Ma không, hay có quan hệ gì không?

7/ Xin nêu một hiện tượng kỳ lạ, phải chăng có quan hệ thân tình với nhau hay có sự giao ước ngầm với nhau giữa các dòng họ. Về cái tên lót, có Lương Công, LươngVăn, Lương Đình, Lương Hữu, Lương Thế vv...có thể có một thời nào đó để thể hiện sự phân liệt giữa các chi dòng với nhau. Như họ Lương Cao Mật có tên lót là Tất giống họ Lương Cự Phú, chỉ có 2 họ Lương này có tên lót là Tất vậy có quan hệ gì với nhau không?

Họ Lương Hội Triều, Tào Sơn và Cao Phương nhiều cụ lấy hiệu có chữ Hiên,khiến ta phải suy nghĩ chắc có mối quan hệ gì đây hay ít ra cũng "bắt chước nhau", mà có quan hệ thì mới bắt chước theo nhau:

- Hội Triều đời thứ 2 có Lương Đại Đồng hiệu Vĩnh Hiên tiên sinh
đời thứ 4 Lương Thế Vĩnh hiệu Khảm hiên tiên sinh.
đời thứ 8 Lương Hay hiệu Tĩnh hiên tiên sinh.
đời thứ 9 Lương Đắc Bằng hiệu Đạm Hiên tiên sinh.

- Tào Sơn đời thứ 11 Lương Chí hiệu Nhãn hiên tiên sinh
12 Lương Yên hiệu Đức hiên tiên sinh.
13 Lương Nghi hiệu Lễ hiên tiên sinh .

- Cao Phương Lương Thế Vinh hiệu Thuỵ hiên tiên sinh.
Phải chăng đây cũng là dấu hiệu nói về mối quan hệ dòng họ.

8/ Trong cuốn họ Lương trong cộng đồng dân tộc tôi có nêu thêm một số suy nghĩ nữa mong các chi họ coi đó cũng là một số hướng để giải quyết về mối quan hệ.

Nói tóm lại vấn đề mối quan hệ của các chi họ Lương phải xét một cách khách quan thận trọng, tìm mối tương đồng về xuẫt xứ, niên đại, thế hệ, lý do dời cư, tách biệt, về tên lót, sự kiện tránh tình trạng không nắm được lịch sử đã vội kết luận.

Hiện có mấy cái sai lầm cần tránh:

- Thế hệ các đời so với niên đại (phả mới có 10-12 đời mà niên đại ở đời Mạc, chênh nhau hàng trăm năm).

- Lầm tên tổ dòng này với tổ dòng họ khác như việc nhầm LươngThế Vinh đậu trạng nguyên năm 1463 với Lương Vinh đậu tiến sỹ năm 1478 (Mậu Tuất) rôi ghép luôn với phả Cao Hương, Hổi Triều,Tào Sơn .

- Viết có phần khoa trương không đúng sự thật không đúng chức phận địa vị của các chức danh của tổ tiên nên giải thích sai .

Đó là nói về nghiên cứu mối quan hệ giữa cac dòng họ. Còn vấn đề quan trọng nữa là nguồn gốc các dòng họ, điều này lại liên quan đến quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Trong cuốn họ Lương trong cộng đồng dân tộc cúng tôi đã cố gắng hệ thống những nhân vật sự kiện lịch sử có liên quan đến người họ Lương thấy rằng họ Lương xuất hiện từ thời Hùng Vương, thời Hai bà Trưng, thời Lý Bố, thời Phùng Hưng.

Nhưng đó đều căn cứ vào các thần phả, thần tính trong các đền thờ. Và đã có cái sai do sử dụng tư liệu (người viết lại tư liệu sai, về sự tích thần Lương Tống và Lương Viết Bộ của Vương Hồng ở đền Nỗ Lực Việt Trì là tướng thời Vua Hùng, thực ra là tướng thời Lý Cao Tông. Nay được xem thần phả chính và tư liệu công nhận di tích lịch sử của tỉnh Phú Thọ, xin được đính chính lại). Dù sao, họ Lương chúng ta, về dã sử đã xuất hiện sớm từ thời Hai Bà Trưng . Riêng Lương Nhận Văn Thái sư đời Lý Thái tổ,Lý Thái Tông có công trong sự nghiệp xây dựng Vương triều Đại Việt đầu tiên của chúng ta là quan trọng nhất thì hiện nay chưa tìm thêm được tư liệu nào cả !.Mong được cá dòng họ ở cac địa phương cung cấp thêm, ngay cả dã sử, thần tính có nhân vật liên quan đến họ Lương chúng ta (nói thêm một chút về họ Bùi có 2 tướng là Thạch Đa, Thạch Đê và Bùi Văn Thốn.)

Vấn đề tứ ba: Chúng tôi đã nêu những truyền thông tốt đẹp của họ Lương, xin tiếp tục bổ sung để làm rạng rỡ các truyền thống đó. Tôi xin nhấn mạnh bổ sung 3 ý:

1/ Truyền thống hiếu học xưa và nay của họ Lương cả nước,nên tập hợp đầy đủ hơn nữa các bậc khoa cử thời trước cũng như thời nay,từ tốt nghiệp đại học trở lên(về tiến sỹ và Giáo sư có thể ham khảo 2 cuốn sách của NXBQuang Triệu Hà nội ). Nhưng theo tôi nên nhấn mạnh : ý thức trong khoa học của Lương Thế Vinh, trong sách vở in ấn kỹ thuật của Lương Thế Vinh và Lương Như Hộc (đều là bí thư giám coi sách của Vua, Lương Như Hộc lại phát triển nghề in.) và thời nay có Giáo sư nông học Lương Định Của và nhiều nhà khoa học khác .

2/ Nhấn mạnh thêm về ý thức mở mang kinh tế tư tưởng phát triển công thương nghiệp rất độc đáo của Trạng nguyên Lương Thế Vinh thế kỷ XV, Phát triển nông nghiệp của Lương Định Của và nhất là phát triển mở rộng việc khai hoá lập thôn ấp làng xóm mới của cụ Lương Chí ở Tào Sơn, Lương Đại Đồng, Lương Nhữ Hốt, ở Hữu Vịnh (Hội Triều) Lương Văn Chánh và bà con họ Lương khai phá miền Trung và miền Nam , Bà chúa Lão ở núi Rà, Bà chúa Tre Chức Cầu vv...các họ Lương Cao mật, Tiên lãng, Khúc giải, Tử Dương ,...và các nhà kinh doanh hiện na, các doanh nhân đã thành đạt của họ Lương, 2 con út của Lương Thế Vinh khai phá ở Thiên Lộc .

3/ Vai trò phụ nữ họ Lương trong lịch sử dòng họ và dân tộc :

- Hai nữ tướng họ Lương trong khởi nghĩa Hai bà Trưng là Giao Tấn và Hiền Nương .
- Chuyện bà Đức Lão Lương Thị Ngọc ở núi Rà
- Chuyện bà Lương ở Chức Cầu (Ý Yên) bà chúa Tre .
- Chuyện nữ cán bộ họ Lương trong cách mạng: Bà Hà Thị Quế tức bà Lương Thị Hà UV TW Đảng, Chủ tịch hội LHPN Việt Nam.

Kết luận:

Việc nghiên cứu 1 chi họ Lương không thể chỉ là việc của một người, thì việc nghiên cứu họ Lương trong cả nước phải là việc của tập thể không thể là một người làm được.Một đặc điểm nữa là tư liệu của dòng họ rất tản mạn, dân số họ Lương không đông, sốn rải rác, tỉnh đông nhất là Thanh Hoá, Nam định có nhiều lắm cũng chỉ mươi dòng họ với số dân chỉ tính đến hàng nghìn hàng vạn mà thôi. Tuy bé nhỏ so với nhiều họ khác trong cộng đồng dân tộc , nhưng họ Lương tự hào là dòng họ Văn vật, có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của dân tộc cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sánh vai được với các họ tộc khác trong cộng đồng dân tộc.

Những năm vừa qua chúng tôi biết chưa phải là tất cả các dòng họ Lương trong cả nước được tập hợp nhau lại , chưa có tổ chức chặt chẽ để gắn kết nhau, mà chỉ mới thông qua lễ kỷ niệm một số danh nhân văn hoá của dòng họ mà gặp mặt nhaucố gắng tìm đến nhau,khao khát vấn tổ tìm tông mà gắn kết với nhau. Năm nay chúng tôi vui mừng thấy được sự đoàn kết gắn bó ngày càng đông đảo trong cả nước,tin chắc việc tập hợp nhau trong một tổ chức thân thuộc sẽ trở thành hiện thực , là chỗ dựa vững chắc, tổ chức chặt chẽ để chúng ta bổ sung , sữa chữa , hoàn chỉnh cuốn sách quý "Họ Lương trong cộng đồng dân tộc"mà chúng tôi vinh hạnh được đóng góp phần đầu tiên trong công việc đầy ý nghĩa này.

Kính chúc cuộc hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn!

Ngày 24 Tháng 8 Năm 2008.
BÙI VĂN TAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!