[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


16 tháng 8 2009

BÀI TRÍ trong Từ đường

Có nhà thờ, bên trong có Ban thờ và đồ thờ cúng gọi là tự khí 祀器. Dù khó khăn đến mấy, nếu không có biến cố chính trị lớn, cũng không ai bán, cầm cố nhưng vật Gia bảo 家宝 này.
1. Bộ ĐỒ THỜ trong Từ đường:
Tùy sự giầu nghèo của gia tộc mà 祀器 Tự khí trong Từ đường có Tam sự, Ngũ sự có khi có cả Bát bửu.

Bộ Tam sự: Gồm 3 vật dụng: Bát hương: hay lư hương (tượng trưng cho bầu Thái cực, hương thắp lên là tượng trưng cho các vì tinh tú, khói hương là vạch nối âm dương); Hai con hạc đội đèn (hoặc sáp), hoặc hai cây đèn (hoặc sáp) khi thắp lên là “nhật nguyệt quang minh” (mặt trời, mặt trăng đều sáng); Cái tam sơn đặt rượu và trầu cau, là biểu thị của “tam đài”: Thiên - Địa - Nhân.

Bộ Ngũ sự: Bát hương; Hai cây đèn (hoặc con hạc), hoặc hai cây sáp; Lọ lộc bình cắm hoa; Mâm bồng đặt ngũ quả; Cái kỷ hay còn gọi là cái tam sơn (Ở giữa nhô cao lên đủ để đặt bộ đài con ba chiếc đựng 3 chén rượu cúng, Hai bên thấp hơn đựng hai đài lớn, một bên đặt đĩa trầu cau, một bên đặt bát nước cúng).

Bát bửu: Trong ban thờ nội điện nối với tiền tế còn có một nhang án thứ hai có ở đền và đình làng, hai bên đặt bát bửu (bảo) gồm có 8 thứ quý là: Quả bầu eo, Giỏ quả, Cái bút, Thanh kiếm, Cái quạt hình quả vả, Cái khánh hoặc phất trần, Ống sáo (tiêu), Bàn cờ.

Mỗi thứ được tạo thành mảng chạm lộng, đặt trên đầu một cán dài sơn son thếp vàng, cắm vào hai cái giá đặt hai bên trong gian giữa tiền tế. Phía đầu hàng có hai biển 靜宿 “Tĩnh túc” (yên lặng, trang nghiêm) và 迴 避 “Hồi tị” (tránh ra xa), dùng đi đầu trong lễ rước.


2.
HOÀNH PHI:

Hoành phi (H:橫扉,A: The horizontal lacquered board, P: Le panneau laqué horizontal) nguyên nghĩa là bảng nằm ngang vốn là bức thư họa 書畫 (tranh chữ), được dùng rộng rãi trong dân gian (đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở...).


Hoành phi có nhiều loại, có bức hoành phi sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt. Tuy nhiên, đặc sắc và độc đáo nhất phải kể đến những hức hoành phi được làm bằng kỹ thuật “chạm đắp”, với việc chạm riêng một vài chi tiết như đầu rồng, đầu chim, các loại hoa văn...sau đó đắp vào bức chính. Hoành phi được làm bằng gỗ không mọt (như gỗ mít), được chạm lộng, chạm đắp, gắn kết với nhau thông qua ngàm mộng chứ không dùng đinh.


Hoành phi cổ thường được cấu tạo theo hai dạng chính là dạng hình chữ nhật và hình cuốn thư, ngoài ra còn có bức dạng chiếc khánh, hình ô van.

Những chữ Hán (không dùng chữ Nôm) viết trên hoành phi (大字 đại tự) thường theo 3 kiểu cơ bản là chữ chân 真, chữ thảo草, chữ triện 篆. Nội dung có khi bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và những người có công với đất nước, thông thường chỉ có từ ba đến bốn chữ như: 万古英灵 “Vạn cổ anh linh” (muôn thuở linh thiêng), 留福留摁 Lưu phúc lưu ân (Lưu giữ mãi ơn đức), 護國庇民 Hộ quốc tí dân (bảo vệ nước che chở dân); có khi mang ý nghĩa chúc tụng như 僧财进禄 “Tăng tài tiến lộc” (được hưởng nhiều tài lộc), 福禄寿成 “Phúc lộc thọ thành” (được cả phúc, lộc, thọ), 家门康泰 Gia môn khang thái (Cửa nhà rạng rỡ yên vui)...


Những chữ lạc khoản nhỏ hơn được ghi ở một hoặc hai bên bức hoành phi sẽ cho chúng ta biết thông tin về chủ nhân của hoành phi, người viết, người tặng, sự kiện tạo ra bức hoành phi đó, về thời gian xây dựng đình, đền, nhà thờ họ...Hình trang trí trên các bức hoành phi như tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc), hình quyển sách và cây bút, hình thanh gươm... ngoài việc làm nổi bật thêm nội dung của những chữ trên bức hoành phi, còn thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của người tạo tác.

Hoành phi được treo ở những nơi thờ cúng như đình, đền, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, nơi lăng mộ...Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc những vị trí trang trọng khác của đền, đình hoặc ngôi nhà, hướng ra ngoài, cố định và ít di chuyển, tạo cảm giác bền vững, lâu dài. Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, nhưng cũng có gia đình treo đến hai ba bức, thường là gia đình khá giả. Xưa, những nhà nghèo không có hoành phi bằng gỗ thường dùng những tấm cót, nẹp vào rồi dán những tấm giấy đỏ có viết đại tự lên.

Ngày nay, những bức hoành phi cổ, vốn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa còn lại không nhiều. Ở một số di tích người ta đã đưa những tấm hoành phi mới vào để thay thế cho các bức cũ đã bong sơn, long mộng hoặc tạo bức Hoành phi mới hoàn toàn.Trong buổi gặp mặt Rằm tháng Giêng năm Đinh Hơị tại nhà mẫu thân tôi đưa ra ý kiến và đại diện 24 gia đình Lương Đức tại Lào cai đã nhất tâm công quả được 2.000.000 đ và tối đã đạt bức Hoành phi mang dòng chữ 海德山功 (Hải Đức sơn công) với nghĩa Công Đức của Tổ tiên cao như núi, sâu như biển đồng thời có chữ Hải chỉ Hải Phòng quê gốc và Sơn chỉ miền núi Lào cai nơi khai hoang. Bức Hoành phi đã được đón và treo tại Từ đường lương tộc ở quê vào tháng 4/2007.


3. CÂU ĐỐI:

Câu đối còn gọi là Doanh thiếp 楹帖, Doanh liên 楹聯 (một cặp câu dán cột nhà), Đối liên 對聯 (một cặp câu đối xứng). Doanh là cột, thiếp là tờ giấy, liên là liên kết, đối là đi đôi, song song, một cặp đối xứng được treo trong đình, đền, nhà thờ họ, nhà ở... là một trong những loại hình văn hóa rất phổ biến ở nước ta.

Về nội dung câu đối rất đa dạng, nhiều nhất là câu đối tế, câu đối răn dạy, giáo dục, câu đối ca ngợi sơn thủy hữu tình, câu đối chúc thọ, câu đối phúng viếng, câu đối vui... Câu đối có ở nước ta từ khi nào, thật khó biết cụ thể. Nhưng dựa vào các thể đối trong thơ phú nước ta thì câu đối chí ít có từ thời tiền Lê, thế kỷ thứ X. Đến đời Trần thì câu đối đạt nghệ thuật điêu luyện. Đến đời Lê câu đối Nôm dấy lên rực rỡ, đặc biệt giai thoại đối Nôm của vua Lê Thánh Tông. Đến đời Nguyễn, câu đối đạt đỉnh cao, nhất là câu đối Nôm mà nổi bật có Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Quý Tân, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... trong đó Nguyễn Khuyến xứng đáng được tôn vinh và vua câu đối, nhất là câu đối Nôm.

Phép làm câu đối có 2 yêu cầu: Đối thanh: chữ của vế trên bằng thì chữ của vế dưới phải trắc, và ngược lại; Đối loại: nếu vế trên sử dụng danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ hay sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, điển cố… tại vị trí nào thì vế dưới nó, ở tại vị trí đó cũng phải sử dụng đúng từ loại như vậy.

Câu đối đúng quy cách thì vế trên (bên phải nếu dán cột) có vần trắc, vế dưới (bên trái nếu dán cột) có vần bằng.

Cách làm câu đối có thể chia thành 3 loại. Loại tiểu đối 小對(mỗi vế có bốn chữ trở xuống), loại thi đối 詩對(đối thơ) mỗi vế có trên bốn chữ, nếu là năm hay bẩy chữ thì câu đối giống hai câu thực hoặc hai câu luận (câu 3,4 hoặc 5,6) của thơ Đường luật, và loại phú đối 賦對 (đối phú) đặt câu theo thể Đường phú. Mỗi vế có năm chữ trở lên, chín chữ trở xuống đặt liền gọi là phép Song quan (hai cửa). Một số Câu đối thông dụng treo tại từ đường tôi sưu tầm được đã chép trong Gia phả.


4. BÀI VỊ:

Bài vị: (H:簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt). Trong đó 簰 Bài = cái thẻ bằng gỗ mỏng hay bằng giấy cứng có viết chữ trên đó còn 位Vị = chỗ đứng. Như vậy, Bài vị, còn gọi là Thần chủ, là một tấm thẻ trên đó có ghi đầy đủ tên họ người chết, năm sanh, ngày chết, chức tước, quê quán, để tế lễ và thờ phượng.

Bài vị thường được làm bằng gỗ táo, không mối mọt và tượng trưng cho sự lâu bền. Bài vị dài độ một thước, đặt trong một hộp vuông che kín, ở giữa đề tên thuỵ, hiệu, chức tước, hai bên đề ngày, tháng, năm sinh và mất của tổ tiên. Ngày thường được đặt trong long ngai hoặc trong khám, chỉ mở ra trong dịp tế lễ.Một số từ đồng nghĩa: Thần chủ: (H:神主, A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort), trong đó: 神 Thần = - vị Thần, - Tinh thần, - Thiêng liêng mầu nhiệm, - Tài trí phi thường. 主Chủ = bài vị của người chết. Như vậy: Thần chủ là tấm thẻ nhỏ trên đó có biên tên họ người chết, ngày sanh ngày tử, chức tước, được đem đặt lên bàn thờ. Hay từ khác là : Linh vị (H:靈位, A: The tablet of the death, P: La tablette du mort), trong đó: Linh= Thiêng liêng, huyền diệu; Vị= chỗ đứng. Như vậy: Linh vị là một tấm thẻ viết tên họ người chết, tuổi, phẩm tước, ngày và nơi sanh, ngày và nơi tử, ngày và nơi nhập môn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!