Người đi vỡ đất

15 tháng 8 2024

Ứng dụng NGŨ HÀNH TRONG XẾP GIẤY MẦU

Mỗi khi sắm mã dịp cúng lế, nhất là vào Rằm tháng Bẩy, ngoài việc “biếu” quần áo có đề tên người nhận, đa số người Việt đều biếu “vải” để thân nhân tự may dưới âm phủ. Những mảnh vải này được tượng trưng bởi các tờ giấy mầu

Vì không rõ thân nhân (đã mất) của mình ưng và hợp với mầu nào nên thường sắm đủ 5 mầu (Đen, Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng), tượng trưng cho Ngũ hành. Nhưng việc xếp chúng theo thự tự mầu sắc như thế nào và vì sao lại thế đâu phải ai cũng tường !.

Ngũ hành 五行 là một cách biểu thị luật mâu thuẫn, bổ xung và làm cho thuyết âm dương hoàn bị hơn Ta biết rằng mọi vật trong vũ trụ đều chỉ do 5 chất phối hợp nhau mà tạo nên. 5 hành đó gồm: Kim (trắng), Mộc (xanh), Thuỷ (đen), Hoả (đỏ), Thổ (vàng).

Nguồn gốc của thuyết này là từ một mô hình tối cổ về các con số gọi là Hà Đồ 河圖. Tương truyền do trời ban cho vua Phục Hy (伏羲, 4486 tCn - 4365 tCn), một ông vua thần thoại của Trung Hoa thời sơ sử (A: prehistoric, P: Histoire ancienne, H: 時代初史). Khi Ngài đi tuần thú Phương Nam, qua sông Hoàng Hà, thấy con Long Mã hiện lên, trên lưng nó có những chấm đen trắng. Khi về Ngài phỏng theo mà vẽ lại thành một bảng ký hiệu 10 số đếm bằng các chấm đen và trắng, xếp thành hai vòng trong và ngoài, theo đúng 4 phương: Nam, Bắc, Đông, Tây. Ở chính giữa là hai số 5 và 10. Ngài gọi là Hà Đồ, tức là bức đồ trên sông Hoàng Hà (chỉ là hình vẽ chứ không có chữ vì sự phát minh thuộc thời chưa có chữ viết), chia 10 số đếm thành 2 loại số đối xứng nhau.

Nội dung cơ bản của Học thuyết là mối liên hệ biện chứng duy vật giữa các sự vật hiện tượng trong giới tự nhiên. Năm loại vật chất này vận động, chuyển hoá và tác động lẫn nhau hình thành nên thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Ngũ Hành vừa có tác động thúc đẩy, vừa có tác động ức chế lẫn nhau hình thành nên một vũ trụ luôn luôn vận động theo hình xuáy trôn ốc giống như quan điểm vật chất luôn vận động trong triết học Mác-Lênin.

Nó có ứng dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực khoa học và đời sống. Gồm:

-Thuỷ có ý nghĩa: Nước đi xuống, thấm xuống, giá lạnh; Làm cho vạn vật tĩnh lặng, bế tàng; đại diện cho  hướng Bắc  với Thiên Can là Nhâm – Quý  và Địa Chi là Tý - Hợi.

- Hoả có ý nghĩa: Lửa bùng cháy, bốc lên; Tính nóng, hướng thượng; làm cho vạn vật sinh trưởng, dồi dào; đại diện cho  hướng Nam với Thiên Can là Bính – Đinh và Địa Chi là Tị - Ngọ.

- Mộc có ý nghĩa: Gỗ mọc lên cong hay thẳng; Xu hướng phát triển đi lên; làm cho vạn vật được tươi tốt; đại diện cho  hướng Đông với Thiên Can là Giáp - Ấtvà Địa Chi là Dần – Mão.

- Kim có ý nghĩa: Kim loại, thuận chiều hay đổi thay; Yếu, biến mất; làm cho vạn vật kết quả; đại diện cho  hướng Tây với Thiên Can là   Canh – Tân và Địa Chi là Thân - Dậu.

- Thổ  có ý nghĩa: Đất để trồng trọt, gây giống được; chỉ sự hòa bình sung sức; làm cho vạn vật được đầy đủ hình thể ; đại diện cho  Trung ương với Địa Chi là Thìn-Tuất-Sửu-Mùi.

Tinh thần cơ bản của thuyết bao gồm hai phương diện giúp đỡ nhau gọi là tương sinh và chống lại nhau gọi là tương khắc. Ngoài ra còn có chế hoá, tương thừa, tương vũ biểu thị mọi sự biến hoá phức tạp của sự vật. Các hành thường sắp xếp theo trình tự: Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ. Trong đó:

Luật tương sinh 相相 có nghĩa là giúp đỡ nhau, xúc tiến, nương tựa lẫn nhau để sinh trưởng, giúp cho nhau lớn hoặc sinh ra nhau. Theo luật tương sinh mọi sự vật tiếp diễn, thúc đẩy sự phát triển không bao giờ ngừng: Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc. Quan hệ TS được gọi là quan hệ mẹ - con. Như vậy, Mộc là mẹ của Hoả; Hoả là con của Mộc; Hoả là mẹ của Thổ; Thổ là mẹ của Kim; Kim là con của Thổ; Kim là mẹ của Thuỷ; Thuỷ là con của Kim; Thuỷ là mẹ của Mộc, Mộc là con của Thuỷ. Vậy: mỗi hành  vừa là mẹ của hành sau nó, vừa là con của hành trước nó.

Về mặt xã hội, ngành nghề thì: Mộc sinh Hỏa (công nghiệp thúc đẩy sự sản sinh tri thức). Hỏa sinh Thổ (tri thức khoa học đã tạo ra cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp). Thổ sinh Kim (Nông nghiệp tạo nên sự ổn định cho chính quyền). và Thủy sinh Mộc (nhu cầu thị trường quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp).

Nguyên lý chung:

-Thuỷ sinh Mộc với nghĩa: Nhờ nước cây xanh mọc lớn lên;

- Mộc sinh Hoả với nghĩa: Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ;      

- Hoả sinh Thổ với nghĩa: Tro tàn tích lại đất vàng thêm;     

- Thổ sinh Kim với nghĩa: Lòng đất tạo nên Kim loại trắng;

- Kim sinh Thuỷ với nghĩa: Kim loại vào lò chảy nước đen.

Luật tương khắc 相剋 có nghĩa là ức chế và thắng nhau, làm thiệt hại nhau, nhưng phải biểu hiện cái ý quân bình và giữ gìn lẫn nhau giữa các Hành. Cụ thể: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Mộc đứng trước Thổ, Thổ đứng sau Mộc, cách một hành. Vì Mộc khắc được Thổ nên Mộc được coi là kẻ thắng. Thổ bị Mộc khắc nên được coi là kẻ thua. Quan hệ TK giữa Mộc và Thổ còn được gọi là quan hệ thắng - thua. Như vậy: Mộc là kẻ thắng của Thổ, Thổ là kẻ thua của Mộc; Thổ là kẻ thắng  của Thuỷ, Thuỷ là kẻ thua của Thổ; Thuỷ là kẻ thắng của Hoả, Hoả là kẻ thua của Thuỷ; Hoả là kẻ thắng của Kim, Kim là kẻ thua của Hoả; Kim là kẻ thắng của Mộc, Mộc là kẻ thua của Kim.

Dễ hiểu ta có thể ví dụ như sau: Kim khắc Mộc (Nhà nước đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước). Mộc khắc Thổ (Cơ khí hóa nông nghiệp tùy thuộc vào quá trình công nghiệp hóa của đất nước). Thổ khắc Thủy (Nông nghiệp quyết định chủng loại mặt hàng xuất khẩu chủ lực). Thủy khắc hỏa (Nhu cầu thị trường quyết định định hướng nghiên cứu khoa học). Hỏa khắc Kim (Đội ngũ trí thức đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng các quyết sách của nhà nước).

Nguyên lý chung:

-Rễ cỏ đâm xuyên lớp đất dày (Mộc khắc Thổ);

-Đất đắp đê cao ngăn nước lũ (Thổ khắc Thuỷ);

-Nước dội nhiều dập lửa ngay (Thuỷ khắc Hoả);

-Lửa lò nung chảy đồng sắt thép (Hoả khắc Kim);

-Thép cứng rèn dao chặt cỏ cây (Kim khắc Mộc).

Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự thăng bằng, trong đó, môĩ hành cũng lại có hai quan hệ: vừa là kẻ thắng của hành sau nó một hành, vừa là kẻ thua của hành trước nó một hành. Ví dụ Mộc thì nó khắc Thổ, nhưng lại bị Kim khắc nó. Hiện tượng tương khắc không tồn tại đơn độc; trong tương khắc đã có ngụ ý tương sinh, do đó vạn vật tồn tại và phát triển.

Ngoài ra còn có:

Luật chế hóa: Chế hoá là chế ức và sinh hoá phối hợp với nhau. Trong chế hoá bao gồm cả hiện tượng tương sinh và tương khắc. Hai hiện tượng này gắn liền với nhau. Không có sinh thì không có đâu mà nảy nở; không có khắc thì phát triển quá độ sẽ có hại. Cần phải có sinh trong khắc, có khắc trong sinh mới vận hành liên tục, tương phản, tương thành với nhau.

Luật tương thân: Thân là gần gũi, gắn bó thân thiết với nhau. Kim thân với Thổ (chính quyền gắn bó với nông dân). Thổ thân với Hỏa (nông dân gắn bó với trí thức). Hỏa thân với Mộc (trí thức gắn bó với nhà máy). Mộc thân với Thủy (Nhà máy gắn bó với thương nhân). Thủy thân với Kim (thương nhân gắn bó với chính quyền).

Luật tương cụ: Cụ là nể nang, sợ, ngại; Kim cụ Hỏa (chính quyền nể trí thức); Hỏa cụ Thủy (trí thức nể dân buôn); Thủy cụ Thổ (dân buôn nể nông dân). Thổ cụ Mộc (nông dân nể nhà máy); Mộc cụ Kim (nhà máy nể chính quyền).

Ứng dụng vào việc xếp các tờ giấy mầu trong cũng giỗ có vàng mã nên như sau:  

Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ  theo luật Tương sinh nên xếp giấy có mầu Đen (thủy) rồi đến giấy mầu Xanh (mộc), Đỏ (hỏa), Vàng (thổ), Trắng (kim) hoặc ngược lại: Trắng, Vàng, Đỏ, Xanh, Đen hay theo thứ tự Ngũ hành là: Xanh (mộc), Đỏ (hỏa), Vàng (thổ), Trắng (kim), Đen (thủy). Chớ xếp giấy có mầu Xanh (mộc) trước rồi đến Vàng (thổ), Đen (thủy, Đỏ (hỏa), Trắng  (kim) thể hiện sự tương khác chỉ hại thêm!

Đồng thời, ngày nay, nên sắm thêm vải Hoa, tức tờ giấy in các loại hoa để các cụ trẻ tiện may quần áo cho mình và chăn cho mọi người !

Đáng tiếc, nhiều người chỉ biết sắm giấy mầu (thay vải) để biếu các cụ nhưng lại không biết đến các luật trên của Ngũ hành nên hay xếp các tờ giấy đã nhuộm mầu sai thứ tự (tương tự việc sắm và hóa mũ áo Thổ công với mầu sắc bất kỳ) ! 

Thiếu và xếp sai nên dẫn đến tình trạng “Kính chẳng bõ phiền” là vì thế! 

Tiện đây, cần lưu ý rằng: “xếp” là ĐỘNG TỪ chỉ việc “đặt từng tờ giấy một theo đúng vị trí, trật tự mầu nhất định”. Nó không được viết và nói là “sếp” vốn là DANH TỪ chỉ “người chỉ huy hay cai quản một đơn vị, tổ chức nào đó”!

-         Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK, 12/7/Giáp Thìn-

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!