Người đi vỡ đất

14 tháng 8 2024

Tìm hiểu về việc SẮM LỄ VÀ NGHI THỨC CÚNG

Ta là nước đa tôn giáo nhưng có điều chung là việc thờ cúng và nghi thức khi Cúng Giỗ. Dù luôn được tiến hành song việc sắm lễ cũng như thực hành nghi thức cúng giỗ đâu phải ai, nhà nào, họ nào cũng tường!

      1. Đồ lễ:

       1.1. Đại cương:

Những vật phẩm bầy ra khi thờ cúng còn được gọi là “lễ vật” (H: 禮物, A: The offering, P: L'offrande) hay Tế phẩm  (H: 祭品, A: The offerings, P: Les offrandes) là những phẩm vật dùng để dâng lên cúng tế; tượng trưng Tam bảo của con người là: Tinh (thể xác), Khí (chân thần), Thần (chân linh).

Vật không thể thiếu là nén hương, cách thắp hương thành tâm nên mới gọi là “Tâm hương” (H: 心香, A: The incense of true heart, P: L'encens du vrai coeur) và luôn thắp với số lẻ để cắm vào bát hương.

Tiếp, khi cúng lễ bao giờ cũng có nến, nước, rượu, hoa quả, trầu cau, gạo, muối, cơm canh, vật phẩm mà khi sống người hưởng giỗ ưa thích cùng với những đồ tế lễ khác như tiền Địa phủ và mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy).  Sau khi tàn tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là “hoá vàng”, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất. Hành động đó được cho là sự hòa quyện Nước-Lửa (âm dương) và Trời-Đất-Nước (Tam Tài) mang tính triết lý sâu sắc.

Trong cúng giỗ thường có  con vật bị giết để lấy thịt cúng tế gọi là Tế vật (H: 祭物, A: The victim of sacrifice, P: La victime de sacrifice). Thời Thượng cổ, mỗi khi tế Trời, người ta dùng người sống làm con vật hy sinh hiến tế. Đến thời trung cổ, việc dùng người sống làm vật hy sinh hiến tế như vậy có tính dã man, nên bỏ tục lệ ấy và thay vào đó là dùng các con thú như: Lợn, gà, dê, bò, làm vật hy sinh để hiến tế. Những gia đình có điều kiện sẽ sắm đồ mặn tam sinh (H: 三牲, A: The three animals of sacrifice, P: Les trois animaux de sacrifice ) gồm 3 con vật làm thịt cúng tế là: bò, lợn, dê hoặc trâu, lợn, dê hay có người hiểu là đủ gia súc, gia cầm và thuỷ cầm. To nhỏ tuỳ điều kiện nhưng bữa cúng cũng phải có chén cơm xới đầy có ngọn, úp lồng một cái chén khác lên trên gọi là chén cơm lồng cùng trứng gà luộc đã bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít  muối. Vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”. Chú ý rằng thành ngữ “Vô vật bất linh” 無物不靈 thường dùng để chế giễu những ông quan tham nhũng, nếu không có lễ vật trọng hậu mang đến cho quan thì công việc không xong.tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không câu nệ mâm cao cỗ đầy, “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”. Nhưng cũng là nói về việc cầu cúng, không có lễ vật thì cầu không thiêng.

Đồ mặn sau khi hạ lễ sẽ được mọi người dự cúng “thụ lộc”.

Trong việc Thờ, việc Cúng, việc Giỗ thì làm to hay nhỏ, đồ lễ nhiều hay ít không quan trọng mà cốt là “Lễ bạc tâm thành禮薄心誠 lễ vật đơn sơ nhưng lòng thành thật tín ngưỡng và thực hiện đúng nghi thức mới có hiệu quả và người âm về ngự trên bàn thờ chỉ hưởng hương mà thôi.

         1.2. Mâm cỗ Cúng:

Ngày xưa, quanh năm dưa muối chỉ dịp Giỗ, Tết mâm cơm mới có nhiều thịt cá. Lễ phẩm cúng giỗ biểu trưng cho tấm lòng hiếu thuận của con cháu, lễ bạc mà lòng thành 禮薄心誠 là quan trọng, ngoài hoa trái hương đèn thì nên có mâm cỗ.

Cỗ ngày Tết thường có bánh chưng, bánh dầy, ...là những món để lâu vì không họp chợ nghỉ tết và những món ăn kèm thịt mỡ như dưa hành, hành cuốn, cá kho, thịt đông…

Còn cỗ ngày giỗ thường đông người tham gia, là dịp các con gái, con dâu trổ tài nấu nướng vì thế mỗi gia đình hay họ tộc có những khác lạ riêng hoặc cách nấu khác nhau, từ đó các món ăn rất nhiều. Đặc biệt là trong cỗ ngày giỗ thường có những món mà người chết khi sinh tiền rất ưa thích. Vì những người thân muốn tưởng nhớ đến người đã khuất. Có khi chỉ món thường ngày hay làm như canh bánh đa, đậu phụ nhồi thịt, rau luộc, cá kho…

Thường cỗ giỗ, trước hết có một con gà trống chưa đạp mái, xếp cánh tiên, luộc chín, sau khi cúng sẽ xem chân gà để đoán điềm hay dở. Sau đó chặt ra đĩa thịt gà luộc lá chanh. Có nhà chặt ra thành đĩa để cúng chứ không cúng gà luộc để nguyên con. Dùng Gà làm lễ vật bởi Gà là con vật thân thiện, được thuần hóa từ thời con người còn “ăn hang ở lỗ” nên có thể thay mặt chủ nhân đi “hầu” đối tượng cúng. Mặt khác, trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ thì Mặt Trời là đấng Thiêng liêng có quyền năng tối thượng đem lại ánh sáng, sự sống cho nhân gian và chúng sinh mà Gà Trống lại có quyền năng “đánh thức” ông Mặt Trời dậy nên Gà Trống được coi trọng cũng như Con Cóc được tin là có quyền “nghiến răng” gọi trời mưa!

 Chú ý:

- Không cho mâm cơm đặt trực tiếp lên ban thờ hay dưới đất mà cần phải có một cái bàn thấp hơn ban thờ 50 phân.

- Trong mâm cơm cần có đầy đủ các móm luộc, sào , rau, thịt, canh, 5 bát cơm kèm 5 đôi đũa (xưa các cụ ngồi cỗ 5), đĩa muối, đĩa trà..... tùy tâm từng nhà.

- Không được nếm hay động miệng vào thức ăn khi chưa thắp hương. Bao giờ thắp hương xong mới được ăn.

- Không bao giờ dùng xôi đỗ đen hay các món canh cua, riêu ốc.

Mâm cho người nhận giỗ:

- 1 bát cơm lồng chắc vì thế mới có tên cúng giỗ là “cúng cơm”,

- 1 quả trứng gà luộc bóc vỏ dẹt ra trên đĩa với một ít muối hạt,

- 1 bát canh (có thìa), 1 đĩa thức ăn mặn hay món mà sinh thời người đó ưa,

- 1 cái bát, 1 đôi đũa

- Mấy lát gừng (9 lát cho nữ, 7 lát cho nam).

Nghi thức (H: 儀式, A: The protocol, P: Le protocole) là cách thức làm lễ cho đúng phép trong thờ cúng tuy không quá cầu kỳ sẽ dần đề cập. Trong đó đáng chú ý là ngày Tiên thường, Tiểu tường, Đại tường, Chính kị, các vấn đề về Gửi giỗ, Phẩm vật, Văn khấn, Hóa vàng.

       1.3. Cẩn trọng khi DÂNG CÚNG GIA TIÊN:

Thức ăn các thứ, nói chung là đồ lễ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng thanh khiết và dành riêng, không được để con cháu đứa nào đụng tới. Các thức ăn đã nấu nướng xong, phải đem cúng gia tiên trước rồi con cháu mới được ăn. Cũng như lúc ông bà còn sống, ông bà cha mẹ chưa ăn thì con cháu không được phép động tới.

Để tránh tình trạng lỗi lầm do không biết của các cháu nhỏ, các thức ăn nấu nướng xong phải được múc ra dành cho việc cúng lễ cho phải phép.

Trong việc cúng ông bà, chẳng nên làm lấy có hay chỉ để khoe khoang với thiên hạ. Phải lấy tâm thành, kính trọng làm gốc. Người xưa quan niệm rằng trong lòng nghĩ thế nào quỷ thần đều biết rõ (Tâm động quỷ thần tri).

Cúng bái chỉ làm cho có hình thức, thiếu lòng thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo ngay lành. Không một vị tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Thà chén cơm dĩa muối mà lòng thành hơn mâm cao cỗ đầy mà tâm địa dửng dưng.

      2. Tiến hành:

       2.1. Cúng không có tế:

Nếu không thực hiện việc họp mặt trong ngày Tiên thường (trước giỗ) thì trước ngày giỗ, người tổ chức giỗ phải thông báo, thống nhất tới tất cả những người theo giỗ (anh em, con cháu) cách làm giỗ nhiệm vụ từng người (mua thực phẩm, mượn bát đũa, mâm nồi, dựng rạp) cũng như trách nhiệm đóng góp (tùy khả năng và tùy tâm, không nên bổ bán, chia đều). Sau đó vợ chồng trưởng nam (hay ủy quyền người có điều kiện) đi mời từng nhà, từng khách dự kiến mời.

Thứ tự đặt lễ trên bàn thờ: đèn được thắp trước, sau đó là thắp nhang rồi mới sắp đặt đồ lễ và tiến hành lễ.

Khi hành lễ con cháu tập trung đứng sau chủ lễ, hai tay chắp lại trước ngực, nghe những điều di huấn của cha ông, những việc người con trưởng thấy cần nhắc nhở (giáo dục truyền thống dòng họ và gia tộc, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp và thực hành đạo hiếu cho trọn vẹn). Hiện tại phần lớn khi làm giỗ, chỉ một mình con trưởng cúng còn con cháu tập trung đông đúc nhưng không vào cúng là không nên.

Khi đồ lễ đã đủ và đặt lên ban thờ, gia trưởng quần áo chỉnh tề, xem xét và rà soát lại các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu trải trước bàn thờ, lễ bốn lạy, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán. Đó là “Cúc cung bái” (H: 鞠躬拜, A: To prostrate oneself, P: Se prosterner) là cúi mình lạy xuống.

Một trong hai người chấp sự, thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, lấy ba nén hương châm lửa thắp, đưa cho gia trưởng vái một vái dài rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Đó là “Tiến tước” 薦爝.

 Người chấp sự thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu lên ba chén để trên đài thực hiện nghi thức “Tiến tửu” (H: 薦酒, A: To offer up the wine, P: Offrir du vin), xong đâu vào đó rồi gia trưởng đọc Văn khấn. Bài khấn có ba phần (sẽ đề cập kỹ sau) có thể khấn vo hay đọc bài đã viết ra giấy. Khi đọc Văn cúng, không được đọc to, chỉ lầm rầm nhỏ nhẹ vừa đủ người đó nghe, nhất khi là đọc tên húy người được cúng tránh phạm húy và những cô hồn lưu vong bên ngoài nghe được, sẽ vào ăn tranh cỗ. Chỉ đọc to những điều cần nhắc nhở con cháu của các tiền nhân để lại và những điều chủ lễ cần nhắc nhở con cháu thực hiện. Khấn xong, trưởng nam lễ một lễ và ba vái nữa, rồi rót rượu cúng. Sau đó, mọi người lần lượt vào thắp hương và vái ba vái rồi lui ra. Chủ lễ hạ tấm y môn xuống (nếu có), để tiên tổ thụ hưởng kín đáo, con cháu phải im lặng và không được nhìn vào. Tuần hương cháy gần hết, chủ lễ thắp tiếp tuần hương thứ hai, xin hạ lễ vật và hóa vàng (khi này các Cụ đã thụ hưởng xong).

Hóa vàng là một tục “Trần sao âm vậy”. Sau khi ông bà tổ tiên thụ hưởng cỗ, con cháu gọi là lòng thành có ít tiền vàng gửi ông bà đi đường về cõi âm, chỉ cần tượng trưng gọi là cho đủ lễ, không cần thiết phải đốt nhiều mới là thành tâm.

Tuần hương thứ nhất cháy gần hết, chủ lễ thắp tuần hương thứ hai và xin hóa vàng hạ lễ. Hóa vàng bàn thờ ông Công trước, rồi mới hóa vàng bàn thờ Gia tiên. Quá trình hóa cần có que đảo để mã cháy nhanh, ít khói cháy hết. Dân gian cho rằng que là đòn gánh để người hưởng giỗ khiêng, gánh tài sản con cháu gửi xuống và nếu vàng mã cháy không hết thì sẽ chuyển thành “đồ giả” người nhận không dùng được. Vàng mã cháy gần hết, đổ một ít rượu vào và rượu của bàn thờ nào, đổ vào vàng mã của bàn thờ ấy cùng Văn khấn viết[1]. Do quan niệm có đổ rượu vào vàng mã, xuống âm phủ mới biến thành tiền vàng thật, người hưởng giỗ mới tiêu được.

Sau khi hóa vàng xong, mới được hạ mâm ăn cỗ. Lúc này nội ngoại quây quần bên mâm cỗ ấm cúng, cùng thụ lộc và ôn lại những kỉ niệm của những người đã khuất. Cuộc họp mặt đông đủ nhắc mọi người có bổn phận làm tròn chữ hiếu. Con cái cháu chắt ríu rít, đúng là “con cháu được ngày giỗ Ông”! Chú ý cần có sự tiết chế trong ăn cỗ, uống rượu. Nhiều đám vì rượu hoặc mượn rượu để anh em nói nhau mất mặn mất nhạt, mất nghĩa tình là điều không nên, là có lỗi với Tổ tiên.

Hiện nay, do trang phục, do không gian thờ cúng…để đơn giản gia trưởng tự thắp hương (luôn là số lẻ) cắm vào bát hương, lui ra đứng tước ban thờ vái 3 vái rồi đọc văn khấn. Khi khấn xong lễ 4 lễ thêm 3 vái gọi là 4 lễ rưỡi. Tiếp theo các thành viên khác trong gia đình đến trước ban thờ  4 lễ rưỡi. Nghi thức 4 lễ rưỡi thực hiện bằng 3 vái dài, 3 vái ngắn.

Khách đến dự, con cháu cử người nhận đồ lễ đặt lên ban thờ, đứng đáp lễ; khách thực hiện 4 lễ rưỡi  rồi quay sang vái người đáp lễ. 

       2.2. Cúng có Tế :

 Một số gia đình, dòng họ lớn, khi giỗ có tổ chức dâng hương và thay bài khấn bằng một bài văn tế.

Chủ tế nghi lễ là người cao niên có phẩm hàm hay đỗ đạt cao. Bốn người Bồi tế[2] giúp Chủ tế và cứ trông Chủ tế mà lễ. Hai người Đông xướng và Tây xướng đứng đối diện hai bên hương án xướng nghi thức hành lễ. Những người chấp sự đứng hai bên lo việc dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc, đọc chúc...

Trong lễ này có mấy điều chú ý như sau:

- Khi chủ tế di chuyển đổi chỗ trên các chiếu, từ chiếu dưới lên chiếu trên thì phải bước ra khỏi chiếu rồi bước lên về phía bên phải của mình, và khi trở xuống cũng bước ra khỏi chiếu trở về phía bên trái của mình tức là bên phải của bàn thờ.

- Hai người bồi tế ngoài nhiệm vụ phụ giúp chủ tế trong việc hành lễ còn có nhiệm vụ thay thế người chủ tế nếu người này vì do gì không hành lễ được.

- Khi đốt sớ, mọi người dự tế đều phải đứng quay mặt và ngó vào chỗ đốt.

Nghi thức tế trải qua bốn giai đoạn:

1). Nghênh thần: chủ tế lễ 4 lễ

2). Hiến lễ: dâng lễ 3 lần, mỗi lần chủ tế và bồi tế đều quỳ để hiến lễ, đọc văn tế (đọc chúc). Khi đó, chủ lễ đứng trước bàn thờ, vái bốn vái rồi cầm giấy đưa ra trước mặt đọc. Đọc xong vái năm cái, rồi đem ra sân đốt.

3). Ẩm phúc và thu tộ: Chủ tế nhận lộc thần linh ban

4) Lễ tạ: Chủ tế lễ 4 lễ.

Nếu thực hiện việc tế lễ thần thánh, tế tổ tiên...cần nghi tiết được sắp xếp một cách quy củ trang trọng.

Trước bàn thờ chính có trải bốn chiếc chiếu. Hai bên chiếu trải, bên phải bàn thờ có án để rượu và đèn nến, bên trái có án để đài rượu và khay trà.

Trong một cuộc tế lớn trong làng xã hay gia đình Phật giáo và Khổng giáo gồm có các thủ tục đại cương, ghi theo thứ tự tờ xướng lễ (do người tương tự MC thời nay đọc) như sau:

1. Hành Tế Thánh đại lễ, chấp sự giả các tư kỳ sự: Bắt đầu tế Thánh, các vị chấp sự phải liệu việc của mình.

2. Khơi chung cổ: Đánh chuông trống thường là ba hồi.

3. Nhạc công tấu nhạc: Phường bát âm cử nhạc.

4. Thuế cân, nghệ quán tẩy sơ: Các vị dự tế rửa tẩy, lau tay.

5. Chánh tế viên tựu vị: Vị chánh tế vào đứng ở chiếu thứ ba.

6. Bồi tế viên tựu vị: Các vị bồi tế vào đứng ở chiếu thư tư.

7. Cử soát tế vật: Hai người chấp sự cầm đưa cho vị chánh tế đi kiểm soát các lễ vật coi như có sơ suất không.

8. Tham thần cúc cung bái: Chủ tế và bồi tế cùng lạy bốn lạy theo nhịp xướng của người xướng tế: hưng là đứng dậy, bái là lạy theo lối phủ phục toàn thân.

9. Hành sơ hiến lễ, Chánh tế viên nghệ hương án tiền: Làm lễ sơ hiến, vị chánh tế bước ra ngoài, vòng lên chiếu thứ nhất trước hương án[3].

10. Quỵ: Vị chánh tế quỳ xuống.

11. Tiến tước: Hai chấp sự đem rượu đến quỳ cạnh chủ tế cho chủ tế rót. Chủ tế vái rồi đưa cho chấp sự để lên bàn thờ.

12. Phủ phục, hưng bái: Chủ tế khấu đầu, lạy hai lạy.

13. Bình thân, phục vị: Chủ tế đi ra, vòng xuống đứng lại ở chiếu thứ ba.

14. Nghệ độc chúc sở tại hương án tiền: Chủ tế bước lên chiếu thứ nhất.

15. Quỵ: Chủ tế quỳ xuống.

16. Chuyển chúc: Hai chấp sự lên bàn thờ đem chúc xuống quỳ cạnh chánh tế.

17. Tuyên đọc: Người đọc chúc quỳ bên cạnh đọc.

18. Phủ phục, hưng bái: Chủ tế khấu đầu lạy hai lạy.

19. Bình thân, phục vị: Chủ tế về chỗ cũ.

20. Hành Á hiến lễ nghệ hương án tiền: Dâng rượu lần thứ hai như lần sơ hiến.

21. Phủ phục, hưng bái: Khấu đầu lạy hai lạy.

22. Bình thân, phục vị: Chủ tế về chỗ cũ.

23. Hành Chung hiến lễ nghệ hương án tiền: Dâng rượu lần thứ ba.

24. Bình thân, phục vị: Chủ tế về chỗ cũ.

25. Nghệ tộ sở: Chủ tế lên chiếu lần thứ hai chờ lễ tộ sở.

26. Quỵ: Chủ tế quỳ xuống.

27. Tứ phúc tộ: Chấp sự lên bàn thờ lấy khay rượu thịt được thần hay gia tiên ban cho chủ tế.

28. Thụ tộ: Chấp sự đưa khay cho chủ tế. Chủ tế đón nhận, uống một hớp rượu tượng trưng. Khay rượu thịt cho chủ tế mang về sau khi tế xong.

29. Phủ phục, hưng bái: Khấu đầu lạy hai lạy.

30. Bình thân, phục vị: Chủ tế về chỗ cũ.

31. Bình thân điển trà: Chấp sự dâng trà lên bàn thờ.

32. Hành tạ lễ cúc cung bái: Chủ tế và bồi tế tạ bốn lễ.

33. Bình thân phần chúc: Chủ tế và bồi tế đứng lui ra để người chấp sự đốt sớ.

34. Lễ tất: Xong lễ, mỗi người vái ba vái.

Người Việt ta có câu: “Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó”, do vậy cần phải hiểu về tài ý nghĩa và tác dụng của lễ bái. Trong đó  “Lễ” chính là khuôn mẫu, là cách bày tỏ kính ý bằng cử chỉ hay bằng cúng tế, nó còn là những quy tắc nhất định về sắp đặt, trình tự còn “Bái” là quỳ lạy bằng cách hạ mình xuống đất trước những bậc Hiền Đức mà mình Tôn Kính; là hành động của con người thực hành tham gia trong buổi Lễ.  

Như thế, việc sắm lễ hay cúng giỗ không hề đơn giản, đặc biệt khi có Tế ( hình thức tế lễ để tưởng nhớ ông bà tổ tiên) nhằm thể hiện sự tôn kính. Rất tiếc, nay ít người nắm rõ nên thường “phiên phiến” cho xong !

 “Kính chẳng bõ phiền” là thế!

Đành tự an ủi mình và động viên nhau: cốt ở cái TÂM ta cả!

-         Lương Dức Mến, chép lại có bỏ sung và đưa lên Blog dịp tháng 7 âm lịch-


[1] Chữ là “Cung phần sớ văn” (H: 恭焚疏文, A: To burn respectfully the petition to God, P: Brûler respectivement le placet au Dieu).

[2] Hai người bồi tế ngoài nhiệm vụ phụ giúp chủ tế trong việc hành lễ còn có nhiệm vụ thay thế người chủ tế nếu người này vì bất cứ lý do gì không hành lễ được

[3] Khi chủ tế di chuyển đổi chỗ trên các chiếu, từ chiếu dưới lên chiếu trên thì phải bước ra khỏi chiếu rồi bước lên về phía bên phải của mình, và khi trở xuống cũng bước ra khỏi chiếu trở về phía bên trái của mình tức là bên phải của bàn thờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!