Người đi vỡ đất

02 tháng 8 2024

Tìm hiểu về SỰ CHẾT (Bài 6)

TỪ PHÁT TANG ĐẾN AN TÁNG, RƯỚC VONG

Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách. Chung quy lại có 6 việc chính từ khi phát tang đến khi an táng:

           1. Lễ Phát tang :

 Chữ là Thành phục (H: 成服, A: The mourning-donning ceremony, P: La cérémonie pour prendre le deuil), là việc thân nhân người chết mặc áo tang.

   Đoàn Nhạc hiếu đánh ba hồi chín tiếng trống đại, tấu bài “Lâm khốc” 惏嚳 cùng những khúc bi ai, báo hiệu Lễ phát tang bắt đầu, cũng là để báo cho cộng đồng dân cư biết: Sau phát tang đến phúng viếng và chia buồn với tang chủ.

   Nhập quan xong, người hộ lễ xướng “Tự lập” anh em, con cháu trong ngũ phục tập trung trước bàn Vong: Tang chủ đứng giữa, con cháu tiếp theo thế thứ trong gia tộc và: “nam tả nữ hữu”  (H : 男左 - 女右, A: Man on the left - Woman on the right, P: Homme à gauche - Femme à droite) (trai bên trái, gái đứng bên phải theo hướng bàn Vong). Hiện nay phần lớn đều do thầy cúng chỉ đạo thực hiện việc này.

 Nội dung Lễ phát tang chủ yếu nêu nỗi đau buồn, tiếc thương vô hạn của người sống đối với người đã khuất, nhớ công lao trời biển của Cha Mẹ, đã vất vả nuôi con cháu trưởng thành. Kể tên đầy đủ người chịu tang gồm con, cháu, dâu, rể, anh, em…

Thực hiện nghi thức thắp hương và dâng rượu, nước cho người đã khuất thụ hưởng, cũng là thể hiện lòng thành báo hiếu của con cháu, dâu rể đối với Cha Mẹ…

 Đại diện dòng họ hay cao niên dâng mâm đựng đồ tang vái 2 cái rồi phát tang cho người chịu tang theo thứ bậc. Ở những gia đình thuộc hàng bình dân, mọi người vào lạy trước linh cữu cúng trầu rượu, rồi trở ra lấy quần áo tang mặc vào.

Sau khi lễ hoàn tất, tang chủ ra đứng bên bàn thờ vong, để đáp lễ khách phúng viếng. Các con nên thay nhau đứng túc trực. Con cháu chịu tang vào ngồi hai bên quan tài, nỉ non ai oán khóc !....

         a. Các loại tang phục :

Lệ xưa có 5 hạng tang phục ( , Ngũ phục) phân biệt thân sơ, là:

1. Đại tang:  Để tang 3 năm, gồm: Trảm thôi và Tề thôi .

Quần áo sổ gấu gọi là trảm thôi  : Con để tang cha.

Quần áo không sổ mà vén gấu gọi là tề thôi 齊衰: Con để tang mẹ, vợ để tang chồng khi cha chưa mất. Áo xô, khăn xô có hai giải sau lưng (gọi là khăn ngang). Nếu cha mẹ đều đã mất thì hai giải bằng nhau, nếu còn mẹ hoặc còn cha thì hai giải dài ngắn lệch nhau.

Con trai chống gậy: Tang cha gậy tre (cha con cách khúc), tang mẹ gậy vông (mẹ con liền khúc), mũ rơm quấn đầu, dây chuối, dây đai thắt lưng. Thời nay, nhiều nơi đã bãi bỏ những tang phục này, ở thành phố nhiều nhà dùng băng đen theo tang chế châu Âu, tiện hơn.

Con trai, con gái, con dâu đều để tang cha mẹ. (Kể cả đích mẫu, kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ).

Vợ để tang chồng chít khăn sổ mối, một dải dài, một dải ngắn.

Nếu con trưởng mất trước thì cháu đích tôn để tang ông bà nội cũng đại tang thay cha.

2. Cơ niên: Để tang một năm, dùng khăn tròn, vải trắng, không gậy.

Cháu nội để tang ông bà nội. Con riêng của vợ để tang bố dượng nếu bố dượng có công nuôi và ở cùng, nếu không ở cùng thì không tang; trước có ở cùng sau thôi thì để tang 3 tháng. Con để tang mẹ đẻ ra mình nhưng bị bố rẫy (xuất mẫu), hoặc cha chết, mẹ lấy chồng khác (giá mẫu). Cháu để tang bác trai bác gái, chú, thím và cô ruột.

Chồng để tang vợ quấn vòng tròn quanh đầu, cha mẹ còn sống thì không gậy. Anh chị em ruột để tang cho nhau (cùng cha khác mẹ cũng tang một năm, cùng mẹ khác cha thì tang 5 tháng).

Cha mẹ để tang con trai, con gái và con dâu cả, kể cả con đi làm con nuôi nhà người. Chú, bác, thím cô ruột để tang cho cháu (con anh em ruột). Ông bà nội để tang cho cháu trưởng (đích tôn). Đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu tang các con chồng, thứ mẫu tang con mình và con chồng như nhau đều một năm. Tang con dâu cả cũng một năm.

Con dâu để tang dì ghẻ của chồng (tức vợ lẽ cha chồng). Rể để tang cha mẹ vợ (vợ chết đã láy vợ khác cũng vậy). Nàng hầu để tang cha mẹ chồng, vợ cả của chồng, các con chồng cũng như con mình (các họ hàng bàng thân bên nhà chồng đều không tang).

3. Đại công, : để tang 9 tháng.

Anh chị em con chú con bác ruột để tang cho nhau.

Cha mẹ để tang con dâu thứ hoặc con gái đã lấy chồng. Chú, bác thím ruột để tang cháu (con gái đã xuất giá, con dâu của anh em ruột). Mẹ để tang con dâu thứ và con gái riêng của chồng.

Cháu dâu để tang ông bà của chồng, chú, bác, thím ruột, hoặc cô ruột của chồng. Con gái đã xuất giá để tang bác trai, bác gái, chú thím, cô ruột.

4. Tiểu công, : Để tang 5 tháng.

Chắt để tang cụ. (Hoàng tang: Chít khăn vàng). Cháu để tang anh chị em ruột của ông nội (ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô). Con để tang vợ lẽ, nàng hầu của cha (nếu cha giao cho nuôi mình thì để tang như mẹ đẻ). Cháu để tang đường bá thúc phụ mẫu và đường cô (anh chị em con chú bác ruột của cha). Anh chị em con chú, bác ruột để tang cho vợ của nhau. Anh chị em chung mẹ khác cha để tang cho nhau (vợ con của anh chị em ấy thì không tang). Chú bác ruột để tang cho cháu dâu (con dâu của anh em ruột). Ông bà bác, ông chú, bà thím, bà cô để tang cho cháu (tức là cháu nội của anh em ruột). Ông bà nội để tang cho vợ cháu đích tôn hoặc cháu gái xuất giá. Cháu ngoại để tang ông bà ngoại và cậu ruột, dì ruột (anh chị em ruột của mẹ, kể cả đối với anh chị em ruột của đích mẫu, thứ mẫu, kế mẫu). Cháu dâu để tang cô ruột của chồng. Chị dâu, em dâu để tang anh chị em ruột của chồng và con của những người đó (tức là cháu gọi bằng bác, bằng thím).

5. Ty ma , : Tang 3 tháng.

Chít để tang can (kỵ) nội (ngũ đại : Hồng tang chít khăn đỏ). Chắt để tang cụ nhà bác, nhà chú (tằng tổ bá thúc phụ mẫu và tằng tổ cô, tức là anh em ruột với cụ nội).

Cháu để tang bà cô đã lấy chồng (chị em ruột với ông nội). Cháu để tang cô bá (chị em con chú bác ruột với bố). Cháu để tang vợ cậu, chồng cô, chồng dì có cùng ở một nhà.

Con để tang bố dượng (nếu trước có ở cùng, sau mới về bên nội). Con để tang nàng hầu của cha. Con để tang bà vú (cho bú mớm). Cháu để tang tộc bá thúc phụ mẫu (anh em cháu chú, cháu bác với cha).

Chồng để tang vợ lẽ nàng hầu. Anh chị em họ nội 5 đời để tang cho nhau.

Bố mẹ vợ để tang con rể. Ông bà ngoại để tang cháu ngoại và cháu dâu ngoại. Ông của chồng để tang cháu dâu. Cụ để tang cho chắt nội. Cậu ruột để tang vợ của cháu trai. Cụ để tang chắt nội trai gái. Ông bà để tang các cháu gái của con nhà chú, nhà bác. 

Anh chị em con cô ruột và bạn con dì ruột để tang cho nhau.

Cháu dâu để tang ông bà ngoại của chồng, cậu ruột, dì ruột chồng Cháu dâu để tang các ông bà anh chị em ruột với ông nội chồng. Chắt dâu để tang cụ nội của chồng.

Tang bên cha mẹ nuôi: Kỵ bên cha nuôi thì 3 tháng, cụ bên cha nuôi thì 5 tháng, ông bà thì một năm. Cha mẹ nuôi thì áo bằng gấu, hoặc sổ gấu 3 năm có cả gậy. Từ ông bà trở lên nếu mình thừa trọng cũng sổ gấu 3 năm. Ông bà sinh ra mẹ nuôi thì 5 tháng, còn thì đều không có.

Tang họ nhà mình (Đã là con nuôi người khác, để tang bên họ của mình): Ông bà sinh ra cha thì 9 tháng. Cha mẹ sinh ra mình thì 1 năm có gậy. Bác trai bác gái, chú, thím và cô là anh chị em ruột với cha thì đều 9 tháng. Cô đã giá thì 5 tháng. Anh chị em ruột 9 tháng, chị, em dâu thì 3 tháng, chị em đã xuất giá thì 5 tháng. Ông bà sinh ra mẹ thì 3 tháng.

6. Con cháu chết trước cha mẹ, ông bà :

Để tang là việc thể hiện tình nghĩa, thể hiện lòng thương xót giữa kẻ mất, người còn. Như vậy, chẳng những thân thích mà người ngoài đến phúng viếng cũng nên đeo băng tang và cha mẹ có thể để tang con, ông bà cũng có thể để tang cháu. Tuy nhiên, theo quan niệm của Nho giáo thì “Phụ bất bái tử” (父不拜子, cha không lạy con) và con cháu chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, trốn nợ đời. Vì vậy, chẳng những cha mẹ không để tang con mà ngược lại, khi khâm liệm còn phải quấn lên đầu một vòng tang trắng. Mặt khác, cha mẹ có khi vì quá đau buồn, ngất  bên mộ của con, nên tránh không đưa tang con.

Ngày nay, Cha mẹ không để tang con nhưng vẫn thắp nhang, khi tẩn liệm xong đặt một hoặc hai mảnh khăn trắng lên trước đầu quan tài, thay thế cho việc con phải để tang cha, mẹ sau này (khi cha mẹ mất) trong thời gian để quan tài tại nhà.

           2. Kèn, trống trong đám tang:

Dân ta có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống!” nên trống kèn trong tang lễ không thể thiếu được. Việc gióng trống, thổi kèn chỉ bắt đầu từ Lễ phát tang, cho đến khi an táng xong về nhà làm lễ cúng an vị bàn thờ người mới mất là kết thúc.

Đoàn Nhạc hiếu do gia chủ thuê túc trực bên linh cữu thổi kèn đánh trống khi làm các lễ hay khi có khách đến viếng hoặc khóc thay những những người phải chịu tang chưa về hoặc không thể về kịp. Đây được coi là những lời khóc than, thương tiếc của con cháu và cũng là âm thanh tiễn đưa hồn người chết về nơi chín suối với ông bà tổ tiên. Xưa một đoàn nhạc hiếu bao giờ cũng đủ 8 loại nhạc khí. Nay tùy khả năng mà mỗi đoàn trang bị khác nhau chút ít nhưng cần đủ: trống đại cầm chầu, trống con, 2 kèn, thanh la, có đoàn có đàn bầu, nhị và đoàn nào cũng cố sắm bộ tăng âm với 2 loa sắt to đùng âm lượng lớn! Công bằng các nhạc công trẻ, có sức thổi dài hơi, trống dồn dẻo hơn. Nhưng buồn là có đám nếu thấy gia chủ khá khá chút các thầy tận dụng lắm. Khi thì đò khê cần dâu út ra trợ giúp, lúc đò mắc cạn cần trưởng Nam ra đẩy …và thế là những đồng tiền lẻ (10.000.000đ) lại được đưa ra. Rồi đi quanh vong...

Có tang chủ mời cả “Đội Kèn Tây” đến thổi cho sang nhưng vẫn có “Đội Kèn Ta” khi thực hiện các nghi thức truyền thống!

Thực hiện nếp sống Văn hóa, THÔNG TƯ số : 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội quy định:

 “Điều 10. Tổ chức lễ tang... Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang;...

Một số nơi đã thực hiện thu băng cassette, các bài nhạc tang để dùng trong tang lễ (nó tiện dụng nhưng thiếu tran nghiêm). Qua một thời gian thực hiện người ta cứ bỏ dần. Mặc dù có sự khuyến khích và nâng lên thành quy chế làng Văn hóa. Nhưng vẫn không duy trì được. Đây là một thực tế, ngành Văn hóa cần nghiên cứu và hướng dẫn sao cho phù hợp cuộc sống.

 Một số nơi có tập tục, người chết trẻ (dưới 50, chữ chỉ ghi là HƯỞNG DƯƠNG) không có nhạc tang, chỉ đánh trống lúc phát tang và khi an táng.

Ngày trước trong đám ma, phường nhạc hiếu thường chơi hai bản “lâm khốc” và “lưu thủy” vừa bi ai, vừa lưu luyến làm mủi lòng người. Nhưng hiện nay đã có sự lạm dụng thái quá. Việc “khóc mướn” gần như phổ biến, ngày càng mang tính chuyên nghiệp, có bài bản lớp lang; có nỗi đau của người sống và cả lời “dặn dò” của người đã khuất.

Không ít những đám tang có cả nhạc trẻ, thậm chí còn đưa cả nhạc nước ngoài vào. Một số vùng còn mời hội kèn đồng bên công giáo, phục vụ đám tang cho thêm phần hoành tráng! Đã có ban nhạc thổi kèn bài “Love You More Than I Can Say, Sealed With A Kiss hay Oh! Carol” !!!

Nơi quàn ướp thi hài:

a) Tại các hộ gia đình: Thi hài phải được quàn ướp tại nơi thông thoáng ở trong nhà, được phủ kín bằng chăn hoặc vải và phải có người trông coi thường xuyên để bảo vệ thi hài tránh côn trùng, súc vật xâm nhập;

b) Tại nhà tang lễ hoặc nhà xác của bệnh viện: Thi hài phải được quàn ướp tại phòng quàn ướp. Không được quàn ướp tại phòng tổ chức tang lễ ngoại trừ thời gian tiến hành tổ chức tang lễ.

c) Trường hợp người chết mà không được đưa vào trong nhà ở, nhà tang lễ hoặc nhà xác bệnh viện thì phải tiến hành quàn ướp tại nơi bảo đảm thông thoáng; không bị mưa, nắng, côn trùng, súc vật xâm nhập để tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

           3. Lễ Phúng điếu :

 Phúng: trong “phúng điếu” là chữ (U+8CF5). Chữ này có bộ “bối” (nguyên nghĩa là con sò, ngày xưa dùng vỏ sò làm tiền tiêu, cho nên những chữ nói về của cải phần nhiều có chữ ở bên, nghĩa là “tiền tài”, những đồ quý báu gọi là “bảo bối” 寶貝) và chữ “mạo” (nghĩa là che, trùm đậy). Như thế nghĩa nguyên thủy của chữ “phúng” là “đem tiền bạc hay phẩm vật, áo xống tới cúng người chết để che đắp thi hài; ý là tặng cho người chết, giúp tiền của cho nhà hiếu làm ma chay”.

Nhưng hiện nay, từ này được hiểu theo tuỳ văn cảnh, thường là:

- Đem Vàng mã và giúp phương tiện đưa di hài ra nơi chôn cất đúng là “phúng” ,  giúp quần áo gọi là “tùy” ;

- Còn đem lễ vật, tiền bạc tới giúp tang chủ đúng ra phải gọi là “phụ” tới cúng người chết, dùng xe ngựa giúp gia chủ chôn người chết. Đáng buồn nay chỉ chú trọng tới nghĩa này!

Điếu: trong “phúng điếu” là chữ (U+4F04), chữ hội ý, gồm chữ “nhân” ( tức người) và cung (, cái cung). Điều này khởi từ việc từ xưa người chết không được chôn, để nơi hoang vắng và dùng cây che lại. Khi đó  nhà hiếu và những người đi viếng thường mang theo cung tên để canh giữ, không cho dã thú ăn xác kẻ chết, gọi là “điếu tang” 弔喪. Nên nghĩa nguyên thủy của chữ này là “viếng thăm, đến viếng người chết và hỏi thăm những sự không may của những người thân thích của kẻ chết”.

Gộp lại, “phúng điếu” (H: 賵弔, A: To make a visit of condolence with offering gifts; P: Faire une visite de condoléance avec offrandes) là đem tiền bạc hay phẩm vật (hương, đèn, bánh, trái, hoa, trướng, liễn, tiền....) đến cúng người chết để tỏ lòng thương tiếc và thăm hỏi, chia buồn, trợ giúp cùng tang quyến khi có việc tang居喪. Đây chính là xuất phát từ tư tưởng: “Nhất gia hữu sự bá gia ưu” 一家有事百家忧, nghĩa là “một nhà có việc, thì trăm nhà đều chung lo”.

Để việc phúng viếng được tốt và chu đáo, ban lễ tang治喪委員會bố trí rạp, bàn ghế và trầu, thuốc, nước cho khách chờ. Thỉnh thoảng đọc tiểu sử, lai lịch người quá cố và thời gian biểu của Lễ Tang (truy điệu, di quan, hỏa táng, an táng) cho mọi người đều biết. Có bàn đăng ký các đoàn viếng, sắp xếp lịch trước sau; có người xếp vòng hoa, các câu đối, bức trướng phúng.

Mặt khác cũng nên kê sẵn một bàn đủ phong bì không, bút và cả người viết hộ những ai không biết chữ. Đồng thời gia đình cử người châm hương trước để đưa cho khách viếng và dúi hương vào nước khi bát hương quá chật phòng hỏa hoạn.

a. Khách đến viếng:

Người Việt ta có quan niệm rất nhân văn: “Nghĩa tử nghĩa tận” nên dù lúc trước có từ mặt nhau, khi chết vẫn đến thắp cho nhau nén nhang, vái một vái tiễn biệt. Khách đến viếng tang và chia buồn chữ gọi là Điếu khách (H: 弔客, A: Visitor of condolences, P: Visiteur de condoléances) cần có lễ vật, thái độ, cách ứng xử phù hợp với phong tục và gia đình tang chủ.

- Lễ phúng viếng thường là trầu cau, trà rượu, hương, vàng tiền, hoa quả và nay thường có phong bì[1] đựng tiền[2] đi kèm. Số tiền phúng điếu là tuỳ tâm, tuỳ khả năng người đi viếng và mối thâm giao với tang chủ. Riêng rượu và trái cây do mỗi người sắm một thứ nên gia chủ rất khó sử dụng, gây lãng phí!

Nay nhiều tang chủ chuẩn bị vài đĩa quả, rượu (luân phiên) để khách đặt phong bì mang vào cho long trọng.

- Việc phúng điếu bằng vòng hoa là do người Việt ảnh hưởng của văn hoá phương Tây làm cho đám ma thêm phần ấm cúng, long trọng, đồng thời chứng tỏ tấm lòng thành của người đi viếng, hy vọng người chết được “mát lòng” trước sự quan tâm chu đáo của nhiều người.

Nhưng nếu nhiều vòng hoa quá, rất khó cho gia chủ lại lãng phí!. Do vậy, đa phần các đám tang ở thành phố Ban tổ chức Tang lễ đều thông báo không nhận vòng hoa. Đối với các đoàn viếng đông người, quan trọng BTC có vòng hoa luân phiên đảm bảo trang trọng mà tiết kiệm.

Vòng hoa ngày nay chỉ được cái vẻ ngoài “hoành tráng” còn lại đồ giả (hoa nhựa, ninol), đồ phế thải (cái đế “xốp”) cả. Thế mà có đám con cháu sắm vòng hoa “kính viếng” ông bà, cha mẹ ! Rõ là rởm đời bởi đây là nỗi buồn là của mình đâu chia sẻ cho ai! Nếu có lẵng hoa, tràng hoa đặt trên quan tài phân biệt hẳn với những vòng hoa của khách thì lại là chuyện khác!.

-  Việc đem các bức trướng đến viếng đã thành phong tục và nét đẹp từ lâu của người Việt. Về từ nguyên, “Trướng” (U+5E5B) là “một tấm vải hoặc tấm lụa lớn chỉ viết ba hoặc bốn chữ theo chiều dọc để mừng hay viếng”. Theo cổ truyền, mầu đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong các dịp chúc tụng, khao lão, mừng vui…để tặng cho cá nhân, gia đình hay các phái đoàn, các đoàn thể. Trong lễ tang chỉ có thể dùng mầu trắng, mầu xanh, mầu đen, mầu tím...

Chữ thường dùng trên bức trướng viếng là: “Thắp nén hương thơm lòng tưởng nhớ/Vô cùng thương tiếc lúc tiễn đưa”, văn chương hơn là : “Bóng hạc xe mây về cõi Phật/ Để lại trần gian phúc cháu con”. Khi con cháu thân tộc phúng tang dùng trướng mầu trắng viết chữ màu đen, màu xanh nước biển còn nếu là người quen thường dùng màu xanh, màu vàng viết chữ đen, chữ trắng. Thím ruột tôi, Lưu Thị Bính mất thứ Tư ngày 15/6/1988 (02/5 Mậu Thân), Cô ruột tôi, Lương Thị Thị mất Chủ nhật 9/02/1992 (06/Giêng Nhâm Thân) tôi đều xé vải phin trắng khổ 0,80x1,5 lấy bẹ chuối chấm mực viết chữ, câu đối cho gia tộc và bà con nhờ.

Nhưng trong thời hiện đại các bức trướng đúng nghĩa, có dòng chữ câu đối phân ưu (hiếu chủ), viếng (người chết) hay, cảm động, hợp cảnh, hợp người vắng dần rồi mất hẳn[3]. Thay vào đó là tại các cửa hàng, trướng điếu đều dùng vải mầu đỏ, mầu vàng rực rỡ, in thêu loè loẹt[4] hoặc có hình Phật bà quan âm trong khi người mất không phải là Phật tử, có khi còn là tín đồ Công giáo![5]; nội dung người, tổ chức đi viếng, đối tượng viếng được in thẳng trên nền vải hay viết trên giấy rồi dán vào[6]. Người đi mua, đi đặt không tường, kẻ bán, kẻ in cũng chẳng hướng dẫn nên nhiều đám có những bức trướng rất phản cảm[7]….

- Trong mọi trường hợp, người đi viếng tang phải vái lạy (Điếu giả tất bái 弔者必拜), đặc biệt khi vong linh là bạn hữu hay là người lớn hơn mình. Khi đến tang trường cần theo sự hướng dẫn của Ban Tang lễ, có đăng ký và khi Ban Tổ chức xướng danh mới vào. Lúc viếng phải đến trước bàn vong đặt lễ, thắp hương. Khi đi theo đoàn đông chỉ đại diện phát biểu ngắn gọn và câu được lặp lại nhiều nhất là “Nghe tin cụ...là... hai năm mươi về già, chúng cháu ở....là... có nén hương thơm đến kính viếng hương hồn cụ và chia buồn cùng gia đình”. Sau khi nhận 1 nén hương đã thắp của người hộ tang mỗi người chỉ cắm 1 nén hương vái rồi trở ra tang trường uống nước. Trường hợp thật thân thuộc hãy nhờ Đoàn Nhạc hiếu “ca kèn”.

- Khi đi thăm hỏi nhà có người chết đang làm đám tang thì phải tỏ ra buồn rầu thương tiếc (Điếu tang tất hữu ai 弔喪必有哀), phải có thái độ trang nghiêm, không được cười đùa ồn ào, nói chuyện um sùm. Nếu là hàng xóm hoặc bạn bè con cháu mà đi lẻ nên vào thẳng bàn vong đặt lễ và viếng không cần giới thiệu và phát biểu[8]. Đáng buồn là ngày càng có nhiều người khi đi viếng đám ma còn mặc áo quần loè loẹt, áo hở nách, váy ngắn...Vái thì vái lấy lệ hoặc vái lia lịa !.

b. Đón khách Phúng  viếng :

 Sau lễ phát tang tất cả con cháu anh em thắp hương lễ 2 vái và từ đó việc phúng viếng được bắt đầu. Con gái, dâu, rể, các cháu ngồi cạnh quan tài theo nguyên tắc: trai bên trái, gái bên phải (Nam Tả Nữ Hữu, so với người quá cố); các con trai (có thể thay phiên nhau) chống gậy đứng cạnh Bàn Vong đáp lễ khách viếng. Nếu có người con, cháu nào đi vắng chưa kịp về chịu tang thì để mũ, khăn xô và gậy cạnh hương án.

Ban Lễ tang ngoài việc tổ chức tiếp trầu, nước, lo cỗ bàn cần bố trí người chuyển phiếu Đăng ký cho người dẫn chương trình (thường là người giữ trống đại của Đoàn Nhạc hiếu) để thông báo cho gia đình và mọi người biết, các tập thể và cá nhân đến viếng. Lúc đó, chủ lễ ra đón đoàn (đi lùi), nhạc hiếu tấu lên khúc nhạc ngắn trong khi đoàn vào. Khi đoàn ổn định trước bàn vong nhạc dừng, khách nói lời chia buồn với tang chủ và thắp hương. Người đến viếng vái hai vái (vì chưa an táng coi như vái người đang sống), tang chủ đáp lễ, cũng vái một vái (coi như đã nhận lễ, nếu vái bằng hoặc nhiều hơn số vái của khách thì coi như trả lễ!). Xong khách có thể đi vòng quanh quan tài nhìn và vĩnh biệt người chết lần cuối hay bắt tay tang chủ.

Như vậy: Phúng điếu nghĩa là vừa viếng thăm kẻ chết, an ủi tang gia, vừa chia sẻ tinh thần lẫn vật chất với họ; tránh chỉ đơn giản hiểu hai chữ phúng điếu là biếu tiền để giúp tang gia lo việc an táng hoặc tệ hơn là “hối lộ” thân chủ là “quan lớn”!.

Nhưng nay nhiều đám, đến chia buồn với thân quyến, phúng viếng, tiễn đưa, vĩnh biệt người quá cố là nghĩa cử đạo lý có nguy cơ biến thành cuộc “trình diện” bất đắc dĩ, cố chen để “xếp” nhìn thấy !. Có nam thanh nữ tú ăn mặc như đi hội, vái rất chiếu lệ, thiếu nghiêm túc. Người đứng chịu tang cũng không biết vái đáp lễ lại. Tôi từng thấy có người không vái hoặc lại có người vái số vái nhiều hơn khách vái thân nhân mình vừa mất hoặc các đoàn lớn như Thủ trưởng cơ quan, thông gia...cũng không ló mặt ra đón, cám ơn.

c. Việc ăn uống trong Lễ Viếng:

Lễ Viếng thường diễn ra nhiều giờ, có khi cách đêm, cách buổi. Do vậy con cháu, phường Kèn phải giải lao, nghỉ “nạp thêm năng lượng” để có sức khỏe tiếp tục các Nghi lễ sau.

Trước kia cỗ đám ma thường đơn giản và chỉ con cháu trong họ, khách xa mới dùng bữa.

 Lý và Tình là thế nhưng vào thực tế ngày nay lại muôn hình vạn trạng. Mấy năm lại đây, nhất là ở nông thôn, việc ăn uống trở lại rất khổ cho gia chủ. Chưa phát tang đã chọc tiết lợn, có khi tại tang trường đang than khóc, kèn rầu rĩ thì ngoài kia mấy “bợm rượu” đã “cạch” chén ồn ào. Cỗ đám ma mà đủ lợn, gà, cá, nay có mốt thịt ngựa nữa, rồi giò, nem, chân giò muối…không khác gì cỗ cưới! Mà phải nói đầu bếp không chuyên này chế biến nhanh và không kém thị thành. Phản cảm nhất là Linh xa vừa ra khỏi ngõ, trong sân đã bê mâm và khi rước vong về đã chục mâm bay vèo, khối ông đỏ mặt đang hoa chân múa tay. Có rất nhiều người tuy có lòng hiếu thảo nhưng do học đòi, do sức ép, khoa trương vô tình biến tang lễ thành nơi gặp nhau đánh chén “ông chết cháu được ăn xôi”, đúng là: “Nhất nhân tử vạn nhân túy” (壹人死萬人醉,  Một người chết vạn người say)[9].

 Lại còn tệ nữa: để cho gia đình hiếu chủ khỏi lạnh lẽo, đám đàn ông, thanh niên trong xóm ngoài làng kéo đến góp vui. Bên này tá lả, bên kia ba cây, chỗ nọ đánh xâm và không thiếu bàn xóc đĩa…Về khuya nồi cháo 3 cân gạo hết veo. Sau lễ Ba ngày (Tam Ngu) gia đình lại biện “dăm” mâm cảm ơn bà con lối xóm, đội đào huyệt, tốp đô tùy…Chao ơi là lắm bữa!

             4. Lễ Cúng sáng tối:

Chữ là 朝夕面 “Triêu tịch diện”, gồm buổi sáng và tối khi chưa an táng, còn quàn quan tài ở nhà, coi như cha mẹ còn sống.

Ngày trước, chưa có ảnh người ta phải kết Hồn bạch hình người bằng một giải lụa trắng đã đặt trên xác để lấy hơi. Ban ngày thờ hồn bạch trên bàn thờ vong, ban đêm đưa hồn bạch vào linh sàng cho vong ngủ:

Buổi sáng dậy bưng khăn lược vào linh sàng, quỳ khóc ba tiếng rồi quấn màn lên cáo từ rằng: “Ngày đã sáng rồi xin rước linh bạch ra linh toạ”. Sau đó rước Hồn bạch ra đặt vào ỷ, vắt màn, dọn chăn gối, chiều tối lại rước linh bạch vào, đắp chăn thả chiếu, màn xuống. Thờ như lúc sống, chỉ lạy hai lạy (chỉ sau khi an táng, làm lễ thành phục xong mới lạy bốn lạy theo nghi lễ người chết).

Buổi tối, có  Trồng bó đuốc trước sân: phường bát âm tấu nhạc, con cháu thay nhau túc trực bên linh cữu, trong nhà ngoài sân đèn đuốc sáng trưng, có thể có cảnh chèo đò, các vãi tụng kinh ; rước Hồn bạch vào linh sàng, buông màn khóc lên ba tiếng rồi khấn: “Trời đã tối rồi rước linh bạch vào giường ngủ. Cẩn cáo!”.[10]

Đêm, khi người đến phúng viếng đã vãn, phường hiếu làm lễ tế vong. Phía cuối sân, đối diện với bàn thờ vong người ta kê một chiếc bàn, trên bày một bình hương, một chai rượu nhỏ, một đĩa xôi và một đĩa thịt luộc. Chủ tế lần lượt dâng từng thứ lên bàn thờ vong. Mỗi lần dâng lại có một bài tế riêng.

Vào giờ ăn thường ngày các con thay nhau mời cơm, dâng trà rượu, thắp hương thành tâm khấn mời bố mẹ dùng bữa, chữ là Chúc thực!

             5. Chuyển cữu:

Chữ là Động quan 動棺: Đêm trước hôm an táng, thường vào giờ Tý (23 – 01 giờ)[11]: nâng quan tài lên và đặt xuống ba lần, cũng có thể xoay nghiêng hai bên. Việc làm này như một động tác trở mình của cha mẹ còn đang ngủ!

Ngày trước còn có tục rước cữu đi chiêu Tổ gọi là Thiên cữu 遷柩, chí ít ra là rước hồn Bạch. Nay chỉ yết cáo Tổ là được. Chuyển cữu xong, mọi người có thể đi ngủ, chỉ để vài người thức trông chừng. Chú ý khi cữu còn quàn tại nhà:

a. Chuẩn bị vật phẩm cho Lễ Tạ mộ:

- 01 con Gà giò luộc chín, 01 đĩa Xôi trắng,

- 01 chai Rượu trắng, 01 chai Nước lã,

- 01 cái Cốc, 03 cái Ly, 03 cốc Nến,

- 01 Đĩa đựng gạo, 01 Đĩa đựng muối,

- 05 bông Hoa cắm trong lọ nhỏ, 01 đĩa đựng Bánh Kẹo, 01 đĩa Quả,

- 03 Thẻ hương, 01 đinh Tiền, 01 đinh Vàng,

- 03 lá Trầu, 03 quả Cau, 01 bao Thuốc lá,

- 05 quả Trứng gà để sống,

- 01 bộ mã Ngựa mầu Vàng, 01 hộp cây vàng

- 01 Đĩa xin đài, 01 Chiếu làm lễ.

b. Thời gian quàn ướp thi hài:

Xưa từ khi người thân tắt thở đến lúc di quan mai táng thời gian lâu mau phụ thuộc vào thầy cúng xem ngày, chọn giờ. Ngày nay, theo THÔNG TƯ Số: 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng:

a) Đối với người chết do nguyên nhân thông thường.

- Trong điều kiện thường không có bảo quản lạnh: Thời gian quàn ướp thi hài không quá 48 giờ, kể từ khi chết;

- Trong điều kiện bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 4 độ C hoặc thấp hơn: Thời gian quàn ướp thi hài không quá 7 ngày, kể từ khi chết;

b) Đối với người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế): Thời gian quàn ướp thi hài không quá 24 giờ, kể từ khi chết;

c) Đối với thi hài khi được phát hiện đã bị thối rữa: Thời gian quàn ướp tối đa không quá 12 giờ, kể từ khi tìm thấy thi hài. Trường hợp phải quàn ướp thi hài lâu hơn để nhận dạng hoặc xác định nguyên nhân chết thì người đề nghị gia hạn thời gian quàn ướp phải liên hệ với cơ quan y tế địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp quàn ướp, cách ly tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh;

d) Đối với trường hợp có nhiều người chết do thiên tai, thảm họa: Thời gian quàn ướp các thi hài sẽ do người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm khắc phục thiên tai thảm họa đó quyết định nhưng không quá 48 giờ, tính từ khi chết hoặc 12 giờ tính từ khi tìm thấy thi hài. Trường hợp phải quàn ướp lâu hơn để nhận dạng thì thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản này.

           6. Lễ Tiễn biệt, Truy điệu, Di quan, An táng:

 Lễ an táng còn gọi là Lễ Phát dẫn 發靷  tiến hành theo giờ tốt thầy đã chọn. Trước khi làm Lễ, gia đình thắp hương trên ban thờ gia tiên và bàn thờ Vong khấn: xin phép ngày giờ đã chọn gia đình cùng các con cháu đưa thi hài về an táng tại nghĩa trang ... Sau đó thực hiện 4 việc theo trình tự sau:

   a. Cúng Tiễn biệt trước khi di quan:

Còn gọi là lễ Khiển điện 缱奠 là việc Thầy cúng cùng tang chủ và con cháu nội ngoại thực hiện Lễ tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

Mọi người theo thế thứ, xếp hàng trước bàn thờ vong. Thầy cúng hoặc tang chủ thực hiện các bước thắp hương dâng rượu, nước, trang nghiêm như lễ phát tang và đọc lời ai điếu tiễn biệt lần cuối. Con cháu thành kính vái lễ, nhạc tang tùy lúc tấu lên khúc bi ai Lâm khốc.

Có nơi còn làm lễ tế cơm: một bát cơm lồng (cơm tẻ), một quả trứng luộc và một đĩa muối trắng, một chén nước lã. Chủ tế lại lần lượt tế và dâng từng thứ một lên bàn thờ vong như lễ tế vong. Người dân giải thích rằng đó là cho người chết ăn no trước khi lên đường sang thế giới bên kia.

   b. Làm Lễ truy điệu:

   Đây là việc của Ban Lễ tang thay mặt Đoàn thể, chính quyền hoặc cơ quan đơn vị…làm sau lễ Khiển điện của gia đình. Bà con làng xóm, họ mạc, cơ quan đơn vị… bạn bè tập trung đứng trước bàn thờ vong, bỏ mũ, tắt điện thoại di động. 

Đại diện Ban Lễ tang lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và mời Trưởng ban Lễ tang lên làm chủ lễ.

Chủ lễ trang phục tề chỉnh, trịnh trọng tiến vào bàn thờ vong, thắp ba nén hương rồi vái hai vái. Tang chủ của gia đình đáp lễ cũng vái lại hai vái. Lúc này phường bát âm tấu lên khúc nhạc Lâm khốc não nùng! Mọi người lặng im.

Chủ lễ bắt đầu hành lễ, đọc điếu văn chú ý diễn đạt nỗi đau thương của mọi người, thực sự chân thành xúc động bằng giọng sâu lắng truyền cảm. Lúc hào hùng khi nói về sự nghiệp công lao đóng góp của người đã ra đi. Khi thiết tha da diết về nỗi đau mất mát một người thân yêu…Tránh đọc điếu văn như đọc một bản báo cáo!

Đại diện Ban lễ tang tuyên bố một phút mặc niệm tiễn biệt người đã khuất, từ nay mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại!

Mọi người mặc niệm lần cuối một phút,

Đại diện gia đình hiếu chủ phát biểu nói lên tình cảm gia đình với người quá cố, cảm ơn và mơi bà con, Ban Tang lễ...quay lại tang trường sau khi an táng xong.

Tùy vị trí xã hội của người mất mà thực hiện nghi lễ theo quy định.

c. Điếu văn:

Điếu văn (H: 弔文, A: The funeral oration, P: L'oraison funèbre) là bài văn đọc trước linh cữu của người chết, nhắc lại công nghiệp và tỏ lòng thương tiếc người chết. Điếu văn thường được viết theo lối phú hay lối biền ngẫu, có vần điệu, có thanh âm trầm bổng. Thông thường chỉ có Điếu văn của Ban Lễ tang. Nhưng nhiều khi con cháu, bạn bè cũng có văn điếu.

Điếu văn là bài văn khóc chia biệt tuy cũng có phần nêu lý lịch người quá cố nhưng chỉ là nêu qua nó thuộc dang văn tế 祭文có cấu trúc đặc thù riêng chứ không phải văn thuật sự. Nội dung và khi đọc Điếu văn phải thể hiện được lòng thương nhớ đối với người ra đi vào cõi vĩnh hằng giọng điệu xót thương, bi luỵ chứ không như lý lịch là tài liệu giới thiệu về một người có thể đã mất hoặc đang sống cần rõ ràng mạch lạc không có đau buồn, tiếc thương.

  d. Di quan ra khỏi nhà:

Di quan (H: 移棺, A: To displace the coffin, P: Déplacer le cercueil) là di chuyển linh cữu đem đi chôn. Trước đó, đại diện gia đình nói lời cảm ơn và xin được lượng thứ, có điều gì khiếm khuyết trong lúc tang gia bối rối.

Khi di quan, việc đưa đầu hay chân ra trước tùy thói quen mỗi nơi, mỗi dòng họ, theo ý: “người đi ra, ma đi vào”, “sinh xuôi tử ngược”!

Dù thế nào thì gia đình vẫn phải bố trí con cháu rước di ảnh, hộp Huân Huy chương (nếu có), bát hương, cầm cành Phan đi trước. Những người được cử (hay nhờ)[12]  cùng nâng quan tài bằng tay dưới sự chỉ huy của một người gọi là “chấp hiệu” 执號cầm hai thanh tre (phách) gõ hiệu lệnh đi thẳng ra cửa. Khi di quan phải thật sự chậm rãi, từ từ từng nửa bước chân một, thể hiện nỗi đau tiễn biệt muốn níu kéo lại, đảm bảo làm sao cho quan tài luôn thăng bằng, đến mức chén rượu để trên nắp quan tài không sánh ra giọt nào, để người ra đi trong giấc ngủ yên lành!

Đến sân quay một vòng chào gia đình, bà con xóm phố rồi khiêng tiếp ra đường hoặc đặt lên Linh xa (H: 靈車, A: The hearse, P: Le corbillard).

Ở nông thôn là xe đẩy thô sơ chở quan tài, úp trên quan tài là nhà táng bằng gỗ hoặc khung sắt có phủ vải thêu các hoa văn rồng phượng sặc sỡ; còn ở thành thị có xe tang của Công ty Mai táng hay Công ty Môi trường đô thị. Từ cửa ra đến chỗ để xa, thực hiện tục “Cha đưa, Mẹ đón”: nếu Mẹ chết thì tất cả con trai phải đi giật lùi trước quan tài, con gái, con dâu, rể đi sau quan tài; nếu Cha chết, tất cả con trai con gái, con dâu, con rể đi sau.

Nghi thức “khiêng quan tài phía trên dẫy các con nằm phục dưới đất” hiện nay vẫn có nơi, gia đình thực thi.

đ. Trên đường di quan đến Nghĩa địa:

Gia đình bố trí người rước di ảnh, bát hương, trướng, hoa, tiền vàng rải đường.

Ngày trước, việc đưa ma vô cùng phiền phức: Đi đầu là hai phương tướng mặc áo mũ đạo sĩ, đeo mặt nạ, cầm dao hoặc binh khí để trừ tà ma, rồi đến đoàn người vác cờ tang. Tiếp là Minh tinh, Vòng hoa, Trướng, Câu đối, Linh xa, Phường bát âm có phèng phèng, thanh la, kèn, trống. Rồi đến đoàn người khiêng Nhà táng[13]. Sau cùng là đoàn người đi đưa ma… Người chết là Phật tử các bà vãi đội cầu Bát nhã, tay lần tràng hạt, miệng đọc kinh, nhà sư gõ mõ tụng kinh, đi đằng trước linh cữu để dẫn đường linh hồn sang Tây phương cực lạc, người ra đi chóng được an nhiên siêu thoát. Cầu là một băng vải mầu, dài trên 10 mét, hai diềm may vải mầu khác loại.

 Trưởng nam thì phải đi chân đất, thực hiện việc “cha đưa mẹ đón”: Tang cha, con trai phải đi chân đất, chống gậy tre đi sau quan tài, gọi là “đưa”. Tang mẹ, con trai phải đi chân đất, chống gậy vông đi lùi trước quan tài, gọi là “đón”. Con gái và nàng dâu khi đến cầu và ngã ba phải nằm xuống đất cho người ta khiêng quan tài qua, gọi là “lăn đường”. Đây là một hủ tục xét ra không cần thiết. Bây giờ không mấy ai làm nữa. Hiếu tại tâm mới là chí hiếu.

Ở vùng quê ngày trước, một đám tang từ nhà ra nghĩa địa khoảng một cây số, nhưng phải đi mất một buổi mới tới nơi hạ huyệt. Bởi vậy trên đường đi phải có nhiều trạm nghỉ, để dừng và cúng tế giữa đường, đến nghĩa địa lại có trạm tế trước khi hạ huyệt. Đoàn người đưa tang đi thật chậm, dưới sự chỉ huy của một người gõ phách giữ nhịp và luôn giữ thăng bằng quan tài. Người khiêng phía trước điều chỉnh tốc độ, không cho người phía sau bước nhanh được.

Khi con người đã chết, tức là thân tứ đại như: Thịt gân xương đã trở về với đất – máu và các loại dịch trong cơ thể trở về với nước – hơi nóng trong thân trở về với lửa – hơi thở trở về với không khí – tâm thức trở về với hư không … chẳng còn gì để thấy thiếu thốn và đỏi hỏi người còn sống trên dương gian đốt tiền vàng bạc bằng giấy, kho bạc bằng giấy gởi cho họ.

  e. Hạ huyệt và Lễ Thành phần:

Đến nơi hạ huyệt, đặt hai đòn tre ngang qua huyệt. Di quan tài đặt trên hai đòn tre. Lồng hai giây chão[14] chắc chắn dưới quan tài, dùng khi hạ quan tài cho thuận tiện.

Sau khi ổn định các thứ mang theo, mọi người đứng xung quanh. Bắt đầu hành lễ. Trước hết là Lễ cáo Thổ thần xin cho người chết được nhập mộ. Tiếp theo là lễ vĩnh biệt lần cuối, xưa gọi là lễ Thành phần 成墳 . Trong Lễ Thành phần cũng đủ các bước do thầy cúng điều khiển.

Xong Lễ hạ quan tài, chỉnh hướng cho phù hợp hướng của năm. Trải tấm minh tinh lên nắp quan tài. Con cháu lui ra, vì không ai nỡ chôn người thân nhưng nhiều nơi con cháu, thân hữu phải bỏ nắm đất vĩnh biệt. Người ngoài hoặc ban quản trang làm công việc chôn và đắp mộ. Lúc này mộ mới chỉ đắp sơ sài (gọi là ấp mồ). Người ta phủ vài mảng cỏ, chôn bia tạm, để bát cơm cúng, chén rượu trên mộ, thắp hương trước bia và trên mộ, xếp vòng hoa tang chung quanh.

 Người chết là Phật tử, sau khi lấp mộ xong, sư tụng kinh gõ mõ và các bà vãi cầm hương niệm Phật, có cả bài “dặn vong”,  cùng con cháu và người thân đi quanh mộ và mỗi người cầm một hòn đất ném vào mộ, gọi là đi dong nhan[15].

f. Tạ mộ:

Sau khi hoàn tất việc đắp mộ, thầy cúng và con cháu thực hiện việc tạ mộ.

 Cúng xong đốt đồ mã đã sắm cùng nhà táng giấy và những thứ đồ dùng của người chết thấy cần thiết phải đốt.

g. Vệ sinh trong vận chuyển thi hài:

Ngày nay, theo THÔNG TƯ Số: 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng cần:

a) Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải thực hiện việc mai táng, hoả táng tại nghĩa trang hay nhà hỏa táng gần nhất. Trước khi vận chuyển thi hài đi mai táng hoặc hoả táng, thi hài phải được khâm liệm theo quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này;

Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa, trước khi vận chuyển, thi hài phải được khâm liệm theo quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này.

b) Thi hài khi vận chuyển phải được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được vận chuyển bằng phương tiện riêng. Nếu vận chuyển bằng phương tiện vậi tải giao thông đường không, đường thủy, đường biển hoặc đường sắt thì thi hài phải được đặt ở buồng riêng và kín;

c) Khi vận chuyển thi hài qua biên giới, thi hài phải được đặt trong quan tài 3 lớp: Lớp trong làm bằng kẽm hoặc bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực, không rò rỉ, có lót chất hút ẩm và được hàn kín; lớp giữa làm bằng gỗ; lớp ngoài làm bằng ván ép;

d) Trường hợp người chết với số lượng lớn trong thiên tai, thảm họa, việc sử dụng phương tiện vận chuyển thi hài sẽ do người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa đó quyết định song phải thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan y tế để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm.

2. Trường hợp mai táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải xử lý như sau:

a) Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt.

b) Trước khi lấp đất, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột ở xung quanh và trên mặt quan tài.

          7. Rước Vong về Nhà:

Sau khi làm lễ Tạ mộ, tổ chức rước vong về nhà an sàng tức là cúng an vị vong tại bàn thờ người vừa mất: ảnh, bát hương cùng mâm quả thờ trên linh sa được rước vào đặt lên bàn thờ. Sắm đủ lễ như:  Hoa quả, hương đèn, trà nước, Bài vị của hương linh, làm thang bằng bẹ chuối. Hai bên bàn thờ được treo câu đối, bức trướng thành hai hàng dọc. Trên bàn thờ luôn có hương khói, đèn nhang. Chú ý chớ nên dùng hương Vòng (thiếu nghiêm túc và người sau tắp nhang cây dễ gây cháy đutws các vòng gây phản cảm).

Gồm hai bàn: Thượng và hạ. Tiền Phật hậu linh. Khi cúng linh phải có cổ bàn. Ðặt bàn thờ thuận tiện nơi rước linh.

Chú ý bàn Vong không đặt ngược hướng và đối diện với bàn thờ Gia tiên.

Tang lễ thời hiện đại:

Tuy nhiên, theo thời gian, việc áp dụng những nghi thức phức tạp và khó nhớ như trên, ở mỗi vùng lại có những dị biệt nhỏ. Đặc biệt biến dị trong một số việc, như liệm, chuyển cữu, tục đặt tên thuỵ, đưa quan tài ra khỏi nhà, tục con gái lớn lăn đường lăn huyệt (yếu mệt ngã), và con trai cả đội mũ rơm (bảo hiểm cái đầu khi mẹt quá ngã vật ra), chống gậy (đỡ thân mình khi đứng không vững do đau buồn quá) ...

 Ngày nay, nhiều tục lệ trong số đó không còn tồn tại nữa, bởi chúng quá chi li, cầu kì, chứ không phải vì chúng vô nghĩa. Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy rõ yếu tố tâm linh, triết lý Âm Dương, Ngũ hành, thể hiện quan niệm về thế giới quan của người xưa… trong từng lệ tục.

Vẫn có tục còn tồn tại, như: vì xót thương nên con cháu không dùng đồ tốt nên làm đồ tang bằng các loại vải thô, xấu như xô gai màu trắng (màu của phương Tây, màu xấu nhất trong Ngũ hành), tuy đã có nhiều nhà thay bằng đồ đen. Rất tiếc, hiện có một số người vô tâm làm sai như việc vái lạy, đáp lễ trong phúng điếu khá tùy tiện; con cháu mặc áo hoa, tổ chức ăn uống linh đình; kèn trống theo loa phát quá cỡ (nhất là loa nén); thanh nữ đến viếng mặc váy ngắn, người viếng đem phong bì giá trị lớn hơn mức bình thường...không còn hiếm.

Sinh, lão, bệnh, tử là định luật bất biến của một đời người, không ai trách khỏi. Do vậy, dù có chọn giờ linh đến đâu, khóc than thảm sầu, tế lễ linh đình cũng không làm cho người chết sống lại được. Trái lại, những việc đó chỉ làm cho vong linh quyến luyến, không có cơ hội siêu độ ngược với mong muốn của số đông!.

Tuy Khổng Tử từng dạy:  “Sự tử như sự sinh, Sự vong như sự tồn” nhưng thầy cũng nói: “Việc Lễ cốt ở cái Tâm, Việc tang cốt ở cái Tình”. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại thực hiện những mếp sống có văn hóa, văn minh, không nên làm hao tốn tiền bạc, tổn hao công sức của gia chủ và cộng đồng. Do đó, việc tang chay là điều cần thiết thể hiện sự quan tâm của xã hội, gia tộc, con cháu đối với người đã qua đời, góp phần gìn giữ những truyền thống văn hóa dân gian,đạo đức của dân tộc được. Tuy nhiên, những tổ chức lễ tang linh đình, nhạc lễ rườm rà, ồn ã, khóc than thảm thiết, rải tiền thật, đốt giấy tiền vàng mã quá nhiều, cần được chấn chỉnh, hạn chế dần.

 Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/01/2011 Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước kể từ 15-3-2011. Theo đó, đối với tổ chức việc tang: khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức chu đáo theo phong tục truyền thống. Lễ tang phải được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang. Việc mặc tang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang. Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo quy định. Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang; Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước… khi tổ chức, phải thực hiện các quy định của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần. Khuyến khích hình thức hỏa táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch, xóa bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn, những nghi thức rườm rà khác, không rắc vàng mã trên đường đưa tang.

Như vậy, theo tôi, lễ tang nên tổ chức gọn, trong vòng 48 đồng hồ và tinh giảm những hủ tục, lễ nghi rườm rà, hạn chế rượu, thịt, không hút thuốc lá, không tế kèn, chèo đò…góp phần tạo nên nếp sống có văn hóa, văn minh lành mạnh trên các địa bàn dân cư, đặc biệt nơi phố thị.

Không phải cứ con cháu vật vã, gào khóc thảm thiết; lo kèn trống ầm ĩ ngày đêm; đãi khách mâm cao cỗ đầy; tổ chức điếu trướng linh đình, cúng tế dài lâu…mới là hiếu. Việc này cần tiến hành tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà, “giầu làm kép, hẹp làm đơn” và nhất là cần chấp hành tốt Hương ước, Quy tắc nếp sống văn minh thời đại mới. Đây chính là việc thấu triệt lời dạy của Đức Khổng Tử: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, linh thiêng hay không, hiếu nghĩa hay không là ở chính cái tâm của mình.

Tóm lại “hành trang” làm ma cho thân nhân gói trong “Ngũ tự T”: cốt ở cái TÂM hiếu chủ; thể hiện cái TÌNH của cộng đồng; phụ thuộc vào khả năng TÀI CHÍNH của gia chủ và khách; cần có cái TRÍ để cân nhắc xem việc gì nên làm, tục gì nên bỏ và cần hướng dần tới một TẬP TỤC văn minh.

-Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn ST, TK, Viết lại 20/6/Giáp Thìn-


[1] Thường thì gia đình đã kê sẵn một bàn đủ phong bì không, bút và cả người viết hộ những ai không biết chữ.

[2] Số tiền đặt trong phong bì và số phong bì không hẳn quyết định bởi đạo đức, đóng góp của người quá cố mà phụ thuộc vào vị thế các người con của họ!

Có kẻ phúng điếu nhiều tiền một cách bất thường trong khi quan hệ không thân thiết lắm với người đã khuất nhưng có quan hệ phụ thuộc vào người còn sống nhân dịp tang ma “hối lộ” để nhờ vả, cầu cạnh.

Nhiều gia đình hiếu chủ anh em bất hoà về cách xử lý tiền viếng thu được hay lo “trả nợ” nhưng cũng đã có nhiều tấm gương tốt khi gia đình hiếu chủ đã dùng số tiền phúng điếu đó đi làm việc thiện.

[3] Khi thân phụ tôi mất Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13/Chạp, Bính Tí) khách viếng mang đến toàn là trướng in sẵn.

[4] Nội dung là những công thức có sẵn như: 西天极樂“Tây thiên cực lạc”, 仙景嫻遊 “Tiên cảnh nhàn du”, 天秋永別 “Thiên thu vĩnh biệt”...

[5] Đạo Phật du nhập trước tiên và có ảnh hưởng hàng ngàn năm nay rồi và trên diện rộng nên có thể chấp nhận được!

[6] Với nội dung sát thực: “Vô cùng thương tiếc…” tên đơn vị, đoàn thể và gia đình ông bà…Kính viếng!

[7] Mang bức có câu: 福如東海夀比南山 “Phúc như Đông hải. Thọ tỷ Nam sơn!” của Chúc Thọ viếng đám ma , bạn bè cơ quan con mang bức trướng in chữ viếng của thông gia!!

[8] Cũng có nơi dù là hàng xóm, đi 1-2 người cũng vào bàn đăng ký lấy một tấm “các” cầm kèm mấy nghìn đưa cho “MC” để được đưa lên loa giới thiệu mời vào. Khi hỏi  họ giải thích làm thế  để cho người chết biết !.

[9] Khi thân phụ tôi mất (1997) tôi định không tổ chức níu kéo mời tất cả khách đến viếng nhưng các em tôi bảo: ở đây thành lệ rồi, bọn em đi viếng bố mẹ người ta đều ở lại uống rượu chia buồn cả, nhà ta so với làng cũng nhất nhì nhẽ nào  không lo nổi ! Tôi đành theo và riêng rượu hết 102 lít !

[10]  Lời khấn trong Thọ mai Gia lễ cho cúng sáng tối là:

日色胰明請迎靈帛于靈坐謹吿 “Nhật sắc di minh thỉnh nghinh linh bạch vu linh tọa. Cẩn cáo!”

日時興暮請迎靈帛于寢所謹吿  “Nhật thời hưng mộ thỉnh nghinh linh bạch vu tẩm sở. Cẩn cáo!”

[11] Theo Thọ Mai Gia lễ, Ngày trước còn có việc chuyển cữu, tức là di chuyển áo quan về Nhà thờ Tổ để tế, sau người ta chỉ rước Hồn bạch sang nhà thờ tổ. Khi đó tang chủ quỳ trước cữu mà than rằng: 今以吉时動棺/遷柩謹吿“Kim dĩ cát thời động quan/thiên cữu. Cẩn cáo!”.

[12] Một số nơi thành lập đội tùy từ 6 đến 8 người, áo quần đồng phục một mầu, có giầy, mũ và găng tay, làm công việc di quan ra xe tang.

[13] Nhà táng làm bằng khung tre nứa, dán giấy mầu, chạm trổ các hoa văn và hình rồng phượng tinh xảo sặc sỡ, úp trên quan tài. Nhà phú qúy, nhà táng làm cao ba tầng như một cung điện nguy nga!

[14] Đám thân phụ tôi dùng vải trắng bện thành “thừng”.

[15] Các học giả không thống nhất ý kiến: có người hiểu là tưởng nhớ đến nét mặt người chết, người khác lại hiểu là lấp mặt người chết một lần cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!