Người đi vỡ đất

22 tháng 7 2024

Tìm hiểu về SỰ CHẾT (Bài 3)

Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật.

Tuy nhiên, một định nghĩa cho sự chết còn tùy thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các lĩnh vực liên hệ.

 Trong y học, chết là giai đoạn cuối cùng của sự sống. Môn khoa học nghiên cứu về cái chết đã trở thành ngành riêng gọi là “tử vong học” (chữ Anh: thanatology; Pháp: Thanatologie; tiếng Hy Lạp: θάνατολογια thnatologia; Chữ Hán: 死亡學),  điều tra hoàn cảnh môi trường lúc xảy ra sự chết, trạng thái của những người xung quanh trước sự ra đi của người thân, và thái độ của xã hội đối với cái chết như nghi lễ hay hồi ức. Là một nghiên cứu liên ngành, nó được các chuyên gia trong điều dưỡng, tâm lý học, xã hội học, tâm thần học, công tác xã hội quan tâm nghiên cứu. Nó cũng mô tả sự biến hóa của cơ thể trước và sau thời điểm chết .

Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đã cho thấy, những người đang sống mà không thực hiện được chức năng của não bộ (hay còn gọi là sống thực vật) thì là đã chết, còn những người khi tim và hệ hô hấp ngừng hoạt động trong khi não bộ vẫn có thể hồi phục thì chưa phải đã chết. Khi đó, do sợ hãi quá mức đến nỗi linh hồn[1] xuất ra khỏi xác, làm cho người đó chết giấc, không còn biết gì nữa gọi là Hồn bất phụ thể  (H: 魂不附體, A: The soul leaves the body, P: L'âme quitte du corps) và lúc đó con người chưa chết.

Điều này đã được minh chứng qua những trường hợp kỳ lạ tưởng như không thể diễn ra trên thế giới như trường hợp một bà mẹ sinh con khi được chẩn đoán “chết lâm sàng”, một vận động viên trượt ngã xuống nước đóng băng suốt nhiều giờ đã sống lại trong tình trạng không bị tổn thương não. Trường hợp trên cho thấy đôi khi ranh giới giữa sự sống và cái chết có vẻ rất mờ nhạt và không phải mọi trường hợp đều là đó là người “từ cõi chết trở về”. Đặc biệt, với hiểu biết để ứng dụng vào “Thông khí nhân tạo” (máy thở) thì một quan niệm mới về cái chết nhưng cũng khó phân biệt rõ ràng về “chết não” và “cái chết tuần hoàn”  và những người chưa phải đã chết.

Còn theo những nghiên cứu mới nhất hiện nay cho biết, mỗi cơ thể con người đều có 2 hệ thống điều khiển: hệ thống não và hệ thống thần kinh, sử dụng các xung động thần kinh để truyền thông tin; hệ thống các tuyến nội tiết sử dụng các chất sinh học đặc biệt hoặc kích thích tố để chuyển thông tin đi khắp cơ thể. Điều đó lý giải phần nào cho việc ngay cả khi não bộ bị tổn thương nặng thì cơ thể vẫn có những biểu hiện, cử chỉ sống.

Những năm 1950, cái chết mới được xác định là thời điểm khi bất kỳ một trong những chức năng quan trọng là nhịp tim, hoạt động điện não hoặc hô hấp không còn hoạt động. Tuy nhiên, tim đôi khi cũng có thể được phục hồi trở lại sau khi nó đã ngừng đập. Đặc biệt hiện nay với kỹ thuật hiên đại, Hồi sức tim phổi (CPR) có thể làm sống lại người nhiều phút sau khi tim của họ ngừng đập nếu người đó không có tổn thương não kéo dài. Chỉ đến khi tim ngừng đạp, phổi ngừng thở, não ngừng hoạt động thì người đó được coi là đã “chết”. Não bộ là một thực tế rằng nó là cơ quan hỗ trợ cho ý thức nên cái chết nên được định nghĩa là sự mất mát không thể đảo ngược được của ý thức”. Như thế những trường hợp “sống thực vật” cũng có thể được coi là “đã chết”.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Số: 75/2006/QH11) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006:

Chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được.

  Điều 26. Mục đích và điều kiện xác định chết não

1. Việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết.

2. Điều kiện để xác định là chết não bao gồm:

a) Có đủ tiêu chuẩn về chết não theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 của Luật này;

b) Được ba chuyên gia quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật này trực tiếp khám và kết luận là chết não;

c) Việc chẩn đoán chết não chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế có khoa hồi sức cấp cứu, có máy thở, máy phân tích khí, máu và đủ các điều kiện khác theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

   Điều 27. Thủ tục và thẩm quyền xác định chết não

1. Người đứng đầu cơ sở y tế quy định tại điểm c khoản 2 Điều 26 của Luật này ra quyết định phê duyệt danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não.

2. Danh sách chuyên gia xác định chết não là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực sau đây:

a) Hồi sức cấp cứu;

b) Thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh;

c) Giám định pháp y.

3. Khi cần xác định chết não, người đứng đầu của cơ sở y tế quy định tại khoản 1 Điều này chỉ định nhóm chuyên gia gồm ba người thuộc danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não và thuộc ba lĩnh vực theo quy định tại khoản 2 Điều này. Bác sỹ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm chuyên gia xác định chết não.

4. Kết luận chết não của nhóm chuyên gia xác định chết não chỉ được công bố khi có kết luận chết não bằng văn bản của cả ba thành viên.

Thành viên nhóm chuyên gia xác định chết não phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính khoa học, chính xác trong kết luận chết não của mình.

5. Người đứng đầu của cơ sở y tế quy định tại khoản 1 Điều này công bố kết luận chết não bằng văn bản.

 Điều 28. Tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não

1. Tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não bao gồm:

a) Hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm);

b) Đồng tử cố định (đường kính đồng tử hai bên giãn trên 4 mm);

c) Đồng tử mất phản xạ với ánh sáng;

d) Mất phản xạ giác mạc;

đ) Mất phản xạ ho khi kích thích phế quản;      

e) Không có phản xạ đầu - mắt;

g) Mắt không quay khi bơm 50ml nước lạnh vào tai;

h) Mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở.

2. Tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng theo quy định tại khoản 1 Điều này và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não.

3. Bộ Y tế quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng các tiêu chuẩn lâm sàng quy định tại khoản 1 Điều này để xác định chết não.

Điều 29. Tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não

1. Để xác định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não, phải sử dụng một trong các kỹ thuật chuyên môn sau đây:

a) Ghi điện não;

b) Chụp cắt lớp vi tính xuyên não;

c) Chụp siêu âm Doppler xuyên sọ;

d) Chụp X quang động mạch não;

đ) Chụp đồng vị phóng xạ.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não và việc áp dụng các kỹ thuật chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này.

Có nhiều cách xác định sự “chết”: Đạo lý truyền thống của người Việt quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”. Bao nhiêu hờn oán đều xóa bỏ khi người ta đã chết, vì chết là dứt nợ trần gian. Chính vậy người cao tuổi hiện nay rất tâm đắc với phương châm sống: Quên hận thù! Hơn nữa, vì kính trọng tổ tiên, người đã mất nên khi nói về người quá cố, như là một đặc trưng của tiếng Việt, ngôn từ chuyên chở cả thái độ, tình cảm của người nói, nên để nói về cái chết, có rất nhiều từ (tùy vị thế, tư cách người mất), dưới đây chỉ liệt kê một số:

Tỏ ý Kính trọng: bằng từ Hán Việt như: Từ trần, Từ giã, Hi sinh, Lâm chung, Tạ thế, Quy tiên, Quy tuyền, Trường miên, Tác cổ, Đăng hà, Trường từ …hay thuần Nôm, như: Khuất núi, Qua đời, Mất, Ra đi, Yên nghỉ, Ngã xuống, Nằm xuống, Đền nợ nước,Trút hơi thở cuối cùng[2]. Nói về vua chúa: Băng hà.

Khi cần Kiêng kị: vĩnh biệt, trăm tuổi già, ngủ, đi (ra đi), lìa đời, sang bên kia thế giới, tim của ... đã ngừng đập.

Trong các Tôn giáo: lâm chung, về với cõi Phật, về với Chúa, viên tịch, quy tiên, hồn lìa khỏi xác, hóa kiếp, mãn phần.

Trung lập: chết, thác, đi bán muối, qua đời, die (du nhập từ Anh ngữ), tuyệt mệnh, tử, lìa đời, im hơi, nhắm mắt xuôi tay, về với đất, chầu ông bà, thăm ông bà, chầu trời, chầu tổ tiên, chầu Diêm vương (Diêm chúa), mất mạng, trở về cát bụi...

Tỏ ý Khinh miệt: bỏ mạng, rồi đời, xong đời, đền tội, ngoẻo, ngủm, ngủm củ tỏi, tiêu, tiêu tán đường, nát gáo, ăn đất, ăn giun, đứt bóng...

Theo tôi, thường dân nếu chưa rõ cứ tiếng Việt mà dùng: chết, thác, qua đời, nhắm mắt xuôi tay, chầu tổ tiên, chầu Diêm vương,…khỏi chữ nghĩa cầu kỳ dễ sai lẫn!

-Lương Đức Mến, soan lại 17/6/Giáp Thìn-


[1] Theo trang New Scientist thì Tiến sĩ Mohamad Koubeissi và cộng sự Đại học George Washington (Mỹ) cho rằng Vùng hạch nền (claustrum,  mảng tế bào thần kinh mỏng nằm ở khu vực phía dưới của trung tâm bộ não) nơi giữ linh hồn trong não người.

[2] Một số đám tang tôi thấy ban tang lễ và cả phường kèn dùng nhiều từ lẫn lộn trong một câu (ví dụ “được tin cụ…lâm chung, tạ thế, qua đời…”) chắc họ muốn khoe chữ, không hiểu mà nói theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!