Người đi vỡ đất

10 tháng 7 2024

Tìm hiểu về SỰ CHẾT (Bài 2)

I.                   NGƯỜI GIÀ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT.

Thông thường người cao tuổi hay nghĩ đến cái chết. Sẵn sàng đón đợi cái chết. Bằng chứng là ở nông thôn, một số nơi còn chuẩn bị sẵn áo quan (quan tài) trong nhà khi các cụ còn khỏe mạnh. Áo quan đó còn gọi là cỗ hậu (dùng nó về sau), có nơi còn gọi là cỗ thọ, vì vậy đầu áo quan bao giờ cũng khắc chữ “Thọ”, cũng là để đánh dấu khi nhập quan.

Cái chết dưới cách nhìn chấp nhận một quy luật, thì không có gì đáng sợ. Người theo một tôn giáo, càng nhẹ nhàng khi đối diện với cái chết. Thiên chúa giáo coi cái chết là về với Chúa, với sự vĩnh hằng. Ta sinh ra từ cát bụi, lại trở về cát bụi. Phật giáo coi cuộc đời là bể khổ trầm luân, “Sinh ký tử quy -sống gửi thác về”. Cuộc sống đời người chỉ là tạm bợ, khi chết mới thực sự được về nơi cực lạc viên mãn, siêu sinh tịnh độ.

Người cao tuổi khi về già thường ốm đau luôn, nhiều người cảm nhận cái chết đến gần. Cá biệt có người còn “bấm” được mình sẽ chết vào một thời gian cụ thể. Bởi vậy cần thanh thản chuẩn bị cho cái chết bằng một số việc làm sau:

1. Lập di chúc.

“Chúc thư” 囑書hay “Di chúc” 遺囑là lời dặn dò của người chủ gia đình, người lãnh đạo đất nước, giáo phái, bang hội... trước khi mất. Chúc thư, di chúc viết thành văn bản có giá trị hành chính, pháp lý. Nếu không biết chữ, hoặc yếu quá không viết được nữa thì nhờ người khác viết, đọc lại cho nghe rồi ký tên hoặc điểm chỉ vào dưới. Di chúc của nhà vua thì gọi là Di chiếu 遺詔.

Nội dung chính của chúc thư thường là việc chia gia tài (ruộng đất, nhà cửa,...) cho những ai (con trai, con gái, cháu, vợ...) được hưởng cụ thể những gì, ở đâu; còn lại bao nhiêu dành dưỡng lão, hương hỏa, giao người chăm nom. Nếu còn nợ hay bị nợ giao phó cho con nào phải đòi, phải trả. Những việc làng, việc họ, đối nhân xử thế...; việc chôn cất, tang chế, cỗ bàn, đình đám

Thường ta chưa có thói quen lập di chúc, ngày nay việc lập di chúc tương đối phổ biến. Đây là một nét Văn hóa đẹp và cần thiết. Việc lập di chúc là thể hiện ý nguyện định đoạt về tài sản, hoặc tâm nguyện của một người trước khi chết.

Bản di chúc nói chung, ngoài việc thể hiện tính hợp pháp, thường còn chứa đựng tâm tư, tình cảm của người để lại di sản. Nên bên cạnh việc định đoạt tài sản, người lập di chúc còn nhắc nhở, căn dặn một số điều cho người hưởng di sản. Trong di chúc có những điều dặn dò con cháu thực hiện di ngôn của mình.

 Khi sắp qua đời mới công bố di chúc. Trường hợp không có di chúc, con cháu phải hỏi cho rõ ý muốn của người lâm chung. Người thân ghi chép đầy đủ dưới sự chứng giám của các thành viên trong nhà hoặc người làm chứng, được ký tên hoặc điểm chỉ chu đáo.

Có thể mời luật sư lập di chúc và ủy quyền cho luật sư công bố di chúc, vào một thời điểm được ghi trong di chúc.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 về: Khái niệm; Người lập Di chúc, quyền của họ; Hình thức của Di chúc (Văn bản, Miệng) một bản Di chúc hợp pháp; Nội dung của di chúc bằng văn bản,; Người làm chứng cho việc lập di chúc; việc Di chúc có công chứng hoặc chứng thực; Di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở; việc Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc;vấn đề Di chúc chung của vợ, chồng; việc Gửi giữ di chúc; khi Di chúc bị thất lạc, hư hại; Hiệu lực pháp luật của di chúc; Di sản dùng vào việc thờ cúng và việc Di tặng; vấn đề Công bố di chúc, Giải thích nội dung di chúc;…

   2. Giải quyết những việc tồn đọng.

“Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” , nào ai biết được cụ thể thời điểm dẫn đến cái chết của mình, mà giải quyết “nợ trần” để ra đi thanh thản ! Do vậy lúc ốm đau hay khi vào “tuổi hạc”, ngoài việc lập Di chúc, người già nên thanh toán nợ nần, thông báo cho con cháu biết mình còn nợ ai, ai nhợ mình để trả, đòi hay ủy quyền cho con cháu trả, đòi hay tuyên xóa ! Những ân oán đời thường, những khúc mắc riêng tư, những bí mật “sống để dạ”  lâu nay chưa giải tỏa, nếu được cũng cần “bạch hóa”.

 Cái quý hơn cả là thân xác ta, rồi cũng mất đi. Điều làm cho ta sợ hơn nữa là: Ta không biết điều gì sẽ xẩy ra sau khi chết. Thiên đường hay địa ngục? Nỗi ám ảnh cứ theo ta, và chỉ có ta mới biết phải tự sám hối về những điều tốt xấu, mà ta đã làm khi sống trên cõi đời này…Liệu ta có được siêu thoát hay bị trừng phạt?...

Bây giờ tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã vượt qua mốc “xưa nay hiếm”, các cụ đều trải nghiệm nhiều, đã tri thiên mệnh (知天命 - biết mệnh trời), hiểu biết quy luật cuộc đời, qua các cung bậc thăng trầm và nếm trải bao cay đắng ngọt bùi. Nhận ra mọi sự bon chen, tranh quyền đoạt lợi, mánh mung mưu mẹo, chỉ hao tâm tổn trí. Chức trọng quyền cao bổng lộc nhiều, tiền muôn bạc tỷ lắm; cũng chỉ là của phù vân, sáng đến chiều đi không mang theo được.

Phải sống làm sao, khi cái quan luận định (盖棺定命 - đậy nắm quan tài mới khen chê hay dở) được nhiều người thương nhớ và cắm trên bia mộ mình một lời tốt đẹp: “Ở đây yên nghỉ một con người lương thiện!”. Đó mới là sự tiếp nối vẻ vang truyền thống của dòng họ, của Tổ tiên ông bà. Và cũng là gương sáng treo cao cho con cháu noi theo.

Hiện tại các cụ lấy sự sống vui, sống khỏe, sống có ích làm phương châm xử thế. Chẳng thế mà các cụ cao niên rất tâm đắc với phương châm: “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, khi chết được nhiều người thương nhớ”. Mọi oán thù đều gạt bỏ và quên đi. Người làm chủ bản thân, còn biết quên tuổi tác, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, gần gũi tuổi trẻ. Nụ cười và ánh mắt trẻ thơ sẽ tiếp thêm nhựa sống lạc quan yêu đời cho tuổi già, khi mãn chiều bóng xế! Biết quên bệnh tật, chấp nhận để chung sống và tìm cách hạn chế không cho bệnh tật phát triển. Đó mới là liều thuốc Trường sinh Bất lão hiệu nghiệm!

   Làm được vậy, sẽ là niềm Hạnh phúc an nhiên thanh tao, tự tại… Vui vầy bên con cháu, thả hồn vào cảnh sắc thiên nhiên. Điều kiện kinh tế ngày một nâng cao, các cụ đều có thể:

   ”Khi chén rượu, khi cuộc cờ

   Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”

Như vậy, khi đi vào cái chết được nhẹ nhàng. Con cháu cần hỏi thêm các cụ trước khi lâm chung và hứa có trách nhiệm giải quyết, để cho các cụ ra đi được thanh thản. Ngày trước người ta còn hỏi ý người sắp chết việc đặt tên thụy, tên hèm là gì; để sau này khi cúng đọc cho đúng, hồn người chết về thụ hưởng, nên mới gọi là ” tên cúng cơm ”. Bây giờ điều này không mấy ai làm. Hiện nay khấn cúng đều đọc tên khai sinh của người chết.

II.NGƯỜI NHÀ ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG NGƯỜI SẮP “RA ĐI”

 Những người sắp “ra đi” thường có những yêu cầu nào đó. Thèm ăn một món quà quê để nhớ lại những ngày tuổi ấu thơ (mặc dù món ăn đó cần phải kiêng), thèm nhìn một khoảng trời xanh qua khung cửa sổ (có thể gió lạnh lùa vào!)…muốn được gặp người này người kia… Nhất là khi sắp tắt hơi, một số người đòi hạ thổ, xuống đất lấy âm khí cân bằng âm dương rồi mới chết.

Những người ở quê ra tỉnh, biết mình sắp chết, đòi được “đưa” về quê nằm cạnh tổ tiên ông bà, kể cả những người xa xứ cũng muốn được “lá rụng về cội”…

Con cháu cũng không nên câu nệ, cần khắc phục khó khăn để đáp ứng những nguyện vọng này trọn vẹn và chu đáo, trong điều kiện có thể.

“Trăm thứ bà rằn” sao mà khỏi bị trách chê! Mà nào ai đã “bị thế bao giờ” mà rút knh nghiệm được !

-Lương Đức Mến, đầu tháng 5 năm Giáp Thìn-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!