Ở nước ta, họ Hồ đã chứng minh được Trạng
nguyên Hồ Hưng Dật (胡興軼, ?-?, từ TQ sang vào đời Hậu Hán 後漢, 974-950) là Đức Nguyên tổ của các dòng họ Hồ trên toàn cõi[1]. Hay họ Phạm toàn quốc đều coi
Danh tướng Phạm Tu (范須, 476-545), một công thần bậc nhất của nhà Tiền Lý (Vạn Xuân, 萬春, 544-602) là Thượng Thuỷ tổ và được cúng giỗ vào 20/7 âm[2].
Nhưng họ Lương ta chưa làm được việc đó[3].
Không phải thiếu người xứng đáng
vinh danh mà chủ yếu là hậu thế chúng ta chưa có người đứng ra tổ chức, khảo cứu,
minh chứng. Việc tìm về cội nguồn và chắp nối dòng tộc mới có vài người chú
tâm, nhiệt thành còn một số chưa thấu hiểu, hưởng ứng đạo lý này.
Chưa có ai đủ Lực 力, có Tâm 心 đứng ra làm Mạnh Thường Quân (孟尝君, ? - 279, nổi tiếng vì quý trọng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ nên trong nhà lúc nào cũng có trên cả ngàn thực khách) cho Việc Họ 族事. Ngay cả việc xác định, suy tôn Đức Thái Thủy tổ 太始祖, Đức Thủy tổ 始祖 của Lương tộc 梁氏 ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng là ai ? đến lập nghiệp tại đây năm nào ?, mất năm nào ? vẫn chưa xác định được, ngay cả trong cuốn này. Do vậy Từ đường 祠堂 còn khiêm nhường, Gia phả 家譜 còn chưa đầy đủ, tản mát và chưa tương xứng, chưa định ra được cấp các kỳ giỗ 忌級[4].
Âu cũng là một day dứt lớn! Con cháu
nên thấy điều đó mà cảm thông cho tiền nhân và gắng sửa chữa, bổ sung khi có điều kiện.
Đọc kĩ những điều tôi thu lượm, soạn
ra ở cuốn ĐI TÌM CỘI NGUỒN DÒNG HỌ thì dù ít hay nhiều cũng sẽ hiểu thêm về địa dư chí 地輿誌 mỗi vùng, từng thời điểm mà mỗi người trong họ sinh sống,
cống hiến hay những nét cơ bản nhất về tập tục, lễ nghi, kinh nghiệm canh tác,
học vấn thời đó.
Cũng từ đó càng thấm thía rằng: mỗi người sinh ra đều đã mang sẵn dòng máu
Tổ tiên. Cũng 天時 “Thiên
thời”, 地利 “Địa
lợi” ấy và cùng 本源 gốc sinh ra
nhưng người thì trưởng thành, mát mặt, người lại lận đận, thăng trầm. Đó là bởi
tại yếu tố 人和 “Nhân
hòa” trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi chi, mỗi phái ở từng 時 Thời khác nhau.
Mặt khác: “Địa linh sinh nhân kiệt” 地靈生人傑, không có sai. Nhưng chỉ là tiềm
năng và cổ nhân đã từng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm Long” 先積德後尋龍 nên sự phấn đấu cá nhân rất quan trọng.
Mỗi thành viên phải tự cố gắng mới phát huy được cái thế mà tiền nhân đã tạo
ra, trao gửi và cần sự quyết chí từng bước đi lên bằng đôi chân của mình trong
sự phù hộ của tổ tiên, trong vòng tay họ mạc sẽ tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp.
Vì thế trong họ ta mới có cảnh: “Chú,
cháu cùng một ngày sinh, Chú nên quan tỉnh, cháu thành tù nhân”.
Dù trong thời nào, chiến tranh hay
hòa bình vai trò của người Gia trưởng 長族 rất quan trọng. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (心, Hiếu
đễ, Hòa kính, trách nhiệm…), Tài
(財, khả năng tài chính
đủ ăn, đủ chi), Trí (智, hiểu biết về xã hội,
về lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc, ngày
nay còn phải biết ứng dụng CNTT nữa), Thể
(體, có sức khỏe, xốc
vác, minh mẫn) lại gặp Thời (時, đời sống ưa chuộng,
số đông ủng hộ) thì gia đình đó hay Chi, Phái đó hoặc
toàn Gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Đây là người Thiên định 天定, không phải do bầu, do cử hay tranh
mà được.
Nhưng khó ai hội đủ 5T (心財智體時) đó nên
căn bản nhất vẫn là cái Tâm 心. Tâm sáng, lòng
trong thì có thể vượt qua được, xứng là ngọn cờ tập hợp toàn gia, dù có nhiều
khó khăn trắc trở.
Trong việc họ vai trò của Gia trưởng rất quan trọng, quan viên họ phải theo. Song
người Trưởng tộc chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về
Việc họ còn mọi việc khác nên tôn trọng tự do của các thành viên. Trong thời hiện
đại, không còn ruộng hương hỏa, Trưởng họ nhiều khi lại không sinh sống ở quê,
đòi hỏi mỗi Gia tộc cần có Từ đường, Tộc ước, Ban liên lạc hay Hội đồng gia tộc
và cần nữa là nguồn kinh phí ! Nếu gặp bậc gia trưởng 族長 chưa được như ý mà người nào trong
họ, trong nhà tỏ ý khinh nhờn thì người đó, nhà đó sớm muộn gì cũng không có hậu
vận hanh thông. Ngược lại, có người tuy thuộc Chi thứ, Ngành thứ, là con thứ,
thậm chí là Rể 壻 nhưng nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào 5T mà
thực sự có Tâm thì rất có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó gia trưởng
mà biết lắng nghe, tận dụng thì gia tộc sẽ hưng thịnh. Đó là do Đời định 世定 hay
Nhân định 人定! Nếu Thiên định 天定 và Nhân định 人定 hài hòa thì thật toàn vẹn! Kéo theo đó, vai trò của Dâu trưởng 長媳 lại càng quan trọng ở tính Nhẫn 忍, Hiếu 孝, Đễ 悌.
Người
ta có thể thực hiện việc ly khai, tách, hợp một vùng đất, chia phái trong một
tôn giáo nhưng không ai bỏ được họ (trừ
những trường hợp phải thay, cải họ). Việc thờ cúng Thần 神, Thánh 聖, Phật 佛, Chúa 教主... là đi theo
cái tưởng tượng, sẽ biến đổi theo thời cuộc và sự nhận thức của mỗi người, từng
giai tầng. Còn thờ cúng Tổ tiên là tâm linh tưởng niệm cái có thực, ghi nhớ đấng
sinh thành. Đồng thời suy cho cùng thì các bậc được tôn xưng là Thánh, Thần, Phật,
Chúa đều được gắn với những gương Hiếu thảo nên việc “Họ” sẽ trường tồn,
tất nhiên mỗi thời sẽ mỗi khác.
Càng hiểu càng phải thấm thía và mong muốn rằng: Tổ mở mang, dựng
nghiệp, đời sau vun đắp, giữ gìn và phát triển. Như thế theo mạch nguồn và lẽ tự
nhiên dòng chẩy ngày càng lan ra xa rộng, cành lá càng vươn xum xuê xanh tốt.
Qua đây cũng có thể dự đoán được tương lai con cháu mỗi nhà, từng chi, từng
phái. Nếu nghiên cứu kĩ Gia phả nhiều nhà, nhiều họ sẽ biết được lịch sử một
làng, một vùng và rộng hơn là cả nước.
Dù sao, “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân” (皇天不負好心人, Trời không phụ người có lòng tốt) mà !
Đọc mà nghiệm ra được như vậy tức là
tâm nguyện của người soạn ra các cuốn chuyên khào liên quan và bài này đã được thỏa mãn.
-Lương Đức Mến, soạn lại tại Hà Nội, 22/02/Giáp Thìn-
[1] Ông là dân
Bách Việt ở Dương Châu vùng Giang Nam, đỗ Trạng Nguyên thời Hán Ẩn Đế (漢隱帝, 948-950). Ông thuộc dòng dõi con
cháu Nghiêu Thuấn (堯舜, 2255-2208
tCn). Vua Thuấn 舜 được vua
Nghiêu 堯 trao ngôi vua gọi
là nhà Ngu (虞, 2697-2033 tCn).
Con Ngu Yên 虞殷 là Vĩ Mãn được Chu
Vũ Vương (周武王, 1046-1043 tCn)
gả Công chúa và phong cho đất Trần, gọi là Hồ Công 胡公 (tước Công, tước to nhất trong năm
tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam 公侯伯子男) nên con
cháu lấy họ Hồ. Khi Trung Nguyên loạn “Ngũ đại thập quốc” (五代十國, 907-960), Hồ Hưng Dật dịch
cư xuống phía Nam và được cử làm Thái thú Diễn Châu 演州 thời Dương Tam Kha (楊三哥, tức Dương Bình Vương 楊平王, 944-950) cùng thời với Đinh
Công Trứ (丁公著; ? - ?) cha của
Đinh Bộ Lĩnh (丁部領, 924–979)
làm Thứ sử Hoan Châu 讙州. Làm quan
một thời gian ngắn, gặp loạn 12 sứ quân (十二使君時期, 944-968), ông đến hương Bào Đột (nay là Bào
Giang, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập nghiệp. Người họ Hồ
toàn quốc đều suy tôn ông là Cụ Tổ và nhấn mạnh: “Châu trung Hồ tính giai kỳ
miêu duệ” 州中胡姓偕祇苖裔 nghĩa là người họ
Hồ trong vùng Nghệ Tĩnh đều là dòng dõi Ngài và câu: “Đại Nam nhất Hồ” 大南一胡 tức là ở Việt Nam có một họ Hồ duy
nhất.
[2] Phạm Tu (范須, 476-545), người thôn Văn
Trì, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm trấn Sơn Nam, nay là xã Thanh Liệt, huyện
Thanh Trì, Hà Nội. Ông nổi tiếng là vị tướng tài giỏi, có nhiều công lao: tôn
phò Lý Bí (李畚, 503-548, là
người Thái Bình, phủ Long Hưng, Sơn Tây) đuổi Tiêu Tư, đánh đuổi Lâm Ấp,
trở thành quan võ đầu triều nhà nước Vạn Xuân
của Lý Nam Đế (李南帝, 542-548).
[3] Việc tổ
chức Tưởng niệm vào ngày 23/9 ở Cao Phương, Nam Định là tưởng niệm cụ Trạng Lương
Thế Vinh, có giá trị với dòng Lương tộc xuất nguyên từ đây.
[4] Tương tự việc tổ chức các Lễ kỉ niệm vào các
năm lẻ, năm chẵn và năm tròn theo quy định của Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!