Người đi vỡ đất

05 tháng 1 2024

Sắp tới NGÀY GIỖ của phụ thân tôi

Ngoài các bài Văn khấn dịp Giỗ cha đã viết, đọc và có lưu trên trang Blog này, từ năm 2010 tôi đã viết bài riêng có lưu ở đây, năm sau có bài đã lưu tại đây, rồi ở đây và năm ngoái cũng có bài lưu tại đây. Nay vẫn viết tiếp mấy lời này.

Cụ là Đệ lục đại Lương Đức Thân 第六代祖 梁德親

Sinh năm Khải định Thứ 8 (Quí Hợi-1923). Là con Cụ Lương Đức Trính (第五代祖 梁德楨,kỵ 29/Giêng), cháu cụ Trinh (Kỵ 17/9)).

Nội tổ của tôi được học hành do bác là cụ Giáo Chinh 第四代祖 梁德征[1] dạy. Nhà khá, từng làm Lí trưởng 里長, nhưng bênh dân. Khoảng 1926-1927, vào mùa thả diều, cùng với mấy người trong Tổng (Cao Mật) lại bỏ nhà ra đi (trước đó Cụ từng ra Vàng Danh, Cẩm Phả làm phu), nói là đi “Tân Thế giới”.  Không ai can được. Hôm đó là ngày 29 tháng Giêng.

Từ đó không về và cũng không tin tức gì. Chờ 6, 7 năm sau, biết cụ đã mất, gia đình tổ chức “chiêu hồn nạp táng” 招魂納葬. Mời 7 sư làm chay, cầu siêu[2]   trong mấy ngày đêm liền. Cúng xong dùng cành dâu làm xương, vỏ dừa làm sọ (xương dâu, đầu gáo) mà mai táng. Lấy ngày 29/Giêng làm ngày Giỗ hàng năm. Mộ vọng đã được qui tập.

Mẹ phụ thân tôi (Bà Nội tôi) là Đặng Thị Chỉ người xóm trong cùng thôn Phương Lạp. Tháng 2/1964 cùng con cháu lên Lào Cai, ở thôn An Phong xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Mất ngày 22/12/1982, tức là ngày 08 tháng 11 năm Nhâm Tuất, đúng tiết Đông chí[3]. Ngày 20/12/2001 (06 tháng Mười Một Tân Tỵ) con cháu đã đưa ra quy tập cạnh mộ con trai ở nghĩa địa thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Các cụ sinh 2 nữ (Ri, Thị), 2 nam (Thân, Dật)[4]

Cụ sinh 10 người con, nuôi đến trưởng thành có 7 người: Lương Đức Mến (Phạm Thị Mến), Lương Đức Thuộc (Lữ Thị Nghị), Lương Thị Thường (Nguyễn Văn Hoàn), Lương Đức Thức (Phạm Anh Đào, Nguyễn Thị Thi), Lương Đức Thể (Luân,Bùi Thị Hợp), Lương Thị Lí (Nguyễn Văn Bình) và Lương Đức Luận (Nguyễn Ngọc Anh) đều đã xây dựng gia đình, sinh sống ở thành phố, huyện Bảo Thắng thuộc tỉnh Lào Cai.

Thủa nhỏ người theo ông bác là Cụ Hội Khuê Lương Đức Khuông 梁德匡 học chữ Nho. Chịu khó học và học khá hơn so với em trai. Năm hơn 10 tuổi, đi ở cho nhà Bạch Thái[5] ngoài Hải Phòng và đây là dịp có điều kiện đọc nhiều Truyện cổ Trung Quốc, Truyện Kiều...Đất thổ cư bố đã gán nợ nên mấy mẹ con chỉ còn khoảng 300m2 phía trước nhà thờ họ, qua một cái ao[6].

 Khi CM Tháng Tám thành công, phần vì nhiệt thành, phần chữ đẹp,  được xã cử làm Giáo viên bình dân học vụ, trong Ban bầu cử  QH khoá I.

Trong kháng chiến  là UVUBKC xã. Lấy vợ là con gái họ Phạm Đình[7]  ở Cốc Tràng cùng xã[8].

Khi tản cư sang Tiên Lãng, được ông Phạm Văn Quang (họ bên Mẹ tôi)  giới thiệu đi dự một lớp huấn luyện 15 ngày sau đó đưa về quê hoạt động.Với cương vị Trưởng ban kinh tài có nhiệm vụ thu thuế gửi ra vùng tự do nộp cho cấp trên không thiếu một xu[9]. Sau đó do tình hình căng thẳng gia đình lại sang Tứ Kỳ, Thái Bình. Gần cuối cuộc kháng chiến gia đình  mới  hồi cư.

Sau Hoà Bình là Trưởng ban Địa chính xã, dạy Bình dân học vụ,  tham gia văn nghệ[10]. Chủ yếu diễn Chèo[11]. Tuy công tác tích cực, có uy tín nhưng vì tính thẳng, không xu nịnh nên mặc dù qua nhiều cương vị công tác, rất có tín nhiệm, vẫn là người ngoài Đảng.

 Tháng 2/1964 đi khai hoang ở Lào Cai trong một thung lũng được ghi tên là La Cà Bốn thuộc thôn Cốc Sâm xã Phong Niên. Gia đình gồm mẹ, 2 vợ chồng và 4 con (Mến, Thuộc, Thường, Thức). Trong ban lãnh đạo HTX An Phong thì Ông Ơn (người An Thọ) làm Chủ nhiệm, Ông Nhỡ (họ Đặng gọi bà Nội tôi bằng Cô ruột) là phó, người là Kế toán. Hàng tháng mây ông ra Huyện làm sổ sách (18 Km đường rừng). Người còn đứng ra mở lớp dạy vỡ lòng cho các cháu ở thôn. Năm 1967 An Phong sát nhập với Vĩnh Hồ (dân Vĩnh Bảo lên từ 1963) thành HTX An Hồ, làm Kế toán. Sau đó làm Trưởng ban Thống kê xã. Khi hợp nhất toàn xã thành HTX Hồng Phong, người được bầu là làm Phó chủ nhiệm kế hoạch.

Từ năm 1978 biên giới căng thẳng, nhưng gia đình vẫn ở lại. Mãi khi PLA tới Phong Hải (23/02/1979) cả nhà mới xuống Km 45 (nhà L.Đ.Thiếp) rồi Phố Ràng (Bảo Yên), đi tiếp Hà Nội  và về quê. Khi PLA rút (08/03/1979) lại ngược. Nhà cháy, phải làm lại từ đầu. Sau đó nghỉ, không tham gia công tác nữa.

Người tính thẳng, hơi nóng, nhưng vui tính, đan lát giỏi. Cụ rất chú ý rèn con cái. Thuận tay trái (nhưng viết thì viết tay phải, chữ đẹp). Sau này Thường, Lí, Luận cũng thuận tay trái. Không hiểu người học ai nhưng Nhị, Hồ, Sáo, Đàn sử dụng tốt, nhất là Nhị và thuộc nhiều làn điệu Chèo. Khi lên Lào Cai vẫn đem theo một bộ. Đặc biệt cụ có giọng đọc to, vang. Nhưng, như mọi người trong làng 2 phụ âm  “l”    “n”  đều phát âm là  “n”[12].

Người có nhiều ý tưởng hay về việc khơi lại tập tục tốt đẹp xưa đã bị lãng quên, duy trì nền nếp, phát huy truyền thồng quê hương, dòng họ. Nhưng nhiều khi khó thực hiện, do nhiều lí do  mà chủ yếu là vấn đề “kinh phí”. Có vấn đề  xét thấy nên làm, con cái đã giúp cụ thành công, người rất phấn khởi[13]. Trong đó phải kể đến ý tưởng tổ chức ngày Giỗ vọng cụ Tổ khai sáng dòng họ Lương Cao Mật vào Rằm tháng Giêng và việc soạn lại Gia phả của dòng họ. Việc Giỗ vọng đã thực hiện lần đầu vào 1990 tại An Phong có 9 gia đình Lương tộc tham dự. Việc soạn Gia phả mới xong phần lược dịch cuốn Gia phả ngành Ba và cuốn đó người chép lại trong dịp về quê năm 1994[14].

Người sức yếu, ở xuôi ốm luôn, lên Lào Cai có khá hơn. Năm 1980 có trận ốm (Viêm cầu thận) tưởng đã mất, nhưng rồi qua được. Trong năm 1996, người hay đau yếu. Nhưng cuối năm lại khoẻ, giục vợ và em vợ về quê giỗ Nhạc phụ    Tối 20/1/1997 người đột ngột mệt nặng. Khi con cái tới nhà (21 giờ) người còn nhận ra nhưng không nói được. Hàng xóm, con cháu có mặt đủ cả. Cấp cứu hồi lâu, đến nửa đêm người có vẻ tỉnh ra, bà con ra về. Gần 2 giờ sáng bắt đầu vào hấp hối, cấp cứu tích cực nhưng không có hiệu quả. Người tắt thở lúc 2 giờ 5 phút sáng ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí)[15].

Mặc dù vắng vợ và em vợ nhưng gia đình, ban lễ tang vẫn quyết định đưa tang vào ngày 22/01  và đám tang của người được con cái tổ chức tương đối chu đáo. Các cơ quan, bạn bè dù xa thế vẫn đủ mặt, theo lệ làng phải tổ chức ăn uống. Mộ đặt tại khu Gốc gạo cạnh lối vào xóm do ông thày Kiên đặt hướng (Bắc). Khi vợ và em vợ lên đến nơi thì chuẩn bị cúng 3 ngày. Nhưng khi  xem băng ghi hình (do 1 cán bộ Phòng CTCT CA tỉnh quay) bà bảo: không có gì phàn nàn cả.

Không bày vẽ nhưng chúng tôi vẫn tiến hành đủ các bước trong khâm liệm, viếng, chuyển cữu, truy điệu, đưa tang và sau đó là: Triêu tịch diện 朝夕面, Tam ngu 三虞, Cúng Tuần 旬祭, 49 ngày 盅七, 100 ngày 卒哭, Đốt mã 焚香, Tiên thường 先嘗, Tiểu tường 小祥, Đại tường 大祥, Trừ phục 談祭, Cải táng 改葬, rồi các năm thực hiện Kỵ nhật 忌日 vào 13/Chạp.

Vào dịp giỗ đầu (Tiểu tường 小祥, ngày 12/Chạp Đinh Sửu tức 09/01/1998) Huân chương kháng chiến Hạng Ba Số 1286/1167 do Chủ tịch nước kí ngày 20/2/1997 tặng cho người về đến nhà và gia đình tổ chức đón luôn.

Ngày 20 tháng 12 năm 2001, tức là ngày mồng 6 tháng mười một 初六日 十一月大 năm Tân Tỵ  辛巳年, 庚大月, 己午日 tiến hành cải táng 改葬: 11 giờ 30 khởi móng xây mộ mới, 18 giờ bật ván thiên, 19 giờ tắm rửa xong: xương sạch, vàng đẹp; 20 giờ hạ Tiểu xuống mộ mới .

Đồng thời đưa cả hài cốt Đệ Ngũ Tổ Tỉ Đặng Thị Chỉ từ trong thôn ra qui tập . Phần Lương tộc chi mộ này có kích thước 4, 5 x 3 m được xây tường bao, đầu các ngôi mộ quay hướng Đông (hướng Mão). Mộ Đệ Ngũ Tổ Tỉ xây mái nhọn trên có gắn  Rồng chầu mặt nguyệt, tấm dựng gắn ảnh (chụp 1982). Mộ đệ Lục Đại Tổ mái uốn vòm, tấm dựng gắn ảnh, hai bên có đôi câu đối của LĐM :

Công cao mở đất lưu hậu thế,

Đức cả rèn con rạng tổ tông.

Chính giữa tường phía sau có bàn thờ với bức hoành phí gồm cả chữ Nho 克昌厥後 (Khắc Xương Quyết Hậu) và dịch nghĩa: Thịnh vượng cho đời sau.

Tất cả hoàn thành vào dịp Kị nhật  của  Hiển Tổ Tỉ Đặng Thị Chỉ, ngày 08/11 初八日 十一月大 hay 辛巳年, 庚大月, 丁巳日.

Năm Quý Mão 2023 này, ngày 13 tháng Chạp vào thứ Ba ngày 23/1/2024 không mấy thuận tiện nên tôi định tưởng niệm cụ vào Chủ nhật ngày 11/Chạp năm Quý Mão tức 21/1/2024 là ngày Giáp Thân, tháng Ất Sửu là ngày trực Nguy, Hoàng Đạo Tư Mệnh, mọi sự đều tốt cho thực thi, đặc biệt hợp với việc Tế tự.

-Lương Đức Mến, cẩn soạn ngày 24/Một (11) Quý Mão-



[1] Cụ này là là con thứ Ba của Thế Tổ Lương Đức Hanh 梁德亨 với bà Cả Đặng Thị Chẻo 鄧氏沼. Thường gọi là Cụ giáo Chinh (vì cụ dạy học). Đất cạnh đình Hương, sau này L.Đ. Thông khi từ Lào Cai về (1966) ở.

Chưa rõ tên cụ bà, ngày mất và mộ phần.

Cụ sinh 2 Nam là Trược (vô tự) và Khuông. L.Đ. Khuông, thường gọi là Cụ Hội Khuê làm giáo học. Cụ không có con trai, chỉ 2 gái. Do vậy từ đời 5 trở đi dòng này dứt hẳn[1].

Hai con gái cụ Khuông, sau này gia đình lên khai hoang tại Lào Cai. Đó là:

- L.T. Khuê lấy Nguyễn Văn Khánh ở Lang Thượng, Mĩ Đức, An Lão. Năm 1962 lên Sơn Hải, Bảo Thắng. ốm mất năm 198?, có 1 Nam, 2 Nữ ở Bảo Thắng;

N.V. Tích nhà ở Phố Lu (sau chuyển Sơn Hải) có vợ và 4 con, trước làm mộc. Từ 2000 lập Đoàn Nhạc Hiếu, hoạt động có uy tín trong huyện Bảo Thắng. N.T. Phương (Ích) và N.T.Hương (Mích) là GV nghỉ hưu ở X.Quang, đều không lấy chồng, trưởng nữ là N.T. Phương đã mất 2023.

- L.T. Huấn lấy Đặng Văn Thoả cùng làng. L.T.Huấn là người được học nhiều nhất trong số con gái Lương tộc (ông và bố đều làm thày đồ) tháng 2/1964 lên khai hoang ở An Phong, cuối năm chuyển sang Trì Quang. Sau mấy năm bị bệnh thần kinh (Kị 7 tháng 11). Hai vợ chồng đều mất ở Trì Quang. Con trai (Tăng, Cường, Còn) lấy vợ, lập nghiệp ở Làng Mạ, Trì Quang, lối vào rất khó khăn, con cái học hành ít. Con gái (Minh, Mãn) lấy chồng bên Sơn Hải. Tháng 3/2001 Cường cũng chuyển sang đó.

[2] Một nghi thức Phật giáo mong cho linh hồn người đã mất siêu thoát.

[3] Được tin bà mệt hai vợ chồng tôi ngược tầu về thăm (Khi đó còn  tỉnh HLS hợp nhất năm 1976,chúng tôi làm việc ở tỉnh lị là Tx Yên Bái). Lúc này vợ tôi mang thai Huyền Thương được 7 tháng.ở chơi được 3 ngày bà giục chúng tôi sang thăm bên ngoại ở Gia Phú. Năm đó trời rất rét.Vợ chồng tôi đi được 2 ngày thì bà mất .Hồi đó đi lại còn khó khăn nên mặc dù cách có 40 Km cũng không ai sang báo chúng tôi.ở Gia Phú về, đến Phố Lu tôi xuôi tầu Yên Bái còn vợ tôi quay lại Phong Niên (mai còn làm việc vời PGD) Khi vợ tôi tới nhà thì vừa 3 ngày bà!

[4] Như vậy tên của cô, bố và chú tôi sẽ là:  ,,, với nghĩa: Vui vẻ, họp chợ, thương yêu , yên vui. Tất cả đã về hầu Tổ tiên người ở xuôi (Cô Ri), người ở Sơn Hải (CôThị) còn bố và chú tôi ở Phong Niên.

[5] Bạch Thái Bưởi (1877-1932) là nhà kinh doanh nổi tiếng hồi đầu Thế kỉ. Ông kinh doanh trên các lĩnh vực:làm đường, đóng tầu, khai mỏ, xuất bản báo, có công trong việc phát động chấn hưng kinh tế dân tộc.

[6] Khi lên Lào Cai đã nhượng lại cho Lương Đức Điểm, sau đó Kiện (Trưởng đời thứ 10) mua lại. Khi LĐ Kiệm mất (2021) con trai ở.

[7] Tổ khai sáng là cụ Phạm Đình Khanh  范廷牼, hậu duệ đời thứ 16, 17 của Phạm Ngũ Lão, từ Đường Hào sang lập nghiệp năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ nhất (Canh Thân, 1740). Trong phong trào chung, đã xây Từ đường từ ngày 12/3/2003 (10/2/Quý Mùi).

[8] Mẹ tôi là: Phạm Thị Uyển, năm 2022 đã đuuwơcj Chủ tịch nuuwơcs tặng lụa nhân dịp Mừng thọ 100. Hiện vẫn ở An Phong, An Hồ, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai.

[9] Ngày đó chưa có hệ thống sổ sách như sau này mà người dân nộp rất tự giác, người thu đem nộp cấp trên rất đầy đủ, đúng hẹn. Nhiều lần phải vượt qua bốt Khuể sang bên vùng tự do ở Tiên Lãng nộp tiền, bố tôi vẫn đi không quản ngại.

[10]  Chỉ mầy mò, tự học mà bố tôi kéo nhị, thổi sáo hay lại biết dựa vào các làn điệu dân ca soạn lời mới phù hợp với công tác tuyên truyền..

[11] Trong một dịp diễn, chú Rật tôi từng đóng vai Đổng Trác đã mượn rá độn bụng, rá vỡ, thím tôi phải đền. Khi lớn tôi vẫn được bố đưa đi trong các dịp Đội Văn nghệ tập, diễn. Ngay từ hồi 59-62 chị Khiên (con cậu Kiển) đã nổi tiếng hát hay nhưng sau này số lại long đong.

[12] Vì vậy mà địa danh “Na clao bon” tức “ruộng cây bon” được cụ ghi thành La Cà Bốn và thành tên thung lũng mà sau này là thôn An Phong, xã Phong Niên (từ khi nhập với Xóm ngoài thành thôn An Hồ, toi vẫn muốn giữ tên cũ là xóm An Phong) hay chùa km 37 蓮花寺 lại gọi là “Niên hoa Tự” đúng ra phải là “Liên hoa Tự”, tức Chùa Hoa sen !

[13] Ví dụ:

+ Dịp mừng Thọ người 70 (thực ra năm 1992 cụ chưa đến tuổi, nhưng vì thấy yếu và có ông hàng xóm cùng tuổi cũng mừng dịp đó). Chính dịp nay tôi có viết đôi câu đối và anh Hỗ có bài thơ,  in ở Phụ lục 6 còn Nguyễn Văn Quí-Công an tỉnh (sau đã chuyển YB) có tặng bức Trướng với bài thơ:

Mừng Cụ nay tròn Bẩy mươi niên, Con Ngoan, Cháu Thảo, Rể, Dâu Hiền.

Thanh bạch cuộc đời luôn gương mẫu, Chăm chút tảo tần thú Điền Viên.

Xuân về kính chúc Cụ trường Thọ, Dìu dắt cháu con vững đi lên.

Vạn sự Vẹn toàn như nguyện ước,  Phúc Đức tràn trề, Lộc thường xuyên

Sau này việc tổ chức mừng thọ tại An Phong đã đi vào nền nếp.

+ Nhất là ý tưởng qui tập, xây mộ của gia đình ở quê. Tháng 12/1994 Bố mẹ tôi, Vợ tôi và Thuộc, Tràng đã về xây xong qui tập được 6 mộ, còn một bà Cô của bố tôi không tìm thấy .Tôi chưa hỏi nhưng có lẽ đây là bà Tổ Cô Lương Thị Mẹt mà khi cúng giỗ bố hay khấn đến vì Cô Tổ rất linh thiêng luôn phù hộ cha con tôi !.Đến tháng 8/1997 tôi , Tràng về hoàn tất nốt việc khắc bia ghi danh và gắn vào mộ.  Còn nguyện vọng xây Từ đường ở quê, tới nay đang xúc tiến.Anh em tôi đã đóng góp kinh phí theo nguyên tắc tự nguyện (được 1.100.000đ), tôi đã chuyển về giao cho Trưởng họ ngày 31/8/1999.Phần mình tôi chuẩn bị 2 đôi câu đối với hàm ý con cháu li hương vẫn nhớ về đất cũ. Hai câu đó như sau: Câu dựa theo ý cũ của phụ thân khi còn sống:

Phúc xưa dầy: Nơi phát nguồn linh hiển-Đời càng vững Cây, bền Gốc;

Nền nay vững: Chốn li hương cần kiệm-Ngày thêm thắm Lá, tươi Cành.

Câu khác là:

Tổ tiên tích Đức:Gốc Tử, Phần-Làng xưa nghìn năm Thịnh;

Con cháu gắng Công:Chồi Lan, Quế-Bản mới bốn mùa Xuân..

[14] Đây là một trong những tư liệu chủ yếu giúp tôi soạn nên cuốn này.

[15] Có mấy điểm trùng hợp cần ghi nhận: Trước lúc tắt thở bà con hàng xóm, các cháu túc trực đông đủ. Nhưng chính lúc cụ “đi” thì chỉ có hàng con. Người mất 13 âm lịch và vaò thời điểm đó người có 13 con (7 đẻ, 4 dâu, 2 rể), 13 cháu (9 nội, 4 ngoại), có 13 gia đình họ Lương ở Lào Cai đến chịu tang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!