Người đi vỡ đất

30 tháng 1 2024

Lần đầu CÓ MẶT TẠI SÀI THÀNH

Lần đầu đến đất Sài Thành,

Biết bao bỡ ngỡ, rồi dần mới quen.

Khi TQ tuyên bố hoàn thành việc rút quân khỏi các vùng đã chiếm lấn của VN (04/3/1979), việc học tập của chúng tôi trở lại bình thường theo kế hoạch. Trong đó có việc thực tập Nội Vòng II.

Phút chót mới biết tôi đi thực tập tại Sài Gòn (chắc do mấy ảnh rõ tôi có gia đình tại biên giới phía Bắc, Lào Cai). Xin mãi được anh N.V. Phẳng (C trưởng phụ trách 2 B học viên K69 chúng tôi) đồng ý, tối 17/3/1979 (thứ Bẩy ngày 20/02 Kỷ Mùi) tôi ra ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chen mua vé lên tầu về Hải Phòng, trên tầu gặp gia đình bà Đoàn Văn Minh (cùng thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) trên đường “chạy loạn” về quê (ở Hải Phòng).

Đến HP lúc 21 giờ, trời tối lại lạ đường (từ khi rời quê năm 1964 tôi mới trở lại một lần vào năm 1971) cũng lo lo nhưng dựa vào trí nhớ tuổi thơ tôi vẫn đạp xe về đến làng Hương quê Nội tôi được (độ hơn 20 cây). Đường làng trơn, dò mãi cũng tới nhà anh L.Đ. Tiêm (anh họ tôi). Biết Bà ở xóm trong (họ Đặng, họ bà tôi), tôi vào thăm bà. Sáng ra, vào Cốc (bên Ngoại, cách làng Hương quê Nội khoảng cây rưỡi) thăm Mẹ và các em. Tại đây mới biết Bố và em Thường đã ngược lên Lào Cai từ 2 hôm trước vì được tin Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (中國人民解放軍, PLA) rút khỏi Phong Niên xã tôi từ 08/3 (thứ Năm ngày 11/02 Kỷ Mùi).

Sau này tôi được biết, khi bố lên đến nhà thì nhà đã cháy, có chỗ còn đang nghi ngút khói,  Thường (em gái tôi) bới được ít soong nhôm chảy,  bố tôi nhặt được ít đinh cong queo! May còn con lợn vì thả ra nên còn sống, chạy được về.

Theo L.Đ. Quang (em con chú ruột tôi) nói thì ngày 09/3 sau khi PLA rút,  Quang đóng quân gần đó có về thì nhà vẫn còn. Có lẽ do BĐ ta nấu ăn vô ý cháy. Khi cả nhà lên, chăn màn các em tôi phải lên chốt trên đồi gần nhà nhặt nhạnh, gom lại đem về. Thế là lại làm lại từ đầu ! Buồn cười là khi nhận hàng viện trợ do nhà bị cháy mẹ tôi nhận được toàn quần áo con nít, trong khi út Luận đã 9 tuổi! Đến 15/3 thì phía TQ rút hết khỏi Mường Khương và Bát Xát. Kiểm lại xóm tôi không chết một ai, chỉ mất tài sản, lợn gà bỏ lại. Riêng duy nhất có nhà tôi bị cháy. May mà BẰNG TỐT NGHIỆP CẤP III của tôi và chú  Thuộc được vất ra ngoài, không bị cháy nên đợt kiểm tra văn bằng năm 1993 chúng tôi có đủ thứ trình ra! 

Từ HP, lên đến Hà Nội tôi vào ngay Phú Xuyên (Hà Tây) đưa  xe đạp cho L.Đ. Tràng (em, con chú ruột tôi, thời gian này Tràng đang thực tập TCCN Bắc Thái tại Nhà máy đường Vạn Điểm gần nhà Phùng Thế Hùng) rồi quay về Trường ngay trong tối 19/3, chậm 1 giờ !. Xe này sau đó giao cho P.T.Nguyệt (em gái ruột P.T.Hùng, đang học Cao Đẳng Sư phạm Hà Tây ở Thường Tín) bảo quản và sử dụng.

Ngày 21/3/1979 (14/02 Kỷ Mùi, vào thứ Tư) đoàn đi thực tập tại miền Nam là Đoàn rời trường ĐHQY (HVQY nay) sau cùng. Vì giận HM không ra tiễn tôi viết bài thơ “Hai bông Hồng”.

Chúng tôi đi theo đường giao liên Quân đội bằng Tầu hỏa trên tuyến đường sắt Bắc Nam cả lượt đi lẫn lượt về[1].  Cũng vì đi tập thể theo đường giao liên nên chúng tôi không phải chen chúc mua vé, lên tầu và ngồi tầu!

Lượt vào, cả Đoàn 70 người chung một toa, toa giường nằm loại 6 người một khoang[2], ăn uống do ngành đường sắt lo: ngay tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chúng tôi được phát mỗi người một túi “thực phẩm” trị giá 5 đồng (ngày đó là nhớn chuyện rồi) gồm nhiều loại bánh kẹo và có cả thuốc lá... Số người không hút thuốc như tôi giữ lại và “đẩy đi” tại ga Bình Triệu (chưa rõ vì sao không vào ga Hòa Hưng). Ban ngày, 2 bạn nằm tầng trên hạ đệm xuống và cùng người nằm tầng 1 ngồi ngắm cảnh qua cửa sổ.

 Lần đầu đi dọc đất nước[3] thấy lắm cảnh lạ, điều hay[4]: Khoai Diễn Châu, Cơm Đồng Hới, Mía, Gà Đà Nẵng..., vượt đèo Hải Vân, lượn ven Bãi biển Sa Huỳnh....Nhưng lâu quá rồi, quên nhiều và ngay cả những việc còn nhớ nhưng thuật hết ra đây sẽ quá dài lại vướng chuyện riêng tư, khó nói (chưa kể chuyện cấm kị,sống để bụng chết mang đi)!

Buồn cười là khi mua “Đào lộn hột” ở ga Mường Mán (cây số 1500) cứ tưởng như quả Đào ngoài Bắc nhưng hột ở ngoài, song khi ăn không phải vậy! Tội mấy khăn Muixoa nhựa dính không sao giặt sạch được; Khi ở Quảng Ngãi (ga gà) ăn cua bị “Tào Tháo đuổi” hầu hết, hú vía !

Tháp Chàm, Thuận Hải nóng ghê người và hoang vu quá, lác đác mấy đàn bò gầy giơ xương bên bụi xương rồng cùng những ngôi nhà thấp tè quây kín và lợp tôn. Sang Đồng Nai thì mát rượi cây cối. Qua Xuân Hoà dấu tích chiến tranh hồi Xuân 1975 còn khá rõ trên các bức tường sót lại,...

Tới ga nào, đến giờ tắm, anh em ào xuống làm vệ sinh.

Ròng rã ngót nửa Tuần, chiều tối thứ 7 (ngày 24/3/1979) tầu cập ga Bình Triệu (tf Hồ Chí Minh). Lần đầu biết thế nào là “con phe” đất Sài thành. Bám dai, hỏi đủ thứ: tem lương thực, thuốc lá, sữa...cánh “lính SV” chúng tôi xua chả đi.

Sau đó xe của phân hiệu nhà Trường đón và đưa thẳng chúng tôi về 520 Nguyễn Tri Phương thuộc quận 10 (Cơ sở bổ túc Sĩ quan quân y cũ của Nguỵ), gần kề QYV 115.

Đúng ngày hôm sau (25/3/1979, vào Chủ Nhật) toàn thành phố có tin: tiền 50 đồng mất giá làm hàng hoá cứ leo thang hoài (hồi đó trong Nam sài tiền lẻ cả tiền nguỵ lẫn tiền giải phóng, đổi không quen lắm lúc khá phiền !).

 Nhà trường chia bọn tôi làm 4 nhóm thực tập ở: BV Chợ rẫy, QYV 117/121 (Cần Thơ), QYV 115 và QYV 175.

Tôi về 175 trong nhóm 20 người thực tập Nội. QYV 175 chính là Tổng y viện Cộng hoà cũ nằm trên đường Võ Duy Nghi nối dài thuộc Quận Gò Vấp. Chúng tôi ở Cư xá SV cũ (đối diện QYV qua đường VDN nối dài), 2 người một phòng, khá rộng.  

Nói thêm về QYV 175: Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày 12/5/1975 QĐND Việt Nam tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa (Cong Hoa General Hopital), đặt tên mới là Viện quân y 175 (tập hợp từ 3 bệnh viện: K116, K72, K59, một số Đội Điều trị) và tăng cường của Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 103 ngoài Bắc vô. 175 là số hiệu hợp thành của 3 số đầu của 3 bệnh viện, làm nhiệm vụ tiếp nhận, cứu chữa thương binh, bệnh binh và giải quyết di chứng vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng thành bệnh viện tuyến cuối của Quân đội phía Nam.

Lúc đầu, Bệnh viện Quân y 175 thuộc Cục Hậu cần Miền, sau đó thuộc Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, và trực thuộc Bộ Quốc phòng (1/1/2003).

Hiện nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 175 (BV 175), tọa lạc tại số 786 Nguyễn Kiệm, Quận Gò Vấp, có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ cấp cao trong quân đội, cán bộ cấp cao Đảng - Nhà nước, và các đối tượng khác.

Thời kỳ chúng tôi thực tập tại đây, QYV 175 do GsTs Nguyễn Thúc Tùng (Tùng con để phân biệt với Tùng lớn là Gs Tôn Thất Tùng)  là Viện trưởng; Bác sĩ, AHLLVT Đỗ Hoài Nam (1931-1990) là Phó Viện trưởng phụ trách Ngoại còn Phó Viện trưởng phụ trách Nội là Giáo sư Đỗ Đình Địch (1917-2009).

Hồi này Nhà nước đang khó khăn, bữa cơm ăn toàn “bo bo” (mì hạt) với thức ăn là bì lợn (nhà máy đóng hộp thải ra) nhai trại quai hàm, ghê cả răng.  Nhưng sức trẻ vẫn chén hết sạch, đến giờ qua đường sang QYV 175 làm việc. Đói! Hàng quà xung quanh sẵn nhưng hổng tiền, chỉ dám sài Xá xị với Bánh đa nướng!

Nhiều chuyện hiểu lầm tức cười. Quen uống rượu với lạc và cũng là để đỡ tiền, chúng tôi gọi lạc rang, chủ quán hỏi: lạc đỏ hay trắng, bọn tôi bảo gì cũng được. Thế là mấy cô túa ra vây liền. Về sau dân bản địa cho biết : “lạc đỏ chỉ gái tơ, lạc trắng chỉ gái xề và 2 loại chênh giá khá lớn”. Hú hồn !

 So với số đông các BV ngoài Bắc hồi đó thì trang bị của QYV 175 khá hơn, một số thuốc, vật tư còn lại từ hồi Mỹ viện trợ cho quân đội Sài Gòn; mặt bệnh cũng phong phú, nhất là nhóm bệnh Nhiệt đới và ngoại Dã chiến.

Hồi này tình hình biên giới Tây Nam căng nên Thương binh về luôn và chúng tôi gặp nhiều dạng vết thương do mìn, súng AK, nhiều bệnh nhân sốt rét ác tính và bệnh nhân mắc chứng Hysteria,....

Ngoài 175 chúng tôi còn được thực tập ở BV Gò Vấp về Sản khoa và BV Chợ Rẫy về Cận lâm sàng.

Lý thú là, cùng một đất nước mà có từ đọc mãi mới hiểu. Ví dụ: “Uốn ván” gọi là “Phong đòn gánh”, “nước biển” chính là nước muối sinh lý,…. Một hôm trực Sản tại NHS Gò Vấp có một ca tuyến dưới chuyển lên giới thiệu là: “Nghi xảy thai Doté” ! Cho rằng các Bs trong này hay dùng chữ Pháp nên tôi ngỡ đó là Hội chứng gì mà mình chưa rõ nên đã lục trí nhớ, tra từ điển mãi chả hiểu Doté là bệnh hay hội chứng gì!. Sau, hỏi một Nữ Hộ sinh cùng trực mới hay đó là chữ thuần Việt, viết liền. Nó là: do té = do ngã ! Ca đấy, chúng tôi xử lý thành công!

Chính dịp này HM cũng vô Nha trang thực tập (rời HN sau tôi 1 tháng). Nhưng vì thời gian và ngân sách nên tôi không thể ra thăm, với lại hồi đó chúng tôi chưa yêu nhau.

Bù lại, chúng tôi cũng đã đi nhiều nơi (cả đoàn hay tốp lẻ): Vườn cây trái Lái Thiêu, Dinh Độc lập, Sở thú, Chợ Bến Thành...bằng ô tô của Trường hay trên những chiếc xe đạp của người nhà Lộc và của người nhà Thành, Lân cho, cho mượn. Hồi đó trong số chúng tôi, ối người mò tìm được nhà người họ hàng với địa chỉ khá mơ hồ!.

Cũng có lắm kỉ niệm hay. Nhưng nhớ nhất là chuyện với cô y tá M ở Khoa XN, chính vì bài sau mà suýt nữa tôi bị tổ Đảng “cắt đối tượng” !

“Ai làm chiếc nón quai thao,

Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

Mùa hè che mái tóc xanh,

Chao tay nón quạt lay thành gió ngân.

Đường làng bước dưới mưa Xuân,

Tay nghiêng che nón, tay cầm trong tay.

Ước gì là một áng mây,

Lợp nên chiếc nón suốt ngày bên em.

(Cư xá Sinh viên-Võ Duy Nghi nối dài-Gò Vấp 8/1979)

Thời kì này thương binh từ CPC về nhiều nên khá bận việc. Bù lại các Y tá, Hộ lý ở đây khá “nhiệt tình” và quí bọn tôi. XL, người Huế mết Đào Dũng, N “vây” Chử Thành... làm nhiều khi bọn tôi phải xơi quả và tiếp khách...oan !.

Theo Kế hoạch thì thực tập 4 tháng. Nhưng vì đoàn Biên giới phía Bắc phải bận theo “chiến dịch” nên bọn tôi được lệnh Kéo dài thời gian! Chủ nhật không trực là bọn tôi được đi chơi khá nhiều nơi nhưng phải đi từ 3 người trở lên, theo đúng quy định Nhà trường quân đội đề ra!...

Qua thư từ tôi biết gia đình đã trở lại Lào Cai, mẹ gửi cho tôi 200đ.

Tới tháng 11 mới nhận lệnh “Thi hết vòng Nội II và ra Bắc học tiếp hết chương trình[5], chuẩn bị Ôn và Thi Tốt nghiệp”.

Vì cạn tiền và cũng chưa quen buôn bán nên chả mấy ai mua đồ nhiều !

Chiều 24/11/1979  Trường đưa xe từ Gò Vấp ra ga Hố Nai.

Qua 9 tháng hầu hết CBNV QYV 175 đều rất quí bọn tôi, nên  tổ chức chia tay khá cảm động  và có nhiều người tiễn ra tận ga. Trong thời gian chờ tầu mới biết nơi đây toàn dân “đuổi Pháp quá đà” vô Nam từ 1954 mà đa phần là dân Công giáo.

Đường ra chúng tôi đã kém hào hứng và phục vụ của giao liên quân đội cũng kém hơn lượt vào[6].

 Đến Đà Nẵng tầu bị bọn trộm đột,  đoàn tôi mất một ít, của tôi “nguyễn y vân”. Mà hồi đó sao cướp, trộm nhiều thế, nhất là trên Tầu tuyến Bắc Nam!

5 giờ sáng 27/11/1979 tới Hà Nội (ga Hàng Cỏ). Lúc này HN đã rét, phải khoác thêm áo len (mặc dù đến Vinh chúng tôi đã lôi đại cán ra mặc). Chờ 8 giờ Trường đưa xe ra đón,  tôi để đồ đạc cho ND Chi quản, đưa về trường, còn mình ngược ngay chuyến tầu trưa  lên Lào Cai (xuống ga Phố Lu rồi cuốc bộ 15 cây số xuyên rừng về nhà ở An Phong, Phong Niên cùng huyện Bảo Thắng).

Về tới nhà, sau 5 ngày tầu xe người phờ phạc hẳn và  mới biết bố tôi vừa ra viện (phù).

Sau Chiến tranh biên giới 279, nơi đây toàn Bộ đội đóng quân. Nhà tôi bị cháy, chưa làm lại, ở tạm nhà cũ xưa. Lúc này túi tôi còn vừa đúng 3 đồng rưỡi.

Kiểm đồ mua từ Sài Gòn ra thấy cái áo mút (mầu xanh) mua cho út Luận (SN 1970) khi xem ở chợ Bến Thành rõ là dài sau bây giờ như áo Búp bê, túi cá mực thì bên trong toàn cá tạp, chỉ 2 lớp ngoài là mực; cau khô mua cho cô (chị gái bố tôi ở Sơn Hải) thì cứng như đá…!

Thế là kết thúc chuyến sống ở Sài Gòn đầu tiên và cũng là chuyến xa nơi đóng quân (1700 km) dài nhất (ngót 8 tháng) từ khi rời gia đình  (9/1973) đến nay!

- Lương Đức Mến, soạn 21/3/2019, Viết lại 20/Chạp Quý Mão-


[1] Đường sắt Bắc Nam hay đường sắt Thống Nhất là tuyến đường sắt bắt đầu từ thủ đô Hà Nội và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đường sắt Bắc Nam chạy gần song song với Quốc lộ 1 là một phần của hệ thống tuyến đường sắt xuyên lục địa Á - Âu.

Tuyến này do Pháp xây dựng và ngày  2 tháng 10 năm 1936 chính thức khánh thành.  đi qua các tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời kỳ chiến tranh (1945-1975), tuyến đường sắt này bị hư hại nặng nề.

Sau Thống nhất đất nước, bằng Mệnh lệnh đặc biệt số 358-TTg ngày 14-11-1975 Hội đồng Chính phủ cho khôi phục nhanh chóng tuyến đường sắt thống nhất nối lại hai miền Bắc – Nam đã bị chia cắt

Việc khôi phục được hoàn thành vào ngày 31/12/1976 và việc khánh thành tuyến Đường sắt Bắc Nam (Đường sắt Thống Nhất) với sự kiện hai đoàn tàu Thống nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn (ga Hòa Hưng).

[2] Toa Bn với 7 khoang/toa

[3] Trên  được kéo bằng đầu máy hơi nước và có 6 toa xe, trong đó có 4 toa giường nằm.    

[4] Hồi đó, do an ninh đã tương đối ổn định nên tầu chạy cả ban đêm, không dừng nghỉ lại tại các ga chính như: Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng…

[5] Để năm sau thực tập tốt nghiệp tại  Bệnh viện Việt Trì của tỉnh Vĩnh Phú (19/5 đến 10/10/1980)

[6] Chúng tôi được bố trí tại toa xe ngồi cứng, ký hiệu bằng chữ B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!